Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016
Ly kỳ huyền tích diệt yêu quái biển Đông thời Hùng Vương
07:40
Hoàng Phong Nhã
No comments
Theo truyền thuyết và ghi chép trong một số sách như cuốn “Lĩnh Nam chích quái”
thì ở ngoài biển Đông có con Ngư tinh, dài hơn 50 trượng, chân nhiều
như chân rết, biến hoá vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm
như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ.
Ngư
tinh sống dưới hang đá của một quả núi lởm chởm ngoài biển Đông. Do
sóng to gió lớn nên thuyền bè của dân không còn cách nào khác là phải đi
qua quả núi này vì vậy thường bị Ngư tinh làm hại.
Trong sách “Tân đính Lĩnh Nam chích quái”
cho biết rằng chuyện diệt Ngư tinh xảy ra vào đời vua Hùng ngành thứ 2.
Theo một số bản thần tích, ngọc phả về các đời vua Hùng thì Thủy tổ là
Kinh Dương Vương, Quốc tổ là Lạc Long Quân, truyền đến Lân Lang thì xưng
hiệu là Hùng Vương, các đời sau đều xưng theo hiệu đó, như vậy Hùng
Vương ngành thứ 2 theo truyền thuyết là vua Hùng Hoa Vương (tên húy là
Bửu Lang).
Cũng theo sách “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” thì trước khi cầu xin sự phù giúp của Lạc Long Quân, vua Hùng và các bề tôi đã tự mình tìm cách diệt Ngư tinh.
Loài yêu quái nơi biển Đông này không chỉ có một mà có nhiều loại, chúng đều là những “loài
cá khổng lồ như cá dịch, cá công, cá đồn, cá phòng, cá tinh xà thường
quẫy nổi sóng, rất đáng sợ; thuyền buôn qua lại hay bị lật úp. Chúng
trải qua nghìn năm, lâu ngày thành tinh, lại có phép làm gió, làm mây,
nổi mưa, nổi sóng thất thường.
Có
con như cá sấu, mình dài năm mươi trượng, đuôi đỏ, vẩy hồng, nhiều
chân, hình như con thằn lằn, hễ nó ra đi chơi thì gió mưa nổi lên, gặp
người là ăn thịt ngay, ai ai cũng sợ. Có lúc nó hóa làm cá mặt người hay
mặt cá hình người, tìm bắt trẻ em trai gái nuốt vào bụng, nặng đến hàng
vạn cái chuông, khiến dân oán vang khắp mọi nơi”.
Chuyện
kể rằng trong số các loài cá ấy, cá sấu và cá phòng là gây họa nhiều
nhất. Một vị Lạc hầu hiến kế lấy tre đan thành hình người, dùng giấy dán
kín, trong bỏ thuốc độc, ngoài thì khoác áo, tay cho cầm cần câu, để
cạnh bờ biển; vua Hùng nghe theo cho làm hàng trăm người giả, “lại cho điều tới khoảng chục cái thuyền có chứa vôi sống, hạt tiêu, gừng giã nát, cứ ở trên mặt nước mà chờ…
Đến
một ngày nọ, người dân báo tin thấy con cá đó đội sóng mà lên, nuốt gọn
hình người giả đó rồi bỏ đi. Đêm ấy, trong biển, nghe tiếng gào thét
không ngớt. Đến sáng thì con cá kia đã chết, nổi lên mặt nước, mùi hôi
thối bốc xa hàng nghìn dặm. Vua mừng lắm, truyền thưởng cho vị Lạc hầu
nói trên hàng nghìn lạng vàng”.
Vua
lại theo kế của vị Lạc hầu làm hàng nghìn lưỡi câu bằng sắt dài, ngắn
khác nhau, dùng cả dây gai các loại treo hàng trăm lưỡi câu như vậy rồi
dùng dê và chó xâu vào làm mồi vứt xuống biển để dụ cá phòng nhưng nó
tinh khôn không thể bắt giết được.
Cuối
cùng vua Hùng mới đành phải lập đàn cầu khấn nhờ đức Lạc Long Quân dùng
phép thần diệt thủy quái. Con cá này theo mô tả của sách “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” thì nó “cậy
có thân dài nghìn trượng, đốm vàng, đốm đỏ, đuôi trắng, mang hồng, tính
rất hung ác, thường diễu võ dương oai, nhiều người bị nó hại”.
Lạc
Long Quân thương dân bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường
dân, lại lệnh cho hải thần không được nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ
hang đá nơi Ngư tinh ở, giả cách cầm một người định ném vào cho nó ăn.
Ngư
tinh há miệng định nuốt thì Lạc Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném
vào miệng nó, Ngư tinh đau đớn chồm lên quẫy mình quật vào thuyền.
Long
Quân dùng gươm báu giết chết được nó, cắt đuôi, lột da phủ lên núi (nay
là đảo Bạch Long Vĩ), còn đầu trôi ra bể biến thành con chó ngao, Long
Quân liền lấy đá ngăn bể rồi chém chó.
Cái
đầu biến thành một ngọn núi (nay gọi là Cẩu Đầu Sơn), thân trôi ra
ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thuỷ hoặc Cẩu Đầu Thủy. Những
tên gọi này ngày nay là tên một số hòn đảo phần lớn thuộc vùng biển Đồ
Sơn của Hải Phòng và vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.
***
Trong
chuyên mục Truyền thuyết và Thần thoại nhân gian, Tinh Hoa sẽ mang đến
cho quý độc giả những câu chuyện mang màu sắc Thần tiên được lưu truyền
khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đi sâu vào khắc họa đời sống tâm linh
của các cộng đồng dân cư và những trải nghiệm siêu thường của con người
khi mang trong tâm kính ngưỡng đối với Thần. Thông qua đó cũng là những
bài học sâu sắc về nhân sinh mà người xưa muốn nhắn nhủ cho thế hệ tương
lai.
Theo kienthuc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét