Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Bức tường Berlin sụp đổ: Yếu tố tư tưởng và địa chính trị

Timeline_B
Nguồn: George Friedman, “What the fall of the Wall did not change”, Stratfor, 11/11/2014
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Hai mươi lăm năm trước, một đám đông đầy hân hoan lẫn thịnh nộ đã kéo đổ Bức tường Berlin. Niềm hân hoan trước dấu chấm hết cho sự chia cắt nước Đức và chính quyền chuyên chế. Và cơn thịnh nộ của nhiều thế hệ đã phải sống trong sợ hãi. Một trong những nỗi lo sợ đó chính là sự đàn áp của chế độ cộng sản. Một nỗi sợ khác đến từ nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh – vốn là bóng đen bao phủ châu Âu và nước Đức kể từ năm 1945. Một nỗi sợ thuộc về tinh thần và tư tưởng, trong khi nỗi sợ kia mang tính lý trí và địa – chính trị. Cũng như trong mọi khoảnh khắc chính trị quyết định, nỗi sợ hãi và cơn cuồng nộ, hệ tư tưởng và địa – chính trị, tất cả trộn lẫn vào nhau thành một thứ hỗn hợp gây say.
Sự thống trị của chủ nghĩa Marx
Hai mươi lăm năm sau, chúng ta coi sự phá sản về tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản kiểu Xô-viết, cùng với thế yếu về địa – chính trị của nó là lẽ đương nhiên. Thật khó để nhớ được rằng chủ nghĩa Marx đã từng quyến rũ thế nào, và quyền lực Liên Xô đã từng đáng sợ ra sao. Đối với thế hệ của tôi, ở những trường đại học lớn, chủ nghĩa Marx không phải là một dạng ngoại lai của nền Chuyên chế Phương Đông (Oriental Despotism), mà là một cách giải thích thuyết phục về thế giới và cách nó vận hành, cũng như là một bản nguyên tắc về luân lý được một số lượng đáng kể sinh viên và các giảng viên tin theo. Đại đa số những người Marxist tiếp nhận tư tưởng phong trào Tân Tả vì tính thời thượng hơn là do lòng đam mê. Một phần nhỏ của Tân Tả, đặc biệt là những người ở châu Âu và được tình báo Liên Xô hỗ trợ, đã hành động trực tiếp và liều lĩnh, tham gia giết chóc, làm bị thương, bắt cóc và gây ra những vụ nổ nhằm đạt được các mục tiêu chính trị. Nhóm nhỏ này có được sự can đảm, còn nhóm trước thì nông cạn và yếm thế. Mà ở đây đương nhiên những người nông cạn và yếm thế này đáng được tán dương hơn (vì ít cực đoan hơn –NBT).
Ấy vậy mà, về mặt tư tưởng, chủ nghĩa Marx với một vài biến thể của mình có một sức thuyết phục khó lý giải ngay cả đối với chúng tôi, những người đã sống qua thời đại của nó. Sức hút của chủ nghĩa này chẳng liên quan gì đến nền dân chủ công nghiệp, mặc dù các bài hát từ các phong trào công nhân vẫn thường xuyên được xướng lên. Nó cũng chẳng bàn nhiều về giai cấp vô sản, mà về một cuộc cách mạng chống lại tính một chiều hời hợt của sự thịnh vượng (chỉ sự bất bình đẳng thu nhập – NBT). Tôi chưa bao giờ hiểu rõ những người theo chủ nghĩa Marx phản đối cái gì ở sự giàu sang – bởi bản thân tôi khá nghèo, nhưng với thế hệ trước, những người chấp nhận một cuộc sống bình dị thông thường phải chịu những lời lẽ ác ý gay gắt.
Chủ nghĩa Marx đã trở thành hệ tư tưởng cho tuổi trẻ, những người đã ca ngợi chuẩn mực luân lý vượt trội (moral superiority) của nó. Sự thật này không nên bị chối bỏ. Những người trẻ tuổi là động lực của các cuộc cách mạng châu Âu kể từ năm 1789, và họ vẫn luôn được tiếp sức bởi cảm nhận sâu sắc về chuẩn mực luân lý vượt trội. Chính nhiệt huyết của chàng trai trẻ Karl Marx qua những bài viết giữa những cuộc nổi dậy năm 1848 đã tạo ra Lenin và sau đó là Stalin. Những người trẻ tuổi tự tin vào chính nghĩa của mình đóng một vai trò quan trọng – sự thật mà bất cứ ai đã từng ngồi trên ghế một trường đại học lớn của châu Âu hay Mỹ những thập niên trước khi đế chế Liên Xô sụp đổ cũng không thể không nhận ra. Sự bất bình đối với những người trên 30 tuổi (vào thời đó đã được coi là già) là một động lực lớn hơn cả việc đấu tranh giai cấp. Việc lớp trẻ tự nhận mình ưu trội hơn so với người lớn tuổi góp phần hình thành phong trào Khai sáng (Enlightenment). Chúng ta tin tưởng ở sự tiến bộ, và lớp trẻ thì có nhiều tương lai hơn so với lớp người lớn tuổi.
Khi nhìn vào những bức ảnh chụp đám đông ăn mừng sự sụp đổ của Bức tường Berlin, ta thấy chính những người trẻ tuổi đã đứng lên. Tôi không ở Berlin những ngày ấy, nhưng tôi đã tới Berlin trước đó, và thủ đô nước Đức là một cỗ máy dynamo của chủ nghĩa Marx. Tôi chắc chắn về mặt suy luận lẫn thống kê rằng trong số những người ăn mừng sự kiện bức tường sụp đổ, rất nhiều là những người Marxist.
Khoảnh khắc bức tường đổ xuống gần như đã hủy hoại chủ nghĩa Marx. Cái gọi là phong trào Tân Tả tin rằng chủ nghĩa cộng sản Liên Xô là một sự phản bội lại chủ nghĩa cộng sản chính thống. Bởi chủ nghĩa Marx cho rằng ở một mức độ nào đó lịch sử tuân theo quyết định luận (tức chắn chắn hướng tới chủ nghĩa cộng sản – NBT), tôi vẫn chưa bao giờ lý giải được tại sao chủ nghĩa này lại thất bại nếu nhìn từ chính quan điểm Marxist. Tuy nhiên xét cho cùng, chủ nghĩa Marx của thế hệ tôi có liên quan nhiều tới thực tế rằng cha mẹ của mình, đã trải qua cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến thứ hai, nên họ cảm thấy hạnh phúc với một căn nhà và một chiếc xe, một người bạn đời và vài khoản tiết kiệm. Lớp trẻ luôn luôn có những khát vọng lớn hơn là chỉ sống bình thường, nhưng rồi họ lại trở nên quá “già” để tiếp tục mơ ước.
Số phận của chủ nghĩa Marx ở Tây Âu và nước Mỹ có sự khác biệt rất lớn so với ở Liên Xô và Đông Âu. Chủ nghĩa Marx đã chết ở Liên Xô cùng với Stalin. Stalin và Mao là những người Cộng sản vĩ đại cuối cùng. Đó không chỉ bởi vì ông ta tin, mà còn vì ông ta đã hành động dựa trên niềm tin đó. Đấu tranh giai cấp là trọng tâm của chủ nghĩa cộng sản, và nó sẽ không kết thúc cho đến khi Đảng Cộng sản giành thắng lợi. Đảng và nhân dân cần phải được thanh lọc, định hình và rèn giũa để trở thành một lực lượng hoàn toàn mới. Đó hẳn phải là một quá trình đau đớn, và Stalin đã chuẩn bị sẵn sàng để áp đặt nỗi đau khổ. Stalin là một phản ví dụ thuyết phục nhất về sự chân thành, bởi vì ông ta chân thành tin tưởng không chỉ ở khả năng tạo dựng một xã hội mới, mà còn ở những hành vi tàn bạo cần thiết để đạt được điều đó.
Stalin đã giết chết chủ nghĩa cộng sản. Ông ta đúng khi cho rằng xây dựng một xã hội mới cần trải qua sự đau đớn. Nhưng ông ta không nhận ra, hoặc có lẽ đến cuối cùng ông cũng chẳng quan tâm, rằng sự đau đớn ấy khiến cho xã hội mới vô nghĩa và mục nát từ trước khi ra đời. Nikita Khrushchev cố gắng xây dựng một nhà nước cộng sản mà không dựa trên tư tưởng Stalin. Nhưng vào năm 1964 khi Khrushchev bị Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin và Nikolai Podgorny lật đổ, đó lại là một cuộc cách mạng của những người đã kiệt sức. Cuộc đời họ chỉ dựa trên một chiến thắng duy nhất: họ đã sống sót qua thời Stalin. Mục tiêu của họ là tiếp tục tồn tại. Brezhnev đã phá hoại chủ nghĩa cộng sản khi cố gắng giữ quyền lực tuyệt đối và càng hạn chế chẳng làm gì với thứ chủ nghĩa đó thì càng tốt. Ông ta, cũng như chế độ của mình, chìm sâu trong tình trạng tham nhũng và yếu kém. Đế chế Xô-viết đã không nổi dậy. Nó chỉ đơn giản nương theo thực tế rằng Liên Xô đã thối nát và bê tha đến độ không thể cứu vãn. Đó chẳng phải là một cuộc cách mạng, nó chỉ giống với việc một cánh cửa ngục bị để ngỏ nhiều hơn.
Thất bại của chủ nghĩa Marx
Chủ nghĩa Marx tự hủy hoại chính mình bởi nó đã chiếm lấy quyền lực, và việc khoác lên mình chiếc áo quyền lực dần khiến nó đánh mất sự tín nhiệm. Nếu như không dính dáng đến quyền lực, những người còn coi trọng chủ nghĩa Marx hẳn sẽ nhiều hơn một số nhỏ những người Marxist còn lại hiện nay.
Chủ nghĩa Marx không được thừa nhận như một hệ tư tưởng, ngay cả khi nó đã phê phán hệ tư tưởng nói chung. Chủ nghĩa Marx là đỉnh cao của phong trào Khai sáng, không chỉ bởi chủ nghĩa này đưa ra những quan điểm cực đoan nhất về sự bình đẳng, mà còn vì nó kiên định một cách nhẫn tâm. Chủ nghĩa này đưa ra các quan điểm không chỉ về chính trị và kinh tế, mà còn về nghệ thuật, cách nuôi dạy trẻ em đúng đắn, các phương thức cấy cày và vai trò của thể thao trong xã hội. Bởi chủ nghĩa Marx bao quát mọi thứ, và với quyền lực nhà nước trong tay, chẳng có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của nó. Cuối cùng, chủ nghĩa Marx đã làm giảm ý nghĩa phong trào Khai sáng. Đó là phép phản chứng (reduction ad absurdum) đối với lý luận hệ thống. Chủ nghĩa này đã bóp vụn phong trào Khai sáng thành vô vàn lăng kính, mỗi lăng kính có một cuộc sống mà chủ nghĩa Marx không thể chấp nhận: một cuộc sống đầy những mâu thuẫn. Chúng ta thừa kế chính sự rời rạc mà nó để lại.
Nhưng sự thực là chủ nghĩa Marx không chỉ thất bại trong việc hình thành cái xã hội mà nó mong muốn, mà nó còn không thể thúc đẩy một cách hiệu quả phong trào Tân Tả. Chủ nghĩa Marx chưa bao giờ loại bỏ được thực trạng nguyên thủy của loài người. Ý tôi không phải là loại bỏ tư lợi hay tham nhũng. Điều mà chủ nghĩa này thất bại là đã không thể thoát khỏi được thực tế rằng cộng đồng chính là nền tảng cho sự tồn tại của con người, nó quan trọng hơn cá nhân, và đương nhiên là quan trọng hơn giai cấp.
Liên Xô đã là một đế chế từ lúc hình thành cho đến khi sụp đổ. Nó có trung tâm đặt ở Moscow và một bộ máy kiểm soát các nước lệ thuộc nhỏ bé hơn. Nó có thể tuyên bố rằng con người Xô-viết đã được hình thành, nhưng sự thật là người Nga vẫn là người Nga, người Kazakh vẫn là người Kazakh, và người Armenia vẫn là người Armenia. Dù có cố gắng đến đâu thì Stalin chưa bao giờ xóa bỏ được sự thật này. Cho đến khi ông ta chết, và khi nhà nước Xô-viết suy yếu và tàn tạ hơn, những khác biệt dân tộc thậm chí còn trở nên quan trọng hơn.
Nhưng hơn thế, với thế giới Liên Xô cũng hành xử như một đế chế. Khi nắm quyền, Lenin đã ký một hiệp ước với Đức đổi lãnh thổ lấy hòa bình.[1] Thật vậy, Lenin lên nắm quyền về cơ bản như là một mật vụ của Đức, được đưa tới St. Petersburg trên một chuyến tàu bưng kín và được hỗ trợ tài chính để lật đổ chính phủ đương thời và thiết lập hòa bình với Đức dựa trên những điều khoản từ phía Berlin. Lenin đã đồng ý với thỏa thuận này để lên nắm quyền. Khi nước Đức bị đánh bại, ông đã lấy lại được phần đất bị chiếm và toàn bộ phần lãnh thổ còn lại của Đế quốc Nga trong một cuộc nội chiến, qua đó tái chiếm được toàn bộ đế quốc của Peter Đại đế về cho mình. Khi chúng ta nhìn lại, cuộc đấu tranh giai cấp chỉ là bề mặt mà thôi. Thực tế chính là thứ mà Marx gọi là nền Chuyên chế Phương đông, đi cùng với sự chấp nhận về thực tế địa-chính trị.
Sau này, trong những năm 1930, Stalin đã tiến hành chuẩn bị cho cuộc chiến với nước Đức, thanh lọc quân đội, ép người nông dân chết đói nhằm mở thêm các nhà máy thép, và sản xuất vũ khí. Nhưng việc ông tính toán nhầm bước khởi đầu cũng không làm thay đổi kết cục. Stalin đã cho tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo vì đất mẹ và mở rộng lãnh thổ Liên Xô về phía tây sang miền trung nước Đức, và sang cả dãy Carpat.[2] Liên Xô đã neo mình lại ở giữa trung tâm châu Âu để tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ, nhằm tranh giành các đế quốc đã suy tàn của châu Âu, bị bỏ không bởi sự sụp đổ của quyền lực châu Âu. Đó quả thực là một trong những sự mỉa mai lớn nhất trong lịch sử, khi cuộc xung đột đế quốc lớn nhất lại được diễn ra giữa hai cường quốc chống đế quốc – Mỹ và Liên Xô.
Hiện giờ chúng ta đều biết rằng Liên Xô đã tàn lụi. Điều này chưa thật sự rõ ràng đối với Mỹ khi nước này loay hoay với thế bế tắc ở Triều Tiên và để thua cuộc chiến tại Việt Nam. Tình cảnh không sáng sủa hơn khi Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, hay cuộc Phong tỏa Berlin. Trên tất cả, sự mập mờ hiện diện cả ở năm 1980, khi nước Mỹ đã thua chiến tranh Việt Nam và nền kinh tế trở nên lao đao. Iran đã đánh bật sự ảnh hưởng của Mỹ, và người Liên Xô đã xâm lược Afghanistan. Tito chết ở Nam Tư, và người Liên Xô dù muốn trục lợi nhưng lại lâm vào tình thế khó khăn. Xã hội Hy Lạp bị chia rẽ, và người Liên Xô viện trợ tất cả các bên tham chiến trong một cuộc nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến lược kiềm chế của Mỹ tỏ ra vững chắc ở châu Âu và đã đưa thêm được Trung Quốc vào tuyến tiền tiêu, nhưng có vẻ chiến lược này bị gián đoạn bởi một dải từ kéo dài từ Nam Tư tới Afghanistan.
Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy rõ rằng Liên Xô đã đánh mất ý chí hùng cường từ lâu. Liên Xô không dám mạo hiểm ngay cả khi họ muốn vậy. Cho tới trước năm 1980, người Liên Xô vẫn có thể công kích Mỹ và các đồng minh, nhưng chỉ có người Mỹ mới bị ám ảnh bởi một cuộc tấn công tổng lực. Tuy nhiên, người Liên Xô biết chơi trò chơi địa – chính trị. Khi bị bao vây, họ tìm khe hở để thoát ra, và nếu thất bại, họ sẽ tìm cách làm người Mỹ choáng váng bằng những vụ việc trải khắp nơi trên thế giới. Họ ở khắp mọi nơi. Thế nhưng rốt cuộc, họ có một nền kinh tế trì trệ, những vùng tự trị (satrapies) thì bất ổn và các nhà cầm quyền chỉ muốn hưởng thụ khoái lạc trong những căn dacha[3] của mình. Một phần là do họ đã mất hết niềm tin, nhưng cũng còn bởi vì khi nhìn lại, họ biết rằng họ đã ở thế yếu.
Marx cho rằng cuộc cách mạng sẽ diễn ra ở một đất nước công nghiệp hiện đại như Đức. Tuy vậy, nó lại diễn ra ở một nơi đi ngược lại với triết lý của ông, và nơi mà việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản là bất khả thi. Cuộc cách mạng diễn ra trên châu Âu lục địa, chứ không phải tại châu Âu bán đảo (tức Tây Âu – NBT). Nó diễn ra ở một đất nước bần cùng, ít tiếp giáp biển, nơi có hệ thống vận tải tệ hại và dân số rải rác, chứ không phải tại một bán đảo tiếp giáp biển, nơi có vận chuyển thuận lợi và dân số tập trung. Điều này có nghĩa rằng cuộc tấn công sâu rộng vào nước Đức và Đông Âu đã để lại cho Liên Xô một vùng đất cũng nghèo khó như nước Nga, một vùng đất cần phải bị chiếm đóng và phòng vệ. Giải pháp của người Mỹ thật đơn giản: chờ đợi. Thực ra cũng không còn một giải pháp nào khác, bởi cả đế chế Napoleon và Hitler đã sụp đổ sau cuộc xâm lược vào châu Âu lục địa (chỉ nước Nga – NBT). Yếu tố địa – chính trị đã áp đặt một chiến lược chờ đợi cho cả hai bên, mà người Liên Xô lại có ít thời gian hơn người Mỹ và các đồng minh.
Và như vậy bức tường sụp đổ. Những ước mơ không tưởng nhất của thời đại Khai sáng cũng tiêu tan. Những người trẻ tuổi theo chủ nghĩa Marx ở Berlin đã từng hoang mang trước một trang sử trái ngược với những giấc mơ đầy mâu thuẫn của mình, nay đã làm việc cho Siemens, Deutsche Bank hay thậm chí là tại Brussels (nơi đóng trụ sở của Liên minh châu Âu – NBT). Việc người Mỹ tuyên bố thắng lợi có thể coi là hợp lý, nếu chiến lược không làm gì cả được chấp thuận trong những nguyên tắc của địa – chính trị. Và đế chế Liên Xô đã vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ, không thể hàn gắn lại được, bất chấp nỗ lực của vị lãnh đạo vốn đang tự cho mình là một Stalin, nhưng thực tế chỉ là một gã Brezhnev ăn mặc bảnh chọe hơn (tác giả ám chỉ Putin – NBT).
Điều quan trọng nhất trong ngày hôm đó, cũng là điều không được phép quên, đó là nước Đức một lần nữa trở thành một nước thống nhất. Kể từ năm 1871, một nước Đức thống nhất là nguồn cơn bất an của châu Âu. Đất nước này có hiệu suất lao động khó có thể cạnh tranh, và mang lại cảm giác quá bất ổn để có thể cùng chung sống. Đây không phải là một vấn đề của ý thức hệ; nó là vấn đề của địa lý và nền văn hóa. Những chàng trai và cô gái trẻ ở bức tường ngày ấy hiện nay dứt khoát đề cao chính sách thắt lưng buộc bụng (austerity) ở châu Âu, chứ không nhận trách nhiệm gánh vác sự kém hiệu quả của phần còn lại của châu Âu. Họ có lý do gì để làm vậy?
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin 25 năm trước là một dấu chấm cảm trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc của một hệ tư tưởng và cả một đế chế. Nó không dẫn tới sự cáo chung của lịch sử, mà làm mới lại câu hỏi đã đeo đuổi châu Âu suốt từ năm 1871. Nước Đức sẽ làm gì tiếp theo, và thế giới sẽ làm gì với nước Đức? Câu hỏi giờ đã thêm phần nan giải. Ở châu Âu, lịch sử đôi khi bày ra một bữa tiệc, và rồi lại đem lại một sự bất ngờ khó chịu. Nhưng bản thân châu Âu vẫn luôn là một bất ngờ, hoặc ít nhất nó luôn tỏ ra như vậy.
Tiến sĩ George Friedman là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Next 100 Years (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Thế giới 100 năm sau”), The Next Decade, America’s Secret War…
——————–
[1] [ND] Hiệp ước Brest-Litovsk, ký ngày 3/3/1918. Theo đó về mặt lãnh thổ Đức được chiếm Ba Lan, Latvia, Estonia, Litva và biến Ukraina thành nước phụ thuộc mình, còn Nga phải rút khỏi Ukraina và Phần Lan. Cũng theo hiệp ước thì Thổ Nhĩ Kỳ được nhận vùng Batumi, Kars và Adana. Như vậy nước Nga mất một vùng lãnh thổ rộng 750.000 km² với hơn 50 triệu dân (theo Wikipedia).
[2] [ND] Dãy núi Carpat (tên tiếng Anh: the Carpathians) khoảng 1.500 km ngang qua Trung Âu và Đông Âu, là dãy núi lớn nhất châu Âu. Một chuỗi các rặng núi kéo dài thành hình vòng cung từ Cộng hòa Séc ở phía tây bắc; qua Slovakia, Ba Lan, Ukraina và Rumani ở phía đông, qua khu vực Cổng Sắt trên sông Danub giữa Rumani và Serbia ở phía nam để kết thúc trong lãnh thổ Serbia (theo Wikipedia).
[3] [ND] Loại nhà hay biệt thự ở vùng nông thôn, thường được dùng để làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình vào các dịch cuối tuần hay ngày nghỉ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét