HỒ CHÍ MINH CÓ PHẢI LÀ MỘT NHÀ TƯ TƯỞNG?
Kiều Phong
Hồ Chí Minh được xem như cha già của dân tộc Việt Nam, đi đâu, làm gì cũng nghe nhắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, có thật hay không? Cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thích rõ ràng khúc chiết kể cả từ phía những người cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh mâu thuẫn với chủ nghĩa Marx- Lenin
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ý thức hệ chính thống là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có kèm theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như là phần diễn giải. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học,Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì những chủ nghĩa, tư tưởng và mục tiêu ấy lại có mâu thuẫn lẫn nhau: chủ nghĩa Mác - Lênin muốn áp dụng đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản để xoá bỏ các giai cấp bóc lột; còn tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì chấp nhận sự tồn tại của các giai cấp, tầng lớp khác nhau và khuyến khích việc làm giàu chân chính. Liên quan đến các chủ thể làm giàu, bản Hiến pháp năm 1992, ghi rõ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” (Điều 2). Theo đó, công nhân, nông dân, trí thức là những giai cấp tầng lớp cơ bản trong xã hội Việt Nam, hợp thành “nền tảng” của quyền lực nhà nước; còn những tầng lớp giàu có trong xã hội như doanh nhân Việt Nam và cán bộ chức quyền không được xem là thành phần “nền tảng”. Cũng liên quan đến các chủ thể làm giàu của thời kỳ này là tham vọng duy trì “vai trò chủ đạo” của khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong khi kinh tế thị trường đòi hỏi sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế quốc doanh, dân doanh, tư bản nước ngoài, v.v. Tham vọng duy ý chí đó dẫn đến những đường lối, chính sách, pháp luật thiếu bình đẳng và hay thay đổi, gây bất lợi đối với doanh nhân và với những người Việt Nam giàu có nói chung. Vì vậy, đối với đạo đức làm giàu, sự mâu thuẫn ấy đã tạo ra những nghịch lý trong thực tế: doanh nhân Việt Nam nỗ lực làm giàu và nhiều người hãnh diện về sự giàu có của mình, nhưng luôn cảm thấy mình phụ thuộc vào nhà nước và lép vế trước các đại gia tư bản nhà nước và tư bản nước ngoài. Còn cán bộ chức quyền thì dễ dàng làm giàu dựa vào việc hối mại quyền thế và thực tế thì họ đã làm thành cả một quốc nạn tham nhũng kéo dài, nhưng vì trên danh nghĩa họ là những người ăn lương nên không thể công khai sự giàu có và cách làm giàu của bản thân mình.
Như vậy có thể thấy, đạo đức làm giàu trong thời kỳ đổi mới - hội nhập cũng là một nghịch lý lớn. Do những chủ nghĩa, tư tưởng và mục tiêu lớn của thời kỳ này có chỗ mâu thuẫn lẫn nhau, đạo đức làm giàu trong thời kỳ này là một khái niệm mơ hồ và khó lòng vận dụng.
Còn đối với cán bộ chức quyền, nội dung của đạo đức làm giàu không được nêu lên mặc dù không ai cấm cán bộ ấy làm giàu hợp pháp. Nhưng những quy định khác có liên quan đến đạo đức làm giàu của cán bộ chức quyền thì sẵn có trong tám chữ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, và được cụ thể hoá trong các Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức. Nếu tuân thủ đúng những yêu cầu ấy thì cán bộ chức quyền không thể làm giàu được, trừ phi lương thưởng của họ được nâng cao hơn mức hiện nay.
Chính vì vậy, thái độ của xã hội đối với việc làm giàu và đạo đức làm giàu trong thời kỳ đổi mới - hội nhập cũng bao gồm hai loại: tích cực và tiêu cực. Giàu có như doanh nhân Việt Nam, cán bộ chức quyền, trong con mắt dân gian đều là cái giàu có đáng ngờ.
Dấu hiệu đạo văn
Ông Hồ hay trích dẫn ca dao, tục ngữ, thường nhắc lại những câu nói của người xưa, vì ông không dẫn nguồn nên các thế hệ học giả vốn quen lừa dối cứ tưởng ông là người đầu tiên đưa ra những quan điểm đó.
Chẳng hạn, Quản Trọng bên Trung Quốc bảo: Vì lợi ích một năm trồng lúa - Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng Người. Nhưng khắp các biển hiệu giáo dục ở Việt Nam lại đề tên Hồ Chí Minh dưới hai câu sau trong số ba câu này của Quản Trọng.
Độc lập - tự do - hạnh phúc cũng không phải là tư tưởng của Hồ Chí Minh mà trích từ trong học thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những tiêu chuẩn đạo đức hết sức cơ bản của Nho giáo. Đây cũng không phải là tư tưởng của Hồ Chí Minh mà là của Nho gia.
Hồ Chí Minh có một thời thanh xuân tiếp xúc nhiều với đạo Thiên Chúa. Ông trích dẫn nhiều câu nói của Giê-su, người sáng lập Ki-tô giáo và nhà tư tưởng lớn nhất thế giới tính đến ngày nay, nhưng những người cộng sản lại nói rằng ông là người đầu tiên phát biểu những quan điểm đó. Chẳng hạn, Kinh Thánh Tân Ước, Tin Mừng theo thánh Marco, một trong mười hai đệ tử của Giê-su, chương 9, câu 33 đến câu 36 có ghi lại sự việc như sau: “Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Hồ Chí Minh đã chỉnh sửa quan điểm của Giê-su, thay đổi một số từ ngữ để trở thành một câu mang màu sắc chính trị của ông ta như ngày nay thường thấy trong các câu tuyên truyền của Đảng: “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Điều đáng lưu ý là câu nói này được đem ra để bảo vệ chế độ và phân biệt chế độ hiện hành Việt Nam với các nước khác trong phe cộng sản.
Vì sao có tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam?
Trên thế giới, các triết gia và người trí thức thường chỉ đề cập đến Marxist, Leninist, Stalinist, Maoist, Titoist nhưng chưa nghe đến Hoist. Kể cả những học giả Tây phương thân cộng như Jean Lacouture cũng xác nhận rằng Hồ Chí Minh là một con người hành động chứ không phải là một lý thuyết gia.
Đảng Cộng Sản Việt Nam định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại...”
Thế nhưng, những quan điểm đó rời rạc và chung chung chứ không phải là hệ thống, không đưa đến một chương trình hành động. Tư tưởng phải nằm trong một hệ thống triết học hoặc một hệ thống tư duy, ông Hồ không đưa ra được một hệ thống mới. Hơn nữa, chính ông Hồ cũng đã nói: Tôi không có tư tưởng nào ngoài tư tưởng Marx- Lenin.
Nhà cầm quyền cũng biết điều này. Nhưng tại sao họ phải gán một tư tưởng cho Hồ Chí Minh? Đó là vì những năm 1990, Liên Xô sụp đổ cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Câu khẩu hiệu Chủ nghĩa Marx- Lenin bách chiến bách thắng đã mất hoàn toàn giá trị. Họ ghép tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Marx-lenin với hàm ý rằng bên châu Âu người ta thất bại, còn chúng tôi có tư tưởng ông Hồ nữa nên sẽ không thất bại và chúng tôi có quyền lãnh đạo vĩnh viễn là hợp lý.
Hiện nay bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường đại học có số thí sinh dự thi ít, điểm chuẩn rất thấp so với các ngành còn lại. Chính phủ miễn, giảm học phí cho ngành này nhưng cũng chẳng ai mặn mà. Nhưng môn này đi ngược xu thế toàn cầu hóa và do đó không thể đi ra được quốc tế. Lý do căn bản nhất trôi lững lờ như một tảng băng trôi, đó là, chủ nghĩa Marx-Lenin giống một thứ môn tâm lý học chứ không phải môn khoa học, còn Hồ Chí Minh rõ ràng là một nhà mưu lược chứ không phải là một nhà tư tưởng, thật sự không tồn tại cái mà Đảng gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Xét trên nhiều phương diện, những quan điểm của Hồ Chí Minh lại trái ngược với Marx-Lenin, cho nên, càng áp dụng chúng, đất nước càng lụn bại.
Kiều Phong
Nguồn: http://www.danluan.org/…/kieu-phong-ho-chi-minh-co-phai-la-…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét