Nguồn: Michael Wesley, “Australia’s interests in the South China Sea”, in L. Buszynski & C. Roberts (eds), The South China Sea and Australia’s regional security environment, National Security College occasional papers No. 5 September 2013, pp. 45-49.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Giới thiệu
Trước tình hình các tranh chấp trên Biển Đông leo thang trở lại trong những năm gần đây, chính phủ Australia đã đón nhận bằng một thái độ đầy do dự. Đáp lại lời kêu gọi từ Viện Lowy vào năm 2012 rằng Australia cần có một chính sách ngoại giao sáng tạo hơn đối với các tranh chấp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr đã phát biểu với Đài phát thanh ABC:
Tôi không cho rằng Australia sẽ thu được lợi ích gì nếu đứng ra đảm nhận vai trò trung gian trong các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Theo tôi vấn đề này gần như nằm ngoài lợi ích của chúng ta, và tôi tin rằng chúng ta nên duy trì chính sách từ trước tới nay của mình là không ủng hộ bất cứ một nước nào có tuyên bố lãnh hải gây tranh cãi, bên cạnh đó phải luôn khẳng định với họ rằng chúng ta mong muốn vấn đề này được giải quyết ổn thỏa, bởi lẽ Australia cũng có chân trong lợi ích tại đây khi mà 60% lượng hàng hóa thương mại của nước ta đi qua Biển Đông.[1]Dù sau đó Carr có đưa ra thêm những bình luận tích cực hơn,[2] nhưng không khó để suy luận ra rằng Canberra đã chọn một cách tiếp cận né tránh rủi ro nhất có thể đối với vấn đề Biển Đông khi nhấn mạnh rằng nước này không có lợi ích trực tiếp, đồng thời hối thúc các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Cố gắng duy trì vị trí trung lập, chính phủ Australia đã chọn cách hưởng ứng lời kêu gọi của ASEAN về việc xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), phương án bị một bên yêu sách là Trung Quốc, phản đối.
Xét theo một số góc độ nhất định, cách tiếp cận của Canberra với vấn đề Biển Đông ngầm biểu trưng cho thái độ càng ngày càng rụt rè trong chính sách ngoại giao của Australia trong thế kỷ 21. Nét đặc trưng này có lẽ bắt nguồn từ xu hướng luôn muốn né tránh rủi ro đang lan rộng trong văn hóa chính trị nước này trước sức mạnh bùng bổ của Trung Quốc.[3] Đây là điểm trái ngược nổi bật so với những thập kỷ trước, khi chính sách ngoại giao sáng tạo năng động của Australia còn tạo được ảnh hưởng thực chất lên quá trình giải quyết tranh chấp, ngay cả những tranh chấp mà nước này không có lợi ích vật chất trực tiếp nhưng Canberra nhận thức được rằng vào thời điểm đó những lợi ích vĩ mô của mình lại đang bị đe dọa.
Trong bài biết này, tôi sẽ lập luận để chỉ ra rằng Australia còn có rất nhiều lợi ích bị đe dọa hơn là 54 phần trăm hàng hóa thương mại vận chuyển qua những vùng biển này. Trước tiên Canberra cần vận dụng khả năng sáng tạo và sự liên tưởng cao hơn nữa khi nhìn nhận những lợi ích của đất nước; và thứ hai để tìm kiếm giải pháp cho cách tranh chấp này, Australia phải triển khai một cách tiếp cận sáng tạo hơn, với tinh thần sẵn sàng đối đầu với rủi ro hơn.
Tính đa diện của những tranh chấp Biển Đông
Để có thể tiếp cận tranh chấp Biển Đông theo một cách mới mẻ và sáng tạo hơn, xuất phát điểm cho Canberra chính là sẵn sàng đánh giá lại toàn bộ tranh chấp từ đầu. Theo hướng nhìn nhận truyền thống, những tranh chấp này bao gồm ba yếu tố cơ bản và quyết định: tuyên bố lãnh hải chồng lấn; tranh giành các mỏ khí đốt quan trọng (tiềm tàng) dưới đáy biển; và cạnh tranh về nguồn cá khổng lồ trong lòng biển. Nếu quả thực như vậy, thì thái độ bàng quan của Australia là hoàn toàn đúng đắn. Nguyên nhân là do mỗi nguồn lợi dẫn đến bất đồng nêu trên đều có thể phân chia dễ dàng cho các bên, và vì vậy hẳn có thể giải quyết được bằng một cuộc đàm phán dàn xếp hợp lý giữa các bên liên can trực tiếp. Thực chất, nếu tranh chấp đúng là chỉ do ba tác nhân này gây ra, thì thật khó để lý giải tại sao vấn đề Biển Đông vẫn không thể được giải quyết trong suốt gần một nửa thế kỷ kể từ khi xuất hiện những tranh chấp đầu tiên. Rõ ràng trên thực tế nói chung, giải quyết các tranh chấp đối với những nguồn lợi phân chia được sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những lợi ích tuyệt đối.
Tuy nhiên, xung đột này còn hàm chứa ít nhất bốn tác nhân ở tầm cấp vĩ mô hơn, khiến nó trở nên khó đoán định và tạo thành rào cản vô cùng lớn cho cách giải quyết thông qua đàm phán hợp lý giữa các bên liên quan.
Thứ nhất, các tranh chấp này là hệ quả trực tiếp từ cuộc chuyển đổi về cấu trúc quyền lực ở châu Á. Trung Quốc nhờ có diện tích rộng lớn, nền kinh tế thịnh vượng và nội bộ đoàn kết đã trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo khu vực. Đồng thời, sự trỗi dậy của quốc gia này đã không chỉ làm dấy lên nỗi lo sợ ở các nước láng giềng, mà còn tạo ra một môi trường an ninh châu Á ngày nay dễ biến động và nhiều bất ổn hơn so với hai thập niên cuối thế kỷ 20.[4] Nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất và trung tâm công nghiệp mới của khu vực, Trung Quốc dần tin rằng những quốc gia láng giềng nhỏ bé của mình do đó sẽ phải thể hiện thái độ nể trọng hơn nữa với Trung Quốc.
Mặt khác, những nước láng giềng yếu thế hơn coi cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông chính là tấm gương phản chiếu không mấy tươi sáng cho nền bá quyền khu vực của Bắc Kinh khi thành hiện thực. Vì thế, Biển Đông không chỉ đơn thuần là các tranh chấp về lãnh thổ, tài nguyên khoáng sản hay nguồn cá, mà nó còn là vấn đề uy thế và lòng tự tôn quốc gia – và chính những yếu tố này khiến nó trở thành một vấn đề nan giải hơn rất nhiều.
Thứ hai, những tranh chấp Biển Đông phản ánh nỗi lo sợ đang ngày một đè nặng lên Trung Quốc khi họ phải chịu lệ thuộc vào nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản từ bên ngoài, chưa kể bản thân những nguồn cung này cũng dễ dàng bị các đối thủ chiến lược thao túng. Bằng nhiều con đường, những lo sợ hiện hữu này đã thổi bùng nỗi sợ hãi ám ảnh Trung Quốc từ lâu rằng quá trình trỗi dậy của họ sẽ bị một liên minh thù địch vây hãm và ngăn chặn.[5]
Trong các cuộc bàn luận hiện nay, giới chóp bu chiến lược của Trung Quốc đã bắt đầu đặt ra khả năng xuất hiện một “NATO thu nhỏ” trong khu vực, và chính Washington đứng đằng sau hậu thuẫn cho thái độ ngày càng bạo gan của các nước láng giềng Trung Quốc để thử tầm ảnh hưởng của họ. Theo lối tư duy này, cách duy nhất để Bắc Kinh có thể đảm bảo an ninh cho các tuyến đường cung cấp của mình là giành được sự kiểm soát nhất định trên các tuyến đường đó, hoặc ít nhất phải ngăn được khả năng kiểm soát của đối thủ chiến lược Hoa Kỳ.
Thứ ba, những tranh chấp này cũng đẩy Mỹ và Trung Quốc vào thế đối đầu trực diện trong cuộc cạnh tranh trật tự khu vực ngày càng khốc liệt. Về khía cạnh này, đây là minh chứng cho một vấn đề rộng hơn, đó là tình trạng khác biệt trong cách tiếp cận giữa Washington và Bắc Kinh: trong khi Hoa Kỳ chọn hướng gắn các vấn đề Biển Đông vào khung những nguyên tắc chung như tự do hàng hải, thì Bắc Kinh lại nhìn nhận vấn đề này theo những chi tiết riêng biệt như các quyền lịch sử và lãnh thổ riêng. Các căng thẳng trên Biển Đông cũng làm tăng thêm nỗi lo ngại của chính Washington về thế chông chênh của họ ở Tây Thái Bình Dương: tình trạng bấp bênh về mặt chiến lược của họ trong bối cảnh Trung Quốc phát triển các hệ thống vũ khí hải quân; cũng như nguy cơ dễ bị thất thế trên mặt trận ngoại giao khi các nước đồng minh khu vực ngày càng suy giảm niềm tin vào cam kết hỗ trợ mà Mỹ dành cho họ.
Cuối cùng, tranh chấp Biển Đông có thể được nhìn nhận là một trường hợp điển hình cho thế yếu của các nguyên tắc pháp quyền (nomocratic) ở châu Á – vốn đòi hỏi nhà nước, trên tư cách cá thể và tập thể, phải cam kết mạnh mẽ đối với các luật lệ và thể chế tự do trong nước cũng như quốc tế nhằm kiểm soát hành vi của quốc gia – trước sự vươn lên của các nguyên tắc đề cao lợi ích (teleocratic) – vốn là xu hướng coi các luật lệ và thể chế chỉ là thứ cấp so với những nhu cầu và đặc quyền của nhà nước.[6] Bối cảnh này đã đẩy Australia, một đất nước ủng hộ mạnh mẽ cho bộ máy quan hệ quốc tế vận hành theo hướng pháp quyền, vào một tình thế khó khăn. Đặc biệt tư tưởng pháp quyền còn vấp phải vấn đề nan giải là các luật lệ quốc tế và cả các thể chế khu vực gần như không có triển vọng đóng vai trò nào trong giải quyết các tranh chấp tại đây, bởi trong một khu vực luôn đặt lợi ích và mục tiêu lên trên hết, cả hai biện pháp này đều không thể phát huy công dụng trong các tranh chấp.
Lợi ích của Australia
Nếu nhìn nhận các tranh chấp Biển Đông ở tầm vĩ mô hơn như vậy, thì lợi ích của Australia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng – ngay cả trong trường hợp nước này đủ sức chuyển hướng 54 phần trăm khối lượng thương mại hiện đi qua các tuyến hàng hải trên vùng biển này. Khi áp dụng cách tiếp cận tầm thấp với các tranh chấp này, Canberra dường như đã bị nhầm lẫn giữa các lợi ích của mình (hay những mục tiêu của chính sách đối ngoại) với phương tiện thực hiện, và đặc biệt ở đây là các quan hệ song phương và đa phương.
Dù các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Australia hẳn sẽ không bao giờ thừa nhận điều này, nhưng có thể thấy động cơ tiên quyết cho đường lối vấn đề Biển Đông hiện nay của họ xuất phát chính từ mong muốn không làm tổn hại đến những mối quan hệ then chốt. Một mặt, tất cả những lời tuyên bố mạnh mẽ khẳng định Australia không tham gia dàn xếp các tranh chấp Biển Đông dường như bắt nguồn từ nỗi lo sợ động chạm đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia và cũng là nhân vật ngày càng có vai vế trong khu vực. Nhưng mặt khác, Australia cũng ủng hộ tích cực cho một COC, chứng tỏ ý muốn duy trì quan hệ thân cận với các nước ASEAN.
Canberra phải ngồi lại suy xét nghiêm túc từ những nguyên tắc cơ bản nhất về lợi ích của mình trong các tranh chấp Biển Đông. Một khi đã làm vậy, họ sẽ nhận ra rằng Australia có những lợi ích sống còn đang bị đe dọa tại đây, và đường lối hiện nay của họ đang gây tổn hại cho các lợi ích đó. Theo như cách tiếp cận từ những nguyên tắc cơ bản này, hiện tại Australia có bốn lợi ích cấu trúc (structural) và hai lợi ích quan hệ (relational) trong các tranh chấp Biển Đông.
Những lợi ích cấu trúc của Australia bao gồm: thứ nhất, sự tồn vong của những không gian tài nguyên chung không thể tranh cãi của toàn cầu – trên biển, trên không, trong không gian và không gian mạng. Là một đất nước nhỏ, khá biệt lập về địa lý và phụ thuộc chủ yếu vào thương mại, Australia hẳn sẽ chịu ảnh hưởng hơn hầu hết các quốc gia khác từ cuộc cạnh tranh dai dẳng về quyền kiểm soát các không gian tài nguyên chung của toàn cầu và khu vực. Những không gian lợi ích chung trên biển từ thời kỳ người châu Âu tới định cư đến nay đều nằm trong quyền kiểm soát của châu Âu và các đồng minh thân cận nhất; nhưng hiện trạng này có thể chấm dứt khi các nước châu Á tiến hành công cuộc xây dựng những hệ thống vũ khí trên biển với tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Lợi ích cấu trúc thứ hai của Australia là nền kinh tế quốc tế hướng tới các nguyên tắc phát triển và thương mại tự do, đây là hệ quả tất yếu từ cấu trúc và tính chất phụ thuộc thương mại của nền kinh tế Australia.
Thứ ba, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, Australia sẽ được hưởng lợi nếu một trật tự quốc tế bình đẳng, hoạt động dựa trên lý trí và luật pháp phát huy được uy thế, sức ảnh hưởng và được phát triển liên tục.
Thứ tư, và cụ thể hơn, lợi ích cấu trúc của Australia sẽ được đảm bảo nếu Bán đảo Indo – Thái Bình Dương (quần đảo trải dài từ bắc Thái Lan cho đến bắc Australia) được duy trì trong một trật tự chiến lược hòa bình, bởi nếu có bất cứ thế lực nào tấn công vũ trang vào Australia thì đây chính là con đường tiếp cận khả dĩ nhất.
Ít nhất ba trong số bốn lợi ích cấu trúc của Australia đang bị các tranh chấp Biển Đông đe dọa. Trước hết điều này bắt nguồn từ mối nguy lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Australia thời hậu định cư của người châu Âu: các lợi ích chung toàn cầu có thể sẽ trở thành mục tiêu tranh chấp dai dẳng. Trong giới chiến lược biển, ngày càng có nhiều người đồng tình với quan điểm cho rằng những năm tháng nắm quyền kiểm soát biển của Mỹ đang đếm ngược đến hồi kết, và thay thế cho nó là một hệ thống đầy biến động, được xây dựng trên nền tảng các nỗ lực ngăn chặn lẫn nhau trên biển của các cường quốc duyên hải. Hiện vẫn khó có thể đoán định chế độ nào sẽ phát triển thế chỗ cho hệ thống chính sách các vùng công hải hiện hành [những khu vực biển khơi không thuộc chủ quyền của riêng quốc gia nào – ND], nhưng Australia gần như chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một vấn đề khác đáng lưu tâm không kém là những điều kiện môi trường của tranh chấp Biển Đông báo hiệu xu hướng gia tăng các thách thức đe dọa trật tự quốc tế pháp quyền và hoạt động dựa trên luật pháp. Những thách thức này bắt nguồn từ các cường quốc mới nổi khi họ không những không đưa ra được các khuôn khổ mới của khu vực, mà ngược lại còn làm xói mòn trật tự hiện tại bằng cách đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền riêng biệt.
Không chỉ có vậy, Bán đảo Indo – Thái Bình Dương có nguy cơ trở thành đấu trường trung tâm cho cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa các cường quốc đang nổi lên và cường quốc đã xác lập. Bán đảo này ngăn cách Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và có các nút giao thông quan trọng của nhiều tuyến đường biển, đồng thời cũng là cửa ngõ phía nam của con đường đi từ Biển Đông. Nếu mỗi cường quốc có thể lôi kéo sự ủng hộ từ các quốc gia trên Bán đảo Indo – Thái Bình Dương, đó sẽ là lợi thế rất lớn, vừa giúp giảm bớt gánh nặng về những điểm yếu chiến lược của họ, đồng thời gia tăng bất lợi này của đối thủ. Hiện nay khu vực đã xuất hiện những tín hiệu tranh giành sự ủng hộ của các quốc gia trọng yếu trên Bán đảo giữa Trung Quốc và Mỹ.
Australia còn vướng hai lợi ích quan hệ ở Biển Đông, và cả hai đều chịu ảnh hưởng từ các tranh chấp ở đây. Đầu tiên là cam kết đồng minh giữa Australia và Mỹ. Nếu như Mỹ có bị cuốn vào một cuộc xung đột ở Biển Đông, thì Australia sẽ khó tránh khỏi khả năng phải làm trọn trách nhiệm đồng minh của mình, sát cánh bên lực lượng Hoa Kỳ trong xung đột. Thứ hai là Australia đã quyết định chấp nhận trở thành một phần của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một địa vị từng chịu nhiều thử thách trong quá khứ và cũng có thể sẽ tiếp tục gặp sức ép trong tương lai. Một Australia cố tình né tránh khỏi một trong những điểm nóng chính của khu vực sẽ đồng nghĩa với một Australia không đáng tin cậy trong cam kết đóng góp cho những vấn đề khu vực trong quan hệ quốc tế tương lai.
Mục tiêu của Australia
Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng đối sách cho vấn đề Biển Đông, Canberra phải phân tích kỹ lưỡng những kịch bản trong tương lai và hệ quả có thể sẽ xảy ra của các tranh chấp tại đây, đồng thời dựa vào những lợi ích trọng yếu của Australia để phân định rõ trường hợp nào có lợi và bất lợi nhất cho mình. Suy xét từ tình hình hiện tại có ba kết cục có thể xảy ra. Một là nguyên trạng từ trước tới nay vẫn tiếp tục được duy trì, trong đó các bên tranh chấp tiếp tục công khai khẳng định chủ quyền chồng lấn gây tranh cãi của mình, nhưng sẽ không có bên nào muốn gây sức ép cho các yêu sách quá quyết liệt. Khả năng thứ hai là chiến thắng về tay Trung Quốc, từ đó Bắc Kinh sẽ có thể thiết lập bá quyền trên những tuyến đường biển và áp đặt quyền kiểm soát của mình trong tương lai. Thứ ba là các bên đi đến được một giải pháp trung hòa, trong đó yêu sách của mỗi bên được đặt trong tình trạng đóng băng và một dạng thể chế kiểm soát dựa trên sự đồng thuận chung có điều kiện được phát triển.
Mỗi kịch bản cần được cân nhắc nghiêm túc – không chỉ bản chất của kịch bản mà còn phải xét đến những tác động của nó đối với các tranh chấp sau này trong tương lai của khu vực. Rõ ràng tình huống thứ ba là kịch bản được mong mỏi nhất, bởi nó không chỉ nắm giữ triển vọng khắc phục được những tranh chấp trước mắt ở Biển Đông, mà còn đặt nền móng cho những nguyên tắc có thể áp dụng cho quá trình phát triển khu vực trong tương lai: đây sẽ là dấu hiệu cho thấy các bên chịu ảnh hưởng có thể thỏa hiệp những lợi ích của họ mà không gây bất công hay thiên vị cho yêu sách của bất cứ nước nào; đồng thời các quốc gia gác lại những yêu sách cá biệt để đặt ổn định khu vực lên làm ưu tiên hàng đầu.
Phương tiện triển khai của Australia
Truyền thống chính sách đối ngoại của Australia kéo dài hơn một thế kỷ qua có thể đúc kết lại thành năm phương tiện triển khai chính sách cụ thể. Nhưng nếu Canberra quyết định thực hiện đường lối ngoại giao năng nổ và sáng tạo hơn trong các tranh chấp Biển Đông, thì những phương tiện kế thừa truyền thống này có thể sẽ không đủ hiệu quả.
Đường lối nguyên thủy nhất là đoàn kết đế chế, một tư tưởng cho rằng Đế quốc Anh là đại diện văn hóa tiêu biểu và là một dạng hàng hóa công (public good) chiến lược đối với cả thế giới. Cách tiếp cận này dù đã bị chôn vùi cùng với Đế quốc Anh và sự thất bại của Khối Thịnh vượng chung nhưng những yếu tố nền tảng của nó vẫn được tiếp nối trong truyền thống chính sách đối ngoại thứ hai của Australia, cam kết đồng minh. Tiếp nối mạnh mẽ từ niềm tin xưa kia vào Đế quốc Anh, hệ thống liên minh của Mỹ hiện tại cũng được coi là nhân tố bình ổn thiết yếu trong chính trị toàn cầu và đồng thời là người bảo hộ cho quy tắc luật pháp quốc tế và những lợi ích chung.
Một dạng biến thể bán phần của cam kết Liên minh là chủ nghĩa đa phương. Cách tiếp cận này phù hợp với hệ thống liên minh của Mỹ về phương diện triết lý nhưng luôn đem lại thế chủ động hơn cho Australia khi vận dụng trong các vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cũng cùng hệ triết lý nhưng ở một tầm cấp khác là chủ nghĩa khu vực, một biện pháp đôi khi vấp phải nghi ngại của người Mỹ,[7] nhưng đối với Australia, chủ nghĩa này về cơ bản đã giúp áp đặt những nguyên tắc đa phương tự do mở rộng cho một khu vực từng là một trong những nơi thể chế hóa kém nhất thế giới vào thời điểm Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Cuối cùng là truyền thống chủ nghĩa song phương thực dụng, một phương pháp xây dựng chính sách ngoại giao lý trí, thông qua nỗ lực thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ vững mạnh và đáng tin cập dựa trên những điểm tương đồng giữa Australia và các quốc gia khác.[8]
Cả năm đường lối truyền thống nêu trên sẽ không hứa hẹn triển vọng đặc biệt nào nếu Canberra quyết định triển khai hướng giải quyết tham vọng hơn cho tranh chấp Biển Đông. Một chính sách ngoại giao sáng tạo khác của Australia đối với vấn đề Biển Đông có thể sẽ là nền tảng cho một truyền thống chính sách đối ngoại thứ sáu: một chủ nghĩa đa phương chọn lọc (plurilateralism) mới.[9] Đường lối này vừa thực dụng vừa chiết trung khi quy tụ những điểm mạnh của cả năm truyền thống chính sách đối ngoại hiện hành, nhưng cũng mang tính linh hoạt và sáng tạo trong quá trình tìm kiếm giải pháp.
Truyền thống này cũng có cơ sở lịch sử vững mạnh hậu thuẫn. Đầu thập niên 1980, chính phủ Australia từng thể hiện mong muốn thúc đẩy một biện pháp sáng tạo cho cuộc chiến ở Campuchia, và đây là minh chứng cho thấy Canberra có thể đặt lợi ích làm trục lái cho những chính sách của mình. Sáng kiến ban đầu của Bill Hayden về vấn đề Campuchia dù khiến Trung Quốc và các nước ASEAN bất bình, nhưng xuất phát từ tầm nhìn vĩ mô hơn về lợi ích của Australia và cho thấy sự linh động trong việc thử nghiệm hàng loạt các phương cách khác nhau để kéo các bên tham chiến trực tiếp xích lại gần nhau.[10] Hai mươi năm sau, chính quyền Howard khi tìm kiếm một lối thoái cho khu vực về vấn đề bế tắc nhập cư trái phép cũng đã đi đến một đối sách đầy sáng tạo và mới mẻ là xây dựng Tiến trình Bali.[11]
Kết luận
Xét về những lợi ích tối quan trọng đang chịu ảnh hưởng ở đây và cả lịch sử ngoại giao tích cực và năng nổ của Australia, lựa chọn đường lối im hơi lặng tiếng như hiện nay cho chính sách đối ngoại của Australia về tranh chấp Biển Đông không phải là một giải pháp bền vững. Canberra phải tỏ ra mạnh dạn và quyết tâm hơn nữa trong vấn đề này, bởi xét cho cùng chiến lược với những mục tiêu nhỏ bé hiện tại của họ sẽ phải trả giá bằng những cơ hội dài hạn, bền vững bị đánh mất. Đến cuối cùng, vẫn sẽ Australia hưởng lợi, bởi nếu họ thúc đẩy một giải pháp bền vững cho các tranh chấp Biển Đông, họ đồng thời có thể thúc đẩy hàng loạt các lợi ích dài hạn cũng như những mục tiêu trước mắt của mình.
Michael Wesley là giáo sư tại Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia.
————————–
[1] Radio Australia Transcript, 30 July 2012,
http://www.radioaustralia.net.au/international/radio/program/connect-asia/australia-should-stay-out-of-south-china-sea-dispute-sayscarr/987932
[2] Edna Curran, ‘Bob Carr: Australia Can Help Defuse South China Sea Tensions,’ Wall Street Journal, 14 September 2012.
[3] Michael Wesley, ‘Australia and the China Boom’ in James Reilly and Jingdong Yuan (eds) Australia and China at Forty, Sydney: UNSW Press, 2012.
[4] Michael Wesley, ‘Asia’s New Age of Instability’ The National Interest, November-December 2012.
[5] Avery Goldstein, Rising to the Challenge: China’s Grand Strategy and International Security, Stanford: Stanford University Press, 2005.
[6] Michael Wesley, ‘The New Bipolarity’ The American Interest, January/February 2013.
[7] Michael Wesley, ‘The Dog That Didn’t Bark: The Bush Administration and East Asian Regionalism’ in Mark Beeson (ed), Bush and Asia: America’s Evolving Relations with East Asia, London: Routledge, 2006.
[8] Michael Wesley, ‘Australia and Asia’ in Keith Windschuttle, David Martin Jones and Ray Evans (eds), The Howard Era, Sydney: Quadrant Books, 2009.
[9] Plurilateralism chỉ một dạng chính sách liên kết giữa các quốc gia nhất định có cùng nền tảng lợi ích hoặc cùng mục tiêu giải quyết một vấn đề cụ thể, trong đó số lượng quốc gia tham gia lớn hơn hai nước (song phương), nhưng vẫn chưa đủ nhiều để hình thành đa phương – ND.
[10] Frank Frost, ‘Labor and Cambodia’, in David Lee and Christopher Waters (eds) Evatt to Evans: The Labor Tradition in Australian Foreign Policy, Sydney: Allen and Unwin, 1997.
[11] Michael Wesley, ‘The New Diplomacy’ in The Howard Paradox: Australian Diplomacy in Asia, 1996–2006, Sydney: BC Books, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét