Vài ngày trên đất nước của Thành Cát Tư Hãn
Tác Giả: Hiệu Minh – 5 Dec 2014
Chỉ sau gần 2 tiếng, máy bay của China Air đã hạ cánh xuống phi trường Genghis (Chingis) Khan của Ulaanbaatar. Cao tốc nối liền trung tâm thủ đô Monglia và sân bay có 6 làn xe, đèn đường sáng trưng, đôi chỗ có đèn đỏ cho người đi bộ qua đường.
Xa xa là những khu nhà cao tầng mọc lên cao vút, sơn đủ mầu xanh đỏ tím vàng. Chiều tà trên bình nguyên sa mạc Gobi toàn cát và đồi núi trơ trọi, trời trong xanh không một gợn mây, nắng chói trang.
Không ai nghĩ rằng bên ngoài nhiệt độ là -15oC, lạnh kinh người. Và ít ai nghĩ rằng, nơi đây từng là cái nôi của một đế chế Nguyên Mông từng chinh phục từ Á sang Âu dưới vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn.
Ở khách sạn Blue Sky nằm đối diện với quảng trường lớn, tôi nhìn thấy một bức tượng rất lớn, choán hết cửa ra vào. Hỏi ra mới biết đó là Genghis Khan – hay còn gọi là Thành Cát Tư Hãn.
Sinh khoảng năm 1162 và mất ngày 18-8-1227, thọ 65 tuổi, Thành Cát Tư Hãn được coi là người sáng lập ra đế chế Đại Hãn (Great Khan) và cũng là một vương quốc lớn nhất mọi thời đại, biên giới kéo dài suốt từ Triều Tiên sang tới Châu Âu.
Đế chế Nguyên Mông trong hai thế kỷ 12-13.
Những năm 1200, kỵ sỹ châu Âu thời đó với kiếm, bộ quần áo bằng thép, kiếm và đao, ngồi trên lưng ngữa, cho rằng, họ là những chiến binh tốt nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, kỵ sỹ Mông Cổ nhỏ con hơn, trên những chú ngựa bé hơn, nhưng tốc độ di chuyển thì kinh hoàng. Vũ khí là cung tên, lớn lên ở miền quê khắc nghiệt, nhiệt độ âm 50oC là thường, biết săn bắn kiếm ăn, kỵ sỹ Mông Cổ thế kỷ 13 là những chiến binh dày dạn, kỷ luật và biết cách hợp đồng tác chiến một cách thuần thục, thắng các kỵ sỹ châu Âu to cao.
Thời đó Mông Cổ có dân số khoảng 700.000 người, mù chữ và tin vào pháp sư (saman giáo). Các bộ tộc mất đoàn kết, chiến tranh liên miên. Trong bối cảnh đó, một cậu bé tên là Temujin được nuôi nấng như một Khan (Hãn) qua nhiều gia đình.
Có một Ong Khan (vua bộ tộc) rất quí chàng trai trẻ này và trong một lần chiến đấu với người Tartar, họ đã chiến thắng oanh liệt. Ong Khan này đã nhận Temujin làm con nuôi và trở thành người nối ngôi. Có một người con trai đẻ của Ong Khan tìm cách hãm hại, nhưng Temujin đã tiêu diệt mầm mống bạo loạn.
Temujin tuyên bố trở thành Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn vào năm 1206 khi ông 42 tuổi. Người Mông Cổ cho rằng, trời đã mang vị thần này cho họ, nên đã tôn vinh ông như một vị Khan của quốc gia. Thành Cát Tư Hãn đã lần lượt chinh phục các bộ tộc khác bằng sức mạnh quân sự và ngoại giao.
Thành Cát Tư Hãn đã đưa ra những bộ luật quan trọng như cấm bắt cóc phụ nữ, bởi ông từng bị mất một người vợ trẻ do bị bắt cóc. Mọi đứa trẻ sinh ra đều hợp pháp, cấm bán phụ nữ để cưới xin, ăn cắp gia súc là phạm pháp…
Do thiếu ăn và đói kém, ông khuyên bảo dân chúng tập đi săn bắn để dành cho mùa Đông giá lạnh, rồi đưa chữ viết vào trường học. Ông cũng là người đầu tiên tạo ra con dấu, có tòa án tối cao, và giao quyền phán xét cho chánh án trong các vụ xử, thậm chí có thể ra án tử hình. Mầm mống luật pháp thượng tôn có từ cách đây 800 năm.
Tất cả những luật lệ đó đã giúp Mông Cổ đoàn kết thành sức mạnh và Thành Cát Tư Hãn bắt đầu chinh phục các nước láng giềng. Trong mấy chục năm cầm quyền, vị Hãn vĩ đại này đã chinh phục một diện tích gấp 3 lần diện tích mà Alexander the Great đã chiếm của các nước khác. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là vị vua duy nhất có thể chinh phục một diện tích lớn nhất trong mọi thời đại. Người Mông Cổ tin rằng, các chiến binh Nguyên Mông được trời phái xuống để giúp yên bình.
Trên bản đồ có đánh dâu những nơi nghỉ chân của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Nguyên Mông suốt từ lúc ông sinh ra (1162 – vùng Siberia Nga) cho tới 1280. Toàn bộ Trung Quốc, một nửa nước Nga, bao gồm Moscow và Kiev, vùng Trung Đông tới Iran, Iraq, Armenia. Quân Mông Cổ từng tiến vào Hungary (1241). Người ta cho rằng, dân Hungari có nòi giống từ Mông Cổ.
Trong chiến tranh, ông dùng chiến thuật vừa đánh vừa đàm. Nếu ai chống cự sẽ bị tàn sát không thương tiếc, nhưng để dọa đối phương trên đường chinh phục, ông đã để thoát vài người. Những người này trở thành kẻ đưa tin thất trận và gieo rắc nỗi sợ hãi. Ai đầu hàng được giữ nguyên chức vị và vì thế yên lòng dân nơi chiếm đóng.
Tổ chức quân theo biên đội 10, 100, 1.000 và 10.000 lính. Đội quân từ 100.000 đến 125.000 và thêm hậu cần lên tới 200.000 người. Lính trên lưng ngựa một ngày có thể đi tới hàng trăm km là thường.
Đầu tiên là chinh phục Afghanistan, Ba Tư. Đi tới đâu, nếu quân đội được tiếp tế lương thực, thì quân Mông Cổ bảo vệ. Nhiều thành phố đầu hàng vô điều kiện. Những thành phố phải chiến mới chiếm được, Thành Cát Tư Hãn phân loại dân. Nếu người biết chữ thì ông dùng cho phiên dịch. Người giầu có và thương gia thì ông không mất thời gian để giết vì nghĩ rằng, chính những người này sẽ giúp cho thành phố tiếp tục hoạt động.
Với 40 ngàn quân, vó ngựa Nguyên Mông tiếp tục đi vào Azerbaijan, Armenia, Đông Âu, đánh bại tất cả các vương quốc trên đường đi. Năm 1223, đội quân này gặp 80 ngàn quân của Hoàng tử Mstitslav của thành Kiev. Dù ít quân hơn, nhưng cung tên thiện xạ, quân đội Mông Cổ đã đánh bại quân Kiev chỉ quen dùng kiếm.
Năm 1225, trở về từ châu Âu, vương quốc này đã làm bá chủ từ biển Caspian đến Bắc Kinh. Sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn (1227), Ogedei Khan , người con trai nối ngôi tiếp tục chinh phục các quốc gia khác. Trong các trận chiến với Hungary và Ba Lan, quân Mông Cổ đã thắng dù số quân ít hơn nhiều. Trận chiến thành Lenika ở Ba Lan (4-1241), họ đã thắng cả đội chiến binh Ba Lan vũ khí hùng mạnh. Henryk II đã chết trong trận chiến đó.
Quân Mông Cổ vượt sông Danube và đứng trước cửa ngõ thành Vienna, nhưng như một sự kỳ lạ, họ bỗng rút lui. Nhiều người châu Âu cho rằng, do quân Áo mạnh nên Mông Cổ đã thoái. Nhưng trong thực chất, Ogedei Khan đã mất sau 12 năm trị vì, họ phải quay về cố hương để chọn vị vua mới.
Cũng như mọi đế chế hùng mạnh khác, sau một thời gian dài chiến thắng lẫy lừng, Mông Cổ bắt đầu có mầm mống bạo loạn, tranh giành quyền lực. Người vợ của Ogedei Khan tìm cách đưa con trai, Guyuk, lên nối ngôi. Bà bỏ rất nhiều tiền của để mua chuộc và cuối cùng có then Guyuk Khan.
Năm 1246, Guyuk Khan nhận được tối hậu thư của Pope Innocent IV, ra lệnh cho Mông Cổ không được tấn công châu Âu, và Pope nói ông làm điều này là vì ý Chúa Trời. Tuy nhiên, Guyuk Khan cũng cho rằng, chính ông ta mới là người do trời cử xuống.
Tuy nhiên chỉ trị vì được 2 năm, Guyuk chết một cách bí ẩn, được cho rằng trong gia đình mâu thuẫn. Mongke được lựa chọn tiếp theo nối ngôi. Đế chế này tiếp tục xâm lược Ba tư và tiến vào thành Baghdad năm 1258, phá tan thành phố này. Họ tiến về Damascus nhưng bị quân đội Ai Cập chặn đứng. Và từ đó là sự suy thoái của quân Nguyên Mông.
Chiếm Trung Quốc sau đó, họ còn tiến sang Triều tiên và Nhật bản. Năm 1274, từ nam Triều Tiên, khoảng từ 600 đến 900 chiến thuyền đã tấn công Nhật Bản với 23000 quân lính. Tuy nhiên, thời tiết đã không phù, họ phải rút lui.
Năm 1281, họ thử một lần nữa với 4000 thuyền chiến nhưng cơn bão đã phá cuộc tấn công này. Người Nhật cho rằng, đây là cơn bão do trời phái đến giúp họ phá tan quân Nguyên. Trong tiếng Nhật gọi là kami-kaze. Từ này được nhắc lại khi phi công cảm tử Nhật tấn công chiến hạm Mỹ trong một cuộc phản công tuyệt vọng nhằm cứu nguy cho Nhật Hoàng. Nhưng lần này, cơn gió trời đã không giúp họ.
Câu chuyện Việt Nam ba lần thắng quân Nguyên Mông khỏi phải kể lại đây. Có lẽ đây là quốc gia duy nhất đã thắng đội quân của Thành Cát Tư Hãn.
Suốt thế kỷ 13, đế chế Mông Cố kéo dài suốt từ châu Á sang Châu Âu, một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và diện tích lớn nhất trong mọi thời đại. Nhà Nguyên (Yuan) sụp đổ, các bộ lạc Mông Cổ vướng vào mâu thuẫn nội bộ và dần bị nhà Thanh đô hộ.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ tuyên bố độc lập. Năm 1921 dưới sự bảo trợ của Liên Xô, Mông Cổ chính thức tách khỏi Trung Quốc, tiến hành xây dựng nhà nước theo mô hình Xã hội Chủ nghĩa, được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập từ năm 1945.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối năm 1989, chế độ cộng sản ở Mông Cổ cũng biến mất sau cuộc Cách mạng Dân chủ Mông Cổ 1990. Chế độ dân chủ nghị việnđược thành lập. Bản hiến pháp mới ra đời vào năm 1992 đưa nước này chuyển sang thể chế cộng hòa nghị viện và kinh tế thị trường.
Quảng trường Sükhbaatar
Mấy ngày ở đây (26-28, 11, 2014), tôi ở trong khách sạn Blue Sky cao 105m, cao nhất Mông Cổ, toàn kính nhôm. Trước mặt là quảng trường Sükhbaatar, mang tên một vị lãnh đạo cách mạng Mông Cổ năm 1921, Damdin Sükhbaatar, tương tự như Lê Nin của Liên Xô, Mao Trạch Đông của Trung Quốc, hay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Khi các vị chết hay được tôn vinh, xây lăng và đặt tên những nơi trang trọng.
Thủ đô Mông Cổ cũng trải qua nhiều tên khác nhau như Urga, Kuren, Da Kuren, Kulun, Khuree. Ulaanbaatar trong tiếng Mông Cổ là “Anh hùng đỏ”, được chính quyền cách mạng đặt tên năm 1924 để tỏ lòng kính trọng đối với Sükhbaatar, vì đã cùng với Hồng quân Liên xô chống lại xâm lược Trung Quốc và Đức. Do ảnh hưởng nặng nề của Liên Xô và tiếng Nga, Ulaanbaatar được đổi thành Ulan Bator cho dễ đọc.
Tượng của Damdi Sükhbaatar trên lưng ngựa vẫn đứng giữa quảng trường mang tên ông. Trước đó, trong khu vực này còn có lăng của ông và một vị lãnh đạo khác tên là Khorloogiin Choibalsan, một bản sao giống hệt lăng Lê Nin ở Moscow. Nơi đây diễn ra các sự kiện quan trọng như mít tinh, biểu tình ủng hộ cách mạng, duyệt binh những ngày lễ lớn trong đó có dịp cách mạng tháng 10.
Những năm đầu 1990 cũng chứng kiến những cuộc cách mạng dân chủ nổi dậy và lật đổ chính thể cộng sản cầm quyền. Khu lăng của hai vị lãnh đạo cộng sản đã bị phá đi, thay vào đó là khu nhà tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn, hai bên có tượng của Ögedei Khan (con trai), and Kublai Khan (cháu) thuộc gia đình ông, được xây vào năm 2006, nhân dịp 800 năm ngày Thành Cát Tư Hãn lên ngôi.
Trong khu nhà có rất nhiều kỷ vật liên quan đến Thành Cát Tư Hãn, du mục Gobi, kể cả Mông Cổ sau này. Những hình ảnh XHCN vẫn được một chỗ đứng trang trọng trong khu tưởng niệm rất đẹp và hiện đại. Cho dù thời thế đã thay đổi, và nhiều chuyện về thời cộng sản đã được khơi ra, tượng Lê Nin đã bị hạ xuống, nhưng tượng Sükhbaatar vẫn còn đứng giữa Quảng trường, khách thăm của vẫn dành cho ông sự kính trọng nhất định.
Thời tiết Ulaanbaatar rất lạnh nên tôi chỉ đi quanh khu phố trung tâm, khoảng 1 tiếng lại phải về khách sạn để uống nước và sưởi ấm. Chim bồ câu béo quay vẫn sống thản nhiên trong nhiệt độ âm 20 đến 30oC. Chó thả rông toàn chạy trên đường vì lạnh, mùa đông họ phải giết vì chó rét quá, không có gì ăn, quay sang cắn người. Thỉnh thoảng gặp một kiosk bán hàng vặt như thời Liên Xô. Trolleybus (xe khách điện) vẫn chạy trên phố. Xe hơi quá nhiều nên giao thông có chiều hướng tắc nghẽn. Phố khá sạch, dân không xả rác ra đường, trai gái ăn mặc mốt hơn.
Ulaanbaatar đang thay đổi từng ngày. Các khu nhà được thiết kế tổng thế hợp với kiến trúc thành phố, hè rộng, có cây xanh dù trồng cây ở đây đắt gấp chục lần nơi khác do thời tiết. Một thủ tướng trẻ 48 tuổi vừa được bầu và nội các của ông toàn người năng động. Tất cả nói lên sự chuyển mình của quốc gia từng thống trị thế giới.
Các bạn trẻ Mông Cổ đều có một nhận xét, nếu không có Lê Nin và Liên Xô, có lẽ tiếng vang của quốc gia cũng đã ngang tiếng ngựa hý thời Thành Cát Tư Hãn vượt từ Á sang Âu. Nay họ đang hướng về dân chủ kiểu phương Tây, chính phủ thay đổi liên tục, nhưng đó là sự thay đổi cho tốt hơn là sự ổn định giả tạo, kéo lùi đất nước.
Viết những dòng này, tôi nhớ thầy Nghị dạy sử trường cấp 3 Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khóa 1968-1970. Thầy thuộc lòng lịch sử thế giới, và thường nhắc đến Thành Cát Tư Hãn với một sự ngưỡng mộ. Lũ học trò quê mùa mắt sáng lên và mong ngày nào đó được đến tận nước này để chiêm ngưỡng. Thế mà giấc mơ thành sự thật.
Rời Ulaanbaatar, nơi tôi dừng chân vài lần ở bến ga tầu khi du học Đông Âu cách đây hơn 40 năm, và mấy năm trước qua công tác ngắn hạn, nay trở lại, không hiểu sao dự cảm lại tốt đẹp về Mongolia toàn sa mạc và lạnh cóng này.
HM. Ulaanbaatar 11-2014.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét