Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015
Lợi nhuận hàng loạt doanh nghiệp chứng khoán lao dốc!
15:45
Hoàng Phong Nhã
No comments
Một số công ty chứng khoán đã
công bố kết quả kinh doanh quý 3 nhưng phần lớn các công ty này đều ghi
nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Lợi nhuận lao dốc
Điểm sáng về kết quả kinh doanh của nhóm này thuộc về CTCK Sài Gòn (SSI)
và CTCK VNDirect (VND) tuy nhiên lợi nhuận quý 3/2015 của 2 doanh
nghiệp này cũng chỉ tăng với con số rất khiêm tốn, lần lượt 10% và 6% so
với cùng kỳ.
Cụ thể, SSI ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 267,55 tỷ đồng, và mức lợi nhuận trước thuế của VND là 58,195 tỷ đồng.
Ngoài 2 doanh nghiệp chứng khoán trên
được giới đầu tư đánh giá "điểm sáng", còn lại hàng loạt các công ty
chứng khoán khác như: CTCK VietinbankSC (CTG), CTCK Thành phố Hồ Chí
Minh (HCM), CTCK Vietcombank (VCSC), CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK FPT
(FPTS), CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)... mặc dù vẫn có lợi nhuận ở mức
dương nhưng đều sụt giảm tương đối mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của HCM đạt
45,3 tỷ đồng, giảm quá nửa so với con số 105 tỷ đồng của cùng kỳ năm
2014. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của HCM cũng không sáng sủa hơn
với lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng, giảm 55% so với 9 tháng đầu năm
2014.
Trong khi đó, CTG đạt 15,52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, với BVS, lợi nhuận giảm nhiều.
Quý 3/2015, BVS cũng chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16,95 tỷ đồng,
giảm 41% so với quý 3/2014. Lũy kế 9 tháng, BVS ghi nhận doanh thu
211,96 tỷ đồng, LNST 84,21 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 6% so với cùng
kỳ 2014.
Tương tự, lợi nhuận của FPTS cũng giảm
25% so với cùng kỳ, đạt 27,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lãi 93,3 tỷ đồng,
giảm 10% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trường hợp của SHS ghi nhận
mức lợi nhuận sau thuế quý 3/2015 chỉ hơn 13,5 tỷ đồng, giảm 79% so với
cùng kỳ 2014. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận SHS đạt hơn 42,3 tỷ đồng.
Cá biệt, các trường hợp như CTCK Kim
Long (KLS), CTCK Ngân hàng Agribank (AGR)... ghi nhận mức lỗ lần lượt 45
tỷ đồng và 26 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng dẫn đến chi
phí hoạt động tăng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo giải trình của các công ty, nguyên
nhân thua lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm chủ yếu đến từ việc thị trường
chứng khoán ảm đạm, công ty phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, mảng tự
doanh của nhiều công ty cũng không đạt như kỳ vọng.
Theo giải trình của CTCK HCM, sự sụt giảm mạnh mẽ doanh thu môi giới và tư vấn khiến doanh thu và lợi nhuận giảm sâu.
Trường hợp của KLS, mặc dù doanh thu cải
thiện, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán tăng
mạnh khiến KLS lỗ lớn trong quý 3/2015.
Còn theo AGR, mặc dù doanh thu tư vấn,
doanh thu lưu ký có sự tăng trưởng trong kỳ nhưng doanh thu môi giới
giảm 40% xuống còn 7,38 tỷ đồng; doanh thu khác giảm mạnh 58% còn 15,53
tỷ đồng đã khiến doanh thu toàn quý sụt giảm đáng kể. Cùng với đó, các
chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí hoạt động, chi phí quản lý đều
tăng so với quý 3/2014 đã khiến công ty thua lỗ.
Không bị sụt giảm trong doanh thu mảng tư vấn, nhưng CTG lại bị sụt giảm mạnh doanh thu các mảng môi giới và tự doanh.
Đối với trường hợp của BVS, sự sụt giảm
của doanh thu môi giới (-27%), doanh thu tự doanh (-33%) đã khiến cho
doanh thu quý 3 giảm 15% so với cùng kỳ 2014.
Ngoài yếu tố thị trường không thuận lợi,
theo giải trình của SHS, do còn phải trích lập dự phòng giảm giá chứng
khoán (16,5 tỷ đồng) khiến lợi nhuận quý 3 giảm sút.
Theo
nhận định của BVS, với diễn biến khá tiêu cực của TTCK trong quý 3, kết
quả kinh doanh của các công ty chứng khoán không gây nhiều bất ngờ cho
nhà đầu tư.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét