Nguồn: “How to get ahead in a dictatorship“, The Economist, 20/07/2014
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Mobutu Sese Seko, người cai trị Congo trong 32 năm, nổi tiếng vì phương pháp điều hành nội các “xáo trộn” của mình. Các vị phó của ông liên tục bị xoay vòng, điều chuyển một cách không thể lường trước từ các ghế bộ trưởng đến nhà tù và sống lưu vong, trước khi một lần nữa quay trở lại các chức vụ cấp cao. Trong suốt thời gian cầm quyền của mình, Mobutu đã dùng hàng trăm bộ trưởng. Số lượng bộ trưởng lớn là điều phổ biến trong nhiều chế độ độc tài, như một nghiên cứu mới tại 15 quốc gia Châu Phi đã chỉ ra. Tại sao các nhà độc tài lại hay thay đổi nội các của họ, và làm thế nào để các bộ trưởng có thể tránh bị sa thải, hoặc một tình huống thậm chí tồi tệ hơn?
Trong một báo cáo tiến hành cho Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Patrick Francois và Francesco Trebbi thuộc Đại học British Columbia và Ilia Rainer thuộc Đại học George Mason đã mô hình hóa tình thế lưỡng nan của một nhà cầm quyền chuyên chế khi lựa chọn các bộ trưởng mà ông phải sử dụng để điều hành chính phủ của mình. Những Bộ trưởng có kinh nghiệm có nhiều khả năng để giúp quản lý đất nước. Nhưng thời gian cầm quyền cũng cho phép họ xây dựng nền tảng chính trị của riêng mình, điều nếu không được kiểm soát có thể mang lại cho họ phương tiện để phát động một cuộc đảo chính. Vì vậy, nếu một nhà độc tài muốn tránh bị lật đổ, ông ta phải sa thải các bộ trưởng trước khi họ tích lũy đủ sự ủng hộ để lật đổ nhà độc tài đó. Ngược lại, những Bộ trưởng nào đã xây dựng được cơ sở ủng hộ của riêng mình lại phải quyết định xem liệu có nên trung thành với chế độ hiện tại hay cố gắng để lật đổ nó.
Báo cáo chỉ ra rằng thời điểm nguy hiểm nhất đối với các Bộ trưởng là khoảng thời gian bốn năm sau khi nhậm chức. Trong vài năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình, họ không có đủ quyền lực để gây ra nhiều mối đe dọa. Và một khi họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, họ có rất ít động lực để làm chao đảo con thuyền mình đang đi, vì điều đó sẽ mang lại rủi ro cho vị trí an toàn của họ để đổi lại những lợi ích không chắc chắn từ một cuộc đảo chính bất thành. Với bốn năm tại chức, họ trở nên nguy hiểm nhất: vừa đủ mạnh để có cơ hội giành được “phần thưởng chính”, nhưng chưa đủ vững chắc để thỏa mãn cơn khát [quyền lực] của mình. Vì vậy, đó chính là thời điểm mà các bộ trưởng trong các chế độ độc tài có nhiều khả năng bị tống vào tù nhất.
Các tác giả chỉ ra rằng những người có nguy cơ cao nhất là những bộ trưởng cấp cao nhất, chẳng hạn như những người phụ trách quốc phòng hoặc tài chính. Quyền lực lớn của những bộ trưởng này khiến họ trở thành những mối đe dọa đặc biệt. Vì vậy, những vị trí này bị thay đổi rất nhiều – gây tác động tai hại cho nền kinh tế và lực lượng vũ trang của quốc gia. Chính sách sa thải các bộ trưởng ngay khi họ bắt đầu có kinh nghiệm trong công việc đã làm giảm năng lực cai trị của các nhà độc tài một cách nghiêm trọng. Nhưng đối với một bạo chúa coi trọng sự tồn tại của mình hơn bất cứ ai, sự thiếu năng lực của các bộ trưởng là một điều có rất nhiều ưu thế đáng để đánh đổi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét