Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015
Vai trò của các đảng phái chính trị trong nhà nước Việt Nam DCCH
07:25
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: David G. Marr, Vietnam: State, War, and Revolution (1945–1946), (California: University of California Press, 2013), pp. 10285-10901 (Kindle edition).
Biên dịch: Phạm Tú Uyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ba ngày sau khi tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Việt Nam DCCH) ra lệnh giải thể Đại Việt Quốc Xã hội Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng với cáo buộc hai đảng này âm mưu tiến hành các hoạt động làm hại nền độc lập. Đại Việt Quốc Xã hội Đảng bị buộc tội tiếp tay cho nước ngoài gây nguy hại cho nền độc lập, còn Đại Việt Quốc dân Đảng được cho rằng đang mưu đồ phá hoại nền kinh tế cũng như nền độc lập dân tộc. Bất cứ thành viên nào của hai đảng này vẫn tiếp tục hoạt động sẽ bị “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Một tuần sau thêm hai tổ chức thanh niên của miền Bắc cũng bị xử lý tương tự. Báo chí nhanh chóng xác định bốn tổ chức này là “thân Nhật” và không giải thích vì sao lại chỉ là bốn tổ chức này trong số rất nhiều các tổ chức khác thể hiện thái độ thân Nhật trong những tháng trước đó. Hơn nữa, Nhật Bản lúc này cũng không còn là mối đe doạ đối với nền độc lập của Việt Nam, tại sao họ vẫn chĩa mũi nhọn vào những kẻ thù cũ? Dù cho câu trả lời cho những câu hỏi này có như thế nào đi nữa (chúng ta sẽ quay lại với các câu hỏi này ở phần sau) thì các nhà lãnh đạo Việt Nam DCCH cũng đã truyền tải được một thông điệp lớn hơn: họ là người có quyền xác định tổ chức trong nước nào là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia và theo đó cần phải được trấn áp.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1925- 1945 có xu hướng miêu tả các tổ chức cộng sản và phi cộng sản như những kẻ thù không đội trời chung của nhau. Phần lớn điều này giống như việc áp dụng ngược thời gian những trang sử giai đoạn 1945-54 với hận thù, phản bội và giết chóc vào một giai đoạn sớm hơn (tức giai đoạn 1925-1945- NHĐ) khi các nhà hoạt động chính trị tuy có ý thức hệ khác nhau nhưng cùng chung nền tảng giáo dục, thường xuyên tương tác và đôi khi có cùng quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân. Những tổ chức với nền tảng khác nhau cùng chia sẻ thông tin (có chọn lọc), ký kết các tuyên bố công khai, hình thành và giải thể các liên minh chiến thuật mà không có mâu thuẫn nào. Từ 1924-1927 ở miền nam Trung Quốc, các nhóm người Việt theo các quan điểm chống thực dân đa dạng tương tác với nhau, cả với người Trung Quốc, Triều Tiên và các dân tộc khác. Trong những năm 1930, một số tổ chức cánh tả và trung dung ở Đông Dương đã tham gia thúc đẩy cải cách cơ bản hệ thống thuộc địa. Đáng chú ý hơn cả có liên minh chính trị giữa những người theo Quốc tế thứ ba (Stalinists – những người theo chủ nghĩa Stalin) và các thành viên Quốc tế thứ tư (Trotskyists – những người theo chủ nghĩa Trotsky) tại Nam Kỳ trong giai đoạn 1933-1937. Từ năm 1941 đến 1944 ở miền nam Trung Quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng CSĐD), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách) cùng tham gia vào mặt trận chống Nhật, đôi khi tố giác nhau với các nhà bảo trợ Trung Quốc, nhưng không bắt cóc hoặc ám sát lẫn nhau. Chính sự cạnh tranh để kết nạp thành viên, thu nhận viện trợ cũng như sự bảo trợ của người Trung Quốc, hơn là sự khác biệt về ý thức hệ, mới là nguyên nhân khiến căng thẳng giữa các tổ chức lưu vong gia tăng.
Cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945 đã buộc các tổ chức chính trị của Việt Nam phải đánh giá lại hành vi và tương lai của mình. Các tổ chức đặc biệt thân Pháp đã ngừng hoạt động và các nhà lãnh đạo của họ giữ tung tích bí mật nhất có thể. Những người đã từng làm việc cho Nhật, hoặc được Nhật bảo vệ để khỏi bị Pháp bắt giữ, bắt đầu hoạt động công khai, hình thành tổ chức, xuất bản báo chí, triệu tập các cuộc họp và thăm dò mức độ ủng hộ của Nhật Bản. Trong khi đó, các tổ chức đứng về phe Đồng Minh cố gắng chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ của Mỹ vào Đông Dương hoặc một cuộc xâm lược từ phía bắc của Trung Quốc, đồng thời lên án những nhóm cộng tác với người Nhật. Tất cả các tổ chức chống thực dân đã tận dụng tình trạng rối loạn đáng kể trong cơ quan Mật vụ Đông Dương do các nhân viên Pháp bị cầm tù. Như đã nói, bạo lực chính trị bắt đầu gia tăng vào tháng 7 nhưng các nhà lãnh đạo và trí thức với các khuynh hướng khác nhau vẫn tiếp tục gặp gỡ, trao đổi thông tin và bàn bạc về các liên minh yêu nước. Phần còn lại của chương này sẽ áp dụng một cách tiếp cận theo dòng thời gian, qua đó thảo luận các nhóm đối lập vốn bị Việt Nam DCHH hoặc Đảng CSĐD lần lượt trấn áp. Cho tới tháng 8/1946, ngoại trừ đáng chú ý có Giáo hội Công giáo, còn lại các phe đối lập đều bị phá vỡ, vô hiệu hóa, hoặc buộc phải lưu vong.
Nhóm đảng Đại Việt: Trấn áp tức thì
Tháng 5/1945, các thành viên của một số đảng Đại Việt quan hệ với Nhật Bản đã đến Trung Quốc để gặp gỡ các lãnh đạo của Việt Quốc. Điều này dẫn đến việc thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng, một liên minh đặc biệt nhằm phối hợp hoạt động giữa các nhóm trong nước và nhóm lưu vong trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đông Dương. Điều này tỏ ra là một lựa chọn chiến lược tai hại đối với Việt Quốc, không phải vì nó làm tổn hại hình ảnh của tổ chức này trong con mắt những người bảo hộ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, mà vì nó khiến các nhà lãnh đạo Việt Quốc phải dựa vào nhân lực trong nước của Đại Việt chứ không đưa người của mình về nước như Đảng CSĐD từng làm trong một thời gian. Khi quân Nhật bất ngờ đầu hàng vào giữa tháng 8, các nhóm Đại Việt có vũ trang tại Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương đã phải hoàn toàn tự hành động mà không có sự trợ giúp nào từ các đơn vị vũ trang của Việt Quốc ở Quảng Tây và Vân Nam bên kia biên giới, những lực lượng đang chờ Trung Quốc cho phép tiến vào Đông Dương.
Tối 17 tháng 8, Trương Tử Anh, một lãnh đạo Đại Việt hiệu quả nhất, đã dẫn đầu một đơn vị 250 người hành quân vào Hà Nội trong khi đó một số quan chức chính phủ hoàng gia (tức Triều đình Huế – NBT) đang cố lên tinh thần cho các lực lượng an ninh và bảo vệ dân sự để ngăn chặn quân Việt Minh tiếp quản. Tuy nhiên, sáng ngày 19 tháng 8, không ai trong số này đứng ra phản kháng khi những đoàn người do Việt Minh lãnh đạo di chuyển tới các tòa nhà chính phủ. Tối hôm đó tại Hà Nội, Đại Việt đã họp khẩn với các thành viên của Việt Quốc ở địa phương nhưng không thống nhất được một kế hoạch tiến hành chống Việt Minh giành chính quyền ngay lập tức. Đề xuất này đã sớm lụi tàn vì quân tiếp viện từ các tỉnh bị cản đường do lũ sông Hồng lên. Các đơn vị quân đội của Đại Việt đã rút về phía đông và tây của Hà Nội để chờ diễn biến tình hình. Chính trong bối cảnh này, chính phủ lâm thời Việt Nam DCCH đã tuyên bố Đại Việt Quốc Dân Đảng là bất hợp pháp vào ngày 5 tháng 9, đồng thời biết rằng không thể cấm Việt Quốc hoạt động mà không chọc tức quân Trung Quốc trong khi ngày 9 tháng 9 những binh lính Trung Quốc đầu tiên đã tới Hà Nội. Đảng CSĐD cũng lo lắng khi Pháp mô tả Việt Minh như một sản phẩm của Nhật Bản, vì vậy nó cần tìm cách phơi bày và trừng phạt các tay sai của Nhật Bản như một cách để giành được sự tin tưởng của quân Đồng minh.
Tháng 9 và tháng 10 năm 1945, các tổ chức khác nhau thuộc Việt Nam DCCH hoặc Việt Minh có thể đã thủ tiêu hoặc bắt giữ hàng trăm người được cho là thành viên của Đại Việt. Ngày 1 tháng 9, một đơn vị vũ trang Việt Minh tấn công một nhóm Đại Việt Duy Tân ở Ninh Bình, giết chết 8 người, bắt giữ 11 người và thu được ba vũ khí. Trong những tuần kế tiếp, những ai bị nghi ngờ là người của Đại Việt đều bị bắt ở Ninh Bình, bị điều tra và có báo cáo là đã được thả ra vào cuối tháng 10. Ủy ban tỉnh Tuyên Quang báo cáo đã thấy một số nhóm Đại Việt hoạt động vào đầu tháng 9 nhưng họ nói điều này không nguy hại bằng việc quân đội Trung Quốc đổ bộ vào địa bàn tỉnh. Thái Bình báo cáo một tổ chức Đại Việt Quốc Gia đã từng gây rắc rối cho Việt Minh trước ngày 19 tháng 8 đã giải thể. Tuy nhiên, các thành viên Đại Việt vẫn nằm trong số những người bị cho là phản bội bị bắt tại địa phương, và trong một số trường hợp còn bị hành quyết mà không có lệnh của cấp trên. Tại Phú Thọ, 24 thành viên Đại Việt đã bị bắt giữ và tới cuối tháng 10, chỉ còn 4 người. Trong khi đó, tổ chức Đại Việt địa phương được cho là đã giải tán. Ở Hưng Yên, Nguyễn Thị Trang Nghiêm bị bắt ngày 01 tháng 12 vì rải tờ rơi phản động trong một quán ăn và bị trục xuất 17 ngày sau đó. Cha và em gái bà là thành viên của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh.
Trương Tử Anh cố gắng duy trì một mạng lưới Đại Việt bí mật bất chấp bị công an truy đuổi, đồng thời liên tục cảnh báo các nhà lãnh đạo Việt Quốc không được đàm phán bất kỳ thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào với Đảng CSĐD. Trong suốt năm 1946, công an tiếp tục truy lùng thành viên Đại Việt. Ví dụ ngày 8 tháng 3 chồng của Bùi Thị Dịu đã bị bắt đi bởi một nhóm dân quân mà không một lời giải thích. Các yêu cầu giải thích gửi đến cấp huyện sau đó và kiến nghị gửi tới Hà Nội của bà đều bị lờ đi. Tháng 5, chồng bà bị buộc tội là cán bộ hoạt động của Đại Việt Duy Tân. Vụ việc của ông được chuyển tới Tòa án Quân sự Hà Nội. Ngay cả những người bị nghi ngờ là thành viên Đại Việt nhưng đã được thả cũng phải đối mặt với sự nghi ngờ gay gắt, bị tẩy chay, thậm chí có thể bị bắt lại. Mặt khác, một số nhân viên của chính quyền thuộc địa bị người Pháp sa thải vì là thành viên của Đại Việt Dân Chính đã xin vào làm việc cho Việt Nam DCCH và được chấp nhận. Vì vậy Nguyễn Huy Thành bị sa thải vào năm 1942 vì cố gắng tuyên truyền cho các đồng nghiệp của mình tại khu Phúc Yên Résidence đã được khôi phục công việc trong chính phủ vào tháng 9 năm 1946.
Do chiến dịch tuyên truyền hiệu quả của Việt Minh, từ “Đại Việt” đã trở thành một từ ẩn dụ cho sự hợp tác ngu xuẩn với những kẻ chiếm đóng người Nhật, đối nghịch với những nỗ lực anh hùng của Việt Minh để giải phóng đất nước khỏi những kẻ đế quốc phát xít “lùn”. Tuy nhiên, trước ngày 9 tháng 3 năm 1945, chỉ có vài người Việt có quan hệ chặt chẽ với các lực lượng Nhật Bản và nếu Việt Minh phải tranh đấu với ai, thì đó phải là người Pháp. Sau ngày 9 tháng 3, người Việt Nam theo bất cứ đảng phái chính trị nào, bao gồm cả một số thành viên của Việt Minh, đều tiến hành tiếp xúc bất bạo động với quân đội và nhân viên dân sự Nhật Bản. Việc Việt Minh tuyên bố đã chiến đấu với quân Nhật chỉ là phóng đại một vài cuộc phục kích trên các ngọn đồi phía bắc. Tuy nhiên Việt Minh đã tuyên truyền về một lực lượng trong nước sai đường lạc bước đáng khinh mang tên gọi Đại Việt để đề cao huyền thoại Giải phóng Quân chiến đấu chống lại Quân đội Đế quốc Nhật Bản.
Phe Trotskyist: “Cánh tả đối lập” của Đảng CSĐD
Ngay sau khi cấm các đảng Đại Việt hoạt động, Việt Nam DCCH tố cáo những người bị cáo buộc theo chủ nghĩa Trotsky là kẻ thù của mình. Thành viên của Quốc tế thứ ba (Đảng CSĐD) và Quốc tế thứ tư từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau là phục vụ lợi ích đế quốc. Tranh cãi giữa hai bên chủ yếu thể hiện trên các ấn phẩm định kỳ, tờ rơi và diễn thuyết. Nhưng tới tháng 8 năm 1945, tại Sài Gòn, tranh chấp đã nhanh chóng leo thang thành đối đầu công khai về quyền lực, về làm thế nào để đối phó với phe Đồng minh và có ủng hộ đấu tranh giai cấp hay không. Các cuộc họp để bàn bạc thành lập mặt trận cách mạng miền Nam Việt Nam thống nhất nhanh chóng biến thành các cuộc cãi vã, tiếp đó là tranh cãi trên mặt trận báo chí, khiến hai bên càng bất đồng và khó có thể thỏa hiệp. Nhóm “Đấu tranh” (La Lutte) và Liên minh cộng sản Quốc tế của Quốc tế thứ tư lên án Việt Minh đã đặt niềm tin vào các cường quốc Đồng minh, trong khi bản chất tất cả vẫn là đế quốc, chỉ mong muốn cản trở Việt Nam giành độc lập và không công nhận quyền tồn tại của nó. Cả hai nhóm Trotskyist đều có chiến lược rõ ràng là vũ trang quần chúng để tấn công các đơn vị của Anh và Pháp đầu tiên đổ bộ đến miền Nam, không thương thuyết khi càng nhiều quân địch đổ vào Việt Nam. Khi Trần Văn Giàu, lãnh đạo Đảng CSĐD và là Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời miền Nam gặp đại diện Pháp, nhóm Trotskyist cáo buộc ông phản bội cách mạng. Sau đó Trần Văn Giàu tố ngược lại họ là những kẻ khiêu khích kẻ thù. Mặc dù vậy, khi chuyến bay đầu tiên chở quân nhân Anh hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 6 tháng 9, Ủy ban miền Nam đã chọn bốn thành viên nhóm “Đấu tranh” vào đoàn tiếp đón và họ chấp thuận. Ba ngày sau đó Trần Văn Giàu đứng sang một bên, ủng hộ Phạm Văn Bạch, một luật sư không đảng phái, và một số người theo chủ nghĩa Trotsky đã được mời tham gia Ủy ban miền Nam mở rộng.
Tuy nhiên, vào ngày 7 và 8 tháng 9, một số thành viên phe Trotskyist đã cùng với tín đồ của Huỳnh Phú Sổ, lãnh đạo phe Hòa Hảo, tham gia vào một cuộc tấn công đẫm máu nhưng bất thành nhằm vào thành viên của Việt Minh ở Cần Thơ. Dương Bạch Mai (Đảng CSĐD), trưởng bộ phận an ninh của Ủy ban miền Nam, bắt đầu tống giam những người phe Trotskyist vào nhà tù trung tâm khét tiếng ở Sài Gòn. Binh lính Anh đã tìm thấy họ vào đêm ngày 22 tháng 9 và giao nộp lại cho người Pháp. Các cuộc tấn công của Anh – Pháp đêm đó đã làm dấy lên lời kêu gọi của Trần Văn Giàu về việc đấu tranh có vũ trang chống lại đế quốc và đồng minh, khá giống với những kêu gọi của phe Trotskyist một tháng trước đó. Những người theo phe Trotskyist chiến đấu cạnh các nhóm khác và phản đối lệnh ngừng bắn của Anh từ ngày 3 đến ngày 9/10 (xem Chương 4). Trong một đợt tổng rút quân vào trung tuần tháng 10 khỏi Sài Gòn, Đảng CSĐD đã truy tìm một cách có hệ thống và bắt giữ các thành viên phe Trotskyist, sau đó hành quyết ít nhất hai chục nhà lãnh đạo của nhóm này. Phan Văn Hùm, một trong những nhân vật chính trị miền Nam được tôn trọng nhất từ những năm 1930, đã bị hành quyết trên một chuyến tàu ở bắc Phan Thiết và bị dìm xác xuống sông. Những thành viên Trotskyist khác phải nương tựa các tín đồ Hòa Hảo có vũ trang và các nhóm dân tộc chủ nghĩa thế tục ở đồng bằng sông Cửu Long. Quyết định xóa sổ toàn bộ một nhóm chống thực dân theo chủ nghĩa Mác ở phía Nam của Đảng CSĐD là một cú sốc chính trị đối với những người Việt Nam có ý thức chính trị khắp cả nước và đến ngày nay vẫn là một quyết định bị lên án.
Các nhóm theo Quốc tế thứ tư ở miền Bắc chưa bao giờ có ảnh hưởng như ở miền nam. Trong chiến tranh Thái Bình Dương, một số người Trotskyist vẫn hoạt động trong nhà xuất bản Hàn Thuyên tại Hà Nội, nơi các trí thức cánh tả tiếp tục cân nhắc giữa “cách mạng thường trực” hay “cách mạng hai giai đoạn”. Một số thợ mỏ, công nhân cảng và công nhân dệt may tiếp tục ủng hộ lập luận của phe Trotskyist về đấu tranh giai cấp và kiểm soát của giai cấp vô sản đối với các công trường. Tháng 8 năm 1945, công nhân tại Cẩm Phả, đông bắc Hải Phòng, đã thành lập các ủy ban vận hành các mỏ than, đường ray tàu hỏa và hệ thống điện tín nhưng không tuyên bố theo Quốc tế thứ tư. Lương Đức Thiệp, người ủng hộ chủ nghĩa Trotsky, tiếp tục xuất bản tờ rơi luận bàn về chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản. Vào những năm 1930, trường phái theo Quốc tế thứ tư tranh luận sôi nổi với trường phái theo Quốc tế thứ ba về vị thế của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc toàn cầu. Tuy nhiên không ai theo chủ nghĩa Trotsky ở miền Bắc bước ra kêu gọi kháng chiến vũ trang chống lại sự đe doạ chiếm đóng của Trung Hoa Quốc dân Đảng, không như lời kêu gọi chống lại lực lượng Anh ở Sài Gòn. Tuy nhiên, các tờ báo của Đảng CSĐD và Việt Minh ở miền Bắc đã liệt các thành viên phe Trotskyist vào danh sách các đối thủ nguy hiểm cần loại bỏ và vô hiệu hóa (xem Chương 8).
Những người theo chủ nghĩa Trotsky chưa bao giờ là đối tượng của các sắc lệnh cấm hoạt động của Việt Nam DCCH. Thay vào đó, các ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lệnh phải báo cáo thường xuyên về bất kỳ trường hợp Trostskyist nào bị phát hiện và xử lý. Vào đầu tháng 9, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo đã “đàn áp lập tức” một số thành viên Trotskyist không xác định trong địa bàn thành phố. Tháng 10, Hưng Yên báo cáo việc truy tìm các thành phần “Trotskyist phản động” lưu trữ các ấn phẩm của báo Chiến Đấu nhưng chỉ có hai người bị bắt. Căn cứ vào yêu cầu báo cáo về các thành phần “phản động”, Quảng Yên khẳng định một cách mơ hồ rằng “một vài thành viên Trotskyist non trẻ đã được giác ngộ.” Tháng 10, Nguyễn Công Tính đã bị bắt tại Hà Đông vì là một “thành viên của Quốc tế thứ tư”, bị giao nộp cho lực lượng an ninh Thái Nguyên và đưa đến một trại biệt giam ở Bắc Kạn. Tháng 4 năm 1946, mẹ ông yêu cầu được biết nơi ông ở, nhưng tỉnh Bắc Kạn không có hồ sơ nào về sự tồn tại của ông. Hải Dương báo cáo rằng một nhóm Trotskyist đã bị “đập tan”. Tháng 12, hai người đàn ông bị bắt tại Hà Nội vì bị cáo buộc là Trotskyist và bị biệt giam ở Bắc Kạn. Sáu tháng sau, họ đã đệ đơn kiến nghị để được trả tự do, thừa nhận “trước đây có xu hướng theo Quốc tế cộng sản thứ tư” nhưng mang bản chất thuần túy chính trị, bất bạo động và hứa trong tương lai sẽ không chống lại chính phủ.
Biên bản một cuộc họp cuối tháng 11 năm 1946 của các cán bộ Bộ Thông tin và Tuyên truyền Việt Nam DCCH chỉ ra rằng trong số những người Việt Nam trở về Hải Dương từ Pháp có “một số thành viên Trotskyist cực đoan hoạt động nhưng không có ảnh hưởng gì đáng kể.” Ngoài biên bản này ra, không có tài liệu chính thức nào của năm 1946 đề cập về chủ nghĩa Trotsky. Hoặc là chính phủ không còn coi những người Trotskyist là mục tiêu của mình, hoặc các tỉnh thành không còn đối tượng nào được cho là theo chủ nghĩa Trotsky bị báo cáo là “phản động”. Trên báo chí, từ Trotskyist vẫn tiếp tục xuất hiện, thông thường là để cảnh cáo những nhân viên công khai phàn nàn về việc lương không theo kịp lạm phát tràn lan hoặc những người dám thúc đẩy việc người lao động kiểm soát doanh nghiệp. Thú vị là Hồ Hữu Tường, lãnh đạo trong những năm 1930 của một nhóm Quốc tế thứ tư và tạp chí Tháng Mười, được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị Đại học Hà Nội vào tháng 12 tháng 1945, giảng dạy khoa học xã hội tại Khoa Văn và làm việc với trí thức Việt Minh để chuẩn bị cho một đại hội văn hoá toàn quốc.
Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách): Chia rẽ và Giải thể
Trong phần lớn cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Việt Cách đã như một chiếc ô bảo trợ mà nhờ đó các tổ chức chống chủ nghĩa thực dân ở miền nam Trung Quốc nhận được sự công nhận và hỗ trợ của tướng Trương Phát Khuê (Zhang Fakui), chỉ huy Quân khu IV (Quảng Tây – Quảng Đông). Tuy nhiên, kể từ tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động của Việt Minh qua biên giới phía bắc Bắc Kỳ mà không đề cập đến danh nghĩa của Việt Cách, khiến tướng Tiêu Văn (Xiao Wen), cấp dưới phụ trách các vấn đề Đông Dương của tướng Trương, nhiều lần cảm thấy khó chịu. Tướng Tiêu tiến hành đẩy cao vai trò của Nguyễn Hải Thần, một nhà dân tộc chủ nghĩa lưu vong 67 tuổi rất được kính trọng vì mối liên hệ trước đây của ông với Phan Bội Châu (1867-1940). Do vậy, hàng trăm người Việt lưu vong đã tập hợp xung quanh Nguyễn Hải Thần, hy vọng ông sẽ dẫn họ qua biên giới cùng với lực lượng quân đội Quân khu IV tấn công quân Nhật. Tuy nhiên, khi Nhật Bản bất ngờ đầu hàng Đồng Minh vào giữa tháng 8 năm 1945, tại thành phố Trùng Khánh, Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch đã quyết định giao cho tướng Lư Hán (Lu Han) thuộc quân khu Vân Nam, chứ không phải Trương Phát Khuê, nhiệm vụ chiếm đóng phía bắc Đông Dương. Tướng Lư không có lý do gì để ủng hộ Việt Cách đóng tại Quảng Tây hơn so với Việt Quốc hay là Việt Minh mặc dù ông chấp thuận cho tướng Tiêu tham gia đội ngũ chiếm đóng của mình.
Tới ngày 20 tháng 8 năm 1945, có thế thấy các đơn vị của Việt Cách xuất hiện cùng với các đơn vị quân đội Trung Quốc tiên phong tiến vào các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Thật vậy, một đơn vị của Việt Cách đã xuất hiện tại tỉnh Tuyên Quang, 85 km về phía nam biên giới. Mùng 1 tháng 9, một nhóm Việt Cách lớn đi cùng binh lính Trung Quốc đã đến thị trấn ven biển Móng Cái và công bố thành lập “Chính phủ quốc gia lâm thời Việt Nam” do Nguyễn Hải Thần đứng đầu. Mười hai ngày sau, đơn vị Việt Cách đóng tại Lạng Sơn thông báo với Hà Nội rằng Chính phủ Trung Quốc và phe Đồng minh đã công nhận hiệu kỳ của Việt Cách như là “lá cờ của tất cả các đảng cách mạng Việt Nam”. Đơn vị này thậm chí còn cung cấp một bản vẽ lá cờ của Việt Cách: những vạch ngang màu trắng và xanh ở góc trái phía trên nền cờ màu đỏ. Trên đường quân đội Trung Quốc lê bước vào Hà Nội và Hải Phòng, các chỉ huy sư đoàn đã hướng dẫn các cán bộ Việt Cách rời khỏi các đơn vị dân sự tại mỗi thành phố, khiến Nguyễn Hải Thần không thể tập trung lực lượng để tạo uy thế chính trị. Khi tới Hà Nội vào ngày 16 tháng 9, ông ta chỉ có một số nhỏ cận vệ bên cạnh và có lẽ rất mơ hồ về những gì sẽ diễn ra.
Ngày 30 tháng 9, Nguyễn Hải Thần dẫn đầu một phái đoàn Việt Cách tới gặp tướng Tiêu Văn nhằm tìm cách thảo luận việc loại bỏ chính phủ lâm thời Việt Nam DCCH và đàn áp Đảng CSĐD. Theo một người cung cấp tin cho công an Việt Nam DCCH, Tiêu đã mỉa mai hỏi nhóm Việt Cách rằng họ sở hữu bao nhiêu quân lính và vũ khí để thực hiện cuộc lật đổ và trách họ khi cho rằng những người cộng sản cần phải bị loại bỏ hơn là được chấp thuận như là một phần của mặt trận dân tộc thống nhất (lúc đó Trung Hoa Quốc dân Đảng và ĐCS Trung Quốc đang tiến hành đàm phán tại Trùng Khánh). Nhận xét của Tiêu đã khiến Nguyễn Hải Thần nổi giận, tuy nhiên ông ta không ở vị thế có thể gây gổ với người Trung Quốc. Nguyễn Hải Thần càng hổ thẹn hơn khi mà vào cuối tháng 10, bảy cấp dưới của Việt Cách đã ký với năm thành viên Việt Minh một “Biện pháp đoàn kết”, theo đó “cùng đấu tranh chống lại sự xâm lược của Pháp để bảo vệ nền tự do và độc lập của Việt Nam DCCH”. Trương Trung Phụng, một trong những người của Việt Cách tham gia ký “Biện pháp đoàn kết” đã bị Việt Quốc bắt cóc vào ngày 25 tháng 11, tuy nhiên đã được thả sau đó 16 ngày. Một thành viên khác, Đinh Trương Dương, được Việt Nam DCCH giao nhiệm vụ đi công cán miền Trung. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày sau đấy, nhiều thành viên khác đã chối bỏ việc họ tham gia ký kết Biện pháp đoàn kết. Đồng thời, Nguyễn Hải Thần công khai tuyên bố bác bỏ vai trò của Đảng CSĐD trong Việt Nam DCCH. Tại Hà Nội, một loạt các vụ đụng độ bạo lực trên đường phố giữa Việt Cách và Việt Minh đã khiến công chúng bị sốc đồng thời thách thức sự kiên nhẫn của các chỉ huy quân sự Trung Quốc.
Khi tướng Tiêu Văn gia tăng sức ép lên tất cả các bên để thành lập chính phủ liên minh quốc gia, Hồ Chí Minh nhận thấy khai thác Nguyễn Hải Thần thay vì các lãnh đạo của Việt Quốc là một điều có lợi về mặt chiến thuật. Nguyễn Hải Thần có thể nói về tình đồng chí của mình với Phan Bội Châu và tự ca ngợi việc mình suốt đời từ chối cộng tác với thực dân Pháp. Lãnh đạo Trung Quốc từ Tưởng Giới Thạch trở xuống đều nể trọng Thần mặc dù người Việt đôi khi nhạo báng ông ta vì không thể nói sõi tiếng mẹ đẻ. Việc Thần chứng tỏ không có khả năng tự gây dựng cơ sở quyền lực trong nước khiến ông là lựa chọn thích hợp cho vị trí phó chủ tịch trong mắt Hồ Chí Minh. Việt Minh đã khai thác sự chia rẽ bên trong Việt Cách trước sự khó chịu của Việt Quốc.
Trong khi các nhà lãnh đạo của Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách bắt tay và tranh cãi về các định nghĩa pháp lý, việc bổ nhiệm các bộ trưởng và đưa ra các tuyên bố chung, thì các nhà biên tập báo chí, các nhà tuyển dụng, gây quỹ và lực lượng vũ trang vẫn tiếp tục đấu tranh gay gắt. Bộ Thông tin và Tuyên truyền của Việt Nam DCCH đã gửi tới ban biên tập các tờ báo một bức thư hư cấu, chỉ trích Nguyễn Hải Thần đã không cử người của Việt Cách tham gia chiến đấu ở miền Nam, buộc tội ông ta thỏa thuận với quân Pháp. Báo chí thường xuyên cáo buộc những người đối lập đã tống tiền trắng trợn những người thuộc tầng lớp dễ bị tổn thương. Công an Việt Nam DCCH nhiều lần bắt giữ các thành viên Việt Cách vì đã tống tiền, đặc biệt là đối với Hoa kiều. Các thành viên Việt Minh và Việt Cách xé áp phích của nhau, đe dọa tính mạng và đôi khi phá vỡ các cuộc họp của đối phương. Việt Nam DCCH đã khuyến khích Bồ Xuân Luật, cán bộ của Việt Cách, người đã rời bỏ Nguyễn Hải Thần, ra một tờ báo riêng của mình. Mười ngày sau đó ở trung tâm Hà Nội, Luật bị hai xe với rất nhiều người có vũ trang phục kích nhưng may mắn trốn thoát được với chỉ hai vết đạn. Tờ báo Đồng Minh của ông tiếp tục được xuất bản cho đến tháng 11 năm 1946.
Các đơn vị của Việt Cách không gặp khó khăn gì trong việc giữ nguyên vị trí của mình tại các thị xã từ biên giới Trung Quốc tới đồng bằng sông Hồng, ít nhất là cho đến khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu rút quân vào tháng 4 năm 1946. Giáo viên, công chức và nhân viên cảnh sát địa phương buộc phải đưa ra quyết định có nên trung thành với Việt Cách, cố gắng trung lập hay rút lui khỏi các thị xã. Một báo cáo cuối năm 1945 của Bộ Giáo dục ở Hà Nội về bốn tỉnh nói rằng quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng một số trường học trong khi các trường khác đã ngưng dạy do giáo viên, học sinh và người dân địa phương bị các thành viên Việt Cách “quấy nhiễu”. Việt Cách đôi khi phải công nhận trên thực tế chính quyền Việt Nam DCCH như khi xin phép chính phủ để mua và vận chuyển hai mươi tấn muối.
Là một phần của Thỏa thuận ba bên ngày 23 tháng 12 năm 1945, Nguyễn Hải Thần đã được chỉ định làm Phó chủ tịch Việt Nam DCCH trong một chính phủ liên minh lâm thời được công bố với công chúng vào ngày 1 tháng 1 năm 1946, năm ngày trước tổng tuyển cử quốc gia. Tiếp theo thỏa thuận ngày 23 tháng 12, hai mươi thành viên Việt Cách đã được làm đại biểu Quốc hội theo một sắc lệnh hành pháp. Họ không được là đại biểu quốc hội đại diện cho các tỉnh thành như các đại biểu Quốc hội thông thường khác. Một số thành viên khác của Việt Cách chọn cách tranh cử. Hồ Đắc Thành muốn các thông tin cá nhân của mình chắc chắn được công bố cùng với những ứng cử viên khác ở Nam Định và đã được bầu vào Quốc hội đại diện cho tỉnh này. Bồ Xuân Luật đã thắng trong cuộc bầu cử ở Hưng Yên và đã được cử làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam DCCH. Khi Quốc hội họp tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh đã thông báo cho các đại biểu rằng Nguyễn Hải Thần “không khỏe” và không tham dự họp được. Khi đề cử một nội các chính phủ lên Quốc hội, theo dàn xếp trước, Hồ Chí Minh đề cử Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch nước và một thành viên khác của Việt Cách là Trương Đình Tri làm Bộ trưởng Xã hội (phụ trách y tế, phúc lợi và lao động), miêu tả Tiến sĩ Tri như là một “chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực y tế.”
Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên của tháng 3, điều khiến mọi người bận tâm lại là những cuộc đàm phán quan trọng giữa Việt Nam DCCH, Pháp và Trung Quốc. Các thành viên Việt Cách hẳn phải bị chấn động khi biết về thỏa thuận Trung – Pháp ngày 28 tháng 2, theo đó Trùng Khánh chấp nhận việc Pháp sắp trở lại miền bắc Đông Dương và rút các lực lượng của Trung Quốc về. Ông Hồ có thể đã tìm cách đưa Nguyễn Hải Thần tham gia vào các cuộc thảo luận với người Trung Quốc và người Pháp, và đương nhiên tìm cách có được chữ ký của Nguyễn Hải Thần trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 nhưng không thể tìm thấy Nguyễn Hải Thần ở đâu vì ông ta đã rời Hà Nội vài ngày trước.
Bị lu mờ bởi Việt Quốc và ngày càng điêu đứng bởi tranh chấp nội bộ, Việt Cách đã mất đoàn kết vào tháng 3 năm 1946. Một số thành viên tập trung vào việc bảo vệ các thành thị phía bắc Hà Nội, những người khác chuyển sang Việt Quốc, còn những người khác nữa chấp nhận thực tế bị lệ thuộc vào Việt Minh. Một số cuộc tấn công nhằm vào binh lính Pháp vào tháng 4, đặc biệt là ở Hải Phòng, có thể là do các thành viên Việt Cách tiến hành. Cuối tháng 4 năm 1946, lực lượng Pháp khai quật được 12 thi hài từ tầng hầm của trụ sở cũ của Việt Cách ở Hà Nội, trong đó có hai công dân người Pháp mất tích ngày 24 tháng 12 năm 1945. Hoàng Cừ, một nhà báo nổi tiếng ủng hộ Việt Cách đã bị bắt về tội vận chuyển trái phép một trăm tấn muối và bị kết án lao động khổ sai mười năm. Việt Nam DCCH đã đàm phán với một nhà lãnh đạo Việt Cách ở Lạng Sơn, đưa người này qua biên giới Trung Quốc vào tháng 6, nhưng lại sớm phải chia quyền kiểm soát thị xã Lạng Sơn với Pháp từ mùng 8 tháng 7. Thành viên Việt Cách ở Quảng Yên và Móng Cái dường như đã rút qua biên giới vào giữa tháng 6 cùng với quân đội Trung Quốc. Cuối tháng 5, Hồ Đắc Thành, thành viên của Việt Cách, đại biểu của Nam Định, đã trở thành thành viên của Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, một mặt trận thống nhất lớn hơn do Đảng CSĐD khởi xướng. Tới cuối tháng 10, báo Đồng Minh đưa tin về các cuộc họp của những chi bộ còn lại của Việt Cách và việc một số thành viên của Hội tham gia kỳ họp thứ hai của Quốc hội. Công an kiểm tra các tài liệu thu được từ Việt Cách và triệu tập các thành viên để thẩm vấn. Từ đấy trở đi một vài thành viên Việt Cách giúp các cơ quan chính phủ xây dựng một hình ảnh mặt trận quốc gia, trong khi những người khác phải đối mặt với tù tội hoặc bị trục xuất.
Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc): Không bị giới hạn
Ngay sau khi Việt Minh giành chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhóm Việt Quốc do Lê Khang dẫn đầu rời khỏi Hà Nội lên thị xã Vĩnh Yên cách đó 50km về phía tây bắc. Tại đây nhóm được Đỗ Đình Đạo, người đứng đầu đầy nhiệt huyết của một tổ chức thanh niên địa phương, chào đón. Họ đã cùng tổ chức một cuộc biểu tình của dân chúng để thuyết phục các thành viên của lực lượng bảo vệ dân sự của Vĩnh Yên tham gia. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Khang chọn Vĩnh Yên. Vĩnh Yên nằm dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội, tuyến đường mà quân đội Trung Quốc từ Vân Nam và những thành viên Việt Quốc lưu vong sẽ sử dụng để vào Bắc Kỳ.
Ngày 29 tháng 8, hàng ngàn người từ ba huyện lân cận đã tiếp cận các cứ địa của Việt Quốc tại thị xã Vĩnh Yên, vẫy cờ Việt Minh và kêu gọi một cuộc diễu hành “đoàn kết” xuyên qua thị trấn. Sau khi bị từ chối, đám đông tiến đến gần và một số người có súng trường đã khai hoả. Việt Quốc đáp trả với súng trường tự động, giết chết một số người, bắt giữ khoảng 150 người và khiến một số người biểu tình hoảng loạn bị chết đuối ở con sông gần đó. Hầu hết những người bị bắt đều được trả tự do sau khi nghe một bài rao giảng về Việt Quốc và họ nhất trí là mình đã bị lừa khi tham gia vào cuộc diễu hành. Trong các tuần sau đó, các lãnh đạo hai phe trao đổi với nhau qua thư về việc phóng thích những người bị giam giữ, thẩm quyền của mỗi cá nhân trong các cuộc đàm phán và những đề xuất liên quan đến chính quyền địa phương chung. Việt Minh đã phong toả lương thực cung cấp cho thị xã khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Ngày 18 tháng 9, Hoàng Văn Đức, một thành viên quan trọng của Đảng Dân chủ cùng với đại diện của Việt Nam DCCH từ Hà Nội đến đây để thương lượng. Tuy nhiên, Lê Khang đã quyết định trả lời bằng việc phát động một cuộc tấn công vào Phúc Yên nhưng bị thất bại. Các đơn vị quân đội Việt Nam DCCH sau đó đã cố gắng nhưng vẫn không thể kiểm soát được Vĩnh Yên. Sau đó, một lệnh ngừng bắn trên thực tế trong vòng vài tháng đã được duy trì. Việt Quốc dường như đã không còn tranh giành ảnh hưởng với Việt Minh ở khu vực nông thôn, ngoại trừ vụ chiếm giữ nông trường Tam Lộng ở tỉnh Vĩnh Yên. Một cuộc tấn công lớn của Việt Minh vào Tam Lộng đã bị đẩy lùi vào đầu tháng 12.
Ở bên kia biên giới giữa Trung Quốc với Bắc Kỳ, các thành viên của Việt Quốc và Việt Minh dường như đã hòa vào làm một với khoảng 3.200 lính người Việt thuộc các đơn vị thực dân Pháp vốn đã trốn sang Vân Nam sau cuộc đảo chính của Nhật Bản ngày 9 tháng 3 năm 1945. Cả hai bên đã có nhiều thành công hơn với 2.000 binh lính người Kinh so với số lính là người dân tộc thiểu số. Vào tháng 9, Việt Quốc giành được một thỏa thuận bí mật với Đại úy Nguyễn Duy Viên, theo đó đại đội lính khố đỏ người Kinh của ông sẽ đồng loạt về phe Việt Quốc vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, cán bộ Việt Quốc tại Côn Minh nghi ngờ Đại úy Viên (còn gọi là Ba Viên do ông là sĩ quan ba sọc) là điệp viên hai mang của Pháp và sẽ điều động đơn vị của mình thủ tiêu Việt Quốc ngay sau khi vào Bắc Kỳ. Tuần đầu tiên của tháng 11, Viên dẫn đồng sự của mình đi gần 200 km từ huyện Mông Tự (Mengzi) đến tỉnh Hà Giang nơi Việt Quốc nhiệt tình đón chào ông. Những người đào ngũ từ các đơn vị lính thuộc địa khác cũng đổ về thị trấn Hà Giang cho đến khi Đại úy Viên chắc chắn có 400 người dưới sự chỉ huy của mình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các nhà hoạt động Việt Quốc và Việt Minh là hiển nhiên đối với ít nhất là một người dân thường, và người này cảm thấy bắt buộc phải gửi một bức thư cho Hà Nội khẩn cầu một đại diện toàn quyền của chính phủ đến để thuyết phục tất cả mọi người tập trung vào việc chống lại giặc ngoại xâm. Sau khi đến Hà Nội và gặp Hồ Chí Minh, Viên trở về Hà Giang, bắt đầu bắt giữ thành viên Việt Quốc và sau đó hành quyết một số tù nhân trên các ngọn đồi gần đó. Vào ngày Giáng sinh, đơn vị của Viên đã được sáp nhập vào lực lượng của Việt Nam DCCH. Vào tháng 4 năm 1946, một nhóm ám sát của Việt Quốc đã nhắm vào Viên và bắn chết ông khi ông rời khỏi một nhà hàng ở Hà Nội.
Lãnh đạo Đảng CSĐD đánh giá Việt Quốc là một thách thức còn lớn hơn so với các đảng Đại Việt, những phần tử Trotskyist hay các tổ chức cách mạng khác. Mặc dù Đảng CSĐD đã nỗ lực thuyết phục dân chúng rằng các nhà lãnh đạo Việt Quốc hiện nay đã phản bội lại những di sản cao quý của Nguyễn Thái Học và những liệt sĩ năm 1930 khác, nhưng nhiều người dân vẫn có những suy nghĩ khác vào cuối năm 1945. Bên cạnh những đơn vị đã cùng với lực lượng chủ lực Trung Quốc tiến xuống hành lang sông Hồng vào cuối tháng 9, còn có các hoạt động của các đơn vị Việt Quốc nhỏ lẻ còn tồn tại ở Công ty đường sắt Đông Dương, Sở bưu điện (PTT), và Khu Học xá Đông Dương (Cité Universitaire de Ha Noi). Ngoài ra còn có các cựu binh của Việt Quốc mới được ra tù gần đây và các thành viên Đại Việt cũng muốn liên kết. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), một nhà văn sáng tạo, nhà biên tập và xuất bản nổi tiếng nhất ở Việt Nam từ những năm 1930, có khả năng gây dựng một chiến dịch tuyên truyền cho Việt Quốc để cạnh tranh với những nỗ lực của Việt Minh.
Đầu tháng 9 năm 1945, Vũ Hồng Khanh, người đứng đầu tổ chức Việt Quốc có trụ sở ở Vân Nam, đã cố gắng để có được một chỗ ngồi trên chuyến bay từ Trung Quốc tới Hà Nội nhưng không thành công, sau đó Khanh tiếp tục bị cản trở bởi một chỉ huy Trung Quốc tại Lào Cai khi di chuyển bằng đường bộ. Sau khi đồng chí của ông ta là Nghiêm Kế Tổ vận động các mối quan hệ của Quốc Dân Đảng tại Trùng Khánh, Khanh cuối cùng mới đến được Hà Nội ngày 20 tháng 10. Trong khi ông vắng mặt, một nhóm sẵn sàng hợp tác với Việt Nam DCCH đã thành lập một Uỷ ban Vận động nhằm cơ cấu lại Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khanh chủ ý làm lơ việc này. Nguyễn Tường Tam chọn ở lại Côn Minh và Trùng Khánh trong suốt thời điểm cuối năm 1945, tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc và Mỹ nhưng không thành công. Tài năng báo chí của Tam đã không được sử dụng ở Hà Nội, mặc dùng đồng nghiệp thân thiết của ông là Trần Khánh Dư (Khái Hưng) đang là biên tập viên cho tờ Việt Nam, một tờ báo chủ chốt của Việt Quốc.
….
-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét