Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Văn hóa Veda (1600 – 600 TCN)

vedic civilzation

Nguyễn Trần Tiến

 Đại học Ravenshaw, Ấn Độ

Lịch sử Ấn Độ bắt đầu với thời kỳ Văn minh lưu vực sông Ấn Độ, một nền văn minh phát triển hưng thịnh tại phần Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 3300 đến 1700 trước công nguyên. Nền văn minh thời đại đồ đá này được nối tiếp bởi thời đại đồ sắt thuộc thời kỳ Vệ Đà, thời kỳ đã chứng kiến sự nở rộ của những vương quốc lớn được biết đến với cái tên Mahajanapadas. Giữa hai giai đoạn này, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Mahavira và Thích-ca Mâu-ni ra đời.
Trong bài viết này, người viết muốn tiếp theo dòng lịch sử Ấn Độ cổ đại để đi xâu tìm hiểu văn hóa Veda sau sự suy tàn còn nhiều dấu hỏi của nền văn minh Harappa. Để người đọc có thể hình dung được văn hóa, khác văn minh ở điểm nào?
Trải qua quá trình lịch sử cùng với sự hình thành của các nền văn hóa của nhân loại, Văn hóa Veda là điển hình cho văn hóa của người phương Đông, là nền tảng cho nhiều tư tưởng triết học, tôn giáo cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống con người. Để tìm hiểu về Văn hóa Veda trước tiên chúng ta hay đi tìm hiểu xem Văn hóa là gì?
Văn hóa
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Trọng Huề phân tích Văn hóa theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nghĩa hẹp, văn hóa được hiểu như là chỉ kiến thức hay học vấn và dùng để chỉ văn chương và nghệ thuật. Nghĩa rộng, văn hóa chỉ phần sinh hoạt của loài người trong lãnh vực tinh thần. Đó là những học thuyết, những triết thuyết đưa dẫn suy tư của con người lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất hàng ngày. Hơn nưa, văn hóa bao gồm cả văn Minh, vì văn hóa chính là sự tiến bộ của con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói cách khác là tiến gần tới chân, thiện, mỹ, lợi và thú hơn. Nghiã rộng này có thể được dùng như một định nghiã cho Văn Hóa.
Theo Giáo sư Đào Duy Anh, trong Hán- Việt Tự Điển, tác giả đã định nghĩa: “Văn hóa (văn vật và giáo hóa) là dùng văn tự mà giáo hóa cho người; Văn minh ( phản nghĩa với dã man) là cái tia của đạo đức, phát hiện ở nơi chính trị, pháp luật, học thuật, điển chương, v.v…. ; Văn hiến là sách vở và nhân vật tốt trong một đời.
Theo ngôn ngữ của phương Tây, từ tương ứng với văn hóa của tiếng Việt (culture trong tiếng Anh và tiếng Pháp, kultur trong tiếng Đức,…) có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng. Theo tự điển của Viện Hàn Lâm Pháp “Toàn bộ những thụ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công nghệ, kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tục lệ, truyền thống, những cách suy nghĩ và những cách sống, những cách ứng xử và xử dụng thuộc mọi lãnh vực, những lễ nghi, những thần thoại và tin tưởng tạo nên một di sản cộng đồng và cá tính của một nước, một dân tộc hay một nhóm sắc dân, một quốc gia”
Có thể nói, văn hóa là một phạm trù mang ý nghĩa rất rộng. Dưới các góc nhìn khác nhau, các nền văn hóa khác nhau sẽ cho ta một một cách hiểu khác nhau về văn hóa. Văn hóa được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân loại học, dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học,…và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Các định nghĩa về văn hóa nhiều và cách tiếp cận khác nhau đến nỗi ngay cả cách phân loại các định nghĩa về văn hóa cũng có nhiều. Theo quan điểm của các nhà xã hội học phương Tây như A. Kroeber và C. Kluc Kholm: “Trọng tâm của văn hóa bao gồm những tập truyền tư tưởng và nhất là những giá trị dính liền với các tư tưởng đó. Hệ thống văn hóa là một mặt được coi như là sản phẩm của hành động, mặt khác là điều kiện để thực thi các hành động khác. [A. Kroeber & C. Kluckholm, Culture, a critical Review of Concepts and Definition, tr. 357]. Các nhà nhân chủng học Mỹ thì cho rằng “Văn hóa gồm những gì mà các nhà xã hội học gọi là hệ thống xã hội”. [T. Parsons,  The Point of View of the Author, tr. 333] 
Tự điển The New Encyclopaedia Britannica cũng định nghĩa Văn Hóa là “Toàn bộ hiểu biết, tin tưởng và cách cư xử của nhân loại. Văn Hóa được định nghiã như thế bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, những cấm kỵ, luật lệ, cơ chế, dụng cụ, kỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghi thức, lễ nghi và những thành phần liên hệ khác. Sự phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng của con người biết học hỏi và truyền đạt sự hiểu biết cho những thế hệ kế tiếp”
Năm 1952, Alfred Kroeber và Clyde Kluckholm biên soạn và đưa ra một danh sách khoảng 164 định nghĩa về “văn hóa” trong tác phẩm [A. Kroeber & C. Kluckholm, Culture, a critical Review of Concepts and Definition, tr. 357]. Tuy nhiên, “văn hóa” có được hiểu theo ba nghĩa chung nhất như sau:

  • Sự cảm thụ và hiểu biết về nghệ thuật và tính nhân văn  
  • Mô hình tích hợp về kiến thức con người, niềm tin và hành vi đó phụ thuộc vào năng lực của tư tưởng mang tính biểu tượng và nhận thức của từng xã hội
  • Thái độ, các giá trị, mục tiêu, và cách ứng xử, vận dụng  là nét đặc trưng là một thể chế, tổ chức hay cộng đồng. 
Từ định nghĩa của văn hóa như ở trên cho chúng ta thấy, muốn hiểu văn hóa của một dân tộc phải tham khảo và nghiên cứu lịch sử của dân tộc đó. Nói cách khác, là phải đọc lịch sử Ấn Độ mới hiểu được văn hóa Ấn. Mặc dù công việc nghiên cứu, tham khảo, phân tích, biên soạn… lịch sử để phản ảnh cho đúng với những gì đã xãy ra là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu và các sử gia. Trong bài viết ngắn này, người viết cũng chỉ mong rằng với sự hiểu biết có hạn của mình, đem đến cho đọc giả những ý tưởng về một nền văn hóa cổ xưa của nhân loại nói chung và người Ấn nói riêng.
 rig vedic civilzation
Văn hóa Veda 1600 – 600 TCN.
Gọi là thời kỳ Văn hóa Rig Veda (khoảng 1600 TCN đến 1000 TCN) và thời kỳ Hậu Veda hay Sử thi hay thời đại “anh hùng” (khoảng từ 1000 TCN đến 600 TCN) vì toàn bộ sinh hoạt, phong tục, tập quán tư tưởng của người Ấn Độ cổ đại đều được thể hiện trong kinh Vêđa và hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana. Và đây cũng là thời kỳ người Arya xâm nhập vào Ấn Độ. Vào khoảng thế kỷ 16 TCN, các bộ lạc du mục của người Arya từ Trung Á xâm nhập vào Ấn Độ, đem theo những phong tục, tập quán, tín ngưỡng…và bắt người bản xứ làm nô lệ. Đây là thời kỳ hình thành các quốc gia chiếm hữu nô lệ đầu tiên của người Arya trên lưu vực sông Hằng và sông Ấn.[Trong bài viết này, người viết không đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc của người Arya và sự tràn vào Ấn Độ của họ]

Bản đồ Bắc Ấn Độ – Thời kỳ Rig Veda
Văn hóa Veda được chia thành 2 giai đoạn:

  1. Giai đoạn tiền Veda (Rig Vedic Age) 1600 – 1000 TCN
  2. Giai đoạn hậu Veda (Later Vedic Age) 1000 – 600 TCN
I.    GIAI ĐOẠN TIỀN VEDA (1600 – 1000 TCN)
1.    Sử liệu thời kỳ văn hóa Veda 
Kinh Veda
Khi người Aryan vào đất Ấn, phần kinh Veda được họ mang theo chỉ là những câu thơ theo truyền thống thi ca ở Ba Tư. Tới khoảng năm 1.200, một số nhóm tư tế Aryan mới phối hợp với các nghi thức và kinh lễ bản địa, san định để ghi nhớ và sử dụng trong các cuộc cúng tế. Tới năm 800 TCN, những tụng thi ấy được gom thành bốn cuốn kinh mà ngày nay được biết tới là các kinh Veda. Danh xưng ấy còn được phiên âm là Vệ Ðà hay Phệ Ðà. Như thế, Veda chứa đựng sự gặp gỡ một số văn hiến ở Tây Bắc Ấn Ðộ. Văn tự được dùng để ghi thành kinh là Sanskrit, một ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn Âu.
Kinh Veda được xem là kinh thánh của Hindu giáo, dùng làm căn bản định chuẩn cho triết học Ấn Ðộ. Những gì phù hợp với kinh ấy thì được đánh giá là chính thống, và không phù hợp thì bị cho là phi chính thống. Chữ Veda có nghĩa là ‘biết’, ‘minh triết’. Người Trung Hoa dịch là Minh luận. Các cuốn kinh Veda gồm khoảng 10.000 câu thơ xuôi. Tuy không được sắp xếp phân minh, nhưng kinh Veda, ngoài giá trị sách thiêng liêng, còn là đại tác phẩm tiêu biểu cho một nền văn học.

Rigveda (Padapatha) viết bằng chữ Devanagari, đầu thế kỷ 19.
Bốn bộ kinh Veda gồm:

  1. Rig Veda. Tán tụng minh luận. Cuốn quan trọng nhất, cung cấp hầu hết những giảng huấn cốt tủy. Nó là bộ xưa nhất trong bốn bộ — kết tập khoảng năm 1.200 TCN. Những vị thần được ca tụng nhiều nhất là Indra, Varuna và Agni.
  2. Sama Veda. Ca vịnh minh luận. Bao gồm các giai điệu và các thánh ca. Gồm 585 khổ thơ, tương ứng với các giai điệu được dùng trong những tụng ca hiến tế.
  3. Yajur Veda. Tế tự minh luận. Cung cấp những chi tiết cần thiết khi thực hiện các lễ tế. Là một chuỗi các công thức hàm chứa những nghi lễ khác nhau (nghi lễ dâng trăng tròn, trăng mới, nghi lễ dâng các vong nhân, dâng thần lửa, dâng bốn mùa..).
  4. Arthava Veda. Nhương tai minh luận. Bao gồm có các thần chú và bùa chú. Ðây có thể là những sản phẩm gốc bản địa, có từ trước khi người Aryan xâm lăng. triển khai ý nghĩa ba bộ kinh kia – gồm các bài thuyết giáo, có nội dung thiết thực và triết học. Các bài thuyết giáo chứa đựng thông điệp tâm linh căn bản của Hindu giáo. Atharva Véda được lấy tên từ các vị tư tế xưa chuyên lo việc cúng thần lửa, gọi là các Atharvan, gồm những câu phù chú ma thuật và những phù chú trừ mà yểm quỷ.
Mỗi bộ kinh Veda lại được chia làm 4 phần:

  1. Mantra tức thánh ca.
  2. Brahmana. Phạn chí. Gồm những bài kinh cầu, thần chú, các nghi lễ dành cho giới tư tế. Có lẽ được kết tập từ năm 800 tới 600 TCN.
  3. Aranyaka. Các bài dành cho các tu sĩ khổ hạnh. Thời điểm có lẽ từ năm 600 TCN.
  4. Upanishad. Áo nghĩa thư: gồm các bài thuyết pháp, giải thích triết lý dành cho các nhà tư tưởng. Thời điểm có lẽ từ năm 600 tới 300 TCN.
Một bài thơ trong Rig-Veda mà Will Durant cho rằng ‘Bài thơ hay nhất là bài Thánh ca về sự sáng tạo vũ trụ, thật lạ lùng, chúng ta thấy một thuyết phiếm thần tế nhị và cả một giọng hoài nghi rất tôn kính trong bộ Thánh kinh cổ nhất của dân tộc Ấn Độ đầy lòng mộ đạo:
Buổi đó, hoàn toàn chẳng có gì cả, mặt trời rực rỡ kia không có,
Mà vòm trời là cái khăn phủ mênh mang kia, cũng không có.
Vậy thì cái gì trùm lên, che phủ, chứa chất vạn vật?
Phải chăng là vực nước sâu thẳm?
Thời đó không có chết — vậy mà không có gì là bất tử,
Không phân biệt ngày và đêm,
Cái Nhất, cái Ðộc Nhất, không có hơi mà tự thở lấy được.
Ngoài Cái đó ra không có cái gì khác nữa.
Tối tăm, và hồi đầu cái gì cũng chìm trong cảnh tối tăm mù mịt — như biển cả không ánh sáng — Cái mầm khuất trong cái vỏ
Bỗng nẩy ra, duy nhất, dưới sức nóng nung nấu.
Thế là lần đầu tiên, lòng thương yêu xuất hiện, nó là dòng suối mới
Của tinh thần, các thi sĩ suy tư và thấy được trong lòng mình
Mối liên lạc giữa cái không được tạo ra với những vật được tạo ra.
Tia sáng đó chiếu ra, xâm chiếm hết, nó phát xuất từ trời hay từ đất?
Giống đã gieo và người ta thấy các năng lực cao cả xuất hiện
Ở dưới thấp là thiên nhiên, ở trên cao là quyền năng và ý lực.
Ai là người vén được màn bí mật? Ai là người cho ta biết
Sự sáng tạo muôn vật đó từ đâu mà có?
Chính các thần linh cũng chỉ xuất hiện sau này.
Vậy thì ai là người biết được sự sáng tạo mầu nhiệm đó từ đâu mà có?
Ðấng nào đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó.
Là do vô tình hay hữu ý?
Ðấng Tối Cao trên tầng trời cao nhất kia
Biết được — nhưng biết đâu chừng, có thể chính Ngài cũng không biết nốt.”

(Bài ca Sáng tạo, Lịch sử văn minh Ấn Ðộ, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê NXB Văn Hóa, năm 1996, tt 58- 59)
2. Đời sống chính trị 
Thời kỳ tiền Veda còn được gọi là Rig Veda. Trong thời gian này, chính trị được tổ chức dưới hình thức các bộ lạc. Mỗi bộ lạc hình thành một lãnh địa riêng biệt. Tổ chức chính trị nhỏ nhất được hình thành dưới tổ chức gia đình (Kula). Một số gia đình thành lập một làng (Grama). Người đứng đầu một làng gọi là Gramani. Một nhóm các làng thành lập một đơn vị lớn hơn được gọi là Thị tộc (vis). Người đứng đầu thị tộc gọi là Vishpati.  Một số thị tộc hình thành bộ lạc (Jana). Người đứng đầu bộ lạc gọi là Rajan. Người đứng đầu bộ lạc có nhiệm vụ đứng ra bảo vệ người dân của mình từ kẻ thù, bảo vệ gia súc, gia cầm, chiến đấu cũng như cầu nguyện trước thần linh và dưới sự hỗ trợ của các Purohita hoặc linh mục, các Senani (chỉ huy quân đội), Sabha và Samithi.  
Hình thái Nhà nước sơ khai cũng bắt đầu hình thành trong thời kỳ này (the rashtra) được cai trị bởi Rajan (Vua) hay còn được xem như là Gopa – Đấng bảo trợ và Samrat – Đấng cai trị tối cao. Nhà vua cai trị dưới sự ưng thuận và đống ý của nhân dân. Tổ chức chính trị thời kỳ này cũng đã hình thành nên 4 hội đồng là Sabha, Samiti, Vidhata và Gana trong đó phụ nữ chỉ được tham gia và hai hội đồng đó là Sabha và Vidhata. 
Bộ máy hành chính của người Aryan thời kỳ Rig Veda được cai trị dưới quyền của người đứng đầu thị tộc và cũng được gọi là Rajan. Mặc dù, chức vụ này được trao theo kiểu cha truyền con nối nhưng cũng có nhiều nguồn sử liệu ghi lại rằng có các cuộc bầu trọn được tổ chức bởi hội đồng thị tộc hay samiti. Nhiều hội đồng thị tộc như sabha, samiti, vidatha, vàgana đã được đề cập trong Rig Veda thực hiện chức năng thảo luận việc quân sự và tôn giáo. Phụ nữ tham dự Sabha và vidatha trong thời kỳ Rig Veda. Nhưng dưới góc độ chính trị Sabha và Samiti đóng vai trò quan trọng.  
Trong những công việc cai trị hằng ngày, nhà vua đã được sự hỗ trợ của một sốban bệ. cắt cử ra. Các ban bệ, quan lại giữ chức vụ quan trọng nhất được gọi purohita. Tiếp đến giao cho Vasishtha và Visvamitranắm các quyền điều hành triều chính. Các viên chức quan trọng tiếp theo là senani. Người đứng đầu các thị tộc nhận được các cống phẩm tự nguyện hay còn gọi là bali.
Trong những trường hợp trộm cắp và ăn trộm, và đặc biệt là trộm cắp bò. Điệp viên đã được cắt cử để theo dõi các hoạt động phi pháp. Quan lại được giao cho chức quản lý các cánh đồng cỏ đã được gọi là vrajapati. Các xã quan được cắt cử đứng đầu các hộ gia định được gọi là Kulapas. Quan lại đứng đầu giải quyết các vụ mâu thuẫn, tranh giành của người dân được gọi là gramanis. Thời kỳ này nhà vua đã không duy trì bất kỳ quân đội thường trực hay bộ binh, nhưng trong thời gian chiến tranh ông tập trung tiền một lực lượng dân quân có chức năng được thực hiện bởi các nhóm khác nhau của bộ lạc gọi là vrata, Gana, grama, sardha.
Chính sách thị tộc 

  1. Tộc trưởng là người đứng đầu và bảo vệ cho một thị tộc  hay Jana
  2. Tuy nhiên, tộc trưởng không nắm hết toàn bộ quyền lực mà phải có sự can thiệp của Hội đồng thị tộc,  
  3. Sabha, Samiti, Vidhata và Gana là các tổ chức trong Hội đồng thị tộc. Trong hội đồng thị tộc này Vidhata là tổ chức hành chính ra đời sớm nhất. Hội đồng thị tộc có nhiệm vụ bàn luận việc quân cơ và tôn giáo.
  4. Hai hội đồng quan trọng nhất trong thị tộc là Sabha và Samiti. Samiti có chức năng cai quản những việc chung, còn Sabha cai trị những việc hệ trọng của thị tộc.
  5. Phụ nữ có thể tham dự Sabha và Vidhata ở thời kỳ Rig Vedic.
  6. Ở một số thị tộc phi quân chủ – ganas, Ganapati hay Jyesthađứng đầu cai trị.
3. Xã hội 
Trong giai đoạn Rig Veda, gia đình là nền tảng của xã hội. Xã hội Aryan là xã hội mang bản chất gia trưởng. Cha là người đứng đầu gia đình và được gọi là Grahapathi. Kinh Veda nhấn mạnh về sự thiêng liêng trong hôn nhân và cuộc sống gia đình. Cũng trong thời kỳ tiền Veda này nhiều thay đổi xã hội diễn ra. Khái niệm về Varna, cùng với các quy tắc của hôn nhân được quan niệm khá gay gắt. Sự phân tầng xã hội cũng đã diễn ra, Việc phân tầng xã hội ra thành các Varna cũng bắt đầu xuất hiện. Tầng lớp Bà La Môn và Kshatriya được coi là cao hơn so với tầng lớp Shudras và Vaisyas. Trâu bò cũng bắt đầu mang ý nghĩa tôn giáo. Tầm quan trọng của nông nghiệp bắt đầu được đề cao. Các gia đình theo chế độ phụ hệ và bắt đầu cầu nguyện cho sự ra đời của con trai. Quan hệ họ hàng là cơ sở của cấu trúc xã hội. Mọi người dân đều phải tỏ lòng trung thành của chính của mình đối với bộ lạc của mình các bộ lạc hay Jana. Cũng có từ khác được dùng để chỉ bộ lạ được ghi trong Rig Veda là vis. Cũng có thể vis được chia thành các grama hoặc tổ chức bộ lạc nhỏ hơn nữa trong khi có chiến tranh giữa các bộ tộc. Khi các gramas đụng độ với nhau, nó gây ra chiến tranh  hay samgrama. Thuật ngữ chỉ gia đình – Kula hiếm khi được đề cập trong Rig Veda. Trong thời kỳ này, thuật ngữ gia đình được sử dụng nhiều là griha. Sự khác biệt trong mối quan hệ gia đình dẫn đến việc thành lập các hộ gia đình riêng. 
Vị trí của phụ nữ: Việc tổ chức các cuộc hôn nhân được diễn ra nhưng dưới hình thức còn đơn giản. Việc tái hôn đối và cưới hỏi lần nữa đối góa phụ cũng được thực hiện trong Rig Veda. Phụ nữ thời kỳ này có vai trò khá bình đẳng với nam giới và họ có quyền nhận được Upanayana và giáo dục, nghiên cứu kinh Veda và một số người trong số họ thậm chí còn tăng lên đến cấp bậc của các thi nhân sáng tác bài thánh ca Veda. Chế độ một vợ một chồng được thành lập, mặc dù chế độ đa thê và đa phu cũng được biết đến. Có Phụ nữ chiếm một vị trí đáng nể trong xã hội. Họ có quyền tự do để chọn chồng. Người vợ là người nội trợ trong nhà. Cũng có khi họ được tham gia vào các cuộc họp công cộng. Có những phụ nữ đã trở thành những học giả như Lopamudra, Visvavara, Ghosha, Sikata, Nivavari và Apala. Tuy nhiên, đến thời kỳ hậu Veda, vị trí của họ lại bị thay đổi.
4. Kinh tế 
Đời sống kinh tế thời kỳ Rig Veda vẫn chủ yếu dựa vào săn bắn. Các loài như Bò, ngựa, cừu, dê, lừa và chó được nuôi dưỡng. Người dân đã định cư ở những nơi và xác định nông nghiệp trở thành nghề chính của họ. Bên cạnh đó, người dân phát triển nghệ thuật của nghề dệt, nghề mộc và nghề kim loại.

Ceramic goblet from Navdatoli, Malwa, 1300 BCE.
Kinh tế thương mại cũng bắt đầu phát triển thông qua việc trao đổi hàng hoá. Ngoài việc trao đổi buôn bán trong nước, quan hệ ngoại thương mại với Tây Á và Ai Cập đã được tiến hành. Đồng tiền sử dụng được gọi là nishka. Các sản phẩm sử dụng cho mục đích thương mại gồm gỗ đàn hương, mỹ phẩm và ngà voi và cũng là là những mặt hàng xuất khẩu. Trái lại, người dân Rig Veda nhập khẩu những con ngựa to và khỏe từ Tây Á và Ai Cập. 
Trong nền kinh tế nông nghiệp, người dân đã biết sử dụng sức kéo của trâu và bò đực. Công cụ cày được gọi là Urvara hoặc Kshetra cũng được sử dụng. Các nguồn chính của thủy lợi là nước mưa. Ngoài ra việc tưới tiêu cũng được tưới bằng giếng và các kênh rạch nhỏ. Người dân thời kỳ này tiến hành trồng một năm hai vụ. 
Ngoài kinh tế nông nghiệp và trồng trọt, việc chăn nuôi gia súc cũng đóng vai trò quan trọng. Trong Kinh Rig Veda có nhắc nhiều đến các loại gia súc được chăn nuôi. Bò và các xe bò kéo được xem như là biểu tượng của sự giàu có. Hơn nữa, Bò được xem là một động vật linh thiêng và được gọi là Aghnya hay không được giết. Bò còn được sử dụng để vận chuyển hàng và nông nghiệp. Người dân chăn nuôi các loại như cừu, dê, bò, bò và chó.
Thợ mộc là một nghề quan trọng trong xã hội Rig Veda. Các nghề hàng thủ công quan trọng khác như thợ cắt tóc, thợ may, thợ da,thợ rèn, thợ kim hoàn hay thợ làm gốm v.v. Họ cũng đã sản xuất ra các loại gốm sứ như Painted Grey Ware ở phía bắc Ấn Độ. Nội thương và ngoại thương đều khá phát triển. Việc trông coi các hoạt động thương mại hầu hết trong tay của Panis. Thương mại được thực hiện cả bằng đường bộ và đường biển. Đa số thương mại đã được tiến hành với sự trợ giúp của hệ thống trao đổi và bò là một đơn vị tiêu chuẩn trao đổi. Sau đó tiền xu vàng và nishka gọi là bạc, shatamanarajata và raupya được sử dụng làm tiền tệ. 
5. Ẩm thực và Giải trí
Các món ăn của người dân bao gồm bánh làm từ lúa mạch, sữa, các loại trái cây, rau và thịt. Các loại chất kích thích như rượu hay còn gọi là soma và Sura được làm từ lúa mạch hoặc hoa quả được dâng lên vị thần và sử dụng hàng ngày. Người dân Rig Veda cũng biết các trò chơi tiêu khiển như đua xe ngựa, săn bắn, đua ngựa, ném đĩa, âm nhạc và khiêu vũ là những trò giải trí yêu thích. Các trò chơi như đấm quyền anh được biết đến với họ. Họ cũng biết chơi các loại nhạc cụ như đàn Veena.

Đàn Veena  vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay ở Ấn Độ
6. Trang phục và các đồ trang điểm
Nam giới thời kỳ Rig Veda mặc một chiếc áo được gọi là dhoti. Phần phía trên quấn khăn giống như một chiếc khăn choàng. Họ đội mũ quấn vòng lớn ở trên đầu và để râu. Phụ nữ mặc vasas (ở phía trên), nivi (trang phục phía dưới) và Athivasas (thắt ngang eo). Váy được tạo ra từ các bông và len. Cả đàn ông và phụ nữ mặc các loại đồ trang trí, vòng đeo tai, dây chuyền, vòng đeo và cặp tóc được sử dụng. Những chiếc dép có quai được làm bằng da cũng được sử dụng.
7. Tôn giáo thời kỳ Rig Veda
Chân lý cao cả nhất là chân lý này: Thượng đế hiện diện ở trong vạn vật. Vạn vật là muôn hình vạn trạng của Thượng đế… Chúng ta cần một tôn giáo tạo ra những con người cho ra con người.
Vivekananda
Nhà thần học như John Haught và John Polkinghome khẳng định:Khoa học và tôn giáo nhắm đến các khía cạnh riêng rẽ của kinh nghiệm nhân loại. Nhiều nhà khoa học đã từng viết những bài nghiên cứu hùng hồn về việc làm thế nào mà thuyết tiến hóa sinh vật đã làm tăng thêm chứ không giảm đi đức tin tôn giáo của mình”.
Các kinh Veda dẫn chúng ta hòa mình vào trong một ngôi đền thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng tôn giáo của người Ấn Ðộ. Theo Will Durant thì các vị thần đầu tiên trong các kinh Veda là sức mạnh thiên nhiên: trời, mặt trời, đất, lửa, ánh sáng, gió, nước và sinh thực khí. Lời cầu nguyện được dâng đến các vị thần như thần Agni, Vayu và SuryaAgni và Varuna đã được các vị thần được yêu thích nhất. Các nghi lễ thờ cúng như Yagas Yajnas là những nghi thức phổ biến nhất.  Các vị thần được thờ cúng dưới dạng không có hình dạng xác định, không có bức tượng và thậm chí cả ngôi đền. Rishis, là những bậc thầy tu người soạn các bài thánh ca trong Rig Veda thiêng liêng. Các buổi lễ hiến sinh và tụng kinh là hình thức phổ biến trong các nghi lễ tôn giáo thời kỳ này. Các vị thần chính là Indra, Agni(ngọn lửa), và thần Soma. Bên cạnh đó các vị thần như Mitra-Varuna,Surya (Sun), Vayu (gió), Usha (bình minh), Prithvi (Thần trái đất) và Aditi(mẹ của các vị thần) cũng được thờ phụng. Yoga và Vedanta dần dần trở thành yếu tố cơ bản của tôn giáo. Thần Dyaus (tức như thần Zeus của Hi Lạp và thần Jupiter của La Mã), mới đầu chính là ba tầng trời, và tiếng Sanskrit, deva (nguồn gốc của tiếng Anh divine: thiêng liêng) ban đầu chỉ có nghĩa là rực rỡ. Rồi người ta nhân cách hóa những cái đó cho có thi vị mà tạo ra vô số thần: chẳng hạn trời thành cha, Varuna; đất thành mẹ,Prthivi; trời đất giao hoan với nhau sinh ra mây mưa, nhờ mây mưa mà có thảo mộc. Chính mưa cũng là một vị thần, Parjanya. Agni là thần lửa. Vayu là thần gió. Rudid là thần gió độc gây ra các bệnh dịch . Indra là thần dông tố. Ushas là thần rạng động. Sita là thần luống cày. Suria, Mithrahoặc Visnu đều là thần mặt trời. Soma là thần rượu, v.v.

Nghi lễ thờ tự trong gia đinh thời kỳ Rig Veda
Tầm quan trọng của các vị thần thay đổi theo thời gian. Dường như vai trò của mưa trong nông nghiệp biến Indra thành vị thần quan trọng nhất, căn cứ vào số lượng tụng ca hát dâng lên thần ấy. Agni không kém phần quan trọng vì là ngọn lửa tế lễ và vũ trụ ấm áp. Soma cũng thế, vì biểu hiệu cho rượu chè say sưa trong các nghi lễ cúng tế.
Như thế, trong các kinh Veda, những ý tưởng có tính vũ trụ và thế giới của các thần linh được thể hiện theo khía cạnh huyền thoại chứ không mang tính triết học. Nguồn gốc của thế giới được xem như một quả trứng, nổi bồng bềnh trên biển cả hỗn độn, hoặc bằng một hình ảnh nổi tiếng nhất như trong lễ tế thần ngã vũ trụ (purusa).
GIAI ĐOẠN HẬU VEDA (1000 – 600 TCN)

Qúa trình chuyển từ giai đoạn Rig Veda sang giai đoạn hậu kỳ Veda được đánh dấu bởi việc xem nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính và suy giảm trong chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi này. Ví dụ, nhiều vương quốc lớn ra đời do tầm quan trọng ngày càng tăng của đất đai và giao lưu thương mại. Thời kỳ hậu Veda, từ khoảng. 500 TCN trở đi, đã có nhiều ít nhiều những kết nối lịch sử với các Nhà nước Trung cổ của Ấn Độ qua nhiều nguồn sử liệu.
1. Sử liệu 
Bộ kinh Upanishad: ‘Upanishad’ – thường được dịch là Áo nghĩa thư: cuốn sách chan chứa những ý nghĩa uyên thâm – có lẽ có nguồn gốc từ ba chữ ‘upa-ni-shad’, nghĩa là ‘ngồi gần’ hoặc ‘ngồi dưới chân thầy’. Cụm từ Upanishad có ý nói tới những lời của một tôn sư giảng cho đệ tử ngồi gần ông nhất. Nói cách khác, sách dành cho đối tượng là kẻ được khai tâm điểm đạo hơn cho đại chúng.
Các Upanishad chính gồm 13 bộ nhưng thường người ta chỉ nói tới mười bộ, gọi là thập kinh. Ba vấn đề triết học căn bản trong đó là:

  1. Advaita: Phi nhị nguyên. Linh hồn cá nhân, hay tiểu ngã atman đồng nhất với linh hồn vũ trụ, hay đại ngã Brahman.
  2. Samsara: Luân hồi. Linh hồn bị giam hãm trong chu kỳ tử sinh đầy khổ não và bất tận.
  3. Moksa: Giải thoát. Linh hồn được thoát ra khỏi cõi hữu hạn bằng ý thức đồng nhất tính của nó với đại vũ trụ. Trong trạng thái hiệp nhất ấy, con người không còn khổ não.
Trong khi các Upanishads sớm sủa nhất đi cùng một kiểu cách với các Brahmana, thì theo với thời gian, càng về sau các Upanishad càng ít phản ánh văn chương Veda trước đó, và đồng thời, sức mạnh thiêng liêng của lễ tế cũng càng lúc càng được xem như là sức mạnh nằm bên trong và ở đằng sau toàn thể vũ trụ.
Trong Chandogya Upanishad (5:3-10) chúng ta có ý tưởng về sự tái sinh bị tùy thuộc vào các hành động (karma), và sự mô tả atman như một bản ngã cá thể tách biệt. Chandogya Upanishad cũng bao gồm câu chuyện về chàng thanh niên Cvetaketu vâng lời cha bửa hạt vả ra để thấy tận tâm điểm là ‘không có gì’, và đó chính là TAT TVAM ASI.
Có thể cho rằng các Upanishad trình bày những lời giảng có trước chúng bằng hình thức triết học mang tính nhất nguyên luận. Nói cách khác, chúng lập luận rằng có một thực tại duy nhất mà mọi sự tùy thuộc vào nó.
Vẻ ngoài của trạng thái tách biệt riêng rẻ – thí dụ giữa bản ngã cá thể: atman, và thực tại tối hậu: Brahman – chỉ đơn thuần là ảo giác; chân lý tối hậu là: chúng là một và chỉ một thôi.
Tuy nhiên, những am hiểu hôm nay của chúng ta về các Upanishads có lẽ bị ảnh hưởng của lối trình bày chúng, mang tính triết học về sau, đặc biệt của triết gia Sankara Carya, người khởi xướng triết hệ Vedanta.
Hai bộ sử thi
Tư tưởng Ấn Ðộ lập thành sự phân biệt giữa những cái được biết tới như là lắng nghe (shruti), vốn áp dụng cho các kinh Veda với hàm ý chúng là chân lý vĩnh hằng, và những cái được biết tới như là ghi nhớ (smriti), vốn có thể sử dụng loại hình văn chương nhưng không có địa vị chân lý vĩnh hằng ấy. Trong số các tác phẩm văn chương thuộc những cái ‘ghi nhớ’ có hai đại tác phẩm sử thi. Ðó là Ramayana và Mahabharata.
Ramayana: Tên của tác phẩm ấy có nghĩa là ‘cuộc đời của Rama’. Ðây là trường ca sử thi đầu tiên trong văn học sanskrit, được coi là do thánh nhân truyền thuyết Vamiki viết. Hình thức xưa nhất và thuần túy nhất của nó có gốc ở Bắc Ấn (thế kỷ 4 TCN) rồi qua nhiều thế kỷ, được sửa chữa nhiều lần ở Bengali.
Ramayana gồm 24 ngàn câu thơ đôi, chia thành bảy quyển (Kanda), mô tả cuộc đời gian truân của hoàng tử Rama và vợ là công nương Sita với sự bảo hộ của thần khỉ Hanuman; việc Ravana cưới Sita, cuộc chiến tranh chống lại quỉ sứ, sự trở về kinh đô Ayodhya, và cuối cùng cái chết và lên trời của Rama. Nhiều chuyện phiêu lưu mô tả rất sinh động và rộng lớn trong Ramayana cũng như nội dung phi thường của nó đã làm tác phẩm này, cùng với Mahabharata trở thành nguồn cảm hứng chính cho văn học Ấn Ðộ.
Cho tới ngày nay, tuy không là một tác phẩm có tính triết học, Ramayana vẫn được tôn sùng ở Ấn Ðộ và một số nước Ðông Nam Á. Thần khỉ Hanuman thành thần hộ gia. Tại Việt Nam, có ít nhất hai bản dịch tóm lược tác phẩm này, hai vở chuyển thể thoại kịch và cải lương. Hình tượng Hanuman thường thấy trên vách các chùa chiền Phật giáo Khmer ở nam bộ. Trong một câu thơ nhập đề của Ramanaya, người ta đọc thấy: ‘Kẻ nào đọc và lặp lại sách thánh Ramayana, nguồn gốc sự sống, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và được lên trời’.
Mahabharata: Mahabharata chứa đựng nhiều thứ, trong đó có tác phẩm triết học Bhagavad Gita, với thời điểm sáng tác có lẽ vào thế kỷ 2 TCN hoặc sau đó một chút. Ðây là tác phẩm nổi tiếng nhất trong đại chúng so với mọi tác phẩm văn chương của Ấn Ðộ. Nó đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình phát triển tư tưởng triết học Ấn Ðộ. Mahabharata gồm 106.000 câu thơ, chia ra thành 18 tập (parva). Người ta thường xem triết gia thần bí Vyasa là tác giả của nó, nhưng thật ra có nhiều ngưới biên tập và chữ vyasa theo tiếng sanskrit chỉ có nghĩa là người xếp loại. Sách tập hợp một phần lớn gia tài ngụ ngôn, cổ tích và truyện huyền thoại của Ấn Ðộ.
Chủ đề chính của Mahabharata là cuộc chiến tranh giữa hai họ Bharata thân thuộc nhau, trong đó họ Kauvara hung ác và họ Pandava đức độ; đối tượng tranh chấp là vương quốc do vua mù Dhritarashtra chia cho. Phần triết học chính của tác phẩm (tập sáu) là Bhagavad-Gita, sưu tập những lời khuyên của thần Krishna, một hiện thân của Visnu và là người hóa thân làm kẻ đánh xe ngựa cho hoàng tử Arjuna trước khi ông hoàng này ra chiến trường bắt đầu trận đánh kéo dài 18 ngày. Trong các lời khuyên ấy, Krishna giải thích rằng bản ngã atman thì bất hoại và hằng cửu. Do đó, Arjuna không sắp giết bản ngã chân chính mà chỉ là giết thể xác, cái tựa như vỏ bọc ở bên ngoài.
Gita - tiếng thường dùng để gọi tắt Bhagavad Gita – cống hiến một tổng hợp nhiều lời giảng dạy đương thời của Ấn giáo trong khung khổ tổng thể niềm tin vào Thượng đế. Krishna tuyên bố rằng mọi hành động nếu thực hiện với động cơ vô ngã đều trở thành lễ tế, và rằng không thể nào rút lui khỏi thế giới này để chỉ đi theo thiên hướng tâm linh, cách tốt hơn vẫn là trụ lại mà hành động với cung cách vô ngã. Nói cách khác, nghiệp của ta tùy thuộc vào tính chính đáng của động cơ thúc đẩy.
Quan điểm ấy trở thành phương cách thứ nhất trong ba phương cách đạt tới giải thoát, đó là phương cách hành động (karmamarga). Nó được tiếp theo bởi phương cách tri thức (jnanamarga), và cuối cùng, phương cách tận hiến (bhaktimarga). Ở đây, quá trình chuyển dịch của Ấn giáo có thể được diễn tả khái quát thành ba nhịp chuyển:

  1. Tới quá bên kia nhu cầu tế lễ được đề cập tới trong các kinh Veda thời sớm sủa nhất
  2. Để đi tới phương cách tri thức và sự hiệp nhất đầy bí nhiệm do các Upanishads cống hiến,
  3. Và đi nữa, tới điểm thành tựu giải thoát qua sự hiến thân cho đấng thần linh tối cao là Thượng đế. Sau thời Gita, ta tới thời kỳ Ấn giáo cổ điển, được tiêu biểu bằng các trường phái triết học vĩ đại. Nhưng điểm cần để ý trước khi đi vào các triết hệ ấy là chúng không hoàn toàn mới mẻ; chúng có nguồn gốc từ nội hàm của những lời giảng dạy trước đó
Như vậy, xét về nguồn sử liệu nếu như những kinh Vêđa và tôn giáo Rig – Vêđa tối cổ thể hiện những quan niện hoang sơ của người Ấn Độ cổ về vũ trụ, lý giải về vẽ uyên nguyên tận cùng của đạo, cố gắn đi tìm thực chất bản tính con người, chỉ ra con đường giải thoát cho cuộc đời…thì những tác phẩm thời kỳ sau Rigveda có giá trị như kinh Upanishad, được xem như những thánh kinh ghi lại lời dạy của thần linh cho nhân gian, hai bộ sử thi đồ sộ Mahabharata và Ramayana vừa có giá trị sử học, văn học, ngôn ngữ học, vừa có ý nghĩa triết học đạo đức được người Ấn Độ tự hào cho rằng “Cái gì không thấy trong Mahabharata thì cũng không thấy ở Ấn Độ”.
2. Tổ chức chính trị
Đã thấy được mầm mống của việc nổi dậy của 16 tiểu vương quốc Mahajanapadas, cùng với sự gia tăng quyền lực trong tay nhà vua là những đặt trưng nổi bật về tổ chức chính trị thời kỳ này.. Các nghi lễ như, (Lễ Hoàng gia hiến thánh), vajapeya (Đua xe ngựa) và ashvamedha (hiến sinh ngựa) trở nên phổ biến. Đồng thời, những người trong chính quyền bị cắt giảm bớt.
Trong thời kỳ Hậu Veda, vidatha hoàn toàn biến mất. The Sabha và Samiti vẫn tiếp tục được giữ lại, vai trò của mình lại bị thay đổi. Phụ nữ không còn được phép có mặt trong Sabha, và bây giờ nó đã được chi phối bởi tầng lớp quý tộc và Brahmanas. Việc hình thành của vương quốc rộng lớn hơn đã làm cho nhà vua trở nên đầy sức mạnh và quyền lực hơn. Các thị tộc có xu hướng trở thành các vùng lãnh thổ. Thuật ngữ rashtra chỉ vùng lãnh thổ, lần đầu tiên xuất hiện trong giai đoạn này. Vua đứng ra thực hiện các lễ hiến sinh – rajasuya, để được trao quyền lực tối cao cho mình. Ông thực hiện các nghi lễ asvamedha, nhằm kiểm soát vùng lãnh thổ dưới sự cai quản của mình mà không bị sự cản trở của các thế lực khác. Ngoài ra, nhà vua còn đứng ra tổ chức các cuộc đua xe ngựa, trong đó chiếc xe ngựa của Vua đã được thực hiện để giành chiến thắng trong cuộc đua để thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình. Trong thời kỳ này, việc thu các loại thuế và cống nạp dưới quyền một vị quan lại do nhà vua cắt cử ra gọi là sangrihitri. Thậm chí trong giai đoạn này, nhà vua không duy trì hệ thống quân đội bộ binh. Các bộ lạc vẫn được kêu gọi tập hợp trong thời kỳ diễn ra chiến tranh. Một nghi lễ được thực hiện khi nhà vua chiến thắng là nhà vua cùng các binh lính, thần dân cùng ăn chung vào một chiếc đĩa.
3. Xã hội hậu Veda
Thời kỳ này đã xuất hiện chế độ đẳng cấp ( varna – màu sắc, chủng tính) góp phần quy định cơ cấu xã hội và ảnh hưởng đến hình thái tư tưởng ấn độ cổ đại. Đó là chế độ xã hội dựa trên sự phân biệt về chủng tộc, màu da, dòng dõi, nghề nghiệp, tôn giáo, quan hệ giao tiếp, tục cấm kỵ hôn nhân…được hình thành trong thời kỳ người Arya chinh phục, thống trị người Dravida, cũng như trong cả quá trình phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc giữa quý tộc và thường dân Arya. Theo thánh điển Bàlamôn và bộ luật Manu, xã hội ấn độ cổ đại chia thành bốn đẳng cấp lớn: Đứng đầu là đẳng cấp tăng lữ, lễ sư Bàlamôn (Brahmâna); thứ hai là đẳng cấp vương công, vua chúa, tướng lĩnh, võ sĩ (Kshatriya); thứ ba là đẳng cấp thương nhân, điền chủ và thường dân Arya (Vaishya); thứ tư là đẳng cấp tiện dân và nô lệ (Shudra). Ngoài bốn đẳng cấp trên còn có những người bị coi là ngoài lề đẳng cấp xã hội.Đó là tầng lớp người cùng đinh, hạ đẳng (Paria) như người Chandala. Đặc biệt trong xã hội thời kỳ hậu Veda, khái niệm Varna và các quy định về hôn nhân càng trở nên chặt chẽ hơn giai đoạn trước nhiều. Địa vị của Brahmanas và Kshatriyas tăng một cách đáng kể và nhiều những giáo luật được ban hành trong xã hội. Đẳng cấp Kshatriyas bắt đầu dần dần tích lũy của cải và sử dụng đến vai trò của Brahmins. Vai trò và địa vị của các đẳng cấp khác bị suy giảm.
4. Kinh tế thời hậu Veda
Người Arya và người Dravida bản xứ đã đồng hóa. Tiếp thu được kỹ thuật và văn minh của người Dravida và chiếm được những vùng đất đai màu mỡ và thuận lợi, người Arya bắt đầu chuyển từ chăn nuôi, du mục sang đời sống nông nghiệp định cư, phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp thời kỳ này là kinh tế tiểu nông kết hợp chặt chẽ với thủ công nghiệp gia đình nên tính chất tự cấp tự túc là nổi bật và quan hệ trao đổi giữa các công xã rất yếu ớt. Đó cũng là nguyên nhân làm xã hội ấn độ phát triển rất chậm chạp và trì trệ. Kinh tế nông nghiệp trở thành chủ đạo và việc chăn nuôi bắt đầu giảm sút ở thời kỳ hậu Veda. Đất đại được quản lý và bảo vệ chặt chẽ từ đó dẫn đến việc xuất hiện một số lãnh địa nhỏ.
Người Aryan bắt đầu cuộc sống định cư. Các nghề chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Tuy việc chăn nuôi có suy giảm nhưng các loại gia súc vẫn được xem như là tải sản có thể trao đổi buôn bán được. Voi đã được thuần hóa. Khái niệm về sở hữu đất đai bắt đầu hình thành. Các loại lúa mỳ được trồng cùng với lúa mạch. Gạo cũng được nói đến nhưng không phải là cây lương thực chủ đạo giai đoạn này. Các loại đậu như Moong, Urad … cũng được biết đến. Nhiều ngành nghề thủ công, mỹ nghệ cũng bắt đầu ra đời như: nghề đúc, nghề rèn, thợ mộc, thợ làm da, làm đồ trang sức, đồ gốm. Thương mại thời kỳ này cũng khá phát triển. Sản xuất đồ gốm: Người Aryan trong giai đoạn này đã biết làm các loại đồ gốm có mầu đỏ và đen, mầu đen kẻ xọc, đồ gốm được trang trí mầu xám (PGW), và mầu đỏ. Các loại bình gốm bằng đất nung có mầu đen và mầu đỏ được sử dụng vào khoảng 600 TCN bổi người vùng Koshala.
5. Triết học và Tôn giáo thời kỳ hậu Veda
Có thể nói, Thời kỳ Vêđa cũng là thời kỳ hình thành các tôn giáo lớn mà tư tưởng và tín ngưỡng của nó ảnh hưởng đậm nét tới đời sống tinh thần xã hội ấn độ cổ đại, như đạo Rig – Vêđa, đạo Bàlamôn về sau gọi là Hindu giáo, và đạo Phật, đao Jaina… Thời hậu kỳ Veda, theo Arthava-Veda thì dường như xuất hiện tình trạng không mãn nguyện với các hình thức huyền thoại, từ đó chuyển tới việc nói tới asat (phi hữu thể hoặc phi thực) và sat (hữu thể hoặc có thực), trong đó, con người tâm linh chuyển dịch mục đích từ asat tới sat.
Thuật ngữ asat chỉ toàn bộ lãnh vực ‘không thể biết được’, những gì nằm bên ngoài hữu thể, không thể hiểu được bằng ngôn từ và tư tưởng, và vượt ra khỏi mọi định nghĩa. Về sau, đó là cái ‘Tuyệt đối không’ mang tính phi nhị nguyên Vedanta. Ngược lại, sat là thực thể tuyệt đối, vĩnh cửu và thường hằng, đồng nhất với Brahman.
Chúng ta thấy có sự chuyển dịch trong các Brahmana (Phạn chí), từ cúng tế như một phương tiện bảo đảm hành động của thần linh sang tới tập trung vào chi tiết của chính lễ tế. Nghi lễ bắt đầu được xem là hiện thân của vũ trụ và duy trì vũ trụ, biểu hiện cho tự thân thực tại, và thực tại tuyệt đối đó chính là Brahman.
Trọng tâm ấy khiến người cử hành nghi lễ – giới tư tế Bà la môn – và các chi tiết tế lễ trở thành cực kỳ quan trọng. Các bài ca khổ hạnh Aranyaka ngày càng được đưa thêm vào các Brahmana, và như thế, thừa nhận rằng có thể lấy nghi thức tinh thần qua trầm tư mặc tưởng thay cho các lễ tế thật sự. Do đó, có sự triển khai tới các Upanishad, nghĩa là chuyển dịch từ việc cử hành lễ tế tới lãnh vực suy tưởng siêu hình và trừu tượng. Có thể diễn tả một cách giản dị quá trình ấy một cách khác. Rằng có sự chuyển dịch từ sự sử dụng ‘ma thuật’ của lễ tế để ảnh hưởng lên các sức mạnh thiêng liêng qua việc cử hành lễ tế như một hành động phô diễn bản tính của thực tại cùng với ý tưởng cho rằng có thể thể hiện lễ tế một cách tinh thần, hướng tới ý tưởng vũ trụ có thể được am hiểu một cách lý tính và triết học.
Trong các kinh Veda, việc tế lễ đúng nghi thức được xem là hành động giữ cho vũ trụ liền lạc nhau và cho nó một hình thức cấu trúc chặt chẽ. Hành động phát xuất từ nghi lễ cũng là một phương cách cung cấp ý nghĩa. Những gì diễn ra ở đó rõ ràng mang tính cách thừa nhận rằng con người có nhu cầu định hướng, một phương cách cho rằng bản ngã cá nhân có liên quan tới cái toàn bộ. Lễ tế của tư tế Bà la môn giữ cho thế giới liền lạc nhau, vì không có cái nhìn thiêng liêng và riêng tư thì thực tại không thể chuyển dịch từ bất định và hỗn độn thành một vũ trụ ngăn nắp và trật tự.
Như vậy, chúng ta thấy dần dần có sự suy tưởng trừu tượng hơn, nghĩa là nhường lối cho sự tiếp cận có tính ‘triết học’ hơn. Nhưng có lẽ chúng ta nên đặt ra những nghi ngờ về nó. Lý do vì một trong những sức mạnh của nghi lễ là làm cho chúng ta có khả năng dự phần đầy xúc động, và những ngôn từ cùng cử chỉ trong khi tế lễ cuốn hút, làm mải mê cả tâm trí vô thức lẫn tâm trí ý thức. Chính vì vậy, việc suy lý trừu tượng có tính triết lý và việc cử chỉ điệu bộ hành lễ và sự tham dự vào nghi lễ, phương cách nào khiến cho con người có khả năng nắm bắt tốt nhất cảm giác về ý nghĩa và cứu cánh. Hơn nữa, bằng chỉ một mình lý trí mà thôi, liệu chúng ta có thể nắm bắt được chân lý tối hậu không? Những vấn đề về triết học và tôn giáo giai đoạn này đặt nền tảng cho hệ tương tưởng triết học và tôn giáo sau này từ khoảng 600 TCN trở lại với sự ra đời của các dòng triết học tôn giáo phi chính thống đó là Phật giáo và Jain giáo.
6. Tôn giáo
Với những hiện tượng tự nhiên và xã hội ẩn dấu những điếu bí ẩn, kỳ diệu, mạnh mẽ, vốn là cái nôi sinh trưởng, tồn tại của con người nhưng lại luôn gây ra cho đời sống con người biết bao những tai họa, bất trắc khôn lường, từ đó người Ấn Độ đã sáng tạo nên một thế giới các vị thần có tính chất tự nhiên để giải thích các hiện tượng phong phú, phức tạp của hiện thực. Các vị thành đầu tiên xuất hiện trong các kinh Vêđa đều tượng trưng cho sức mạnh của các lực lượng, các sự vật tự nhiên mà người Ấn Độ thờ phụng như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, vòm trời, tinh tú, lửa, ánh sánh, gió, mưa, rạng đông và cả sinh thực khí. Về sau, người Ấn Độ lại sáng tạo ra biểu tượng các vị thần mới để lý giải các hiện tượng trong lĩnh vực đạo đức, luân lý xã hội, như thần ác, thần thiện, pháp thần, thần công lý. Người Ấn Độ cổ tin và giải thích rằng trong vũ trụ này đồng thời tồn tại ba thế lực có liên quan với nhau là thần linh, con người và quỷ ác, ứng với ba cõi của vũ trụ bao la là thiên giới, trần thế và địa ngục. Họ đã phân tích các hiện tượng tự nhiên và lý giải chúng qua biểu tượng của thế giới thần linh phong phú, hiện diện ở khắp mọi nơi và khắp mọi thời, chia nhau chi phối sự biến hóa của vũ trụ vạn vật theo sự điều khiển của nguyên lý rita [rita nghĩa đen là chân xác, thích hợp, trật tự vận hành vũ trụ]. Vì thế kinh Rig – Veda viết: “Toàn thể vũ trụ được thành lập trên nguyên lý rita và vận hành trong đó” ( Rig – Veda, I, 156, 3). Họ say mê gửi gắm tâm hồn, cuộc sống tự nhiên của mình vào thế giới của các vị thần linh ấy. Do vậy, họ rất sùng thượng tín ngưỡng, cầu nguyện và hiến tế. Bất cứ việc gì đối với bản thân, gia đình và bộ tộc, họ đều cầu khẩn chư thần, với các mục đích rõ rệt. Chẳng hạn, làm lễ cầu nguyện khi cưới vợ, lễ chúc phúc khi sinh con, lễ cầu nguyện cho gia đình an vui, cho đàn gia súc không bị dịch bệnh và sinh đẻ nhiều, lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lễ cầu nguyện để được khỏe mạnh sống lâu,…Họ cúng tế không phải chỉ là sự mê tín mà đó chính là lòng tin, niềm say mê cuộc sống hồn nhiên và sự khẳng định cuộc sống, lẽ sống của mình, Do đó, họ cho rằng đem lòng thành kính của mình để tụng niệm trước thần linh là bổn phận và hạnh phúc của con người. Các thần linh trong kinh Vêđa ngụ ở khắp ba cõi: đất hay hạ giới (Prithvi), không trung hay cõi trung gian (Antariksha), trời hay thiên giới (Dyaus). Nhưng chư thần có đông đảo đến đâu cũng chỉ là sự biểu hiện khác nhau của một “Đấng duy nhất”. Hình ảnh mà người ta cho là hiện thân của thượng đế toàn năng đó là thiên giới vô thủy vô chung. Cùng với trời là khí dương, là cha (Dyaus), có đất là khí âm, là mẹ (Aditya nghĩa đen là vô tận). Dyaus là nguyên lý dương, là tinh thần thì Aditya là nguyên lý âm, là vật chất. Chính do trời cha và đất mẹ giao hoan, giao cảm đã sản sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật, muôn loài trong vũ trụ. Thần cai quản hạ giới là thần Lửa Agni. Thần cai quản không trung là thần Gió Vâyu và thần cai quản thiên giới là thần Mặt trời Sùrya hay còn có tên là Mithra. Ba vị thần đó được coi là ba ngôi tối linh trong kinh Vêđa (Trimurti)
Thần lửa Agni là một vị thần mình đỏ và vàng, có hai đầu bảy lưỡi, bốn tay, tay thứ nhất cầm một chiếc rìu, tay thứ hai cầm một ngọn đuốc, tay thứ ba cầm một cái quạt, tay thứ tư cầm chuỗi hạt. Agni cưỡi con cừu đực hay ngồi trên chiếc xe có bảy con ngựa kéo, khói là cờ, gió là bánh xe. Thần lửa đi tới đâu là lửa cháy đến đó. Tuy vậy thần lửa vẫn là thần bảo hộ cho loài người, ban phát ánh sáng và hơi ấm cho nhân gian, là một trong những vị chủ tế trong các buổi tế lễ. Thần lửa Agni hiện thân dưới nhiều hình thức, gồm năm hình thức tự nhiên và năm hình thức tế tự, năm hình thức tự nhiên của thần lửa là: lửa trần gian (agni), sấm sét trong không trung (indra), mặt trời ở thiên giới (surya), lửa nhuần khắp (vaishavânara) và ngọn lửa tàn phá (vedevaagni) ngụ trong núi lửa sẵn sàng tiêu diệt thế gian. Năm hình thức tế tự của thần lửa là: lửa thiêng trong các buổi tế lễ (brahla agni), lửa trao cho thiếu niên tu học (brahnacharya), lửa trong lễ khai hóa (upanayaha), lửa dung trong mỗi nhà không bao giờ tắt (garhapatya agni), lửa trong cúng tế tổ tiên hoặc vong hồn (pakshina agni), lửa thiêng trên dàn hỏa tán (kravyda agni).Thần Gió Vâyu cai quản không trung, đó là một vị thần minh trắng, cưỡi trên một con linh dương mang theo cung tên với tư thế oai phong, dũng mãnh. Đôi khi thần Gió lại cùng với thần Sấm sét Indra ngự trên một chiếc xe bằng vàng có ngàn con ngựa kéo.
Thần Mặt trời Sùrya, do căn tự “sur” hay “svar” nghĩa là “sáng chói”, là nguồn sống của vũ trụ, là minh trí của tất cả sinh vật, biểu thị bởi mười hai nguyên lý tối cao (Âditya). Mười hai thần Aditya là những vị nào? Đó là mười hai tháng trong năm, vì khi chuyển vận, các vị thần đó cuốn theo tất cả thế gian, Vì lẽ đó, các thần ấy được gọi là Âditya (nguyên lý tối thượng)”. Mặt trời là trung tâm của vũ trụ, vừa thuộc thế giới không biểu hiện vừa thuộc thế giới hiện tượng. Mặt trời là con mắt của vũ trụ, là nguyên nhân của ban ngày; ngày tổn tại vĩnh cửu, là nguồn gốc của thời gian. Các tinh tú cõi đời (vasu), những nguyên lý của sự sống (rudra), thần Gió, thần Lửa và tất cả các thần khác đều là thành phần của thần mặt trời.
Thần Không trung Varuna (bầu trời), theo người Ấn Độ là vị thần bao la, rộng lớn với muôn ngàn con mắt luôn đứng dõi trông theo sự vận hành của vũ trụ và canh giữ, bảo vệ công lý dưới sự phụ tá của thần điều khiển Rita.
Nói tóm lại, khi đánh giá về kinh veda, Jawaharlal Nehru đã viết: “những bài thánh ca Veda này đã được Rabindranath Tagore miên tả là một di chúc nên thơ về phản ứng tập thể của một dân tộc trước những điều kỳ diệu và nỗi kinh hoàng của cuộc sống. Một dân tộc với sức sống sáng tạo mạnh mẽ và chất phác ở ngay buổi bình minh của nền văn minh đã có được ý thức lý giải các bí ẩn vô tận ẩn tàng trong cuộc sống. Lòng tin đơn giản của họ đã quy định tính thần thánh cho mọi nhân tố và sức mạnh của thiên nhiên, nhưng đó là niềm tin dũng cảm và đày đủ vui sướng, trong đó ý thức về sự huyền bí chỉ tạo cho cuộc sống sự say mê, chứ không phải làm cho nó trở nên nặng nề với những trở ngại lòng tin của một giống người không phải chịu gánh nặng của việc nghiền ngẫm tri thức về tính nhiều vẻ mâu thuẫn nhau của thế giới khách quan, tuy lúc này lúc khác được soi sáng nhờ kinh nghiệm trực giác.
Nói tóm lại, văn hóa Veda đã không chỉ để lại cho dân tộc Ấn mà cả nhân loại một kho tàng vĩ đại về tri thức ở mọi lĩnh vực của con người. Qủa thực nhận định “Cái gì không thấy trong Mahabharata thì cũng không thấy ở Ấn Độ” cũng đã được lịch sử chứng minh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét