Nguồn: Evan Osnos, “Born Red,” The New Yorker, 06/04/2015.
Biên dịch: Bùi Hoàng Ánh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Sự thận trọng của Tập trước ảnh hưởng của phương Tây được phản ánh trong chính sách đối ngoại của ông. Còn trên phương diện cá nhân, ông bày tỏ những kỷ niệm nồng ấm với tiểu bang Iowa và cho con gái Tập Minh Trạch theo học tại Harvard. (Cô tốt nghiệp vào năm ngoái, dưới một bí danh, và đã trở về Trung Quốc). Nhưng Tập cũng thể hiện quan điểm mang tính “bản chất chủ nghĩa” (essentialist) của ông về những đặc tính quốc gia khi cho rằng lịch sử và cấu trúc xã hội của Trung Quốc khiến nó không phù hợp với nền dân chủ đa đảng, chế độ quân chủ, hay bất kỳ một hệ thống phi cộng sản nào khác. “Chúng tôi đã xem xét, đã thử, nhưng không mô hình nào hoạt động hiệu quả,” ông nói với cử tọa tại trường College of Europe ở Bruges vào mùa xuân năm ngoái. Áp dụng một lựa chọn khác, ông nói, “thậm chí có thể dẫn đến những hệ quả thảm khốc.” Dưới thời ông, truyền thông nhà nước liên tục nhấn mạnh mối đe dọa của “diễn biến hòa bình,” đồng thời cáo buộc các công ty Mỹ, bao gồm Microsoft, Cisco, và Intel, là “những “chiến binh” của chính phủ Hoa Kỳ.
Nói về tầm nhìn ngoại giao nói chung, giới lãnh đạo Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã trung thành với một nguyên tắc được gọi là “Thao quang dưỡng hối.” Về cơ bản, Tập đã thay thế quan niệm này bằng những tuyên bố về sự “đến thời” của Trung Quốc. Ở Paris năm ngoái, ông dẫn lại lời của Napoléon rằng Trung Quốc là “con sư tử đang ngủ,” và nói con sư tử ấy “đã thức dậy, nhưng là một con sư tử hiền hoà, thiện chí, và văn minh.” Ông nói trước Bộ Chính trị hồi tháng 12 rằng ông có ý định “khiến tiếng nói của Trung Quốc phải được nghe và đưa nhiều thành tố Trung Quốc hơn vào luật lệ quốc tế.” Nhằm đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Washington, chính phủ của Tập đã lập ra Ngân hàng Phát triển Mới, Quỹ cơ sở hạ tầng Con đường Tơ lụa, và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, với ý định tích lũy tổng cộng 240 tỷ USD tiền vốn. Tập mạnh dạn hơn những người tiền nhiệm trong việc khẳng định sự kiểm soát của Trung Quốc đối với không gian và đất liền, đưa giàn khoan dầu đến các vùng biển tranh chấp, và dựng nên các toà nhà, bãi đỗ trực thăng, và các cơ sở thiết bị khác trên các bãi đá được nhiều nước tuyên bố chủ quyền. Ông cũng lợi dụng sự cô lập ngày càng lớn về kinh tế của Nga; Tập gặp gỡ Putin nhiều hơn bất cứ nguyên thủ nào khác, và vào tháng 5 năm ngoái, khi Nga đang đối mặt với những lệnh trừng phạt mới sau vụ sáp nhập Crimea, Tập và Putin đã đồng ý một thoả thuận cung cấp dầu khí trị giá 400 tỷ USD cho Trung Quốc với giá bán có lợi cho Bắc Kinh. Theo vị biên tập viên kỳ cựu, Tập đã nói với mọi người rằng ông ấn tượng với việc Putin sáp nhập Crimea – “Ông ấy đã có một vùng đất rộng và giàu tài nguyên” và có thể tăng số phiếu của mình tại quê nhà. Nhưng khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu kéo dài, Tập cũng bớt lời ca ngợi Putin.
Không quan hệ ngoại giao nào quan trọng với tương lai của Trung Quốc hơn mối quan hệ với Mỹ, và Tập đã thúc giục Mỹ chấp nhận “quan hệ siêu cường kiểu mới” – nhìn nhận Trung Quốc một cách bình đẳng và công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo tranh chấp và các lợi ích khác. (Chính phủ Obama đã khước từ khái niệm này.) Tập và Obama đã chính thức gặp nhau năm lần. Giới chức Mỹ mô tả mối quan hệ này là có lúc thẳng thắn nhưng không gần gũi. Họ “có những trao đổi thẳng thắn đến phũ phàng về nhiều vấn đề nhạy cảm mà không làm hỏng kế hoạch,” một quan chức cấp cao nói với tôi. “Vì thế nó khác với thời Hồ Cẩm Đào, hồi đó có rất ít trao đổi.” Hồ gần như chưa bao giờ xa rời những bài diễn văn soạn sẵn, và những người đồng cấp phía Mỹ vẫn tự hỏi ông tin đến đâu vào những điều mình nói ra. “Tập đọc những gì mà tôi tin là ông ta tin,” vị quan chức nói, dù sự tham gia của họ vẫn cứng chắc: “Vẫn có những lời lẽ mà bạn rất khó tách ra khỏi trong những trao đổi ấy.… Chúng tôi muốn có đối thoại.”
Trong nhiều năm, các lãnh đạo quân sự Mỹ đã lo ngại về nguy cơ xảy ra va chạm ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, phần vì Bắc Kinh đã phản đối các chính sách của Mỹ bằng cách từ chối các cuộc gặp chỉ huy cấp cao giữa hai nước. Năm 2011, Mike Mullen, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã thăm Tập tại Bắc Kinh, và bằng kinh nghiệm quân sự lâu năm của mình, Mike nói với Tập, ông nhớ lại và kể cho tôi, “Tôi chỉ cần ông chấm dứt việc cắt đứt quan hệ quân sự (với Mỹ) như bước đi đầu tiên mỗi khi ông bực mình.” Tình hình đã cải thiện. Tại Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái, Tập và Obama đã dành năm tiếng đồng hồ để ăn tối, gặp gỡ, và tuyên bố hợp tác về biến đổi khí hậu, một thỏa thuận tự do thương mại công nghệ cao mà Trung Quốc từng phản đối, và hai thoả thuận quân sự nhằm khuyến khích sự liên lạc giữa các lực lượng hoạt động gần nhau trên Biển Đông và Hoa Đông. Mullen, người gặp lại ông Tập sau lần gặp đầu tiên, đã được động viên: “Họ vẫn bực bội, họ vẫn hành động, nhưng họ không cắt quan hệ.”
Chương viết về chính trị, thỉnh thoảng được cảnh sát hỏi thăm và nhắc nhở ông tránh những chủ đề nhạy cảm. “Có lúc họ ghé qua và nói vọng qua cánh cửa đóng,” Chương nói. Ông nhận xét, “Họ đã cố ngăn tôi đến đây ngày hôm nay. Họ theo tôi đến tận đây.” Ông ám chỉ một thanh niên trẻ và gầy mặc áo gió, theo dõi chúng tôi từ một bàn gần đó. Ở những vùng hẻo lánh, nơi cảnh sát hiếm khi thấy sự hiện diện của người nước ngoài, chính quyền thường cố gắng ngăn cản người dân gặp gỡ nhà báo. Nhưng trong mười năm viết về Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình cảnh này ngay ở thủ đô. Tôi gợi ý hoãn cuộc trò chuyện. Ông lắc đầu. Bằng một giọng giả như thì thầm, ông nói, “Cái tôi nói và cái tôi viết là một. Không có gì khác nhau.”
Mười năm trước, Internet Trung Quốc sống động với tranh luận, thú nhận, hài hước, và khám phá. Qua từng tháng, nó ngày càng bị thanh lọc và thắt chặt. Nếu xét sự kết nối của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, thì sự kết nối kỹ thuật số ngày càng tồi đi. Những cuộc gọi qua Internet, video, podcast – những tiện ích nhỏ của đời sống kỹ thuật số hiện đại – ngày càng khó tiếp cận rộng rãi hơn so với một năm trước. Quan sát điều này ở một siêu cường đang lên quả là đáng ngạc nhiên. Năm 2015 còn bao nhiêu nước có kết nối Internet với thế giới kém hơn năm trước?
Suốt một thế hệ, Đảng Cộng sản đã tạo nên sự đồng thuận chính trị dựa trên tăng trưởng kinh tế và tính mơ hồ của luật pháp. Các nhà hoạt động tự do chủ nghĩa và các quan chức tham nhũng đã học được cách luồn lách (hay qua mặt) những ranh giới pháp lý, bởi vì Đảng chỉ phản đối tùy lúc. Giờ đây, Tập cho thấy sự đồng thuận ấy – vượt ra ngoài giới tinh hoa của Đảng – là không cần thiết, hoặc, ít nhất, không đáng tin bằng ranh giới rạch ròi giữa bạn và thù.
Khó mà biết chính xác Tập nhận được bao nhiêu sự ủng hộ. Các cuộc thăm dò kín không được phép đong đếm cụ thể sự ủng hộ của công chúng dành cho ông, nhưng Victor Yuan, chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Nghiên cứu Horizon, một công ty khảo sát ở Bắc Kinh, nói với tôi, “Chùng tôi đã làm một số thăm dò gián tiếp, và tỷ lệ ủng hộ ông ấy là khoảng 80%. Nó đến từ hai lĩnh vực: một là chính sách chống tham nhũng, và hai là chính sách đối ngoại. Lĩnh vực chưa rõ ràng là kinh tế. Người ta nói họ phải chờ xem đã.”
Nền kinh tế Trung Quốc có lẽ là cản trở lớn nhất của ông Tập. Sau ba thập niên tăng trưởng kinh tế với tốc độ trung bình gần 10% mỗi năm, Đảng kỳ vọng tăng trưởng sẽ chững lại ở tốc độ bền vững trong khoảng 7%, nhưng nó có thể sụt giảm mạnh hơn. Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới với 4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối (con số tương đương với nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới). Tháng 11 năm 2013, Đảng thông báo kế hoạch phục hồi cạnh tranh bằng cách mở rộng vai trò của các ngân hàng tư nhân, cho phép thị trường (thay vì nhà nước) phân bổ nguồn nước, dầu khí, và các tài nguyên quý giá khác, và buộc các công ty nhà nước giảm độc quyền và cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân. Mùa xuân năm ngoái, Trung Quốc đã bãi bỏ vốn điều lệ và các điều kiện khác đối với công ty mới, và đến tháng 11 nó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên được giao dịch cổ phiếu trực tiếp trên sàn chứng khoán Thượng Hải. “Công bằng mà nói, trong 18 tháng qua chính phủ của ông Tập đã đạt được nhiều thành tựu, trong nhiều lĩnh vực, hơn chính phủ của Hồ Cẩm Đào đạt được trong cả nhiệm kỳ thứ hai,” Arthur Kroeber, một nhà kinh tế lâu năm ở Bắc Kinh làm việc tại Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu, nói với tôi. Nhưng ông cũng nói thêm, “mức độ tin tưởng của tôi” vào khả năng đẩy lùi suy thoái nhờ cải cách “chỉ nhỉnh hơn 50% một chút.”
Những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Lực lượng lao động đang già đi nhanh hơn các nước khác (do chính sách một con), và các doanh nghiệp đang vay nhiều hơn số tiền kiếm được. David Kelly, đồng sáng lập China Policy, một công ty tư vấn và nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, nói, “Bước ngoặt của nền kinh tế thực sự diễn ra từ khoảng bốn, năm năm trước, giờ thì anh bắt đầu nhìn thấy vấn đề kinh điển là hiệu quả của đồng vốn bị suy thoái. Cứ mỗi đô la đầu tư, anh thu lợi ít hơn nhiều.” Sự gia tăng nhu cầu năng lượng và vật liệu thô đang chững lại, ngày càng nhiều nhà đất và cửa hàng bỏ không, những người Trung Quốc tiết kiệm lo xa đang gửi tiền ra nước ngoài, đề phòng một cuộc khủng hoảng. Một số nhà máy không trả nổi lương cho công nhân, và trong quý IV năm 2014 công nhân đã đình công hoặc tiến hành các hình thức phản đối khác với mật độ gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Khả năng tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế của Tập phụ thuộc một phần vào việc ông có sức mạnh chính trị để đứng trên các công ty nhà nước, chính quyền địa phương, và các nhóm lợi ích quyền lực khác hay không. Trong những cuộc gặp với Rudd, cựu Thủ tướng Úc, Tập đã nhắc đến những nỗ lực thất bại của cha mình trong việc hoàn thành các cải cách theo định hướng kinh tế thị trường. “Tập Cận Bình có quyền tự hào về cha mình,” Rudd nói, “Cha ông ấy đã có những thành tựu thực sự và, nói một cách thẳng thắn, là người phải trả cái giá quá đắt về cá nhân lẫn chính trị để trở thành một người cống hiến hết mình cho Đảng và cải cách kinh tế.”
Trong lịch sử, Đảng chưa bao giờ nhận thức sự mâu thuẫn giữa đàn áp chính trị và cải cách kinh tế. Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tiếp một phái đoàn Quốc hội Mỹ. Một thành viên trong đoàn nhắc tới một giáo sư mới bị đuổi việc vì những lý do chính trị và hỏi thủ tướng tại sao. Ôn bối rối trước câu hỏi; vị giáo sư chỉ là “trường hợp nhỏ,” ông nói. “Tôi không biết anh nói đến ai, nhưng là thủ tướng tôi có 1,3 tỷ người trong tâm trí mình.”
Để duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh sáng tạo, nhưng bằng cách áp đặt một bầu không khí chính trị lạnh lẽo lên các trường đại học, Tập có nguy cơ dập tắt chính những ý tưởng đột phá rất cần cho tương lai đất nước. Đôi khi chính trị chiếm ưu thế hơn những tính toán duy lý. Năm 2014, sau khi dành nhiều năm đầu tư vào khoa học và công nghệ, tỷ trọng kinh tế Trung Quốc dành cho nghiên cứu và phát triển đã vượt qua châu Âu. Nhưng khi chính phủ công bố những hạng mục được tài trợ cho nghiên cứu khoa học xã hội thì 7 trên 10 dự án đứng đầu được dành cho việc phân tích những phát biểu của ông Tập (có tên chính thức là Loạt diễn văn quan trọng của Tổng Bí thư Tập) hoặc khẩu hiệu đặc trưng của ông: Giấc mơ Trung Hoa.
Như nhiều người khác mà tôi đã gặp trong mùa đông qua, Hạ Vệ Phương lo rằng Đảng đang thu hẹp phạm vi sự thích nghi có thể chấp nhận được đến mức nó có nguy cơ tạo ra sự thay đổi ngoài kiểm soát. Tôi hỏi ông nghĩ Đảng sẽ ra sao trong 10 hay 15 năm tới. “Tôi nghĩ, với tư cách như những trí thức, chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để thúc đẩy sự chuyển biến hòa bình của Đảng – để khuyến khích nó trở thành một ‘đảng cánh tả’ theo khái niệm châu Âu, một dạng đảng dân chủ xã hội.” Điều đó, ông nói, sẽ khiến đảng viên có thái độ tôn trọng hơn với một hệ thống luật pháp và cạnh tranh chính trị thực sự, bao gồm tự do báo chí và tự do tư tưởng. “Nếu họ khước từ ngay cả những thay đổi cơ bản này, thì tôi tin Trung Quốc sẽ trải qua một cuộc cách mạng khác.”
Đó là một dự đoán ấn tượng – và là một trong những điều kỳ lạ phổ biến trong những ngày này. Dưới sự giám sát của an ninh, Chương Lập Phàm, nhà sử học tôi gặp ở Starbucks, nói, “Trước mặt nhiều bạn bè thái tử Đảng, tôi đã nói, nếu Đảng Cộng sản không tiến hành những cải cách chính trị cần thiết trong 5 hay 10 năm tới, nó có thể sẽ đánh mất cơ hội hoàn toàn. Là học giả, chúng tôi vẫn luôn nói cải cách thì tốt hơn cách mạng, nhưng trong lịch sử Trung Quốc chu kỳ này vẫn thường lặp lại. Mao từng nói chúng tôi phải thoát khỏi chu kỳ ấy, nhưng ngay lúc này chúng tôi vẫn đang nằm trong đó. Điều này thật đáng lo.”
Hai tháng sau sự cố đêm giao thừa, một lần nữa Đảng phải đối mặt với xung đột giữa bản tính kiểm soát của mình và sự phức tạp của xã hội Trung Quốc. Trong nhiều năm chính quyền đã đánh giá thấp tính nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, mô tả nó như cái giá tất yếu của phát triển. Nhưng qua từng năm, giai cấp trung lưu ngày càng trở nên ít dễ dãi hơn; trong các cuộc thăm dò, người dân thành thị nói về ô nhiễm như mối quan tâm hàng đầu của mình, và, bằng smartphone, họ có thể so sánh mức độ ô nhiễm thường nhật với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Sau hiện tượng khói mù đột biến năm 2013, chính phủ đã tăng cường những nỗ lực hợp nhất các nhà máy điện, đóng cửa các nguồn gây ô nhiễm nhỏ, và thắt chặt quản lý nhà nước. Năm ngoái, Trung Quốc phát động “cuộc chiến chống ô nhiễm,” nhưng thừa nhận rằng Bắc Kinh sẽ ít có khả năng có được bầu không khí trong lành trước năm 2030. Trong một khoảnh khắc thẳng thắn, thị trưởng đã tuyên bố thành phố này là nơi “không thể sống nổi.”
Hồi tháng 2, các trang mạng video của Trung Quốc đã đăng một phim phóng sự được tư nhân tài trợ có nhan đề Dưới mái vòm, trong đó Sài Tĩnh, cựu phóng viên truyền hình nhà nước, gióng lên hồi chuông cảnh báo những hiểm hoạ mà ô nhiễm không khí đem lại cho bé gái sơ sinh của cô. Đó là một tác phẩm tinh tế: Sài, mặc quần jeans bạc và áo blouse trắng hợp thời trang, truyền tải tới khán giả trường quay đang chăm chú một bài nói chuyện có nhịp điệu nhanh, kiểu TED, xen lẫn những thống kê thẳng thắn và các đoạn phim ghi lại cảnh quan chức thừa nhận những công ty và cơ quan có quyền lực đã khiến họ không còn khả năng bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Về tinh thần, bộ phim nhất quán với “cuộc chiến chống tham nhũng” chính thống, và truyền thông nhà nước đã đáp lại bằng một loạt bài đưa tin khen ngợi.
Bộ phim đã khuấy đảo mạng xã hội, và đến cuối tuần đầu tiền đã nhận được 200 triệu lượt xem – một con số thường dành cho video nhạc pop hơn là phim tài liệu khó nhằn kéo dài hai tiếng. Cuối tuần sau, chính quyền ra lệnh cho các trang mạng gỡ phim, các cơ quan báo chí cũng hạ các bài viết của mình. Nhanh như cách nó xuất hiện, bộ phim biến mất khỏi mạng Trung Quốc – một hiện tượng bị đảo ngược.
Dưới thời Tập Cận Bình, một lần nữa công chúng chứng tỏ mình là một đối tác khó lường. Đó là bài học mà Tập đã thấm thía từ lâu. “Nhân dân đưa tôi đến vị trí này để tôi có thể lắng nghe và phục vụ lợi ích của họ,” ông nói vào năm 2000. “Nhưng, đối diện với mọi ý kiến và bình luận, tôi phải học cách đón nhận những lỗi lầm được chỉ ra cho mình mà không quá dao động trước điều đó. Không vì người này người kia nói gì mà tôi bắt đầu cân đo thiệt hơn. Tôi sẽ không đánh mất khát vọng của mình vì điều đó.”
Evan Osnos là nhà báo người Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard và trở thành cây viết của tạp chí The New Yorker từ năm 2008. Cuốn Age of Ambition: Chasing Fortune, Truth, and Faith in the New China đã mang lại cho ông Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho thể loại Phi hư cấu năm 2014.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét