Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016
Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ
14:48
Hoàng Phong Nhã
No comments
Ngô Tự Lập
Trích đăng từ “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lập bàn về trí thức và nửa trí thức.
Cả
hai hình thức giáo dục áp đặt đều được và vẫn tiếp tục được áp dụng một
cách triệt để và bền bỉ ở Việt Nam. Ở trên đã nói đến Khổng Tử và Nho
giáo, tôi xin dừng lại lâu hơn một chút.
Mặc
dù đến Việt Nam gần như đồng thời với Phật giáo và Đạo giáo và trên
thực tế chỉ có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần người Việt kể từ
cuối đời Trần, ngay từ thời Bắc thuộc, Nho học đã là cánh cửa hầu như
duy nhất - thông qua thi cử và đỗ đạt - để tiến thân. Trong văn học viết
cũng như trong các giai thoại dân gian, chúng ta gặp biết bao nhiêu tấm
gương phụ nữ tần tảo nuôi chồng hoặc nuôi con ăn học để lều chõng đi
thi trong nỗi đợi chờ khắc khoải một ngày kia anh học trò vinh quy bái
tổ rồi "một người làm quan cả họ được nhờ".
Có
thể nói rằng trong toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến thời Pháp thuộc,
anh học trò đồng nghĩa với người học chữ Nho, tức chữ Thánh hiền, người
uyên bác là người thông thạo Tứ thư Ngũ kinh và như thế, nhà Nho cũng có
thể coi như đồng nghĩa với trí thức.
Nhưng
đó là trí thức như thế nào? Để tìm một câu trả lời thực tế xin mời các
bạn vào thăm Văn Miếu. Nền giáo dục cổ điển Việt Nam đã đào tạo hàng
nghìn Tiến Sĩ, trong đó có hơn 50 Trạng Nguyên, nhưng có mấy người để
lại một công tích gì đó cho đất nước ngoài một vài câu đối, một vài bài
phú hay thơ Đường - thứ thơ Đường hạng hai, vừa muộn màng về thời gian,
vừa non nớt về nội dung và nghệ thuật so với loại thơ Đường tầm tầm của
Trung Quốc, chưa nói đến những bậc Thi Vương Thi Bá như Đỗ Phủ, Lý
Bạch?..
Rợn ngợp dưới cái bóng quá lớn
của các vĩ nhân, người học trò Việt Nam tự nhốt mình trong những khuôn
phép bất di bất dịch, tự hạn chế mục đích của mình trong việc thi cử
theo khuôn mẫu. Tính chất giáo điều của hệ thống thi cử hạn chế đến mức
cao nhất tư duy sáng tạo. Kết quả là chính những người không có tư duy
sáng tạo lại có nhiều cơ hội để đỗ đạt và thăng tiến.
Tình
trạng này kéo dài hàng nghìn năm và chính nó đóng vai trò quyết định
vào việc tạo nên tâm lý cam phận và thụ động của đại đa số người Việt,
một tâm lý tiếp tục tồn tại và phát huy ảnh hưởng tiêu cực của nó ngay
cả hôm nay.
Đến thăm các trường học của
Việt Nam, ai cũng phải công nhận rằng học sinh Việt Nam chăm học. Tiếc
thay, chăm học lại không hề đi đôi với chăm nghĩ. Vì thế có một thực tế
có vẻ nghịch lý là sinh viên Việt Nam, kể cả những sinh viên du học ở
nước ngoài, khi học có kết quả rất tốt, nhưng ra trường làm việc lại
tồi.
Người Việt mọi thời đều khắt khe với
cái mới nhưng lại khá dễ dãi trong việc nhân nhượng với quá khứ, chấp
nhận đồ cũ và tôn vinh người chết. Trong lịch sử nước ta, những các nhân
xuất sắc có tư duy sáng tạo thường phải chuốc lấy thảm hoạ. Tôi nhớ đến
trường hợp Nguyễn Trãi. Tất nhiên những biến cố trong cuộc đời bi tráng
của ông có yếu tố ngẫu nhiên, nhưng tôi cho rằng những yếu tố ngẫu
nhiên ấy đã có một chất xúc tác quá mạnh là trí tuệ và tinh thần sáng
tạo vô song của ông: Nguyễn Trãi là tác giả Dư địa chí, cuốn sách khoa
học đầu tiên, là người làm ra "quốc thiều" và Cáo bình Ngô..., nhưng
trên hết, ông là cha đẻ của văn học dân tộc bằng tiếng Việt.
Nền
giáo dục áp đặt cũng dẫn chúng ta đến một sai lầm khá trầm trọng trong
nhận thức khái niệm "trí thức": người ta thường cho trí thức là người
lao động "trí óc", những người "có chữ", hay thậm chí đồng nhất trí thức
với người có bằng cấp. Nói đơn giản, chúng ta thường coi trí thức là
người có nhiều kiến thức.
Nhưng thực ra
có nhiều kiến thức mới chỉ là một nửa chặng đường. Để trở thành trí
thức, theo tôi, người ta ta còn phải có xu hướng tìm tòi các vấn đề mới
và cách giải quyết các vấn đề ấy. Không những thế, với người trí thức,
việc tìm tòi các vấn đề và tìm tòi cách giải quyết vấn đề không phải là
một công việc hay nhiệm vụ, mà là một nhu cầu tự nhiên, hệt như nhu cầu
ăn uống hay hít thở.
Những người có nhiều
kiến thức mà không tìm ra được vấn đề mới và cách thức giải quyết chúng
thì chỉ có thể tồn tại chứ không thể giúp ích nhiều cho tiến bộ. Kiến
thức vô cùng cần thiết, bởi lẽ để tìm ra vấn đề và cách giải quyết,
chúng ta cần phải có một lượng kiến thức nhất định.
Nhưng
ngoài kiến thức còn cần phải có thiên hướng sáng tạo. Điều này, thực ra
thiên hướng sáng tạo cá nhân thì ai cũng có ở mức độ khác nhau, nhưng
giáo dục có vai trò quyết định trong việc nhân lên, giảm bớt hay thậm
chí là triệt tiêu nó. Dĩ nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào năng lực năng
cá nhân trong việc chống lại áp lực của quá trình nhân bản vô tính, dù
vô tình hay hữu ý, về mặt tinh thần.
Đáng
buồn là nền giáo dục của chúng ta luôn luôn đi theo xu hướng tồi tệ
nhất. Nếu để quan sát các em nhỏ, chúng ta sẽ thấy chúng độc đáo biết
chừng nào. Ngay từ trong bụng mẹ, chúng đã khác nhau. Mỗi em bé có một
kiểu nghĩ, mỗi em có một kiểu ngịch ngợm. Những câu hỏi chúng đặt ra bao
giờ cũng làm bố mẹ vừa đau đầu vừa thích thú, bỡi lẽ chúng đa dạng biết
chừng nào.
Vậy mà cùng với những năm
tháng ở học đường, những câu hỏi của chúng ít và nhạt dần. Tốt nghiệp
phổ thông, chúng gần như chỉ còn suy nghĩ bằng cái đầu của kẻ khác. Cuối
cùng, sau khi học xong đại học, phần lớn trở nên giống nhau như đúc. Có
thể nói không ngoa rằng đến cả sự nhợt nhạt, cam chịu, cũng như những
thói hư tật xấu của chúng như giả dối, ích kỷ... cũng giống nhau một
cách đáng sợ.
Ở đây tôi không muốn vơ đũa
cả nắm, không muốn phủ nhận sạch trơn. Nhưng những kẻ ít ỏi tiếp tục
đặt câu hỏi, tiếp tục trăn trở với những vấn đề của cuộc sống thì được
coi là "hâm", là vĩ cuồng hay hay thơ mộng hơn thì là "người trên mây,
trên gió".
Với quan niệm như trên, theo
tôi, ở Việt Nam chưa có giới trí thức mà chỉ có một số nhà trí thức
riêng rẽ. Trong số các nhà Nho xưa, cũng như các vị Tiến sĩ ngày nay,
phần lớn vẫn chỉ đơn thuần là những "bồ sách". Về thực chất, họ mới chỉ
là nửa trí thức, khá nhất cũng chỉ đóng vai trò truyền bá các tri thức -
mà trong rất nhiều trường hợp là những thứ được lượm lặt một cách ngẫu
nhiên, vừa không chính xác, vừa phiến diện và cũ kỹ - trong một hệ thống
giáo dục áp đặt như chúng ta vừa nghiên cứu ở trên.
Đó
chính là vấn đề trầm trọng nhất của trí thức Việt Nam hiện nay, cái làm
cho trí thức không có được vai trò xã hội mà đáng ra nó phải có. Từ thế
hệ này đến thế hệ khác, trí thức Việt Nam không ngừng kêu ca rằng họ bị
coi thường, rằng chất xám ở Việt Nam được trả giá quá rẻ mạt. Nhưng tại
sao chúng ta không đặt câu hỏi: "Liệu chất xám của chúng ta có đáng được trả giá cao hơn không? Và chất xám của chúng ta có thể làm được gì?"
Tôi
không tin rằng cuộc sống lại thiếu công bằng đến mức trả tiền cao cho
những gì vô ích và hoàn toàn quay lưng lại với những sáng tạo chân
chính. Ngay cả trong trường hợp có những sáng tạo quá mới mẻ, vượt quá
xa khả năng áp dụng của đất nước ta, thì chúng chắc chắn cũng sẽ tìm
được nơi để áp dụng và mang lại lợi ích cho nhân loại.
Như
vậy, việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến
đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ,
đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển
của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc.
Đó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền
của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan
niệm và phương pháp giáo dục.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét