Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015
Những tranh cãi tôn giáo về thuyết nhật tâm
14:41
Hoàng Phong Nhã
No comments
Ngay từ thời Aristarchus, ở Châu Âu ý
tưởng nhật tâm đã bị chối bỏ vì bị coi là phản tôn giáo. Tuy vậy, vấn đề
này không mang bất kỳ ý nghĩa quan trọng nào trong gần 2000 năm.
Nicolaus Copernicus đã xuất bản
cuốn De Revolutionibus mang ý nghĩa quyết định về hệ thống của ông năm
1543. Copernicus đã bắt đầu viết nó năm 1506 và hoàn thành năm 1530,
nhưng không cho xuất bản tới tận khi ông sắp qua đời. Dù ông có danh
tiếng tốt với nhà thờ và đã đề tặng cuốn sách cho Giáo hoàng Paul III,
cuốn sách được in ra vẫn có phần lời nói đầu không ký tên của Osiander
cho rằng hệ thống này chỉ đơn giản là một cách thức toán học và không có
ý định phủ định cho thực tế. Có lẽ vì phần lời nói đầu này, tác phẩm
của Copernicus gây ra ít cuộc tranh luận về việc nó có phải là một cuốn
sách dị giáo hay không trong 60 năm sau đó.
Thuật ngữ thời ấy cho một cách
thức tính toán hoàn toàn hư cấu như vậy là giả thuyết. Để hiểu được các
cuộc tranh cãi trong vòng 100 năm sau, cần nhớ rằng ý nghĩa hiện đại,
một ý tưởng cần được xác nhận hay phủ nhận bởi thực nghiệm, đã chưa xuất
hiện cho tới mãi về sau này.
Từ sớm trong những tín đồ Dòng
tu Dominic đã có đề xuất cần cấm giảng dạy cuốn sách đó, nhưng dù sao
việc này vẫn không xảy ra. Tuy nhiên trong thế kỷ 16, một số người Tin
lành đã kịch liệt phản đối nó. Martin Luther từng nói:
"Đã có những lời nói về một nhà chiêm
tinh mới, người muốn chứng minh rằng Trái Đất chuyển động và tự xoay
quanh trục chứ không phải bầu trời, Mặt Trời, Mặt Trăng, cũng như nếu có
một người đang ngồi trong một toa xe hay trên một chiếc tàu chuyển động
sẽ thấy rằng anh ta đang đứng yên trong khi Trái Đất và cây cối chuyển
động quanh mình. Nhưng đó là cách mọi thứ đang diễn ra ngày nay: khi một
người muốn trở nên thông minh, anh ta sẽ cần phải phát minh ra một thứ
gì đó đặc biệt, và cách thức thực hiện điều đó cũng phải là tốt nhất! Kẻ
ngu muốn đảo lộn toàn bộ trật tự thiên văn học. Tuy nhiên, như Kinh
Thánh linh thiêng đã dạy chúng ta, cũng như Joshua đã ra lệnh cho Mặt
Trời đứng yên chứ không phải Trái Đất."
Những câu này được nói ra trong
bối cảnh một cuộc tranh luận ở bữa ăn tối và không phải là một tuyên bố
chính thức về đức tin. Tuy nhiên, Melanchthon đã phản đối học thuyết ấy
trong nhiều năm.
Tuy nhiên, cùng với thời gian,
Nhà thờ Công giáo bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn trong việc bảo vệ quan
điểm địa tâm. Giáo hoàng Urban VIII, người từng đồng ý cho Galileo xuất
bản một cuốn sách về hai lý thuyết thế giới, đã trở thành thù địch với
Galileo; có ý kiến cho rằng Giáo hoàng nghĩ Galileo đã nhạo báng ông
trong cuốn Đối thoại về hai hệ thống chính của thế giới, dù không có
nhiều bằng chứng về điều đó. (Nhân vật đại diện cho các quan điểm truyền
thống trong cuộc đối thoại được đặt tên là "Simplicio", theo tên nhà
triết học cổ điển Simplicius, người thời ấy được những tín đồ chủ nghĩa
Plato mới kính trọng.) Cuối cùng, Nhà thờ Cơ đốc trở thành phái đối chọi
chủ chốt của quan điểm nhật tâm.
Hệ thống được ưa chuộng là hệ
Ptolemy, trong đó Trái Đất nằm ở trung tâm vũ trụ và mọi thiên thể đều
quay quanh nó. (Không nên lẫn lộn việc Cơ đốc giáo ủng hộ thuyết địa tâm
với ý tưởng về một Trái Đất phẳng, là cái chưa từng được nhà thờ ủng
hộ.) Hệ Tycho đã sắp đặt ổn thỏa các vị trí của mô hình địa tâm, trong
đó Mặt Trời quay quanh Trái Đất, trong khi các hành tinh quay quanh Mặt
Trời giống như mô hình của Copernicus. Những nhà thiên văn học dòng Tên
tại Roma ba đầu không đồng ý với hệ thống của Tycho; người nổi bật nhất
là Clavius, ông đã bình luận rằng Tycho đã "lẫn lộn mọi thứ trong thiên
văn học, bởi vì ông muốn đặt Sao Hỏa thấp hơn Mặt Trời." (Fantoli, 2003,
p. 109) Nhưng khi cuộc tranh cãi ngày càng phát triển và Nhà thờ có
quan điểm cứng rắn hơn về các ý tưởng của Copernicus sau năm 1616, phái
dòng Tên quay sang ủng hộ việc giảng dạy ý tưởng của Tycho; sau năm
1633, việc sử dụng hệ thống này hầu như đã trở thành bắt buộc. Vì tội đã
đề xuất thuyết nhật tâm, Galileo đã bị quản thúc tại gia trong nhiều
năm.
Tuy nhiên, nhà thần học đồng thời cũng là một mục sư Thomas Schirrmacher, đã biện hộ:
"Trái với truyền thuyết, hệ thống của
Galileo và Copernican đã được các quan chức nhà thờ rất quan tâm.
Galileo là nạn nhân của chính tính kiêu ngạo của mình, sự đố kị của các
bạn đồng nghiệp và quan điểm chính trị của Giáo hoàng Urban VIII. Ông bị
buộc tội không phải vì đã chỉ trích Kinh thánh, mà vì đã bất tuân lệnh
của giáo hoàng."
Các nhà khoa học Cơ đốc cũng nói:
"Rõ ràng rằng việc đánh giá Galileo
hay Copernicus là dị giáo không hề có ý nghĩa gì về mặt thần học hay
tổng quát", (Heilbron 1999).
Những cách giải thích về thần học này
dù thực sự có xuất hiện hay không bên trong Nhà thờ ở thời Galileo có
thể sẽ được xác định từ đoạn văn về Cuộc điều tra khi Nhà thờ tìm cách
buộc tội Galileo năm 1633. Trong những lời buộc tội chính thức từ Cuộc
điều tra ông không bị kết tội vi phạm mệnh lệnh của giáo hoàng; thay vào
đó, họ buộc tội ông đã tin vào "một học thuyết sai trái do nhiều người
giảng dạy, nói rõ ra là Mặt Trời bất động ở trung tâm thế giới và Trái
Đất chuyển động". Trong khi thẩm vấn, Galileo đã bị đặt câu hỏi (ngày
đầu tiên) ông đã nhận được những mệnh lệnh gì trong năm 1616 (rõ ràng ám
chỉ tới cái mệnh lệnh được kể tới ở trên); nhưng ông cũng phải trả lời
(ngày thứ tư) về những niềm tin vào hệ thống Copernicus của mình. Lời
tuyên án cuối cùng hoàn toàn trùng hợp với bản cáo trạng: ông phải tự
"hoài nghi mãnh liệt về sự dị giáo", nhưng không hề có lời đề cập tới sự
bất tuân với một mệnh lệnh đặc biệt nào đó.
Chính Hồng y Robert Bellarmine đã coi
mô hình của Galileo có "ý nghĩa tuyệt vời" trong việc làm đơn giản hoá
toán học; có nghĩa là, như một "giả thuyết" (xem bên trên). Và ông nói:
"Nếu có một bằng chứng thực sự cho
thấy Mặt Trời nằm ở trung tâm vũ trụ, rằng Trái Đất nằm trên mặt cầu
[tầng trời] thứ ba, thì chúng ta cần rất thận trọng khi giải thích các
trích đoạn trong Kinh thánh, với lời dạy trái ngược, và vì thế chúng ta
nên nói rằng ta không hiểu được chúng chứ không nên tuyên bố đó là ý
kiến sai lầm khi nó đã được chứng minh là đúng. Nhưng tôi không nghĩ có
bất kỳ một bằng chứng nào như vậy bởi vì chưa có ai cho tôi thấy được
nó." (Koestler 1959, pp. 447–448)
Vì thế ông ủng hộ lệnh cấm
giảng dạy ý tưởng đó dưới bất cứ tên gọi nào mà chỉ được coi là giả
thuyết. Năm 1616 ông chuyển cho Galileo một mệnh lệnh của giáo hoàng
không được "ủng hộ hay bảo vệ" ý tưởng nhật tâm. Trong những cuộc tranh
luận trước khi có lệnh cấm, ông giữ lập trường ôn hoà, bởi vì nhóm
Dominic muốn cấm iệc giảng dạy thuyết nhật tâm ở mọi hình thức. Phiên
toà xử tội dị giáo của Galileo diễn ra năm 1633, đưa ra những sự phân
biệt rõ ràng giữa "giảng dạy" và "ủng hộ và bảo vệ coi đó là đúng".
Sự phản đối chính thức thuyết nhật
tâm của nhà thờ không phải là sự phản đối với toàn bộ ngành thiên văn
học; quả vậy, họ cần các dữ liệu quan sát thiên văn để điều chỉnh bộ
lịch của mình. Để ủng hộ các nỗ lực quan sát đó, họ cho phép sử dụng
chính các giáo đường làm đài quan sát thiên văn.
Năm 1664, Giáo hoàng Alexander
VII đã xuất bản cuốn Index Librorum Prohibitorum Alexandri VII
Pontificis Maximi jussu editus gồm toàn bộ những lời chỉ trích từ trước
với các cuốn sách về hệ địa tâm. Một bản copy có chú giải cuốn Principia
của Isaac Newton đã được hai linh mục le Seur và Jacquier của dòng
Franciscan Minims, hai nhà toán học Cơ đốc giáo với lời nói đầu cho rằng
công trình của tác giả có vẻ ủng hộ thuyết nhật tâm và không thể được
giải thích nếu không có giả thuyết. Giáo hoàng Benedict XIV ngừng lệnh
cấm các tác phẩm viết về hệ nhật tâm ngày 16 tháng 4 năm 1757 dựa trên
công trình của Issac Newton. Giáo hoàng Pius VII đã đồng ý với nghị định
năm 1822 của Giáo đoàn điều tra linh thiêng cho phép in các cuốn sách
về lý thuyết nhật tâm tại Roma.
Sự nhận thức rằng, theo một nghĩa
chặt chẽ, quan điểm nhật tâm cũng không hoàn toàn chính xác đã được từng
bước hoàn thành. Rằng Mặt Trời không phải là trung tâm của vũ trụ, mà
chỉ là một trong vô số những ngôi sao, đã được Giordano Bruno, một người
theo chủ nghĩa thần bí tán thành; Galileo cũng có cùng quan điểm, nhưng
ông hiếm khi đề cập tới vấn đề này, có lẽ vì không muốn gây gổ với nhà
thờ. Trong thế kỷ 18 và 19, địa vị Mặt Trời chỉ là một trong số nhiều
ngôi sao khác dần trở nên rõ rệt. Tới thế kỷ 20, thậm chí trước khi con
người khám phá ra rằng có nhiều hệ ngân hà, đây không còn là một vấn đề
gây tranh cãi nữa.
Thậm chí nếu cuộc tranh luận chỉ
giới hạn trong Hệ Mặt Trời, Mặt Trời không nằm ở trung tâm hình học của
bất cứ quỹ đạo của hành tinh nào, mà nói chính xác hơn, nó nằm ở một
tiêu điểm của quỹ đạo hình elíp. Hơn nữa, khi mở rộng ra rằng khối lượng
của một hành tinh không thể bị bỏ qua khi so sánh với khối lượng của
Mặt Trời, tâm hấp dẫn của Hệ Mặt Trời hơi dịch chỗ ra khỏi tâm Mặt Trời.
(Các khối lượng của các hành tinh, chủ yếu là Sao Mộc, bằng khoảng
0,14% so với khối lượng Mặt Trời.) Vì thế một nhà thiên văn học lý
thuyết trên một ngoại hành tinh sẽ quan sát thấy hiện tượng "lắc lư".
Từ bỏ toàn bộ quan điểm "đứng yên"
có liên quan tới nguyên lý tương đối. Trong khi, thừa nhận một vũ trụ
không biên giới, rõ ràng rằng không có vị trí ưu tiên trong vũ trụ, cho
tới khi sự thừa nhận thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein, ít nhất
sự tồn tại của một lớp ưu tiên trong các hệ quán tính tuyệt đối "đứng
yên" được công nhận, đặc biệt ở hình thức các lý thuyết aether truyền
ánh sáng. Một số hình thức Mach's principle coi hệ quy chiếu là đứng yên
và có xem xét tới các khối lượng trong vũ trụ có các đặc tính đặc biệt.
Trong cách thức tính toán hiện đại,
gốc và hướng của một hệ tọa độ thường phải được lựa chọn. Vì các lý do
thực tiễn, các hệ tọa độ có gốc tại trung tâm khối lượng Trái Đất, khối
lượng Mặt Trời hay trung tâm khối lượng của Hệ Mặt Trời thường được sử
dụng. Tính từ "địa tâm" hay "nhật tâm" có thể được sử dụng trong ngữ
cảnh này. Tuy nhiên, sự lựa chọn các hệ tọa độ như vậy không hề có những
liên quan triết học hay vật lý.
Fred Hoyle đã viết:
"Mối quan hệ giữa hai mô hình [địa
tâm và nhật tâm] được đơn giản hóa thành một sự chuyển đổi hệ tọa độ
bình thường và đó chính là nguyên tắc cơ bản lý thuyết của Einstein cho
rằng bất kỳ hai cách tiếp cận nào đối với thế giới có quan hệ với nhau
bởi một sự chuyển đổi hệ quy chiếu thì hoàn toàn tương tự với nhau từ
quan điểm vật lý." (Hoyle, 1973, trang 78)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét