Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
Hội nhập kinh tế quốc tế là “trận Điện Biên Phủ trong kinh tế”
08:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
“Các doanh nghiệp hãy khoan trách Chính
phủ, bởi thượng tầng đã có sự thay đổi tích cực, trong khi hạ tầng chưa
chịu thay đổi… Mỗi doanh nghiệp cần xác định hội nhập kinh tế quốc tế là
“trận Điện Biên Phủ trong kinh tế”. Nếu doanh nghiệp không thay đổi tư
duy thì Việt Nam sẽ mãi lẽo đẽo đi sau thế giới”.
Nguyên Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa đã nhấn
mạnh điều này khi đề cập đến vấn đề thay đổi tư duy, nâng cao năng lực
cạnh tranh để sẵn sàng đón nhận cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang
lại.
“Rào cản lớn nhất của phát triển là thay đổi tư duy”
Về ý tưởng và đường lối, Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến
bộ, dần tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Nhiều hiệp định thương mại tự
do song phương và đa phương đã được đàm phán, ký kết, cả ở cấp độ quốc
gia, khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế
thế giới, Việt Nam vẫn đang đứng trong nhóm chịu nhiều thiệt thòi trong
cuộc chơi “hội nhập”, năng lực cạnh tranh vẫn còn ở mức thấp.
Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực
cạnh tranh để sẵn sàng đón nhận cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang
lại
Ảnh: Tất Tiên
Một điểm sáng được thế giới đánh giá cao là hàng loạt chỉ số về
công nghệ thông tin - viễn thông của Việt Nam đứng đầu toàn cầu và giúp
GDP tăng trên 5% mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang lãng
phí nguồn lực đó, đại bộ phận doanh nghiệp và người dân vẫn chưa tận
dụng và khai thác được cơ hội phát triển này. “Cho đến nay, Việt Nam vẫn
chỉ là một quốc gia “gia công”, chủ yếu thu hút FDI dựa vào nhân công
giá rẻ và lao động cần cù”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa thẳng thắn chỉ ra: “Rào cản lớn nhất hiện
nay đối với Việt Nam là về thay đổi tư duy. Tư duy là điểm nghẽn, ẩn số
cần phải giải mã, cần phải thay đổi. Cho đến nay, cộng đồng doanh nghiệp
Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi tư duy để hội nhập, mà vẫn giữ thói
quen trông chờ nhận được hợp đồng từ “sân sau”. Trong khi đó, bản chất
của doanh nghiệp là tri thức và 100 năm qua, tri thức của doanh nghiệp
Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Tại Việt Nam, sự sáng tạo chỉ đóng góp 3%
GDP, trong khi so với các quốc gia khác như Nhật Bản - một quốc gia già
cỗi, không có nhiều tài nguyên, không có FDI, nhưng sự sáng tạo đã đóng
góp tới 70% GDP.
Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT
kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I cũng cho rằng: “Nếu chúng
ta vẫn giữ tư duy ta có thể làm dễ dàng như đã từng làm, thì sẽ rất khó
để tồn tại”.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến
nghị, doanh nghiệp hãy tư duy đến một “sân chơi” lớn, một thị trường lớn
hơn với những thách thức lớn hơn để nhập cuộc tốt nhất với sự năng động
của chính mình.
“Cần chấn hưng lại doanh trí”
Để tận dụng tối đa cơ hội phát triển mà hội nhập mang lại, nhiều ý
kiến cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế để kích thích các
dòng đầu tư, đấu thầu bằng điện tử để minh bạch hóa thông tin, từ đó
tăng cường sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Doanh nghiệp
Việt Nam cần phát huy lợi thế của người đi sau và áp dụng những thành
tựu công nghệ của thế giới phẳng, kỷ nguyên số hóa, Internet…
Trên phương diện của nhà hoạch định chiến lược, ông Nguyễn Hữu Thái
Hòa cho rằng: “Chúng ta cần định vị Việt Nam là trung tâm chiến lược về
văn hóa - kinh tế - chính trị. Hiện nay, có tới hơn 40% dòng tiền của
thế giới chạy xung quanh Việt Nam, nhưng điều đáng tiếc là các dòng tiền
đó chưa chui vào cái phễu trung tâm”.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đưa ra một ví
dụ thực tế về hải quan điện tử để so sánh Việt Nam với các nước khác
trong khu vực. Điển hình như ở Singapore, các cảng biển trung chuyển
hàng hóa thường rất nhỏ do sự hạn chế về địa hình, nên tất cả các tàu
thuyền phải bốc, dỡ hàng hóa rất nhanh chóng, các thủ tục hải quan được
giải quyết không quá 30 phút nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Trong khi
đó, ở Việt Nam, thời gian để thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa
thường phải mất tới 1 tuần.
“Tăng năng lực cạnh tranh bằng công nghệ thông tin, mỗi năm Việt
Nam có thể cộng thêm 5% vào GDP. Chỉ một quốc gia không chịu phát triển
mới không ứng dụng điều này”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng cho rằng: “Không phải vì yếu kém, thua
thiệt mà chúng ta bỏ cuộc, yếu vẫn có thể tìm được thị trường phát
triển riêng”. Để chứng minh điều này, ông Hòa đã chia sẻ câu chuyện thực
tế của Tập đoàn FPT. Theo đó, FPT thu được nhiều lợi nhuận và kiếm được
bộn tiền nhờ 10 cơn bão mỗi năm, từ việc rút ngắn thời gian khắc phục
sự cố các trạm phát sóng viễn thông do ảnh hưởng của bão từ 5 - 7 ngày
xuống còn 2 ngày bằng cách tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực”. Tập
đoàn FPT cũng đang viết phần mềm cho Tập đoàn Boeing là tập đoàn hàng
không số 1 thế giới – điều mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới.
Bích Thủy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét