Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016
Học “tu cái miệng lại” bằng cách không nói 8 lời sau đây
12:46
Hoàng Phong Nhã
No comments
Đôi khi chỉ vì một câu nói lỡ
lời, chúng ta có thể hủy đi các mối quan hệ của bản thân. Cùng là một
nội dung, nhưng cách nói khác nhau có thể sẽ mang đến những kết quả khác
nhau. Vậy nên “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau”.
Nói chuyện là cả một nghệ thuật, dù là
lời hay ý đẹp cũng phải đắn đo trước khi nói. Nói điều không tốt khiến
đôi bên nghe xong đều mất hứng thì đương nhiên là không nên nói.
Vậy những lời thế nào là không tốt và không nên nói ra?
1. Không nói những lời chán nản, thối chí
Có người bình thường thích nói những lời
chán nản làm người khác nhụt chí. Kỳ thực, trong cuộc sống rất cần
những lời cổ vũ động viên từ người khác, cho dù không có ai khích lệ thì
cũng phải tự khích lệ chính mình. Bản thân không cổ vũ chí hướng của
mình, trái lại còn nói ra những lời thoái chí thì đương nhiên sẽ rơi vào
vực sâu của sự suy sụp.
2. Không nói những lời tức giận
Con người đang lúc tức giận thường không
tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, có lúc làm tổn thương người
khác, có khi lại làm tổn thương chính mình. Người ta khi bị xúc phạm thì
cần nhất là giữ được tỉnh táo, không nên tùy tiện phát ngôn, vì lời nói
lúc nóng giận thường rất khó nghe, vì vậy nhất định đừng nên nói.
3. Không nói những lời oán trách
Khi không hài lòng, người ta thường nói
ra những lời bất mãn, oán giận ông chủ, oán giận bạn bè, thậm chí oán
giận cả người nhà. Nếu bạn thường xuyên nói những lời oán trách, người
khác nghe được sau này sẽ mượn đó làm đề tài để nói về bạn, gây ra bất
hòa thị phi, khiến bạn phải đối phó với người này, đối phó với người
kia, cuối cùng tự mình làm khổ mình, bạn việc gì phải khổ như vậy?
4. Không nói những lời tổn thương
Có người lỗ mãng nói năng tùy tiện,
không biết bao dung tôn trọng người khác, thường hay nói những lời tổn
thương người khác, có lúc “hại người ích ta”, nhưng cũng có khi “hại
người hại mình”. Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ là nhất thời,
nhưng nhân cách của mình đã bị người ta xem thường rồi đó, tổn thương ấy
là vĩnh viễn!
5. Không nói những lời khoe khoang
Có người khi nói chuyện thường thích
tuyên truyền về bản thân, tự mình quảng cáo rùm beng, tự mình thổi phồng
chính mình, người khác nghe xong nhất định không đồng tình. Cho nên
khoe khoang thực tế cũng chẳng được lợi ích gì, trái lại còn làm mình bị
tổn thương. Con người muốn vĩ đại thì phải làm những việc vĩ đại, vĩ
đại ấy là phải để người khác nói, không thể tự nhận được đâu, bản thân
mình khiêm tốn là tốt hơn cả.
6. Không nói những lời dối trá
Phật giáo giảng “ngũ giới”, “cấm nói dối” là một trong năm giới cấm này. Nói dối tức là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng mà nói là sai, sai mà nói là đúng”, nói một cách đơn giản thì đó là những lời không thật.
Truyện ngụ ngôn “Sói đến rồi” (hay “Chú
bé chăn cừu”) từng nói về hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Một ví
dụ khác, ban đầu có 1 chiếc máy bay, qua tai người khác nói thành 11
chiếc, cuối cùng biến thành 91 chiếc, đây chính là những tin đồn thất
thiệt, chuyện bé xé ra to, cũng tương tự như là nói dối.
7. Không nói những lời bí mật
Trên đời này có lắm điều bí mật, từ gia
đình đến công ty không đâu là không có, nghiệp vụ có bí mật nghiệp vụ,
quốc gia có bí mật quốc gia. Hiện nay các quốc gia đều rất coi trọng
việc bảo mật, nếu chẳng may tiết lộ bí mật quốc gia thì bạn sẽ bị xử lý
nghiêm khắc và chịu hình phạt nặng nề.
Cho nên chúng ta cần phải tạo thành thói
quen giữ bí mật, không được tùy tiện phát ngôn. Trước khi nói ra những
chuyện bí mật, bạn phải nghĩ đến những hậu quả xấu có khả năng xảy ra,
hiểu rõ tính nghiêm trọng của nó thì sẽ không dám tùy tiện ăn nói lung
tung.
8. Không nói những lời riêng tư
Mỗi người đều có những chuyện riêng tư,
việc riêng của mình đương nhiên không muốn người khác biết, việc riêng
của người khác cũng không thể mang ra nói lung tung. Cho dù bạn có nói
ra hết chuyện riêng của người khác mà họ không phản kháng lại thì tính
xấu của bạn cũng đã lộ ra rồi, sau này bạn sẽ khó mà có được hậu phúc
nữa.
Con người sống trong nhà không chỉ để
che mưa che nắng mà còn vì an toàn, nhưng chủ yếu nhất là để đảm bảo sự
riêng tư. Người ta mặc quần áo một phần là để giữ ấm nhưng quan trọng là
để che đậy thân thể của mình. Vì thế, nếu muốn tôn trọng lẫn nhau thì
không được tiết lộ những việc riêng tư của người khác.
Ngoài những điều kể trên, đương nhiên
còn có rất nhiều điều không nên nói và không nên làm, thận trọng với
những lời nói của mình cũng chính là đang “tu khẩu” (tu cái miệng của
mình), bằng không cũng chính là bạn đang hủy đi phúc đức của bản thân!
Theo Tinhhoa.net – Vietdaikynguyen.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét