1. Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính gây ra bởi sự thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối insulin, dẫn đến những rối loạn chuển hóa carbon hydrat. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết và các rối loạn chuyển hóa. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hiện nay đang có xu hướng tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ đang gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Và ở Việt Nam là một bệnh thường gặp trong số các bệnh nội tiết, chiếm 1-2,5% dân số và có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh nội tiết.2. Phân loại
Đái tháo đường tuýp 1:
Đái tháo đường tuýp 1 chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Nguyên nhân là do sự phá hủy tế bào beta đảo tụy khiến nồng độ insulin giảm thấp hoặc mất hoàn toàn. Các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) có mối liên quan chặt chẽ với bệnh đái tháo đường tuýp 1. Đái tháo đường tuýp 1 phụ thuộc nhiều vào yếu tố gen và thường phát hiện trước 40 tuổi. Yếu tố khởi phát là nhiễm virus, stress chuyển hóa quá mức.Đái tháo đường tuýp 2:
Đái tháo đường tuýp 2 chiếm tỷ lệ khoảng 85%, thường gặp ở người trên 30 tuổi. Nhưng ngày nay nó càng gặp nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc trưng của đái tháo đường tuýp 2 là sự kháng insulin đi kèm với thiếu hụt tiết insulin tương đối. Đái tháo đường tuýp 2 thường được chẩn đoán rất muộn vì giai đoạn đầu tăng glucose máu tiến triển âm thầm không có triệu chứng. Khi có biểu hiện lâm sàng thường kèm theo các rối loạn khác về chuyển hóa lipid, các biểu hiện bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận. Béo phì và ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ typ 2. Bệnh cũng thường xảy ra với những người có tiền sử ĐTĐ trong gia đình. Người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 có thể điều trị bằng cách thay đổi thói quen sống, kết hợp với việc dùng thuốc để kiểm soát đường huyết hoặc dùng insulin.Đái tháo đường thai nghén:
Đái tháo đường thai nghén do trong quá trình mang thai nhau thai sản sinh ra các hormon cần thiết cho sự lớn lên và phát triển của thai nhi, các hormon này làm phong bế hoạt động của insulin ở người mẹ, do đó nhu cầu về insulin khi mang thai cao gấp 2 – 3 lần so với bình thường, nếu cơ thể không tiết ra đủ insulin cho nhu cầu này thì sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Đái tháo đường thai nghén thường gặp ở phụ nữ mang thai lần đầu, có khoảng 2 -10 % phụ nữ mang thai có glucose máu tăng, làm cho thai lớn hơn, khiến việc sinh trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ ở trẻ. Đái tháo đường thai kì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ.Ngoài ra còn có một số thể đái tháo đường khác: gây ra do các bệnh lý tụy ngoại tiết, bệnh nội tiết, do dùng thuốc và hóa chất, một số hội chứng rối loạn gen.
3. Triệu chứng của đái tháo đường
Hậu quả của tăng glucose máu:- Tiểu nhiều lần, số lượng nước tiểu tăng, tiểu đêm, khát nhiều.
- Rối loạn thị giác
- Viêm âm hộ, âm đạo, viêm niệu đạo, bao quy đầu.
- Ngủ lịm, yếu, mệt, giảm cân
- Nhiễm toan ceton
ĐTĐ typ 1
|
ĐTĐ typ 2
|
|
Thể trạng | Gầy | Béo hoặc bình thường |
Insulin máu | Thấp hoặc không đo được | Bình thường hoặc cao |
Tiền sử gia đình | Không | Thường có |
Triệu chứng | Khởi phát đột ngột. Hội chứng tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhanh) rầm rộ. | Tiến triển và khởi phát âm thầm, không bộc lộ các triệu chứng lâm sàng |
4. Tiêu chuẩn chẩn đoán
Theo WHO 1999
Phân loại
|
Nồng độ glucose máu mmol/l (mg/dl)
Lúc đói Test dung nạp glucose sau 2h
|
ĐTĐ | >7,0 (126) và/hoặc >11,1 (200) |
Rối loạn dung nạp glucose | <7,0 (126) và 7,8 – 11,1 (200) |
Rối loạn glucose lúc đói | 6,1 – 7 |
Glucose máu bình thường lúc đói | <6,1 và <7,8 |
5. Biến chứng
Biến chứng cấp tính : thường là hậu quả của việc chẩn đoán muộn, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc điều trị không thích hợp:Nhiễm toan ceton: Biến chứng nhiễm toan ceton hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1. Biểu hiện bằng rối loạn nhịp thở kiểu Kusssmal, hơi thở có mùi ceton, da khô, có thể có hôn mê, huyết áp hạ, nhịp tim nhanh. Mặc dù y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ về trang thiết bị, điều trị và chăm sóc, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao từ 5 – 10%.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu: hay xảy ra ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2, nữ, trên 60 tuổi. Biểu hiện bằng dấu hiệu mất nước nặng, huyết áp tụt và hôn mê. Đặc điểm chủ yếu để phân biệt với nhiễm toan ceton là không có nhịp thở kiểu Kussmal, hơi thở không có mùi ceton và xét nghiệm rất ít hoặc không có thể ceton trong nước tiểu. Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu chiếm 5 – 10% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi đái tháo đường tuýp 2 là 30 – 50 %.
Hạ đường huyết: Thường gặp tai biến hạ đường huyết ở những bệnh nhân dùng thuốc đái tháo đường quá liều hoặc dùng thuốc cho bệnh nhân lúc đói, bỏ bữa. Dấu hiệu chính là vã mồ hôi, choáng váng, hoa mắt, lơ mơ, co giật hoặc hôn mê.
Biến chứng mạn tính
Biến chứng tim mạch: bệnh mạch vành (xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), tăng huyết áp vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của ĐTĐ, rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ các bệnh mạch vành.
Bệnh lý thận : giảm mức lọc cầu thận gây suy thận.
Bệnh lý mắt: Các vi mạch tại mắt bị tổn thương do tiếp xúc đường huyết cao và áp lực thành mạch lớn, gây ra bệnh võng mạc ĐTĐ và đục thủy tinh thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến giảm thị lực và mù ở người ĐTĐ.
Bệnh lý thần kinh: Bệnh lý thần kinh ở bệnh nhân ĐTĐ thường do tắc nghẽn các vi mạch cung cấp máu cho hệ thần kinh, gây ra các tổn thương về thần kinh ngoại biên như viêm đa dây thần kinh hoặc viêm một dây thần kinh, liệt dây thần kinh sọ não, rối loạn thần kinh thực vật (hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh lúc nghỉ).
Biến chứng nhiễm trùng: làm mất cân bằng đường máu, dễ dẫn đến các biến chứng cấp tính như hôn mê do nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu máu. Bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn và khi bị nhiễm khuẩn thường rất nặng, do da bị tổn thương bởi thần kinh cảm giác suy giảm, kèm theo giảm thị lực dẫn đến không cảm nhận được các vết xước. Các bệnh nhiễm khuẩn hay gặp: viêm răng lợi, viêm ống tai ngoài, lao phổi, viêm tủy xương, viêm hoại tử ở chi do E.coli hoặc vi khuẩn kị khí, nấm da và niêm mạc.
Bệnh lý bàn chân do đái tháo đường: loét bàn chân và cẳng chân. Khi nhiễm trùng ổ loét có thể không lành được phải cắt cụt chi.
Tổn thương khớp: khô và cứng khớp, hạn chế vận động.
6. Mục tiêu điều trị
- Kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu và bền vững mà không gây hạ đường huyết.
- Điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.
7. Thuốc điều trị
a. Liệu pháp insulin: là bắt buộc với ĐTĐ typ 1. Lựa chọn dạng, phân chia liều tùy thuộc mức độ hoạt động và cách sống của bệnh nhân.b. Thuốc hạ đường huyết
Được chỉ định sau khi chế độ ăn và vận động thể lực bị thất bại trong kiểm soát đường huyết, sử dụng thuốc luôn kèm với chế độ ăn và vận động thể lực.
- Các sulfonylurea: tolbutamid, clopropamid, glyburid, glipizid, gliclazid…
- Các biguanid: metformin
- Các meglitinide: repaglinide, nateglinide
- Các thiazolidinedion: rosiglitazon, pioglitation, ciglitatio
- Các chất ức chế alpha- glucosidase: acarbose, miglitol
- Chất đồng vận GLP-1: Exenatide
- Nhóm gliptins ức chế men dipeptidyl peptidase IV (DPP-IV): sitagliptin, linagliptin, vildagliptin, saxaglipitin
8. Biện pháp không dùng thuốc
a. Chế độ ăn
- Nhu cầu năng lượng cần được điều chỉnh để đạt và duy trì cân nặng lý tưởng, tùy thuộc giới, tuổi, hoạt động thể lực, lối sống bệnh nhân.
- ĐTĐ typ 1: chế độ ăn phải tính đủ calo để duy trì cân nặng hợp lý và phù hợp với số lần, loại insulin đưa hàng ngày.
- ĐTĐ typ 2 béo phì cần chế độ ăn giảm cân, ăn ít calo (Nữ giới 1000 – 1200 Kcal/ngày, nam giới 1200 – 1600 Kcal/ngày)
- Chế độ ăn ít béo, nhiều chất xơ, đảm bảo đủ vitamin, khoáng, carbonhydrat chiếm khoảng 45 – 65% tổng số calo/ngày.
- Giảm cân vừa phải đã được chứng minh là giảm nguy cơ tim mạch, cũng như hạn chế sự tiến triển xấu của ĐTĐ. Phương pháp chính để giảm cân là thay đổi lối sống. Nên giảm từ từ, khoảng 0,45 – 0,91 kg/tuần.
b. Vận động thể lực
Luyện tập rất cần thiết đối với bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là typ 2, vì luyện tập giúp giảm cân, giảm kháng insulin, cải thiện dung nạp glucose và cải thiện nồng độ lipid máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Luyện tập tùy lứa tuổi và tình trạng tim mạch bệnh nhân. Khởi đầu với người ít vận động nên bắt đầu với đi bộ, bơi lội, và đi xe đạp. Đồng thời, làm vườn và dọn dẹp nhà cửa cũng rất tốt. Nên hoạt động ngoài trời mỗi ngày 30 phút.Các nghiên cứu cho thấy thay đổi lối sống, bao gồm cả tập thể dục (30 phút/ngày, 5 ngày/tuần) và trung bình giảm 5% -10% trọng lượng cơ thể sẽ làm giảm khả năng phát triển bệnh ĐTĐ 58% ở bệnh nhân có nguy cơ tiểu đường cao.
c. Kiểm soát đường huyết
Định lượng đường huyết thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.d. Khám định kỳ để theo dõi các biến chứng.
9. Thảo dược trị bệnh
- Mướp đắng (Momordica charantia), họ Bầu bí Cucurbitaceae: chứa lectin có tác dụng giống insulin, làm giảm glucose máu.
- Bồ công anh (Taraxacum officinale): làm giảm glucose máu.
- Cây cửu lý hương của dê (Galega officinalis), họ đậu (Fabaceae): được dùng từ thời cổ đại để giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
- Dây kí ninh (Tinospora cordifolia)
- Nghệ (Curcuma longa)
- Dây thìa canh (Gymnema sylvestre): chữa ĐTĐ, tăng bài xuất đường khỏi tụy, hồi phục chức năng tụy, kích thích tuần hoàn, tăng bài tiết nước tiểu.
- Dừa cạn (Catharanthus roseus): giảm glucose máu
- Nhân sâm (Panax ginseng)
- Tỏi (Allium sativum)
- Sói rừng (Sarcandra glabra)
- Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum): Làm hạ mỡ máu, nhất là giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, chống huyết khối và bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não. Hạ đường huyết và phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét