Dân Việt) Gia đình TS Alan Phan đau đớn báo tin, ông rơi vào tình trạng hôn mê không tỉnh lại, khi không còn hy vọng, vợ và 2 con trai ông chấp thuận rút ống thở vào ngày 19.10. Ai cũng muốn tin rằng, Alan Phan chỉ lại đang thất tình như ông đã từng nhiều lần vướng phải trong đời. Với ông, cuộc đời luôn giống như một cuộc chơi...
“Khổng lồ” hơn mọi danh xưng
Trong vai trò là phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay, tôi có cuộc phỏng vấn đầu tiên với TS Alan Phan cách đây 4 năm. Trước khi gặp ông, tôi đã được nghe người ta nói đến ông với những danh xưng như "người đàn ông có bộ óc khổng lồ", hay "triệu phú gốc Việt"...
TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, được biết đến là một sáng lập
viên của Alan Phan Associates (APA), chuyên về hoạt động mua bán, sáp
nhập doanh nghiệp (M&A) liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh
toàn cầu cho các công ty đa quốc gia có trụ sở tại California (Mỹ) và
Hồng Kông (Trung Quốc). Ông cũng là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. TS Alan Phan cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm Công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995 - 2002). Ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc. Ông Alan Phan nhận bằng kỹ sư, thạc sĩ tại Mỹ và TS tại Australia. |
Alan Phan nói rằng, ông rất tâm đắc một câu nói của John Kennedy: “Hãy hỏi tại sao không, chứ đừng hỏi tại sao". Phải có sự suy nghĩ, tư duy nằm ngoài khuôn khổ...
Với tôi, trong Alan Phan là cả một đại dương kiến thức. Ông thông tuệ mọi điều, từ Đông, Tây, Kim, Cổ; từ kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, công nghiệp công nghệ cao đến chuyện làm nông tỉ mẩn…
Cũng thật ngạc nhiên khi chặng đường dài 40 năm lăn lộn trên thương trường gắn bó với lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc gia, song Alan Phan lại có góc nhìn sâu xa về nông nghiệp. Trên báo Nông thôn Ngày nay, ông khẳng định rằng nông nghiệp là một trong những cơ hội để Việt Nam đột phá.
Trong một bài phỏng vấn của Nông thôn Ngày nay, ông Alan Phan đã “hiến kế” để giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh.
Ông nói: “Giảm các khoản đóng góp của nông dân; bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp “bầy đàn”; tạo ra những lợi thế riêng… thì mới mong nông nghiệp “cất cánh” được. Tôi nghĩ tiền, các nguồn vốn đổ vào nông nghiệp không thiếu, người không thiếu, trí tuệ không thiếu, cái mà chúng ta thiếu là tạo môi trường ở nông thôn cho thật quyến rũ để nó sinh sôi, nảy nở và hội tụ trí tuệ, nguồn vốn về đây. Khi đã có môi trường tốt rồi, Việt Nam phải làm thế nào để người nông dân thừa hưởng được những thuận lợi từ môi trường này, ví như chất lượng đời sống, hạ tầng cơ sở, chính sách ưu đãi...”.
Và dù có những điều ông nói ra không được thuận lòng tất cả, nhưng chắc chắn không mấy ai đủ kiến thức để nói rằng ông nói sai. Đôi khi những nhận định của ông không thể nhìn thấy ở hôm nay, mà phải trải nghiệm, đôi khi nó lại giống như một lời tiên đoán...
Và quả thật, mỗi lần phỏng vấn ông, dù hỏi đáp cả tiếng đồng hồ, nhưng chỉ chắt lọc ra được một bài viết không dài. Tôi luôn hiểu, phía sau bài phỏng vấn, là những điều tôi học được mà nhiều người vẫn phải bỏ tiền ra để tham dự những buổi nói chuyện của ông.
Với tôi, đó là một đặc ân!
Tôi nhớ Alan Phan từng kể, mỗi lần thất tình là ông lại tìm thấy một cơ hội kiếm tiền lớn.
Lần đầu tiên là năm 1970, lúc đó ông còn trẻ và đang hẹn hò với một "cô đào". Alan Phan kể: Có một lần, khi hẹn "cô đào" đến một quán cà phê ở Sài Gòn, ông ngồi chờ mãi, nhưng rốt cuộc "cô đào" đó đã không đến. Quá sốt ruột, ông ngồi nhìn quanh và thấy bên cạnh bàn mình ngồi có một người Mỹ đang loay hoay với tấm bản đồ Sài Gòn trên tay.
Chẳng có gì làm khi đang ngồi chờ, ông quay sang người Mỹ và hỏi: "Anh cần tôi giúp gì không?". Người Mỹ nọ nói rằng, ngày mai, ông ta cần đến Sở Tài chính Sài Gòn để giải quyết công việc làm ăn. Alan Phan nói: "Chuyện nhỏ, tôi sẽ giúp anh, bởi người đứng đầu Sở Tài chính là bạn của tôi". Và câu chuyện với người Mỹ đó đã giúp Alan Phan “giết” thời gian bên ly cà phê khi bị cô bạn gái cho "leo cây" phũ phàng.
Buổi hẹn với doanh nhân Mỹ cũng đến, Alan Phan đã dẫn ông này đến gặp người đứng đầu Sở Tài chính. Khi mở cửa bước vào, thấy cách nói chuyện “bỗ bã” của Alan Phan với người bạn chức quyền, doanh nhân Mỹ đã rất ấn tượng và thích thú với phong cách này của ông.
Dù buổi gặp đó cũng không giúp gì nhiều cho doanh nhân Mỹ này, nhưng sau đó, ông ta tìm đến với Alan Phan và nói: "Anh có muốn làm việc cho tôi không?". Ông Alan Phan hỏi: “Liệu anh có thể trả lương nổi cho tôi không?”.
Tưởng là một câu hỏi khó cho doanh nhân kia, vì trong đầu Alan Phan nghĩ rằng “cùng lắm thì anh cũng chỉ trả cho tôi được khoảng 50 hoặc 60USD, trong khi tôi đang sống một cuộc đời độc thân vui tính và tiền rủng rỉnh vì những khoản làm ăn nho nhỏ của mình”. Tuy nhiên, khá bất ngờ, doanh nhân người Mỹ nói: “Tôi trả anh mức lương 2.000USD nhé, liệu có ổn không?”.
Alan Phan kể, vào thời điểm năm 1970, một mức lương 2.000USD, ông không thể thốt nên lời. Alan Phan đùa rằng, "cái lần thất tình đó tôi nhớ rất kỹ, vì nó đã mang lại cho tôi một cơ hội làm ăn lớn".
Câu chuyện thứ hai, TS Alan Phan chia sẻ, khi còn sống ở bên Mỹ, Alan Phan yêu một cô người bản xứ xinh đẹp và giỏi giang. Cũng từ ngày đó, ông làm việc ít lại, ngủ nhiều hơn và có xu hướng muốn tận hưởng cuộc sống. Alan Phan nghĩ rằng cô gái kia đã chủ động đến thì không bao giờ chia tay ông trước, nhưng chính tính cách ỷ lại, lệ thuộc vào người khác đã khiến cô gái rời bỏ ông trong sự thất vọng.
Từ đó, ông nhận ra rằng, ỷ lại sẽ khiến mọi thứ dần quay lưng với mình, trong đó có thành công. Thế là ông lại lao vào công việc và liên tiếp mở những công ty lớn, làm ăn vươn ra tầm nước Mỹ.
Một lần khác, khi Alan Phan có hẹn với một cô bạn gái sẽ đi nghỉ trên một chiếc du thuyền trong 10 ngày. Ông đã đến du thuyền trước và chờ cô gái, nhưng đến giờ xuất phát, rốt cuộc cô gái đó cũng không đến. 10 ngày trên du thuyền chỉ có những món ăn, mấy quyển sách và biển cả mênh mông. Alan Phan đã rất chán nản và để "giết" thời gian, ông buộc phải tìm đến mấy cuốn sách để giải khuây.
Thật không ngờ, những cuốn sách đó toàn là bí quyết làm ăn của các tỷ phú Mỹ và ông đã nghiền ngẫm chúng như kiểu vừa tìm thấy bảo bối vậy.
Alan Phan nói đùa, nếu cô gái ấy đến đúng như lời hẹn, ông đã không đọc những cuốn sách kia. Và sau lần thất tình này, Alan Phan đã tìm thấy cơ hội làm ăn khi phát hiện ở thị trường Trung Quốc, công nghệ đang còn là một cái gì đó mới mẻ, xa lạ. Ông Alan Phan đã trở thành doanh nhân đầu tiên đưa giáo dục từ xa qua mạng Internet ở Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét