12h trưa 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ… Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước khi ông rời Hà Nội vào TP.HCM.
Ngay sau khi Tổng thống Obama bước lên bục nói chuyện, cả hội trường đứng dậy vỗ tay chào mừng ông. Ông Obama vẫy tay chào các bạn trẻ ngồi dưới và bắt đầu bằng một lời chào tiếng Việt:
“Chúng tôi xin cám ơn sự chào đón nồng nhiệt mà các vụ đã dành cho chúng tôi. Xin cám ơn sự có mặt của các bạn ở đây. Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim tôi. Nhiều người đưng bên đường, vẫy chào tôi.
Đêm qua tôi ăn thử bún chả, và uống vài chai bia Hà Nội. Tôi phải nói rằng tôi chưa từng nhìn thấy nhiều xe máy như vậy ở thủ đô Hà Nội. Tôi chưa từng thử đi ngang qua đường nhưng khi trở lại, tôi hy vọng mình dám bước qua”.
“Không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN”
Khi chiến tranh VN kết thúc, tôi mới 13 tuổi. Tôi đã gặp những người VN đầu tiên là ở Hawaii. Những người trẻ như các con gái tôi, chỉ biết đến quan hệ hợp tác hòa bình giữa hai nước.
VN là đất nước đầy truyền thống. Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận.
Ông Obama còn khiến cả khán phòng xúc động khi dẫn bài thơ “Nam quốc sơn hà” nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sau nhiều thế kỷ số mệnh của các bạn không phải lúc nào cũng được tự quyết định. Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời”.
“Người Mỹ đã tới để hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, đã trích tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc”, ông nói thêm.
Trong thời gian qua, VN đã phát triển mạnh về kinh tế, tiến bộ, từ những nhà cao tầng, khu đô thị, vệ tinh phóng vào vũ trụ, hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, hàng nghìn người trẻ kết nối trên mạng, không chỉ selfie mà còn cất giọng vì những điều các bạn quan tâm.
VN đã giảm nghèo, tăng tiếp cận điện nước, tỉ lệ em gái được đến trường là những tiến bộ cực lớn. Quan hệ hai nước cũng thay đổi, hai nước đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng “Muốn đối thoại, cả hai bên phải thay đổi”.
Chúng ta đã cùng nhau giải quyết bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, làm sạch đất đai khỏi chất độc da cam. Quá trình hòa giải hai nước được dẫn dắt bởi những cựu chiến binh từng ở hai chiến tuyến, như thượng nghị sĩ McCain và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay Ngọai trưởng John Kerry.
Người dân hai nước đang gần nhau hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, du học sinh, khách du lịch đều tăng lên. Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”.
Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN.
Mỹ có thể giúp VN cách vận hành nền kinh tế một cách minh bạch. Các công ty, trường đại học của Mỹ sẽ đến VN để đem lại công nghệ và giáo dục chất lượng cao.
Từ thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu đều có thể đem ra thế giới. Ở VN và trên thế giới, phụ nữ sẽ có cơ hội phát triển, những phụ nữ là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.
“Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ”
Mỹ sẽ hỗ trợ VN thực hiện TPP. TPP sẽ giúp minh bạch, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, là tương lai cho mọi người, vì thịnh vượng và an ninh.
Để tăng cường hợp tác an ninh và lòng tin, Mỹ sẽ cung cấp tàu cho cảnh sát biển VN, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để bình thường hóa trọn vẹn quan hệ với VN, giúp VN mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.
Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ.
Với Biển Đông, Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.
Chúng ta cũng có những khác biệt về nhân quyền. Nhưng tôi không nói riêng VN, không nước nào hoàn hảo, kể cả Mỹ. Tôi ngày nào cũng nghe những than phiền về nhân quyền.
Nhưng chỉ trích khiến ta tiến bộ. Mỹ không muốn áp đặt lên VN, nhưng nhân quyền là phổ quát, các quyền tự do ngôn luận, biểu tình đều có trong Hiến pháp của chính VN
VN qua nhiều năm đã tiến bộ, minh bạch hơn. Người VN sẽ tự quyết định tương lai của VN. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền bày tỏ, ngôn luận, tiếp cận thông tin, kinh tế sẽ phát triển. Facebook đã bắt đầu như thế.
Ai đó có ý tưởng mới mẻ và có thể chia sẻ. Khi báo chí, truyền thông có thể soi rọi những nơi tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt.
Tự do tôn giáo sẽ khiến người dân yêu thương nhau hơn. Tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề Chính phủ không thể làm. Những quyền này không gây rối loạn xã hội mà khiến xã hội bền vững hơn. VN có thể làm khác các nước, nhưng những nguyên tắc là chung.
Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước.
Như Trịnh Công Sơn đã viết “Nối vòng tay lớn”, người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau. Một bác sĩ Việt kiều đã nói với tôi rằng ông đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, ông tự hào là người Mỹ và cũng tự hào là người VN. Hôm nay ông có mặt ở đây để trở về giúp đỡ VN.
Thế hệ trẻ VN có cơ hội để phát triển đất nước, Hoa Kỳ ở đây để giúp đỡ các bạn, luôn bên các bạn. Sau này khi các bạn cùng người trẻ Mỹ hợp tác, các bạn sẽ nhớ phút này, tôi đứng ở đây.
Như Nguyễn Du đã viết: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi
Nam quốc sơn hàSông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét