Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Thế lưỡng nan an ninh và xung đột sắc tộc


Nguồn: Barry A. Posen (1993). “The Security Dilemma and Ethnic Conflict”, Survival, Vol. 35, No. 1 (Spring), pp. 27-47.
Biên dịch: Phan Đoàn Hoài Trinh | Hiệu đính: Nguyễn Võ Dân Sinh
Cùng với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh là sự nổi lên của các cuộc xung đột dân tộc, sắc tộc và tôn giáo ở lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, nguy cơ và cường độ của những cuộc xung đột này khác nhau tùy theo từng vùng miền: người Ucraina và người Nga vẫn tương đối hòa hợp với nhau; người Serbia và người Slovenia có những cuộc đụng độ ngắn, gay gắt; người Serbia, người Croatia và người Hồi giáo Bosnia tiến hành xung đột công khai; người Armenia và người Azeri dường như buộc phải lâm vào một cuộc chiến lâu dài, tiêu hao. Khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến bạo lực là do những hận thù từ xa xưa đến giờ mới được bộc phát không thể giải thích được sự khác biệt đáng kể trong quan hệ giữa các nhóm dân tộc, chủng tộc và tôn giáo.
Mục đích của bài viết này là áp dụng một khái niệm cơ bản của lý thuyết chủ nghĩa hiện thực cũ trong quan hệ quốc tế, khái niệm “thế lưỡng nan an ninh”, vào những trường hợp đặc biệt phát sinh khi các nhóm người buộc phải ra sức đảm bảo an ninh cho chính mình. Một nhóm khi buộc phải tự bảo vệ mình, phải đặt ra những câu hỏi sau về các nhóm khác bên cạnh mình: Đó có phải là một mối đe dọa hay không? Mối đe dọa đó có lớn không? Mối đe dọa sẽ gia tăng hay giảm bớt theo thời gian? Cần phải làm gì ngay lập tức? Câu trả lời cho những câu hỏi này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng xảy ra chiến tranh.
Bài viết đánh giá những nhân tố có thể gây ra tình huống lưỡng nan an ninh gay gắt và do đó sớm dẫn đến bạo lực. Sau đó, tác giả sẽ dùng “thế lưỡng nan an ninh” phân tích hai trường hợp: sự tan rã của Nam Tư và mối quan hệ Nga – Ucraina để minh họa cho tính hữu dụng của khái niệm này. Cuối cùng là phần đề xuất giải pháp nhằm giảm bớt khuynh hướng bạo lực.
Thế lưỡng nan an ninh
Sự sụp đổ của chế độ đế quốc có thể dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Chủ nghĩa hiện thực –một trường phái lâu đời và thường được nhắc đến trong quan hệ quốc tế – tập trung vào những hậu quả của tình trạng vô chính phủ, tức sự mờ nhạt của chủ quyền quốc gia trong quan hệ chính trị giữa các quốc gia dân tộc.[1] Ở những khu vực như Liên bang Xô Viết cũ và Nam Tư đã không còn khái niệm “chủ quyền”. Họ để lại nhiều nhóm sắc tộc, tôn giáo, văn hóa với ít nhiều sự gắn kết. Những nhóm này phải chú ý đến điều đầu tiên mà các quốc gia độc lập phải giả quyết– vấn đề an ninh – kể cả khi các nhóm người này vẫn chưa có đủ những đặc tính của một quốc gia.
Chủ nghĩa hiện thực cho rằng môi trường vô chính phủ khiến cho an ninh trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trừ khi các quốc gia không quan tâm đến sự tồn vong của mình như những thực thể độc lập. Một khi còn quan tâm, các quốc gia vẫn phải cạnh tranh để nắm giữ chiếc chìa khóa cho an ninh – quyền lực. Cuộc tranh đua này thường dẫn đến việc những thực thể này tích lũy được nhiều quyền lực hơn mức cần thiết để giữ an ninh và do đó bắt đầu đe dọa những nhóm khác. Những nhóm bị đe dọa lại đáp trả.
Quyền lực tương đối là một khái niệm khó có thể đo đếm được và thường được đánh giá một cách chủ quan: một quốc gia khi sở hữu đủ sức mạnh để tự vệ thì dường như lại là một mối nghi ngại cho các nước lân cận. Vì nhu cầu duy trì độc lập và an ninh, các nước láng giềng sẽ phản ứng lại bằng cách củng cố vị trí của mình. Họ có thể bắt đầu hành động phản ứng kể cả khi không có vẻ gì là mình sẽ bị xâm lược. Đây chính là thế lưỡng nan an ninh: một nước củng cố an ninh của mình sẽ khiến nước khác phải phản ứng, cuối cùng lại có thể khiến mình kém an ninh hơn. Rất khó có sự hợp tác giữa các quốc gia để ngừng việc chạy đua này vì nếu một nước nào đó “gian lận” có thể làm vị thế quân sự của nước khác yếu đi. Tất cả đều sợ bị phản bội.
Thông thường các nhà lãnh đạo không công nhận sự tồn tại của vấn đề này: họ không đồng cảm với láng giềng của mình và không nhận thức được rằng hành động của họ khiến nước khác cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên việc lãnh đạo quốc gia có nhận thức được hay không cũng không thay đổi được vấn đề. Hoàn cảnh buộc họ phải làm như thế.
Thế lưỡng nan an ninh sẽ tăng cao khi có hai điều kiện. Thứ nhất, khi tấn công và phòng thủ quân sự gần như giống nhau, các quốc gia không thể làm rõ ý định tự vệ và mục tiêu an ninh hạn chế của mình thông qua cách triển khai những hình thức lực lượng quân sự nhất định. Bất kỳ lực lượng nào đều thích hợp cho ý định tấn công. Ví dụ, nhiều người tin rằng lực lượng tăng thiết giáp là phương tiện tốt nhất để phòng thủ trước sự tấn công của một lực lượng thiết giáp khác. Tuy nhiên, binh chủng tăng thiết giáp cũng có tiềm năng tấn công rất lớn. Vì thế các quốc gia có lực lượng này không thể biết được ý định của quốc gia khác là tấn công hay chỉ mang tính phòng thủ. Do đó họ buộc phải giả định tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Điều kiện thứ hai phát xuất từ tính hiệu quả của tấn công so với phòng thủ. Khi tấn công có hiệu quả hơn là phòng thủ, quốc gia sẽ chọn tấn công nếu họ muốn tồn tại. Điều này sẽ khuyến khích việc tiến hành chiến tranh phủ đầu khi có khủng hoảng chính trị vì ưu thế của việc tấn công sẽ tạo động cơ tấn công trước mỗi khi nguy cơ chiến tranh tăng cao. Bên cạnh đó, trong tình huống năng lực tấn công chiếm ưu thế, kể cả một ưu thế vừa phải về số lượng cũng sẽ gia tăng khả năng giành thắng lợi lên nhiều lần. Do đó, lợi thế của việc tấn công có thể dẫn đến chiến tranh phòng ngừa nếu quốc gia có được lợi thế quân sự dù lợi thế này có ngắn ngủi đi nữa.
Rào cản đối với sự hợp tác trong chính trị quốc tế đưa ra gợi ý về những vấn đề nảy sinh một khi chính quyền trung ương ở các quốc gia đa sắc tộc tan rã. Thế lưỡng nan an ninh ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nhóm tương tự như quan hệ giữa các quốc gia. Những nhóm này thậm chí còn gặp phải vấn đề phải tái thiết lại quốc gia mới từ đống đổ nát của đế chế cũ. Do đó họ còn dễ bị tổn thương gấp đôi.
Có nhiều ý kiến cho rằng quá trình sụp đổ của chế độ đế quốc đưa đến tình huống không thể phân biệt được giữa tấn công và phòng thủ và khiến cho việc tấn công có ưu thế hơn là phòng thủ. Thêm vào đó, quá trình hình thành quốc gia khác nhau cũng sẽ tạo ra cơ hội và nguy cơ. Những yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn đến viễn cảnh xảy ra xung đột, bất kể đó có phải là một nhóm vừa thành lập từ đế chế cũ, có nền chính trị nội bộ non trẻ hay không. Những nhà phân tích thiên về ý kiến rằng hầu hết rắc rối bắt nguồn từ lý do khác như đặc tính cụ thể của bản sắc nhóm  hay ở động cơ trước mắt khiến các nhà lãnh đạo mới dùng chiêu bài dân tộc để bảo đảm quyền lực của họ. Tuy nhiên, những nhà phân tích cần phải hiểu tình huống lưỡng an về mặt an ninh và những hệ quả của nó.Trong hầu hết các trường hợp có thể thấy không cần kích động chủ nghĩa dân tộc hay tính hiếu chiến vẫn có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm.
Sự khó phân biệt giữa tấn công và phòng thủ
Những nhóm người vừa giành được độc lập trước tiên phải xác định được láng giềng của mình có phải là một mối đe dọa hay không. Họ sẽ thăm dò thực lực quân sự của đối phương. Vì những vũ khí sẵn có của các nhóm này thường khá thô sơ, khả năng tấn công quân sự của họ chỉ dựa vào số lượng và ý chí của binh lính. Do đó, mỗi nhóm sẽ phải đánh giá tiềm lực quân sự dựa trên tiềm năng gắn kết và thành tích quân sự trong quá khứ của đối phương.
Kỹ thuật quân sự và khả năng tổ chức quân đội là những yếu tố chính để phân biệt giữa phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, trong lịch sử rất hiếm khi có sự khác biệt rõ ràng giữa tấn công và phòng thủ, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh giành lãnh thổ. Những lực lượng vũ trang trung lập như Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ thường được coi là lực lượng phòng thủ. Các quốc gia này chủ yếu sử dụng bộ binh, thường được cho là ít có khả năng tấn công hơn lực lượng tăng thiết giáp và các vũ khí cơ giới khác. Tuy nhiên, khả năng tấn công quân sự yếu ớt của các nước này một phần là do so sánh với lực lượng quân sự khổng lồ của Liên Xô, đối thủ khả dĩ nhất của họ trong quá khứ. Trái với các quốc gia có quy mô và vũ trang tương tự, ba quốc gia này có thể có khả năng tấn công đáng kể, đặc biệt là khi lực lượng bộ binh của họ có được ý chí phi thường như bộ binh Đức và Pháp vào thời kỳ đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất, như bộ binh Trung Quốc và Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống người Mỹ và như bộ binh Iran trong cuộc chiến chống Iraq.
Kể từ khi cuộc Cách mạng Pháp lần đầu tiên sử dụng một số lượng lớn binh lính có ý chí chiến đấu, bản sắc dân tộc bền vững được cả các học giả và những người hoạch định và thực thi chính sách coi như là một thành tố quyết định khả năng chiến đấu của quân đội.[2] Bản sắc nhóm giúp cá nhân mỗi thành viên có thể hợp tác với nhau để đạt được mục đích chung. Khi người ta sẵn sàng hợp tác với nhau, một tập thể thống nhất sẽ mạnh mẽ hơn tổng cộng những cá nhân riêng rẽ. Do đó, “bản sắc nhóm” sẽ giúp mỗi cá nhân trong một tập thể sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ hình thành sau sự sụp đổ của đế quốc một khả năng tấn công quân sự mạnh mẽ.
Khả năng quân sự của một nhóm mới độc lập thường ít tinh nhuệ: các căn cứ bộ binh được tổ chức đơn giản, trang bị vũ khí là những vũ khí còn lại, hoặc chiếm được từ chế độ trước. Sự gắn kết trong nhóm càng mật thiết thì khả năng quân sự của nhóm đó càng lớn. Đặc biệt, trong hoàn cảnh địa lý chật hẹp và cận kề nhau, sự kết hợp giữa lực lượng bộ binh cơ giới hoặc bán cơ giới, lực lượng lục quân với sức mạnh đoàn kết có thể khiến các nhóm khác phải e sợ. Và do đó, khả năng quân sự của họ thường được xem là mang tính tấn công.
Sự đoàn kết của nhóm đối lập sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách mỗi nhóm đánh giá mức độ đe dọa quân sự của các nhóm khác. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, khó có thể đánh giá chính xác mức độ đe dọa về mặt quân sự. Có thể thấy các nhóm người này mong muốn có một sự “đồng nhất” và an toàn. Người Pháp không muốn biến người Đức trở thành người Pháp và ngược lại. Tuy vậy, nỗ lực giữ an ninh của một nhóm sẽ rất dễ dẫn đến những hành xử gần như mang tính diệt chủng đối với nhóm kế cận. Do trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều xung đột gắn với vấn đề bản sắc nhóm nên những người nổi lên như thủ lĩnh của các nhóm và lần đầu tiên phải đối mặt với nghĩa vụ phòng vệ sẽ nghi ngại về sự vô hại của những nhóm người có bản sắc nhóm mạnh mẽ.
Những nhóm mới độc lập có thể dùng cách thức gì để đánh giá liệu ý thức về bản sắc của nhóm khác có liên quan đến khả năng tấn công hay không?[3] Họ chủ yếu dựa vào lịch sử: những nhóm khác đã hành xử thế nào vào lần cuối họ không bị ràng buộc? Họ đã từng có hành động tấn công quân sự bao giờ chưa? Thật không may, thường thì cách thức đánh giá này sẽ khiến các nhóm nghĩ rằng láng giềng của họ nguy hiểm hơn là không nguy hiểm.
Nguyên nhân là do phương pháp đánh giá lịch sử mà các nhóm này sử dụng khác với những tiêu chuẩn mà lịch sử hiện đại và khoa học xã hội phương Tây coi như mà chuẩn mực (hoặc ít ra là lý tưởng về nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội). Thứ nhất, những quốc gia đa sắc tộc bị tan rã thường che giấu hay bóp méo sự thật về sự kình địch trước kia để củng cố cho sự cai trị của họ. Chế độ cũ của Liên bang Xô Viết và Nam Tư thiếu một cam kết tôn trọng sự thật khi nghiên cứu về quá khứ. Thứ hai, thành viên của những nhóm khác nhau chắc chắn không quên được những hành động trong quá khứ của địch thủ của mình; nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng lịch sử truyền khẩu và hình thức lịch sử này chắc chắn sẽ có những điểm phóng đại trong quá trình truyền miệng và hiếm khi được xem xét, đánh giá một cách công bằng, khách quan. Thứ ba, vì lịch sử của họ phần lớn là truyền miệng, các nhóm khó có thể hiểu được cách nhìn của các nhóm khác về quá khứ. Thứ tư, khi chính quyền trung ương tan rã và những chính trị gia ở đó bắt đầu đấu tranh giành quyền lực, họ sẽ viết nên những phiên bản lịch sử trong các bài diễn văn chính trị. Nhưng vì nhằm mục đích huy động các lực lượng chính trị trong nước những bài diễn văn này có thể chủ yếu nhằm mang tính khuấy động tình cảm, cảm xúc.
Kết quả là nó sẽ dẫn đến một sự nhìn nhận mang tính bi quan nhất. Nhóm này có thể mặc định rằng bản sắc và sự gắn kết của nhóm kia là một mối đe dọa trừ khi có bằng chứng ngược lại. Nhưng để chứng minh khác đi là một điều vô cùng khó khăn. Bởi vì tính gắn kết của một nhóm là phương tiện cốt yếu để phòng vệ trước sự phá hoại nếu có của láng giềng, họ sẽ luôn nỗ lực để củng cố tính gắn kết đó. Những nhà tuyên truyền sẽ tạo ra những phiên bản lịch sử mang tính chính trị hóa và các cơ quan truyền thông sẽ được chỉ thị phải truyền bá phiên bản này. Giới truyền thông hoặc sẵn lòng hoặc bị bắt buộc phải tường thuật các sự kiện đang diễn ra theo hướng phóng đại mối đe dọa. Khi nhóm kế cận nhận thấy điều đó, họ cũng sẽ hành động tương tự.
Nói tóm lại, khả năng quân sự của nhóm thường phụ thuộc vào tính gắn kết của họ hơn là những vũ khí quân sự ít ỏi. Bản thân sự gắn kết này đã là một mối đe dọa vì nó có thể đem lại sức mạnh tình cảm cho quân đội thực hiện tấn công. Lịch sử các cuộc va chạm quân sự quy mô lớn cũng như việc đối xử tồi tệ với số lớn thường dân sẽ làm tăng khuynh hướng xem các nhóm khác như một mối đe dọa. Họ sẽ “trang bị” cả về mặt quân sự lẫn về mặt ý thức hệ.
Ưu điểm của hành động tấn công so với phòng thủ
Hai nhân tố có ảnh hưởng đến ưu thế của tấn công so với phòng thủ là: công nghệ và đặc điểm địa lý. Công nghệ thường được coi như là một yếu tố mang tính phổ quát bởi nó ảnh hưởng đến khả năng quân sự của tất cả các quốc gia. Địa lý là một yếu tố có thể thay đổi theo tình huống, khiến việc tấn công đặc biệt hấp dẫn đối với một số quốc gia vì những nguyên nhân cụ thể. Đây là vấn đề quan trọng nhất khi quốc gia sụp đổ.
Trong một số rất ít trường hợp trong lịch sử khi công nghệ quyết định một cách rõ ràng sự cân bằng giữa tấn công – phòng thủ, ví dụ như trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thì những người lính và thủ lĩnh thường không đánh giá cao sự ảnh hưởng của công nghệ. Do đó, không cần đi sâu vào vấn đề công nghệ, trừ vũ khí hạt nhân. Nếu một nhóm sở hữu vũ khí hạt nhân và nhóm lân cận cũng có vũ khí hạt nhân, mức độ ảnh hưởng của “bản sắc nhóm” đến tính lưỡng nan an ninh có thể không nhiều bằng so với trong trường hợp không có vũ khí hạt nhân. Vì sự đoàn kết nhóm không đóng góp vào khả năng thực hiện một cuộc tấn công nhằm tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của đối thủ, xét về khía cạnh quân sự chủ nghĩa dân tộc ít quan trọng hơn trong một mối quan hệ giữa các bên có vũ khí hạt nhân.
Yếu tố địa chính trị sẽ thường tạo ra một thế giới mà trong đó việc tấn công sẽ được ưu tiên lựa chọn một khi các đế chế sụp đổ. Một số nhóm sẽ có khả năng tấn công nhiều hơn vì họ sẽ bao vây một cách hiệu quả một vài hoặc tất cả các nhóm khác. Các nhóm khác có thể bị buộc phải tiến hành chiến lược tấn công để phá vỡ thế bao vây. Một nhóm dân cư riêng rẽ sẽ bị mắc kẹt trong biển người của nhóm dân cư khác. Khi một nước có các nhóm dân cư phân bố trên vùng lãnh thổ mà về mặt danh nghĩa là lãnh thổ của nước khác (vùng lãnh thổ lịch sử – irredenta), việc tự vệ của những nhóm riêng rẽ này khi gặp phải các hành động thù địch là vô cùng khó khăn. Những nhóm này cũng không thể giúp các nhóm khác, họ phải tự mình phá thế bao vây, phong tỏa dựa vào tương quan lực lượng của họ so với nhóm dân cư xung quanh và họ có thể sẽ không thể phòng thủ dựa vào địa thế được.Vì vậy, những người trong nhóm bị mắc kẹt đó có thể sẽ đặt niềm tin vào hành động tấn công quân sự nhanh chóng sẽ giúp nơi họ sinh sống thoát khỏi một số phận khủng khiếp.[4]
Yếu tố địa lý có thể biến đổi. Nhóm dân cư đơn lẻ có thể khá lớn, tự chủ kinh tế và có khả năng phòng thủ quân sự. Thêm vào đó, họ có thể cứu mình khỏi những rắc rối bằng cách cùng với số lượng lớn những đồng bào của mình gần đó hình thành một nhà nước quyền lực. Rất có khả năng các nhóm thù địch cũng có những nhóm dân cư khác trong nước họ, và họ có thể dùng các nhóm này làm con tin. Bên cạnh đó, các nhóm anh em với nhóm dân cư biệt lập có thể dùng vũ khí hạt nhân để trừng phạt nhóm dân cư bao quanh (nhóm dân cư biệt lập anh em của mình) nếu họ hành xử không đúng đắn. Tóm lại, có thể bảo vệ vùng lãnh thổ lịch sử của mình (irredenta) khỏi bị tấn công hoặc răn đe những hành động xâm lược bằng cách đe dọa trả đũa theo cách này hoặc cách khác.
Những nhóm sắc tộc đơn lẻ biệt lập có thể là động cơ cho chiến tranh phòng ngừa. Các nhà lý luận cho rằng việc nhận thức được lợi thế của tấn công khiến chiến tranh phòng ngừa hấp dẫn hơn: nếu một bên nắm được một cơ hội mà về sau không thể có được nữa và nếu có thể đạt được an ninh cao nhất bằng tấn công quân sự trong mọi trường hợp, người lãnh đạo sẽ có xu thướng nắm bắt thời cơ và tấn công.[5] Ví dụ như khi nhóm cư dân bao quanh sớm muộn gì cũng sẽ có thể chống đỡ lại những cuộc tấn công yểm trợ của từ nước mẹ cho các nhóm dân cư đơn lẻ, nhưng hiện tại họ vẫn còn yếu thì các nhóm đồng đạo sẽ có khuynh hướng sẽ tấn công sớm hơn.
Trong các tranh chấp giữa các nhóm nằm phân bố rải rác trên cùng lãnh thổ, tồn tại một lợi thế khác của tấn công – lợi thế tấn công chiến thuật. Mục tiêu của các nhóm là tạo ra một khu vực sinh sống ngày càng lớn cho một lượng dân cư đồng nhất. Do đó cư dân của nhóm khác sẽ phải được đưa ra khỏi khu vực sinh sống hiện tại. Người Serbia đã đưa ra thuật ngữ “thanh lọc sắc tộc” để mô tả mục tiêu này, nó gợi nhớ đến nỗi kinh hoàng 50 năm trước. Cuộc tấn công đó có một lợi thế chiến thuật rất lớn. Những lực lượng quân sự nhỏ nhắm đến thường dân không được trang bị hoặc được trang bị vũ khí rất nghèo nàn sẽ gây nên sự khiếp sợ kinh hoàng. Điều này dĩ nhiên luôn đúng, nhưng thậm chí kể cả những vũ khí đơn giản như súng máy, súng cối cũng có thể tăng sự tàn phá vì những người cuồng tín có thể dùng chúng để tấn công thường dân không được bảo vệ để trả thù: hậu quả là những băng nhóm nhỏ trong mỗi nhóm sẽ sẵn sàng tấn công các vùng dân cư của đối phương với hy vọng xua đuổi họ đi.[6] Số lượng lớn những người tị nạn chiến tranh trên thế giới ngày nay cho thấy việc này thường khá thành công.
Tính dễ bị tổn thương của thường dân tạo điều kiện cho những nhóm người cuồng tín bắt đầu cuộc xung đột. Những nhóm này rất khó có thể kiểm soát vì họ ít người và cuồng tín. (Điều này cho phép những người lãnh đạo của nhóm phủ nhận trách nhiệm đối với những hành động mà những nhóm này thực hiện.) Những hoạt động đó tạo ra một hệ quả chính trị lớn hơn nhiều so với quy mô của các băng đảng cuồng tín – làm tăng thêm nỗi sợ hãi ban đầu của nhóm người phía bên kia bằng cách khẳng định nỗi sợ hãi đó. Sự hiện diện hay vắng mặt của các băng nhóm nhỏ của những người cuồng tín là yếu tố quyết định khả năng tránh khỏi chiến tranh của nhóm khi vai trò của cơ quan quyền lực trung ương mờ nhạt. Dù hầu hết xã hội đều tạo ra một số ít người sẵn lòng chiến đấu bất kỳ lúc nào, sự nổi lên nhanh chóng của một nhóm có tổ chức của những cá thể đặc biệt quá khích chắc chắn là dấu hiệu của rắc rối.
Những hành vi tiêu biểu của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, tạo thêm động cơ cho hành động tấn công. Cho đến bây giờ, Liên Hiệp Quốc cũng không thể lường trước được các cuộc xung đột và đưa ra sự đảm bảo đáng tin cậy để làm giảm tình trạng lưỡng nan về an ninh. Mỗi khi có rắc rối chính trị ở một khu vực, Liên Hiệp Quốc có thể sẽ cố gắng can thiệp để “gìn giữ hòa bình”. Tuy nhiên, cái gọi là “gìn giữ hòa bình” này cũng chỉ đem lại lợi ích cho phe có lợi thế quân sự hơn. Thông thường, Liên Hiệp Quốc không lập lại hòa bình, họ chỉ đàm phán cho thỏa thuận ngừng bắn. Hai bên tranh chấp đồng ý ngừng bắn chỉ vì bên thắng thỏa mãn với thành quả của họ và bên thua lo sợ về những điều tệ hơn sẽ đến. Thêm vào đó, hai bên đã có một cuộc chiến đẫm máu và đang đến chỗ bế tắc, họ muốn nghỉ ngơi. Trong một chừng mực pháp lý, Liên Hiệp Quốc sẽ bảo vệ, và ở một mức độ nhất định, hợp pháp hóa những thành quả quân sự hiện có, hoặc cho cả hai bên thời gian trì hoãn để phục hồi. Sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào các cuộc xung đột sắc tộc đã tạo động cơ cho các hoạt động tấn công quân sự.
Thời cơ và nguy cơ
Ở những nơi chính quyền trung ương vừa sụp đổ, các nhóm tách ra từ nhà nước cũ phải lường được quyền lực tương đối của nhau tại thời điểm đó và dự đoán được nó sẽ như thế nào trong tương lai. Những tính toán đó phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Nói một cách khách quan, sẽ chi một bên nhỉnh hơn. Tuy nhiên, tính phức tạp của tình huống khiến những nhóm đang cạnh tranh với nhau tin rằng viễn cảnh của họ sẽ sáng sủa hơn nếu họ sớm tiến hành một cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, nếu yếu tố địa lý cũng tạo nên những động lực như đã nói ở trên thì việc tranh thủ thời cơ có thể sẽ là một cám dỗ rất lớn. Những cơ hội này đặc biệt hấp dẫn đối với những nhóm muốn mở rộng lãnh thổ vì nhiều lý do khác.
Tốc độ khác nhau giữa các nhóm trong việc hình thành nhà nước cũng có ảnh hưởng lớn đến động cơ cho chiến tranh phòng ngừa. Khi chính quyền trung ương đã hoặc đang sụp đổ, các nhóm chính trị sẽ tách ra và cố gắng thành lập một nhà nước riêng của họ. Những nhóm này phải chọn ra người lãnh đạo, thiết lập bộ máy hành chính để thu thuế, cung cấp các dịch vụ, tổ chức lực lượng cảnh sát để giữ an ninh trong nước và lực quân sự để gìn giữ an ninh đối với bên ngoài. Những thứ còn lại của chế độ cũ (đặc biệt là vũ khí, dự trữ ngoại tệ, dự trữ nguyên vật liệu thô, khả năng công nghiệp) sẽ được phân bố không đều trên lãnh thổ cũ. Một vài nhóm có vị thế được ưu đãi trong chế độ cũ, những nhóm khác thì không.
Quốc gia được thành lập bởi những nhóm này do đó sẽ khác nhau rất nhiều về sức mạnh. Điều này sẽ tạo ra lợi thế quân sự tức thời cho những nhóm đã tiến xa hơn trong quá trình thành lập nhà nước. Nếu nhóm có lợi thế lớn hơn tin rằng họ sẽ giữ vững được ưu thế về số lượng thì họ sẽ không thấy có một thời cơ cần nắm bắt. Tuy nhiên, nếu nhóm này lo lắng ưu thế của mình sẽ suy yếu dần hay biến mất, họ sẽ có động cơ để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong khi họ vẫn còn ở thế mạnh hơn nhiều so với đối thủ.
Sự khác biệt về quyền lực có thể tạo động lực cho các hành động chiếm đoạt để phòng ngừa, tạo nên chuỗi những hành động và phản ứng. Vì nguồn lực quân sự được phân bố không đều, thiếu thốn vũ khí do cấm vận, thiếu hụt tiền mặt hay sự hạn chế trong việc hòa nhập với thế giới bên ngoài, những kho nhỏ cất giấu vũ khí đóng vai trò rất quan trọng. Bất kỳ một cơ sở quân sự nào cũng sẽ là mục tiêu, đặc biệt là những nơi được canh phòng đơn sơ. Những nhóm được trang bị tốt hơn cũng có động cơ để chiếm lấy vũ khí vì nó sẽ giúp họ tăng ưu thế.
Hơn nữa, việc nhà nước cũ có áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc với tất cả các nhóm trong xã hội hay không cũng có những hệ quả nhất định. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp vũ khí vì đối tượng muốn cướp vũ khí sẽ biết vũ khí nằm ở đâu và có thể di chuyển chúng bằng cách nào. Ưu thế và thành quả được tích lũy nhanh vì mỗi bên có thể nhanh chóng hợp nhất những ưu thế có được vào lực lượng hiện có. Sự gia tăng nhanh chóng những nguồn lực chiếm được thường thúc đẩy những nhà nước trong quá khứ tiến hành các hoạt động quân sự phòng ngừa.
Kỳ vọng về những hành động can thiệp bên ngoài có thể ảnh hưởng đến các tính toán về chiến tranh phòng ngừa. Trong lịch sử, điều này thường có nghĩa là sự kỳ vọng vào những hành động canh thiệp của đồng minh vào bên này hoặc bên kia, cũng như giá trị của các đồng minh đó. Đó có thể là đồng minh ngầm hoặc công khai. Một nhóm biết rằng mình hoặc các nhóm khác có thể tìm được những người bạn ở bên ngoài. Họ còn có thể dự liệu rằng các đồng minh tự nhiên của nhóm kia đang tạm thời bận rộn hoặc giả là mình hay đối thủ có nhiều kẻ thù khác có thể tấn công nếu xung đột diễn ra. Số đồng minh càng nhiều, thì những toan tính này càng phức tạp và khả năng phạm sai lầm càng cao. Do đó, có thể cả hai nhóm đối lập đều có thể nghĩ rằng hành vi dự kiến của các bên khác sẽ giúp họ mạnh hơn trong ngắn hạn.
Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến số lượng các cuộc khủng hoảng và xung đột tăng nhanh đã làm cho “cánh cửa cơ hội” càng rộng mở. Những thiết bị truyền thông điện tử cung cấp những thông tin tình báo chiến lược toàn cầu về những vấn đề này cho bất kỳ ai chỉ với giá của một chiếc radio sóng ngắn, ít hơn nhiều so với một chiếc đĩa vệ tinh. Các cường quốc, các nước bậc trung và các tổ chức quốc tế chỉ có khả năng giải quyết cùng lúc một số ít các cuộc khủng hoảng. Những quốc gia muốn bắt đầu các hành động phòng thủ quân sự, nhưng lại sợ vấp phải sự chống đối từ bên ngoài có thể hành động nhanh chóng nếu họ nhận thấy các tổ chức quốc tế và các cường quốc đang bận rộn với những vấn đề khác.


[1] Những tác phẩm về chủ nghĩa hiện thực sau đây cần thiết cho những người muốn nghiên cứu về xung đột sắc tộc: Kenneth Waltz, Theory of International Politics Press (Reading, MA: Addison Wesley, 1979), Chương 6 và 8: Robert Jervis, ‘Cooperation under the security dilemma’, Wolrd Politics, no.2, January 1978, pp. 167-213; Robert Jervis, Perception and Misperception in International Politics (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1976), Chương 3; Thomas C. Schelling, Arms and Influence (New Haven, CT: Yale University Press, 1966,1976), Chương 1 và 6.
[2]Xem Carl Von Clausewitz, On War (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1984), pp. 591-92; Robert Gilpin, ‘The Richness of the Tradition of Political Realism’, trong Ronert E. Keohane, Neorealism and its Critics (New York: Columbia University Press, 1986), pp. 300-21, đặc biệt pp. 304-308.
[3] Vấn đề này chuyển sang việc đánh giá ‘ý đồ’, một vấn đề khác rất khó cho quốc gia trong chính trị quốc tế. Vấn đề này được xử lý như là một vấn đề về khả năng vì sự nổi lên của tình trạng vô chính phủ buộc những nhà lãnh đạo phải tập trung vào tiềm lực quân sự hơn là ý đồ. Trong những điều kiện đó, mỗi nhóm sẽ đặt ra câu hỏi liệu các nhóm kế cạnh của mình có sự gắn kết, nhuệ khí, tinh thần theo đuổi chiến tranh để hưởng ứng lời kêu gọi tấn công của các nhà lãnh đạo hay không.
[4] Việc dân cư xung quanh sẽ xem vùng lãnh thổ lịch sử trong lãnh thổ của họ là một mối đe dọa tấn công bởi nhóm bên ngoài là hợp lý. Vùng đất sẽ bị xem như một “đạo quân thứ năm” cần phải được kiểm soát, đàn áp và thậm chí là trục xuất
[5] Xem Stephen Van Evera, ‘The cult of the offensive and the origins of the First World War’, International Security, vol. 9, no. 1, Summer 1984, pp. 58-107.
[6] Vì sao họ không tự bảo vệ mình thay vì tấn công người khác? Ở đây có một giả thuyết đặt ra rằng những nhóm này quá nhỏ bé so với số lượng các thị trấn, làng mạc mục tiêu, vì vậy họ cảm thấy không thể tự bảo vệ mình một cách tự tin.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét