Với TPP, cơ hội luôn song hành với thách thức. |
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015
Với TPP, không có bữa trưa miễn phí!
08:23
Hoàng Phong Nhã
No comments
Việt Nam được đánh giá là nước
được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên, có vẻ như doanh nghiệp
chưa lường hết được những khó khăn mà hội nhập mang lại.
Nhân sự kiện kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phóng viên Taichinhplus.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với một số chuyên gia về cơ hội và thách thức của Việt Nam trên con đường hội nhập với TPP.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, GS – TS. Nguyễn Quang Thái: Chúng ta chưa lường hết khó khăn
Đây là Hiệp định có tính đòi hỏi cao đối
với tất cả các nước tham gia, đồng thời nó cũng mở ra cơ hội mới trong
lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ, dịch vụ, lao động…
Chính phủ cần tuyên truyền, giải thích
cho nhân dân hiểu rõ hơn về TPP đối với từng ngành, để mỗi người dân
cũng như doanh nghiệp hiểu được rằng cần làm gì để vượt qua khó khăn
cũng như cần làm gì để nắm bắt cơ hội.
Đây là cơ hội rất tốt nhưng đồng thời
cũng có những thách thức không hề nhỏ, có những ngành phải cơ cấu lại,
phải có những tính toán cụ thể, chứ không phải cứ nói rằng về cơ bản là
tốt mà không có những bước đi cụ thể. Thực tế là có nhiều khó khăn buộc
các doanh nghiệp phải chuyển đổi chứ không hề dễ dàng như mọi người
tưởng. Chúng ta nói quá nhiều đến thuận lợi mà chưa lường được hết những
khó khăn sẽ phải đối mặt.
Tuy nhiên tôi cho rằng cơ hội của chúng ta vẫn là rất lớn và Việt Nam vẫn là nước được hưởng lợi nhiều mặt khi tham gia TPP.
Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp có thể gặp rắc rối pháp lý
Với việc TPP được thông qua, lợi thế cho
Việt Nam là quá lớn. Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là nước thụ
hưởng nhiều lợi thế nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Việt Nam có lợi nhiều nhất vì chúng ta
xuất phát điểm khá thấp trong TPP, đặc biệt nhiều mặt hàng chúng ta xuất
khẩu rất tốt ra nước ngoài. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhập khẩu rất
nhiều, như vậy độ mở thương mại của Việt Nam sẽ là lớn nhất trong số các
nước tham gia TPP.
Ngân hàng Thế giới lượng hóa GDP của
Việt Nam sẽ tăng thêm từ 8-10% điểm cơ bản. Chẳng hạn như nếu GDP của
chúng ta năm nay tăng 6% mà chúng ta tận dụng tốt khi tham gia TPP thì
có thể GDP sẽ tăng thêm 0,6% nữa. Như thế GDP có thể tăng 6,6%. Tất
nhiên còn phụ thuộc vào việc chúng ta có tận dụng hết cơ hội hay không.
Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải nhiều
thách thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quan hệ nhà nước… và vấn
đề về quyền của người lao động liên quan đến công đoàn. Vấn đề này đã
được tháo gỡ trong quá trình đàm phán, nhưng chắc chắn trong quá trình
thực hiện sau này có thể sẽ có những vướng mắc.
Cuối cùng là liên quan đến khó khăn về
ngoại ngữ, khó khăn về pháp lý, pháp chế. Nếu sau này các doanh nghiệp
không cẩn thận họ sẽ bị vướng vào những rắc rối liên quan đến pháp lý.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong: Sẽ phức tạp nếu TPP có thêm thành viên
Đàm phán TPP đã kết thúc có hậu trên cơ
sở hài hòa lợi ích giữa các bên, đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn hiện
đại nhất. Nó như một bước tiến trong hội nhập kinh tế.
Vấn đề là khi TPP được hình thành chắc
chắn sẽ tạo ra lợi ích cân bằng cho tất cả các bên và đối với quốc gia
có trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam thì lợi ích mà TPP mang lại
sẽ cao hơn cũng như các điều kiện liên quan.
Để TPP thực sự được thông qua còn phải
trải qua rất nhiều thủ tục, đặc biệt là phải được sự thông qua của Quốc
hội mỗi nước. Khi TPP có hiệu lực ngay tức thì cũng chỉ có 90% dòng thuế
được miễn giảm về 0%, còn lại 10% vẫn nằm trong lộ trình trong vòng 10
năm nữa. Vì thế một số dòng thuế vẫn cần có thời gian để điều chỉnh. Hơn
nữa, có nhiều nước tham gia vào quá trình hội nhập chậm, cần có thời
gian để phát triển thể chế và năng lực cạnh tranh.
Có thể có những khó khăn, tuy nhiên về
tổng thể sẽ có nhiều lợi ích lớn do TPP mang lại. Vấn đề sẽ phức tạp hơn
nếu xuất hiện thêm những thành viên mới trong TPP vào thời gian tới.
Hiện nay theo tôi được biết có ít nhất 5-6 quốc gia đang có nguyện vọng
được tham gia vào TPP.
Cơ hội lớn nhất là chúng ta có lợi thế
về xuất khẩu sang các thị trường lớn trong số các nước thành viên như
Mỹ, Canada, Nhật Bản… Hầu hết các mặt hàng giảm thuế ngay lập tức đều là
mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Một số mặt hàng chúng ta ít có cơ hội
phát triển thì cũng sẽ nhận được cơ hội từ công nghệ nguồn, nhận được
hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ các nước thành viên với chi phí
thấp.
Một số lao động và dịch vụ sẽ có cơ hội
tìm kiếm thị trường mới. Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ có
cơ hội tìm kiếm thị trường ngách của các nước thành viên TPP.
Tóm lại, TPP mang lại nhiều cơ hội lớn,
tuy nhiên việc khai thác tận dụng cơ hội đến đâu phụ thuộc vào từng
doanh nghiệp cũng như sự cải thiện của môi trường thể chế. Bên cạnh đó
chúng ta sẽ đối diện khá nhiều thách thức. Trước hết là cạnh tranh trực
tiếp, ngay cả những lĩnh vực như nông sản vốn được xem là thế mạnh của
chúng ta cũng có thể phải đón nhận nhiều thách thức. Ngoài ra sự cạnh
tranh đối với các sản phẩm công nghiệp cũng sẽ tăng lên, nếu không điều
chỉnh chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với các
doanh nghiệp ngoại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét