Nhiều bệnh viện ở Hà Nội bị thiếu nước phải ngưng phẫu thuật khiến người bệnh, bác sĩ đều khốn khổ.
Người nhà bệnh nhân ở Khoa Lao, BV 19-8 huy động xe kéo tay để “thu gom” nước - Ảnh: Dũng Minh
|
Giám
đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh hôm qua xác nhận từ
29.9 BV phải ngưng các ca phẫu thuật chủ động vì nước sinh hoạt bị mất
do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. “Đến chiều nay (30.9) chúng tôi phải
mua nước chở đến bằng téc. Lượng nước mua cũng chỉ hạn chế không thể
đáp ứng đầy đủ nhu cầu”, ông Ánh nói.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Văn Trực, Khoa Ngoại BV 19-8 chia sẻ: “Ở
nhà dân bị cúp nước khổ thế nào thì ở đây khổ gấp năm lần. Đến nay, BV
vẫn phải cố gắng đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng các ca mổ”.
Bệnh nhân, người nhà than trời
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Thanh (Thạch Thất, Hà Nội)
đang trông con gái sinh tại BV Phụ sản Hà Nội, than: “Đêm 29.9 và sáng
30.9 BV đều không có nước, mãi trưa 30.9 mới có được một ít nước. Nóng
bức lại không có nước dùng, đi chăm bệnh mà mình cũng muốn bệnh. Cả tuần
nay tôi không tắm, người ngứa ngáy, tóc tai cứng hết. Có chút nước nào
thì để dành giặt giũ cho con, cho cháu. Con nhà tôi sinh non nên phải ở
BV lâu lắm. Cái gì cũng phải tiết kiệm, tiền đâu mà đi tắm dịch vụ”.
Nước dự trữ của BV không đủ, bà Thanh phải mua nước đóng chai để
lau rửa cho con gái. “Không được tắm nhưng cũng phải cho con cái nó vệ
sinh, vừa sinh nở xong, bẩn lại mang bệnh vào người”, bà Thanh nói. Tại
khu vực nhà vệ sinh của BV này, một số người nhà bệnh nhân thay phiên
nhau hứng, tranh thủ dự trữ nước. Ở mỗi giường bệnh ai cũng trữ những
chai nước lớn dự phòng, vì lo không có nước dùng.
Có mặt tại Khoa Xạ trị 3, BV K T.Ư (Quán Sứ, Hà Nội) khoảng 16 giờ
hôm qua, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân và người nhà xếp hàng để được
tắm, giặt, đi vệ sinh. Nhiều người vì chờ đợi quá lâu nên đã đi vệ sinh
ngay dưới sàn... Theo bà Hoa (52 tuổi, ở Thái Bình, người nhà bệnh
nhân), mấy ngày nay tình trạng xếp hàng tắm rửa diễn ra “như cơm bữa”
tại BV này. Nước trong khu vệ sinh của BV chỉ có được 2 lần/ngày, mỗi
lần 1 - 2 giờ, có lần chỉ 30 phút thì ngưng. Người nhà bệnh nhân thường
xuyên phải chuẩn bị xô chậu để dự trữ nước sinh hoạt.
Khu B9 của BV 19-8 (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương
tự. Bà Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi) đưa người nhà vào đây nằm được 3 ngày
nhưng không hề có nước sinh hoạt, người bệnh không thể tắm rửa, giặt giũ
cũng như đi vệ sinh. “Thiếu nước khiến tình trạng quá tồi tệ. Mỗi ngày
tôi phải tự tay xách nước từ bể nước dự trữ của BV lên dùng, mà cũng chỉ
dám dùng để dội sau khi đi vệ sinh, còn tắm rửa thì không biết làm thế
nào. Nóng bức, hôi thối thế này thì người bệnh làm sao khỏi bệnh được”,
bà Thúy bức xúc.
Trong khi đó, bà Trần Thị Yến (61 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng) đang chăm
con trai nằm ở phòng kế bên thì cho biết ngày nào bà cũng phải đi xách
20 lít nước leo cầu thang đưa lên phòng bệnh. Lực lượng y bác sĩ của BV
này cũng huy động xe đẩy và cáng để vận chuyển nước cho bệnh nhân. Dù
vậy, bà Thúy rất lo lắng về chất lượng nước sử dụng trong ca phẫu thuật
của con mình.
“Mấy ngày nay không có nước, không biết họ mổ cho con tôi bằng
nguồn nước lấy ở đâu. Vẫn biết là nước được khử trùng trước khi sử dụng
nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng. Lo là thế nhưng đâu còn cách nào khác.
Đi viện đã khổ trăm bề nay lại còn thêm nỗi khổ vì BV thiếu nước”, bà
Yến than.
Chị Nguyễn Thị Loan nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội có lịch mổ ngày 30.9 nhưng BV Phụ sản Hà Nội báo thiếu nước phải chờ
|
|
Người nhà BN và nhân viên y tế tại BV 19-8 lấy từng xô nước từ bể chứa cạn kiệt - Ảnh: Dũng Minh
|
“Rất gay go”
Đại diện Công ty nước sạch Hà Nội giải thích việc thiếu nước cấp
cho BV Phụ sản Hà Nội là do sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà hôm
26.9. Theo vị này, bình thường công ty lấy 34.000 m3/ngày đêm từ nguồn nước sạch sông Đà để cấp cho toàn hệ thống. Từ lúc đường ống này vỡ, toàn bộ lượng nước kể trên bị mất.
“Mãi đến tối 29.9, khi nước cấp cho bên mạng lưới của Viwaco phục
vụ gần 80.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... tương
đối ổn định thì mới mở van cho chảy sang mạng lưới do Công ty nước sạch
Hà Nội quản lý”, vị này nói.
Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước - Sở Xây dựng
Hà Nội, nhìn nhận: “Việc BV thiếu nước là rất gay go. Tôi sẽ sát sao
liên lạc với lãnh đạo các đơn vị cấp nước để đốc thúc, chấm dứt tình
trạng thiếu nước ở BV sớm”.
Cũng theo ông Quân, phương án khắc phục lâu dài là sớm khởi công
đường ống nước sạch sông Đà số 2. Dự kiến ngày 7.10 tới sẽ khởi công xây
dựng, sau khoảng 6 tháng sẽ đi vào hoạt động, giảm áp lực cấp nước cho
tuyến ống hiện nay thường xuyên xảy ra sự cố.
Nhiều khu dân cư chịu cảnh nước nhỏ giọt
Cho đến chiều qua, vẫn còn nhiều khu dân cư thuộc Q.Hà
Đông chưa được cấp nước trở lại. Anh Đỗ Mạnh Hòa (khu đô thị Xa La,
P.Kiến Hưng), cho biết nhà anh vẫn đang phải chịu cảnh nước nhỏ giọt từ
tối 26.9 đến hôm qua.
Sau nhiều lần phải chịu cảnh khổ sở vì thiếu nước trong
các đợt vỡ đường ống lần trước, nhà anh Hòa và nhiều hộ dân trong tòa
nhà CT6 cũng đã mua bình trữ nước 200 lít, nhưng nước không thể đủ dùng,
bát ăn xong cũng không có nước rửa, tắm giặt, thậm chí đi vệ sinh cũng
phải hạn chế và tận dụng nước rửa rau, giặt đồ thừa.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty nước
sạch Hà Đông, lượng nước sạch của công ty cấp cho khu vực Hà Đông là
90.000 m3, trong đó nước từ đường ống sông Đà chiếm 40.000 m3. “Sự cố vỡ
đường ống lần này kéo dài đến 25 giờ, thì phải 3 ngày sau mới cơ bản
khắc phục được lượng nước. Mỗi ngày thiếu hơn 40.000 m3, áp lực nước lại
rất thấp, nên chúng tôi phải điều tiết nước theo khu vực”, ông Dũng
nói.
Mai Hà
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét