Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Văn hóa sáng tạo doanh nghiệp: Mốt mới toàn cầu
07:52
Hoàng Phong Nhã
No comments
Văn
hóa sáng tạo trong doanh nghiệp trở thành dòng chủ lưu trong sự dịch
chuyển của kinh tế thế giới, từ cạnh tranh bằng kinh tế tri thức sang
cạnh tanh bằng kinh tế sáng tạo.
Trong xu hướng mới của kinh tế thế giới, văn hóa sáng tạo chính là yếu
tố đem lại lợi thế cho doanh nghiệp thuộc mọi thị trường
Sáng tạo nhỏ của những thương hiệu lớn
Lần thứ ba liên tiếp Tập đoàn Apple (nổi tiếng với máy vi tính Mac, máy
nghe nhạc iPod và điện thoại iPhone) đứng đầu danh sách 50 công ty có
văn hóa doanh nghiệp sáng tạo nhất thế giới do Tạp chí Business Week
bình chọn. Trong danh sách này, còn có những tên tuổi lớn như Honda,
Toyota, IBM và Starbucks. Trong đó, hãng chế tạo xe hơi Nhật Honda đã có
một bước tiến dài, từ hạng 23 lên hạng 12 nhờ vào những sản phẩm năng
lượng sinh thái hợp thời đại.
Bảng xếp hạng văn hóa sáng tạo doanh nghiệp này dựa trên các tiêu chí:
tạo ra sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường; luôn đổi mới quy
trình hoạt động sản xuất và cho ra đời những hình mẫu kinh doanh mới lạ;
sáng tạo bền vững, chấp nhận rủi ro và đầu tư nghiên cứu dài hạn.
Lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đang đề cập một cách nhìn mới về
“Kinh tế sáng tạo”. Theo đa số, đây chính là con đường giúp các doanh
nghiệp và các quốc gia duy trì vị trí hàng đầu trong xu thế toàn cầu hóa
và phân công lại chuỗi lao động. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những nhà
ủng hộ cải cách vĩ mô, chú trọng đến những công nghệ mới và tác động
của nó vào các công ty. Ngày nay, từ khái niệm “kinh tế sáng tạo”, nhiều
doanh nghiệp chú trọng đổi mới vi mô; quan tâm đến cách kết nối giữa
các công ty và khách hàng, giữa các phòng nghiên cứu và phát triển với
nhu cầu của người dùng; tính toán lại lực lượng lao động kích thích sự
sáng tạo.
Chẳng hạn, trường hợp của Starbuck. Các quán cà phê góc phố vẫn theo
phong cách chủ đạo của công ty này, nhưng thay radio cũ bằng radio vệ
tinh và giao hàng tận nơi... là những cải cách để phù hợp với yêu cầu
của người dùng. Sáng tạo nhỏ đem lại những hiệu quả và giá trị lớn trong
áp lực cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp chú ý tới từng chi
tiết trong mọi công đoạn.
P&G và GE cũng được xem là những điển hình trong sáng tạo doanh
nghiệp. Trước đây, mặc dù P&G là công ty hóa chất hàng đầu ở Mỹ
nhưng họ không chú ý gì đến cách nghĩ của khách hàng. Nhưng sau đó, lãnh
đạo P&G quyết định yêu cầu nhân viên thiết kế làm việc trực tiếp
với nhân viên phòng nghiên cứu và phát triển để đưa ra sản phẩm mới.
Điều này giúp thay đổi quá trình làm ra sản phẩm của P&G, đáp ứng
được nhu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn. Hãng điện tử gia dụng GE
vừa đồ sộ vừa nặng nề khiến nó không thể duy trì vai trò hàng đầu trong
thế kỷ XXI. Để thay đổi, hãng này đưa ra loạt dự án nhằm tạo nên sự đột
phá hình ảnh, trong đó có việc đầu tư hơn 5 tỷ USD để đưa GE vào thị
trường mới, sản xuất những mặt hàng mới, mở rộng sản xuất máy phát điện
từ động cơ chạy bằng ga sang chạy bằng sức gió, pin mặt trời...
Và sáng tạo trong chuỗi lao động toàn cầu
Trong cuộc cạnh tranh của thế giới sản xuất giá rẻ nhờ sự phân công lao
động, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ đã tìm được một cách
chơi mới, phù hợp, mang lại lợi nhuận cao. Đó là nỗ lực duy trì vai trò
dẫn đầu về sáng tạo trong công nghệ. Ở góc độ quốc gia, tuy có sự góp
mặt của các nhân tố nước ngoài trong quá trình sản xuất, kinh doanh thời
toàn cầu hóa nhưng các công ty Mỹ vẫn giữ vị trí quan trọng trong kinh
tế tri thức, bởi họ có các đại học lớn, phòng thí nghiệm hiện đại, thu
hút được nhân tài. Không trực tiếp sản xuất, các công ty Mỹ vẫn nắm lợi
thế lớn trong chu trình sản xuất kinh doanh. Họ tạo ra thói quen tiêu
dùng, thay vì sản xuất sản phẩm, nắm giữ thương hiệu và có nhiều phát
minh.
Theo khảo sát của Tổ chức Tình báo Kinh tế (EIU), Nhật là quốc gia sáng
tạo nhất thế giới, theo sau là Thụy Sĩ, Mỹ và Thụy Điển. Cuộc khảo sát
xếp hạng 82 nền kinh tế dựa vào năng lực sáng tạo trong giai đoạn
2002-2006 và dự đoán sự thay đổi về thứ hạng trong giai đoạn 2007-2011.
Trong bốn năm tới, bốn nước đầu bảng vẫn duy trì được vị trí trên trong
khi Trung Quốc sẽ tăng năm bậc, lên hạng 54 và Mexico tăng sáu bậc, lên
hạng 39. Kết luận trên cho thấy sự cạnh tranh toàn cầu cao độ buộc
chính phủ các nước và giới công ty tìm ra cách mới để thúc đẩy năng suất
kinh tế. Muốn thế, điều kiện tiên quyết là các quốc gia cần có chính
sách khuyến khích sáng tạo, xây dựng một hệ thống giáo dục tiên tiến để
cho ra đời một đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư đông đảo và cơ sở hạ tầng
công nghệ thông tin, viễn thông chất lượng tốt.
Theo doanhnhansaigon
0 nhận xét:
Đăng nhận xét