Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016
Nguồn gốc hành vi của Liên Xô
10:20
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: X (George F. Kennan) (1947), “The Sources of Soviet Conduct”, Foreign Affairs, No. 25 (July), pp. 566-582.
Biên dịch: Nguyễn Thị Hạnh | Hiệu đính: Bùi Hải Thiêm
Lời giới thiệu: Năm 1947, một bài viết có tựa đề “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” được đăng trên tạp chí Foreign Affairs dưới bút danh X đã trở thành tâm điểm của dư luận nước Mỹ. Bài viết đề cập những yếu tố như cách thức vận hành, nền tảng quyền lực và thế giới quan của chính quyền Liên Xô, phân tích những thách thức mà nước này đặt ra cho Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó. Bài viết thực tế bắt nguồn từ một bức điện mà George F. Kennan, Phó Đại sứ Mỹ tại Matx-cơ-va, gửi về cho Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 1946. Bức điện và bài viết của Kennan được coi là một trong những nền tảng quan trọng dẫn tới chính sách ngăn chặn của Mỹ đối với Liên Xô, thúc đẩy sự ra đời của cuộc Chiến tranh Lạnh chia rẽ hai nước này cũng như nền chính trị thế giới trong suốt hơn 40 năm. Đây cũng là một bài đọc kinh điển thường được đưa vào tập bài đọc nhập môn chuyên ngành Quan hệ quốc tế của các trường đại học trên thế giới. Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết quan trọng này.
Phẩm chất chính trị của chính quyền Liên Xô mà chúng ta biết ngày nay là sản phẩm kết hợp của tư tưởng và hoàn cảnh thực tiễn: hệ tư tưởng được các nhà lãnh đạo Xô Viết hiện tại kế thừa từ chuyển biến lịch sử với nguồn gốc tư tưởng chính trị, và từ hoàn cảnh thực tiễn của chính quyền được rèn dũa trong gần ba thập kỉ qua ở Nga. Rất khó để tiến hành các bước phân tích tâm lí học nhằm tìm ra mối tương tác giữa hai nhân tố trên cũng như vai trò tương đối của mỗi yếu tố trong việc quyết định đường lối chỉ đạo chính thức của chính quyền Xô Viết. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng để hiểu và ngăn chặn một cách hiệu quả đường lối đó.
Việc tổng hợp lại hệ thống các nội dung tư tưởng mà các nhà lãnh đạo Nga đã vận dụng khi nắm chính quyền là vô cùng khó khăn. Thể hiện trong sự hình thành của chủ nghĩa cộng sản ở Nga, hệ tư tưởng Mác vẫn đang phát triển theo hướng tinh vi. Các tài liệu dựa trên nền tảng hệ tư tưởng này rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, những đặc điểm nổi bật của tư tưởng cộng sản được cho là hình thành năm 1916 có thể được tóm gọn trong các nội dung sau: (a) yếu tố trung tâm trong cuộc sống của nhân loại, nhân tố quyết định đặc điểm của cuộc sống cộng đồng và “hình thái xã hội” là hệ thống nơi hàng hóa vật chất được sản xuất và trao đổi; (b) Hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa là tàn ác, vô nhân đạo và tất yếu sẽ dẫn đến việc giai cấp tư sản bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân và hệ thống này không đủ khả năng phát triển đầy đủ các nguồn lực của xã hội hay phân phối công bằng hàng hóa vật chất do sức lao động của con người tạo ra; (c) ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản đã chứa đựng mầm mống của sự tự sụp đổ, giai cấp tư sản không thể tự điều chỉnh để phù hợp với chuyển đổi kinh tế, chắc chắn cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng đưa giai cấp công nhân lên nắm quyền; và (d) chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản sẽ trực tiếp gây ra chiến tranh và cách mạng.
Những điểm còn lại có thể được nêu trong trước tác của Lê-nin: “Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị chính là quy luật bất biến của chủ nghĩa tư bản. Hệ quả theo sau đó chính là chiến thắng của chủ nghĩa xã hội ban đầu diễn ra tại chính một vài nước tư bản hoặc tại riêng một nước tư bản nào đó. Những người vô sản chiến thắng tại quốc gia đó khi loại bỏ những nhà tư sản và tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa tại chính quê nhà có thể đứng lên chống lại thế giới tư bản còn lại và thu hút các các giai tầng bị đàn áp ở những nước khác cùng tham gia” [xem chú thích 1]. Cần phải chú ý rằng chỉ có cách mạng vô sản mới đủ sức hạ gục chủ nghĩa tư bản. Cần phải có cuộc tấn công cuối cùng của phong trào cách mạng vô sản để lật đổ hệ thống tư bản đang lung lay. Chắc chắn rằng cuộc tấn công đó sẽ nổ ra, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.
Kể từ 50 năm trước cho tới khi Cách mạng (tháng Mười Nga) nổ ra, quan điểm tư tưởng này đã thực sự lôi cuốn các thành viên của phong trào cách mạng Nga. Bị trói buộc trong các giới hạn của chế độ Nga Sa Hoàng nhưng lại thiếu sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng đối với lựa chọn một cuộc cách mạng có đổ máu làm phương tiện đạt tiến bộ xã hội, những người ủng hộ cách mạng cảm thấy nản chí, bất mãn, tuyệt vọng hay không có đủ kiên nhẫn để để tìm kiếm một cuộc cách mạng thì họ tìm thấy trong học thuyết Mác-xít sự hợp lý hóa đầy thuận lợi cho những khát vọng tự nhiên của họ. Chính học thuyết Mác đã giúp họ có những lý giải mang tính khoa học giả hiệu về sự thiếu kiên định của họ, về sự phủ định tuyệt đối tất cả các giá trị trong chế độ Nga Hoàng, về sự khắc khoải với quyền lực và trả thù và về xu hướng muốn đi tắt đón đầu của họ. Chính vì học thuyết đáp ứng được nguyện vọng và thôi thúc tình cảm của họ nên họ đã đi đến chỗ ngầm tin tưởng vào chân lý và tính đúng đắn trong các giáo huấn của Mác- Lê-nin. Không có gì phải nghi ngờ về lòng trung thành của họ. Đây là lẽ tất yếu như bản chất của con người. Hiện tượng này đã được Edward Gibbon miêu tả sắc nét trong cuốn Sự suy vong và sụp đổ của Đế chế La Mã [The Decline and Fall of the Roman Empire]: “Rất dễ trượt bước nguy hiểm từ sự nhiệt thành sang sự lừa gạt; sự say mê hắc ám của Socrates đã tạo ra một ví dụ đáng nhớ về cách một người đàn ông khôn ngoan tự lừa gạt bản thân mình, cách một người tốt có thể đi lừa gạt người khác và cách lương tâm có thể bị ngủ vùi trong trạng thái tâm lý hỗn loạn, nửa tự ảo tưởng nửa muốn dối trá.” Chính những nhận thức đó đã đi cùng các thành viên của Đảng Bôn-sê-vic khi họ lên nắm quyền.
Nhưng giờ cũng là lúc nhận ra rằng trong suốt những năm chuẩn bị cho cách mạng, những con người đó, thực sự là ngay cả chính Mác, đã chú ý vào việc cần thiết lật đổ chính quyền của kẻ thù, việc phải tiến hành trước khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn là quan tâm đến hình thái tương lai của chủ nghĩa xã hội [xem chú thích 2]. Vì vậy, khi cương lĩnh đặt ra được thi hành, khi giành được chính quyền, quan điểm của họ về cương lĩnh cần triển khai trên thực tế sau khi đã giành được chính quyền còn mơ hồ, xa vời và không thực tế. Ngoài việc quốc hữu hóa nền công nghiệp và sung công các cổ phần tư hữu lớn, không có sự nhất trí nào nữa. Cách đối xử với giai cấp nông dân, mà theo trình bày của chủ nghĩa Mác không phải là giai cấp vô sản vẫn luôn là một điểm gây tranh cãi và dao động trong suy nghĩ trong mười năm đầu của chính quyền cộng sản.
Hoàn cảnh của nước Nga ngay sau cách mạng, khi nổ ra cuộc nội chiến và can thiệp của nước ngoài, cùng với thực tế những người cộng sản chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ nhân dân Nga đã khiến chính quyền độc tài[1] ra đời như một nhu cầu thiết yếu. Việc thử nghiệm “Chủ nghĩa Cộng sản thời chiến” cũng như vội vã cố gắng xóa bỏ sản xuất và kinh doanh tư nhân đã không may gây ra những hậu quả kinh tế và những khó khăn sau đó chống lại chính quyền cách mạng mới. Trong khi tạm thời giảm nhẹ nỗ lực cộng sản hóa nước Nga với chính sách kinh tế mới (NEP) đã giảm bớt một số khó khăn kinh tế và phục vụ phần nào mục đích trên, rõ ràng là “thành phần tư bản trong xã hội” cũng đã chuẩn bị để trục lợi ngay từ những biện pháp giảm nhẹ áp lực của của chính quyền, và do đó nếu được phép tiếp tục tồn tại, nó sẽ luôn là nhân tố đối đầu mạnh mẽ với chính quyền Xô Viết cũng như cạnh tranh ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn nước Nga. Ở một khía cạnh nào đó thì tình trạng tương tự cũng xảy ra với từng người nông dân, họ làm ăn nhỏ lẻ và cũng bị coi là nhà sản xuất tư nhân.
Nếu còn sống Lê-nin có thể đã là một con người vĩ đại đủ sức điều hòa các lực lượng mâu thuẫn trên để mang lại lợi ích cuối cùng cho xã hội Nga, điều này tất nhiên chưa thể khẳng định. Nhưng ngay cả nếu điều đó có thể xảy ra, Xta-lin và những người mà ông lãnh đạo trong cuộc chiến để nắm quyền kế tục vị trí của Lê-nin không khoan nhượng trước các thế lực chính trị cạnh tranh trong phạm vi quyền lực mà họ muốn nắm giữ. Họ luôn cảm thấy bất an. Bản ngã cuồng tín của họ quá khốc liệt và ích kỷ, không thể bị lung lạc bởi bất cứ truyền thống thỏa hiệp nào của người Anglo-Saxon nên không thể nghĩ đến chuyện phân chia quyền lực lâu dài. Xuất phát từ thế giới quan người Nga mang đậm chất Á Đông, họ mang theo hoài nghi về khả năng chung sống hòa bình và lâu dài giữa các lực lượng cạnh tranh. Do bị thuyết phục dễ dàng bởi giáo điều “lẽ phải” nên họ kiên quyết đòi khuất phục hoặc triệt tiêu tất cả các lực lượng đối lập. Ngoài Đảng cộng sản ra, xã hội Nga không được phép có tổ chức chặt chẽ nào khác nữa. Không được phép có những hình thức hành động tập thể hay lập hội vượt ra ngoài khuôn khổ chi phối của Đảng. Không một lực lượng nào khác trong xã hội Nga được phép có sức sống hay có tổ chức toàn vẹn. Chỉ duy nhất Đảng là có tổ chức, còn lại là khối quần chúng nhân dân vô tổ chức.
Và trong nội bộ của Đảng quy tắc tương tự cũng được áp dụng. Đa số các Đảng viên phải thực hiện các hình thức như kiểm tra, đánh giá, thảo luận, bầu cử và và hành động nhưng các hoạt động đó đó không phải do ý chí cá nhân mỗi Đảng viên thúc đẩy mà do hơi thở kinh ngạc của lãnh đạo Đảng và sự hiện diện đầy hăm dọa của “nghị quyết.”
Cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng về mặt chủ quan, những con người này của Đảng không vì lợi ích cá nhân mà đến với thể chế chuyên chế tuyệt đối. Họ tin tưởng hoàn toàn, và thấy rất dễ dàng tin rằng họ biết cái gì là tốt cho xã hội và họ có thể làm được điều tốt đó một khi quyền lực của họ đã được bảo đảm và không bị thách thức. Nhưng khi đi tìm điểm tựa an toàn cho sự cai trị của mình, họ đã không sẵn sàng chấp nhận bất cứ hạn chế nào đối với phương pháp của họ, dù là từ Chúa trời hay con người. Và cho đến khi có thể đạt được điểm tựa an toàn đó, họ đã đặt hạnh phúc và tự do của những ai đã tin tưởng giao phó cho họ ở phía rất xa trên cán cân ưu tiên của mình.
Hiện tại, hoàn cảnh nổi bật của chính quyền Xô Viết là cho đến tận ngày hôm nay họ vẫn chưa thể hoàn tất công cuộc củng cố chính trị và những con người trong điện Kremlin vẫn đang miệt mài chiến đấu để bảo vệ an ninh và tuyệt đối hóa chính quyền mà họ giành được tháng 11 năm 1917. Họ đã rất cố gắng để bảo vệ chính quyền chống lại những thế lực trong nước, trong chính xã hội Liên Xô. Ngoài ra họ cũng phải chiến đấu để chống lại những thế lực từ nước ngoài. Như chúng ta đã thấy, hệ tư tưởng Mác- Lê-nin đã dạy họ rằng thế giới bên ngoài kia là kẻ thù và trọng trách cuối cùng của họ chính là lật đổ các thế lực chính trị bên ngoài biên giới nước Nga. Lịch sử và truyền thống hùng mạnh của người Nga đã vươn lên giữ họ trong cảm giác đó. Nhưng cuối cùng sự không khoan nhượng đối với thế giới bên ngoài bắt đầu gặp phải phản ứng. Họ buộc phải sớm dùng đến một cụm từ khác của Gibbon, đó là “trừng phạt sự bất tuân” mà chính họ đã gây ra. Mỗi con người đều có đặc quyền không thể bác bỏ để chứng minh rằng mình đúng bằng luận điểm rằng thế giới ngoài kia là kẻ thù của anh ta (nên nó luôn nói ta sai). Vì nếu anh ta cứ lặp đi lặp lại nó thường xuyên và biến nó thành nền tảng cho hành vi của mình thì rốt cuộc niềm tin đó cũng trở thành đúng.
Một điều hiển nhiên là trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng như hệ tư tưởng của họ, họ không hề nhận thấy những lực lượng đối lập có chút gì tốt đẹp hay đúng đắn. Theo lý thuyết thì sự đối lập chỉ có thể xuất phát từ các lực lượng thù địch và suy đồi không thể cải tạo của chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Chừng nào các tàn dư của chủ nghĩa tư bản còn được thừa nhận chính thức là còn tồn tại ở nước Nga, thì còn có thể đổ cho nhân tố nội tại đó là cái cớ để duy trì thể chế độc tài đối với xã hội. Nhưng vì những tàn dư đó đã bị loại trừ, từng chút một, lý lẽ biện minh trên phải lùi dần; và khi những tàn dư đó được tuyên bố chính thức là đã bị bị diệt trừ triệt để, thì lý lẽ trên cũng phải biến mất cùng. Và thực tế này đã tạo ra một trong những thúc bách căn bản nhất đối với chế độ Xô Viết: kể từ khi chủ nghĩa tư bản không còn tồn tại ở Nga và kể từ khi không thể không thừa nhận sự chống đối gay gắt và lan rộng bộc phát từ quần chúng tự do đối với điện Kremlin, chính quyền Liên Xô đành phải thanh minh cho việc duy trì chế độ độc tài bằng cách nhấn mạnh vào hiểm họa của thế lực thù địch từ chủ nghĩa tư bản ở nước ngoài.
Việc này xảy ra từ sớm. Năm 1924, Xta-lin đã nêu cụ thể việc bảo vệ duy trì “các cơ quan đàn áp” – tức là quân đội và cảnh sát mật trên phương châm là “ở đâu có vòng vây của tư bản, nơi đó có nguy cơ can thiệp gây hậu quả xấu”. Cùng với lý luận trên, từ đó trở đi mọi thế lực chống đối ở trong nước Nga đều bị coi như là tay sai của các thế lực ngoại bang thù địch với chính quyền Xô Viết.
Biểu hiện tương tự đó là luận đề gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản nhấn mạnh đến sự đối kháng căn bản giữa thế giới tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nhưng rõ ràng qua các biểu hiện thì điểm nhấn này không có thực. Những dữ kiện thực tế liên quan đã bị làm rối tung lên bởi sự tồn tại của những oán hận thực sự từ bên ngoài do chính tư tưởng và thủ đoạn của chính quyền Liên Xô gây ra và sự tồn tại của các trung tâm sức mạnh quân sự khổng lồ của chế độ Phát xít ở Đức và Chính phủ Nhật Bản cuối những năm 1930 khi mà cả hai trên thực tế đã có ý đồ gây hấn chống lại Liên Xô. Nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy điểm nhấn của Mát-xcơ-va về mối đe dọa từ bên ngoài đối với xã hội của Liên Xô không xuất phát từ thực tế thù địch của nước ngoài mà từ nhu cầu cần thiết phải biện minh cho việc duy trì nền độc tài ở trong nước.
Hiện tại sự duy trì của nền độc tài trong chính quyền Xô Viết cụ thể chính là việc tiếp tục theo đuổi quyền lực vô hạn trong nước song hành cùng sự tuyên truyền huyễn hoặc về thái độ thù địch ghê gớm của nước ngoài đã đi quá xa và tạo nên bộ máy chính quyền Xô Viết mà chúng ta hiện thấy. Các cơ quan quản lí trong nước vì không phục vụ mục đích đó đã dần tàn lụi. Trong khi đó cơ quan nào theo đuổi mục đích này lại phình ra mạnh mẽ. An ninh của chính quyền Xô Viết đi đến phải dựa trên nguyên tắc sắt đá của Đảng, trên sự khắc nghiệt và có mặt khắp mọi nơi của cảnh sát mật, và trên sự độc quyền kinh tế không thỏa hiệp của nhà nước. Các “cơ quan đàn áp”, công cụ để lãnh đạo Liên Xô đảm bảo an ninh trước các thế lực cạnh tranh, lại trở thành ông chủ của những người dân mà vốn dĩ chúng được thiết kế ra để phục vụ. Hiện nay bộ phận chính trong bộ máy chính quyền Xô Viết vẫn tận tâm để hoàn thiện nền chuyên chính và giữ vững nhận thức rằng nước Nga vẫn đang bị vây hãm và bị kẻ thù đe dọa. Và hàng triệu con người trong bộ máy đó phải dùng bất cứ giá nào để bảo vệ cho nhận thức trên, vì nếu không họ sẽ trở nên vô dụng.
Như những gì hiện nay cho thấy, những người cầm quyền không còn nghĩ về việc từ bỏ những cơ quan đàn áp đó. Nhu cầu về một chính quyền chuyên chính, cái mà nước Nga đã theo đuổi gần ba thập kỉ liên tiếp với mức độ tàn bạo vô song (ít nhất là về quy mô) trong thời hiện đại đã tỏ ra phản tác dụng ngay trong lòng nước Nga như nó đã xảy ra ở nước ngoài. Hệ thống cảnh sát dư thừa quá mức đã thổi bùng sự đối lập tiềm tàng đối với chế độ thành một thứ gì đó to lớn và nguy hiểm hơn trước đây.
Nhưng nhất là những người cầm quyền không thể từ bỏ viễn tưởng rằng việc duy trì nền chuyên chính của mình đã được bảo vệ vững chắc. Bởi lẽ viễn tưởng đó đã được đưa lên đài vinh quang trong tư duy của Liên Xô bởi những điều thái quá được thực hiện với danh nghĩa của nó; và hiện tại thì nó đã được neo vào suy nghĩ của bộ máy Xô Viết bằng những sợi dây ràng buộc chặt chẽ hơn nhiều so với hệ tư tưởng đơn thuần có thể có.
II.
Như vậy là đã đủ để nói về hoàn cảnh lịch sử. Thế còn phẩm chất chính trị của chính quyền Xô Viết mà chúng ta biết hiện nay được thể hiện ra như thế nào?
Không một thứ gì trong hệ tư tưởng nguyên khởi bị chính thức vứt bỏ vào sọt rác cả. Người ta duy trì niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản về cơ bản là xấu xa, sự tiêu vong của nó là không thể tránh khỏi và giai cấp vô sản có nhiệm vụ hỗ trợ sự tiêu vong đó và đứng lên nắm quyền. Tuy nhiên, người ta lại nhấn mạnh chủ yếu vào những nội dung liên quan cụ thể nhất đến chính quyền Xô Viết: về vị trí của nó là chính quyền xã hội chủ nghĩa chân chính duy nhất trong thế giới tăm tối, lạc hướng và về các mối liên hệ quyền lực trong nó.
Nội dung đầu tiên trong đó là sự đối đầu đương nhiên giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Thực tế chúng ta thấy nội dung này đã được lập trình sẵn trong nền tảng của chính quyền Xô Viết. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến hành vi của Nga trong giao thiệp quốc tế. Điều đó có nghĩa là về phía Mát-xcơ-va không bao giờ có việc thành thực chấp nhận mục tiêu chung giữa Liên Xô và các chính quyền được coi là tư bản. Có một nhận định bất biến ở Mát-xcơ-va là mục tiêu của chủ nghĩa tư bản luôn đi ngược lại chính quyền Xô Viết, vì vậy nó đi ngược lại lợi ích của quần chúng nhân dân. Nếu chính phủ Liên Xô có đôi khi ký kết các văn kiện trái ngược với nhận thức này thì điều đó được xem như một bước đi chiến thuật để thương lượng với kẻ thù (kẻ không có danh dự) và nên được xem xét một cách thận trọng. Về cơ bản, sự đối kháng vẫn còn đó. Người ta cho là như vậy. Việc này kéo theo rất nhiều hiện tượng mà chúng ta thấy phiền phức trong việc tiến hành chính sách đối ngoại của điện Kremlin: sự bưng bít, thiếu thẳng thắn, hai mặt khó đoán, sự nghi ngờ cảnh giác và mục đích không thiện chí chút nào. Những hiện tượng đó vẫn tồn tại, trong tương lai gần. Những hiện tượng đó biến hóa ở rất nhiều mức độ và cường độ. Khi người Nga muốn một thứ gì đó từ chúng ta, họ sẽ tạm giấu đi một hay các đặc trưng đó ra sau lưng, và lúc đó sẽ có những người Mỹ đưa ra lời phát biểu đầy vui sướng rằng: “người Nga đã thay đổi”, và một số người thậm chí cố gắng nhận vơ lấy thành tích đã đem lại “những thay đổi” đó. Nhưng chúng ta không nên bị đánh lạc hướng bởi chiêu trò đó. Những đặc tính đó của chính sách Xô Viết, giống như định đề mà họ xuất phát, phù hợp với bản chất bên trong của chính quyền Xô Viết và chúng sẽ luôn ở quanh chúng ta, dù là trước mặt hay sau lưng cho đến khi bản chất nội tại của chính quyền Xô Viết bị thay đổi.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tiếp tục khó thương lượng với Nga trong một thời gian dài nữa. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta coi họ đang tiến hành một đường lối sống mái để lật đổ xã hội của chúng ta vào một ngày đã định. May mắn thay, lý thuyết về việc chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ chắc chắn sụp đổ có nghĩa là không phải vội vàng về việc đó. Các lực lượng tiến bộ có đủ thời gian để chuẩn bị cho pha kết liễu cuối cùng. Trong lúc đó, điều hệ trọng là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”- nơi ốc đảo quyền lực mà chủ nghĩa xã hội đã giành được dưới hình hài của Liên Xô – cần được nâng niu và bảo vệ bởi tất cả những người cộng sản chân chính ở trong và ngoài nước, vận may (của Liên Xô) lại gia tăng, kẻ thù bị dồn vào thế khó và bị đánh bại. Việc thúc đẩy vội vàng các dự án cách mạng mang tính “phiêu lưu”, chưa chín muồi ở nước ngoài có thể làm cho chính quyền Xô Viết lúng túng và bất kể thế nào cũng là hành động không thể tha thứ, thậm chí phản cách mạng. Sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội là sự ủng hộ và thúc đẩy quyền lực của Liên Xô, theo cách hiểu của Mát-xcơ-va.
Điều này mang tới cho chúng ta nội dung quan trọng thứ hai trong quan điểm đương thời của Xô Viết. Đó là điện Kremlin không bao giờ sai lầm. Quan điểm của chính quyền Xô Viết về quyền lực là không cho phép tâm điểm của tổ chức nào hoạt động ngoài phạm vi của Đảng và yêu cầu tin tưởng rằng sự lãnh đạo của Đảng là nơi duy nhất mang lại chân lý, về lý thuyết là vậy. Bởi vì nếu sự thật còn được tìm thấy ở nơi nào khác nữa thì có nghĩa là nó sẽ thể hiện ra bằng hoạt động có tổ chức. Nhưng hoạt động có tổ chức chính là cái mà Kremlin không thể và sẽ không cho phép.
Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là luôn luôn đúng, và đã luôn đúng kể từ năm 1929 khi mà Xta-lin chính thức hóa quyền lực cá nhân bằng tuyên bố rằng các quyết định của bộ chính trị đều được đồng thuận.
Nguyên tắc không bao giờ sai lầm là nền tảng của kỷ luật sắt đá của Đảng cộng sản. Thực tế thì hai nội dung này hỗ trợ cho nhau. Kỷ luật hoàn hảo đòi hỏi sự thừa nhận của nguyên tắc không bao giờ sai lầm. Không bao giờ sai lầm đòi hỏi tuân thủ kỷ luận tuyệt đối. Và cả hai cùng nhau quyết định đến hành vi của cả bộ máy chính quyền Xô Viết. Nhưng chúng ta sẽ không thể hiểu được hệ quả của hai điều này nếu không xét đến nhân tố thứ ba: cụ thể là, giới lãnh đạo tự do đặt ra bất kỳ một luận điểm nào cho các mục đích chiến thuật mà họ thấy hữu dụng cho sự nghiệp cách mạng, tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào và đòi hỏi sự chấp nhận một cách trung thành và không được phép nghi ngờ của các thành viên trong toàn thể phong trào. Điều này có nghĩa là sự thật không phải là cái gì bất biến mà thực sự là được chính các nhà lãnh đạo Xô Viết tạo ra vì tất cả các ý định và mục đích kể trên. Sự thật đó có thể thay đổi từ tuần này sang tuần khác, từ tháng này sang tháng khác. Không có gì là tuyệt đối và bất biến – không có gì xuất phát từ thực tế khách quan. Chân lý chỉ có thể phát ra từ biểu hiện gần nhất của minh triết ở những người được cho là có trí tuệ tột đỉnh, vì họ thể hiện quy luật logic của lịch sử. Tác động tích tụ của các nhân tố này là nhằm mang lại niềm tin kiên định, không thể lay chuyển được cho tất cả các cơ quan, bộ máy bên dưới chính quyền Xô Viết vào phương hướng của chính quyền. Phương hướng này có thể thay đổi bởi ý muốn của điện Kremlin chứ không phải ai khác. Một khi đã có đường lối của Đảng đối với một vấn đề cụ thể của chính sách hiện tại, tất cả bộ máy chính quyền Xô Viết, gồm cả cơ chế ngoại giao phải chuyển động theo con đường bắt buộc giống như một món ô tô đồ chơi được lập trình và chạy theo hướng được cài sẵn, chỉ dừng khi gặp lực cản không thể chống lại được. Các cá nhân là bộ phận trong bộ máy đó không được cãi lý hay tranh luận dựa trên các nguồn thông tin từ bên ngoài. Quá trình tôi luyện đã dạy họ phải nghi ngờ và coi thường những lí lẽ thuyết phục trơn tru từ thế giới bên ngoài. Giống như con chó trắng trong trò quay đĩa, nó chỉ nghe “tiếng nói của chủ nhân”. Và nếu phải yêu cầu họ dừng tiến hành mệnh lệnh nào trước đó thì chỉ có chủ nhân mới làm được. Vì vậy, đại diện ngoại quốc không thể hy vọng rằng anh ta có thể gây ấn tượng với họ bằng lời nói. Điều tốt nhất anh ta có thể hy vọng là những lời lẽ đó có thể được truyền đến tai của những nhà lãnh đạo cao nhất, những người có thể thay đổi đường lối của đảng. Nhưng ngay cả thế thì họ cũng không dễ bị thuyết phục bởi bất cứ lý lẽ logic nào của đại diện giai cấp tư sản. Bởi lẽ chẳng có điểm gì chung về mục đích thì cũng chẳng thể có điểm gì chung về cách tiếp cận được. Vì lý do này, thực tế luôn có trọng lượng hơn lời nói khi đi đến tai của lãnh đạo Kremlin, và lời nói có trọng lượng nhất khi chúng có âm thanh phản ánh hoặc được hỗ trợ bởi những thực tế không thể chối cãi.
Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng điện Kremlin không bị thúc ép nào về tư tưởng để phải vội vã hoàn thành các mục tiêu. Giống như Giáo hội, Kremlin phải xử lý các nội dung tư tưởng mang giá trị lâu dài và nó có thể có đủ kiên nhẫn. Kremlin không có quyền gây nguy hiểm đến các thành quả cách mạng hiện có vì các thứ hão huyền của tương lai. Lời dạy của chính Lê-nin đòi hỏi phải thận trọng và linh hoạt khi theo đuổi các mục tiêu cộng sản. Một lần nữa, những lời giáo huấn này được khẳng định vững chắc bởi bài học lịch sử của nước Nga: của hàng thế kỉ chiến tranh mờ mịt giữa các lực lượng du cư trên những dải đồng bằng rộng lớn không phòng ngự. Ở đây, sự phòng ngừa, lường trước, linh động và mưu mẹo là những phẩm chất quý giá, tâm lý của người Nga hay người phương Đông tự nhiên đã coi trọng những giá trị đó. Vì thế điện Kremlin không lấy gì làm tội lỗi khi phải lùi bước trước thế lực mạnh hơn. Và do không phải chịu áp lực về thời gian, Kremlin không hoang mang sợ hãi khi thấy cần phải rút lui. Động thái chính trị của nó như một dòng chảy di động, có thể chuyển động liên tục ngay khi có sự cho phép, và luôn hướng về một mục tiêu đã định. Mối lo ngại chính của nó là làm sao để chắc chắn lấp đầy mọi ngõ ngách, vết nứt đang có trong lòng chảo quyền lực của thế giới. Nhưng nếu gặp phải rào cản không thể đánh bại trên đường đi, nó sẽ bình thản chấp nhận và tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp. Vấn đề chính là phải luôn có áp lực, áp lực liên tiếp không ngừng trước những mục tiêu mà họ mong muốn. Không tồn tại bất cứ dấu vết cảm giác nào trong tâm lý của Liên Xô rằng họ phải đạt được mục tiêu cụ thể vào một thời điểm nhất định nào đó.
Chính những sự suy xét trên đã khiến việc ứng xử với ngoại giao của Liên Xô vừa dễ dàng hơn lại vừa khó khăn hơn so với ngoại giao của các nhà lãnh đạo hiếu chiến như Napoleon hay Hitler. Một mặt, ngoại giao Liên Xô nhạy cảm hơn với các thế lực đối kháng, sẵn sàng nhượng bộ về các lĩnh vực riêng lẻ trên mặt trận ngoại giao khi nhận thấy thế lực đó quá mạnh, vì vậy mà nó duy lý hơn về lô-gic và lời lẽ của chính quyền. Mặt khác, không dễ gì đánh bại hay làm nhụt chí được Liên Xô chỉ bởi một chiến thắng đơn lẻ của đối thủ. Sức sống kiên trì, bền bỉ của nó chứng tỏ nó không thể bị đánh bại chỉ bởi các hành động rời rạc đại diện cho quan điểm dân chủ nhất thời mà chỉ có thể bởi chính sách khôn ngoan dài hạn của các kẻ thù với nước Nga – những chính sách đó phải kiên định không kém trong mục đích, đa dạng và khôn ngoan không kém trong áp dụng so với các chính sách của Liên Xô.
Trong các tình huống trên, rõ ràng thành tố chính trong chính sách của Mỹ với Liên Xô phải là dài hạn, kiên trì nhưng chắc chắn và cảnh giác trong ngăn chặn khuynh hướng bành trướng của Nga. Mặc dù vậy, chúng ta cần lưu ý rằng chính sách này không liên quan gì đến những hành vi diễn kịch phóng đại bề ngoài, với những đe dọa hoặc lớn tiếng suông hoặc những cử chỉ hời hợt để thể hiện “cứng rắn” bề ngoài. Trong khi điện Kremlin về cơ bản vẫn linh hoạt trong phản ứng trước các thực tế chính trị, họ không thể bỏ qua những cân nhắc về uy tín. Giống như hầu hết các chính phủ khác, các cử chỉ đó có thể trở thành không lịch thiệp và đầy đe dọa khi họ không thể nhân nhượng dù lúc đó lý trí về hiện thực vẫn đang điều khiển. Các nhà lãnh đạo Nga luôn am hiểu tâm lý con người, và vì vậy họ nhận thức cao độ rằng mất bình tĩnh và mất kiểm soát bản thân không bao giờ có lợi khi trong lĩnh vực chính trị. Họ nhanh nhạy trong việc lợi dụng những điểm yếu. Vì những nguyên nhân trên, điều kiện cần để bang giao thành công với Nga là chính phủ nước ngoài phải luôn tỉnh táo và tập trung, và những yêu cầu đối với chính sách của Nga phải được đưa ra theo cách để ngỏ cho sự tuân thủ không quá gây hại đến uy tín của Nga.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét