Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi 50 ha đất dự án


Sau khi bị Kon Tum thu hồi dự án 1.600 tỷ, Hoàng Anh Gia Lai lại bị Gia Lai thu hồi 50 ha đất.
1464666288-2808-thu-hoi-dat-hagl-1009
50 ha đất hiện đang trồng tiêu cấp cho Hoàng Anh Gia Lai vừa bị thu hồi. Ảnh minh họa
Ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định thu hồi trên 50 ha đất của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đồng thời giao số đất này cho Công ty Nông nghiệp NUTI để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu tại xã Ia Băng (Chư Prông) và xã Gào (TP Pleiku). Thời hạn sử dụng đất đến năm 2042.
Số đất trên do UBND tỉnh Gia Lai cấp cho HAGL tháng 2/2001, hiện nay đang trồng tiêu. Ngày 11/5, Công ty Nông nghiệp NUTI có đơn đề nghị thuê đất và đến ngày 23/5 được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận.
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã thống nhất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động tại Dự án đầu tư trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của HAGL do tập đoàn này đã chủ động chấm dứt hoạt động của dự án.
Trước đó, tháng 5/2015, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của HAGL dự kiến triển khai tại huyện Ia H’Drai trên diện tích 960 ha, với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Theo Baogiaothong.vn

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Những cái chết "thảm" của vua chúa Việt Nam




Ở ngôi Thiên tử, hưởng cuộc sống vương giả thì chết cũng phải đế vương. Thế nhưng, một số vua chúa Việt Nam đã bị giết chết rất dã man...
Bị chém đầu đóng vào cọc, bêu ngoài chợ
Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) là vị vua thứ năm của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Nguyên quán Mạc Mậu Hợp là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).


Mạc Mậu Hợp sinh năm 1560 là con trưởng của Hoàng đế Mạc Tuyên Tông. Do vua cha bị bệnh đậu mùa mất sớm, Mạc Mậu Hợp mới lên 2 tuổi đã được Khiêm vương Mạc Kính Điển là phụ chính đưa lên ngôi tháng 1 năm 1562. Lúc này, triều chính vẫn do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Mậu Hợp lên ngôi lấy niên hiệu là Thuần Phúc thứ nhất.
Sử sách chép rằng, Mạc Mậu Hợp sét đánh không chết. Thế nhưng, vào ngày 14 tháng 12 năm 1592, khi vua thua trận, phải bỏ kinh thành chạy về Kim Thành (Hải Dương); cạo đầu làm sư, ẩn ở chùa Mô Khuê hạt Phượng Nhãn thì bị lộ. Lúc đó, tự liệu không thể thoát thân, vua vua xin: "Mấy ngày nay đói khát quá, cho xin 1 bình rượu uống cho đã".

Quân sĩ bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng: "Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nổi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vầy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước Hoàng đế, để bầy tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn...".

Trịnh Tùng thấy Mạc Mậu Hợp về hàng, không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mậu Hợp 3 ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, rồi đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày.

Mạc Mậu Hợp ở ngôi vua cộng 29 năm, thọ 30 tuổi. Vì ông bị giết và sau khi ông chết, nhà Mạc cũng mất nên không được đặt miếu hiệu và thuỵ hiệu.

Buộc ép uống thuốc độc mà chết
Vua Hiệp Hòa (1846-1883) là vị vua thứ 6 của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật và còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng. Một số tài liệu ghi ông sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 1 tháng 11 năm 1847. Hồng Dật là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận.

Năm 1883, vua Dục Đức bị phế và chết trong tù. Các quan sai lính đến xóm Kim Long đón Hồng Dật về cung để đưa lên làm vua mới. Hồng Dật thoái thác, nhưng bị ép lên ngôi ngày 30 tháng 7 năm 1883, lấy hiệu Hiệp Hoà. Do có ý thân Pháp, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị hai đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế bỏ và bắt uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi, tức 29 tháng 11 năm 1883.
Việt sử Tân Biên, quyển 5 tập thượng có ghi: "Vua Hiệp Hoà thấy ông Tường và ông Thuyết có lập trường chính trị trái ngược mình, liền viết một bức thư giao cho Hồng Sâm, vừa là Bí thư vừa là anh em thúc bá của mình, để mang qua toà Khâm để nhờ tay Pháp hạ hai quan Phụ chính trên. Việc lén lút này, bị Nội giám Đạt biết được, mách với ông Tường. Và ông Tường bắt được lá thư nằm trong chiếc hộp sơn, có đóng dấu của nhà vua.
Ngay trưa hôm ấy (29-11-1883), sau khi truyền đóng hết tất cả các cửa Hoàng thành lại, triều thần nhóm họp bất thường hạch tội vua Hiệp Hoà. Nhà vua bị buộc ba tội: Thâm lạm công nhu; -Không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính; Tư thông với đại diện của Pháp.
Vua Hiệp Hoà không cãi được, triều đình buộc ông phải thoái vị.
...Sau khi ông vua vừa bị phế do dự một lát rồi chọn chén độc dược. Vào khoảng 4 giờ, người ta khiêng ông về đến tư thất, rồi trút hơi tàn vào khoảng mặt trời lặn".
Dưới thời Thành Thái vào năm 1891, ông được truy phong là Văn Lãng Quận vương.
Chết không toàn thây
Lê Uy Mục (1488-1509) là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, so với lịch sử vẻ vang kéo dài suốt 100 năm của nhà Lê, từ năm 1428 (Lê Lợi lên ngôi) đến năm 1527 (khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê), với nhiều vị vua hiền tài như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông... thì thói lạm sát vô tội vạ, sự nhẫn tâm bức hại ngay chính tổ mẫu (hoàng thái hậu Trường Lạc)... của vua Uy Mục không xứng với bậc đế vương. Và cái chết không toàn thây của ông là một kết quả tất yếu.

Theo sử sách, sự tàn bạo quá đáng của vua Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và trong hàng ngũ quan lại, dòng dõi họ Lê. Giản Tu công Lê Oánh đã sai Lương Đắc Bằng viết Hịch dụ đại thần và các quan: "Bạo chúa Lê Uy Mục, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác, ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".

Tiếp đến, Lê Oánh lại làm bài hịch rằng: "Đoan Khánh làm vua, họ ngoại chuyên quyền. Tử Mô làm phường ngu hèn nơi phố chợ làm rối loạn kỷ cương. Thắng Chủng là hạng trẻ ranh miệng còn hơi sữa đã tái oai tác phúc. Đến mức đánh thuốc độc giết bà nội, tàn sát các thân vương. Theo ý riêng mà giết hại sinh dân, không biết đâu cho thoả; dùng ngón ngầm để vét vơ tiền của, càng mặc sức tham lam. Bốn biển đã khốn cùng, muôn dân đều sầu oán".
Khi Giản Tu công từ Tây Đô đem các dinh thuỷ, bộ cùng tiến phát, tiến vào sát thành, mọi người đều chạy trốn. Ngày 28/8, vua chạy tới phường Nhật Chiêu, một vệ sĩ cũ đuổi theo bắt được, nộp cho Giản Tu công giam ở cửa Lệ Cảnh. Tháng 12, vua bị ép uống thuốc độc tự tử. Giản Tu công vì việc trước đây vua giết hại cha mẹ, anh chị em mình rất thảm khốc, mới căm giận chưa nguôi, sai người dùng súng lớn, để xác vua vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng ở quê mẹ là làng Phù Chẩn.
Sau này Lê Chiêu Tông lên ngôi mới đặt tên thụy cho ông là Uy Mục đế. Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 21 tuổi.
Xác bị đốt thành tro bụi
Lê Tương Dực (1495 – 1516) tên húy là Oánh, có tên nữa là Trừ, là cháu nội Lê Thánh Tông và là vị vua thứ chín của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1509 đến khi bị Trịnh Duy Sản giết hại ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516.

Không kém cạnh tiền nhân Lê Uy Mục, Tương Dực cũng lao vào con đường ǎn chơi trụy lạc. Chưa hết, tháng 5 năm Giáp Tuất (1514), vua nghe lời tâu của Hiệu úy Hữu Vĩnh, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của Mẫn Lệ công (Vua Uy Mục) và triều trước vào để gian dâm. Năm Bính Tý (1516), vua cho đắp thành mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa... Chắn ngang sông Tô Lịch... Lại làm điện hơn trăm nóc, đóng thuyền chiến, sai bọn nữ sử cởi truồng chèo thuyền ở Hồ Tây cùng Vua chơi đùa, lấy làm thích thú.

Trước tình hình đó, các thế lực phong kiến địa phương như Trần Cảo nổi lên. Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe, lại còn đem Sản ra đánh bằng trượng. Duy Sản bàn cùng với một số quần thần khác như Lê Quảng Độ, Trịnh Chí Sâm mưu việc phế lập. Tháng 4 năm Bính Tý (1516), Trịnh Duy Sản sai người đâm chết vua Tương Dực, đem xác đốt thành tro bụi.
Lúc bị giết, Tương Dực bị giáng làm Linh Ẩn vương, sau Lê Chiêu Tông mới đặt thụy hiệu là Tương Dực Đế. Ông ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi, được an táng ở Nguyên Lăng.


S.T

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Khủng hoảng Ukraine và tư duy của người Nga

Khủng hoảng Ukraine đã làm tiêu tan những giả định chủ yếu của Phương Tây về nước Nga. Và nhiều nhà phân tích cũng như các chính trị gia vội vàng kết luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hành xử một cách thiếu lý trí. Nhưng chính những giả định của Phương Tây về nước Nga mới phải được xem xét lại. Nhất là, điều gì đã khiến nước Nga hăng hái thách thức trật tự quốc tế hiện nay, đầu tiên là ở Gruzia năm 2008 và hiện nay là ở Ukraine?
Vẻ bề ngoài, những chiến dịch này dường như là các cuộc xung đột lãnh thổ thời kỳ hậu đế chế. Theo quan điểm này, Nước Nga chấp nhận rằng nó không thể phục hồi lại được đế chế cũ trước đây. Vì vậy, thay vào đó, nó lấn chiếm dần những phần lãnh thổ láng giềng và biện minh những hành động của mình bằng khái niệm mơ hồ về công lý lịch sử và sắc tộc. Và giống như Cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, Putin tô vẽ sự xâm lược bên ngoài như là một hành động cứu quốc nhằm củng cố sự ủng hộ trong nước và gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh.
Cách tiếp cận của Putin khá giống với tầm nhìn đã được Alexander Solzhenitsyn, người Nga đoạt giải Nobel, đề xuất trong bài viết của ông những năm 1990 “Xây dựng lại nước Nga”. Nhắc tới các quốc gia vệ tinh Xô-viết trước đây, ông gợi ý từ bỏ những ”dân tộc vô ơn” này nhưng giữ lại những phần lãnh thổ hợp pháp của Nga như Đông và Nam Ukraine, Bắc Kazakhstan, và Đông Estonia, những nơi có dân số gốc Nga sinh sống, và khu vực Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia, những khu vực văn hóa mở rộng của vùng Bắc Cáp-ca-dơ thuộc Nga.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng Putin chỉ là một kẻ cuồng tín dân tộc chủ nghĩa không-kiểm-soát được. Putin đã nhắm vào Gruzia và Ukraine không phải nhằm khẳng định lại tình cảm và cam kết của người Nga đối với Nam Ossetia hay Crimea, mà nhằm trừng phạt những quốc gia này vì các liên hệ nguy hiểm với Phương Tây – nhất là ước muốn gia nhập NATO của Gruzia và mong muốn ký kết hiệp định liên kết với Liên minh Châu Âu của Ukraine. Thực sự, phản ứng của Nga phù hợp với quan niệm phổ biến là nước Nga đang bị “xua đuổi” ra khỏi khu vực láng giềng và bị bao vây bởi các cường quốc thù địch Phương Tây.
Bằng những nỗ lực mơ hồ thuyết phục Putin rằng việc mở rộng NATO và Liên minh Châu Âu về phía Đông sẽ đem lại lợi ích cho nước Nga thông qua việc tạo lập một khu vực hòa bình và thịnh vượng dọc biên giới nước Nga, các chính trị gia Phương Tây đã ngây thơ và xúc phạm người Nga. Người Mỹ hay người Châu Âu không thể chỉ bảo cho người Nga biết cái gì có lợi và cái gì không có lợi cho nước Nga, cho dù họ có thể lập luận thuyết phục như thế nào chăng nữa.
Theo quan điểm của chế độ ở Nga hiện nay, những tuyên bố rằng mở rộng NATO và EU chỉ là nhằm phổ biến các giá trị, các thể chế có trách nhiệm giải trình và quản trị tốt chứ không phải cạnh tranh về kinh tế và quân sự, là sự đạo đức giả quá mức.
Việc truyền bá thể chế và giá trị Phương Tây chính là điều mà Putin lo ngại nhất. Ủng hộ dân chủ xung quanh vùng biên giới nước Nga có thể gây nên hiệu ứng “làm gương” nguy hiểm bằng cách khuyến khích người dân Nga yêu cầu dân chủ cho chính họ. Thực tế, Putin tin tưởng rằng các cuộc nổi dậy vì dân chủ trong 10 năm qua ở Gruzia và Ukraine chính là âm mưu cấu kết của Phương Tây nhằm chống lại Nga. Điều này có vẻ là hoang tưởng, nhưng nỗi lo của Putin là có lý. Dân chủ kiểu Châu Âu tại các nước láng giềng của Nga có thể khiến việc duy trì chế độ cai trị chuyên chế tại Nga trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nhưng sự xúc phạm mà những nỗ lực mở rộng NATO và EU mang đến còn sâu sa hơn. Thất bại của Nga trong Chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của đế chế Nga đã biến một nước từ siêu cường toàn cầu trở thành một cường quốc khu vực hạng hai chỉ trong vòng vài năm, cùng với một thập kỷ tiếp theo đầy bất ổn và suy giảm kinh tế. Sự sụp đổ địa chính trị này một phần là vì người Nga (chưa kể đến những quốc gia chịu ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu) bị dụ dỗ tin rằng dân chủ theo kiểu Phương Tây và thị trường tự do có thể hoạt động tốt hơn. Điều này cũng hàm ý rằng Phương Tây là tốt hơn về mặt đạo đức – một quan niệm khó có thể chấp nhận đối với dân tộc của Puskin và Dostoyevsky.
Với cách nghĩ này, Putin và những người ủng hộ ông ở trong và ngoài nước Nga nhìn nhận dân chủ và thị trường tự do không phải con đường tới thịnh vượng và hòa bình mà là một âm mưu đen tối nhằm tiêu diệt nước Nga. Thử nghiệm của người dân Nga với dân chủ những năm 1990 cũng không tốt đẹp chút nào. Họ chỉ nhớ tới những đau khổ và tủi nhục.
Lãnh đạo Phương Tây tự dối mình nếu họ nghĩ rằng lựa lời thuyết phục Putin, hay đưa ra những cử chỉ tỏ vẻ tôn trọng ông ta, có thể thay đổi được cách nghĩ này. Nhưng nhắm mắt làm ngơ trước hành động xâm chiếm của Nga, như Phương Tây đã từng làm khi Nga tấn công Gruzia năm 2008 – bằng cách coi đây chỉ là sự đụng độ giữa hai thủ lĩnh nóng giận- cũng không phải là một sự lựa chọn hợp lý.
Tựu trung lại, dù việc Phương Tây mong muốn Nga là một đối tác là hoàn toàn hợp lý nhưng Nga lại coi Mỹ và EU là đối thủ (enemies). Phương Tây không thể đưa ra các điều kiện đối tác khả thi mà Putin có thể chấp nhận được. Hoặc là Phương Tây phải vứt bỏ những giá trị nền tảng của mình, hoặc là nước Nga phải thay đổi.
Lịch sử chỉ ra rằng nước Nga chỉ thay đổi khi nó gặp phải một thất bại địa chính trị thực sự. Thất bại trong cuộc chiến Crimea 1853-1856 đã dẫn đến việc tan rã của chế độ nông nô và các cải cách tự do khác. Thất bại trước Nhật Bản năm 1905 mang lại Nghị viện đầu tiên của Nga và những cải cách của Pyotr Stolypin. Khủng hoảng sa lầy ở Afghanistan những năm 1980 tạo môi trường dẫn đến cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev.
Rốt cuộc, chỉ có người Nga mới có thể tự quyết định thế nào là một thất bại. Nếu Putin có thể thuyết phục người dân Nga rằng việc tấn công vào Ukraine của ông là một thắng lợi, nước Nga sẽ tiếp tục hành xử tung tác và đầy dọa nạt trên trường quốc tế. Nhưng nếu người dân Nga tin rằng Ukraine là một sai lầm mạo hiểm, thì một đất nước rất khác sẽ có thể ra đời.
Ghia Nodia là Chủ tịch của Viện Hòa bình, Dân chủ và Phát triển Cáp-ca-dơ tại Tbilisi, Gruzia.
Biên dịch: Nguyễn Đắc ThànhI Biên tập:Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

Trở lại tương lai: Sự bất ổn tại Châu Âu sau Chiến tranh Lạnh (Phần 1)


Nguồn: John J. Mearsheimer (1990). “Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War”, International Security, Vol. 15, No. 1. (Summer), pp. 5-56.
Biên dịch: Mạch Nguyễn Phương Uyên | Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương
Bài liên quan: #18 – Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc sau Chiến tranh Lạnh
Những thay đổi sâu sắc diễn ra tại Châu Âu đang được nhìn nhận một cách rộng rãi như điềm báo về một kỷ nguyên hòa bình mới. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cho thấy nguy cơ chiến tranh luôn đè nặng lên Châu Âu trong suốt hơn bốn thập niên đã được gỡ bỏ. Gươm kiếm nay đã trở thành lưỡi cày; sự hòa thuận ngự trị giữa các quốc gia và dân tộc ở Châu Âu. Trung Âu, nơi đã phải rên xiết trong một thời gian dài vì những lực lượng ồ ạt của hai khối quân sự, bây giờ có thể cải tạo những căn cứ quân sự thành khu công nghiệp, sân chơi và chung cư.
Những học giả về an ninh có thể dừng các cuộc tranh luận buồn chán về học thuyết quân sự và những đánh giá về thế cân bằng, và hướng sự quan tâm của họ sang việc tìm cách ngăn chặn hiện tượng Trái Đất nóng lên cũng như bảo vệ tầng ozone. Các nhà lãnh đạo Châu Âu hiện có thể suy nghĩ về việc chia sẻ những lợi ích hòa bình như thế nào. Đó là quan điểm chung hiện nay.
Bài viết này đánh giá cách nhìn lạc quan trên thông qua việc tìm hiểu chi tiết những hậu quả của sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đối với Châu Âu. Đặc biệt, tôi sẽ xem xét những tác động của viễn cảnh Chiến tranh Lạnh kết thúc hoàn toàn. Liên Xô rút hết quân khỏi Đông Âu, để các quốc gia trong khu vực được độc lập. Do đó đã xuất hiện nhiều ý kiến ở Mỹ, Anh, và Đức cho rằng các lực lượng quân sự của Mỹ và Anh tại Đức đã mất đi lý do tồn tại chính của mình, và những lực lượng này đang rút khỏi Lục địa. NATO và Hiệp ước Vacxava sau đó sẽ tan rã; họ có thể vẫn còn tiếp tục tồn tại trên giấy tờ, nhưng mỗi bên sẽ ngừng thực hiện chức năng của một liên minh.[1] Kết quả là, cấu trúc hai cực vốn đã trở thành đặc trưng của Châu Âu từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai được thay bằng cấu trúc đa cực. Về bản chất, cuộc Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã biết đến trong gần nửa thế kỷ qua đã kết thúc, và trật tự Châu Âu hậu chiến tranh cũng không còn nữa.[2]
Sự thay đổi cơ bản đó sẽ ảnh hưởng đến viễn cảnh hòa bình ở Châu Âu như thế nào?[3] Nó sẽ làm nguy cơ chiến tranh tăng lên hay giảm đi?
Tôi lập luận rằng khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn và chiến tranh tại Châu Âu sẽ tăng lên rõ rệt nếu Chiến tranh Lạnh kết thúc và kịch bản này trở thành hiện thực. Những thập niên tiếp theo ở Châu Âu khi không còn các siêu cường có thể không bạo lực như 45 năm đầu của thế kỷ 20, nhưng về cơ bản cũng có thể thiên về bạo lực nhiều hơn 45 năm qua.
Kết luận bi quan này dựa trên lập luận rằng đặc tính và sự phân chia sức mạnh quân sự là gốc rễ dẫn đến chiến tranh và hòa bình. Cụ thể, việc chiến tranh không xảy ra tại Châu Âu từ năm 1945 là hệ quả của ba yếu tố: sự phân bố sức mạnh quân sự lưỡng cực tại Lục địa; thế cân bằng quân sự tương đối giữa hai quốc gia đứng đầu hai cực ở Châu Âu là Mỹ và Liên Xô; và thực tế là mỗi siêu cường đều được trang bị kho vũ khí hạt nhân lớn.[4] Các yếu tố nội tại của các quốc gia cũng ảnh hưởng đến khả năng chiến tranh, và đã giúp mang lại nền hòa bình thời hậu chiến. Quan trọng nhất, chủ nghĩa dân tộc quá khích đã khiến hai cuộc chiến tranh thế giới nổ ra, và sự suy giảm của chủ nghĩa dân tộc tại Châu Âu từ năm 1945 đã góp phần mang lại hòa bình cho thế giới thời kì hậu chiến. Tuy nhiên, các yếu tố quyền lực quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo nên các sự kiện lịch sử, và sẽ vẫn giữ vị trí trung tâm trong tương lai.
Việc các siêu cường rút lui khỏi Trung Âu sẽ biến Châu Âu từ hệ thống hai cực sang đa cực.[5] Đức, Pháp, Anh, và có lẽ cả Ý sẽ trở thành cường quốc; Liên Xô không còn là siêu cường nhưng vẫn là một nước lớn tại Châu Âu, tạo nên hệ thống gồm năm cường quốc và nhiều quốc gia nhỏ hơn. Hệ thống này sẽ gặp những khó khăn chung của các hệ thống đa cực, và do đó sẽ dễ đi đến bất ổn hơn.[6] Sự bất bình đẳng về quyền lực sẽ xảy ra; nếu như vậy thì sự ổn định sẽ suy yếu hơn nữa.
Sự rút lui của các siêu cường cũng sẽ loại bỏ các kho vũ khí hạt nhân lớn mà họ đang duy trì ở Trung Âu. Điều đó sẽ làm mất đi tác dụng kiềm chế mà loại vũ khí này áp đặt lên nền chính trị Châu Âu. Bốn kịch bản chính có thể xảy ra. Ở kịch bản đầu tiên, Châu Âu sẽ trở thành khu vực phi hạt nhân, như vậy sẽ xóa bỏ một trụ cột chính của trật tự trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Trong kịch bản thứ hai, các quốc gia Châu Âu sẽ không phát triển kho vũ khí của họ để bù lại việc các siêu cường rút kho vũ khí khỏi khu vực này. Trong kịch bản thứ ba, sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra, nhưng không được kiểm soát; không biện pháp nào được đưa ra để làm giảm những rủi ro vốn có trong quá trình phổ biến. Tất cả ba kịch bản này đều sẽ gây ra nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng.
Ở kịch bản thứ tư và cũng là kịch bản ít nguy hiểm nhất, vũ khí hạt nhân phổ biến ở Châu Âu nhưng quá trình này sẽ được các cường quốc hạt nhân hiện nay kiểm soát tốt. Họ sẽ tiến hành các biện pháp ngăn cản nỗ lực phát triển thêm các cường quốc hạt nhân, thiết lập giới hạn cho quá trình phổ biến này bằng cách mở rộng chiếc ô an ninh cho các nước láng giềng của những cường quốc hạt nhân mới nổi, giúp những cường quốc này xây dựng lực lượng răn đe an toàn và can ngăn họ triển khai hệ thống đánh trả đe dọa đến khả năng răn đe của các quốc gia láng giềng. Kết quả này có thể mang lại hy vọng tốt nhất cho việc duy trì hòa bình tại Châu Âu. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn nguy hiểm hơn so với giai đoạn 1945 – 1990. Hơn nữa, rất khó có khả năng sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ được kiểm soát tốt.
Có thể đưa ra ba lập luận phản đối những dự đoán bi quan trên về tương lai của Châu Âu. Lập luận thứ nhất là hòa bình vẫn sẽ được duy trì bởi những tác động của trật tự kinh tế quốc tế tự do phát triển từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Lập luận thứ hai dựa trên kết quả quan sát cho thấy các nền dân chủ tự do hiếm khi tiến hành chiến tranh chống lại nhau, và cho rằng việc chế độ dân chủ được truyền bá rộng rãi khắp Châu Âu trước kia đã củng cố nền hòa bình, và quá trình dân chủ hóa đang diễn ra tại Đông Âu càng giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh. Lập luận thứ ba cho rằng người Châu Âu đã có được bài học từ những kinh nghiệm thảm khốc trong thế kỷ này, rằng chiến tranh, cho dù là cuộc chiến bình thường hay chiến tranh hạt nhân, đều rất tốn kém đến mức nó không còn là lựa chọn có lý trí của các quốc gia nữa.
Nhưng như tôi sẽ giải thích, những lý thuyết đằng sau các lập luận này không hoàn hảo; do đó dự đoán về nền hòa bình ở Châu Âu đa cực của chúng cũng bị lỗi.
Có thể rút ra ba khuyến nghị chính sách từ bản phân tích này. Thứ nhất, Mỹ nên khuyến khích quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân hạn chế tại Châu Âu. Đặc biệt, Châu Âu sẽ ổn định hơn nếu Đức có được khả năng răn đe hạt nhân an toàn, nhưng sự phổ biến vụ khí hạt nhân không được vượt quá giới hạn này. Thứ hai, Mỹ không nên rút lui hoàn toàn khỏi Châu Âu, ngay cả khi Liên Xô rút hết lực lượng khỏi Đông Âu. Thứ ba, Mỹ nên có những biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc quá khích trỗi dậy trở lại ở Châu Âu.
Phương pháp luận: Chúng ta nên nghĩ về tương lai của Châu Âu như thế nào?
Những dự đoán về nguy cơ diễn ra chiến tranh trong tương lai và khuyến nghị cách thức tốt nhất để duy trì nền hòa bình nên dựa trên các lý thuyết chung về nguyên nhân của chiến tranh và hòa bình. Điều này là đúng đối với cả các học giả và nhà hoạch định chính sách. Những nhà hoạch định chính sách hiếm khi tự ý thức về việc sử dụng lý thuyết. Tuy nhiên, tầm nhìn của họ về tương lai Châu Âu được định hình bởi ưu tiên ngầm dành cho một học thuyết quan hệ quốc tế so với những học thuyết khác. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là quyết định xem lý thuyết nào giải thích quá khứ tốt nhất, và sẽ được áp dụng tốt nhất cho tương lai; sau đó sẽ dùng những lý thuyết này để tìm hiểu kết quả của các kịch bản có thể xảy ra.
Đặc biệt, trước hết chúng ta cần khảo sát sự hình thành của các lý thuyết quan hệ quốc tế để giải bài toán này. Lý thuyết nào giải thích tốt nhất cho giai đoạn bạo lực trước Chiến tranh Lạnh? Lý thuyết nào giải thích tốt nhất cho khoảng thời gian 45 năm hòa bình sau đó? Có những lý thuyết nào khác giải thích một chút về Châu Âu trước Chiến tranh Lạnh, hay Châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, mà phù hợp để giải thích điều gì sẽ xảy ra với Châu Âu nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ và Liên Xô?
Tiếp theo, chúng ta nên tìm hiểu xem những lý thuyết này suy đoán điều gì về bản chất của chính trị quốc tế ở một Châu Âu đa cực thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Liệu những nguyên nhân dẫn đến nền hòa bình hậu chiến vẫn còn, hay những nguyên nhân gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới sẽ trở lại, hay những lý do khác sẽ xuất hiện?
Sau đó chúng ta sẽ đánh giá xem liệu có nên mong chờ những thập kỷ tiếp theo sẽ bình yên hơn, hoặc ít nhất cũng yên ổn như 45 năm qua, hay tương lai sẽ giống như 45 năm đầu của thế kỷ 20. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu xem các học thuyết này gợi ý những khuyến nghị chính sách gì.
Nghiên cứu quan hệ quốc tế, như nhiều ngành khoa học xã hội, không giống như các ngành khoa học khác. Các lý thuyết của chúng ta không đồng nhất và ít khi được kiểm chứng. Những điều kiện cần cho sự vận hành của các học thuyết hiện có vẫn chưa được hiểu rõ. Hơn nữa, các hiện tượng chính trị cực kỳ phức tạp; do đó không thể có dự đoán chính trị chính xác nếu thiếu những công cụ lý thuyết cực mạnh, ưu việt hơn hẳn những gì chúng ta đang có. Kết quả là tất cả các dự đoán chính trị đều chắc chắn có một vài sai sót. Những ai mạo hiểm dự đoán, như tôi đang làm, vì thế nên tiếp tục công việc với sự khiêm tốn, chú ý đừng đòi hỏi sự tin tưởng tuyệt đối và nên thừa nhận rằng sau này khi nhìn nhận lại, chắc chắn sẽ thấy những bất ngờ và sai lầm.
Tuy nhiên, khoa học xã hội nên đưa ra dự đoán về khả năng xảy ra của những sự việc quan trọng và hay thay đổi, như những gì đang diễn ra tại Châu Âu. Những dự đoán này có thể là tiền đề cho các cuộc nghị luận chính sách. Thậm chí chúng còn giúp những người phản đối định hình ý tưởng của mình bằng cách làm rõ những điểm bất đồng. Hơn nữa, việc dự đoán các sự kiện sắp diễn ra sẽ là bài kiểm chứng tốt nhất cho các lý thuyết khoa học xã hội, bằng cách làm rõ những gì mà các lý thuyết dự đoán về những sự kiện đó. Nói tóm lại, thế giới có thể trở thành một phòng thí nghiệm nơi quyết định lý thuyết nào sẽ lý giải tốt nhất về chính trị quốc tế. Trong bài viết này, tôi dùng những thuyết mà tôi thấy thuyết phục nhất để nhìn về tương lai. Thời gian sẽ cho thấy liệu những lý thuyết này trong thực tế có khả năng giải thích nền chính trị quốc tế hay không.
Phần tiếp theo sẽ đưa ra giải thích cho sự bình yên của trật tự hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Phần sau lập luận rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh có thể khiến Châu Âu trở nên bất ổn hơn. Tiếp đó, tôi sẽ xem xét những học thuyết làm cơ sở của các tuyên bố rằng một Châu Âu đa cực có thể yên ổn như Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh, nếu không muốn nói là yên ổn hơn. Phần kết luận sẽ đề xuất những khuyến nghị chính sách xuất phát từ phân tích của tôi.
Lý giải “nền hòa bình dài lâu”
45 năm vừa qua chính là khoảng thời gian hòa bình lâu nhất trong lịch sử Châu Âu.[7] Suốt những năm này, ở Châu Âu không có các cuộc chiến tranh lớn mà chỉ có hai cuộc xung đột nhỏ (sự can thiệp của Liên Xô ở Hungary năm 1956 và chiến tranh Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kì ở đảo Síp năm 1974). Không cuộc xung đột nào đe dọa lan rộng sang các quốc gia khác. Những năm đầu Chiến tranh Lạnh (1945 – 1963) được đánh dấu bởi một số cuộc khủng hoảng lớn, tuy vậy, không sự kiện nào đưa Châu Âu đến bên bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, từ năm 1963 đã không còn xảy ra các cuộc khủng hoảng Đông – Tây tại Châu Âu. Trong hai thập niên gần đây, rất khó, hoặc có thể nói là không thể, tìm thấy bất cứ một nhà phân tích an ninh quốc gia nghiêm túc nào cho rằng Liên Xô sẽ tấn công Tây Âu.
Nền hòa bình thời Chiến tranh Lạnh tương phản hoàn toàn với chính trị Châu Âu trong suốt 45 năm đầu của thế kỷ 20, khoảng thời gian chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới, một số cuộc chiến tranh nhỏ, và nhiều cuộc khủng hoảng gần dẫn đến chiến tranh. Khoảng 50 triệu người Châu Âu đã bỏ mạng trong hai cuộc chiến tranh thế giới; ngược lại, chỉ khoảng 15.000 người chết trong các cuộc xung đột tại Châu Âu sau năm 1945.[8] Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh bình yên hơn rất nhiều so với Châu Âu đầu thế kỷ 20.
Cả người Mỹ và người Châu Âu ngày càng cho rằng hòa bình và yên ổn là trật tự tự nhiên ở Châu Âu, và rằng 45 năm đầu của thế kỷ này, chứ không phải 45 năm gần đây, là giai đoạn bất thường. Điều này cũng dễ hiểu vì Châu Âu đã không có chiến tranh trong một khoảng thời gian dài đến mức mà tỷ lệ người phương Tây được sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai không có những trải nghiệm trực tiếp về các cuộc chiến tranh lớn ngày càng tăng. Tuy nhiên, cái nhìn lạc quan này không chính xác.
Hệ thống các quốc gia Châu Âu luôn phải gánh chịu tai họa chiến tranh từ khi mới ra đời. Trong phần lớn hai thế kỷ 17 và 18, chiến tranh luôn hiện diện đâu đó trên lục địa Châu Âu.[9] Dù thế kỷ 19 có thời gian hòa bình lâu hơn nhưng vẫn xảy ra vài cuộc chiến tranh và khủng hoảng lớn. Nửa đầu thế kỷ này đã chứng kiến cuộc chiến tranh Napoleon đẫm máu kéo dài; sau đó là đến chiến tranh Crưm, và cuộc chiến Ý – Đức để thống nhất đất nước.[10] Các cuộc chiến trong giai đoạn 1914 – 1945 tiếp nối mô hình lịch sử lâu dài này. Chúng chỉ khác các cuộc chiến trong những thế kỷ trước đó ở quy mô tàn phá với mức độ gia tăng khủng khiếp.
Giai đoạn chiến tranh này kết thúc đột ngột với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, một trật tự hoàn toàn mới và đặc biệt hòa bình đã được xây dựng tại Lục địa.
Nguyên nhân của nền hòa bình dài lâu: Sức mạnh quân sự và sự ổn định
Điều gì tạo nên kỷ nguyên bạo lực trước năm 1945? Tại sao thời kỳ hậu chiến lại hòa bình hơn nhiều như vậy? Mỗi cuộc chiến trước năm 1945 đều có nguyên nhân đặc thù của nó nhưng sự phân chia quyền lực ở Châu Âu – tính đa cực và mất cân bằng quyền lực thường xảy ra giữa các nước lớn trong hệ thống đa cực – là điều kiện chủ yếu cho phép các nguyên nhân đặc thù này phát huy tác dụng. Nền hòa bình trong thời kỳ hậu chiến có được là do ba nguyên nhân chính: tính lưỡng cực của sự phân chia quyền lực ở Lục địa, sự cân bằng tương đối trong sức mạnh quân sự của hai quốc gia đứng đầu hai cực, và sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân làm tăng đáng kể tính bạo lực của chiến tranh, khiến cho khả năng răn đe mạnh hơn rất nhiều.[11]
Những yếu tố này là các khía cạnh của hệ thống quốc gia Châu Âu – các khía cạnh của đặc tính sức mạnh quân sự và sự phân chia sức mạnh đó giữa các nước – chứ không phải của bản thân các quốc gia. Do đó, chìa khóa cho chiến tranh và hòa bình nằm ở cấu trúc của hệ thống quốc tế nhiều hơn là bản chất của các quốc gia đơn lẻ. Những yếu tố trong nước – đáng chú ý nhất là chủ nghĩa dân tộc quá khích – cũng góp phần gây ra các cuộc chiến trong giai đoạn trước năm 1945, và cấu trúc nội tại của các quốc gia Châu Âu sau năm 1945 có lợi hơn cho nền hòa bình, nhưng những nhân tố trong nước này ít quan trọng hơn so với đặc tính và sự phân chia quyền lực quân sự giữa các quốc gia. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc quá khích phát triển phần lớn là do sự cạnh tranh an ninh giữa các quốc gia Châu Âu, buộc giới cầm quyền Châu Âu phải huy động dân chúng ủng hộ các nỗ lực quốc phòng; do vậy, nói đúng hơn thì nhân tố trong nước quan trọng này là hệ quả xa của hệ thống quốc tế.
Xung đột là chuyện bình thường giữa các quốc gia bởi hệ thống quốc tế tạo ra động lực mạnh mẽ cho các cuộc xâm lược.[12] Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là bản chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Trong tình trạng vô chính phủ, không có hội đồng cao cấp hay người trị vì để bảo vệ quốc gia này khỏi quốc gia khác. Do đó mỗi quốc gia sống trong tình trạng vô chính phủ phải đối mặt với khả năng luôn hiện hữu rằng một quốc gia khác có thể sử dụng sức mạnh để làm hại hay đánh chiếm mình. Hành động tấn công quân sự luôn là một mối đe dọa đối với các quốc gia trong hệ thống.
Tình trạng vô chính phủ có hai hệ quả chính. Thứ nhất, các quốc gia ít có lòng tin với nhau bởi vì một đất nước có thể không phục hồi được một khi lòng tin bị phản bội. Thứ hai, mỗi quốc gia phải tự đảm bảo sự sống còn cho chính mình vì sẽ không ai khác giúp đảm bảo an ninh cho họ. Tất cả các quốc gia khác đều là mối đe dọa tiềm tàng, và không một thể chế quốc tế nào có khả năng thực thi trật tự hay trừng phạt những kẻ xâm lược hùng mạnh.
Các quốc gia tìm cách sinh tồn trong tình trạng vô chính phủ bằng cách tối đa hóa sức mạnh của mình so với các quốc gia khác nhằm duy trì các phương tiện tự vệ. Sức mạnh tương đối, chứ không phải là sức mạnh tuyệt đối, mới có ý nghĩa đối với các quốc gia. Do vậy, các quốc gia đều tìm kiếm cơ hội làm suy yếu đối thủ và cải thiện vị thế quyền lực tương đối của mình. Đôi khi họ coi xâm lược là cách tốt nhất để tích lũy thêm sức mạnh và gây bất lợi cho các đối thủ.
Thế giới ganh đua này chỉ hòa bình khi chi phí và rủi ro của việc tiến hành chiến tranh là cao, trong khi lợi ích lại thấp trở thành điều hiển nhiên. Hai khía cạnh của sức mạnh quân sự là cốt lõi của cơ chế mang tính khuyến khích này: sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia và bản chất của sức mạnh quân sự sẵn có. Sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia cho chúng ta thấy những nước này có vị thế tốt thế nào để tiến hành xâm lược và liệu các nước khác có thể kháng cự lại cuộc xâm lược của họ không. Sự phân chia này là chức năng của số cực trong hệ thống và sức mạnh tương đối của họ. Bản chất của sức mạnh quân sự ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, rủi ro và lợi ích của việc tiến hành chiến tranh. Nếu những vũ khí quân sự có sẵn đảm bảo chiến tranh sẽ mang tính tàn phá lớn, các quốc gia có thể sẽ nhụt chí vì chi phí chiến tranh.[13] Nếu những vũ khí sẵn có phục vụ phòng vệ tốt hơn là tấn công, sự vô ích của các cuộc xâm lược sẽ có thể làm nhụt chí những kẻ xâm lăng, và các quốc gia sẽ ít thấy cần thiết phải tiến hành xâm lược hơn bởi vì họ có được nền an ninh tốt hơn, do đó ít cần củng cố an ninh bằng cách bành trướng hơn.[14] Nếu những vũ khí sẵn có có xu hướng bình đẳng hóa sức mạnh tương đối của các quốc gia, điều này sẽ ngăn cản những kẻ xâm lược tiến hành chiến tranh. Nếu vũ khí quân sự giúp việc đánh giá sức mạnh tương đối của các nước dễ dàng hơn, điều này sẽ giúp ngăn cản sự lạc quan vô căn cứ và những cuộc chiến sai lầm sẽ ít có khả năng xảy ra hơn.
Có thể lập luận rằng nền hòa bình tại Châu Âu trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh có được là nhờ trật tự hai cực, sự cân bằng quân sự tương đối giữa hai siêu cường, và sự hiện diện của số lượng lớn vũ khí hạt nhân ở cả hai phía theo ba cách: thứ nhất, bằng cách chứng minh những lý thuyết tổng quan mà nó dựa vào là có cơ sở; thứ hai, bằng cách chứng minh rằng những lý thuyết này có thể lý giải các cuộc xung đột trong thời gian trước năm 1945 và nền hòa bình sau năm 1945; và thứ ba, bằng cách chứng minh rằng các học thuyết cạnh tranh không thể giải thích cho nền hòa bình hậu chiến.
NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA TRẬT TỰ HAI CỰC SO VỚI TRẬT TỰ ĐA CỰC. Hai kiểu dàn xếp quyền lực chủ yếu giữa các quốc gia là trật tự hai cực và đa cực.[15] Hệ thống hai cực sẽ hòa bình hơn vì ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, số lượng các cặp xung đột ít hơn nên ít có khả năng xảy ra chiến tranh hơn. Thứ hai, khả năng ngăn cản chiến tranh sẽ dễ dàng hơn vì sự mất cân bằng quyền lực ít xảy ra hơn và dễ ngăn chặn hơn. Thứ ba, khả năng ngăn chặn chiến tranh sẽ lớn hơn vì ít có những tính toán sai lầm về sức mạnh tương đối và quyết tâm của đối thủ.[16]
Trong hệ thống hai cực, có hai cường quốc thống trị. Những nước nhỏ hơn khó có thể duy trì tình trạng trung lập với một trong hai bên bởi các cường quốc nhìn chung đều đòi hỏi sự phục tùng của những nước nhỏ hơn. (Điều này đặc biệt đúng với những vùng địa lý lõi và ít chính xác hơn đối với những vùng ngoại biên.) Hơn nữa, các nước nhỏ ít có cơ hội kích động nước lớn chống lại nhau bởi vì khi số lượng những nước lớn ít, hệ thống sẽ càng vững chắc hơn. Kết quả là các nước nhỏ chịu sức ép lớn trong việc giữ quyền tự chủ.
Ngược lại, trong hệ thống đa cực, có từ ba cường quốc trở lên thống trị. Những nước nhỏ trong hệ thống như vậy có được sự linh hoạt đáng kể về đồng minh và có thể lựa chọn không theo bên nào. Hình thức chính xác của hệ thống đa cực có thể thay đổi đáng kể dựa vào số lượng cường quốc và quốc gia nhỏ trong hệ thống, và cả sự sắp đặt về địa lý của họ.
Hệ thống hai cực chỉ có một cặp xung đột có thể khiến chiến tranh nổ ra: chỉ có hai cường quốc cạnh tranh với nhau, và những nước nhỏ khó có thể tấn công lẫn nhau. Trong một hệ thống đa cực có nhiều tình huống xung đột có thể xảy ra. Số cặp nước lớn rất nhiều, mỗi cặp đều có khả năng gây xung đột. Xung đột cũng có thể nảy sinh giữa các cặp nước lớn và nước nhỏ. Những cặp xung đột giữa các nước nhỏ cũng có thể dẫn tới chiến tranh. Vì thế, nếu các yếu tố khác không đổi, chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra trong hệ thống đa cực hơn là lưỡng cực.
Những cuộc chiến trong thế giới đa cực liên quan đến các nước nhỏ hay chỉ một nước lớn sẽ ít có khả năng tàn phá như cuộc xung đột giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh cục bộ thường có xu hướng mở rộng và leo thang. Do đó luôn tồn tại khả năng một cuộc chiến nhỏ có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn.
Khả năng ngăn chặn chiến tranh cũng khó khăn hơn trong một thế giới đa cực bởi vì sự mất cân bằng quyền lực là phổ biến, khi đó, nước mạnh sẽ trở nên khó ngăn chặn hơn.[17] Sự mất cân bằng quyền lực có thể dẫn đến xung đột theo hai cách. Đầu tiên, hai nước có thể liên kết với nhau để tấn công nước thứ ba. Thứ hai, một cường quốc có thể chỉ đơn giản ức hiếp nước bé hơn theo kiểu một chọi một, sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để đàn áp hay đánh bại nước nhỏ.[18]
Cơ chế cân bằng quyền lực có thể đối phó với sự mất cân bằng quyền lực như vậy, nhưng chỉ khi chúng hoạt động hiệu quả.[19] Không quốc gia nào thống trị được nước khác, dù bằng cách liên kết lại hay đe dọa, nếu những nước khác liên minh chặt chẽ lại để chống lại nó, nhưng các yếu tố địa lý hay phối hợp có thể cản trở sự hình thành những liên minh như vậy.[20] Những chướng ngại này có thể mất đi trong thời chiến, nhưng lại rất phổ biến trong thời bình, và có thể làm hỏng các nỗ lực răn đe, ngay cả trong trường hợp cuối cùng một liên minh hiệu quả sẽ được thiết lập để đánh bại kẻ xâm lược trên chiến trường.
Đầu tiên, yếu tố địa lý có thể cản trở các nước tham gia vào quá trình cân bằng quyền lực gây áp lực đáng kể lên những kẻ xâm lược tiềm năng. Ví dụ, một cường quốc khó có thể gây áp lực quân sự một cách hiệu quả lên quốc gia đe dọa gây rắc rối do có những nước vùng đệm nằm ở giữa.
Thêm vào đó, quá trình cân bằng quyền lực trong thế giới đa cực cũng phải khắc phục được những vấn đề khó khăn trong hợp tác. Có bốn yếu tố gây khó khăn cho hợp tác. Thứ nhất, các liên minh cung cấp an ninh chung, do đó các nước đồng minh đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan rất lớn trong hành động tập thể. Đặc biệt, mỗi quốc gia có thể cố chuyển những gánh nặng liên minh sang vai các nước được xem là đồng minh của mình. Hành động “chối bỏ trách nhiệm” này là đặc tính phổ biến trong chính trị liên minh.[21] Điều này là bình thường khi số lượng quốc gia cần có để hình thành một liên minh có khả năng ngăn chặn hiệu quả là lớn. Thứ hai, một quốc gia phải đối mặt với hai kẻ thù tiềm tàng có thể kết luận rằng một cuộc chiến kéo dài giữa các đối thủ này sẽ làm cả hai suy yếu, cho dù bên nào chiến thắng đi chăng nữa; vì thế họ sẽ chọn đứng bên lề cuộc chiến và hy vọng sẽ cải thiện được vị thế sức mạnh của mình so với mỗi bên tham chiến. (Tuy nhiên, chiến lược này có thể thất bại nếu một trong hai nước tham chiến nhanh chóng khuất phục đối phương và trở nên mạnh hơn, chứ không phải yếu hơn, so với trước chiến tranh.) Thứ ba, một số nước có thể lựa chọn không tham gia vào quá trình cân bằng quyền lực này bởi họ tin rằng mình sẽ không phải là mục tiêu của những kẻ xâm lược mà không nhận thấy họ vẫn gặp nguy hiểm cho tới khi nước xâm lược bắt đầu có những chiến thắng đầu tiên. Thứ tư, ngoại giao là một quá trình thiếu chắc chắn, và do đó cần phải có thời gian để xây dựng nên một liên minh phòng thủ. Một kẻ xâm lược tiềm năng có thể cho rằng mình sẽ thành công trong cuộc xâm lăng trước khi liên minh hình thành, xa hơn nữa, họ có thể cho rằng nên tận dụng những cơ hội mà tình huống này mang lại trước khi chúng biến mất.[22]
Nếu những vấn đề địa lý và hợp tác này là nghiêm trọng thì các quốc gia có thể mất lòng tin vào quá trình cân bằng quyền lực. Trong trường hợp này, ngày càng có nhiều khả năng họ sẽ theo đuôi những kẻ xâm lược, vì đơn độc kháng cự là hành động vô ích.[23]  Do vậy, những nhân tố làm suy yếu quá trình cân bằng quyền lực có thể tạo ra những hiệu ứng quả cầu tuyết khiến cho quá trình ngày càng suy yếu hơn nữa.
Vấn đề lớn thứ ba của trật tự đa cực là xu hướng khuyến khích những tính toán sai lầm về quyết tâm của từng nước đối địch, và về sức mạnh của các liên minh đối địch.
Chiến tranh có khả năng xảy ra khi một nước đánh giá thấp thái độ cứng rắn của các nước đối địch về những vấn đề khác biệt. Khi đó nước này có thể sẽ ép các nước khác quá mạnh với mong muốn rằng những nước này sẽ chịu thua, trong khi trên thực tế đối thủ sẽ chọn chiến đấu. Những tính toán sai lầm như vậy thường xảy ra trong trật tự đa cực vì hình thái của trật tự thế giới có xu hướng không bền vững do tính hay thay đổi của các liên minh. Kết quả là, luật chơi quốc tế – tiêu chuẩn hành vi ứng xử của các nước và sự phân chia quyền lãnh thổ và các đặc quyền khác đã được thỏa thuận – thường thay đổi liên tục. Chỉ khi những luật lệ cho một mối quan hệ thù địch được thiết lập thì quan hệ đó mới có thể trở thành quan hệ bạn bè, và một mối quan hệ thù địch khác có thể hình thành với một nước bạn bè hay nước trung lập trước đây, và những luật lệ mới phải được thiết lập. Trong hoàn cảnh này, một nước có thể vô tình ép nước khác quá mạnh, bởi vì những điều mơ hồ về quyền và nghĩa vụ quốc gia thường tạo ra nhiều vấn đề đa dạng hơn khiến một nước có thể đánh giá sai quyết tâm của nước khác. Các tiêu chuẩn về hành vi của quốc gia có thể được tất cả các nước hiểu và thừa nhận một cách rộng rãi, thậm chí trong trật tự đa cực, giống như các tiêu chuẩn cơ bản của ngoại giao được các cường quốc Châu Âu ở thế kỷ 18 thừa nhận. Tuy nhiên, sự phân chia quyền một cách rõ ràng như vậy nhìn chung sẽ khó khăn hơn khi có nhiều quốc gia, và quan hệ giữa họ không ổn định, như trong trường hợp trật tự đa cực.
Chiến tranh cũng dễ xảy ra hơn khi các nước đánh giá thấp sức mạnh tương đối của liên minh đối lập, do đánh giá thấp số nước chống lại mình, hay bởi vì họ cường điệu quá mức về số nước đồng minh sẽ cùng chiến đấu với mình.[24] Những sai lầm như thế thường xảy ra trong một hệ thống bao gồm nhiều quốc gia bởi vì họ phải tiên đoán hành vi của nhiều nước, chứ không phải chỉ một nước, để tính toán cán cân sức mạnh giữa các liên minh.
Hệ thống hai cực vượt trội hơn hệ thống đa cực trên tất cả các khía cạnh này. Không có chuyện bắt nạt và kết bè vì chỉ có hai nước cạnh tranh với nhau, do đó cũng không có bất đối xứng quyền lực do bắt nạt và kết bè phái. Khi cần, sự cân bằng có thể đạt được một cách hiệu quả. Các quốc gia có thể cân bằng với các phương tiện nội tại – như tăng cường khả năng quân sự – hoặc các phương tiện bên ngoài – như chính sách ngoại giao và liên minh. Trong trật tự đa cực, các quốc gia có xu hướng dùng phương tiện bên ngoài để cân bằng quyền lực; trong trật tự hai cực, các quốc gia buộc phải dùng phương tiện nội tại. Các phương tiện nội tại hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, do đó chúng hiệu quả hơn và khả năng tạo ra được thế cân bằng thực sự là chắc chắn hơn.[25] Những vấn đề đòi hỏi nỗ lực cân bằng quyền lực bằng các phương pháp ngoại giao – những rắc rối về mặt địa lý và khó khăn trong hợp tác – không còn quan trọng nữa. Cuối cùng, những tính toán sai lầm ít có khả năng xảy ra hơn so với trong thế giới đa cực. Các quốc gia ít khi sai lầm về quyết tâm của nước khác vì các luật lệ trong quan hệ với đối thủ chính dần đi vào hiệu quả theo thời gian, khiến cả hai bên nhận thấy những giới hạn mà mình không thể ép được đối phương. Các nước cũng không thể mắc sai lầm trong việc đánh giá số lượng thành viên của liên minh đối địch, bởi vì mỗi bên chỉ đối mặt với một kẻ thù chính. Sự đơn giản tạo ra tính chắc chắn; tính chắc chắn củng cố nền hòa bình.
Không có nghiên cứu thực nghiệm nào đưa ra chứng cứ thuyết phục về ảnh hưởng của trật tự hai cực và đa cực đối với nguy cơ xảy ra chiến tranh. Điều này, không nghi ngờ gì, phản ánh sự khó khăn của nhiệm vụ này: từ khi bắt đầu cho đến năm 1945, hệ thống quốc gia Châu Âu là một hệ thống đa cực, do vậy khó có thể rút ra được những so sánh giữa trật tự đa cực và hai cực. Lịch sử trước đó có cho thấy một số ví dụ rõ ràng về hệ thống hai cực, trong đó có những ví dụ về chiến tranh – cuộc chiến giữa Athens và Sparta, Rome và Carthage – nhưng giai đoạn lịch sử này không thuyết phục bởi nó sơ lược và chưa hoàn chỉnh và do đó không cung cấp đủ thông tin chi tiết để xác thực giá trị của những so sánh này. Thiếu một bản khảo sát lịch sử toàn diện, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc đưa ra những ví dụ về lợi thế và bất lợi mà không biết những ví dụ nào đại diện phù hợp nhất cho tập hợp các trường hợp xảy ra. Kết quả là trường hợp được dùng ở đây thiếu luận chứng thực tiễn và dựa chủ yếu vào suy luận. Tuy nhiên, tôi tin rằng trường hợp suy luận này đã cung cấp nền tảng vững chắc để thừa nhận lập luận rằng trật tự hai cực hòa bình hơn đa cực; suy luận logic này có vẻ thuyết phục, và không có chứng cứ lịch sử rõ ràng nào phản bác lại nó. Dưới đây tôi sẽ chỉ ra rằng những ý tưởng được phát triển ở đây có thể áp dụng cho các sự kiện trong thế kỷ 20 tại Châu Âu, cả trước và sau năm 1945.
….


[1] Có sự ủng hộ to lớn trong nhóm lãnh đạo cấp cao của NATO, bao gồm chính quyền của Bush, nhằm duy trì NATO sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo NATO không thể hiện rõ ràng những mục tiêu cụ thể là NATO sẽ phục vụ tại Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng họ hình thành ý tưởng trong đầu về một tương lai trong đó NATO là công cụ bảo đảm an ninh tại Đức, bằng cách đó xóa bỏ những động lực đối với chính sách hiếu chiến của người Đức và cũng là công cụ giúp bảo vệ những quốc gia NATO tránh khỏi cuộc xâm lăng của Đức. Tuy nhiên, người Đức, hiện đang có số quân nhiều nhất trong những lực lượng thường trực của phe Đồng minh, có thể sẽ phản đối vai trò này của NATO. Một cơ cấu an ninh dạng này giả định rằng không thể tin vào Đức và NATO cần phải được duy trì để kiềm chế Đức. Một nước Đức thống nhất về lâu dài sẽ không chấp nhận cơ cấu dựa trên giả thuyết này. Người Đức chấp nhận NATO trong suốt Chiến tranh Lạnh vì nó giúp bảo vệ nước Đức tránh khỏi sự đe dọa của Liên Xô vốn nổi lên sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không có mối đe dọa rõ ràng như thế, và sự thực là mối đe dọa này hiện đang giảm đi nhanh chóng, Đức có khả năng sẽ phản đối việc tiếp tục duy trì NATO như chúng ta vẫn biết.
[2] Tôi không lập luận rằng Chiến tranh Lạnh hoàn toàn kết thúc là điều chắc chắn xảy ra, rất có thể đó chỉ là kết quả trung gian, trong đó hiện trạng sẽ thay đổi về cơ bản, nhưng những nét chính của trật tự hiện nay vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt là Liên Xô có thể rút phần lớn quân khỏi Đông Âu, nhưng vẫn để lại những lực lượng quan trọng. Nếu vậy thì lực lượng của NATO sẽ có khả năng bị cắt giảm đáng kể, nhưng NATO vẫn có thể tiếp tục duy trì những lực lượng quan trọng tại Đức. Anh và Mỹ sẽ rút một số quân khỏi Lục địa nhưng không rút hết. Nếu kết quả này xảy ra, sự cạnh tranh quân sự lưỡng cực cốt yếu đã định hình bản đồ Châu Âu trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ tiếp diễn. Tôi không xem xét đến tình huống này, thay vào đó, tôi sẽ tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hoàn toàn tại Châu Âu, bởi vì trong hai tình huống trên, đây là cái ít được để ý hơn, và bởi những hậu quả, và do đó là sự đáng mong muốn của việc kết thúc Chiến tranh Lạnh sẽ vẫn còn là vấn đề lớn nếu kết quả trung gian xảy ra.
[3] Sự ảnh hưởng của thay đổi về mặt nhân quyền tại Đông Âu sẽ không được trực tiếp lưu ý đến trong bài này. Người dân Đông Âu đã phải chịu nhiều khổ sở vì sự chiếm đóng của Liên Xô. Liên bang Xô Viết đã đặt chế độ chính trị áp bức tại khu vực này, tước bỏ của người Đông Âu các quyền tự do căn bản. Việc Liên Xô rút quân khỏi Đông Âu sẽ có thể làm tình hình thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, dù thay đổi này chưa hẳn hoàn toàn là phúc lành như phần lớn mọi người nghĩ. Thứ nhất, không rõ rằng chế độ cộng sản sẽ ngay lập tức được thay thế bởi những hệ thống chính trị ưu tiên bảo vệ quyền lợi thiểu số và quyền tự do của công dân. Thứ hai, mối hận máu lâu dài giữa các dân tộc ở Đông Âu có thể sẽ lại nổi lên ở một Châu Âu đa cực, bất kể trật tự chính trị đã tồn tại sẵn. Nếu chiến tranh diễn ra tại Đông Âu, chắc chắn nhân quyền sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.
[4] Người ta thường mô tả đặc điểm của sự phân cực – lưỡng cực hay đa cực – của hệ thống quốc tế nói chung, chứ không phải là một khu vực riêng biệt nào đó. Tuy nhiên trọng tâm của bài này không đề cập đến sự phân chia quyền lực trên toàn cầu, mà là sự phân chia quyền lực ở Châu Âu. Những tranh luận phân cực có thể được dùng để đánh giá triển vọng ổn định tại một khu vực cụ thể, miễn là sự cân bằng trong khu vực và thế giới được phân biệt với nhau và phần phân tích này tập trung vào cơ cấu quyền lực tại một khu vực cụ thể.
[5] Để trở thành một cực trong hệ thống khu vực và quốc tế, một quốc gia phải có khả năng tự bảo vệ mình trước các quốc gia lãnh đạo trong hệ thống ở mức độ hợp lý. Mỹ và Liên Xô có sự vượt trội về quân sự rõ ràng hơn hẳn các nước Châu Âu khác, và cả những nước không thuộc Châu Âu, trong suốt Chiến tranh Lạnh; do đó họ đã tạo nên hai cực của cả hệ thống Châu Âu và thế giới. Những gì đang diễn ra nhằm thay đổi điều này chính là cả Liên Xô và Mỹ đều đang rút các lực lượng khỏi Trung Âu, điều này khiến cả hai gặp khó khăn trong việc thiết lập quyền lực ở Lục địa và như vậy làm suy yếu ảnh hưởng của họ tại đây; cũng như giảm quy mô lực lượng, khiến họ không còn nhiều sức mạnh quân sự để triển khai. Vì yếu tố gần gũi về mặt địa lý với Châu Âu, Liên Xô vẫn là một cực trong hệ thống Châu Âu miễn là họ giữ các lực lượng quân sự quan trọng ở lại lãnh thổ của mình. Mỹ chỉ có thể tiếp tục là một cực ở Châu Âu khi còn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự lớn tại Trung Âu.
[6] Sự ổn định được định nghĩa một cách đơn giản là không có chiến tranh và các cuộc khủng hoảng lớn.
[7] Thuật ngữ “nền hòa bình dài lâu” được đưa ra bởi John Lewis Gaddis, “The Long Peace: Elements of Stability in the Postwar International System,” International Security, Vol. 10, No. 4 (Spring 1986), trang 99-142.
[8] Có khoảng 10.000 người chết trên chiến trường trong chiến tranh Nga – Hung vào tháng 10 – tháng 11 năm 1956, và khoảng 1.500 – 5000 người đã chết trên chiến trường trong cuộc chiến ở Cyprus vào tháng 7 – tháng 8 năm 1974. Xem Ruth Leger Sivard, World Military and Social Expenditures 1989 (Washington, D.C.: World Priorities, 1989), trang 22; Melvin Small và J. David Singer, Resort to Arms: International and Civil Wars, 1816-1980 (Beverly Hills, Calif.: Sage, 1982), trang 93-94.
[9] Để tìm hiểu tóm tắt các cuộc chiến trong quá khứ, xem Jack S. Levy, War In the Modern Great Power System, 1495-1975 (Lexington: University Press of Kentucky, 1983); và Small and Singer, Resort to Arms.
[10] Không có cuộc chiến tranh lớn nào diễn ra ở Châu Âu trong giai đoạn 1815 – 1853 và 1871 – 1914, hai giai đoạn này dài gần bằng cuộc Chiến tranh Lạnh trong suốt 45 năm. Tuy nhiên có một sự khác biệt quan trọng giữa Chiến tranh Lạnh và những giai đoạn trước đó. Quan hệ giữa các cường quốc xấu đi rõ rệt vào những năm cuối của hai thời kì này, và mỗi trường hợp dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn. Mặt khác, trật tự trong Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên ổn định hơn theo thời gian và hiện tại không có những mối đe dọa chiến tranh nghiêm trọng giữa NATO và khối Hiệp ước Warsaw. Châu Âu chắc chắn sẽ hòa bình trong tương lai có thể nhìn thấy trước nếu Chiến tranh Lạnh tiếp tục, đây là điểm làm nổi bật tính ổn định ngoại lệ của trật tự Châu Âu ngày nay.
[11] Mức độ quan trọng tương đối của ba yếu tố này không được khẳng định chính xác, nhưng cả ba đều có tầm quan trọng đáng kể.
[12] Hai tác phẩm kinh điển về đề tài này là Hans J. Morgenthau, Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace, 5th ed. (New York: Knopf, 1973); và Kenneth N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley, 1979).
[13] Những triển vọng răn đe này có thể chịu ảnh hưởng từ các tính toán nhằm ổn định khủng hoảng. Xem John J. Mearsheimer, “A Strategic Misstep: The Maritime Strategy and Deterrence in Europe,” International Security, Vol. 11, No. 2 (Fall 1986), trang 6-8.
[14] Xem Robert Jervis, “Cooperation Under the Security Dilemma,” World Politics, Vol. 30, No. 2 (January 1978), trang 167-214; và Stephen Van Evera, “Causes of War” (unpub. PhD dissertation, University of California at Berkeley, 1984), chap. 3. Như đã nói ở trên, tôi tin rằng sự khác biệt giữa vũ khí tấn công và phòng vệ và, tổng quát hơn, khái niệm về sự cân bằng giữa tấn công – phòng vệ, đều có liên quan ở cấp độ hạt nhân. Tuy vậy, tôi không tin những ý kiến này có liên quan ở cấp độ thông thường. Xem John J. Mearsheimer, Conventional Deterrence (Ithaca: Cornell University Press, 1983), trang 25-27.
[15] Bá quyền tượng trưng cho kiểu phân chia quyền lực thứ ba. Trong trật tự bá quyền, chỉ có duy nhất một cường quốc trong hệ thống. Còn lại là những nước nhỏ không có khả năng thách thức nước lớn, nhưng phải hành động theo mệnh lệnh của nước lớn. Mỗi quốc gia sẽ tìm cách đạt được quyền bá chủ, vì nó sẽ đem lại an ninh lớn: không đối thủ nào dám gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên hiếm khi trật tự này xảy ra bởi vì quyền lực có xu hướng được phân chia tương đối đồng đều giữa các quốc gia, vì những quốc gia bị đe dọa có động lực mạnh mẽ để gắn kết với nhau nhằm ngăn chặn một nước bá quyền nhiều tham vọng, và cũng bởi chi phí cho việc bành trướng luôn luôn vượt quá những lợi ích trước cả khi có được quyền thống trị khiến việc mở rộng quyền lực trở nên thái quá. Bá quyền chưa bao giờ là đặc trưng của hệ thống quốc gia Châu Âu ở bất cứ thời điểm nào từ khi hệ thống này nổi lên ở thế kỷ 17, và không có triển vọng nào cho bá quyền trong một tương lai có thể đoán trước được; do đó, bá quyền không thích hợp để đánh giá triển vọng hòa bình tại Châu Âu.
[16] Những tác phẩm quan trọng về trật tự hai cực và đa cực gồm có Thomas J. Christensen và Jack Snyder, “Chain Gangs and Passed Bucks: Predicting Alliance Patterns in Multipolarity,” International Organization, Vol. 44, No. 2 (Spring 1990), trang 137-168; Karl W. Deutsch và J. David Singer, “Multipolar Power Systems and International Stability,” World Politics, Vol. 16, No. 3 (April 1964), trang 390-406; Richard N. Rosecrance, “Bipolarity, Multipolarity, and the Future,” Journal of Conflict Resolution, Vol. 10, No. 3 (September 1966), trang 314-327; Kenneth N. Waltz, “The Stability of a Bipolar World, “Daedalus, Vol. 93, No. 3 (Summer 1964), trang 881-909; và Waltz, Theory of international Politics, chap. 8. Những kết luận của tôi về hệ thống lưỡng cực tương tự như của Waltz, mặc dù có những điểm khác nhau quan trọng trong cách lý giải của chúng tôi, sẽ được thể hiện dưới đây.
[17] Mặc dù sự cân bằng quyền lực có thể giúp ngăn chặn chiến tranh hơn là sự mất cân bằng quyền lực, nhưng sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia không đảm bảo rằng có thể đạt được khả năng răn đe. Các quốc gia thỉnh thoảng tìm ra những chiến lược quân sự mới có thể mang lại chiến thắng trên chiến trường, thâm chí không cần có lợi thế rõ rệt về mặt cân bằng sức mạnh quân sự cơ bản. Hơn nữa, những lực lượng chính trị rộng hơn khiến một quốc gia đi đến chiến tranh đôi khi buộc các nhà cầm quyền theo đuổi các chiến lược quân sự rất mạo hiểm, đẩy các quốc gia tới việc thách thức những đối thủ ngang tài ngang sức hay thậm chí là đối thủ mạnh hơn. Xem Mearsheimer, Conventional Deterrence, đặc biệt chương 2.
[18] Cuộc thảo luận về tính phân cực giả định rằng sức mạnh quân sự của các cường quốc tương đương nhau. Hậu quả của sự bất đối xứng quyền lực giữa những cường quốc sẽ được thảo luận bên dưới.
[19] Xem Stephen M. Walt, The Origins of Alliances (Ithaca: Cornell University Press, 1987); và Waltz, Theory of International Politics, trang 123-128.
[20] Một ngoại lệ cần được đề cập: việc kết bè phái vẫn có thể xảy ra ở trật tự đa cực trong trường hợp chỉ có ba cường quốc trong hệ thống, và do đó nạn nhân sẽ không thể có được đồng minh nào.
[21] Xem Mancur Olson and Richard Zeckhauser, “An Economic Theory of Alliances,” Review of Economics and Statistics, Vol. 48, No. 3 (August 1966), trang 266-279; và Barry R. Posen, The Sources of Military Doctrine: France, Britain, and Germany between the World Wars (Ithaca: Cornell University Press, 1984).
[22] Những cân nhắc về chính trị trong nước thỉnh thoảng cũng có thể gây cản trở hành vi cân bằng quyền lực. Ví dụ như, Anh và Pháp đã miễn cưỡng liên minh với Liên Xô trong thập niên 1930 vì mối ác cảm sâu xa của họ đối với chủ nghĩa cộng sản.
[23] Xem Walt, Origins of Alliances, trang 28-32, 173-178.
[24] Quan điểm này là chủ đề trung tâm của Waltz, “The Stability of a Bipolar World.” Xem  Geoffrey Blainey, The Causes of War (New York: Free Press, 1973), chap. 3.
[25] Waltz, Theory of International Politics, pp. 163, 168 khẳng định hiệu quả lớn hơncủa cân bằng bên trong so với cân bằng bên ngoài

Trở lại tương lai: Sự bất ổn tại Châu Âu sau Chiến tranh Lạnh (Phần 2)


Nguồn: John J. Mearsheimer (1990). “Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War”, International Security, Vol. 15, No. 1. (Summer), pp. 5-56
Biên dịch: Mạch Nguyễn Phương Uyên | Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương

Dự đoán tương lai: Sự Balkan hóa Châu Âu?
Trật tự mới nào sẽ nổi lên ở Châu Âu nếu Liên Xô và Mỹ rút về nước và Chiến tranh Lạnh kết thúc? Nó sẽ có những đặc điểm nào? Và nó sẽ nguy hiểm ra sao?
Chắc chắn là trật tự hai cực sẽ biến mất và hệ thống đa cực sẽ nổi lên trong trật tự mới tại Châu Âu. Hai khía cạnh khác của trật tự mới – sự phân chia quyền lực giữa các nước lớn và sự phân bổ vũ khí hạt nhân giữa họ – không được xác định trước, và một số dàn xếp có thể xảy ra. Có sự khác biệt rõ rệt trong tính ổn định của những dàn xếp này. Phần này sẽ xem xét phạm vi những mối nguy hiểm mà mỗi dàn xếp sẽ mang lại và khả năng chúng trở thành hiện thực.
Những mô hình phân bổ và triển khai vũ khí hạt nhân trong một Châu Âu mới là yếu tố ít chắc chắn nhất, nhưng có lẽ là quan trọng nhất, trong trật tự mới. Theo đó, phần này sẽ tiếp tục tìm hiểu đặc điểm của bốn thế giới hạt nhân chính có thể xuất hiện: một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân, sự tiếp tục những mô hình hiện tại trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân, và sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở cả hai khía cạnh được kiểm soát hiệu quả và không được kiểm soát hiệu quả.
Trật tự mới tốt nhất sẽ bao gồm sự phổ biến vũ khí hạt nhân hạn chế và trong tầm kiểm soát. Điều này sẽ nguy hiểm hơn trật tự hiện tại, nhưng an toàn hơn nhiều so với giai đoạn 1900 – 1945. Trật tự tệ nhất sẽ là một Châu Âu không vũ khí hạt nhân mà ở đó, sự mất cân bằng quyền lực sẽ xuất hiện giữa những cực quyền lực chính. Trật tự này sẽ nguy hiểm hơn thế giới hiện tại, và có lẽ sẽ nguy hiểm gần như thế giới trước năm 1945. Sự tiếp nối mô hình hiện tại, hay sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát, sẽ tồi tệ hơn thế giới ngày nay, nhưng an toàn hơn thế giới trước 1945.
Một Châu Âu phi hạt nhân
Một số người Châu Âu và Mỹ tìm cách loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Châu Âu và thay thế trật tự Chiến tranh Lạnh bằng một trật tự hoàn toàn phi hạt nhân. Việc xây dựng một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân sẽ đòi hỏi Anh, Pháp và Liên Xô phải tự mình loại bỏ vũ khí hạt nhân. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân sẽ là trật tự hòa bình nhất có thể xảy ra; tuy nhiên trên thực tế, một Châu Âu phi hạt nhân sẽ là điều nguy hiểm nhất trong số những trật tự hậu Chiến tranh Lạnh có khả năng xảy ra. Những hiệu ứng ổn định của vũ khí hạt nhân – an ninh mà chúng mang lại, sự cẩn trọng mà chúng tạo, sự cân bằng tương đối mà chúng áp đặt, và tính rõ ràng của sức mạnh tương đối do chúng tạo ra – sẽ không còn nữa. Hòa bình sẽ tùy thuộc vào những khía cạnh khác của trật tự mới – số lượng các cực và sự phân bổ quyền lực giữa chúng. Tuy nhiên, trật tự mới chắc chắn sẽ là trật tự đa cực, và có lẽ là không cân bằng; do vậy hệ thống này rất có xu hướng thiên về bạo lực. Cơ cấu quyền lực ở Châu Âu sẽ rất giống như giữa các cuộc chiến tranh thế giới, và rất có thể gây ra kết quả tương tự.
Hai nước mạnh  nhất ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh có thể là Đức và Liên Xô. Hai nước này sẽ được phân cách về mặt địa lý bởi một loạt các quốc gia nhỏ và độc lập ở Đông Âu . Không có nhiều thay đổi ở Tây Âu, mặc dù các nước trong vùng sẽ phải lo lắng về sự đe dọa tiềm tàng của Đức ở phía đông.
Khả năng xảy ra xung đột trong hệ thống này rất lớn. Có nhiều cặp xung đột tiềm năng khiến chiến tranh có thể sẽ nổ ra. Sự mất cân bằng quyền lực sẽ trở nên phổ biến do những cơ hội mà hệ thống tạo ra cho việc bắt nạt và kết bè phái. Khả năng xảy ra tính toán sai lầm là rất cao. Rắc rối trong việc kiềm chế sức mạnh của Đức sẽ lại nổi lên một lần nữa, nhưng sự phân bổ quyền lực tại Châu Âu sẽ khiến việc xây dựng một liên minh đối trọng hiệu quả trở nên khó khăn, cũng vì lý do này mà không thể xây dựng được một liên minh đối trọng hiệu quả vào thập niên 1930. Đến một lúc nào đó vấn đề kiềm chế sức mạnh Liên Xô cũng sẽ lại nổi lên. Cuối cùng, xung đột sẽ bùng nổ ở Đông Âu, tạo ra vòng xoáy cuốn cả các nước khác vào một cuộc đối đầu quy mô hơn.
Một nước Đức thống nhất sẽ bị bao quanh bởi những nước nhỏ hơn, những nước khó có thể chống lại sự xâm lược của Đức. Không có các lực lượng đồn trú tại các nước tiếp giáp Đức, cả Liên Xô và Mỹ đều không có vị thế tốt để giúp các nước này kiềm chế sức mạnh của Đức. Hơn nữa, những nước nhỏ nằm giữa Đức và Liên Xô có thể sẽ sợ Liên Xô ngang với Đức, và do đó không sẵn lòng hợp tác với Liên Xô để ngăn cản sự xâm lược của Đức. Vấn đề này thực tế đã nổi lên từ thập niên 1930, và 45 năm chiếm đóng của Liên Xô trong giai đoạn chuyển tiếp đã không giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của Đông Âu đối với sự hiện diện của quân đội Liên Xô. Như thế, các kịch bản Đức dùng lực lượng quân sự tấn công Ba Lan, Tiệp Khắc và thậm chí cả Áo là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Liên Xô rốt cuộc cũng có thể đe dọa hiện trạng này. Việc Liên Xô rút quân khỏi Đông Âu không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ cảm thấy cần phải quay lại đó. Lịch sử cho thấy rất nhiều trường hợp Nga hay Liên Xô can dự vào Đông Âu. Thật vậy, sự hiện diện của Nga ở Đông Âu lúc nhiều lúc ít lặp đi lặp lại trong suốt vài thế kỷ qua.[1] Do đó, sự rút quân của Liên Xô hiện tại khó có thể đảm bảo một sự ra đi vĩnh viễn.
Xung đột giữa các quốc gia Đông Âu cũng có khả năng gây ra bất ổn ở một Châu Âu đa cực. Không có chiến tranh giữa các nước ở khu vực này trong suốt Chiến tranh Lạnh là vì Liên Xô đã kiểm soát họ rất chặt chẽ. Quan điểm này được minh chứng bởi những căng thẳng nghiêm trọng hiện đang tồn tại giữa Hungary và Rumani về sự đối xử của Rumani đối với những người thiểu số Hungary tại Transylvania, vùng đất trước đây thuộc về Hungary và vẫn có khoảng 2 triệu người Hungary đang sinh sống tại đây. Nếu không phải vì sự có mặt của Liên Xô ở Đông Âu, xung đột này đã có thể đưa Rumani và Hungary tới chiến tranh, và có thể đưa họ đến chiến tranh trong tương lai.[2] Điều này sẽ không phải là mối nguy hiểm duy nhất ở Đông Âu nếu đế chế Liên Xô sụp đổ.[3]
Chiến tranh ở Đông Âu sẽ gây ra những đau khổ khủng khiếp cho người dân Đông Âu. Cuộc chiến này có thể lan rộng ra các nước lớn vì họ sẽ bị lôi kéo vào cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này, đặc biệt nếu sự rối loạn tạo ra một nền chính trị dễ thay đổi mang lại cơ hội cho các nước bên ngoài gây ảnh hưởng, hoặc đe dọa khuất phục những quốc gia thân thiện. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, cả hai siêu cường đều bị kéo vào những xung đột ở các nước Thế giới thứ ba trên toàn cầu, thường là ở những vùng xa xôi có tầm quan trọng chiến lược không cao. Đông Âu nằm kề cả Liên Xô và Đức và có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế đáng kể; do đó, những bất ổn ở Đông Âu thậm chí có thể gây ra sự cám dỗ đối với các cường quốc này lớn hơn là những cuộc xung đột trước đây ở Thế giới thứ ba đã gây ra cho các siêu cường. Hơn nữa, do kết quả của những xung đột tại khu vực này phần lớn được quyết định bởi thành công tương đối của mỗi bên trong việc tìm kiếm đồng minh bên ngoài, các quốc gia Đông Âu sẽ có động cơ mạnh mẽ để kéo các nước lớn vào những cuộc xung đột của họ tại khu vực này.[4] Vậy nên sẽ có cả lực kéo và lực đẩy đối với sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào các cuộc chiến ở Đông Âu.
Tính toán sai lầm cũng có khả năng trở thành vấn đề của một Châu Âu đa cực. Ví dụ, trật tự mới có thể chứng kiến rõ những mô hình xung đột đang thay đổi, khiến cho các nước đối địch không có đủ thời gian để thống nhất về sự phân chia quyền lợi và các quy tắc tương tác, hoặc liên tục buộc họ tái thiết lập những thỏa thuận và quy tắc mới vì sự thù địch cũ dần biến mất và cái mới sẽ nổi lên. Hoàn cảnh mới sẽ khó cho phép xây dựng một loạt thỏa thuận hiệu quả giống như những thỏa thuận giúp mang lại ổn định cho Chiến tranh Lạnh từ năm 1963. Thay vào đó, tình hình Châu Âu sẽ trở nên giống như thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, khi mà việc không có luật lệ đã dẫn tới những cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại liên tục. Thêm vào đó, đặc điểm đa cực của hệ thống có thể sẽ gây ra những tính toán sai lầm liên quan đến sức mạnh của những liên minh đối lập.
Rất khó để dự đoán chính xác về sự cân bằng sức mạnh quân sự phi hạt nhân sẽ nổi lên giữa hai cường quốc lớn nhất ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là khi tương lai sức mạnh của Liên Xô hiện rất khó dự đoán. Liên Xô có thể phục hồi sức mạnh của mình ngay sau khi rút quân khỏi Trung Âu; nếu thế, sức mạnh Liên Xô có thể vượt sức mạnh Đức. Hoặc các lực lượng dân tộc ly khai sẽ làm tan rã Liên Xô, không để lại một nước nào sánh ngang được với nước Đức thống nhất.[5] Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Đức và Liên Xô nổi lên như những cường quốc gần như cân bằng về sức mạnh. Hai kịch bản đầu tiên, với sự bất bình đẳng rõ ràng giữa hai cường quốc đứng đầu, sẽ đặc biệt đáng lo ngại, mặc dù kịch bản sức mạnh Liên Xô và Đức ngang bằng nhau cũng rất đáng quan tâm.
Chủ nghĩa dân tộc quá khích trỗi dậy sẽ tạo ra ít nguy hiểm hơn những vấn đề đã nêu trên, nhưng một số hình thức chủ nghĩa dân tộc có thể lại nổi lên khi không có Chiến tranh Lạnh và tạo thêm động lực dẫn đến chiến tranh. Một Châu Âu phi hạt nhân sẽ gặp rắc rối đặc biệt với chủ nghĩa dân tộc vì an ninh trong một trật tự như vậy phần lớn là nhờ có lực lượng quân đội đông đảo, và những quân đội này thường không thể duy trì nếu không kích động chủ nghĩa dân tộc quá khích trong xã hội. Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng nhất ở Đông Âu, nhưng cũng có khả năng gây nên rắc rối tại Đức. Người Đức nhìn chung đã đạt được kết quả rất đáng ngưỡng mộ trong việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc trong hơn 45 năm qua và luôn ghi nhớ về giai đoạn đen tối trong quá khứ của mình. Tuy nhiên, những điềm báo đáng lo ngại đang trở nên rõ ràng; nhưng điều đáng lo nhất là vài người Đức có ảnh hưởng gần đây đã khuyên nên tăng cường việc dạy chủ nghĩa dân tộc trong giáo dục lịch sử.[6] Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc sẽ tăng lên do những tranh chấp biên giới chưa được giải quyết nổi lên một khi Mỹ và Liên Xô rút quân. Đặc biệt đáng chú ý là tranh chấp biên giới giữa Đức và Ba Lan mà người Đức sẽ làm thay đổi theo hướng có lợi cho mình.
Tuy vậy, rất khó có khả năng Châu Âu sẽ trở nên phi hạt nhân, bất chấp sự phản đối vũ khí hạt nhân hiện đang rất mạnh mẽ ở đây. Ví dụ, không có khả năng người Pháp, khi không còn sự che chở của Mỹ và phải đối mặt với một nước Đức mới thống nhất, sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Và Liên Xô chắc chắn vẫn lo ngại về việc cân bằng khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, và do đó sẽ duy trì khả năng răn đe của chính mình.
Mô hình sở hữu vũ khí hạt nhân hiện tại sẽ tiếp diễn
Một trật tự hợp lý hơn cho Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh là trật tự trong đó Anh, Pháp và Liên Xô vẫn giữ vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ không có thêm cường quốc hạt nhân nào khác xuất hiện ở Châu Âu. Kịch bản này cho thấy một khu vực phi hạt nhân ở Trung Âu, nhưng vẫn để lại vũ khí hạt nhân bên sườn Châu Âu.
Kịch bản này cũng có vẻ khó xảy ra, bởi vì những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ có động lực quan trọng để phát triển vũ khí hạt nhân cho chính mình. Đức có thể không cần vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của các nước láng giềng, vì cả Pháp hay các nước Đông Âu đều không có khả năng đánh bại một nước Đức thống nhất trong một cuộc chiến tranh thông thường. Liên Xô sẽ là mối đe dọa phi hạt nhân chính đáng duy nhất của Đức, nhưng miễn là các nước Đông Âu vẫn độc lập, lục quân Liên Xô sẽ không thể thực hiện một cuộc tấn công trực tiếp. Tuy nhiên người Đức sẽ không sẵn lòng dựa vào người Ba Lan hay Tiệp Khắc để tạo rào chắn và thay vào đó có thể nhận thấy vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vào Trung Âu. Người Đức có thể chọn sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ chính mình khỏi bị đe dọa bởi những cường quốc hạt nhân khác. Cuối cùng, do Đức có sức mạnh kinh tế lớn hơn cả Anh hoặc Pháp, họ sẽ tìm kiếm vũ khí hạt nhân để nâng cao vị thế quân sự cho tương xứng với vị thế kinh tế.
Các nước nhỏ ở Đông Âu sẽ có động lực mạnh mẽ để có được vũ khí hạt nhân. Không có vũ khí hạt nhân, những nước Đông Âu này sẽ dễ dàng bị đe dọa hạt nhân bởi Liên Xô và Đức, nếu nước này có được vũ khí hạt nhân. Không quốc gia Đông Âu nào có thể sở hữu sức mạnh phi hạt nhân sánh được với Đức hay Liên Xô, và điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho những nước nhỏ tìm cách có được khả năng ngăn chặn hạt nhân, ngay cả khi các cường quốc không có. Tóm lại, dường như khó có khả năng hình thức sở hữu hiện tại vẫn tiếp diễn mà không có sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trật tự này ổn định như thế nào? Sự tiếp tục hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Châu Âu sẽ có tác dụng bình ổn. Vũ khí hạt nhân sẽ khiến cho chính các nước sở hữu chúng phải cẩn trọng hơn, đảm bảo an ninh lớn hơn cho các cường quốc hạt nhân, có xu hướng cân bằng sức mạnh tương đối của các nước sở hữu chúng, và làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ bị hạn chế nếu vũ khí hạt nhân không được phổ biến ngoài những quốc gia hiện đang sở hữu, vì bốn nguyên nhân chính sau.
Đầu tiên, vùng trung tâm rộng lớn của Châu Âu sẽ không có được sự cẩn trọng và an ninh mà vũ khí hạt nhân mang lại. Cả khu vực giữa Pháp và Liên Xô, trải dài từ Bắc Cực ở phía Bắc tới Địa Trung Hải ở phía Nam, và bao gồm khoảng mười tám nước quan trọng, sẽ trở thành một vùng rộng lớn “thuận lợi” đối với chiến tranh thông thường. Thứ hai, mối quan hệ quyền lực không cân xứng sẽ buộc phải phát triển giữa những quốc gia hạt nhân và phi hạt nhân cũng như giữa những quốc gia phi hạt nhân, làm gia tăng các mối đe dọa kèm theo sự bất đối xứng. Thứ ba, nguy cơ tính toán sai lầm sẽ tăng lên, phản ánh tính chất đa cực của hệ thống này và sự thiếu vắng vũ khí hạt nhân ở một phần lớn của hệ thống. Sẽ rất khó xây dựng một trật tự chính trị bền vững được được thừa nhận chung vì các liên minh chính trị có xu hướng thay đổi theo thời gian, gây nên những tính toán sai lầm về quyết tâm của các đối thủ. Sức mạnh tương đối của các liên minh chiến tranh tiềm năng sẽ rất khó tính toán vì sức mạnh của liên minh sẽ phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi thất thường của ngoại giao. Những bất định về khả năng tương đối như vậy sẽ giảm bớt trong những xung đột nảy sinh giữa các cường quốc hạt nhân: vũ khí hạt nhân có xu hướng cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia hay liên minh có sự chênh lệch lớn về nguồn lực, và do vậy làm mất đi tầm quan trọng của việc gia nhập hay ly khai khỏi mỗi liên minh. Tuy nhiên, sự bất định sẽ sâu sắc hơn giữa những nước vẫn còn trong tình trạng phi hạt nhân. Thứ tư, an ninh của các quốc gia vũ trang phi hạt nhân ở Trung Âu sẽ phụ thuộc vào quân đội đại chúng, tạo động lực cho các quốc gia này tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm cho xã hội để duy trì sự ủng hộ của quần chúng đối với các nỗ lực phòng vệ.
Sự phổ biến vũ khí hạt nhân được kiểm soát tốt hoặc không
Viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng hơn ở Châu Âu. Kết quả này mang đầy rủi ro, nhưng cũng có thể mang lại hy vọng lớn nhất để duy trì sự ổn định ở Lục địa. Những tác động của việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc nó được kiểm soát thế nào. Sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát có thể gây ra thảm họa, trong khi nếu được kiểm soát tốt có thể tạo nên một trật tự ổn định gần như trật tự hiện tại. Thật đáng tiếc, bất cứ sự phổ biến vũ khí hạt nhân nào cũng có thể không được kiểm soát tốt.
Bốn mối nguy chính có thể nảy sinh nếu sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát phù hợp. Đầu tiên, quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân tự nó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho các cường quốc hiện tại sử dụng sức mạnh ngăn cản các nước láng giềng phi hạt nhân của mình có được vũ khí hạt nhân, giống như Israel từng làm với Iraq.
Thứ hai, thậm chí sau khi quá trình phổ biến hạt nhân kết thúc, một sự cạnh tranh hạt nhân ổn định cũng không thể diễn ra giữa các quốc gia hạt nhân mới. Các nước nhỏ hơn ở Châu Âu có thể thiếu các nguồn lực cần thiết để duy trì sức mạnh hạt nhân của mình; sức mạnh hạt nhân mới còn non yếu có thể tạo ra cho đối thủ động cơ tấn công trước và những bất ổn kèm theo khủng hoảng. Vì nền kinh tế của những nước này khá nhỏ, họ không thể phát triển kho vũ khí lớn như của những cường quốc; kho vũ khí với quy mô nhỏ do đó rất dễ bị tấn công. Hơn nữa, việc không thể bành trướng lãnh thổ khiến cho các nước này không có được các căn cứ khả thi, như căn cứ tên lửa di động giúp bảo đảm các biện pháp răn đe của họ.
Một số nước nằm hoàn toàn trong đất liền, do đó không thể đặt căn cứ vũ khí hạt nhân trên biển, phương thức thiết lập căn cứ an toàn nhất được các siêu cường sử dụng. Hơn nữa, sự gần gũi với một quốc gia khác khiến họ không có thời gian cảnh báo, và do đó không thể giúp tận dụng hiệu quả sự cảnh báo hiệu quả để ngăn ngừa các cuộc tấn công, ví dụ như nhanh chóng khởi động các máy bay ném bom báo động. Cuối cùng, những cường quốc hạt nhân mới nổi cũng có thể thiếu nguồn lực cần thiết để xây dựng hệ thống chỉ huy và kiểm soát an toàn cũng như đầy đủ các thủ tục an toàn trong quản lý hạt nhân, do vậy làm gia tăng nguy cơ khởi động hệ thống không mong muốn, hoặc bị khủng bố chiếm và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thứ ba, giới cầm quyền và quần chúng ở các quốc gia hạt nhân mới nổi ở Châu Âu có thể không kịp xây dựng các học thuyết và quan điểm phản ánh sự thấu hiểu những hậu quả tàn khốc và khả năng không thể thắng căn bản của chiến tranh hạt nhân. Sẽ có những ý kiến ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh cho rằng chiến tranh hạt nhân hạn chế là khả thi, và những cuộc chiến tranh hạt nhân có thể được tiến hành và chiến thắng. Những luận điệu này có thể được chấp nhận một cách nghiêm túc tại những quốc gia chưa từng có nhiều kinh nghiệm trực tiếp trong cuộc cách mạng hạt nhân.
Thứ tư, sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng rãi sẽ gia tăng khả năng khai ngòi chiến tranh hạt nhân, và đến lượt nó làm gia tăng khả năng vũ khí hạt nhân sẽ bị khai hỏa do tai nạn, sử dụng trái phép, bị khủng bố cướp, hoặc do việc đưa ra quyết định thiếu lý trí.
Nếu những vấn đề này không được giải quyết, sự phổ biến hạt nhân sẽ mang lại những nguy hiểm trầm trọng. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân hiện tại có thể tiến hành các biện pháp giúp giảm những nguy cơ này. Họ có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công dự phòng vào những quốc gia hạt nhân mới nổi bằng cách gia tăng sự đảm bảo an ninh. Họ có thể hỗ trợ kỹ thuật để giúp những cường quốc mới được trang bị hạt nhân bảo vệ hệ thống của mình. Và họ có thể giúp các xã hội hạt nhân mới này hiểu bản chất của sức mạnh mình đang nắm giữ. Sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát theo cách này có thể giúp củng cố nền hòa bình.
Vũ khí hạt nhân nên được phép phổ biến tới mức nào? Tốt nhất là sự phổ biến hạt nhân chỉ nên được giới hạn tại Đức chứ không đi xa hơn nữa.[7] Đức có một cơ sở kinh tế lớn mạnh, và do đó có thể duy trì sức mạnh hạt nhân an toàn. Hơn nữa, Đức sẽ cảm thấy không an toàn nếu không có vũ khí hạt nhân; và sức mạnh phi hạt nhân lớn của Đức giúp họ  gây ảnh hưởng quan trọng đến Châu Âu nếu cảm thấy bất an. Những nước khác – đặc biệt là Đông Âu – có lẽ cũng muốn sở hữu hạt nhân, nhưng tốt nhất nên tránh sự phổ biến hạt nhân rộng rãi thêm này. Lý do, như đã được nêu trên, là các nước này có thể không đảm bảo được an toàn cho hệ thống hạt nhân của mình, và sự phổ biến không giới hạn sẽ làm tăng nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố hoặc các lãnh đạo quốc gia thiếu lý trí. Tuy nhiên, nếu sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng rãi hơn được chứng tỏ là không thể tránh khỏi mà không có các biện pháp cực đoan, những cường quốc hạt nhân hiện tại nên để nó xảy ra, trong khi đó cố hết sức hướng nó theo chiều hướng an toàn.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát tốt, những mối nguy đáng kể vẫn tồn tại. Nếu tất cả cường quốc ở Châu Âu đều sở hữu vũ khí hạt nhân, lịch sử cho thấy rằng họ vẫn đấu tranh giành ảnh hưởng ở các nước nhỏ hơn và sẽ bị kéo vào các xung đột của những nước nhỏ. Các cường quốc, dù được đảm bảo an ninh nhờ kho vũ khí hạt nhân, vẫn cạnh tranh giành ảnh hưởng dữ dội tại các khu vực xa xôi, không quan trọng về mặt chiến lược như Nam Á, Đông Nam Á, và Trung Mỹ. Các cường quốc Châu Âu có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh, đặc biệt là ở Đông Âu, ngay cả khi họ đã sở hữu khả năng răn đe hạt nhân an toàn.
Khả năng kết bè phái vẫn còn: vài quốc gia hạt nhân có thể liên kết với nhau chống lại một quốc gia hạt nhân đơn độc, có lẽ là để tập hợp đủ sức mạnh để áp đảo hệ thống hạt nhân của quốc gia mục tiêu. Các quốc gia hạt nhân cũng có thể đe dọa những nước láng giềng phi hạt nhân. Vấn đề này sẽ được giảm nhẹ nếu quá trình phổ biến hạt nhân không giới hạn diễn ra, khi đó sẽ chỉ còn vài nước phi hạt nhân trở thành đối tượng bị các nước hạt nhân khác đe dọa, nhưng sự phổ biến hạt nhân rộng rãi này cũng mang theo nó nhiều nguy cơ, như đã nói ở trên.
Sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát tốt sẽ giảm nguy cơ các quốc gia tính toán sai lầm về sức mạnh tương đối của các liên minh, vì vũ khí hạt nhân giúp làm rõ sức mạnh tương đối của các nước, và làm mất đi tầm quan trọng của sự gia nhập và rút lui không lường trước khỏi các liên minh. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là ý chí quyết tâm của các nước sẽ bị tính toán sai, vì hình mẫu xung đột có khả năng trở nên dễ thay đổi trong một Châu Âu đa cực, do vậy làm cản trở sự hình thành phạm vi quyền lợi và hành vi ứng xử một cách rõ ràng.
Sự phổ biến hạt nhân không giới hạn, ngay cả khi được kiểm soát hiệu quả, sẽ làm gia tăng những nguy cơ xuất hiện khi có quá nhiều khả năng khai ngòi chiến tranh hạt nhân – tai nạn, sử dụng trái phép hay thiếu lý trí, hoặc bị khủng bố chiếm đoạt.
Trong bất cứ trường hợp nào, sự phổ biến vũ khí hạt nhân khó có thể được kiểm soát tốt. Các cường quốc hạt nhân không thể dễ dàng kiểm soát sự phổ biến hạt nhân trong khi cùng lúc đó lại phản đối nó; có một sức ép tự nhiên giữa hai mục tiêu này. Nhưng các nước có lý do để phản đối sự phổ biến này. Các cường quốc hạt nhân hiện tại sẽ miễn cưỡng giúp đỡ kỹ thuật cho các cường quốc hạt nhân mới trong việc xây dựng hệ thống hạt nhân an toàn, vì nó đi ngược lại với bản chất của ứng xử quốc gia khi chuyển giao sức mạnh quân sự cho các nước khác, và vì sợ rằng công nghệ quân sự nhạy cảm có thể trở ngược chống lại những quốc gia hỗ trợ nếu công nghệ đó được chuyển giao cho các đối thủ của những nước này. Các cường quốc hạt nhân cũng sẽ miễn cưỡng làm suy yếu tính hợp pháp của Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 bằng cách cho phép các nước ký kết có được vũ khí hạt nhân, vì điều này có thể mở lối cho sự phổ biến hạt nhân rộng rãi mà họ tìm cách tránh, ngay cả khi các nước này ủng hộ sự phổ biến hạt nhân rất hạn chế. Vì những lý do này mà các cường quốc hạt nhân sẽ dồn sức vào việc ngăn cản quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân hơn là kiểm soát nó.
Sự phổ biến hạt nhân có thể được kiểm soát dễ dàng nếu diễn ra trong thời kỳ thế giới tương đối yên bình. Sự phổ biến hạt nhân diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì các nước đang có xung đột với những cường quốc hạt nhân mới nổi sẽ có động lực mạnh mẽ để dùng vũ lực ngăn cản quá trình này. Tuy nhiên, sự phổ biến hạt nhân sẽ khó có thể bắt đầu cho tới khi bùng nổ khủng hoảng, vì giữa các cường quốc hạt nhân tiềm năng sẽ có sự phản đối trong nước đối với sự phổ biến này, cũng như sẽ có sự kháng cự mạnh mẽ từ những cường quốc hạt nhân bên ngoài. Do đó có thể phải cần tới một cuộc khủng hoảng để thúc đẩy các cường quốc hạt nhân tiềm năng chi trả chi phí di chuyển trong nước và quốc tế để xây dựng sức mạnh hạt nhân. Do đó, sự phổ biến vụ khí hạt nhân có khả năng xảy ra dưới những điều kiện quốc tế bất lợi hơn là trong thời bình.
Cuối cùng, có những giới hạn về khả năng các cường quốc hạt nhân hiện có giúp đỡ những quốc gia hạt nhân mới nổi nhỏ hơn xây dựng hệ thống phòng ngừa an toàn. Ví dụ, những quốc gia nhỏ không giáp biển không thể sử dụng hệ thống hạt nhân đặt trên biển hoặc những hệ thống tên lửa di động trên mặt đất đòi hỏi phải có diện tích đất rộng lớn; có những vấn đề địa lý mà công nghệ không thể vượt qua. Do đó ngay cả khi các quốc gia hạt nhân hiện tại chuyển sang kiểm soát quá trình phổ biến hạt nhân sớm và khôn ngoan, quá trình này vẫn có thể làm gia tăng những hiểm nguy không thể kiểm soát.
Những lý thuyết khác dự đoán hòa bình
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị Châu Âu sẽ phản đối phân tích bi quan của tôi về Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh và phản biện rằng một Châu Âu đa cực có khả năng ít nhất là cũng yên bình như trật tự hiện nay. Ba kịch bản cụ thể cho tương lai hòa bình được đưa ra. Mỗi kịch bản đều dựa trên một lý thuyết nổi tiếng về quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết này đều có vấn đề và do đó không thể dùng làm cơ sở cho những dự đoán đáng tin cậy về trật tự hòa bình ở Châu Âu đa cực; cho nên những viễn cảnh đầy hy vọng mà họ ủng hộ đều thiếu hợp lý.
Trong kịch bản lạc quan đầu tiên, một Châu Âu phi hạt nhân vẫn hòa bình vì người dân Châu Âu nhận ra rằng thậm chí chỉ một cuộc chiến tranh thông thường thôi cũng rất tồi tệ. Các nhà lãnh đạo quốc gia, được lịch sử làm cho sáng mắt, sẽ chú tâm rất nhiều đến việc tránh xảy ra chiến tranh. Kịch bản này dựa trên lý thuyết về “sự lỗi thời của chiến tranh”.
Mặc dù chiến tranh thông thường hiện đại chắc chắn có thể rất tốn kém, lập luận này vẫn còn nhiều thiếu sót. Không có bất kỳ bằng chứng có hệ thống nào cho thấy Châu Âu tin rằng chiến tranh đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, ngay cả khi khắp Châu Âu đều tin rằng chiến tranh là điều không còn có thể tưởng tượng ra nữa thì quan điểm vẫn có thể thay đổi. Ý kiến của dân chúng về những vấn đề an ninh quốc gia nổi tiếng là không kiên định và dễ bị ảnh hưởng bởi sự vận động của giới lãnh đạo và các sự kiện trên thế giới. Hơn nữa, chỉ cần một quốc gia cho rằng chiến tranh là điều đáng nghĩ đến đã đủ khiến chiến tranh có khả năng xảy ra lần nữa. Cuối cùng, có thể một cuộc chiến thông thường sẽ nổ ra và có chiến thắng mà không kèm theo thiệt hại nghiêm trọng, và những nhà lãnh đạo thấy được khả năng này sẽ cho rằng chiến tranh là một lựa chọn khả thi.
Ở viễn cảnh lạc quan thứ hai, Công đồng Châu Âu (EC) hiện tại sẽ lớn mạnh theo thời gian, một sự phát triển được báo trước bởi Đạo luật chung Châu Âu, vốn được xây dựng nhằm tạo nên một thị trường Tây Âu thống nhất vào năm 1992. Một EC lớn mạnh sẽ đảm bảo rằng trật tự kinh tế này vẫn luôn rộng mở và phát triển, và tính chất mở và phát triển của nền kinh tế Châu Âu sẽ giúp các nước Tây Âu hợp tác với nhau. Theo quan điểm này, cơ cấu EC hiện tại sẽ mạnh hơn, chứ không lớn hơn. Do đó, trong khi xung đột có thể xảy ra ở Đông Âu, nguy cơ từ một nước Đức hung hăng sẽ được gỡ bỏ bằng cách khiến nước Đức mới thống nhất can dự nhiều hơn vào EC. Lý thuyết làm nền tảng cho kịch bản này là “chủ nghĩa tự do kinh tế”.
Một biến thể của kịch bản thứ hai này cho rằng EC sẽ mở rộng và bao gồm cả Đông Âu, có thể là cả Liên Xô, mang lại sự giàu có và hòa bình cho các khu vực này.[8] Vài ý kiến cũng cho rằng trong thập kỷ tới, EC sẽ thành công đến mức nó sẽ phát triển thành một bộ máy nhà nước: một siêu quốc gia Tây Âu thống nhất sẽ nổi lên và Đức cũng nằm trong đó. Ở một thời điểm nào đó trong tương lai, phần còn lại của Châu Âu cũng sẽ được tích hợp vào siêu quốc gia đó. Dù bằng cách nào thì theo những người ủng hộ kịch bản thứ hai này và những biến thể của nó, nền hòa bình đều được củng cố.
Trong kịch bản thứ ba, có thể tránh khỏi chiến tranh vì nhiều nước Châu Âu đã trở nên dân chủ hơn từ đầu thế kỷ 20, và các nước dân chủ tự do đơn giản là không gây chiến với nhau. Ít nhất, sự hiện diện của chế độ dân chủ tự do ở Tây Âu khiến cho một nửa Châu Âu tránh được xung đột vũ trang. Ở mức tối đa, khi nền dân chủ trải rộng ra toàn Đông Âu và Liên Xô, nó sẽ củng cố nền hòa bình giữa những nước này với nhau, và giữa những nước này với Tây Âu. Kịch bản này dựa trên một lý thuyết có thể đặt tên là “các nền dân chủ yêu hòa bình”.
Chủ nghĩa tự do kinh tế
TÍNH LOGIC CỦA LÝ THUYẾT NÀY. Chủ nghĩa tự do kinh tế bác bỏ quan điểm cho rằng triển vọng hòa bình gắn chặt với những tính toán về sức mạnh quân sự, và thay vào đó khẳng định rằng sự ổn định chủ yếu là một tác dụng của những cân nhắc kinh tế quốc tế. Nó giả định rằng những quốc gia hiện đại phần lớn bị thúc đẩy bởi ước muốn đạt được sự giàu có, và rằng lãnh đạo quốc gia luôn đặt phúc lợi vật chất của người dân lên trên những ưu tiên khác, kể cả an ninh. Điều này đặc biệt đúng với các nước tự do dân chủ, ở đó các nhà hoạch định chính sách đang phải chịu áp lực đặc biệt là đảm bảo phúc lợi kinh tế cho người dân.[9] Do vậy, chìa khóa để đạt được hòa bình là thiết lập một hệ thống kinh tế quốc tế nuôi dưỡng sự phồn thịnh cho tất cả các nước.
Gốc rễ của sự ổn định, theo lý thuyết này, là sự hình thành và duy trì một trật tự kinh tế tự do cho phép trao đổi kinh tế không ràng buộc giữa các quốc gia. Một trật tự như thế sẽ làm giảm xung đột và tăng hợp tác chính trị theo ba cách.[10]
Đầu tiên, nó khiến quốc gia thịnh vượng hơn; điều này củng cố hòa bình vì những quốc gia giàu có hài lòng hơn về mặt kinh tế, và những quốc gia hài lòng thường yên bình hơn. Nhiều cuộc chiến được tiến hành để giành lấy hay bảo vệ tài sản, nhưng các quốc gia ít có động lực tiến hành các cuộc chiến tranh như thế nếu họ đã giàu có rồi. Những xã hội giàu có cũng có thể mất nhiều hơn nếu bị chiến tranh tàn phá. Vì những lý do này, họ sẽ tránh chiến tranh.
Hơn nữa, sự phồn thịnh do chủ nghĩa tự do kinh tế sản sinh ra sẽ tự nuôi chính nó, bằng cách khuyến khích những thể chế quốc tế nuôi dưỡng chủ nghĩa tự do lớn mạnh hơn, và sau đó tới lượt nó thúc đẩy sự thịnh vượng. Để vận hành trơn tru, một trật tự kinh tế tự do đòi hỏi phải có các hệ thống và thể chế quốc tế, như Công đồng Châu Âu EC, Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những thể chế này thực hiện hai chức năng quan trọng nhưng có giới hạn. Thứ nhất, chúng giúp các quốc gia thẩm tra xem những đồng minh của mình có giữ cam kết hợp tác hay không. Thứ hai, chúng cung cấp nguồn lực giúp các chính phủ đang phải giải quyết các vấn đề ngắn hạn phát sinh từ việc tham gia vào thị trường quốc tế, và bằng cách đó cho phép các quốc gia tránh được chính sách làm nghèo hàng xóm có thể phá hoại trật tự kinh tế hiện tại. Một khi được thiết lập, những thể chế và tổ chức này sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, do đó củng cố sự thịnh vượng. Chúng cũng tự củng cố cho chính mình: một khi còn hiện hữu, chúng sẽ mở rộng quy mô và ảnh hưởng bằng cách chứng minh giá trị của mình và thuyết phục các quốc gia cũng như người dân. Và khi quyền lực lớn mạnh hơn, các thể chế này sẽ thúc đẩy sự hợp tác tốt hơn, điều này sẽ củng cố thêm sự phồn thịnh, nhờ đó củng cố uy tín và ảnh hưởng của chúng. Về bản chất, một mối quan hệ tốt đẹp phát triển theo đường xoắn ốc được thiết lập giữa các cơ chế thúc đẩy hợp tác và thịnh vượng, ở đó mỗi cơ chế làm cơ sở cho sự phát triển của cơ chế khác.
Thứ hai, một trật tự kinh tế tự do thúc đẩy sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau được định nghĩa là một tình huống trong đó hai nước cùng dễ bị tổn hại; mỗi nước là con tin của nước kia trong lĩnh vực kinh tế.[11] Lý thuyết này cho rằng khi sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức cao sẽ có ít cám dỗ khiến các nước lừa dối hay cư xử hung hăng với nước khác vì tất cả các nước đều có thể trả đũa. Sự phụ thuộc lẫn nhau cho phép các nước buộc nước khác phải hợp tác trong những vấn đề kinh tế, cũng giống như sự đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau cho phép các cường quốc hạt nhân buộc những nước khác phải tôn trọng nền an ninh của mình. Tất cả quốc gia đều bị buộc phải ứng xử như đối tác của nhau trong việc cung cấp những tiện nghi vật chất cho người dân.
Thứ ba, một số lý thuyết gia cho rằng với sự hợp tác chính trị ngày càng tăng, các thể chế quốc tế sẽ trở nên mạnh đến nỗi mà chúng ngày càng độc lập hơn, và cuối cùng sẽ phát triển thành một siêu quốc gia. Đây là quan điểm của thiểu số; hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế không cho rằng các thể chế sẽ trở nên mạnh đến mức chúng có thể buộc các quốc gia hành xử đi ngược lại những lợi ích hẹp hòi của chính mình. Thay vào đó phần lớn giữ quan điểm rằng những thể chế này về bản chất sẽ phản ánh lợi ích của các quốc gia sáng lập và duy trì chúng, và vẫn phục vụ cho những lợi ích khác của các quốc gia này. Tuy nhiên, quan điểm “phát triển thành siêu quốc gia” phản ánh một nhánh quan trọng trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế.
Thiếu sót chính trong lý thuyết này là sai lầm trong giả thiết nền tảng của nó – cho rằng các quốc gia chủ yếu bị thúc đẩy bởi mong muốn có được sự thịnh vượng. Những quốc gia này chắc chắn quan tâm đến sự thịnh vượng, và do vậy những tính toán kinh tế không thể nói là không quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, các quốc gia vận hành trong cả môi trường chính trị quốc tế và kinh tế quốc tế, và cái đầu sẽ chi phối cái sau trong trường hợp hai hệ thống này có xung đột. Nguyên do rất dễ hiểu: hệ thống chính trị quốc tế là vô chính phủ, điều này có nghĩa là mỗi quốc gia phải luôn luôn lưu tâm đến việc đảm bảo sự sống còn của mình. Vì một quốc gia không có bất kỳ mục tiêu nào cao hơn là sự sống còn, khi tình thế xô đẩy, những cân nhắc chính trị quốc tế sẽ trở thành điều tối quan trọng trong tâm trí những người đưa ra quyết định.
Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế phần lớn đều bỏ qua tác động của tình trạng vô chính phủ đối với hành vi của quốc gia và thay vào đó, họ tập trung nhiều vào những cân nhắc kinh tế. Tuy vậy, khi thiếu sót này được sửa chữa, những lập luận của họ đều sụp đổ vì hai lý do.
Đầu tiên, sự cạnh tranh an ninh gây nhiều khó khăn cho việc hợp tác giữa các nước. Khi an ninh không cao, các quốc gia sẽ quan tâm đến lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối.[12]  Họ không quan tâm đến sự trao đổi, “liệu cả hai chúng ta có được lợi không”, mà thay vào đó sẽ hỏi “ai có lợi nhiều hơn?”[13] Khi an ninh không cao, họ từ chối ngay cả sự hợp tác mang lại lợi ích kinh tế tuyệt đối, nếu quốc gia khác đạt được nhiều lợi ích hơn, vì lo sợ những nước khác có thể chuyển lợi ích này thành sức mạnh quân sự, và sau đó dùng chính sức mạnh này để chiến thắng bằng vũ lực.[14] Hợp tác sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu các quốc gia chỉ quan tâm đến lợi ích tuyệt đối, và điều này dễ xảy ra hơn khi an ninh được đảm bảo. Khi đó, mục tiêu chỉ đơn giản là đảm bảo rằng toàn bộ chiếc bánh kinh tế đang ngày càng lớn hơn và mỗi quốc gia sẽ có ít nhất phần nào lợi ích trong đó. Tuy nhiên, tình trạng vô chính phủ chắc chắn khiến an ninh hiếm khi được đảm bảo; điều này sẽ làm gia tăng những lo ngại của các nước về lợi ích tương đối, khiến cho hợp tác khó khăn trừ khi lợi ích có thể được chia đều để phản ánh, và nhờ thế sẽ không gây nhiễu loạn, sự cân bằng quyền lực hiện tại.
….



[1] Xem: Ivo J. Lederer, ed., Russian Foreign Policy: Essays in Historical Perspective (New Haven: Yale University Press, 1962); Andrei Lobanov-Rostovsky, Russia and Europe, 1825-1878 (Ann Arbor, Mich.: George Wahr Publishing, 1954); và Marc Raeff, Imperial Russia, 1682-1825: The Coming of Age of Modern Russia (New York: Knopf, 1971), chap. 2.
[2] Để hiểu rõ hơn về mối ác cảm giữa Hungary và Rumani đối với vấn đề này, xem Witnesses to Cultural Genocide: First-Hand Reports on Romania’s Minority Policies Today (New York: American Transylvanian Federation and the Committee for Human Rights in Romania, 1979). Những cuộc đụng độ vào tháng 3 năm 1990 giữa người Hungary và Rumani ở Tirgu Mures (Rumani Transylvania) cho thấy khả năng xảy ra bạo lực man rợ tiềm ẩn trong những cuộc xung đột sắc tộc này.
[3] Xem Zbigniew Brzezinski, “Post-Communist Nationalism,” Foreign Affairs, Vol. 68, No. 5 (Winter 198911990), pp. 1-13; và Mark Kramer, “Beyond the Brezhnev Doctrine: A New Era in Soviet-East European Relations?” International Security, Vol. 14, No. 3 (Winter 1989190), trang 51- 54.
[4] Thủ tướng mới của Hungary, Jozsef Antall, đã phát biểu về sự cần thiết phải có một “giải pháp Châu Âu” cho vấn đề đối xử của Rumani với những người Hungary ở Transylvania. Celestine Bohlen, “Victor in Hungary Sees ’45 as the Best of Times,” New York Times, April 10, 1990, trang A8.
[5] Bài viết này tập trung vào ảnh hưởng của những thay đổi trong sức mạnh của Liên Xô và sự co cụm lại của đế chế Liên Xô lên triển vọng ổn định ở Châu Âu. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô, một kịch bản không được phân tích chi tiết ở đây, ngoài những mối nguy hiểm được đề cập ở đây, sẽ còn mang lại những mối nguy hiểm khác.
[6] Các khía cạnh của câu chuyện này đã được đềcập trong tác phẩm của Richard J. Evans, In Hitler’s Shadow: West German Historians and the Attempt to Escape from the Nazi Past (New York: Pantheon, 1989). Một nghiên cứu về những nỗ lực của người Đức trong quá khứ nhằm bóp méo lịch sử là Holger H. Herwig, “Clio Deceived: Patriotic Self-censorship in Germany After the Great War,” International Security, Vol. 12, No. 2 (Fall 1987), trang 5-44.
[7] Xem David Garnham, “Extending Deterrence with German Nuclear weapons,” International Security, Vol. 10, No. 1(Summer 1985), trang 96-110.
[8] Jack Snyder, “Averting Anarchy in the New Europe,” International Security, Vol. 14, No. 4 (Spring 1990), trang 5-41.
[9] Quan điểm về những nước tự do dân chủ làm nổi bật thực tế rằng chủ nghĩa tự do dân chủ và lý thuyết về nên dân chủ chuộng hòa bình thường gắn với nhau trong những tác phẩm của các học giả quan hệ quốc tế. Cơ sở của sự liên kết này là những gì mà mỗi lý thuyết nói về động cơ của con người. Lập luận rằng phần lớn các cá nhân đều mong muốn sự giàu có, điểm quan trọng của chủ nghĩa tự do kinh tế, khớp hoàn toàn với niềm tin cho rằng quần chúng là một lực lượng chống chiến tranh mạnh mẽ, điều này, như đề cập dưới đây, là điểm quan trọng của lý thuyết các nền dân chủ yêu hòa bình.
[10] Ba lý giải được bàn ở đây dựa trên ba lý thuyết nổi bật nhất trong các tài liệu kinh tế chính trị quốc tế (IPE). Chúng thường được xem xét như những lý thuyết riêng biệt và được gán cho những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, chúng có chung những yếu tố quan trọng. Do đó, để rõ ràng, tôi xem xét chúng như ba nhánh của một lý thuyết chung: chủ nghĩa tự do kinh tế. Cần phải làm rõ trước một điều. Những tài liệu IPE thường không thành công trong việc tuyên bố những lý thuyết của mình một cách rõ ràng, nên rất khó để đánh giá chúng. Thế nên, tôi đã phân tích những lý thuyết này từ các tác phẩm đôi khi không rõ ràng có thể gây ra những giải thích trái chiều. Những mô tả của tôi về chủ nghĩa tự do kinh tế được rút ra từ những nghiên cứu mà tôi cho là tốt nhất trong dòng IPE: Richard N. Cooper, “Economic Interdependence and Foreign Policies in the Seventies,” World Politics, Vol. 24, No. 2 (January 1972), trang 158-181; Ernst B. Haas, “Technology, Pluralism, and the New Europe,” in Joseph S. Nye, Jr., ed., International Regionalism (Boston: Little, Brown, 1968), trang 149-176; Robert O.Keohane and Joseph S. Nye, Jr., Power and Interdependence: World Politics in Transition (Boston: Little, Brown, 1977); Robert 0.Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy (Princeton: Princeton University Press, 1984); David  Mitrany, A Working Peace System (Chicago: Quadrangle Press, 1966); Edward L. Morse, “The Transformation of Foreign Policies: Modernization, Interdependence, and Externalization,” World Politics, Vol. 22, No. 3 (April 1970), pp. 371-392; và Richard N. Rosecrance, The Rise of the Trading State: Commerce and Conquest in the Modern World (New York: Basic Books, 1986).
[11] Xem Kenneth N. Waltz, “The Myth of National Interdependence,” trong Charles P. Kindelberger, ed., The International Corporation (Cambridge: MIT Press, 1970), trang 205-223.
[12] Xem Joseph M. Grieco, “Anarchy and the Limits of Cooperation: A Realist Critique of the Newest Liberal Institutionalism,” International Organization, Vol. 42, No. 3 (Summer 1988), trang 485-507; và Grieco, Cooperation among Nations: Europe, America and Non-Tariff Barriers to Trade (Ithaca: Cornell University Press, 1990).
[13] Waltz, Theory of International Politics, trang 105.
[14] Cần nhấn mạnh rằng do một phần quan trọng của sức mạnh quân sự là chức năng của sức mạnh kinh tế, những hậu quả của mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia đôi khi có những ý nghĩa an ninh quan trọng.