Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Mối quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và tiềm thức

Sự có mặt của tiềm thức như một thực tế không đồng nhất với ý thức - được coi là tầng sâu, tầng nền của ý thức. Trong ngôn ngữ học các nhà khoa học đang nghiên cứu rất nhiều về ngôn ngữ bên trong - tức cái có trước - khi nó chưa hiện ra thành ngôn ngữ của một khái niệm, một biểu đạt.


Tư duy cảm xúc có nhiều bậc, tư duy lô-gic cũng có nhiều bậc. Bậc cuối cùng của tư duy hình tượng là biểu tượng - và bậc đầu tiên của tư duy lô-gic là khái niệm.
Tư duy hình tượng
Tư duy lô-gic
Cảm giác – cảm xúc – hiện tượng – biểu tượng cụm biểu tượng tạo ra mệnh đề tiền ngôn ngữ
Khái niệm – mệnh đề…
Biểu tượng là kết quả của thị giác. Trước khi được gọi tên ra, được trừu tượng hóa thành khái niệm - tức có được hình thức biểu đạt bằng ngôn ngữ từ các kết quả tri giác thế giới của con người, nó được biểu đạt bằng xung lực trực giác ngũ quan mà mức cao nhất là biểu tượng thị giác. Bậc thông dịch cuối cùng dẫn đến khái niệm là hình ảnh thị giác. Ngược lại khái niệm được dịch ra hình tượng đầu tiên ở bậc biểu tượng thị giác. Giấc mơ phần nào chính là sự thông dịch, chiếu rọi ngôn ngữ lên bình diện thị giác thành các hình ảnh.
Không phải tư duy hình tượng là thuộc tầng tiềm thức. Tư duy nói chung là ở tầng ý thức. Song giữa tư duy lô-gic và tư duy hình tượng có một khoảng cách: tư duy hình tượng gắn liền hơn; có nhiều dây tơ ràng buộc nó với tầng tiềm thức. Mất ý thức trước hết là mất khả năng tư duy lô-gic. Vậy mà bất cứ ai sáng tác đều cảm thấy rằng tư duy lô-gic chỉ là cái bóng mờ ám ảnh họ khi sáng tác. Còn hình như sự lãng quên tư duy lô-gic - quên sự lý giải, lùi xa cái bóng kia đi thì họ sẽ được bay nhảy hơn - mọi cái họ làm ra thực sự là “mới” là “chưa có bao giờ” và đều xuất hiện một cách bất ngờ, “ngẫu nhiên” không có quy luật, không có lô-gic nào dẫn dắt cả. Họ đổ lỗi hay tính công cho cái gọi là óc tưởng tượng phong phú. Và không ai tưởng tượng một cách lô-gic cả. Chỉ khi kết quả của tưởng tượng đã hiển hiện ra rồi - người ta mới lý giải nó một cách ít nhiều lô-gic. Những người thích bí hiểm hóa sáng tạo nghệ thuật lại phủ nhận tính lô-gic. Hoàn toàn trông chờ vào thiên khai, vào phút nhập thần huyền bí và viện tới sự can thiệp của một lực lượng siêu nhiên, thần thánh nào đó. Song nếu kết quả của tưởng tượng phong phú có thể phân tích lý giải được một cách lô-gic - và quá trình sinh ra nó cũng có thể suy đoán một cách lô-gic - Sau khi nó đã sinh ra - còn trước đó thì tuyệt nhiên không, thì rõ ràng tư duy lô-gic không mâu thuẫn mà còn gắn bó với óc tưởng tượng bằng những đường liên lạc phức tạp.
Hình tượng phát nguồn từ cảm xúc trực quan. Mà cảm xúc trực quan có cơ chế sinh lý học cụ thể làm cơ sở. Không có cơ sở này không có cảm xúc trực quan. Mặn, nhạt, chua, cay, xanh, đỏ, tối, sáng, thơm, khẳn, nhẵn, xốp... đều do ta nếm, ngửi, nhìn, sờ mó mà biết được. Không làm những động tác - đó ta không có những cảm giác trên. Tuy nhiên thế nào là mặn, thế nào là nhạt, là xanh, là đỏ, là thơm, là khẳn thì lại là chuyện khác. Cái đó không gắn chặt với cảm xúc trực quan, không đồng nhất với cảm xúc trực quan. Có những cái vô hình khác can thiệp tạo ra cái “thế nào” này. Do vậy hình tượng không gắn liền với da thịt với cảm xúc dù nó được sinh ra từ đó.
Ta rẽ sang một đường khác và trở lại vấn đề tiềm thức. Người ta thường lấy giấc mơ để tìm hiểu tiềm thức. Giấc mơ là tầng biểu hiện có thể tri giác được cái mà ta gọi là tiềm thức. Giấc mơ là một tập hợp các hình ảnh thị giác - hỗn độn - không có quy luật - khi giải thích lô-gic (mặc dù những giấc mơ rất lô-gic nhưng khi đó chúng là những giấc mơ nông cạn - căn bản tái hiện những việc cụ thể mà ban ngày ta đã trải qua). Trong giấc mơ xuất hiện những hình ảnh không phải là sự tái tạo những cái ta đã thấy, đã biết từ xa xưa bị lãng quên nay được nhớ lại. Nếu người từ khi là tế bào đến khi trưởng thành lặp lại toàn bộ quá trình sinh học của loài vật thượng đẳng nhất – thì tâm lý người ta cũng lặp lại toàn bộ tâm lý của loài người song hành với quá trình sinh học kia. Trong khi đó trí nhớ, ý thức của ta chỉ có thể thả dây xuống tới những năm thứ 3, 4 của đời mình, tức vào cái tuổi con người tập nói, tập đi - để trở thành người. Còn quãng thời gian ấu thơ dài đặc trước đó - tính không phải bằng 3, 4 năm mà bằng hàng vạn năm thì ta không thể nào ý thức nổi, không thể nào nhớ lại nổi. Tiềm thức, giấc mơ giúp ta thả dây gầu xuống sâu hơn nữa. Người ta hay so sánh tâm lý nguyên thủy với tâm lý trẻ em - điều đó chứng minh rằng trẻ em từng lặp lại quá trình phát triển tâm lý của loài người - bất chấp hoàn cảnh cụ thể mà nó được hưởng. Chỉ từ khi “thành người” thực thụ của một thời đại nhất định nào đó nó mới thành người “văn minh”. Tiềm thức không chỉ là cái “bồ rác” đựng những đồ thải của ban ngày, cũng không phải chỉ là kho cất giấu những cái ý thức của chúng ta tạm thời không cần để lúc nào cần thì lôi ra dùng. Cả sự tự ý lục lọi cái kho này ý thức ta cũng không có quyền. Nếu có sự di truyền tâm lý, thì ở đây có các yếu tố di truyền con người mà tất cả các dân tộc đều trải qua là di truyền về nòi giống - được cấu kết và truyền cho người đời sau thuộc một nòi giống nào đó. Về mặt di truyền tâm lý thị giác ta cũng thấy như vậy.
Trẻ em thoạt đầu chưa phân biệt được màu, trẻ độ vài ba tháng bắt đầu nhìn thế giới. Chúng phân biệt bằng hình dáng là chính. To, nhỏ, vuông, tròn đối với nó là tiêu chuẩn để phân biệt. Hai hòn đá hai màu với chúng là một, quả bóng to với một hòn bi nhỏ lại là hai thứ khác nhau. Cái đĩa với cái chén cũng vậy dù chúng cùng một màu. Phân biệt được dáng hình như vậy là do chúng bắt đầu nhận biết được các đường viền của đồ vật - bắt đầu tạo ra trong đầu khái niệm nét. Đó cũng là thành tựu thị giác đầu tiên của con người. Trong các nền nghệ thuật nguyên thủy đâu đâu ta cũng thấy nét đóng vai trò quan trọng đầu tiên. Các văn chải, văn lược, những hình kỷ hà . . . là những nét mà con người đã tạo ra được ảo giác quan được đào luyện. Nét vẽ của người nguyên thủy rất gần với những nét vẽ đầu tiên của trẻ em.
Nếu tổ tiên người Việt Nam sống ở một khu vực nhiều nắng mưa, nhiều độ ẩm. . . cảnh vật nơi đó có núi đồi, cây cối đa dạng, cách sống của họ ở các vùng đồi, vùng đồng bằng - kinh tế lúa nước buộc họ phải quan sát những vân mây. . . thì tâm lý thị giác của họ phát triển theo một hướng khác những người ở sa mạc Gô-bi du mục và quen với cát - gió nóng quanh năm. Hàng ngàn năm con mắt người Việt được đào luyện khác con người ở Gô-bi. Họ hình thành những thói quen thị giác riêng biệt. F. Engels nói mắt người nhìn thấy nhiều hơn mắt đại bàng nhưng mắt người ở mỗi nơi nhìn thấy “nhiều hơn” theo một cách không giống nhau hoàn toàn. Thói quen thị giác đó được di truyền trong nòi giống - góp phần tạo nên tâm lý thị giác của mỗi nòi giống qua các thời kỳ. Nó là sợi dây vô hình làm cho mỹ thuật Đông Sơn - Lý – Trần - Lê được xâu thành một chuỗi cườm chứ không phải những hạt ngọc rời rạc. Ở người Việt màu lam, hồng, da cam, xanh lục . . . trở nên thân thiết gần gũi - khác với sắc đen, xanh của tranh Đường, tranh Tống ở Trung Hoa. (Tất nhiên ở đây có ảnh hưởng của luân lý, tôn giáo, triết học. . . nữa). Người miền nam Âu châu, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha hình như có cảm năng về màu sắc tinh nhạy hơn người Bắc Âu khô cằn. Người Hà Lan, Đức hình như nhạy hơn người phương Nam về đường nét và tối sáng. Tôi cứ tin rằng không phải người Hà Lan chắc Rembrandt không vẽ được tối sáng tinh vi như thế. Và những cành cây khô đen trơ trọi trong mùa đông tuyết trắng của Pieter Bruegel, hay những nét khắc đồng li ti, uyển chuyển của Albrecht Durer không thể là sản phẩm con mắt người Italia chói chang ánh nắng dưới trời Địa Trung Hải xanh rười rượi. Rồi cả quá trình lịch sử, hoạt động xã hội và kinh tế của một giống nòi nào đó cũng tham gia vào việc hình thành các thói quen thị giác, tạo ra cái tâm lý thị giác được di truyền lại cho đời sau này. Nó cũng hình thành một thứ ngôn ngữ thị giác - Song chúng không khác nhau như các thứ tiếng vì gắn chặt với một giác quan cụ thể - có cơ sở của di truyền học, tâm lý cụ thể.
Tóm lại tôi muốn nói rằng tâm lý thị giác có yếu tố di truyền. Tức ta có thể nhìn thấy và nhìn như tổ tiên con người xa xưa đã nhìn, đã thấy như người Việt cổ xưa, cha, ông, cụ, kỵ chúng ta đã từng nhìn từng thấy. Ở đây có hai khía cạnh: Một là thói quen, gặp lại ta thấy nó gần gũi quen thuộc. Hai là ta có thể thấy lại những hình ảnh mà tổ tiên ta đã từng nhìn thấy thật.
Ta biểu thị ý thức như một mặt phẳng.
Còn tiềm thức như một khối có mặt phẳng song song với mặt phẳng trên và có cội rễ sâu xa, vô cùng. Di truyền là những sợi dây đọc tạo nên cái khối làm nền móng đó. Nhiều hạt của ý thức bị xáo động trên cái sàng của nó và rơi xuống tầng dưới. (Những hạt này tạm thời không cần thiết với con người. Goethe nói rất hay rằng: “Những cái gì chúng ta biết, chúng ta đều không cần và cái ta cần thì ta lại không biết”). Bản thân tầng dưới này cũng luôn luôn xáo động, xô đẩy lẫn nhau. Những hạt ở tầng ý thức rơi xuống lốp bốp. Hợp với các hạt mọc lên từ tầng sâu vô tận của tiềm thức, chúng va đập vào nhau gây ra các vụ nổ lốp bốp rồi có những hạt vọt lên như những hạt mầm. Đến khi hạt nào đó từ tầng dưới vọt lên được tầng trên - mọi người ý thức được sự có mặt của nó. Cái mầm đã nhú lên trên mặt đất - và người ta nhìn ra nó, gọi nó là một cái cây. Khi nó mọc lên như vậy ai có thể phân biệt được nó là một hạt vốn từ tầng sâu tiềm thức mọc lên hay những hạt từ tầng ý thức rơi xuống nhiễm từ của tầng tiềm thức - mang sắc thái “bí hiểm” của tiềm thức rồi vọt trở lại mặt đất như một cái gì khác lạ, ngẫu nhiên.
Thực ra phải biểu diễn hai mặt phẳng trên như hai mặt phẳng gợn sóng - đồng pha hay lệch pha với nhau. Cái khoảng cách giữ hai mặt phẳng này là trường hoạt động của tâm thần, cửa tình cảm chúng ta. Sự hoạt động của ngũ quan và trí tuệ đóng vai trò động lực cho sự chuyển động của hai mặt phẳng đó. Chúng là động cơ phát động hai mặt phẳng tiềm thức và ý thức. Với tiềm thức: trực quan là động cơ chính, lý trí là động cơ phụ và ở tầng ý thức thì ngược lại. Hai động cơ này đổi chỗ cho nhau.
Sáng tạo nghệ thuật- phụ thuộc vào cái trường đệm giữa hai tầng này, phụ thuộc vào sự chuyển động đa dạng của hai tảng này làm cho các hạt nảy lên, rơi xuống, va đập vào nhau và có hạt sẽ từ tầng sâu tiềm thức vọt lên mặt đất nở hoa kết trái - trên tầng trên. Ở trên đó nó lập tức trở thành thực thể của ý thức có thể phân tích lô-gic được và nó góp phần tạo nên quang cảnh mới Ở tầng trên. Ngũ quan, tâm lý con người làm quen với quang cảnh mới đó, ăn quả của những cái cây đó và biến nó thành thân thể mình. Thế là từ thế hệ này sang thế hệ khác tầng tiềm thức - bị tiềm thức hóa - cứ cao dần lên, dày thêm lên. Và thói quen trước đây vốn được ý thức nay thành thói quen về vô thức tức lãng quên sự ý thức hóa ban đầu đi và mang mầu sắc của trực quan, di truyền.
Như vậy ý thức và tiềm thức tham gia kết hợp với nhau nhuần nhuyễn trong cơ chế sáng tạo nghệ thuật. Ở đây dù có giải thích mấy đi nữa ta vẫn phải công nhận rằng có điều không giải thích nổi - vì Ở tầng tiềm thức thực ra không có khái niệm giải thích. Khái niệm này là đứa con cả của gia đình ý thức từ lâu rồi, cái “bí hiểm” ở đây giống như việc tạo ra một đơn vị thông tin ở một ngã ba đường. Ta đi hết một đoạn đường dài để tới ngã ba. Ở đó ta biết rằng có hai con đường để đi tới hai đích khác nhau. Tại sao ta lại ngẫu nhiên chọn một trong hai con đường? Ta biết rằng xác suất chọn một trong hai con đường là đ nhưng không thể biết tại sao lại xảy ra quyết định đó. Nếu nói rằng vì ta có quán tính do đoạn đường dài phía sau đẩy tới cũng có lý. Lúc đó ta rẽ ngoặt mà không ý thức rằng ta đã rẽ ngoặt. Và sự rẽ ngoặt đó đã không xảy ra, không có giá trị, ta vẫn đi thẳng. Nếu nói ta đã nhìn thấy cái đích nào cần đi tới nên mới chọn một trong hai con đường thì làm sao biết được cái đích mà ta không tới, không định đi tới. Ta chỉ biết có cái con đường mà ta đã đặt chân lên mà thôi. Đường đời một con người cũng vậy, ta trải qua những ngã ba và đã chọn một con đường. Ta nhìn lại và đặt giả thuyết nếu lúc đó ta không học ngành này mà học ngành khác không ở nơi này mà ở nơi khác, không cưới vợ ta bây giờ mà cưới một cô khác thì ta sẽ khác đi. . . Song mặt khác, khi những khả năng có thể đã xảy ra rồi thì các khả năng khác không còn có thực nữa. Vì thế cho nên số phận một con người vừa đầy rẫy tự do, đầy rẫy sự chọn lựa mà ai cũng thấy như nó bị tiền định không thay đổi được nữa.
Số phận một con người phức tạp vì anh ta đã đi qua nhiều chỗ ngoặt. Anh ta đã phải quyết định nhiều. Nhưng điều đó chỉ làm cho người khác được nhiều thông tin còn chính anh ta vẫn không có con đường nào khác, vẫn bị “con quay búng sẵn trên trời” dẫn dắt mất rồi! Những người chống cự lại số phận, cho rằng “nhân định thắng thiên” là những người có ý thức quyết định, vừa biết thực hiện một cách có ý thức sự chọn của mình ở các ngã ba, vừa ý thức được sự thực đó, có cảm tưởng đã tạo ra một số phận mới chứ không phải không có số phận. Thông tin thẩm mỹ cũng vậy. Khi tôi chọn một mảng màu. Màu đó đẹp không ở tự thân màu đó - tự nó chỉ là một màu thôi, không là các màu khác được (tiền định) nhưng nếu nó là kết quả của sự chọn giữ một trong hai màu có thể chiếm chỗ đó thì nó không phong phú, không tự do, không sáng tạo bằng việc nó là kết quả của sự chọn giữa 10 màu có khả năng chiếm chỗ. Tác phẩm nghệ thuật hay, đẹp có số phận như một con người có số phận - có ý thức “thắng thiên” - đi qua nhiều ngã rẽ của sự lựa chọn.
Sau khi dông dài tôi xin quay lại vai trò của ý thức và tiềm thức trong sáng tạo nghệ thuật. Thứ nhất: tác phẩm nghệ thuật phải hiện hình ra để mọi người khác ý thức được nó, do vậy ý thức là cái bệ đỡ, là mặt đất mà trên đó tác phẩm phải lộ diện. Nếu coi mặt phẳng ý thức như mặt phẳng đồng đại - thì thực tại là tác phẩm nghệ thuật phải có mặt ở đó - để mọi người thấy nó. Thứ hai là thực tại phong phú - ta càng có nhiều hạt của đời sống ý thức - càng cho nó lắc mạnh thì từ cái sàng của nó càng có nhiều hạt rơi xuống tầng tiềm thức - càng có nhiều hạt mầm được ươm dưới lớp đất sâu của tầng tiềm thức. Biết nhiều càng quên nhiều. Câu đó không vu vơ mà rất có lý. Biết nhiều để quên nhiều - cho nó ủ kỹ dưới tầng sâu, biến nó thành thói quen, thành “máu thịt” của mình - làm giàu cho giai đoạn ta gọi là ấp ủ trong sáng tạo. Thứ ba là muốn cho có hạt mầm từ tầng sâu nảy lên thì tầng ý thức phải có nhiều hạt rơi xuống và phải rơi xuống mạnh mẽ - gây xáo động ở tầng dưới. Ý thức sâu sắc thực tại, để cho thực tại vào mình có giá trị tạo ra những điều đó. Marxim Gorki không làm việc vô bổ khi ông lăn lộn trên các nẻo đường của thực tại ý thức hết những điều đó. Lý Bạch, Đỗ Phủ, không làm việc vô ích là sống hết thời mình. Và họ không hề mô tả đơn thuần thời đại, không làm tấm gương phản ánh đơn thuần mà hoạt động ý thức của họ rung ngân, làm xáo động làn sóng vô hình giữa tầng ý thức và tiềm thức của họ, làm nảy nở những hạt mầm hiện lên thành những tác phẩm. Mặt khác từ một luồng khói vô hình không giải thích nổi - với sự tham gia của những hạt mầm tiềm thức sâu xa, Bosch (thế kỷ 15) đã vẽ những cảnh địa ngục quái dị, trọng làm thân, gốc cây làm chân, đầu người thật, nón mũ là cái ván gỗ trên đó có những người tí hon đi lại, người mỏ chim đầu hổ, con bọ có cánh chuồn chuồn và bao nhiêu hình ảnh quái dị. Những hình ảnh đó có cái gì sâu sắc dị thường về bản chất con người. Nó hoàn toàn không phải sự tính toán duy lý. Có mãnh lực nào đó, từ đâu đó sâu xa đã thúc đẩy ông vẽ ra những điều đó, cảnh đó. Những ấn tượng thị giác - quả như Freud nhận định - đều đến từ xa hơn rất nhiều so với ấn tượng thính giác tạo ra cái gọi là tâm tứ - hình thức sơ khai của ngôn ngữ bên trong.
Nếu tạm biểu thị một cách gán ghép như trên với trục ngang là ý thức - thực tại - là chiều đồng đại, trục đọc là tiềm thức - di truyền - lịch đại thì chắc chắn tác phẩm nghệ thuật hiện ra ở ngã tư của hai trục dao động này. Tôi có thể sai ở từng khái niệm nêu trên nhưng chắc chắn tác phẩm nghệ thuật là kết quả giao kết của các yếu tố đó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét