Khi dây thần kinh số 5 có vấn đề,
bệnh nhân bị đau ghê gớm ở mặt, cảm giác như điện giật, dao đâm. Bệnh
nhân thường rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng, dễ nổi nóng, trầm cảm,
có người tự tử.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Cơn đau xuất hiện sau một kích thích nào đó, có thể kéo dài vài giây
đến vài phút. Bệnh nhân có các cơn đau dữ dội xen kẽ với lúc bình
thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Đau bắt đầu từ một hay nhiều nhánh của dây 5, kèm theo giật cơ. Dây 5
chia 3 nhánh là dây mắt, dây hàm trên, dây hàm dưới nên còn gọi là dây
thần kinh sinh ba. Đau thường bắt đầu ở nhánh dây hàm trên hoặc nhánh
dây hàm dưới. Ở dây hàm trên, đau lan dọc theo xương gò má, mũi, môi
trên và các răng trên. Ở dây hàm dưới, đau lan theo phần dưới của xương
gò má, môi dưới và xương hàm dưới. 97% các trường hợp chỉ đau nửa mặt.
Đặc điểm nổi bật của bệnh là có một
vùng nhỏ đau khởi phát ở trên mặt, có thể trên gò má, mũi, môi, khi kích
thích sẽ tạo ra cơn đau bùng nổ điển hình (vì trên mặt có nhiều thụ cảm
cảm giác), nhất là chạm nhẹ hay các rung động. Chính vì vậy mà trong
cuộc sống hằng ngày, người bệnh bị rất nhiều tác động tạo ra cơn đau:
rửa mặt, đánh răng, cạo râu, nói chuyện, ăn nhai… Người bệnh ngại ăn và
uống vì đau, dẫn đến sụt cân và mất nước. Giữa các cơn đau thường là cảm
giác hoàn toàn bình thường nhưng một số người hơi đau nhẹ do chèn ép
thần kinh.
Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng. Một số các nhà nghiên cứu cho rằng
đau là do sang chấn mãn tính dây 5. Sang chấn có thể là do tai nạn hay
phẫu thuật không khéo làm tổn hại dây thần kinh; hay do các bệnh hệ
thống như Lupus ban đỏ, xơ hóa hệ thống… Bệnh nhiễm trùng có thể gây hội
chứng đau dây 5, chẳng hạn giang mai. Tiểu đường cũng làm tổn thương
các mao động mạch nuôi dưỡng dây 5, làm rối loạn dẫn truyền và chết tế
bào.
Một số nhà bệnh học thì cho rằng có sự thay đổi hóa sinh ở ngay trong
dây thần kinh. Có thể có một mạch máu bất thường, khối u đè lên dây thần
kinh và đây là nguyên nhân gây đau
Các thuốc giảm đau thông thường gần như không có tác dụng với hội chứng dây 5.
Phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng thuốc làm giảm sự dẫn truyền quá
mức của dây này như baclofen (lioresal), carbamazepine (tegretol),
phenytoin (dilantin).
Có thể phong bế dây thần kinh bằng cách tiêm thuốc tê, steroid, tiêm thuốc phá hủy các tế bào thần kinh bị hỏng.
Cách điều trị khác là tiêm thuốc vào
vùng hạch gasser: Dùng kim nhỏ dài chọc vào giữa gò má đi qua lỗ bầu dục
để đến hốc meckle là nơi hạch gasser nằm, tiêm đúng nhánh dây thần kinh
gây hội chứng đau. Trường hợp có động mạch bất thường đè lên dây thần
kinh, làm giảm sức ép lên dây thần kinh thì có thể phẫu thuật.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
Posted in: Sức Khoẻ
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét