Nguồn: Nguyen, Hong Thao (2012). “Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims”, Journal of East Asia and International Law, 5(1), pp. 165-211.
Biên dịch: Nguyễn Thái Giang, Nguyễn Thị Lan Hương, Quách Thị Huyền | Hiệu đính: Việt Long
Biển Đông từ lâu được coi là nguyên nhân chính gây căng thăng và bất ổn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Làm rõ quan điểm của các bên yêu sách là một nhiệm vụ nghiên cứu nhằm tạo ra các biện pháp xây dựng lòng tin và tăng cường nỗ lực để kiểm soát những xung đột có thể xảy ra trong khu vực. Mục đích của bài viết này nhằm làm rõ quan điểm của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển tại Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam sẽ được xem xét trên ba khía cạnh: (1) chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa; (2) các vùng biển bao quanh hai quần đảo này; và (3) giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
1. Giới thiệu
Hoàng Sa (tiếng Anh: Paracels, tiếng Trung: Tây Sa) và Trường Sa (tiếng Anh: Spratlys, tiếng Trung: Nam Sa) là hai quần đảo nằm ở trung tâm của Biển Đông (tên quốc tế: South China Sea, Việt Nam gọi là Biển Đông, Philippines gọi là Biển Tây). Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại hơn một trăm năm và đối với quần đảo Trường Sa đã tồn tại tám mươi năm. Ban đầu, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ phát sinh giữa hai bên tranh chấp là Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng do sự thay đổi về địa chính trị sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, sự phát triển của khoa học công nghệ cả về lĩnh vực dân sự và quân sự, khủng hoảng dầu mỏ và trật tự pháp lý trên biển mới được xác lập bởi luật biển giữa những năm 1970 và 1980, tranh chấp chủ quyền đã mở rộng tới quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh hai quần đảo này.
Cũng có một số các bên tranh chấp như Anh và Nhật Bản đã có yêu sách đối với một số đảo nhưng sau đó đã từ bỏ. Kể từ năm 1956, đặc biệt cuối những năm 1970 đã xuất hiện các bên tranh chấp mới như Philippines, Malaysia và Brunei. Sau hai cuộc hải chiến vào năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá tại quần đảo Trường Sa. Sự kiện Vành Khăn năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines đã đưa ASEAN và Trung Quốc đến đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), kết quả đầu tiên của tiến trình này là việc kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002.[1] Ngay sau khí ký kết DOC, tình hình ở Biển Đông đã hạ nhiệt trong một vài năm. Tuy nhiên, từ 2009 sau khi Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) tại Liên hợp quốc đệ trình bản đồ hình chữ U (đường đứt khúc 9 đoạn) lên Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), những tuyên bố về “lợi ích cốt lõi”[2] của Trung Quốc và “lợi ích quốc gia”[3] của Mỹ tại Biển Đông thì tình hình tại đây lại căng thẳng trở lại và làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc đối với cộng động quốc tế. Lịch sử tranh chấp phức tạp và những nỗ lực bất thành trong việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp có thể chấp nhận được đã khiến cho những tranh chấp ở Biển Đông trở thành một trong những tranh chấp phức tạp nhất trong bản đồ chính trị quốc tế.[4]
Hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc[5] yêu sách toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Brunei, Malaysia và Philippines yêu sách một phần hoặc hầu hết đối với quần đảo Trường Sa. Có rất nhiều bài viết làm rõ quan điểm của các bên và đề xuất các giải pháp cho tranh chấp.[6] Một vài lý do đã được đưa ra để giải thích cho sự phức tạp của tranh chấp Biển Đông: vị trí địa lý của Biển Đông; tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông; cuộc chạy đua đối với quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vậy này; thiếu sự rõ ràng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) về quy chế của đảo và đảo đá, và những tình cảm dân tộc. Để hiểu được tình hình này, nghiên cứu về quan điểm của các bên trong tranh chấp dưới ánh sáng của sự pháp triển của luật pháp và thực tiễn quốc tế là điều cần thiết.
Bài viết này không cố gắng nghiên cứu toàn diện về quan điểm của tất cả các bên tranh chấp và các bên liên quan. Bài viết cũng không có tham vọng phân tích tất cả sự phát triển của luật pháp quốc tế có thể ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh về chủ quyền và các quyền tại Biển Đông. Việt Nam là một trong các bên tranh chấp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột Biển Đông. Do đó, bài viết này chỉ nghiên cứu quan điểm của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam sẽ được xem xét trên ba khía cạnh: (1) chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa; (2) các vùng biển xung quanh các đảo này; và (3) giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
2. Quan điểm của Việt Nam về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo nhỏ, đá và bãi nửa nổi nửa chìm, trong khoảng vĩ độ 16o – 17o Bắc và kinh độ 111o – 113o Đông trên một vùng biển rộng khoảng 16000 km2. Quần đảo Trường Sa nằm trong khoảng vĩ độ 12o – 4o Bắc và kinh độ 109o – 118o Đông, bao gồm hàng trăm đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm trải trên vùng biển rộng gấp 10 lần vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, khoảng 160000 và 180000 km2. Hai quần đảo này còn có một số lượng lớn bãi ngầm và bãi san hô.Khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa đến điểm gần nhất của đất liền Việt Nam (cảng Đà Nẵng) là 170 hải lý và đảo Hải Nam Trung Quốc là 160 hải lý. Quần đảo Trường Sa cách Vịnh Cam Ranh (Việt Nam) 250 hải lý và cách Đảo Hải Nam Trung Quốc 520 hải lý.[7] Trong một thời gian dài, những chấm nhỏ li ti của hai quần đảo này chỉ được biết đến như những điểm cực kỳ nguy hiểm đối với các nhà hàng hải hay là nơi trú ẩn của ngư dân trong khu vực.[8] Đến đầu thế kỉ 17, các triều đại của Việt Nam (nhà Nguyễn và Tây Sơn) là những triều đại đầu tiên thực hiện chức năng nhà nước đối với những hòn đảo không có người sinh sống và xa xôi này. Làn sóng chiếm hữu thường xuyên những hòn đảo không có người sinh sống, nghèo tài nguyên và không có nước sạch này diễn ra lần đầu tiên vào giữa những năm 1920 và 1930 khi Pháp, đại diện cho Triều đình phong kiến Việt Nam trong mọi quan hệ đối ngoại từ năm 1884, phái những đội quân thường trú tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ khi Pháp và Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Giữa những năm 1950, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản phía tây quần đảo Hoàng Sa trong khi Trung Quốc tiếp quản phía đông. Tại quần đảo Trường Sa, quân Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu Aba), một số đảo khác dưới sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn chiếm đóng thứ 3 diễn ra giữa những năm 1970 và 1980 khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1976, miền Bắc và miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Philippines tham gia vào tranh chấp Trường Sa từ những năm 1970 trong khi đó Malaysia lần đầu tiên kiểm soát một đảo thuộc quần đảo này vào năm 1983. Giai đoạn chiếm đóng thứ 4 được đánh dấu bởi sự có mặt lần đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa sau một cuộc va chạm ngắn với tàu vận tải của hải quân Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam và các bên tranh chấp khác có thể tìm hiểu bằng cách phân chia lịch sử tranh chấp thành các giai đoạn thích hợp. Hành động của các bên qua đó có thể xem xét dưới ánh sáng của luật thời điểm.
A. Trước thế kỉ 20
(Vui lòng download file để xem)
B. Từ đầu thế kỷ 20 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II
(Vui lòng download file để xem)
*Clip: Hải chiến Trường Sa 1988
C. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Cộng hòa Trung Hoa chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa và Itu Aba (đảo Ba Bình theo tiếng Việt), một đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng thời gian, Pháp và Chính quyền Bảo Đại tái chiếm phần phía tây của Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa. Phần phía đông của Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1956. Phần phía tây của Hoàng Sa bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm vào năm 1974. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm được quyền kiểm soát một số đảo tại Trường Sa lần đầu tiên vào năm 1988 thông qua việc sử dụng vũ lực. Kể từ đó, Trung Quốc đã mở rộng kiểm soát lên đến 9 đảo đá tại khu vực quần đảo Trường Sa. Philippines lần đầu tiên vào năm 1978 chính thức yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ quần đảo Trường Sa (gọi tên là Nhóm đảo Kalayan – Nhóm đảo Tự do, KIG) theo cách của gọi của Philippines), trừ đảo Trường Sa. Malaysia yêu sách chủ quyền với phần phía nam của quần đảo Trường Sa thông qua việc phát hành các bản đồ vào năm 1979. Trong bối cảnh này, năm 1976, nước Việt Nam thống nhất tiếp tục duy trì quan điểm là danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, được củng cố một thời gian dài bởi các Vua và Chúa Nguyễn cũng như là các chính quyền Pháp thuộc và Sài Gòn, chưa bao giờ bị từ bỏ cả. Việt Nam Cộng hòa tiếp nhận danh nghĩa chủ quyền, quyền và các yêu sách từ Pháp đối với các đảo phù hợp với Hiệp định Geneve năm 1954 – Ba Hiệp định về Ngừng chiến với Việt Nam, Lào và Campuchia.[1] Là bên nắm giữ danh nghĩa chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nam Việt Nam đã thực hiện tổ chức quản lý hành chính, khai thác kinh tế và bảo vệ hiệu quả hai quần đảo này.
Năm 1956, Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa đã cấp phép khai thác phân chim trên đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật và Phú Lâm cho Lê Văn Cang. Năm 1959, giấy phép cũng được cấp cho Công ty Phốt-phát Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác phân chim cho đến tận năm 1963. Năm 1973, một nghiên cứu chung đã được triển khai bởi Công ty và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Marubeni. Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa đã được chuyển từ tỉnh Thừa Thiên sang tỉnh Quảng Nam theo Nghị định số N 174-NV ngày 13 tháng 7 năm 1961. Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã tuần tra thường xuyên tại các vùng nước quanh khu vực các đảo.
Đối với Trường Sa, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã đến Trường Sa và dựng bia thể hiện chủ quyền vào ngày 22 tháng 8 năm 1956. Với Nghị định 143/VN ngày 20 tháng 10 năm 1956, quần đảo Trường Sa đã được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy. Từ 11 đến 16/6/ 1961, các tàu hộ vệ Vân Đồn và Vạn Kiếp (HQ02 và HQ06) đã được điều đến tuần tra các đảo Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta và An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Các đơn vị hải quân đến đảo Trường Sa, An Bang, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Nam Yết năm 1962, 1963 và 1964 nhằm mục đích dựng các cột chủ quyền đối với các đảo này. Ngày 6 tháng 9 năm 1973, với Nghị định N 420 – BNV/HCDP/26, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.[2]
Việc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974 của Trung Quốc là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và không thể tạo ra một danh nghĩa pháp lý cho quần đảo này. Quan điểm này đã được khẳng định chắc chắn nhiều lần trong các Sách Trắng do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành (cả Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam),[3] các Tuyên bố của Chính phủ đối với các vùng biển của Việt Nam và về đường cơ sở vào các năm 1977 và 1982; Nghị quyết 1994 của Quốc hội phê chuẩn UNCLOS và các phát biểu chính thức của lãnh đạo Việt Nam. Ví dụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định trước Quốc hội vào ngày 25/11/2011 rằng: “Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta đã kiểm soát hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ 17, khi chưa có một quốc gia nào yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này”.[4] Hiện nay, Việt Nam kiểm soát hơn 20 đảo, bãi cát, đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc giữ quan điểm rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình và Việt Nam đã hơn một lần công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.[5] Yêu sách này dựa trên bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 liên quan đến chiều rộng của các vùng lãnh hải của Trung Quốc, Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản kháng việc Chính phủ Mỹ ấn định khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ năm 1965, và phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm vào năm 1956. Dựa vào các bằng chứng này, Trung Quốc tuyên bố rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[6] Chúng tôi sẽ không xem xét phát biểu của ông Ung Văn Khiêm bởi vì không có bằng chứng trung lập. Ông Ung Văn Khiêm không có quyền hạn công nhận hay từ bỏ lãnh thổ. Bài phát biểu, nếu tồn tại, không diễn ra trong bối cảnh đàm phán về lãnh thổ. Hai tài liệu khác phải được xem xét trong bối cảnh Việt Nam bị chia cắt trong giai đoạn 1954 – 1975 cùng với mối quan hệ cực kỳ gắn bó giữa hai nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung Quốc “vừa là đồng chí vừa là anh em”.[7]
*Clip: TS. Nguyễn Đăng Thắng nói về vi phạm của TQ trong sự cố HD-981 từ góc độ pháp lý
Ngày 4/9/1958, bị đe dọa bởi Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ trong khu vực eo biển Đài Loan, Trung Quốc thông báo tuyên bố mở rộng chiều rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Tuyên bố này áp dụng cho cả Trung Quốc đại lục và tất cả các đảo thuộc Trung Quốc bao gồm Tây Sa, Nam Sa.[8] Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Trong Sách Trắng năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố rằng cách hiểu của Trung Quốc về bức thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc, khi mà mục đích và hàm ý của công hàm chỉ nhằm công nhận chiều dài lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.[9] Liệu sự im lặng về tình trạng của Hoàng Sa và Trường Sa trong bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có được coi như là sự ngầm công nhận đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này? Liệu nó có ảnh hưởng pháp lý nào nhằm loại bỏ Việt Nam không còn quyền đòi hỏi chủ quyền trong tương lai? Câu trả lời là “không”.[10]
Một hành động đơn phương sẽ tạo ra hậu quả pháp lý bắt buộc cho quốc gia thực hiện nếu như hành động đơn phương này được thực hiện trong phạm vi giới hạn của thẩm quyền quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và không trái đối với các nguyên tắc jus cogens (các nguyên tắc bắt buộc không được vi phạm) của luật quốc tế . Mục đích thật sự của quốc gia khi có tuyên bố đơn phương nên được diễn giải một cách cẩn trọng. Các hạn chế sự độc lập của các quốc gia do vậy không thể suy diễn.[11] Tòa Án Công lý Quốc tế (ICJ) trong vụ Thử vũ khí hạt nhân (Nuclear Tests Case) đã nhắc lại lập luận: “Một khi các quốc gia đã ra các tuyên bố hạn chế sự tự do hành động trong tương lai của họ thì một sự giải thích hạn chế là cần thiết”.[12] Qua thực tiễn hoạt động của các quốc gia và các phán quyết của Tòa,[13] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã có hướng dẫn xác định các hành động đơn phương và hiệu lực pháp lý của chúng.[14] Theo như ILC, để xác định các ảnh hưởng pháp lý của các tuyên bố đơn phương, cần thiết phải xem xét nội dung, hoàn cảnh thực tế của các tuyên bố đơn phương được đưa ra và các phản ứng mà các tuyên bố này gây ra. Một tuyên bố đơn phương sẽ dẫn đến việc quốc gia tạo ra nó bắt buộc phải thực hiện cam kết này chỉ khi nó được tuyên bố trong các điều khoản cụ thể và rõ ràng. Trong trường hợp có nghi ngờ như là phạm vi trách nhiệm thực hiện từ các tuyên bố này, trách nhiệm thực hiện sẽ chỉ được diễn giải một cách hạn chế. Khi diễn giải nội dung của các dạng nghĩa vụ thực hiện như vậy, việc đầu tiên quan trọng nhất là xem xét nội dung văn bản của tuyên bố cùng với bối cảnh và hoàn cảnh tuyên bố này được đưa ra.[15]
Khi áp dụng các hướng dẫn này, chúng ta có một số đánh giá về nội dung văn bản bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và hoàn cảnh văn bản này được viết.
Trước tiên, vào thời điểm đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sà và Trường Sa. Theo Hiệp định Geneve, Việt Nam bị tạm thời chia làm hai khu vực quản lý hành chính với ranh giới là vĩ tuyến 17 trong khi chờ đợi thống nhất thông qua tổng tuyển cử. Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneve. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Vào thời điểm này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có danh nghĩa pháp lý de jure về chủ quyền cũng như không thực hiện chủ quyền de facto trên thực tế trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó không có quyền từ bỏ đối với lãnh thổ mà nó không sở hữu.[16] Thậm chí các chính quyền miền Nam Việt Nam, hai chính phủ đối lập, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1969, chỉ có quyền quản lý đối với hai quần đảo nhưng không có quyền chuyển nhượng bất cứ phần lãnh thổ nào cho ngoại quốc. Năm 1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực tại Hoàng Sa khi đưa ra tuyên bố 3 điểm.[17]
- Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mọi dân tộc
- Giữa các nước láng giềng có nhiều vụ tranh chấp về vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại. Các tranh chấp đó có khi rất phức tạp, đòi hỏi được xem xét kỹ càng; và
- Các nước liên quan phải cùng nhau xem xét vấn đề trên tinh thần bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết vấn đề bằng thương lượng.
Thứ hai, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và 1957 quy định rằng việc chuyển nhượng lãnh thổ phải được quyết định thông qua trưng cầu dân ý. Tuyên bố của thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý để từ bỏ lãnh thổ. Trong trường hợp liên quan đến chủ quyên đối với các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks, và South Ledge (Malaysia/Singapore) liên quan đến lập luận của Singapore rằng Chính quyền Johor đã công nhận chủ quyền của Singapore đối với các đảo này,[18] Tòa án đã có quan điểm không xem xét trả lời của Johor có tính hiến pháp với nghĩa tạo ra tác động pháp lý quyết định đối với Johor.[19] Lời văn trong thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có bất cứ tính hiến pháp nào đối với lãnh thổ của Nam Việt Nam. Do đó, bức thư này không có hiệu lực pháp lý quyết định đối với số phận của Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bao giờ phủ nhận các yêu sách và các hoạt động khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Nam Việt Nam. Nếu như bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc, bước logic tiếp theo sẽ là tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Điều này không bao giờ xảy ra, cả trong năm 1956 và năm 1974. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ lập trường của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Thứ tư, tên gọi của văn bản tiếng Trung Quốc năm 1958 là Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc. Bức thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận và đồng ý quyết định liên quan đến chiều rộng 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc. Bức thư này không chứa đựng bất cứ sự từ bỏ các đảo có lợi cho Trung Quốc. Việc chuyển chủ quyền lãnh thổ từ một quốc gia này cho một quốc gia khác thường được thực hiện thông qua hiệp ước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 2/11/1957, Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư đến Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất hai Đảng cầm quyền tôn trọng nguyên trạng status quo các vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại, và giải quyết tất cả tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình vào thời điểm phù hợp. Bức thư tháng 11/1957 viết: “Vấn đề biên giới là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết thông qua các nguyên tắc thực định của luật pháp hay do quyết định của hai chính phủ”.[20] Vào tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có phản ứng tích cực đối với thư của Đảng Lao Động Việt Nam. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại được hiểu là chỉ liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ; không đề cập đến trường hợp tranh chấp của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, hai nước đã đồng ý rằng các tranh chấp của hai nước sẽ được giải quyết trong một thời điểm thích hợp thông qua đàm phán. Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nằm trong bối cảnh tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh. ICJ đã phán quyết: “Không gì có thể ngăn cản các bên đạt thỏa thuận bằng con đường thông thường, đó là một thỏa thuận với điều kiện có đi có lại”.[21] Một số tác giả đã so sánh bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Tuyên bố Ihlen trong vụ án đảo Greenland.[22] Tuyên bố Ihlen được đưa ra trong bối cảnh tìm kiếm giải pháp cho Greenland và Spitzberg. Tuyên bố Ihlen không phải là “cho không” (“open-handed”). Tuyên bố này công nhận chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland để đổi lại việc Đan Mạch công nhận chủ quyền của Na-uy đối với Spitzberg. Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chứa đựng đặc điểm có đi có lại. Do đó rất khó có thể xem xét Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ năm, trong cuộc chiến, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ vật chất từ Trung Quốc. Điều này đã đặt Hà Nội vào thế khó xử. Bức thư chỉ ủng hộ việc áp dụng nguyên tắc 12 hải lý cho chiều rộng lãnh hải. Đây là một hành động thể hiện thiện chí của Bắc Việt Nam ủng hộ Trung Quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ xâm lược khi nước này nỗ lực đưa tàu sân bay vào hoạt động tại eo biển Đài Loan. Việc bảo lưu tình trạng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được thể hiện trong bức thư vì Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có quyền hạn đối với hai quần đảo này.
Nhà nghiên cứu Monique Chemillier Gendreau đã nhận xét: “Đúng là công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ hết sức hạn chế trong ghi nhận và tán thành quyết định về chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc. Thật không đúng để khẳng định rằng Việt Nam đã “thừa nhận yêu sách của Trung Quốc” đối với hai quần đảo”.[23] Không bên nào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam Cộng hòa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Vậy liệu thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tạo ra hiệu lực của nguyên tắc estopel (nguyên tắc mặc nhiên thừa nhận)? “Anh không thể vừa có chiếc bánh lại vừa ăn hết nó” là nguyên tắc ngăn ngừa các quốc gia có hành động không nhất quán gây tổn hại đến các quốc gia khác.[24] Theo Ian Brownlie, đặc điểm cốt lõi của nguyên tắc estoppel là nhân tố hành xử gây tổn hại nghiêm trọng cho bên khác, do họ dựa vào cách hành xử đó để thay đổi quan điểm của mình và phải chịu một số tổn hại.[25] Trong vụ tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc, tòa ICJ đã phán quyết: “Bên dựa vào nguyên tắc estoppel phải chỉ ra, cùng với một số điều kiện khác, là mình đã có các hành động đặc biệt do dựa vào phát biểu của bên kia”.[26]
Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là điều kiện cần thiết “vì phát biểu này mà gây tổn hại cho bên khác” của nguyên tắc estoppel gây ra cho Trung Quốc. Trước tiên, Trung Quốc không chứng minh được quan điểm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị thay đổi và bị thiệt hại do dựa vào tuyên bố của Bắc Việt Nam. Thứ hai, Trung Quốc đã giữ im lặng đối với tuyên bố của Mỹ liên quan đến khu vực tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ tại Biển Đông vào năm 1965, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Điều này liệu có cho thấy Trung Quốc thờ ơ trong việc bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa khi bị nước ngoài xâm lược? Thứ ba, nguyên tắc estoppel chỉ được áp dụng cho các hành động của một bên về một vấn đề trong một giai đoạn liên tục trong lịch sử. Trong trường hợp này, nguyên tắc estoppel được áp dụng như thế nào cho các tuyên bố của hai chính phủ khác nhau đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì không có thẩm quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước kế tục của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa và có quyền lựa chọn quyền và nghĩa vụ của bên nào để kế tục. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa kế quyền và các hành động của Nam Việt Nam, vốn là bên duy nhất có quyền tài phán đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[27]
http://www.scribd.com/doc/38047349/Thayer-China-s-Core-Interest-in-the-South-China-Sea (truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2012).
[18] Chi tiết, xem S. JAYAKUMAR & T. KOH, PEDRA BRANCA: THE ROAD TO THE WORLD COURT (2009).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét