Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Tại sao Ukraine cần vũ khí?

article-2611946-1D506BB800000578-91_964x638
Nguồn: Carl Bildt, “Why Ukraine Needs Weapons,” Project Syndicate, 18/02/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Dường như trong giới ngoại giao và hoạch định chính sách đối ngoại đang tồn tại một câu cửa miệng rằng không thể có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hầu hết các nhà quan sát đều nhất trí rằng con đường khả thi duy nhất dẫn tới hòa bình và ổn định là con đường ngoại giao. Nhưng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được công bố gần đây ở Minsk, bạo lực vẫn tiếp diễn – thể hiện qua việc quân đội Ukraine bị đánh bật khỏi thị trấn Debaltseve. Điều này cho thấy đã đến lúc cần cân nhắc những gì là cần thiết để ngăn chặn bất cứ giải pháp quân sự nào do Điện Kremlin áp đặt.
Ba viện nghiên cứu chính sách (think tank) có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ đã bắt đầu làm vậy và rút ra kết luận rằng Mỹ nên bắt đầu cung cấp cho Ukraine không chỉ nhiều các loại viện trợ không gây sát thương hơn như máy bay không người lái (drone), xe Humvee bọc thép, và thiết bị y tế, mà còn cả “hỗ trợ phòng thủ quân sự có khả năng sát thương” với các loại tên lửa chống tăng hạng nhẹ. Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu vẫn chưa sẵn sàng xem xét lại lập trường của họ trong việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine, thay vào đó tái khẳng định giải pháp ngoại giao là lựa chọn duy nhất.
Tất nhiên, theo quan điểm của Ukraine, đối đầu quân sự một chọi một với Nga không phải là lựa chọn khả thi. Năm ngoái, khi các lực lượng ly khai ở vùng Donbas dường như nát vụn dưới sức nặng từ đòn phản công của Ukraine, dường như Ukraine đã có thể tái khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực. Nhưng Điện Kremlin nhanh chóng triển khai quân đội Nga dưới dạng các nhóm chiến thuật quy mô tiểu đoàn để hỗ trợ quân nổi dậy. Lực lượng tương đối yếu của Ukraine đã không còn cơ hội.
Động thái này minh chứng cho cam kết của Nga rằng nó sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn một thất bại quân sự của các thực thể ly khai mà nó đã xúi giục và rèn luyện thành các đơn vị chiến đấu – một quyết tâm vẫn tồn tại dù cho cuộc xung đột đã khiến lực lượng quân sự của nó gặp nhiều căng thẳng đáng kể. Bởi thế, viễn cảnh Ukraine có thể tái khẳng định quyền kiểm soát về mặt quân sự đối với vùng Donbas là mong manh đến nỗi cố gắng làm như vậy là một điều ngu ngốc.
Nếu cân nhắc các tham vọng chiến lược của các lực lượng ly khai và người bảo trợ là nước Nga  thì những viễn cảnh của Ukraine còn ảm đạm hơn. Bên cạnh việc cung cấp cho các nhóm ly khai vũ khí hạng nặng và tiên tiến, cũng như triển khai các đơn vị và lực lượng đặc biệt để hỗ trợ họ, giờ đây có thể Nga còn gửi các “tình nguyện viên” đến để huấn luyện một đội quân ly khai vốn có thể (tự) thực hiện các cuộc tấn công sau này.
Các nhà lãnh đạo ly khai hi vọng một đội quân như vậy ít nhất cũng có thể giúp họ đảm bảo kiểm soát được vùng Donbas. Sau đó họ sẽ có lợi thế để đảm bảo một tiểu nhà nước “Novorossiya” (Nước Nga Mới) trải dọc toàn bộ bờ Biển Đen, đến tận và bao gồm Odessa. Và rõ ràng, một số còn mơ đến một cuộc tiến công vào Kiev. Để ngăn chặn viễn cảnh này trở thành sự thật, một cuộc đối thoại chính trị cứng rắn với Điện Kremlin rõ ràng là tối quan trọng, cũng như việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế để đảm bảo Nga phải trả một cái giá ngày càng cao nếu tiếp tục cuộc xâm lăng. Nhưng chỉ tin tưởng vào một cuộc đối thoại ngoại giao và các biện pháp trừng phạt để đổi lấy một nền hòa bình lâu dài có thể là quá lạc quan.
Biện pháp toàn diện hơn là tập trung tăng cường cho Ukraine trên mọi mặt trận. Để đạt được điều này, hỗ trợ chính trị và ngoại giao là cần thiết. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là hỗ trợ cho những cải cách nhằm loại bỏ tham nhũng và thúc đẩy tăng trưởng. Về mặt này, thỏa thuận mới đây với Quỹ Tiền tệ Quốc tế có tầm quan trọng tức thì, và thỏa thuận với Liên minh Châu Âu về một Khu vực Thương mại Tự do Sâu và Toàn diện (DCFTA) là rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi lâu dài của đất nước.
Nhưng nếu các lực lượng ly khai, với sự hỗ trợ từ Nga, tin rằng họ có thể kiểm soát Donbas và bờ Biển Đen, nỗ lực để tái thiết xã hội và nền kinh tế Ukraine sẽ bị đe dọa. Đó là lí do tại sao các đối tác bên ngoài của Ukraine cần giúp nó tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy luôn có những cái đầu nóng mong muốn theo đuổi các biện pháp quân sự. Nhưng mối lo ngại lớn hơn là hành động của những người thực dụng, luôn tìm kiếm những điểm yếu có thể khai thác. Nếu lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn xem khả năng phòng thủ của Ukraine là một điểm yếu nghiêm trọng thì ít có gì ngăn cản họ tiến lên để theo đuổi những tham vọng của mình. Một giải pháp chính trị hay ngoại giao khi đó sẽ gần như là bất khả.
Các chuyên gia an ninh nên xác định những hành động mà Mỹ và châu Âu có thể làm để cải thiện khả năng phòng thủ của Ukraine. Những đề xuất cung cấp các thiết bị không gây sát thương của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Hội nghị An ninh Munich được tổ chức mới đây có thể cung cấp một số chỉ dẫn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và những người khác rõ ràng đã đúng khi họ nói rằng không có giải pháp thuần quân sự cho cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng một năm đàm phán và thỏa thuận thất bại đã chứng tỏ cũng không có giải pháp thuần ngoại giao nào khả dĩ. Chỉ bằng cách loại bỏ, hoặc chí ít là thu hẹp đáng kể khả năng quân ly khai và những người Nga ủng hộ họ tiếp tục chiến dịch quân sự của mình, Ukraine và các đối tác của nó mới có thể hi vọng vào một giải pháp chính trị lâu dài.
Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét