Góp phần nhận thức về các yếu tố xã hội chi phối tham nhũng ở nước ta hiện nay, từ tiếp cận xã hội học, chúng tôi cố gắng lý giải hiện tượng xã hội này dưới góc nhìn thiết chế xã hội và con người.
Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014
Hiện tượng tham nhũng dưới góc nhìn xã hội học
19:29
Hoàng Phong Nhã
No comments
Việc nghiên cứu tìm hiểu những yếu tố xã hội hay nói cách
khác là cơ chế chi phối tham nhũng là một chủ đề nghiên cứu quan trọng,
đặc biệt đối với Việt Nam - một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi
xã hội sâu rộng hướng đến một xã hội công nghiệp hiện đại và văn minh.
Góp phần nhận thức về các yếu tố xã hội chi phối tham nhũng ở nước ta hiện nay, từ tiếp cận xã hội học, chúng tôi cố gắng lý giải hiện tượng xã hội này dưới góc nhìn thiết chế xã hội và con người.
Góp phần nhận thức về các yếu tố xã hội chi phối tham nhũng ở nước ta hiện nay, từ tiếp cận xã hội học, chúng tôi cố gắng lý giải hiện tượng xã hội này dưới góc nhìn thiết chế xã hội và con người.
1. Khái niệm
Thiết chế xã hội
Thiết chế xã hội là một khái niệm cơ bản
của xã hội học. Khi tìm hiểu khái niệm này có thể thấy nhiều định
nghĩa. Hai tác giả Cohen và Orbuch cho rằng "Thiết chế xã hội là một hệ
thống các quan hệ ổn định, tạo nên một loạt các khuôn mẫu xã hội biểu
hiện sự thống nhất được xã hội công khai thừa nhận nhằm mục đích thoả
mãn các nhu cầu cơ bản của xã hội” (Cohen và Orbuch, 1995). Còn Smelser
đưa ra một quan niệm ngắn gọn hơn "Thiết chế là một tập hợp các vị thế
và vai trò có chủ định nhằm thoả mãn nhu cầu xã hội quan trọng"
(Smelser, 1995). Tương tự hai quan điểm trên, Fichter quan niệm "Thiết
chế chính là một hợp các khuôn mẫu tác phong được đa số chấp nhận (các
vai trò) nhằm thoả mãn một nhu cầu cơ bản của nhóm xã hội (Fichter,
1971).
Những dẫn chứng trên cho thấy, đang tồn
tại nhiều quan niệm về thiết chế xã hội, tuy nhiên các quan niệm này có
điểm thống nhất “Thiết chế xã hội là một hệ thống khuôn mẫu /chuẩn mực
quy định các vị thế, vai trò xã hội. Nó được tạo ra và hoạt động để thỏa
mãn những nhu cầu, và chức năng cơ bản của xã hội”. Các nhà xã hội học
cho rằng có năm thiết chế xã hội cơ bản (gia đình, giáo dục, kinh tế,
nhà nước, tôn giáo), ngoài ra còn có các thiết chế phụ khác. Các nhà
chức năng luận cho rằng, mỗi thiết chế thực hiện chức năng riêng, nhưng
chúng có mối tương tác với nhau. Nếu một thiết chế hoặc tất cả các thiết
chế không đảm bảo chức năng thì sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực đối
với xã hội; (điều này sẽ được phân tích ở phần 2 thiết chế xã hội và
biểu hiện tham nhũng). Cũng theo các nhà xã hội học, các thiết chế có
hai chức năng cơ bản là điều hoà và kiểm soát quan hệ xã hội... Trường
hợp các thiết chế xã hội không thực hiện tốt chức năng điều hoà và kiểm
soát xã hội sẽ dẫn đến xuất hiện nhiều hành vi lệch chuẩn xã hội. Tiếp
cận xã hội học về tham nhũng xem tham nhũng như là một trong những hành
vi lệch chuẩn xã hội. Khái niệm “tham nhũng” trình bày dưới đây sẽ giúp
hiểu rõ hơn nội hàm kiểu hành vi lệch chuẩn này và mối liên hệ của nó
với thiết chế xã hội.
Tham nhũng
“Tham nhũng” cũng được hiểu theo nghĩa
khác nhau ở cấp độ quản lý và khoa học. Khái niệm được trình bày ở đây
là theo quan điểm khoa học mà người viết tiếp cận được. Stapenhurst và
cộng sự cho rằng “tham nhũng, theo nghĩa đơn giản nhất, là sự lạm dụng
quyền lực, đa phần là để đạt được lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một
nhóm mà người ta phải trung thành với nó. Tham nhũng có thể do lòng tham
thúc đẩy, do ước muốn duy trì hoặc tăng thêm quyền lực, hay một cách
khá vô lý là do niềm tin vào một cơ may mà người ta cho rằng còn lớn lao
hơn (Stapenhurst et al., 2002). Một tác giả khác khi đề cập đến hiện
tượng tham nhũng cũng rất nhấn mạnh từ “lạm dụng quyền lực” của các cá
nhân có vị thế chính trị trong xã hội. "Người ta có thể định nghĩa tham
nhũng theo cách chung chung là sự lạm dụng quyền lực được giao phó để
thu lợi riêng và nó dẫn đến những hao tổn về chính trị, kinh tế và xã
hội nghiêm trọng (...). Tham nhũng thường không có nạn nhân trực tiếp.
Cuối cùng, toàn bộ xã hội phải chịu thiệt, đặc biệt là những thành viên
dễ bị tổn thương nhất" (Peter, 2002). Đồng cảm và ủng hộ cho hai quan
niệm trên, tác giả Mai Hà cho rằng “có thể tìm thấy nhiều định nghĩa
khác nhau về hiện tượng tham nhũng, nhưng nói chung những yếu tố cơ bản
để nhận dạng tham nhũng là: Đó là hành vi vụ lợi; đó là hành vi bất
chính, trái pháp luật; đó là hành vi của những người có chức, có quyền"
(Mai Hà, 2006).
Điểm qua một số quan niệm về tham nhũng
nêu trên cho thấy, các học giả nghiên cứu khá nhấn mạnh đến các chính
khách, công chức, đặc biệt là các cá nhân có vị thế /địa vị xã hội cao
đã lạm dụng quyền lực được giao phó để thu lợi cá nhân, thực hiện hành
vi tham nhũng (lệch chuẩn) trái với mong đợi của xã hội. Tuy nhiên, quan
niệm này chỉ cho thấy một nhóm xã hội có quan hệ với tham nhũng, chưa
bao quát được hành vi tham nhũng trong toàn xã hội. Chúng tôi cho rằng,
nên có sự mở rộng hơn về khái niệm vì hành vi tham nhũng có thể tồn tại ở
mọi cá nhân và tất cả các cấp độ thuộc lĩnh vực của đời sống xã hội
(một nhân viên không có quyền lực trong nhà máy có hành vi “ăn bớt” sản
phẩm hoặc thời gian… nếu anh ta không được trả lương tốt chẳng hạn). Như
vậy mới có thể bao quát được mức độ và phạm vi của hiện tượng tham
nhũng trong các xã hội.
Như vậy, xem xét cặp khái niệm “tham
nhũng” và “thiết chế xã hội” cho thấy rõ hành vi tham nhũng của cá nhân
có mối liên hệ khăng khít với thiết chế xã hội. Nếu thiết chế xã hội
không thực hiện tốt chức năng điều hoà và kiểm soát xã hội thì nhiều
hành vi lệch chuẩn xã hội xuất hiện. Khi đó, các thiết chế xã hội sẽ tạo
cơ hội cho cá nhân (vị thế cao) khai thác nhằm mục đích thực hiện hành
vi phục vụ cho nhu cầu cá nhân là tất yếu.
2. Thiết chế xã hội và hành vi tham nhũng - nhìn từ một số biểu hiện của bốn thiết chế
Các thiết chế xã hội được trình bày ở
đây bao gồm: thiết chế gia đình; thiết chế kinh tế; thiết chế giáo dục;
thiết chế lễ nghi. Đây là các thiết chế có phạm vi hoạt động rộng, bao
quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo các nhà xã hội học, các
thiết chế này có vị thế khá quan trọng trong hệ thống các thiết chế xã
hội. Chúng tôi không có tham vọng đề cập đến tất cả phạm vi hoạt động
của bốn thiết chế nêu trên, mà với những dữ liệu và kiến thức hiện có,
cố gắng đưa ra một số ví dụ điển hình về hành vi tham nhũng và lý giải
nó trong mối tương quan với biểu hiện của bốn thiết chế xã hội ở nước ta
hiện nay.
2.1. Thiết chế kinh tế chưa thực hiện tốt vai trò kiểm soát
Theo quan điểm của Cohen và Orbuch
(1995), xã hội nhờ có thiết chế kinh tế mà nó được cung cấp đầy đủ về
vật chất và dịch vụ. Nó bao gồm chủ yếu: sự sản xuất, phân phối, trao
đổi và tiêu thụ sản phẩm. Có rất nhiều thiết chế phụ thuộc như tín dụng,
ngân hàng, quảng cáo. Các chức năng chuyên biệt của nó là: sản xuất,
trao đổi hàng hoá và dịch vụ; phân phối hàng hoá và dịch vụ; tiêu dùng
sản phẩm và sử dụng dịch vụ (Cohen và Orbuch, 1995). Phải thấy rằng,
phạm vi hoạt động của thiết chế này bao trùm toàn bộ các lĩnh vực kinh
tế của xã hội. Đây là thiết chế đóng vai trò khá quan trọng đối với sự
ổn định của xã hội. Tuy nhiên, không phải thiết chế xã hội này làm tốt
vai trò ở mọi xã hội mà khả năng thực hiện phụ thuộc vào điều kiện và
bối cảnh kinh tế của từng xã hội cụ thể. Những quốc gia có nền kinh tế
đang chuyển đổi thì tham nhũng có xu hướng lan tràn sâu rộng trong xã
hội. Nguyên nhân của nạn tham nhũng ở các quốc gia này được một số học
giả lập luận rằng “tự do hoá thị trường và tư nhân hoá trong những nền
kinh tế chuyển đổi và một số nền kinh tế mới nổi đã làm cho tình trạng
tham nhũng gia tăng đáng kể” (Kaufmann, 2002). Tình trạng tham nhũng của
quan chức chính phủ đặc biệt tràn lan ở một số nước châu Phi và trong
các nước chuyển đổi, nơi các cuộc cải tổ chính trị và kinh tế được tiến
hành đồng thời cùng với việc phân phối lại ồ ạt tài sản của nhà nước
đang rất khó kiểm soát (Olowu,1993).
Những luận điểm trên lý giải rằng, sự
gia tăng hiện tượng tham nhũng có liên quan với thiết chế kinh tế ở các
nền kinh tế đang chuyển đổi. Tại các quốc gia này, do khuôn khổ thiết
chế kinh tế đang trong quá trình cải tổ, chưa ổn định, các hoạt động sản
xuất, phân phối, trao đổi v.v.. chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy,
các doanh nhân, công ty, tập đoàn kinh tế hành động ít theo khuôn khổ xã
hội mà theo xu hướng khác nhằm mục tiêu có được lợi nhuận cao và nhanh
nhất.
Ở nước ta, việc kiểm soát quá trình sản
xuất và phân phối của thiết chế kinh tế trong thời gian qua chưa thực sự
hiệu quả. Việc kiểm soát quá trình sản xuất của thiết chế kinh tế không
chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp không lấy hiệu quả hoạt động của doanh
nghiệp làm mục đích mà lấy việc làm kinh tế bất chính, phi pháp làm mục
đích chính (bằng hoạt động móc ngoặc với nhân vật có vị thế quyền lực
trong cơ quan có thẩm quyền để giành những ưu đãi, độc quyền, lợi ích
trong quá trình giao dịch kinh tế). Các khoản “lệ phí” và các hình thức
tiền “lại quả” khác đã thường xuyên được dùng làm phương tiện mở rộng
kinh doanh. Trong phân phối còn chưa bình đẳng, chưa tạo môi trường cạnh
tranh. Vụ án Mai Văn Dâu là ví dụ rất điển hình cho thấy những điểm yếu
của thiết chế kinh tế.
Một vài phân tích trên đã bộc lộ điểm
yếu của thiết chế kinh tế trong quá trình thực hiện chức năng kiểm soát
sản xuất và phân phối. Những điểm yếu này là cơ hội cho hành vi tham
nhũng phát triển. Tuy nhiên, đây không phải là thiết chế duy nhất có
quan hệ với sự gia tăng của hiện tượng tham nhũng ở nước ta.
2.2.Thiết chế lễ nghi đang được hành vi tham nhũng lạm dụng
Thiết chế lễ nghi là toàn bộ khuôn mẫu
hành vi ứng xử mang giá trị văn hoá của một xã hội. Tại một số xã hội,
thiết chế lễ nghi đang được nhóm người có hành vi tham nhũng lạm dụng,
mượn khuôn mẫu ứng xử này để thể hiện hành vi trao và nhận hối lộ. Cho
đến nay, những tranh luận học thuật về “có hay không văn hoá tham
nhũng?” vẫn là một chủ đề chưa ngã ngũ. Không ít ý kiến cho rằng, tham
nhũng bắt rễ sâu xa từ nền văn hoá phương Đông. Trong công trình “Tham
nhũng và chống tham nhũng ở Hàn Quốc” Kim cho rằng, từ lâu một số xã hội
châu Á đã tồn tại hình thức trao tặng các món quà “presents” giữa dân
và người có quyền lực. Tham nhũng ẩn giấu sau các nghi lễ này (Kim,
1998). Công trình nghiên cứu về tham nhũng tại 4 nước châu Á (Hàn Quốc,
Philippines, Thái Lan và Indonesia) của hai tác giả Bhargava và
Bolongaitahau công bố mới đây cũng cho thấy yếu tố văn hoá là một trong
những nguyên nhân tạo “chỗ đứng” cho tham nhũng. Thậm chí nhiều người
còn cho rằng, cần chấp nhận tham nhũng như là một việc làm thông thường
trong nhiều nền văn hoá không phải phương Tây. Tuy nhiên, các tổ chức
quốc tế đều thống nhất văn hoá chỉ là “vỏ bọc” của tham nhũng. Tổ chức
Minh bạch thế giới khẳng định không thể lấy văn hoá để bao biện cho hành
vi tham nhũng. Bởi xét một cách sâu xa, tham nhũng là thuộc tính tự
nhiên của mỗi con người bất chấp màu da, văn hoá. Bằng chứng là nạn tham
nhũng vẫn hoành hành ở nhiều nước châu Phi và Đông Âu nhưng lại bị đẩy
lùi tại một số nền kinh tế châu Á như Hong Kong, Singapore (Báo Quốc tế,
số 49).
Việt Nam là quốc gia ảnh hưởng nhiều của
văn hoá Đông Á. Cũng giống nhiều xã hội châu Á khác, hình thức trao
tặng các món quà “presents” vào dịp lễ đặc biệt đã tồn tại trong lịch
sử, và tất nhiên những món quà lớn bằng tiền hoặc hiện vật được dân
chúng trao tặng cho nhân vật có quyền lực cũng sớm tồn tại trong đời
sống xã hội. Những nghi lễ trao tặng “presents” tiếp tục phát triển mạnh
trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Điều đáng quan tâm là lễ nghi
này đang bị lạm dụng. Bằng chứng là trong các vụ án tham nhũng đã được
xét xử, có nhiều vụ án mà tiền và hiện vật đã được trao tặng theo hình
thức này.
2.3. Chức năng xã hội hoá của thiết chế giáo dục chưa được thực hiện tốt
Thiết chế giáo dục có nhiệm vụ xã hội
hoá cá nhân ở gia đình và xã hội (các tổ chức giáo dục có vai trò quan
trọng trong quá trình xã hội hoá). Các chức năng chuyên biệt của thiết
chế này là chuẩn bị cho cá nhân nghề nghiệp xã hội; truyền bá và chuyển
giao di sản văn hoá qua các thế hệ; giúp cá nhân làm quen dần với các
giá trị xã hội; chuẩn bị cho các cá nhân tiếp nhận các vai trò xã hội và
đảm nhiệm các vai trò phù hợp với sự mong đợi của xã hội (Cohen và
Orbuch, 1995).
Quan niệm trên cho thấy, thiết chế giáo
dục có vị trí rất quan trọng trong hệ thống các thiết chế xã hội. Thiết
chế này thực hiện vai trò xã hội hoá cá nhân qua các giai đoạn của đời
người ở các môi trường xã hội khác nhau. Các giá trị văn hoá, chuẩn mực
xã hội, học vấn, nghề nghiệp… đến được với các cá nhân thông qua thiết
chế xã hội này. Tuy nhiên, trong xã hội tồn tại nhiều hành vi lệch
chuẩn, tham nhũng một phần là do thiết chế giáo dục chưa hoàn thành vai
trò xã hội. Mỗi cá nhân khi tiếp nhận giá trị, chuẩn mực xã hội thông
qua quá trình xã hội hoá, khi tham gia vào xã hội, các cá nhân phải đóng
vai phù hợp với mong đợi của xã hội. Trong bối cảnh một xã hội đang
chuyển đổi, việc cá nhân, nhóm xã hội không đóng đúng vai có thể xảy ra.
Trong công trình “Kinh nghiệm của Singapo trong đấu tranh chống tham
nhũng", Leak cho rằng Singapo những năm 60 của thế kỷ trước, khi quốc
gia này mới giành được độc lập, dân chúng nói chung có trình độ học vấn,
dân trí thấp. Vì họ hầu hết là công nhân di cư, những người đã quen với
sự đối xử không công bằng của quan chức nhà nước. Họ đã phục tùng những
người có quyền lực và không dám tố cáo vì sợ trả đũa. Họ không biết về
các quyền của mình và cách duy nhất họ biết để có được mọi thứ là thông
qua con đường hối lộ (Leak, 2002).
Tham nhũng tồn tại phổ biến trong xã hội
Việt Nam những năm qua phản ánh rất rõ điểm yếu của chức năng xã hội
hoá trong thiết chế giáo dục. Thiết chế này chưa giúp các cá nhân tiếp
nhận đúng các giá trị xã hội. Do trình độ dân trí thấp, nên để giải
quyết các vấn đề của mình, người dân đút lót các cán bộ có trách nhiệm.
Việc làm này của họ xuất phát từ quan niệm đó chỉ là những món quà tỏ
lòng biết ơn, nhưng nó đã tạo điều kiện cho những cán bộ đó tiếp tục
trục lợi, tham nhũng, sách nhiễu. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục về
các chuẩn mực xã hội nói chung và về pháp luật nói riêng chưa có hiệu
quả. Trình độ dân trí thấp, thiếu thông tin và bất bình đẳng trong thông
tin, thiếu hiểu biết về pháp luật… là do thiết chế giáo dục chưa thực
hiện tốt chức năng xã hội hoá.
2.4. Chức năng kinh tế của thiết chế gia đình chưa được đảm bảo
Một thiết chế khác phải kể đến là thiết
chế gia đình. Cohen và Orbuch cho rằng bên cạnh chức năng cơ bản, thiết
chế gia đình có chức năng riêng là: điều chỉnh hành vi giới; duy trì sự
tái sinh sản các thành viên trong gia đình từ thế hệ này tới thế hệ
khác; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; xã hội hoá trẻ em; gắn vai trò và thiết
lập vị thế đã được thừa kế từ gia đình; đảm bảo cung cấp kinh tế gia
đình để gia đình như là một đơn vị tiêu dùng (Cohen và Orbuch, 1995).
Quan niệm này cho thấy, thiết chế gia đình có phạm vi hoạt động rất
rộng. Theo các nhà xã hội học, đây là thiết chế có vị thế khá quan trọng
trong hệ thống các thiết chế xã hội. Nếu một trong số các chức năng của
thiết chế này có biểu hiện yếu thì dẫn tới các dấu hiệu không bình
thường cả ở phạm vi gia đình và ngoài xã hội.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, hiện
tượng công chức thực hiện hành vi tham nhũng, hối lộ khi làm nhiệm vụ
là khá phổ biến. Các vụ tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội. Các khoản “lệ phí”, "quà biếu" và các hình thức tiền “lại
quả” khác đã thường xuyên được dùng làm phương tiện trao đổi. Sự tồn tại
phổ biến các hình thức này là do chức năng đảm bảo cung cấp kinh tế gia
đình chưa làm tốt vai trò. Khi cán bộ công chức đi làm mà lương không
đảm bảo cho chính bản thân họ trong khi giá cả thị trường tăng nhanh,
nhu cầu đời sống gia đình ngày càng lớn, kinh tế gia đình đang khó khăn,
thì làm sao họ có thể yên tâm và cống hiến sức lực của mình cho xã hội.
Do vậy, với vị thế xã hội của họ, bằng mọi cách - dù là trái pháp luật,
là hành vi lệch chuẩn - nhưng họ vẫn hành động để nhằm đảm bảo cuộc
sống cho bản thân và gia đình. Những vụ án tham nhũng dẫn ra ở trên cho
thấy rõ là chức năng kinh tế của thiết chế gia đình chưa được đảm bảo.
Một số nhận xét và đề nghị
Mối quan hệ về một số biểu hiện của
thiết chế xã hội và hành vi tham nhũng nêu trên đây được xem là các
thiết chế có quan hệ khăng khít với hiện tượng tham nhũng ở nước ta hiện
nay. Các thiết chế khác (nhà nước - pháp luật, tôn giáo, v.v…) cũng có
mối liên hệ với hiện tượng tham nhũng, chúng tôi sẽ đề cập đến trong dịp
khác.
Căn nguyên của tình trạng gia tăng tham
nhũng chủ yếu từ những yếu kém của các thiết chế trên. Khó có thể nói
rằngC, tham nhũng sẽ hoàn toàn bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, song để
hạn chế, kiềm chế nó đến mức độ nào thì còn tuỳ thuộc vào nhận thức,
hiểu biết và có biệp pháp ứng phó hợp lý. Chống tham nhũng, nên chăng
cần tiếp cận theo nhận thức về các thiết chế xã hội.
Cần tăng cường hoạt động nghiên cứu xã
hội học về hiện tượng tham nhũng để từ đó có những cơ sở lý luận, phương
pháp nghiên cứu chuyên sâu giúp cho việc phân tích và giải thích diễn
biến của hiện tượng tham nhũng trong bối cảnh chuyển đổi xã hội. Chính
sách chống tham nhũng nên tham khảo kết quả nghiên cứu khoa học về hiện
tượng này.
Nguyễn Đức Chiện (Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét