Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Quyền lực chính trị


Nguồn: Hans J. Morgenthau (1948). “Political Power”, in H.J. Morgenthau, Politics among Nations: The Struggle for Power and Peace (New York, NY: Alfred A. Knopf), pp. 13-20.
Biên dịch: Võ Hoàng Phương Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
I. Quyền lực chính trị là gì?[1]
Chính trị quốc tế, giống như mọi loại chính trị khác, là một cuộc tranh giành quyền lực. Bất kể mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế là gì, quyền lực luôn luôn là mục đích tức thì. Chính trị gia và các dân tộc có thể rốt cuộc muốn tìm kiếm tự do, an ninh, sự thịnh vượng, hay chính bản thân quyền lực. Họ có thể xác định mục tiêu của mình trên góc độ lý tưởng về tôn giáo, triết học, kinh tế hoặc xã hội. Họ có thể hy vọng rằng những lý tưởng trên có thể thành hiện thực thông qua chính nội lực của mình, qua sự can thiệp của Chúa trời, hoặc thông qua sự phát triển tự nhiên của những vấn đề nhân sinh. Nhưng bất kể khi nào họ đấu tranh để đạt được những mục đích của mình thông qua phương tiện chính trị quốc tế, họ phải thực hiện bằng tranh đấu quyền lực. Những chiến binh Thập Tự Chinh muốn giải phóng các vùng đất Thánh khỏi sự thống trị của những kẻ ngoại đạo; Woodrow Wilson muốn thế giới an toàn cho chế độ dân chủ; Đảng Quốc gia Xã hội muốn biến Đông Âu thành  thuộc địa của Đức nhằm chế ngự châu Âu và sau đó thống trị thế giới. Bởi họ chọn con đường quyền lực để đạt được các mục đích này, họ trở thành những diễn viên trên sân khấu chính trị quốc tế.[2]

Khi đề cập đến khái niệm quyền lực trong phạm vi quyển sách này, chúng ta cần hiểu rằng chúng ta không phải đang nhắc đến thứ sức mạnh tự nhiên của con người, cũng không phải là sức mạnh của anh ta đối với các phương tiện nghệ thuật như ngôn ngữ, diễn đạt, âm thanh hay màu sắc, cũng không phải sức mạnh đối với các phương tiện sản xuất hay tiêu dùng, và cũng không phải sức mạnh của anh ta đối với chính bản thân mình theo nghĩa là khả năng kiểm soát bản thân. Khi đề cập đến khái niệm quyền lực, chúng ta muốn nhắc đến việc chi phối suy nghĩ và hành động của người này đối với người khác. Khi nói đến quyền lực chính trị, chúng ta nhắm tới những mối quan hệ của sự chi phối lẫn nhau giữa những người nắm giữ quyền lực công và giữa họ với công chúng nói chung.
Tuy nhiên, quyền lực chính trị phải được phân biệt rõ ràng với vũ lực theo nghĩa là việc thực thi bạo lực thể chất trên thực tế. Sự răn đe bằng các hành vi bạo lực thể chất thông qua hình thức hoạt động của cảnh sát, việc tống giam, xử tử hình, hoặc gây chiến…là một thành tố cố hữu của chính trị. Khi bạo lực xảy ra, nó biểu thị cho việc quyền lực chính trị bị từ bỏ nhường chỗ cho quyền lực quân sự hay mang tính chất quân sự. Đặc biệt trong chính trị quốc tế, sức mạnh vũ trang với tư cách là một mối đe doạ hoặc khả năng tiềm tàng là một trong những nhân tố vật chất quan trọng nhất cấu thành nên quyền lực chính trị của một quốc gia. Nếu xảy ra trong chiến tranh, nó biểu thị cho việc thay thế quyền lực chính trị bằng quyền lực quân sự. Việc tiến hành bạo lực thể chất trên thực tế thay thế cho mối liên hệ về tâm lý giữa hai tư duy con người –vốn là bản chất của quyền lực chính trị – bằng mối liên hệ thể chất giữa hai con người, mà trong đó một bên đủ mạnh để chế ngự sự hoạt động của bên còn lại. Vì lý do này mà khi việc thực thi bạo lực thể chất diễn ra, yếu tố tâm lý của quyền lực chính trị đã bị đánh mất, và vì thế chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa quyền lực quân sự và quyền lực chính trị.
Quyền lực chính trị là một mối quan hệ về tâm lý giữa những người thực thi quyền lực với những người bị tác động. Nó cho phép người thực thi quyền lực kiểm soát những hành động nhất định của người bị tác động thông qua ảnh hưởng mà người thực thi quyền lực gây nên đối với nhận thức của người bị tác động. Ảnh hưởng đó có thể tồn tại dưới dạng mệnh lệnh, đe doạ, thuyết phục hoặc là kết hợp giữa những hình thức trên. Tổng thống Mỹ là một ví dụ, thực thi quyền lực chính trị của mình đối với nhánh hành pháp của chính phủ miễn là các mệnh lệnh của Tổng thống được các thành viên trong nhánh tuân theo. Lãnh đạo của một Đảng phái có quyền lực chính trị chừng nào mà ông ta có khả năng tạo ra khuôn mẫu hành động cho các thành viên theo ý muốn của mình. Chúng ta cũng có thể nói tới quyền lực chính trị của một nhà tư bản công nghiệp, lãnh đạo nghiệp đoàn hay một người vận động hành lang nếu như mong muốn của anh ta có ảnh hưởng đến hành động của những người khác. Mỹ áp đặt quyền lực chính trị của mình lên Puerto Rico chừng nào mà những đạo luật của Mỹ vẫn được tuân thủ bởi những công dân của hòn đảo này. Khi nhắc đến quyền lực chính trị của Mỹ tại Trung Mỹ, chúng ta nghĩ tới sự phù hợp trong hành động của chính quyền các quốc gia này đối với ý chí, nguyện vọng của chính phủ Mỹ.[3] Do vậy, nói rằng A có hoặc muốn có quyền lực chính trị đối với B luôn luôn có nghĩa rằng A có thể, hoặc muốn có thể chi phối những hành động nhất định của B thông qua ảnh hưởng đối với suy nghĩ của B.
Bất kể các mục đích vật chất của chính sách đối ngoại là gì, ví dụ như là việc chiếm hữu các nguồn nguyên liệu thô, kiểm soát các tuyến đường biển, hoặc thay đổi về mặt lãnh thổ, chúng luôn luôn đòi hỏi sự kiểm soát hành động của đối tượng khác thông qua tác động lên suy nghĩ của họ. Biên giới sông Rhine, một đối tượng suốt hàng thế kỷ trong chính sách đối ngoại Pháp, liên quan đến mục tiêu chính trị là phá huỷ tham vọng của Đức trong việc tấn công Pháp, bằng việc khiến Đức gặp khó khăn hoặc không thể làm được việc đó. Nước Anh có được vị trí ưu thế đối với chính trị thế giới trong suốt thế kỉ XIX là nhờ vào những chính sách được tính toán nhằm làm cho bản thân nó hoặc là quá nguy hiểm (vì Vương quốc Anh quá mạnh) hoặc khiến các quốc gia khác không muốn chống lại nó (vì sức mạnh của nó được sử dụng một cách chừng mực).
Mục tiêu chính trị của việc chuẩn bị quân sự dưới bất kì hình thức nào là nhằm răn đe những quốc gia khác không dám tấn công bằng cách làm cho việc tấn công trở nên quá rủi ro không đáng để thực hiện. Nói cách khác, mục tiêu chính trị của việc chuẩn bị quân sự là làm cho việc áp dụng sức mạnh quân sự trở nên không cần thiết bằng cách khiến các kẻ thù tiềm năng từ bỏ ý định sử dụng vũ lực quân sự. Mục tiêu chính trị của chính bản thân chiến tranh không chỉ đơn thuần là chinh phục lành thổ và huỷ diệt quân đội kẻ thù, mà là một sự thay đổi trong suy nghĩ của kẻ thù – làm cho họ phải tuân theo ý chí của người chiến thắng.
Do đó, bất cứ khi nào những chính sách kinh tế, tài chính, lãnh thổ hoặc quân sự được xem xét trong đời sống quốc tế, điều cần thiết là phải phân biệt rõ giữa các đối sách kinh tế được thực hiện vì mục tiêu kinh tế đơn thuần và những chính sách kinh tế được sử dụng như các công cụ của chính sách chính trị, có nghĩa là một chính sách mà mục đích kinh tế của nó chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu kiểm soát các chính sách của một quốc gia khác. Chính sách xuất khẩu của Thuỵ Sĩ đối với Mỹ được xếp vào nhóm đầu tiên. Chính sách kinh tế của Liên Xô đối với các quốc gia trong khu vực Đông và Đông Nam Âu lại được xếp vào nhóm thứ hai. Tương tự như vậy đối với nhiều chính sách của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh và châu Âu. Sự phân biệt này có tầm quan trọng rất lớn trong thực tiễn, và nếu không phân biệt được chúng sẽ dẫn đến nhiều sự bối rối trong chính sách lẫn công luận.
Một chính sách kinh tế, chính trị, lãnh thổ hoặc quân sự được hoạch định bởi chính lợi ích của nó lại cần được đánh giá theo những tiêu chí của riêng nó. Liệu nó có lợi về tài chính hay kinh tế hay không? Việc chiếm hữu lãnh thổ có tác động như thế nào đối với dân cư và nền kinh tế nước chiếm hữu? Hệ quả nào xảy ra đối với hệ thống giáo dục, dân số và nền chính trị trong nước khi có một sự thay đổi trong chính sách quân sự? Các quyết định liên quan đến những chính sách đó được đưa ra hoàn toàn bằng các cân nhắc nội tại như vậy.
Tuy nhiên, khi mục tiêu của những chính sách này là nhằm gia tăng quyền lực chính trị của một quốc gia đối với các quốc gia khác thì những chính sách này và mục đích của chúng phải được đánh giá chủ yếu trên phương diện liệu các chính sách đó đóng góp ra sao cho quyền lực quốc gia. Một chính sách kinh tế dù không thể biện minh được chỉ bởi những yếu tố kinh tế đơn thuần thì vẫn có thể được thực hiện nếu xét tới chính sách chính trị đang được theo đuổi. Tính không an toàn và không mang lại lợi nhuận của một khoản cho vay với nước ngoài có thể trở thành một luận điểm chống lại nó nếu chỉ xét đến các cơ sở tài chính đơn thuần. Nhưng luận điểm đó không còn hợp lý nếu khoản cho vay, bất kể thiếu khôn ngoan như thế nào trong con mắt của một người làm ngân hàng, là nhằm phục vụ những mục tiêu chính trị của quốc gia. Dĩ nhiên, cũng có thể rằng các tổn thất về mặt kinh tế và tài chính liên quan đến các chính sách như vậy có thể làm suy yếu vị thế quốc gia trên chính trường quốc tế tới một mức độ lớn hơn cả những lợi ích chính trị được mong đợi. Từ những căn cứ đó, các chính sách trên có thể bị bác bỏ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều quyến định vấn đề không phải là các cân nhắc về kinh tế và tài chính đơn thuần mà là sự so sánh những thay đổi về chính trị và những rủi ro liên quan, nghĩa là những tác động khả dĩ của những chính sách này đối với quyền lực quốc tế của quốc gia.
II. Sự suy giảm của quyền lực chính trị
Khát vọng quyền lực trở thành một nhân tố đặc trưng của chính trị quốc tế, vì trong mọi hình thái chính trị, chính trị quốc tế cần thiết phải là thứ chính trị quyền lực. Trong khi sự thật này nhìn chung được thừa nhận trong thực tiễn ngoại giao quốc tế, thì nó lại thường bị chối bỏ trong các tuyên bố của giới học giả, các nhà tuyên truyền và kể cả các chính trị gia. Từ khi các cuộc chiến tranh của Napoleon kết thúc, càng có nhiều nhóm ở thế giới phương Tây tin rằng cuộc chiến giành quyền lực trên trường quốc tế chỉ là một hiện tượng tạm thời, một sự cố lịch sử vốn chắc chắn sẽ biến mất một khi những điều kiện lịch sử đặc biệt tạo nên chúng bị xóa bỏ. Do đó, Jeremy Bentham tin rằng sự tranh giành thuộc địa chính là căn nguyên cho mọi xung đột quốc tế. “Hãy giải phóng các thuộc địa của các ngài đi!” là lời khuyên của ông giành cho các chính phủ, và các cuộc chiến tranh cũng như xung đột quốc tế chắc chắn sẽ biến mất.[4] Những người ủng hộ thương mại tự do, như Cobden[5] và Proudhon[6], đã bị thuyết phục rằng việc dỡ bỏ các rào cản thương mại là điều kiện duy nhất để xác lập sự hoà hợp vĩnh cửu giữa các quốc gia và thậm chí còn có thể dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của chính trị quốc tế. “Ở một số cuộc bầu cử trong tương lai”, Cobden nói, “chúng ta có thể dễ dàng thấy bài  kiểm tra “không còn chính trị quốc tế” sẽ được áp dụng với những người đề nghị được trở thành đại diện cho các nhóm cử tri tự do”[7]. Đối với Mác và những người ủng hộ ông, chủ nghĩa tư bản chính là căn nguyên của chiến tranh và sự chia rẽ quốc tế. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội quốc tế sẽ xoá bỏ sự đấu tranh quyền lực trong chính trị quốc tế và đem lại hòa bình vĩnh viễn. Trong suốt thế kỉ XIX, những người theo chủ nghĩa tự do ở mọi nơi chia sẻ niềm tin rằng chính trị quyền lực và chiến tranh là tàn dư của một hệ thống cai trị lỗi thời và với chiến thắng của chế độ dân chủ và các chính phủ dựa trên hiến pháp đối với chính thể toàn trị và độc tài, sự hòa hợp quốc tế và nền hoà bình vĩnh cửu sẽ đánh bại chính trị quyền lực và chiến tranh. Trong trường phái tư tưởng tự do này, Woodrow Wilson chính là chính trị gia có tài hùng biện và có sức ảnh hưởng nhất.
Trong thời gian gần đây, niềm tin rằng sự tranh giành quyền lực có thể bị xoá bỏ khỏi chính trường quốc tế đã được kết hợp với các nỗ lực to lớn trong việc tổ chức lại thế giới, như là Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc. Do vậy Cordell Hull, lúc đó là Ngoại trưởng, đã tuyên bố vào năm 1943 khi trở về từ Hội nghị Matxcơva, sự kiện đặt nền móng cho Liên Hợp Quốc, rằng tổ chức quốc tế mới này đồng nghĩa với việc chấm dứt chính trị cường quyền và mở ra một thời đại mới của hợp tác quốc tế.[8] Philip Noel-Baker, khi đó là Quốc vụ khanh Anh, vào năm 1946 đã tuyên bố trước Hạ viện rằng chính phủ Anh đã “quyết tâm sử dụng các thể chế của Liên Hợp Quốc để xoá bỏ chính trị cường quyền, để thông qua thể chế dân chủ giúp cho ý chí người dân sẽ có vị trí thống lĩnh.”[9]
Dù chúng ta còn nhiều chuyện phải bàn đến sau này về những lý thuyết này cũng như những kì vọng mà chúng mang lại,[10] không quá để cho rằng sự tranh giành quyền lực rất phổ quát cả về không gian và thời gian và là một sự thật không thể chối cãi. Không thể phủ nhận rằng trong suốt lịch sử, bất chấp những điều kiện về chính trị, kinh tế và xã hội, các quốc gia đã đụng đầu nhau trong cuộc chiến về quyền lực. Mặc dù các nhà nhân chủng học chỉ ra rằng một số tộc người nguyên thủy nhất định dường như không bị ham muốn quyền lực chi phối, chưa ai từng cho thấy cách thức tái tạo lại tình trạng tư duy cũng như các điều kiện sống của họ trên một phạm vi toàn cầu mà qua đó có thể xóa bỏ được sự tranh giành quyền lực khỏi đời sống quốc tế.[11] Sẽ là vô ích và thậm chí là tự phá huỷ mình khi giải thoát dân tộc nào đó trên trái đất khỏi sự đam mê quyền lực trong khi vẫn để ham muốn đó tiếp tục tồn tại với những dân tộc khác. Nếu sự khao khát quyền lực không thể bị xoá bỏ trên toàn thế giới, những người thoát khỏi chúng có thể sẽ trở thành nạn nhân đối với quyền lực của những người khác.
Quan điểm này có thể bị phê phán trên cơ sở rằng những kết luận rút ra từ quá khứ là không thuyết phục và rằng việc đưa ra những kết luận như vậy luôn là chiêu thức của những kẻ chống lại sự tiến bộ và cải cách. Mặc dù sự thật là một số thể chế và dàn xếp xã hội đã luôn tồn tại trong quá khứ, nhưng không nhất thiết có nghĩa là chúng sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai. Tuy nhiên, tình huống lại trở nên khác biệt khi chúng ta không phải đang xem xét các thể chế và dàn xếp xã hội tạo ra bởi con người, mà xem xét những nhân tố tâm sinh lý mà thông qua đó dần dần xã hội được tạo nên. Khao khát được sống, duy trì nòi giống, và áp đảo người khác là lẽ thường đối với mọi con người.[12] Sức mạnh tương đối của các khát khao đó phụ thuộc vào các điều kiện xã hội – những thứ có thể phù hợp với một khát khao nào đó nhưng có xu hướng kìm hãm những khát khao khác, hoặc là những thứ có thể ngăn cản sự chấp thuận của xã hội đối với những biểu hiện nhất định của những khát khao này, trong khi lại khuyến khích những cái khác. Do vậy, nếu lấy ví dụ chỉ trong khía cạnh quyền lực, hầu hết mọi xã hội lên án việc giết chóc như là một phương tiện để đạt được quyền lực trong xã hội, nhưng mọi xã hội lại khuyến khích việc tiêu diệt kẻ thù trong cuộc chiến giành quyền lực được gọi là chiến tranh. Các nhà độc tài nhìn một cách không mấy thiện cảm đối với sự khao khát quyền lực chính trị của những công dân nước mình, nhưng các nền dân chủ lại coi việc tham gia tích cực vào việc cạnh tranh quyền lực chính trị là một nghĩa vụ công dân. Khi tồn tại một cách thức tổ chức các hoạt động kinh tế theo hình thức độc quyền thì sẽ không có sự cạnh tranh để giành quyền lực kinh tế; và trong các hệ thống kinh tế cạnh tranh, những biểu hiện nhất định của việc tranh giành quyền lực kinh tế bị đặt ngoài vòng pháp luật, trong khi một số khác lại được khuyến khích.
Tuy nhiên, không kể đến những điều kiện xã hội nhất định, sự phản bác quan trọng nhất đối với ý kiến cho rằng cuộc chiến quyền lực trong chính trị quốc tế chỉ là một sự cố lịch sử lại xuất phát từ bản chất của nền chính trị trong nước. Bản chất của chính trị quốc tế là đồng nhất với bản chất chính trị trong nước. Chính trị trong nước và quốc tế đều là những sự tranh giành quyền lực, chỉ khác nhau bởi những điều kiện mà tại đó sự tranh giành diễn ra – bối cảnh trong nước hay không gian quốc tế.
Đặc biệt, khao khát chiếm ưu thế vượt trội là nhân tố cấu thành của mọi sự liên kết giữa con người, từ gia đình thông qua những mối liên kết thân hữu anh em  hoặc quan hệ nghề nghiệp, và từ những tổ chức chính trị địa phương cho tới cấp quốc gia. Ở cấp độ gia đình, bản chất của mâu thuẫn điển hình giữa mẹ chồng/vợ và con dâu/rể nằm trong việc tranh giành quyền lực, sự bảo vệ một vị trí quyền lực đã được xác lập đối với nỗ lực hình thành một vị trí quyền lực mới. Do vậy, mối quan hệ này có thể dự đoán về xung đột trên trường quốc tế giữa chính sách của cường quốc đang áp đảo nguyên trạng và đế quốc đang trỗi dậy. Các nhóm xã hội, nhóm thân hữu, các khoa trường và các tổ chức kinh doanh đều là bối cảnh của sự ganh đua quyền lực liên tục giữa các nhóm vốn hoặc cố gắng duy trì quyền lực hiện có hoặc khao khát chiếm đoạt quyền lực lớn hơn. Cuộc ganh đua giữa các công ty cũng như tranh chấp giữa người lao động và nhà tuyển dụng thường xuyên diễn ra không chỉ vì, và đôi khi không phải phải chủ yếu bởi, các lợi ích kinh tế, mà còn vì sự ảnh hưởng đối với đối thủ và với các cá nhân và nhóm người khác, hay nói cách khác là quyền lực. Cuối cùng, toàn bộ đời sống chính trị của một quốc gia, đặc biệt là đối với những quốc gia dân chủ, từ cấp độ địa phương cho tới cấp độ quốc gia, là một sự tranh giành quyền lực liên tục. Trong các giai đoạn tranh cử, bầu cử hội đồng lập pháp, trong các vụ tranh tụng trước toà, những quyết định hành chính và phương thức thực thi – trong tất cả các hoạt động này con người đều cố gắng duy trì hoặc thiết lập quyền lực của mình lên người khác. Quy trình mà các quyết định lập pháp, xét xử, điều hành và hành chính được đưa ra đều chịu tác động bởi các áp lực và phản áp lực của các “nhóm lợi ích” – vốn cố gắng bảo vệ và gia tăng vị thế quyền lực của họ.
Nếu xét đến sự tồn tại rộng khắp của tranh giành quyền lực trong tất cả các mối quan hệ xã hội và mọi các cấp độ tổ chức xã hội, có ngạc nhiên không khi chính trị quốc tế tất yếu chính là chính trị quyền lực? Và chẳng phải đáng ngạc nhiên hơn nếu xem sự tranh giành quyền lực chỉ là ngẫu nhiên và là một thuộc tính không bền vững của chính trị quốc tế trong khi nó lại là một nhân tố thường xuyên và cần thiết của tất cả mọi nhánh hoạt động của chính trị trong nước?


[1] Khái niệm quyền lực chính trị là một trong những vấn đề khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất của khoa học chính trị. Gía trị của bất cứ khái niệm cụ thể nào đều sẽ được quyết định bởi chính khả năng của nó trong việc giải thích tối đa các hiện tượng mà thông thường được xem là nằm trong một phạm vi nhất định của hoạt động chính trị. Do đó một khái niệm quyền lực chính trị nếu muốn hữu ích cho việc tìm hiểu chính trị quốc tế phải được mở rộng hơn khái niệm được dùng trong phạm vi chính trị quốc gia. Những phương tiện được sử dụng trong chính trị quốc gia có giới hạn hẹp hơn nhiều so với những phương tiện được sử dụng trong chính trị quốc tế.
[2] Để biết thêm một vài quan điểm gợi mở về quyền lực trong quan hệ với chính trị quốc tế, xem Lionel Robbins, The Economic Causes of War (London: Jonathan Cape, 1939), p. 63.
[3] Các ví dụ đưa ra trên còn chỉ rõ sự khác biệt trong quyền lực chính trị như một thực tế xã hội, như trong trường hợp của các nhà vận động hành lang, và quyền lực chính trị trong vai trò một thẩm quyền hợp pháp, ví dụ như thẩm quyền của Tổng Thống Mỹ. Cả Tổng thống Mỹ và những người vận động hành lang đều thực hành quyền lực, cho dù có sự khác biệt trong nguồn lực và bản chất của quyền lực đó.
[4] Emancipate Your Colonies (London: Robert Heward,1830)
[5] “Thương mại tự do! Đó là gì? Tại sao lại phá dỡ nhừng hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia: những hàng rào đó, nép mình đằng sau chúng là những cảm xúc của sự kiêu hãnh, báo thù, long căm hờn và cả sự ghen tỵ, những thứ mà sẽ đôi khi bùng nổ ra ngoài ranh giới của họ và nhần chìm toàn bộ các quốc gia trong biển máu.”; “Thương mại tự do là luật quốc tế của Đấng Vạn Năng”, và thương mại tự do và hoà bình được xem như là “một và cùng một nguyên nhân”. Xem Speeches by Richard Cobden (London, The Macmillan Company,1870), I, 79: Political Writings (New York: D Appleton and Company, 1867), II, 110; Thư đề ngày 12/4/1842 gửi Henry Ashworth, được trích trong John Morley, Life of Richard Cobden (Boston: Roberts Brothers, 1881), p.154.
[6] “Chúng ta hãy xóa bỏ hàng rào thuế quan, và liên minh giữa mọi dân tộc do vậy sẽ được thiết lập, sự đoàn kết của họ được công nhận, và sự bình đẳng được tuyên bố ra đời.” – Oeuvres complète (Paris, 1876), I, 248.
[7] Trích trong A,C,F. Beales, A Short History of English Liberalism, p.195.
[8] New York Times, November 19, 1943, p,I.
[9] House of Commons Debates (Fifth Series, 1946), Vol 419 p 1262.
[10] Xem phần VIII
[11] Để biết những tranh luận hữu ích về vấn đề này, xem Malcom Sharp “Aggression: A study of Values and Law”, Ethics, Vol. 57, No.4, Part II (July 1947).
[12] Các nhà động vật học chỉ ra rằng ham muốn áp đảo đồng loại được cho là có cả trong giới động vật, như là gà hoặc khỉ, những giống loài tạo ra sự phân cấp xã hội dựa trên nền tảng của ý chí và khả  năng thống trị đồng loại. Ví dụ, xem Warder Allee, Animal Life and Social Growth (Baltimore: The Williams and Wilkins Company, 1932) và The Social Life of Animals (New York: W. W.Norton and Company, Inc, 1938).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét