Nguồn: Mark Skousen (2007). “Adam Smith Declares an Economic Revolution in 1776” (Chapter 1), in Mark Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 3-45.
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Hà
Adam Smith là một nhà cách mạng và cấp tiến trong thời đại của ông – giống như những người truyền bá lý thuyết tự do kinh tế trong thời đại của chúng ta.Lịch sử kinh tế học hiện đại được bắt đầu từ năm 1776. Trước thời điểm này, 6.000 năm lịch sử đã trôi qua mà không lưu lại bất kỳ một tác phẩm xuất bản nào có ảnh hưởng mạnh mẽ cho hậu thế về một chủ đề đã từng chi phối mỗi phút giây trong cuộc sống của con người hàng ngày kể từ lúc bắt đầu thức giấc.
–Milton Friedman (1978, 7)
Trong nhiều thiên niên kỷ đã qua, từ thời đại La Mã xuyên qua Đêm dài Trung cổ đến thời kỳ Phục Hưng, loài người luôn phải nhọc nhằn vật lộn mưu sinh để chỉ có được một cuộc sống tằn tiện. Họ luôn thường trực phải đấu tranh với nạn chết yểu, bệnh tật, nạn đói, chiến tranh và mức tiền công ít ỏi. Chỉ có một số ít may mắn – chủ yếu là những kẻ cai trị và tầng lớp quý tộc – mới được hưởng cuộc sống an nhàn, và ngay cả họ cũng chưa đủ tiêu chuẩn nếu so với mức sống hiện đại. Đối với một người bình thường, có quá ít sự thay đổi qua nhiều thế kỷ. Tiền công thực tế theo đầu người đã hầu như không thay đổi năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác. Trong thời kỳ này, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 40, và nhà văn người Anh Thomas Hobbes đã có lý khi gọi đó là kiếp sống “cô độc, nghèo đói, bẩn thỉu, đần độn và ngắn ngủi” của con người (1996 [1651], 84).
Năm Tiên tri 1776
Rồi năm 1776 đã đến và lần đầu tiên, sự hy vọng cùng những điều mong đợi của những người lao động nói chung được tăng lên gấp bội. Đó là thời kỳ mà được biết đến với tên gọi Enlightenment, là thời kỳ mà người Pháp gọi là Khai sáng (l’age des lumieres). Lần đầu tiên trong lịch sử, người lao động đã mong muốn có được một mức tối thiểu cơ bản về thực phẩm, nhà ở và quần áo. Ngay cả trà, một loại đồ uống trước đây được coi là xa xỉ, thì nay trở thành thứ đồ uống thông thường.
Sự ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào ngày mùng 4 tháng 7 là một trong số vài sự kiện trọng đại của năm 1776. Chịu ảnh hưởng của John Locke, Thomas Jefferson đã tuyên bố “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” là những quyền bất khả xâm phạm để từ đó xây dựng nên một khung khổ pháp lý cho một quốc gia đang còn đang vật lộn với khó khăn và rồi cuối cùng đã trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới và đưa ra một nền tảng hiến pháp cho tự do được nhiều người coi là hình mẫu trên toàn thế giới.
Một cuốn sách vĩ đại được xuất bản
Bốn tháng trước đó, một tác phẩm bất hủ tương tự cũng đã được ra đời ở bên kia bờ Đại Tây Dương tại nước Anh. Vào ngày mùng 9 tháng 3 năm 1776, các nhà in ở London là William Strahan và Thomas Cadell đã xuất bản tác phẩm dày 1000 trang trong 2 tập có tựa đề Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations). Đó là một cuốn sách dày có tiêu đề dài, có ảnh hưởng định mệnh đến sự phát triển của toàn cầu. Tác giả của nó là Tiến sỹ Adam Smith – một vị giáo sư ít nói, đãng trí và dạy môn “triết học đạo đức” tại Đại học Glasgow.
Của cải của các quốc gia là tiêu đề viết gọn phổ biến trên thế giới. Adam Smith, một nhà lãnh đạo của trường phái Khai sáng Scotland, đã dựng nên một công thức chung cho sự thịnh vượng và nền độc lập tài chính mà trong dòng chảy diễn biến của thế kỷ tiếp theo, đã cách mạng hoá cách nghĩ của các công dân và những nhà lãnh đạo về thương mại và kinh tế học thực tiễn. Cuốn sách đã hứa hẹn một thế giới mới – một thế giới với của cải đầy ắp, giàu có vượt ra ngoài việc chỉ biết tích lũy vàng và bạc. Smith đã hứa hẹn về một thế giới mới cho tất cả mọi người – không chỉ cho những người giàu và tầng lớp cai trị mà cho cả những người dân thường. Của cải của các quốc gia đã đưa ra công thức giải phóng người lao động khỏi kiếp nô dịch khổ đau trong thế giới của Hobbes. Tóm lại, Của cải của các quốc gia là một tuyên ngôn về sự độc lập kinh tế.
Lịch sử nhân loại ghi nhận những thời khắc đánh dấu những bước ngoặt quan trọng. Năm 1776 là một trong những thời khắc như vậy. Trong năm tiên tri này, hai quyền tự do quan trọng đã được tuyên bố – tự do chính trị và tự do kinh doanh – và cả hai đã cùng nhau tạo ra sự chuyển động cho Cách mạng Công nghiệp. Thật không có gì phải bàn cãi khi nhận định rằng nền kinh tế hiện đại đã được bắt đầu không lâu sau năm 1776 (xem hình 1.1).
Hình 1.1. Sự gia tăng thu nhập thực tế đầu người của Vương quốc Anh, 1100-1995
(Vui lòng download văn bản để xem hình)
Nguồn: Larry Wimmer, Đại học Brigham Young
Kỷ nguyên Khai sáng và loạt sấm rền vang của tiến bộ kinh tế
Năm 1776 là một năm quan trọng bởi nhiều lý do khác nữa. Ví dụ, đây là năm mà tập đầu tiên trong tác phẩm kinh điển của Edward Gibbon, Lịch sử suy yếu và sụp đổ của Đế chế La Mã (1776-88) được xuất bản. Gibbon là một nhà ủng hộ tích cực cho phong trào Khai sáng thế kỷ 18, hiện thân cho niềm tin vô hạn vào khoa học, lý trí và chủ nghĩa cá nhân kinh tế thế chỗ cho sự cuồng tín tôn giáo, dị đoan và quyền lực quý tộc.
Riêng đối với Smith, năm 1776 còn là một năm quan trọng với các lý do cá nhân. David Hume, người bạn thân nhất của ông qua đời. Hume, nhà văn và nhà triết học, đã có ảnh hưởng lớn đến Adam Smith (xem “Những nhà tư tưởng trước Adam” ở phụ lục của chương này). Cũng giống như Smith, ông là một nhà lãnh đạo của phong trào Khai sáng Scotland và là người ủng hộ cho văn minh hoá thương mại và tự do kinh tế.
Trong nhiều thế kỷ, mức tiền công thực tế và mức sống đã không được cải thiện, trong khi đó gần một tỷ người đã phải vật lộn với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống. Bất ngờ đã xảy đến vào đầu những năm 1800, chỉ vài năm sau Cách mạng Mỹ và Của cải của các quốc gia được xuất bản, thế giới phương Tây bắt đầu trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Máy xe nhiều sợi cùng một lúc, máy dệt vải và đầu máy hơi nước là những phát minh đầu tiên giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho công việc kinh doanh của doanh nhân và người dân bình thường. Khi cuộc cách mạng công nghiệp đã bắt đầu diễn ra, tiền lương thực tế bắt đầu tăng và mức sống của người dân, dù nghèo hay giàu, bắt đầu nâng lên đến những tầm cao không thể ngờ. Đó đích thực là Khai sáng, là buổi bình minh của thời kỳ hiện đại và mọi tầng lớp xã hội phải quan tâm chú ý.
Kinh tế học vì con người
Nếu như Washington được coi là cha đẻ của một quốc gia mới, thì Adam Smith là cha đẻ của một môn khoa học mới – khoa học về của cải. Nhà kinh tế học vĩ đại người Anh Afred Marshall đã gọi kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu “công việc kinh doanh bình thường của cuộc sống”. Có lẽ cũng như vậy, Adam Smith có thể đã có một cái tên bình thường. Ông được xếp sau người đàn ông đầu tiên trong Kinh thánh – Adam, với nghĩa là “một trong số nhiều người”, và tên cuối của ông – Smith, có nghĩa là “một người làm việc”. Smith là cái tên phổ biến nhất ở Vương quốc Anh.
Người đàn ông có cái tên bình thường ấy đã viết cuốn sách về phúc lợi của người lao động bình thường. Trong tác phẩm kiệt xuất của mình, ông đã đảm bảo với người đọc rằng mô hình cho thành công kinh tế sẽ tạo ra “vạn vật giàu có đến với cả tầng lớp thấp nhất của xã hội”. (1965 [1776], 11)[1].
Đây không phải là một cuốn sách dành cho giới quý tộc và các vị vua. Thực tế thì Adam Smith không dành nhiều hảo cảm đối với những người được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong thương mại. Sự cảm thông của ông được dành cho những người dân bình thường – những người bị bóc lột và lạm dụng hàng thế kỷ qua. Tại thời điểm hiện tại, họ đã được giải phóng thoát khỏi 16 tiếng làm việc một ngày, mức lương ít ỏi và cuộc sống 40 năm ngắn ngủi.
Chướng ngại vật đối với Adam Smith
Sau khi dành 12 năm để viết cuốn sách lớn của đời mình, Smith tin rằng mình đã tìm đúng mô hình kinh tế học để tạo ra “vạn vật giàu có”. Ông đã gọi mô hình của mình là “mô hình cổ điển”. Mô hình của Adam Smith đã được truyền cảm hứng từ Issac Newton, người có mô hình về khoa học tự nhiên mà Adam Smith vô cùng ngưỡng mộ là mô hình vạn vật hấp dẫn.
Chướng ngại vật lớn nhất của Smith có lẽ là thuyết phục người khác chấp nhận hệ thống của ông, đặc biệt là đối với các nhà lập pháp. Mục đích của ông khi viết cuốn Của cải của các quốc gia không chỉ là đơn giản là để giáo dục, mà còn để thuyết phục. Rất ít tiến bộ đã đạt được ở Anh và châu Âu trong nhiều thế kỷ qua bởi vì tồn tại một học thuyết cổ hủ được biết đến là học thuyết Trọng thương. Một trong những mục tiêu của Adam Smith khi viết cuốn Của cải của các quốc gia là phá vỡ quan điểm thông thường về nền kinh tế, trong đó những người theo học thuyết Trọng thương kiểm soát các quyền lợi thương mại và quyền lực chính trị hàng ngày, và thay thế nó bằng quan điểm về nguồn gốc thực sự của giàu có và tăng trưởng kinh tế của ông, đưa nước Anh và phần còn lại của thế giới hướng tới “sự cải thiện vĩ đại nhất” về định mệnh đối với con người.
Sự hấp dẫn của chủ nghĩa Trọng thương
Từng tồn tại lâu dài và thành truyền thống ở phương Tây, những nhà Trọng thương (những lái buôn chính trị) đã tin rằng nền kinh tế thế giới là trì trệ và sự giàu có là không đổi, vì vậy một quốc gia muốn phát triển được chỉ có thể dựa trên phí tổn của nước khác. Các nền văn minh từ thời Cổ đại xuyên qua Đêm dài Trung cổ đã dựa trên chế độ nô lệ hoặc các dạng khác của chế độ nông nô. Dưới hệ thống này, sự giàu có dựa trên sự hy sinh của người khác hoặc bằng chế độ người bóc lột người. Bertrand de Jouvenel nhận xét rằng “sự giàu có có được là do chiếm đoạt và bóc lột” (Jouvenel 1999, 10).
Do đó, các quốc gia châu Âu thành lập các chế độ chính phủ độc tài nắm quyền ở mẫu quốc và hỗ trợ các nước thuộc địa bên ngoài, gửi các quan lại và quân đội sang các nước nghèo hơn để chiếm đoạt vàng và hàng hoá quý hiếm khác.
Trong hệ thống trọng thương, bản chất của sự giàu có gắn với tiền, mà ở thời kỳ đó có nghĩa là vàng và bạc. Mục tiêu chính của mọi quốc gia luôn luôn là phải tích luỹ vàng và bạc và sử dụng bất kỳ cách thức cần thiết nào để đạt được điều đó. Smith đã nhận xét trong cuốn Của cải của các quốc gia (398): “Một công việc lớn mà chúng ta luôn phải thực hiện là kiếm được tiền”.
Làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn? Thứ nhất, tăng trưởng của các quốc gia dựa trên sự cướp bóc. Các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã gửi các đặc phái viên đi đến những vùng đất xa xôi để tìm vàng và kiếm được nhiều kim loại quý bằng mọi cách có thể. Không có hành trình thám hiểm hay cuộc chiến tranh ngoại quốc nào là quá tốn kém so với cơn khát những nén vàng lấp lánh. Các quốc gia khác cũng noi gương những kẻ tìm vàng khi thường xuyên áp đặt sự kiểm soát ngoại hối và cấm xuất khẩu vàng và bạc bằng việc đưa những án phạt rất nặng.
Thứ hai, các nhà trọng thương tìm kiếm một cán cân thương mại có lợi, có nghĩa là vàng và bạc phải luôn đầy két của họ. Bằng cách nào? Smith đã nhận xét rằng, “việc khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu là hai công cụ tuyệt vời mà hệ thống những người Trọng thương đưa ra để làm giàu cho mọi quốc gia” (607). Smith đã mô tả chi tiết một loạt các loại sưu cao, thuế nặng, hạn ngạch và các quy định với mục đích nhằm hạn chế thương mại. Cuối cùng, chính hệ thống này cũng đã hạn chế sản xuất và một mức sống cao hơn. Chính những sự can thiệp thương mại như vậy đã dẫn đến các cuộc xung đột và chiến tranh một cách tự nhiên giữa các quốc gia.
Smith lên án các rào cản thương mại
Trong một lần công kích trực diện vào hệ thống Trọng thương, nhà tư tưởng Scotland đã lên án mức thuế cao và các rào cản thương mại khác. Ông tuyên bố, những nỗ lực để đạt được cán cân thương mại có lợi là “ngớ ngẩn” (456). Ông đã nói về “các lợi thế tự nhiên” của một quốc gia so với các quốc gia khác trong sản xuất hàng hoá. Smith nhận xét, “bằng việc lợp kính, các luống đất được bón phân, các bức tường được ủ nóng, loại nho ngon có thể được trồng ở Scotland,” nhưng nếu sản xuất ở Scotland thì chi phí cao gấp 30 lần thay vì nhập khẩu từ Pháp. Ông đặt ra câu hỏi “liệu có một điều luật nào hợp lý khi ngăn cản nhập khẩu rượu từ nước ngoài, đơn giản chỉ để khuyến khích việc làm rượu vang đỏ thẫm và rượu vang tía ở Scotland?”
Theo Smith, các chính sách Trọng thương đơn giản chỉ là bản sao của thịnh vượng thực sự. Nó chỉ có lợi đối với các nhà sản xuất và những kẻ độc quyền. Bởi vì nó không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, chủ nghĩa Trọng thương là cản trở tăng trưởng và là sự thiển cận. Ông đã viết, “trong hệ thống Trọng thương, lợi ích của người tiêu dùng hầu như thường xuyên phải hy sinh cho người sản xuất” (625).
Smith biện luận rằng các rào cản thương mại đã làm tê liệt khả năng sản xuất của các quốc gia và do vậy cần phải bị xoá bỏ. Ví dụ, sự mở rộng thương mại giữa Anh và Pháp sẽ cho phép cả hai quốc gia đều có lợi. Smith tuyên bố, “những gì là khôn ngoan trong hành vi của mọi gia đình riêng lẻ lại có thể trở nên hiếm hoi một cách nực cười trong một vương quốc vĩ đại” và “nếu ngoại quốc có thể cung cấp cho chúng ta hàng hoá rẻ hơn những gì chúng ta sản xuất ra thì tốt hơn nên mua hàng hoá của họ” (424).
Phát lộ nguồn gốc thực sự của giàu có
Sự tích luỹ vàng và bạc có thể lấp đầy túi những người giàu và những kẻ có quyền lực, nhưng những thứ đó liệu có phải là nguồn gốc của cải của toàn bộ quốc gia và các công dân hay không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất của Adam Smith. Của cải của các quốc gia không chỉ là con đường cho tự do thương mại mà là quan điểm của thế giới về sự thịnh vượng.
Giáo sư người Scotland đã biện luận mạnh mẽ rằng chìa khoá đem lại “giàu có cho quốc gia” là sản xuất và thương mại chứ không phải là sự tích luỹ vàng và bạc một cách nhân tạo bằng sự hao tổn của các quốc gia khác. Ông nói rằng, “của cải của một quốc gia không chỉ là vàng và bạc, mà còn bao gồm đất đai, nhà cửa và những hàng hoá ở nhiều dạng khác nhau có thể tiêu thụ được” (418). Của cải phải được đo lường dựa trên cách mà mọi người được ăn, ở, mặc chứ không phải dựa trên số vàng bạc trong ngân khố. Năm 1763, ông nói “sự giàu có của một quốc gia bao gồm việc cung cấp thực phẩm và tất cả các hàng hoá thiết yếu khác với giá rẻ cùng với các tiện ích của cuộc sống” (1982 [1763], 83).
Smith đã bắt đầu với cuốn Của cải của các quốc gia của mình bằng việc thảo luận về của cải. Ông đã đặt câu hỏi, cái gì có thể mang tới “sự cải thiện vĩ đại nhất trong năng lực sản xuất của người lao động?” Một cán cân thương mại có lợi? Hay nhiều vàng, bạc hơn?
Không! Đó chỉ là một siêu kỹ thuật trong quản lý – “sự phân công lao động”. Trong một ví dụ nổi tiếng, Smith đã mô tả chi tiết các công việc của nhà máy đinh ghim, nơi mà người công nhân theo nhiệm vụ phải làm 18 thao tác riêng biệt để tối đa hoá sản lượng (1965 [1776],3-5). Với phương pháp tiếp cận theo công đoạn sản xuất này, sự quản lý kết hợp với sức lao động để sản xuất hàng hoá nhằm thoả mãn người tiêu dùng đã hình thành nền tảng cho một nền kinh tế tăng trưởng và hài hoà. Ở một vài trang sau đó, Smith đã sử dụng một ví dụ khác về sản xuất áo khoác len: “sự hỗ trợ và cùng phối hợp của hàng nghìn” lao động và máy móc khác nhau từ khắp nơi trên thế giới để sản xuất sản phẩm cơ bản này bằng việc sử dụng “người làm công nhật”[2]. (11-12). Hơn nữa, việc mở rộng thị trường thông qua thương mại toàn cầu sẽ có nghĩa là chuyên môn hoá và phân công lao động cũng có thể được mở rộng. Thông qua việc tăng năng suất, tiết kiệm và lao động siêng năng, sản lượng toàn cầu có thể tăng lên. Do vậy, quan trọng trên hết là của cải không phải là có số lượng cố định và các quốc gia có thể giàu lên không phải bằng cách bóc lột các quốc gia khác.
Smith phát hiện ra chìa khoá đối với sự thịnh vượng
Làm thế nào để sản xuất và thương mại được tối đa hoá và từ đó khuyến khích “vạn vật giàu có” cũng như “cải thiện năng lực sản xuất của người lao động”? Adam Smith đã có một câu trả lời rõ ràng: Hãy cho mọi người sự tự do về kinh tế! Thông qua cuốn Của cải của các quốc gia, Smith đã ủng hộ nguyên tắc “tự do tự nhiên”, sự tự do được làm những gì mà mình muốn với ít sự can thiệp từ nhà nước. Nó khuyến khích sự dịch chuyển tự do của lao động, vốn, tiền và hàng hoá. Hơn nữa, như Smith đã trình bày, sự tự do kinh tế không chỉ đem lại một cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn mà đó còn là quyền cơ bản của con người. Smith cho rằng: “Ngăn cấm mọi người … khi họ cố gắng làm tất cả những gì mà họ có thể để sản xuất, hay sử dụng vốn và sự siêng năng theo cách mà họ cho là có lợi nhất, là một sự can thiệp thô bạo vào quyền thiêng liêng nhất của con người” (549).
Trong mô hình của Adam Smith về tự do tự nhiên, của cải được tạo ra không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Sự xung đột về lợi ích sẽ không còn tồn tại nữa mà thay vào đó là sự hài hoà về lợi ích. Theo Jouvenel, điều này được coi như một sự “đổi mới vĩ đại” đã gây ra sự ngạc nhiên lớn cho những nhà cải cách châu Âu. “Ý tưởng mới vĩ đại này là nó có thể đem lại sự giàu có cho tất cả các thành viên của xã hội, cộng đồng và các cá nhân bằng sự tiến bộ từng bước trong việc tổ chức lao động” (Jouvenel 1999, 102). Sự phát triển này có thể diễn ra rất nhanh chóng và không bị giới hạn.
Đó là một cái gì đó, đã có thể nắm bắt được niềm hy vọng và điều tưởng tượng của không chỉ người lao động ở Anh, mà cho cả người nông dân Pháp, người lao động Đức, người công nhân Trung Quốc và cả những người nhập cư vào Mỹ, khi Smith đã ủng hộ học thuyết toàn cầu về sự phồn vinh. Sự tự do được làm việc có thể giải phóng tất cả mọi người thoát khỏi các xiềng xích của công việc hàng ngày.
Điều gì đã tạo nên sự tự do kinh tế mới này? Theo Smith, tự do tự nhiên bao gồm quyền được mua hàng hoá từ bất cứ nguồn nào, bao gồm cả các sản phẩm ngoại quốc mà không có những sự giới hạn về thuế hay hạn ngạch nhập khẩu. Nó bao gồm quyền được làm việc ở bất cứ công việc nào mà một người mong muốn và ở bất kỳ nơi nào anh ta thích. Smith đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của châu Âu thế kỷ 18 khi mà người lao động phải có được sự cho phép của chính phủ (thông qua các giấy chứng nhận) để di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn nọ, thậm chí trong một địa hạt (1965 [1776], 118-43).
Tự do tự nhiên cũng bao gồm quyền lợi được trả bất kỳ mức lương nào mà thị trường có thể chấp nhận được. Smith đã phản đối gay gắt các nỗ lực của nhà nước trong việc điều chỉnh và tăng mức lương nhân tạo. Ông đã viết “bất kì khi nào luật pháp cố gắng điều chỉnh lương của người lao động thì nó thường được điều chỉnh giảm xuống hơn là điều chỉnh tăng lên” (131). Như mọi công nhân khác, Smith ước muốn có được mức lương cao, nhưng ông nghĩ nó phải đến thông qua sự vận hành tự nhiên của thị trường lao động, chứ không phải là từ các sắc lệnh của chính phủ.
Cuối cùng, tự do tự nhiên bao gồm quyền được tiết kiệm, đầu tư và tích luỹ vốn mà không có sự can thiệp của chính phủ. Đây là chìa khoá quan trọng dẫn tới tăng trưởng kinh tế.
Adam Smith đã tán thành những ưu điểm của tiết kiệm, sự đầu tư vốn và sử dụng máy móc thay thế sức lao động như là những thành phần thiết yếu để thúc đẩy nâng cao mức sống (326). Trong chương viết về sự tích luỹ vốn (Chương 3, Quyển II) trong cuốn Của cải của các quốc gia, bên cạnh sự ổn định trong chính sách của chính phủ, môi trường kinh doanh cạnh tranh và sự quản lý kinh doanh tốt, Smith đã nhấn mạnh rằng tích luỹ và tiết kiệm là các chìa khoá dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Tác phẩm kinh điển của Smith nhận được sự hoan nghênh rộng rãi
Sự ủng hộ hùng hồn của Adam Smith về tự do tự nhiên đã thổi bùng lên sự quan tâm của một thế hệ đang lên. Những từ ngữ văn hoa của ông đã thay đổi chiều hướng chính trị, triệt phá chủ thuyết Trọng thương về bảo hộ và áp bức lao động. Nhờ sự xuất hiện tác phẩm của Adam Smith, nhiều phong trào trên thế giới đã diễn ra nhằm đạt được sự tự do thương mại. Của cải của các quốc gia là một tài liệu lý tưởng để đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp và các quyền chính trị của con người.
Kiệt tác của Adam Smith đã nhận được hầu hết sự khen ngợi của thế giới. H.L. Mencken đã nói “không có một cuốn sách tiếng Anh nào có được sự hấp dẫn hơn” (trích trong Powell 2000, 251). Nhà lịch sử Arnold Toynbee đã khẳng định rằng “Của cải của các quốc gia và đầu máy hơi nước đã phá huỷ thế giới cũ và xây dựng một thế giới mới” (trích Rashid 1998, 212). Nhà nghiên cứu lịch sử người Anh Henry Thomas Buckle thậm chí đã cường điệu hơn nữa khi tuyên bố rằng, về tác động lâu dài, tập sách của Smith “có thể là cuốn sách quan trọng nhất đã từng được viết ra”, không kể cuốn Kinh thánh (trích trong Rogge 1976, 9) và Paul A. Samuelson đã đặt Smith ở vị trí “đỉnh cao nhất” trong các nhà kinh tế học (Samuelson 1962, 7)[3]. Ngay cả một số nhà Marxist đôi lúc cũng ca ngợi những luận điểm của Adam Smith.
Cuộc đời của Adam Smith
Adam Smith là ai và làm thế nào ông lại viết được một tác phẩm mang tính cách mạng về kinh tế học hiện đại như vậy?
Các cảng biển và thương mại là những phần không thể tách rời trong cuộc đời của Adam Smith. Được sinh ra ở Kirkcaldy, trên bờ biển phía Đông Scotland gần Edinburg, vào tháng 6 năm 1723, ngay khi chào đời Smith đã có một bất hạnh lớn do cha ông qua đời cùng năm đó. Dường như Adam Smith sinh ra là định mệnh trở thành một học giả về thương mại và nhân viên hải quan. Cha ông, cũng tên là Adam Smith, là một nhân viên kiểm soát hải quan tại Kirkcaldy. Người cha đỡ đầu của ông, cũng có tên là Adam Smith, là một nhân viên thu thuế hải quan ở cùng thị trấn, và một người anh em họ của ông cũng là một thanh tra hải quan ở Alloa. Hãy thử tưởng tượng xem, tên của người anh em họ của ông cũng có tên là Adam Smith.
Nghề nghiệp cuối cùng của Adam Smith của chúng ta (người nổi tiếng) thật không ngạc nhiên lại là uỷ viên hội đồng hải quan của Scotland. Nhưng chúng ta mới đang ở phần đầu của câu chuyện. Trong những ngày đầu còn ở Kirkcaldy, Adam được biết đến như là một đứa trẻ có số phận mỏng manh. Lúc bốn tuổi, ông đã bị những người di-gan bắt cóc nhưng sớm được trả lại cho mẹ của mình. “Ông có lẽ đã biến thành một người di-gan nghèo khổ”, John Rae đã bình luận như vậy (1895, 5). Tình cảm của ông luôn hướng về mẹ của mình, người mà ông vô cùng yêu dấu.
Mặc dù Smith có quen biết nhiều phụ nữ, nhưng ông không hề cưới vợ. Quý bà Riccoboni, nhà tiểu thuyết người Pháp, đã viết rằng “Ông nói giọng khàn khàn với hàm răng lớn và trông ông ấy xấu xí như quỷ” khi gặp Adam Smith lần đầu tiên ở Paris vào tháng 5 năm 1766. “Ông ấy là một sinh vật đãng trí nhất”, nhưng sau cùng bà viết, “tuy nhiên ông là một người đáng yêu nhất” (trích trong Muller 1993, 16). Chúng ta biết chút ít về các mối tình đáng thương của ông. Nhà nghiên cứu tiểu sử về ông đã thuật lại rằng người đàn ông trẻ tuổi Smith đã say đắm một quý cô xinh đẹp và hoàn mỹ nhưng trong những hoàn cảnh không được biết rõ nào đó đã làm cản trở đám cưới của họ (Ross 1995, 402). Một số quý cô người Pháp đã theo đuổi nhà bác học xấu trai này, tuy nhiên đã không có một kết quả nào.
Mặc dù David Hume thường xuyên trách cứ ông vì việc ông sống quá kín đáo, nhưng Smith đã dành thời gian rảnh rỗi cho việc tham gia rất nhiều câu lạc bộ, như Câu lạc bộ chơi bài, Câu lạc bộ Edinburg, “giới trí thức” London và Câu lạc bộ Johnson. John Rae đã nhận xét rằng “mẹ, bạn bè và các cuốn sách của ông là ba niềm vui lớn của Smith” (1895, 327).
Ở tuổi 14 trẻ trung, Smith đã vào Đại học Glassgow, sau đó dành được học bổng tại Đại học Oxford, nơi ông đã dành 6 năm học các tác phẩm kinh điển Hy Lạp, Latin, văn học Pháp và Anh, cùng các môn khoa học và triết học. Nói về Đại học Oxford, ông đã viết trong cuốn Của cải của các quốc gia rằng “trong nhiều năm, phần lớn giới giáo sư đã và đang từ bỏ mọi thứ, thậm chí ngay cả giả vờ giảng dạy” (Smith 1965 [1776], 718). Một số trang sau, Smith đã có những chỉ trích rất nổi tiếng dành cho các giáo sư trường đại học với “các bài giảng giả dối”: “Nếu một giáo viên nào đó là một người hiểu biết, đó hẳn sẽ là một điều khó chịu với anh ta khi nhận thức rằng anh ta đang nói hoặc đọc những thứ vô nghĩa hay rất ít ý nghĩa khi giảng bài cho sinh viên của mình. Đó chắc chắn cũng là những điều khó chịu đối với anh ta khi phải quan sát phần lớn học sinh không đến nghe các bài giảng của mình, hoặc có lẽ dự giờ học với những biểu hiện dễ thấy như sự xao lãng, coi thường, và chế nhạo… Kỷ luật của trường đại học được tạo ra không vì lợi ích của sinh viên mà vì quyền lợi, hay nói đúng hơn, là tạo ra sự dễ dàng cho các giảng viên” (720)[4].
Về ngoại hình, Smith có một chiều cao trung bình và hơi quá cân. Ông không bao giờ ngồi xuống cho hoạ sĩ vẽ nhưng một số phác thảo cho thấy “một vài nét khá đẹp trai, trán rộng và đôi mắt sáng, lông mày thanh, mũi hơi khoằm với cái miệng và cằm rắn rỏi” (Rae 1895, 438). Ông tự mô tả chính mình rằng “tôi chỉ là một người bảnh bao trong các cuốn sách của mình” (Rae 1895, 438).
Sau khi tốt nghiệp, ông nắm giữ vị trí giáo sư Triết học Đạo đức tại Đại học Glasgow từ năm 1751 đến 1763. Tác phẩm đầu tiên của ông, Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức (The theory of Moral Sentiments), được xuất bản năm 1759 và đã tạo dựng Adam Smith trở thành một nhà tư tưởng lớn của Scotland.
Giáo sư đãng trí
Trong những tật của mình, vị giáo sư nổi tiếng có một giọng nói khàn khàn, nặng tiếng và hay nói lắp. Ông là một thí dụ hoàn hảo về một giáo sư đãng trí. Cuộc đời của ông là một sự thường xuyên thiếu tính tổ chức và mơ hồ. Sách và các bài viết được vứt khắp mọi nơi trong lúc ông nghiên cứu. Ngay từ khi còn nhỏ, ông có thói quen tự nói chuyện một mình, “mỉm cười trong cuộc nói chuyện một cách say mê với những người bạn đồng hành vô hình” (Rae 1895, 329). Những câu chuyện về sự vụng về của ông rất nhiều: một lần ông ngã vào hầm thuộc da trong khi nói chuyện với một người bạn; một buổi sáng ông cho bánh mì và bơ vào bình trà, và sau khi uống bình trà đó, ông tuyên bố đó là tách trà tệ nhất mà ông từng uống; lần khác, ông đi dạo ra ngoài và mộng du trong bộ áo ngủ cũ kỹ và dừng lại khi đã cách vài dặm ở ngoài thị trấn. Một người cùng thời đã nhận xét, “ông ấy là người đãng trí nhất mà tôi được biết” (trích trong West 1976, 176).
Smith đã viết cuốn kiệt tác của ông như thế nào
Năm 1764, Charles Townsend, một nhà lãnh đạo Anh ở quốc hội đã đưa ra lời mời Smith làm gia sư cho con trai riêng của vợ mình là Henry Scott – Công tước xứ Buccleuch – với một khoản học phí và tiền trợ cấp kha khá . Họ đã tới Pháp, nơi mà Smith đã gặp Voltaire, Turgot, Quesnay và các nhà tư tưởng vĩ đại khác của Pháp. “Smith này là một người đàn ông thật tuyệt vời” Voltaire đã thốt lên. “Chúng ta không là gì khi so sánh với ông ấy” (trích trong Muller 1993, 15).
Đó là nước Pháp mà Smith đã nhận ra rằng ông đã mất đi sở thích làm nhiệm vụ gia sư của mình và bắt đầu nghiên cứu và viết cuốn Của cải của các quốc gia. Ông đã mất 10 năm để viết cuốn sách này. Cuối cùng, khi cuốn sách được xuất bản bởi những nhà in hàng đầu của Anh, nó ngay lập tức trở thành sản phẩm bán chạy. Ngay trong lần xuất bản đầu tiên, 10.000 cuốn đã được bán hết trong vòng 6 tháng. David Hume và Thomas Jefferson thuộc trong số những người ca ngợi cuốn sách, và sau đó nó đã được tái bản vài lần và dịch ra tiếng nước ngoài trong thời gian Smith còn sống[5]. Cuốn sách Của cải của các quốc gia in ra lần đầu tiên với giá 36 shillings. Ngày nay một người sưu tầm có thể phải trả hơn 150.000 đô-la cho bản in lần đầu đó.
Của cải của các quốc gia vẫn là một cuốn sách kinh điển và nhiều ấn bản khác nhau có thể được tìm thấy ở một số hiệu sách lớn. Ấn bản lần nào bạn nên đọc? Kể từ khi bản quyền hết hiệu lực, nhiều nhà xuất bản đã đưa ra các ấn bản của riêng mình, bao gồm cả Đại học Glassgow, Đại học Chicago, Thư viện cho mọi người và Nhà xuất bản Tự do; thậm chí ở đó còn có cuốn nguyên vẹn với bìa bọc bằng giấy Bantam. Ấn bản mà tôi ưa thích là ấn bản năm 1937 của nhà xuất bản Thư viện Hiện đại (tái bản gần đây nhất là 1994), được hiệu đính bởi Edwin Cannan.
Tầm quan trọng của Của cải của các quốc gia đã đạt tới tầm cỡ giống như kinh thánh theo một sách dẫn đầy đủ do giáo sư kinh tế học của trường Đại học Colorado Fred R. Glahe (1993) thực hiện. Máy tính thật là kỳ diệu! Bạn có thể tưởng tượng rằng từ “a” xuất hiện 6691 lần trong Của cải của các quốc gia không? Sách dẫn hiển nhiên là một giá trị lớn, đặc biệt cho các học giả. Ví dụ “cầu” xuất hiện 269 lần trong khi “cung” chỉ xuất hiện 144 lần. Keynes chắc hẳn sẽ rất hài lòng.
Smith được chỉ định làm nhân viên hải quan và thiêu đốt quần áo của mình
Sau khi xuất bản cuốn sách kinh điển của mình, Smith đã được chỉ định làm nhân viên hải quan ở Edinburgh như đã đề cập ở phần trên. Ông cũng dành thời gian của mình để hiệu đính lại các cuốn sách đã xuất bản, sống một cuộc sống giản dị mặc dù có lương hưu, và trong nhiều năm đã sẻ chia thu nhập cho các hoạt động từ thiện mà ông không bao giờ muốn lộ ra (Rae 1895, 437). Ông đã sống ở Edinburg cho đến cuối đời.
Việc làm nhân viên hải quan là một sự hài hước. Trong Của cải của các quốc gia, Smith đã lập luận ủng hộ tự do thương mại. Ông đã tán thành việc loại bỏ hầu hết các thuế quan và thậm chí có đoạn ông viết với sự thông cảm dành cho buôn lậu. Hai năm sau, 1778, Smith tích cực tìm kiếm một vị trí cao hơn trong hệ thống chính phủ, có thể là để cải thiện tình hình tài chính của mình. Smith đã thành công giành được vị trí đó và có tên trong Uỷ viên hội đồng hải quan, bất chấp trước đây ông có các bài viết về tự do thương mại và cả những lời nhận xét của bạn ông, tiến sỹ Samuel Johnson, khi nói rằng “một trong những vị trí thấp kém nhất của loài người là Uỷ viên Hội đồng thuế quốc gia” (trích trong Viner 1965, 64). Công việc có một chút tiếng tăm đã đem lại cho ông một khoản kha khá 600 bảng một năm. Trong sự nghịch lý kỳ quặc này, nhà vô địch cổ vũ cho tự do thương mại và tự lợi đã dành 12 năm của cuối đời thực thi hệ thống luật nhập khẩu trọng thương của Scotland và trấn áp những kẻ buôn lậu.
Một lần trong công sở, khi Smith đã tự làm quen với các quy tắc và qui định của luật hải quan, bất ngờ ông đã phát hiện rằng ở một số thời điểm cá nhân ông đã vi phạm nó: hầu hết quần áo ông đang mặc là những đồ được nhập lậu trái phép vào đất nước. Viết cho Huân tước xứ Auckland, ông ca thán “Với sự ngạc nhiên lớn, tôi đã nhận thấy rằng hiếm khi tôi có một cái cổ cồn [khăn cổ], caravat, một đôi cổ tay áo diềm đăng ten, hay một chiếc khăn tay mà không bị cấm được mặc hoặc sử dụng ở Đại Anh quốc. Tôi mong muốn mình được làm mẫu và đốt tất cả chúng đi”[6]. Ông đã mong muốn Huân tước Auckland và vợ của Huân tước kiểm tra quần áo của họ và làm tương tự.
Smith đã dự định viết tác phẩm triết học thứ ba về chính trị và luật học, tiếp theo cuốn sách Lý thuyết Tình cảm Đạo đức của mình và Của cải của các quốc gia[7]. Tuy nhiên, thay vào đó, ông đã dành 12 năm thực thi luật hải quan một cách khó giải thích. Đó là sự cám dỗ của công sở Nhà nước và sự ổn định về nghề nghiệp.
Một vụ thiêu huỷ khác vào những năm cuối đời
Một sự kiện thiêu hủy thứ hai đã xảy ra lúc cuối đời của Smith vào năm 1790. Ông đã ăn tối chủ nhật hàng tuần với hai người bạn thân nhất của mình, Joseph Black (nhà hoá học) và James Hutton (nhà địa lý) tại một quán ăn ở Edinburg. Vài tháng trước khi ông mất, ông đã khẩn khoản yêu cầu các bạn của ông hãy huỷ bỏ những giấy tờ của ông chưa được xuất bản ngoại trừ một số ít ông đã cân nhắc gần như chắc chắn để làm việc đó. (Tại sao ông không tự mình đốt những giấy tờ này là một điều bí ẩn). Đây không phải là một yêu cầu mới mẻ. 17 năm trước, khi du lịch tới London với bản viết tay Của cải của các quốc gia, ông đã dặn David Hume, người thày của ông, huỷ toàn bộ các giấy tờ vụn vặt và 18 tập sách dày của mình mà “không cần bất kỳ sự kiểm tra nào” đồng thời không để lại bất kỳ cái gì ngoại trừ những nghiên cứu chưa hoàn thành của ông về lịch sử thiên văn học.
Smith dường như đã được đọc về trường hợp của một nhân vật đương thời có sở hữu một vài bài viết riêng tư được hé lộ cho công chúng với một tiểu sử “nói hết” và ông đã sợ điều này xảy ra tương tự với mình. Ông cũng có thể đã quan tâm tới những bức thư hoặc bài luận mà ông viết ra để bảo vệ một kẻ dị giáo như Hume trong một thời kỳ không có sự khoan dung đối với những người như vậy. Nhưng Hume đã mất trước lúc Smith làm điều đó và phải có một người thực hiện di chúc là điều cần thiết.
Lúc sắp mất, Smith trở nên cực kỳ lo lắng về những tài liệu riêng tư của mình và đã yêu cầu nhiều lần các bạn của mình là Black và Hutton tiêu huỷ chúng. Black và Hutton luôn luôn thoái thác làm theo yêu cầu của Smith, hy vọng rằng Smith có thể thay đổi ý nghĩ đó. Nhưng một tuần trước khi mất, ông đã gửi hoả tốc tới những người bạn của mình và khẩn khoản họ hãy đốt tất cả những bản viết mà không cần biết hoặc hỏi trong đó có gì, ngoại trừ một số ít mục chuẩn bị xuất bản. Cuối cùng hai người đã buộc phải bằng lòng và đốt tất cả mọi thứ gồm 16 tập viết tay, trong đó có bản viết của Smith về luật pháp.
Sau khi đốt toàn bộ, người giáo sư già dường như đã cảm thấy rất thanh thản. Khi những người khác đến thăm ông vào tối chủ nhật tiếp theo để ăn tối như thường lệ, ông đã từ chối không tham gia. “Các quý ông thân mến, tôi rất yêu thích sự đồng hành với các bạn, nhưng tôi tin rằng mình phải rời xa các bạn đi sang một thế giới khác”. Đó là những lời cuối cùng ông gửi tới họ. Ông mất vào thứ bảy tuần sau, ngày 17 tháng 7 năm 1790.
Vương miện nạm ngọc của Adam Smith
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ về kiệt tác vĩ đại nhất của Adam Smith và triết lý kinh tế học mang tính cách mạng của ông. Một hệ thống kinh tế cho phép người đàn ông và người đàn bà theo đuổi những lợi ích bản thân của họ trong các điều kiện “tự do tự nhiên” và theo Smith, cạnh tranh sẽ đem đến một nền kinh tế thịnh vượng và có khả năng tự điều chỉnh. Loại bỏ những rào cản trong xuất khẩu, lao động, và giá cả, đồng nghĩa rằng tối đa hóa vạn vật thịnh vượng thông qua giá cả rẻ hơn, đồng lương cao hơn, và sản phẩm tốt hơn. Điều này sẽ mang đến tăng trưởng và sự ổn định.
Smith định nghĩa về 3 thành tố
Smith bắt đầu cuốn sách với việc bàn luận làm cách nào sự thịnh vượng và của cải được tạo ra thông qua hệ thống thị trường tự do dân chủ. Ông nhấn mạnh 3 đặc trưng của hệ thống tự điều chỉnh hay mô hình cổ điển:
1. Tự do: các cá nhân có quyền sản xuất và trao đổi hàng hoá, lao động và vốn nếu họ thấy thích hợp.
2. Cạnh tranh: các cá nhân có quyền cạnh tranh trong sản xuất và trao đổi hàng hoá và dịch vụ.
3. Công bằng: các hoạt động của cá nhân phải công bằng và trung thực dựa trên các nguyên tắc của xã hội.
Cần chú ý rằng Adam Smith đã kết hợp ba nguyên tắc này trong câu phát biểu sau đây: “Mọi người, khi không vi phạm luật pháp, được phép hoàn toàn tự do mưu cầu lợi ích của bản thân theo cách riêng của mình và được phép đem sự siêng năng và đồng vốn của mình cạnh tranh với bất kỳ người hoặc nhóm người nào khác” (1965 [1776], 651, tác giả nhấn mạnh).
Lợi ích của bàn tay vô hình
Smith biện luận rằng ba thành tố này sẽ đưa đến một sự “hài hoà tự nhiên” về lợi ích giữa công nhân, chủ đất và nhà tư bản. Trở lại với ví dụ về nhà máy sản xuất kim, nhà quản lý và lao động phải cùng nhau làm việc để đạt kết quả và chiếc áo len làm ra chính là “lao động kết nối” cần thiết của công nhân, thương lái, và người vận chuyển trên toàn thế giới. Ở một mức chung, tư lợi tự nguyện của hàng triệu cá nhân tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng không cần thiết sự điều hành trung tâm của nhà nước. Học thuyết tư lợi khai sáng này của ông thường được gọi là “bàn tay vô hình”, dựa trên một đoạn nổi tiếng (được cải biên lại) từ Của cải của các quốc gia: “Bằng việc mưu cầu lợi ích của chính mình, mọi cá nhân được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình thúc đẩy lợi ích chung” (423).
Học thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith đã trở thành một phép ẩn dụ phổ biến về một thị trường tư bản không bị trói buộc. Mặc dù Adam Smith sử dụng thuật ngữ này chỉ một lần trong Của cải của các quốc gia, và sử dụng rất ít ở nơi nào đó, nhưng thuật ngữ “bàn tay vô hình” đã trở thành biểu tượng cho cách vận hành của nền kinh tế thị trường cũng như cách hoạt động của khoa học tự nhiên (Ylikoski 1995). Những nhà bảo vệ kinh tế học thị trường đã sử dụng nó với ý nghĩa tích cực, mô tả bàn tay thị trường là “lịch sự” (Harris 1998), “thông thái” và “vươn xa” (Joyce 2001), là một thứ “cải thiện đời sống cho mọi người” (Bush 2002), trong khi trái ngược với nó là “bàn tay hữu hình”, “bàn tay giấu mặt”, “bàn tay chiếm đoạt”, “bàn tay chết chóc”, và “quả đấm sắt” của chính phủ, nơi sở hữu “sự giẫm đạp vô hình lên những niềm hy vọng của nhân dân và phá huỷ giấc mơ của họ” (Shleifer và Vishny 1988, 3-4; Lindsey 2002; Bush 2002). Các phê phán cũng sử dụng các so sánh đối lập để thể hiện sự đối địch của họ với chủ nghĩa tư bản. Với họ, bàn tay vô hình của thị trường có thể là “một quả ve trái tay” (Brennan và Petit 1993), “giẫm đạp” và “làm sa lầy” và “bị cắt bỏ” (Hahn 1982), “bị tê liệt” (Stiglitz 2001, 473), “đẫm máu” (Rothschild 2001, 119) và là “một quả đấm sắt của cạnh tranh” (Roemer 1988, 2-3).
Khái niệm bàn tay vô hình đã nhận được sự ca tụng một cách đáng ngạc nhiên từ các nhà kinh tế học. Tất nhiên, một trong số đó là sự tán dương hết lời từ những người ủng hộ thị trường tự do. Miltion Friedman đề cập đến biểu tượng của Adam Smith như là “sự sáng suốt quan trọng” trong hợp tác và khả năng tự điều chỉnh “sức mạnh của thị trường đến sản xuất hàng hoá của chúng ta, quần áo của chúng ta, ngôi nhà của chúng ta” (Friedman và Friedman 1980, 1). “Tầm nhìn của ông về con đường mà các hành động tự nguyện của hàng triệu con người có thể được kết hợp lại với nhau thông qua hệ thống giá cả không cần tới sự chỉ đạo tập trung… là sự sáng suốt tinh vi và huyền diệu” (Friedman 1978, 17; được trích trong Friedman 1981).
Các nhà kinh tế học trường phái Keynes cũng chẳng hề kiệm lời khi ca ngợi về điều này. William Baumol và Alan Blinder đã phát biểu rằng mặc dù có những điều chưa hoàn hảo, “bàn tay vô hình sở hữu một năng lực đáng kinh ngạc để giải quyết vấn đề phối hợp giữa những phần tử khổng lồ thực sự” (2001, 214). Frank Hahn đã ca ngợi học thuyết bàn tay vô hình như một “sự ngạc nhiên” và phép ẩn dụ thích hợp. “Bất kể những sự chỉ trích nào tôi được biết ở các học thuyết về sau này, tôi muốn ghi lại rằng đó là một kết quả lớn của trí tuệ … Bàn tay vô hình hoạt động hài hoà đem lại sự tăng trưởng hàng hoá mà loài người mong muốn” (Hahn 1982, 1, 4, 8).
Định lý cơ bản đầu tiên về kinh tế học phúc lợi
Học thuyết bàn tay vô hình về thị trường được biết đến như là “định lý cơ bản đầu tiên về kinh tế học phúc lợi”[8]. George Stigler đã gọi đó là “vương miện nạm ngọc” của Của cải của các quốc gia và là “định đề quan trọng nhất của mọi định đề trong kinh tế học”. Ông bổ sung thêm, “Smith có một chiến thắng đặc biệt quan trọng: ông đưa vào trung tâm kinh tế học sự phân tích có hệ thống hành vi của các cá nhân theo đuổi lợi ích tư lợi dưới những điều kiện cạnh tranh” (Stigler 1976, 1201).
Xây dựng trên mô hình cân bằng tổng quát (GE) của Walras, Pareto, Edgeworth và rất nhiều những bậc tiền bối khác, Kenneth J. Arrow và Frank Hahn đã viết một cuốn sách tổng thể phân tích “một nền kinh tế phi tập trung hoá, lý tưởng hoá”, và coi Smith như “sự diễn tả nên thơ của cấu thành cơ bản nhất về các mối quan hệ cân bằng trong nền kinh tế, sự cân bằng hoá tỷ lệ lợi nhuận…”. Hahn kỳ vọng một sự hỗn loạn vô chính phủ, nhưng thị trường đã đưa ra “một câu trả lời khác” – sự trật tự tự phát. Ở một khía cạnh rộng hơn, Arrow và Hahn phát biểu rằng tầm nhìn của Smith “hiển nhiên là đóng góp trí tuệ quan trọng nhất mà tư tưởng kinh tế đã tạo ra một sự hiểu biết chung về tiến trình xã hội” (Arrow và Hahn 1971, v, vii, 1). Không chỉ về kinh tế học phúc lợi (Luật Walras, tối ưu Pareto, hộp Edgeworth) đã khẳng định dựa trên căn cứ hình học và toán học về luận điểm cơ bản của Adam Smith, mà nó còn cho thấy rằng trong hầu hết các trường hợp sự độc quyền, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các hình thức khác phi cạnh tranh tất yếu dẫn đến sự lãng phí và không hiệu quả (Ingra và Israel 1990).
Adam Smith nói về Bàn tay vô hình
Thật ngạc nhiên khi Adam Smith sử dụng thuật ngữ “bàn tay vô hình” chỉ có ba lần trong các tác phẩm của mình. Các đề cập là rất ít ỏi mà các nhà kinh tế và chính trị hiếm khi đề cập đến ý tưởng bàn tay vô hình như một thuật ngữ trong thế kỷ 19. Không có sự trích dẫn tham khảo nào về nó trong lễ kỷ niệm một thế kỷ ra đời tác phẩm Của cải của các quốc gia vào năm 1876. Sự thật là, trong tập được tái bản nổi tiếng của Edwin Cannan, được xuất bản năm 1904, phần chú dẫn đã không có một mục từ riêng nào cho “bàn tay vô hình”. Thuật ngữ này chỉ trở nên một biểu tượng thông dụng trong thế kỷ 20 (Rothschild 2001, 117-18). Nhưng sự kiện mang tính lịch sử này không ám chỉ rằng phép ẩn dụ của Smith chỉ là thứ bên lề trong tư tưởng của ông; nó thực sự là nhân tố trung tâm của tư tưởng ấy.
Sự đề cập về bàn tay vô hình được tìm thấy trong cuốn “Lịch sử Thiên văn học”, cuốn sách ông đã trình bày về những người mê tín khi họ cho rằng các hiện tượng bất thường là do các thần thánh vô hình tạo ra:
Đối với loài người trong thời kỳ nguyên thuỷ, cũng như trong thời kỳ đầu của người Heathen cổ xưa, những hiện tượng bất thường của thiên nhiên đều được cho là từ các lực lượng siêu nhiên và quyền năng do chúa của họ tạo ra. Lửa cháy và nước chảy; vật thể nặng chìm xuống và vật thể nhẹ hơn nổi lên là quy luật của tự nhiên; chứ không phải bao giờ cũng là bàn tay vô hình của thần Jupiter được sử dụng vào những vấn đề như vậy (Smith 1982, 49).Lời tuyên bố đầy đủ về quyền năng kinh tế của bàn tay vô hình đã xuất hiện ở Lý thuyết Tình cảm Đạo đức, khi mà Smith đã mô tả một số chủ đất giàu có khó ưa là những người có “bản tính ích kỷ và tham lam” theo đuổi “những nhu cầu vô độ và hão huyền”. Và hơn nữa họ đã tuyển dụng vài ngàn người công nhân nghèo khổ để sản xuất những hàng hoá xa hoa:
Phần còn lại ông ta [người chủ] buộc phải phân phối… giữa những người… đang làm thuê trong một nền kinh tế khổng lồ; tất cả những ai được hưởng từ sự xa hoa và đồng bóng của ông ta chỉ là phần tối thiểu dành cho cuộc sống với sự kỳ vọng hão huyền về sự nhân đạo hay tính công bằng của người chủ… Họ chia sẻ với người nghèo kết quả từ tất cả các tiến bộ của họ. Họ được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình… mà họ không hề để ý hay biết đến rằng điều đó thúc đẩy mọi lợi ích của xã hội (Smith 1982 [1759], 183-85).Lần đề cập thứ ba, đã được trích dẫn ở trên, xuất hiện ở phần thương mại quốc tế trong Của cải của các quốc gia, khi Smith tranh luận chống lại các rào cản nhập khẩu và chống lại các thương lái cũng như những nhà sản xuất đã ủng hộ quan điểm Trọng thương. Sau đây là toàn bộ trích dẫn:
Vì vậy, mọi cá nhân có nỗ lực hết sức để có thể sử dụng đồng vốn của mình hỗ trợ ngành sản xuất trong nước và làm cho ngành này có thể tạo ra giá trị lớn nhất; mỗi cá nhân nhất thiết phải lao động để làm cho doanh thu hàng năm của xã hội ở mức lớn nhất anh ta có thể. Nhìn chung, thực sự anh ta không có ý định thúc đẩy lợi ích chung hoặc giả cũng không biết rằng mình đã thúc đẩy lợi ích đó lên được bao nhiêu… Và bằng việc hướng ngành sản xuất vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn nhất có thể, anh ta chỉ có ý định là thu vén cho lợi ích của riêng mình, và anh ta ở trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp khác, bị dẫn dắt bởi bàn tay vô hình thúc đẩy để thực hiện một mục đích mà thực ra anh ta không hề nghĩ đến. Điều đó cũng không làm cho xã hội bị tồi đi. Bằng việc theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta thường xuyên thúc đẩy lợi ích của xã hội nhiều hơn khi anh ta thực sự có ý định làm như vậy. Tôi chưa bao giờ được biết nhiều điều tốt như thế từ những kẻ giả danh buôn bán vì lợi ích chung (Smith 1965 [1776], 423).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét