Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

TIN KHÔNG NỔI ! Các luận cứ của người Thiên Chúa giáo về sự hiện hữu của Chúa Trời

TIN KHÔNG NỔI ! A.L. de Silva – Người dịch: Trí Tánh Đỗ Hữu Tài  2010 Một Phê bình Thiên Chúa giáo Bảo thủ từ góc độ Phật giáo Beyond Belief A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity
CHƯƠNG 2 Các luận cứ của  người Thiên Chúa giáo  về sự hiện hữu của Chúa Trời

Các tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng một Chúa Trời thông thái nhân từ đã tạo ra và cai quản vũ trụ. Họ đã dùng nhiều luận cứ để chứng minh cho khẳng định này. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng luận cứ một và phản bác các điều đó từ góc độ Phật giáo.

Thẩm quyền của cuốn Kinh Thánh 

Khi được hỏi làm sao để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, các tín đồ Thiên Chúa giáo thường mở Kinh Thánh ra và bảo rằng “Kinh Thánh bảo Chúa Trời hiện hữu, thì Ngài phải hiện hữu thôi.”  Vấn đề là nếu chúng ta hỏi một người Ấn Độ giáo, một  người Hồi giáo, người đạo Sikh hay Do Thái giáo cùng một câu hỏi đó, thì tín đồ các tôn giáo nầy lại cũng sẽ chỉ vào các Thánh thư tương tự của họ như là bằng chứng về sự hiện hữu của Thương đế của họ. Tại sao chúng ta tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin vào Thánh thư của những tôn giáo khác. Thực ra, chúng ta sẽ chứng minh sau này với chứng cớ mạnh mẽ rằng Kinh Thánh là một tài liệu không đáng có độ tin cậy cao.

Sự hiện hữu của Vũ trụ

Trong các nỗ lực của họ để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng “Vũ trụ đã không thể tự nhiên mà có được, phải do ai đó đã tạo ra, và vậy thì phải có một Chúa Trời đấng tạo hoá.” Luận cứ này có một điều thiếu sót rất lớn. Khi trời bắt đầu mưa, các bạn sẽ không hỏi “Ai đang làm ra mưa?” bởi vì chúng ta biết rằng mưa không do ai gây ra cả mà là do cái gì khác làm ra, “cái” đó là các hiện tượng thiên nhiên khác như nhiệt năng, sự bốc hơi của nước, sự đóng băng của chất lỏng v.v. Khi chúng ta thấy các viên sỏi trơn nhẵn trong một giòng sông, chúng ta sẽ không hỏi “Ai đã đánh bóng các viên sỏi đó?” vì chúng ta biết rằng bề mặt trơn tru của các viên sỏi đó không do một ai gây ra cả mà do một cái gì khác – là các nguyên nhân thiên nhiên như tác động bào mòn của nước và cát.

Tất cả các điều này đều có một hay nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đó không nhất thiết phải là một thực thể “Ai”. Với vũ trụ cũng thế – nó hiện hữu không phải do một Chúa Trời mà do các hiện tượng thiên nhiên như sự phân thân của hạt nhân, trọng lực, lực quán tính, v.v. Tuy nhiên, ngay cả nếu chúng ta tin rằng một thực thể “Ai” thiêng liêng là cần thiết để giải thích vũ trụ đã hiện hữu như thế nào, thì chứng cớ nào cho biết thực thể  đó  là Chúa Trời của Thiên Chúa giáo?  Có thể vũ trụ được tạo ra do Thượng đế của Ấn Độ giáo, Thương đế của Hồi giáo hay các vị thần linh được những tôn giáo bộ lạc tôn thờ. Nói cho rốt ráo, hầu hết các tôn giáo, không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, đều khẳng định rằng Thượng đế hay thần linh của họ đã sáng tạo ra vũ trụ.

Luận cứ về khả năng Thiết kế

Để trả  lời những phản bác trên, tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ cứ cãi rằng vũ trụ không thể hiện hữu khơi khơi như vậy mà sự hiện hữu của nó là một thiết kế hoàn hảo. Họ có thể nói rằng chính một trật tự và một sự quân bằng hoàn hảo như thế đã chứng tỏ rằng vũ trụ phải được thiết kế bằng một trí thông minh cao hơn, và sự thông minh cao hơn đó là Chúa Trời. Nhưng như trước, luận cứ này lại có một số vấn đề.

Trước hết, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng Chúa Trời của họ là người ở đằng sau sự sáng tạo đó? Có thể là các thần linh của những tôn giáo “phi-Thiên Chúa ” đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ thì sao.

Thứ hai, làm sao tín đồ Thiên Chúa giáo biết rằng chỉ mỗi Chúa Trời là thiết kế ra mọi thứ ? Thực ra, vì vũ trụ quá phức tạp nên chúng ta nghi rằng có thể phải cần sự thông minh của nhiều, có thể hàng tá, thần linh để thiết kế và tạo dựng ra vũ trụ. Do đó, điều mà luận cứ về khả năng thiết kế chứng tỏ được là phải cần đến nhiều thần chứ không phải chỉ có một Thần như Thiên Chúa giáo khẳng định.  Kế tiếp, chúng ta sẽ phải hỏi rằng liệu vũ trụ có được thiết kế một cách hoàn hảo không? Chúng ta phải hỏi điều này vì nếu Chúa Trời hoàn hảo đã thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ, thì vũ trụ ấy tất cũng phải hoàn hảo. Đầu tiên, chúng ta hãy nhìn các hiện tượng vô tri giác để xem liệu chúng có được thiết kế hoàn hảo không. Mưa cho chúng ta giọt nước trong lành để uống nhưng đôi lúc vì mưa quá nhiều nên con người bị chết đuối chết chìm, bị mất nhà cửa và mất cả phương kế sinh nhai của họ trong lũ lụt. Lại có đôi lúc chẳng mưa tí nào cả và hàng triệu người đã bị chết vì hạn hán và đói kém. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Núi non cho chúng ta niềm vui khi thấy chúng vươn lên bầu trời cao. Nhưng những vụ lở đất và núi lửa phun trào từ hàng thế kỷ nay đã gây ra tàn phá và chết chóc.  Đấy là thiết kế hoàn hảo sao? Những cơn gió nhẹ mơn man chúng ta nhưng cũng có những cơn giông bão liên tục gây ra chết chóc và tàn phá. Đấy là thiết kế hoàn hảo sao?  Những điều đó và các thiên tai khác chứng tỏ rằng các hiện tượng vô tri giác nầy không biểu hiện ra được một thiết kế hoàn hảo và, vì thế, chúng đã không phải do một Chúa Trời hoàn hảo sáng tạo ra.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn các hiện tượng có tri giác để xem liệu chúng có biểu lộ sự thiết kế hoàn hảo không. Nhìn một cách hời hợt, thiên nhiên có vẻ xinh đẹp và hoà hợp; thiên nhiên cung cấp cho mọi tạo vật và mỗi tạo vật đều có một nhiệm vụ riêng để chu toàn. Tuy nhiên, như bất cứ một nhà sinh vật học nào cũng sẽ xác nhận, rằng thiên nhiên thì cũng cực kỳ tàn nhẫn. Để sống sót, mỗi sinh vật đều phải ăn các sinh vật khác và tranh đấu để tránh bị các sinh vật khác ăn mình. Trong thiên nhiên, chẳng có thì giờ để thương xót, yêu thương hay nhân từ. Nếu có một Chúa Trời lòng lành đã thiết kế ra mọi thứ, thì tại sao vị đó lại tạo ra một thiết kế với hậu quả tàn nhẫn như thế? Giới động vật chẳng những không hoàn chỉnh trong ý nghĩa đạo đức, mà cũng không hoàn chỉnh ngay chính trong quá trình tạo dựng ra giới động vật. Mỗi năm, có hàng triệu trẻ sơ sinh bị sinh ra trong điều kiện thể chất và tinh thần khiếm khuyết, chết non hay chết ngay sau khi vừa mới sinh ra. Tại sao một tạo hoá hoàn hảo và lòng lành như Chúa Trời lại thiết kế các điều kinh khủng như thế ?

Vậy thì, nếu có một thiết kế trong vũ trụ, đa phần thiết kế đó thì khiếm khuyết và tàn bạo. Điều này có vẻ chỉ ra rằng vũ trụ đã không được sáng tạo bởi một Chúa Trời lòng lành và hoàn hảo.

Luận cứ về Nguyên nhân Đầu tiên

Tín đồ Thiên Chúa giáo đôi lúc sẽ nói rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, và từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó. Luận cứ xưa cũ này tự nó đã phản bác lại chính nó, vì nếu mọi thứ đều có nguyên nhân đầu tiên, thì nguyên nhân đầu tiên đó cũng phải có một nguyên nhân chứ.

Có một vấn nạn khác với luận cứ nguyên nhân đầu tiên nầy. Chẳng  có lý do hợp lý nào để cho rằng mọi thứ đều chỉ có một nguyên nhân đầu tiên độc nhất. Có thể có sáu, có mười, hay có ba trăm nguyên nhân xảy ra cùng một lúc để tạo ra mọi thứ.

Luận cứ về các Phép lạ mầu nhiệm

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng các phép lạ đôi lúc được thực hiện nhân danh Chúa Trời, và phép lạ sau đó đã xảy ra, điều nầy chứng tỏ rằng Chúa Trời quả thật hiện hữu. Đây là một luận cứ hấp dẫn cho đến khi ta nhìn kỹ hơn. Trong lúc tín đồ Thiên Chúa giáo vội vàng khẳng định rằng nhờ những lời cầu nguyện của họ mà kẻ mù có thể nhìn thấy, người điếc có thể lắng nghe và người bị tay chân co quắp được nắn lại thẳng thắn, thì họ lại rất chậm chạp trong việc đưa ra bằng chứng để hổ trợ cho các khẳng định của họ. Thật ra, vì có một số tín đồ Thiên Chúa giáo quá quan tâm đến chuyện chứng minh rằng các phép lạ xảy ra tại các buổi lễ cầu nguyện của họ, nên sự thật thường bị lạc mất trong một giòng thác các khẳng định bừa bãi, các khoác lác quá độ, và thậm chí đôi lúc là những dối trá có hậu ý.

Sự thật là những việc khác thường và khó giải thích đôi lúc đã xảy ra trong các hoạt động tín ngưỡng – nhưng không chỉ xảy ra cho tín đồ Thiên Chúa giáo mà thôi. Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Lão giáo, v.v. tất cả đều khẳng định rằng Thượng đế hay các thần linh của họ đôi lúc cũng thực hiện các phép lạ. Chắc chắn Thiên Chúa giáo không có độc quyền về các phép lạ. Do đó, nếu các phép lạ được thực hiện nhân danh Chúa Trời để chứng tỏ rằng Chúa Trời của Thiên Chúa giáo có thật, thì các phép lạ được thực hiện nhân danh nhiều Thượng đế khác cũng phải chứng tỏ điều tương tự, nghĩa là Thượng đế của các tôn giáo khác cũng có thật. 

Tín đồ Thiên Chúa giáo có thể cố vượt qua phản bác này bằng cách khẳng định rằng khi các phép lạ xảy ra ở các tôn giáo khác thì các phép lạ nầy được thực hiện do quyền năng của Ma Quỷ. Có lẽ phương thức tốt nhất để chống lại luận cứ này là trích dẫn ngay chính Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Khi Giê-su chữa lành người ốm, những kẻ thù của Ngài buộc tội Ngài làm việc này thông qua quyền năng của Ma Quỷ. Ngài trả lời rằng chữa lành người ốm dẫn đến việc thiện và nếu Ma Quỷ lẩn lút quanh đó làm việc thiện thì nó sẽ bị tự hoại (Mk, 3:22-26). Như thế, ta cũng có thể nói tương tự như vậy đối với các phép lạ do Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, đạo Sikhs thực hiện. Nếu các phép lạ tạo ra tốt lành, làm sao chúng có thể là tác phẩm của Ma Quỷ được?

Luận cứ về sự Cần thiết phải có Chúa Trời

Tín đồ Thiên Chúa giáo  thưòng khẳng định rằng chỉ bằng cách tin tưởng vào ý muốn của Chúa Trời thì con người mới có sức mạnh để đương đầu với các vấn đề của cuộc sống, và vì thế niềm tin vào Chúa Trời là tất yếu cần thiết. Khẳng định này hình như được hỗ trợ bằng nhiều cuốn sách do các tín đồ Thiên Chúa giáo viết ra (mà  họ gọi là  “chứng nhân”) thường  vốn đã cam chịu và vượt qua các khủng hoảng khác nhau thông qua quyền năng của Chúa Trời. Một số sách này tạo hứng khởi cao độ trong lúc đọc, nhờ vậy mà sự khẳng định rằng con người chỉ có thể đương đầu với các vấn đề bằng sự giúp sức của  Chúa Trời có vẻ thuyết phục hơn. Cho đến khi chúng ta nhìn sâu hơn một tí.

Nếu khẳng định này là thật, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết những người phi-Thiên Chúa trên thế giới sẽ phải kéo dài một cuộc sống trong đau khổ, bối rối và vô vọng, trong lúc đó thì đa số tín đồ Thiên Chúa giáo, thông qua niềm tin với Đức Chúa Trời của họ, sẽ có thể luôn luôn đương đầu được với các vấn đề của họ và chẳng bao giờ cần tìm các cố vấn hay các chuyên gia tâm thần để giúp đỡ gì cả. Tuy nhiên, rõ ràng rằng những người của các tôn giáo phi-Thiên Chúa, và thậm chí những người không theo tôn giáo nào, cũng đủ khả năng đương đầu với các khủng hoảng của cuộc sống như tín đồ Thiên Chúa giáo, thậm chí có khi còn giỏi hơn nữa. Cũng đôi khi có người sùng đạo Thiên Chúa mà lại đánh mất niềm tin nơi Chúa sau khi trực diện với các vấn đề cá nhân nghiêm trọng. Do đó, khẳng định rằng niềm tin nơi Chúa là cần thiết để đương đầu và vượt qua các vấn nạn của cuộc sống là vô căn cứ.

Luận cứ “Thử và Phản Chứng”

Khi tín đồ Thiên Chúa giáo nhận ra rằng họ không thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời với các chứng cớ và luận lý đáng ngờ ở trên nữa, họ có thể chuyển chiến thuật và bảo “Có thể tôi không thể chứng minh được rằng Chúa Trời của chúng tôi hiện hữu, nhưng các người cũng không thể phản chứng được rằng Chúa của chúng tôi không có thật.” Tất nhiên phản biện nầy của họ hoàn toàn có lý. Bạn không thể chứng minh được Chúa Trời của Thiên Chúa giáo không hiện hữu – thì cũng giống như bạn không thể chứng minh được Thượng đế của Lão giáo, Ấn Độ giáo và hàng tá các tôn giáo khác cũng không hiện hữu vậy. Nói cách khác, mặc cho mọi ngoa ngữ, mặc các khẳng định quá mức và mặc các tuyên bố chắc nịch, chứng cớ về sự hiện hữu của Chúa Trời Thiên Chúa giáo thì cũng chẳng nhiều gì hơn các chứng cớ về sự hiện hữu thần linh mà các tôn giáo khác thờ phụng.

Lời Chứng 

Sau khi mọi luận cứ đều thất bại, cuối cùng người tín đồ Thiên Chúa giáo có thể sẽ cố thuyết phục chúng ta rằng Chúa Trời hiện hữu bằng cách đánh vào mối xúc động của người đối thoại. Một tín đồ như thế sẽ nói, và có thể nói một cách rất thành thực, rằng “Tôi thường không có hạnh phúc và sống bất mãn, nhưng sau khi hiến mình cho Chúa Trời thì tôi sung sướng và bình an với chính mình” Các lời chứng đó có thể làm ta cảm động sâu xa, nhưng họ chứng minh được cái gì? Có hàng triệu người cũng sống hạnh phúc và có ý nghĩa như vậy sau khi họ theo Phật giáo, Ấn Độ giáo, hay Hồi giáo. Tương tự như thế, sự thật là có nhiều người mà cuộc sống đã chẳng thay đổi gì tốt hơn sau khi họ trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo – đôi lúc các nhược điểm xưa và các vấn nạn cũ trong cuộc sống vẫn còn đó. Thế thì luận cứ này, cũng như tất cả mọi luận cứ khác, chẳng chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời của Thiên Chúa giáo.
CHƯƠNG  3 Tại sao Chúa Trời không thể hiện hữu

Chúng ta đã thấy rằng các luận cứ dùng để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời là không đúng và không đầy đủ. Bây giờ chúng ta sẽ chứng minh rằng bằng luận lý, Chúa Trời toàn thiện, toàn trí và toàn năng , như nhân vật mà tín đồ Thiên Chúa giáo tin tưởng, là  không thể hiện hữu được.

Vấn đề Tự do Ý chí 

Để cho cuộc sống tín ngưỡng có ý nghĩa, chúng ta phải có tự do ý chí trong niềm tin, chúng ta phải có quyền chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác. Nếu chúng ta không có tự do ý chí (để chọn lựa) thì chúng ta không thể chịu trách nhiệm điều mà chúng ta làm.

Theo tín đồ Thiên Chúa giáo, Chúa Trời thì Toàn trí – Ngài biết tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu thế thì Chúa Trời phải đã, từ rất lâu, biết trước tất cả mọi điều mà chúng ta sẽ làm. Điều này có nghĩa là toàn bộ đời sống chúng ta đã được định trước và chúng ta hành động nhưng không được tự do theo ý chí của chính mình mà lại theo các bản tính tiền định của chúng ta. Nếu chúng ta được tiền định là thiện chúng ta sẽ thiện, và nếu bị tiền định lá ác thì chúng ta sẽ ác. Chúng ta hành động không theo ý chí  hay sự tự do chọn lựa mà theo cách thức Chúa Trời đã tiên liệu chúng ta sẽ hành động. Mặc dầu tín đồ Thiên Chúa giáo cứ khăng khăng rằng chúng ta có tự do ý chí  nhưng chính cái tính Toàn trí của Chúa Trời đã làm cho điều “tự do ý chí” này không còn hợp lý được nữa. Thật ra thì sự kiện con người sẽ hành động theo những quyết định của Chúa Trời đã được khẳng định trong Kinh Thánh:

Nếu có người xấu thì đấy là vì Chúa Trời đã quyết định chọn lựa tạo ra họ xấu (Rom, 1:24-28) và sở dĩ ho xấu vì họ đã không tuân phục Ngài (Rom, 11:32). Nếu họ không hiểu lời phán truyền của Chúa Trời thì đấy là do Ngài đã tạo ra tâm trí họ đần độn (Rom, 11:8) và làm cho họ bướng bỉnh (Rom, 9:18). Chúa Trời ngăn cấm rao giảng Kinh Thánh ở một vài khu vực nào đó (Act, 16:6-7) và Ngài đã định sẵn từ rất lâu trước khi chuyện xẩy ra, rằng khi nào thì một người sẽ được sinh ra hay sẽ chết đi (Act, 17:26). Những ai sẽ được cứu rổi đã được Đức Chúa Trời chọn trước lúc bắt đầu có thời gian (ii Tim 1:9, Eph 1:11). Nếu một người có lòng tin và do đó được cứu rỗi, thì lòng tin đó đến từ Chúa Trời, chứ không phải từ bất cứ nỗ lực nào của họ (Eph, 2:9-10). Người ta có thể hỏi “Nếu một người chỉ có thể làm cái mà Chúa Trời định sẵn cho họ, thì làm sao Ngài lại có thể để họ chịu trách nhiệm về các hành vi của mình được ?” Kinh Thánh đã có đáp án cho vấn nạn này.

Một trong các bạn sẽ bảo tôi rằng “Nếu thế thì làm sao Chúa Trời có thể bắt lỗi ai? Tại vì ai mà dám chống lại ý Chúa?” Nhưng này bạn, bạn là ai mà đòi đối đáp với Chúa Trời? Một cái lọ đất không được quyền hỏi ai là người làm ra nó rằng “Tại sao ông lại tạo ra tôi như thế nầy?” Rốt cuộc, người tạo ra chiếc lọ có toàn quyền sử dụng đất sét như ông ta muốn, và ông ta đã tạo ra hai cái lọ từ một tảng đất sét, một cái cho các dịp đặc biệt và một cái để sử dụng lúc bình thường. Và Chúa Trời cũng đã làm y như vậy (Rom, 9:19-22)

Như thế, hình như trong Thiên Chúa giáo, cuộc sống và số phận của một người là hoàn toàn do ý thích của Chúa Trời, và vì chỉ là loài người nên chúng ta không có quyền than phiền hoặc khiếu nại gì về những điều mà Chúa Trời đã quyết định cho chúng ta cả. Ý tưởng cho rằng tất cả đều được (hay bị) tiền định thì hoàn toàn nhất quán với ý tưởng về một Chúa Trời toàn trí, nhưng lại trở nên vô nghĩa trước ý niệm về nổ lực tự thân của con người muốn làm điều lành và tránh điều dữ.

Vấn đề của Điều Xấu

Có lẽ luận cứ mãnh liệt nhất chống lại sự hiện hữu của một Chúa Trời toàn năng, toàn thiện là thực tế không thể chối cãi rằng có quá nhiều đau đớn khổ sở trên thế giới nầy. Nếu thực sự có một Chúa Trời lòng lành với quyền phép vô biên, tại sao ông Chúa đó không chấm dứt mọi xấu xa đó đi? Những tín đồ Thiên Chúa giáo đã cố gắng trả lời câu hỏi này theo nhiều cách.

Đầu tiên, họ sẽ bảo rằng điều xấu là do con người chứ không phải do Chúa Trời gây ra, và rằng nếu con người tuân theo các điều răn của Chúa thì sẽ không còn đau đớn, xấu xa, khốn khổ nữa. Tuy nhiên, nếu thực sự các điều xấu như chiến tranh, cưỡng đoạt, giết chóc và bóc lột có thể đổ tội cho con người, thì khó có thể đổ tội (cho con người) khi có hàng triệu người chết hàng năm do động đất, lũ lụt, dịch bệnh và tai nạn, tất cả vốn đều là những biến cố tự nhiên. Thực ra, theo Kinh Thánh, vi khuẩn gây ra những bệnh tật ghê gớm như ho lao, bại liệt, dịch tả, phong cùi v.v. và mọi thống khổ, dị dạng và đau đớn do những bệnh nầy gây ra, đều do Chúa Trời tạo ra trước khi Ngài tạo ra con ngưòi. (Gen, 1:11-12).

Một cách khác mà những tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ cố giải thích là họ cho rằng đó chính là hình phạt của Chúa Trời cho những ai không tuân theo những lời răn của Ngài. Tuy nhiên điều này lại hàm ý rằng những điều kinh khủng đó chỉ xẩy ra đối với kẻ xấu, mà điều này thì chắc chắn không đúng. Chúng ta thường nghe nói đến những bệnh tật đau đớn hay các tai ương thường xảy ra cho người tốt, kể cả những tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo. Và tương tự, chúng ta cũng nghe nói đến có những kẻ thực sự cực kỳ xấu thì hình như họ lại không bị gì cả, nhiều khi họ lại may mắn và thành công. Vì thế, không thể bảo rằng đau khổ và xấu xa là cách thức Chúa Trời trừng phạt kẻ tội lỗi.

Kế đến, những tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nói rằng Chúa Trời cho phép xấu xa hiện diện trên trần thế vì Ngài muốn cho chúng ta tự do chọn lựa điều thiện thay vì cái ác, và nhờ vậy mà linh hồn sẽ được cứu rỗi. Họ sẽ bảo phải có xấu xa để thử thách chúng ta. Thoạt tiên đây có vẻ là một giải thích hay. Nếu một người thấy kẻ khác bị bắt nạt, anh/chị ta có thể chọn lựa giữa hành động  là bỏ lơ đi (làm sai) hay quyết định giúp đỡ nạn nhân (làm đúng). Nếu lấy quyết định giúp đỡ thì anh/chị ta được xem như đã qua thử thách và được công nhận là tốt. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong phần trước, một Chúa Trời toàn trí thì phải đã biết trước một người sẽ chọn lựa như thế nào rồi, như vậy thì còn thử thách chúng ta làm gì nữa? Lại nữa, cứ cho là đau khổ và xấu xa tồn tại trên trần thế là để thử thách chúng ta, thế thì một Chúa Trời đầy nhân từ không thể nghĩ ra cách thực hiện thử thách này một cách ít tàn bạo và đau đớn hơn hay sao? Chúa Trời có vẻ không có tình thương và tỏ ra bất công khi để cho đau đớn giáng xuống trên một người này hầu một người khác có cơ hội  chọn lựa giữa cái tốt lành và cái xấu xa.

Một vài tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ cố tránh cho Chúa Trời trách nhiệm về cái xấu bằng cách nói rằng không phải Chúa Trời  mà chính Quỷ Dữ đã tạo ra điều xấu. Điều này cũng có thể đúng, nhưng nếu Chúa Trời quá nhân từ thì rất đơn giản, tại sao Ngài không ngăn Quỷ Dữ làm các điều xấu này ? Vã lại, ai đã tạo ra Quỷ Dữ vậy ? Theo Kinh Thánh thì chắc chắn chính là Chúa Trời chứ ai.

Đến đây thì những tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ bắt đầu hơi thất vọng, họ sẽ chuyển luận cứ từ lý luận sang chủ nghĩa thực dụng . Họ sẽ nói cho dù có đau khổ trên thế gian nầy thì chúng ta có thể dùng sự đau khổ đó như là một cơ hội để phát huy lòng can đảm và tính nhẫn nại. Điều đó thực sự đúng, nhưng vẫn không giải thích được tại sao một Chúa Trời đầy nhân từ lại cho phép các đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi (chưa có óc phán đoán về Thiện-Ác) lại chết vì ung thư hay bị dị hình ngay từ lúc còn là bào thai, những kẻ bàng quang vô tội bị chết trong các tai nạn, và những nạn nhân phong cùi khốn khổ vì dị dạng và đau đớn. Thực ra, sự hiện dịên quá nhiều đau đớn, khốn khổ và xấu xa không cần thiết trên trần thế nầy chính là bằng chứng mạnh mẽ rằng không có một  Chúa Trời  lòng lành và toàn năng.            

Tại sao Sáng tạo?

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng Chúa Trời thì hoàn hảo, rằng Ngài là hoàn chỉnh trong mọi trường hợp, nhưng nếu thực sự Chúa Trời đã sáng tạo ra vũ trụ thì điều này lại sẽ chứng tỏ rằng Ngài không hoàn hảo gì cả. Chúng ta sẽ xem xét tại sao. Trước khi Chúa Trời sáng tạo ra vũ trụ thì chẳng có gì – không mặt trời, không quả đất, không con người, không tốt, không xấu, không đau khổ … – không có gì cả mà chỉ có Chúa Trời là, theo tín đồ Thiên Chúa giáo, hoàn hảo. Nếu Chúa Trời hoàn hảo và không có gì ngoài sự hoàn hảo tồn tại, thì cái gì đã thúc đẩy Chúa Trời đưa sự không hoàn hảo vào vũ trụ? Phải chăng do Ngài buồn quá nên muốn làm một cái gì đó? Phải chăng vì Ngài cô đơn nên muốn tạo ra ai đó để cầu nguyện Ngài?

Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nói rằng Chúa Trời  tạo ra mọi thứ vì Ngài thương yêu con người, nhưng điều này cũng không thể được. Chúa Trời  không thể yêu thương loài người trước khi sáng tạo ra họ cũng như phụ nữ không thể cụ thể yêu thương con mình trước khi mang thai. Nhu cầu phải sáng tạo của Chúa Trời đã chỉ ra rằng Ngài đang không hài lòng, mà nếu “không hài lòng” thì Ngài không hoàn hảo. Tín đồ Thiên Chúa giáo lại có thể nói rằng Chúa Trời đã bất chợt sáng tạo ra vũ trụ, mà không cần phải có nhu cầu hay ước muốn gì. Tuy nhiên điều này sẽ có nghĩa là toàn bộ vũ trụ xuất hiện mà không có mục đích hay chủ tâm gì cả, nếu thế thì Chúa Trời  quả thật không phải là một đấng sáng tạo nhân từ.

Vấn đề Chúa Trời giấu mặt 

Tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng chính Chúa Trời  muốn chúng ta tin vào Ngài để có thể được cứu rỗi – nhưng nếu thế thì sao Ngài  không xuất hiện và thực hiện một phép lạ để cho mọi người thấy và tin? Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ trả lời rằng Ngài muốn chúng ta tin tưởng Ngài qua niềm tin, chứ không phải tin tưởng vì chúng ta thấy Ngài qua mắt trần. Tuy nhiên, theo Kinh Thánh, Chúa Trời  trong quá khứ đã thực hiện những phép lạ kinh khiếp nhất và thường nhiều lần can thiệp đột ngột vào công việc của con người, để con người biết đến sự hiện diện của Ngài. Thế thì nếu Ngài đã làm khá nhiều phép mầu trong quá khứ, tại sao bây giờ Ngài lại không làm?

Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nói Chúa Trời  ngày nay có thực hiện các phép lạ (chữa bệnh, giải quyết các khó khăn cá nhân v.v.) nhưng vì cứng  đầu và xấu xa nên hầu hết mọi người đều từ chối  tin Ngài. Tuy nhiên, những điều gọi là “phép lạ” này thì chỉ riêng cho từng cá nhân, lại ít xảy ra và rất đáng nghi ngờ. Nếu Chúa Trời  công khai thực hiện  một phép lạ thực sự ấn tượng mà không ai có thể giải thích được thì hầu hết mọi người chắc chắn sẽ tin vào Ngài.

Theo Kinh Thánh, khi người Do Thái lang thang trong sa mạc bốn mươi năm, Chúa Trời  đã nuôi sống họ bằng cách làm cho thức ăn từ trên trời rơi xuống đều đặn (Ex, 16:4). Trong năm 1980, hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo ở Ethiopia đã chết dần mòn và đau đớn vì đói ăn và hạn hán kéo dài. Lúc bấy giờ, Chúa Trời há  đã chẳng có một cơ hội làm thức ăn rơi từ trời xuống như Kinh Thánh  khẳng định Ngài đã làm trong quá khứ, đẽ chứng tỏ sự hiện diện của Ngài, quyền năng và lòng yêu thương của Ngài hay sao?. Phật tử sẽ nói rằng Chúa Trời đã không biểu diễn sự hiện diện của Ngài chỉ đơn giản vì Ngài không có thực.

Chúa Trời và Tsunami

Có lẽ bằng chứng hay nhất về một Chúa Trời toàn năng, toàn trí và lòng lành không thể hiện hữu thì không phải đến từ logic hay triết lý hay lý trí hay phản ứng đời thường mà đến từ thiên nhiên. Ngày 26-12-2004, một trận động đất ngoài khơi Sumatra (Indonesia) đã gây ra một đợt sóng thần vĩ đại đập vào bờ biển các nước Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Tích Lan và Maldives. Hơn 230.000 người chết, khoảng nữa triệu người bị thương và hơn 2 triệu người mất hết gia tài nhà cửa.

Nếu lần tới mà có một nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo đến để giảng đạo, tôi đề nghị bạn hãy hỏi vị đó tại sao một Chúa Trời lòng lành (và toàn năng, nghĩa là làm gì cũng được) lại để chuyện kinh hoàng nầy xảy ra. Nếu lần tới mà có một nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo đến để giảng đạo và nói với bạn rằng Chúa Trời hiệp thông với họ khi họ cầu nguyện, thì xin bạn hỏi họ tại sao Chúa Trời không nói trước với họ, hay với bất kỳ ai khác, rằng sẽ có trận sóng thần Tsunami xảy ra. Bạn hảy cho họ biết rằng Tsunami xảy ra vào ngày Chủ nhật, khi mà các tín đồ Thiên Chúa giáo trong vùng đó đang cầu nguyện trong nhà thờ. Hỏi họ sao Chúa Trời không báo trước, cho dù chỉ một con chiên trong bọn họ, là tai họa ghê gớm sắp xảy ra. Thế mà Kinh Thánh lại dạy về Giê-su rằng “Ngay cả gió và sóng cũng vâng lệnh Ngài” (Matt, 8:27), vậy bạn hãy hỏi tín đồ Thiên Chúa giáo sao Giê-su không dập tắt sóng gió của Tsunami. Nếu lần tới mà có một nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo nói rằng Chúa Trời chửa lành bệnh cho một người, bạn hảy hỏi họ sao Chúa Trời không cứu sống 230.000 người, trong đó có cả tín đồ Thiên Chúa giáo, đang chết đuối.

Nếu bạn hỏi tín đồ Thiên Chúa giáo, từ tín đồ bình thường đến chức sắc cao cấp, những câu hỏi bình thường nầy, họ sẽ tránh né, trả lời vòng vòng, đưa ra một vài giải thích thần bí, hay là chuyển đề tài qua chuyện khác. Nhưng chắc chắn họ sẽ không đưa ra được một câu trả lời có tính thuyết phục. Vì sao? Đơn giản chỉ vì làm gì có Chúa Trời. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét