Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Perestroika và sự kết thúc Chiến tranh Lạnh

perestroika11337817362723
Nguồn: Archie Brown (2007). “Perestroika and the End of the Cold War”, Cold War History, Vol.7, No. 1, pp. 1-17.
Biên dịch: Nông Thị Nghi Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Không ai trong năm 1985 có thể tưởng tượng được rằng chỉ trong vòng bảy năm mà sự thống trị của Chủ nghĩa Cộng sản sẽ kết thúc ở châu Âu, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, và Liên Xô sẽ sụp đổ. Thế nhưng khi những sự kiện này xảy ra, không hề hiếm các nhà quan sát nhanh chóng tuyên bố rằng những kết quả này là không thể tránh khỏi. Chủ nghĩa cộng sản đúng là một hệ thống thiếu hiệu quả trên rất nhiều mặt (dù không phải là tất cả) nên sẽ không thể tồn tại mãi mãi, nhưng nó cũng là hệ thống đã giải quyết được hàng loạt mối đe dọa trong suốt 70 năm và tạo dựng được những khả năng phòng thủ chính trị và quân sự mạnh mẽ.
Rất nhiều sự đơn giản hóa quá mức hoặc hiểu lầm liên quan đến perestroika (cải tổ) và sự sụp đổ của Liên Xô đã trở nên quá phổ biến. Trong số đó có quan điểm cho rằng Liên Xô đã đứng trên bờ vực cuối cùng và đối mặt với sụp đổ sắp diễn ra vào những năm 1980; nhận định khác cho rằng sự thay đổi của hệ thống Xô-viết, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, và sự tan rã của Liên Xô chủ yếu bắt nguồn từ chính quyền Reagan; quan niệm ảo tưởng là Boris Yeltsin phải chịu trách nhiệm chính trong việc phá hủy hệ thống Chủ nghĩa Cộng sản ở Nga; cũng như quan niệm sai lầm ngày càng phổ biến rằng thời kỳ cầm quyền của Yeltsin là sự mở rộng của perestroika nhưng với một hình thức dân chủ hơn.1
Bài viết này tập trung vào mối quan hệ giữa perestroika và sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh. Tôi sẽ lập luận sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là kết quả trực tiếp của tự do hóa và dân chủ hóa cục bộ tại Liên Xô trong nửa cuối thập niên 1980, và, đặc biệt hơn cả, là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ chú ý đến ý tưởng rằng những thay đổi này bắt nguồn chủ yếu từ chính quyền Reagan cũng như những cách lý giải có liên quan, nhưng rộng hơn, của một số người tự cho mình là người theo chủ nghĩa hiện thực hoặc tân hiện thực trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Trong tiếng Nga, perestroika theo nghĩa đen có nghĩa là sự tái xây dựng hay hành động xây dựng lại. Nếu thuật ngữ này được dịch ra (và trên thực tế nó đã được sử dụng trong tiếng Anh) thì cách dịch ‘tái xây dựng’ (reconstruction) được ưa thích sử dụng hơn, bởi thuật ngữ đó có thể mang nghĩa rộng là xây dựng một công trình mới tại cùng một vùng đất cũ, hoặc ý nghĩa khác và hạn chế hơn là chỉ sửa chữa nhỏ các công trình đang tồn tại trên đó. Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo Xô-viết, những người chỉ ủng hộ suông cho perestroika, nó chính là cách hiểu thứ hai. Đối với Gorbachev và những đồng minh chủ chốt của ông trong việc đưa ra dự án chính trị này, gồm cả Aleksandr Yakovlev, perestroika, ngay từ đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng – và nó ngày càng trở thành một khái niệm cấp tiến hơn rất nhiều.
Nó cũng mang ý nghĩa đạo đức. Học giả người Nga Dmitriy Furrman gần đây đã gọi Perestroika là ‘một kiểu Tin lành Mác-xít’.2 Một nhà cải cách hàng đầu và là trợ lý có ảnh hưởng của Gorbachev, Georgiy Shakhnazarov, nhiều năm trước đã so sánh nó với Cải cách Kháng cách (Reformation).3 Tuy nhiên, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Gorbachev – và điều này thậm chí đã được nhắc đến trong suốt thời kỳ tiến hành perestroika – là nếu coi phong trào Cộng sản quốc tế là một thứ tôn giáo thế tục, được bổ sung bởi kinh thánh Marx – Lenin, thì ông vừa là Giáo hoàng vừa là Luther.
Trên nhiều khía cạnh, việc động lực cho sự thay đổi đến từ bên trên chứ không phải từ một bộ phận lớn công chúng là một bất lợi, bởi perestroika chỉ có một khoảng thời gian cực kỳ hạn chế để thiết lập các nền móng của nó. Elena Bonner đã trích dẫn lời người chồng quá cố của bà, Andrey Sakharov, rằng: “Chúng ta đã bắt đầu xây dựng ngôi nhà mới của mình, không phải từ móng mà từ trần nhà”.4
Như ngụ ý của Sakharov, đó còn lâu mới là một phương pháp lý tưởng để xây dựng một cấu trúc chính trị mới. Thế nhưng đó lại là con đường duy nhất mà những thay đổi ở quy mô như perestroika đã tạo ra có thể bắt đầu ở Liên Xô trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Một phong trào quần chúng từ dưới lên hay (chưa nói đến) một cuộc cách mạng đều khó có thể xảy ra. Chính quyền đàn áp các cuộc nổi dậy chính trị trái phép như thể chúng là mối nguy hiểm cho sự tồn vong của quốc gia. Mặc dù điều này không hoàn toàn cho thấy chế độ tự tin về tính chính danh và được lòng dân của mình, nó vẫn đủ để loại bỏ phe chống đối từ khi còn trong trứng nước. Như Furman từng nhận xét: ‘Tỉ lệ là cứ mỗi người bất đồng chính kiến thì có tới 1.000 nhân viên KGB….  Bất cứ nỗ lực tiến hành cách mạng nào đều sẽ bị dập tắt ngay từ đầu’.5
Có thể không có câu trả lời rõ ràng – chứ đừng nói đến ‘khoa học’ – cho câu hỏi ‘Chiến tranh Lạnh đã kết thúc khi nào?’, bởi rốt cuộc thì thuật ngữ ‘Chiến tranh Lạnh’ là một phép ẩn dụ. Tuy nhiên, đó không phải là một phép ẩn dụ ngờ nghệch – như “Cuộc chiến chống Khủng bố” – mà thực sự là một phép ẩn dụ. ‘Chiến tranh Lạnh’ bao gồm những sự kiện rất trọng đại và cũng cực kỳ nguy hiểm, nhưng nó vẫn không phải là một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, bởi đó là tên gọi cho sự căng thẳng giữa một bên là Hoa Kỳ và đồng minh, đặc biệt là Tây Âu, với bên còn lại là Liên Xô và khối Cộng sản, có lý do để lập luận rằng Chiến tranh Lạnh, với cách hiểu ý nghĩa nhất của thuật ngữ này, đã kết thúc vào năm 1989 khi khối Xô-viết tự bước vào giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên do Chiến tranh Lạnh bắt đầu với sự kiện Liên Xô tiếp quản Đông Âu dưới hình thức các đảng Cộng sản do Moscow chi phối giành được chính quyền, nó kết thúc khi các quốc gia Trung và Đông Âu trở nên phi Cộng sản và độc lập.
Ý định chấm dứt truyền thống chính sách đối ngoại Liên Xô trước kia của Gorbachev đã thể hiện rõ khi ông bắt đầu nhậm chức Tổng Bí thư, dù lúc đó nó chưa ngay lập tức rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo phương Tây. Thậm chí ngay trong đám tang của Chernenko vào tháng 3/1985, Gorbachev đã nói các nhà lãnh đạo Đông Âu mà ông tiếp xúc cá nhân rằng họ đừng mong đợi sự can thiệp quân sự của Liên Xô để giữ vững quyền lực của mình.6 Chính họ là người quyết định liệu có thể duy trì hay giành được niềm tin của người dân quốc gia mình. Sau đó, trong tài liệu sáu trang mà Gorbachev chuẩn bị cho hội nghị Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 26/6/1986, ông đã chỉ trích tuyên bố của Liên Xô rằng nước này là thẩm quyền duy nhất trong việc diễn giải chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông nói Liên Xô không nên áp đặt các chỉ dẫn cho Đông Âu, mà chỉ nên tạo dựng ảnh hưởng về hệ tư tưởng – chính trị. Mối quan hệ với ‘các nước xã hội chủ nghĩa’, như ông gọi, cần dựa trên nền tảng bình đẳng, và nó nên là hoàn toàn tự nguyện.7 Nói cách khác, Liên Xô nên là một ví dụ điển hình (force of example) (để Đông Âu noi theo) hơn là một ví dụ về sự áp đặt sức mạnh (example of force).
Chỉ trong vài tháng sau khi lên chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã thay thế vị Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm, Andrey Gromyko (nắm vị trí này từ năm 1957), bằng Eduard Shevardnadze, Bí thư Thứ nhất của Gruzia, người không hề có kinh nghiệm gì về các sự kiện quốc tế. Bằng cách đó, Gorbachev đã áp đặt quyền lực tối cao của mình lên quá trình hoạch định chính sách đối ngoại và cài một đồng minh của mình vào Bộ Ngoại giao. Shevardnadez, người cùng lúc đó cũng đang được tiến cử từ vị trí ủy viên dự khuyết lên thành ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, cũng đã trở thành một người ủng hộ kiên định cho các cải cách đối nội của Gorbachev.
Gorbachev có lý do nào đó để tin tưởng vào tư duy của Shevardnadze. Hai nhân vật này đã có một cuộc gặp riêng tư ngay sau sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào Afghanistan và, như Shevardnadze tiết lộ sau đó, họ ‘đã thống nhất đó là một sai lầm chết người sẽ khiến quốc gia phải trả giá đắt’.8 Quyết định đã được đưa ra và thi hành trước khi toàn bộ Bộ Chính trị được thông báo, và tất nhiên cả Gorbachev và Shevardnadze đều không công khai sự phản đối của họ ở đó. Bởi các quyết định chính sách đối ngoại thuộc thẩm quyền của giới lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị, mà cả Gorbachev và Shevardnadze đều không phải là thành viên, nên nếu chỉ trích cuộc xâm lược Afghanistan thì có thể dẫn tới việc họ nhanh chóng bị loại khỏi nhóm tinh hoa lãnh đạo đảng.
Một khi Gorbachev đã nắm được vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Xô-viết, ông có thể làm gì đó với vấn đề Afghanistan, nhưng – và ta có thể so sánh với trường hợp Việt Nam và Iraq – ông lại muốn rút quân theo cách nào đó để nó trông giống như là một thỏa thuận dàn xếp chứ không phải là một thất bại. Trong hội nghị Bộ Chính trị vào ngày 17/10/1985, Gorbachev tuyên bố trước các đồng sự rằng ông đã làm rõ với nhà cầm quyền Afganistan, Babrak Karmal, rằng tới mùa hè năm 1986 người Afghanistan sẽ phải học cách ‘làm thế nào để tự bảo vệ cuộc cách mạng của chính họ’. Karmal, theo như ông nói, đã ‘hết sức ngạc nhiên’.9
Gorbachev nói với Karmal rằng ông ta sẽ phải mở rộng lực lượng ủng hộ chế độ. Anatoliy Chernyaev, người lúc đó là phó trưởng Ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương và là người, từ tháng 2/1986, chuẩn bị trở thành trợ lý chính về chính sách đối ngoại cho Gorbachev, cũng có mặt tại hội nghị Bộ Chính trị đó. Ông nói rằng Gorbachev đọc to ‘một số bức thư não lòng’ từ những người mẹ của các binh sĩ Liên Xô đã phục vụ, và một số đã chết, ở Afghanistan. Gorbachev đã đánh vào yếu tố tình cảm trong nỗ lực thuyết phục Bộ Chính trị rằng sự hiện diện của Liên Xô tại Afghanistan là một sai lầm rất lớn. Ông kết thúc bài tham luận với câu nói: ‘Có hay không có Karrmal, chúng ta sẽ vững chắc theo đuổi con đường này, tức phải dẫn đến sự rút lui của chúng ta khỏi Afghanistan trong một khoảng thời gian ngắn tối thiểu’.10 Quá trình này kéo dài hơn rất nhiều so với mong đợi của ông – một phần bởi Hoa Kỳ tỏ ra lãnh đạm với những lo ngại của Liên Xô về việc trao quyền lực vào tay các phần tử Hồi giáo chính thống tại Afghanistan – và những binh lính Liên Xô cuối cùng đã rời Afghanistan vào tháng 2/1989.
Về phần Tây Âu, trong bài phát biểu quan trọng của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 19 mùa hè năm 1988, Gorbachev nói rằng mỗi quốc gia phải tự quyết định loại hình thể chế chính trị và kinh tế theo ý muốn của mình. Ông tiếp tục nhắc lại phát ngôn này trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm đó, khi nó nhận được nhiều sự chú ý hơn từ phương Tây.11 Sự thay đổi về chính sách đối với Tây Âu thậm chí còn mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng hơn rất nhiều so với sự rút quân của Liên Xô khỏi Afghanistan. Khi từ bỏ ‘học thuyết Brezhnev’, vốn là cơ sở để Liên Xô tự cho mình quyền đưa ra quyết định về giới hạn của sự thay đổi ở Đông Âu, Gorbachev không lường trước một sự chối bỏ bất ngờ như vậy cả về thể chế và cả về mối quan hệ hợp tác với Moscow của các dân tộc ở Đông Âu. Song các công dân Trung – Đông Âu đã tin vào tuyên bố không can thiệp của Gorbachev vào năm 1988, và rồi giành độc lập vào năm 1989. Tiếp theo đó là sự thống nhất của Đức vào năm 1990.
Tư tưởng và lợi ích
Điều gì đã dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn của chính sách đối ngoại mà Liên Xô đã theo đuổi suốt từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai? Rất nhiều học giả đã đưa ra những lập luận nói rằng Liên Xô bị dồn vào thế phải từ bỏ các lợi ích của nó như vậy là bởi nó không thể chạy đua kịp với Mỹ. Một vài học giả trong số này đã đánh giá thấp tầm quan trọng của Gorbachev, cho rằng đã có một thỏa thuận trong giới lãnh đạo Xô-viết về nhu cầu cần thay đổi chính sách đối ngoại. Các học giả tương tự lại đánh giá thấp vai trò của các tư tưởng – ‘Tư duy mới’ – vốn nảy mầm trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu và được theo đuổi bởi Gorbachev và các đồng minh cũng như những người ủng hộ ông, như Yakovlev và Chernyaev.
Ví dụ, Stephen Brooks và Willian Wohlforth, trong bài viết trên tạp chí International Security (An ninh Quốc tế), đã bác bỏ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các tư tưởng đó, viết rằng:
Nếu ý nghĩa và hệ quả của các áp lực vật chất mà Liên Xô phải đối mặt phụ thuộc vào các chuyển biến trong hệ tư tưởng, thì con người với những tư tưởng khác nhau đã phải có những phản ứng chiến lược cực kỳ khác nhau đối với những dấu hiệu có thể quan sát được của các thay đổi vật chất. Nhưng trong trường hợp này thì không phải như vậy. Một số lượng lớn các nhà tư tưởng cũ trong giới quân sự, công nghiệp quốc phòng, bộ ngoại giao, bộ máy Đảng Cộng sản, và KGB về cơ bản đã nhìn thấy những áp lực vật chất tương tự như Gorbachev đã nhìn thấy, và do đó không những chấp nhận mà còn đồng lõa với phản ứng chiến lược của Gorbachev.12
Mặc dù việc nhấn mạnh vào các tư tưởng hay thay đổi lãnh đạo, vốn dẫn đến sự loại trừ một nhân tố quan trọng là sự suy yếu lâu dài về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Liên Xô, cũng có thể là một sai lầm, nhưng nó vẫn còn đúng hơn cách lý giải trên. Sức nặng của bằng chứng liên quan đến tốc độ tăng trưởng suy giảm của Liên Xô từ những năm 1950 đến những năm 1980 đã chỉ ra rằng một nền kinh tế chỉ huy kém hiệu quả hơn so với một nền kinh tế thị trường – trừ những ngoại lệ quan trọng liên quan đến một số các lĩnh vực được hưởng nhiều ưu đãi, như công nghiệp quân sự, hàng không, và nghiên cứu không gian. Do đó, ta có thể lập luận rằng một loại hình cải cách kinh tế căn bản nào đó là lợi ích dài hạn của toàn bộ người dân Liên Xô. Tuy nhiên, điều không rõ là những cải cách này phục vụ lợi ích cụ thể của ai trong giới lãnh đạo Liên Xô. Câu hỏi này cũng hoàn toàn có thể áp dụng vào việc cắt giảm triệt để chi tiêu quốc phòng, bao gồm cả việc cắt giảm quân sự đơn phương. Tại một cuộc họp Bộ Chính trị sau khi Gorbachev và Reagan thất bại trong việc đạt được thỏa thuận tại Thượng đỉnh Reykjavik năm 1986, Chủ tịch KGB Viktor Chebrikov nói: ‘Người Mỹ chỉ tư duy dựa trên sức mạnh.’13
Quân đội Liên Xô và KGB đã được hưởng lợi từ nền kinh tế Xô-viết chưa cải cách. Các bộ ngành Liên Xô, đặc biệt là những bộ ngành liên quan đến tổ hợp công nghiệp – quân sự, đã có một vị trí an toàn trong hệ thống, vị trí vốn sẽ rơi vào nguy hiểm nếu cải cách thị trường hóa. Và bộ máy Đảng Cộng sản vốn đóng vai trò giám sát trong hệ thống kinh tế (kế hoạch) sẽ trở nên không cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Còn đối với giới lãnh đạo của quốc gia này, Liên Xô trở thành cường quốc chỉ một phần là nhờ nó là quốc gia rộng lớn nhất hành tinh, và có nguồn tài nguyên thiên thiên giàu có. Nguyên nhân chính yếu hơn là do sức mạnh quân sự của nó. Chúng ta khó mà chắc chắn được các bộ phận đặc quyền nhất trong giới lãnh đạo Liên Xô có thể đạt được gì từ các cải cách kinh tế toàn diện hay từ những cắt giảm quân sự đơn phương.
Cán cân các nguồn tài nguyên quan trọng nghiêng về phía có lợi cho Mỹ và bất lợi cho Liên Xô rõ ràng hơn nhiều sau khi Stalin ép buộc các quốc gia Trung – Đông Âu nằm dưới sự cai trị kiểu Xô-viết và tiếp tục củng cố quyền bá chủ của Liên Xô khắp nửa phía đông của lục địa Châu Âu. Chỉ tới những năm 1970, Liên Xô mới đạt được một nền quân sự hùng mạnh tương đối ngang ngửa Mỹ. Mặc dù suy thoái kinh tế dẫn đến hậu quả dài hạn cho Liên Xô, và thậm chí nếu nước Mỹ của Ronald Reagan bỏ ra nhiều tiền xây dựng lực lượng quân đội hơn rất nhiều so với Liên Xô, thì Liên Xô vẫn sở hữu dư số vũ khí hạt nhân để có thể tiêu diệt Hoa Kỳ – và, thật ra, toàn bộ sự sống trên trái đất. Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) của Tổng thống Reagan chỉ nằm trên bản vẽ.
Kể cả trong viễn cảnh cực kỳ tươi sáng mà Reagan đưa ra, theo đó những loại vũ khí có tính chất phòng thủ này có thể “biến vũ khí hạt nhân trở nên lỗi thời”, thì tiến trình phát triển đó sẽ phải kéo dài đến 20 năm.14 Mặc dù rõ ràng SDI đã làm cho Liên Xô phải lo lắng bởi nó có khả năng tạo nên các sản phẩm công nghệ phụ, giám đốc nghiên cứu không gian Liên Xô, Roald Sagdeev, đã chế giếu ý tưởng rằng SDI có thể cung cấp một loại khiên đỡ chống lại một cuộc tấn công tên lửa hướng vào Mỹ.15 Số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô lúc đó với nhiều đầu đạn cùng lúc sẽ đủ khiến việc Mỹ dựa vào SDI trở nên một sự rủi ro cực kỳ nguy hiểm.
Dưới thời Brezhnev, Andropov và Chernenko, giới lãnh đạo Xô-viết đã phản ứng hoàn toàn tương tự như trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Reagan với những gì họ nhìn nhận là mối đe dọa tăng cường bắt nguồn từ Mỹ. Kể cả với những giả thuyết của Reagan về tính khả thi của chương trình SDI, thì dựa trên thực tế khả năng hủy diệt lẫn nhau (mutually assured destruction – MAD) vẫn sẽ tiếp diễn trong hai thập kỷ nữa, sẽ là khá sai lầm khi tưởng tượng rằng giới lãnh đạo Liên Xô bị ép buộc phải thay đổi chính sách đối ngoại một cách toàn diện. Trên thực tế, nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên Xô được lựa chọn (vào năm 1984) sau tuyên bố về chương trình SDI của Reagan năm 1983 là Konstantin Chernenko, và trong suốt nhiệm kỳ lãnh đạo của ông chính sách an ninh và đối ngoại Liên Xô hoàn toàn nằm trong tay các vị bộ trưởng kỳ cựu, Gromyko và Dmitriy Ustinov, Bộ trưởng Quốc phòng (cái chết của ông này vào tháng 12/1984 đã khiến Gorbachev phải cắt ngắn chuyến thăm Anh một ngày).
Mặc dù Gorcbahev lúc đó đã trở thành Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương, có vai trò giám sát chính sách đối ngoại, và Grigoriy Romanov trở thành Bí thư giám sát quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng chừng nào Gromyko còn là Bộ trưởng Ngoại giao và Ustinov còn là Bộ trưởng Quốc phòng thì bề dày kinh nghiệm và thâm niên cũng đã tạo dựng cho họ những quyền lực tối cao trong hai lĩnh vực riêng rẽ nhưng có liên kết chặt chẽ này. Ta có thể đặt một câu hỏi chính đáng là: nếu chính sách mà Gorbachev theo đuổi (như nhiều ‘nhà hiện thực’ phương Tây đã khẳng định dù chỉ là sau khi mọi việc đã xảy ra) là lựa chọn nghiêm túc duy nhất đối với giới lãnh đạo Liên Xô, thì tại sao những ‘nhà hiện thực’ cứng rắn như Gromyko và Ustinov (hay cả Brezhnev, Andropov, và thậm chí Chernenko) lại không hề đề cập đến nó trong 5 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Reagan?
Điều trớ trêu là khi nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn lực vật chất, một số học giả phương Tây đã đưa ra cách giải thích duy vật lịch sử để lý giải cho sự thay đổi trong chính sách của Liên Xô trong nửa cuối thập kỷ 1980. Sự suy thoái tương đối của kinh tế Liên Xô so với các quốc gia phương Tây phát triển và các quốc gia mới công nghiệp hóa của châu Á rõ ràng là một trong số các nhân tố kích thích những giai đoạn ban đầu của cải cách sau 1985. Tuy nhiên, cải cách kinh tế Liên Xô trong thời kỳ chuẩn bị kết thúc Chiến tranh Lạnh thậm chí còn không theo kịp biến đổi của chính thể Xô-viết.
Điều ‘không hề ngẫu nhiên’ là phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương về cải cách chính trị tháng 1/1987 lại diễn ra trước phiên họp về cải cách kinh tế, tổ chức vào tháng 7 cùng năm. Cải cách kinh tế được tiến hành kém triệt để hơn rất nhiều so với cải cách chính trị, trong khi cải cách chính trị chỉ có quan hệ ở mức cảm nhận được với suy thoái kinh tế. Các biện pháp dân chủ hóa được giới thiệu dưới thời Gorbachev – bao gồm đưa ra hàng loạt các quyền tự do và tổ chức các cuộc tranh cử dành cho một cơ quan lập pháp nghiêm túc, hoàn toàn khác với Xô-viết Tối cao trước đó vốn chỉ quen đóng dấu thông qua các quyết định của Đảng – là quan trọng hơn rất nhiều so với cải cách kinh tế trong mối quan hệ với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.
Cải cách chính trị trong nước, đến lượt nó, lại không được dứt khoát như thay đổi chính sách đối ngoại. Stephen Brooks và William Wohlforth, trong một bài báo khác, đã miêu tả các quốc gia phụ thuộc Liên Xô ở Đông Âu như là ‘trường hợp tồi tệ nhất về sự dàn trải sức mạnh đế chế trong lịch sử hiện đại’, cho thấy rằng giới lãnh đạo Xô-viết chẳng có lựa chọn nào khác ngoài từ bỏ chúng.16 Trên thực tế, một đế chế có lãnh thổ liên tục dễ quản lý hơn nhiều những vùng đất xa xôi của Đế chế Anh, bao gồm Ấn Độ và những vùng đất rộng lớn ở châu Á và Châu Phi. Về mặt quân sự và tâm lý, Liên Xô cũng gặp khó khăn hơn trong việc từ bỏ thứ có vẻ vừa là một khu vực đệm, vừa là phần thưởng cho chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Vlidimir Kryuchkov, người kế nhiệm chức Chủ tịch KGB của Chebrokov vào năm 1988, đã không liều lĩnh phản đối sự thống nhất của Đức vào thời gian đó, nhưng cuối cùng ông cũng thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng:
Nói chung sự phản bội của M.S. Gorbachev là không có giới hạn. Khi số phận của Đông Đức đang được quyết định, M.S. Gorbachev đã dẫm đạp lên các lợi ích của Liên Xô giữa một cách công khai. Ông không cần phải chờ đợi lâu để nhận được lời ca tụng từ phương Tây cho bước đi đó. Năm 1990 cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức, H-D. Genscher đã nói như sau: ‘Người Đức sẽ luôn biết ơn Gorbachev vì những gì ông đã làm để biến sự thống nhất của chúng ta trở thành hiện thực’.17
Cái chúng ta đang nói đến ở đây không phải là lợi ích, mà là nhận thức về lợi ích. Tính chủ quan của việc đánh giá lợi ích quốc gia có thể được minh họa bởi sự tin tưởng rõ ràng của Kryuchkov rằng việc duy trì tình trạng chia cắt Đức và chống lại ý muốn của phần lớn nhân dân Đức (sau khi dân chủ hóa xuất hiện tại phần còn lại của Trung – Đông Âu) chính là lợi ích của Liên Xô và Nga. Ngược lại, Gorbachev lại tin rằng việc tạo điều kiện cho thống nhất, một khi đòi hỏi đó đã trở nên đủ cấp bách, sẽ có thể tạo ra những mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, dài lâu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét