SKĐS - Ở giai đoạn sớm của xơ gan, các triệu chứng thường kín đáo. Đôi khi, ở một số người, các biến chứng lại là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Ở giai đoạn sớm của xơ gan, các triệu chứng thường kín đáo. Đôi khi, ở một số người, các biến chứng lại là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Vấn đề quan trọng là phải nhận biết sớm để xử lý kịp thời các biến chứng và tốt nhất là làm sao dự phòng không cho các biến chứng đó xảy ra.Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan như: viêm gan virút B, viêm gan virút C, do rượu và các độc chất… Ở một số quốc gia, tình trạng béo phì đang trở thành một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến xơ gan. Ở nước ta, một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan: viêm gan virút B, viêm gan virút C và do rượu.
Khi chức năng gan bị suy giảm trầm trọng sẽ dẫn đến xơ gan giai đoạn mất bù, lúc đó, các biến chứng sẽ xuất hiện thường xuyên và tỉ lệ tử vong có thể lên đến 85% trong vòng 5 năm nếu không có điều kiện ghép gan hoặc không được điều trị tích cực và đúng cách.
Một số biến chứng thường gặp trong xơ gan
Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản:
Gan xơ làm cho dòng máu đi qua gan bị cản trở, dẫn đến tăng áp lực tại tĩnh mạch cửa cũng như tại các hệ nối cửa-chủ, đặc biệt là làm giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Các tĩnh mạch này khi giãn quá mức sẽ bị vỡ, gây ra ói máu đỏ tươi lượng nhiều và đi cầu phân máu. Nếu không xử trí kịp thời dễ gây tử vong. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay.
Việc điều trị bao gồm: truyền máu, truyền thuốc để giảm áp lực tĩnh mạch cửa như sử dụng somatostatin,octreotide, terlipressin, nội soi dạ dày cấp cứu để thắt hoặc chích xơ các búi giãn tĩnh mạch. Khi tình trạng xuất huyết ổn định, nên tiếp tục dùng thuốc ức chế b không chọn lọc (propranolol) hoặc có thể phối hợp thêm nhóm nitrate đề phòng ngừa chảy máu tái phát.
Phù chân và báng bụng:
Tăng áp lực cửa và giảm đạm máu có thể dẫn đến phù chân và tích tụ dịch ở bụng (báng bụng). Báng bụng mức độ trung bình và nhiều dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng dịch báng, lúc đó, bệnh nhân có thể bị sốt, đau bụng và tiêu phân lỏng. Báng bụng còn là triệu chứng báo hiệu tình trạng suy gan mất bù. Bệnh nhân cần nhập viện, dùng thuốc lợi tiểu và truyền albumin để điều trị.
Hôn mê gan hay bệnh não - gan:
Gan xơ không thể đào thải các chất độc có trong cơ thể. Do đó, trong xơ gan nặng, các độc tố có hại ở ruột - đặc biệt là NH3 (a-mô-ni-ắc) - đi vào máu và tích tụ lại trong não gây ra bệnh não - gan với các triệu chứng rối loạn tri giác từ lẫn lộn tiến đến hôn mê gan và tử vong. Bệnh não - gan có thể khởi phát do một số yếu tố thúc đẩy như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, táo bón, mất nước, lạm dụng thuốc ngủ hay an thần…
Việc điều trị chủ yếu là làm giảm lượng NH3 ứ đọng trong máu bằng cách hạn chế cung cấp chất đạm trong lúc hôn mê, uống thuốc nhuận trường lactulose để ngăn cản việc hấp thu NH3 từ đường tiêu hóa, dùng các thuốc tăng cường giải độc gan để ngăn không cho độc chất ảnh hưởng lên hệ thần kinh.
Xơ gan do các nguyên nhân như viêm gan virút B và C, rượu, bệnh tích tụ sắt trong mô và xơ gan mật nguyên phát rất dễ tiến triển sang ung thư gan. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi tình cờ phát hiện khối u trong gan khi đi khám sức khỏe và làm siêu âm bụng. Ở giai đoạn trễ: khối u quá to gây đau tức vùng dưới sườn phải, sụt cân, suy kiệt hoặc bị xuất huyết trong ổ bụng do khối u bị vỡ. Đối với bệnh nhân xơ gan, việc quan trọng nhất là theo dõi và tầm soát ung thư gan mỗi 3 - 6 tháng bằng cách làm siêu âm bụng và thử máu định lượng AFP để có thể phát hiện sớm ung thư gan.
Tình trạng nhiễm trùng:
Gan tham gia vào các chức năng miễn dịch bảo vệ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh nhân xơ gan rất dễ bị nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng dịch báng, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Tình trạng nhiễm trùng có thể làm cho bệnh gan nặng lên và thúc đẩy các biến chứng khác xuất hiện dồn dập như hôn mê gan, suy thận…
Làm sao để dự phòng các biến chứng của xơ gan?
Các biện pháp dự phòng một số biến chứng thường gặp trong xơ gan, bao gồm:
- Phù và báng bụng: chế độ ăn nhạt kết hợp dùng thuốc lợi tiểu.
- Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: dùng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, thắt các búi giãn tĩnh mạch, hoặc chích xơ, đặt stent cửa - chủ trong gan.
- Tình trạng nhiễm trùng: dùng kháng sinh, tiêm chủng phòng cúm, viêm phổi và viêm gan.
- Ung thư gan: siêu âm bụng và xét nghiệm AFP định kỳ mỗi 3 - 6 tháng.
- Bệnh não - gan: dùng thuốc nhuận trường lactulose để tránh táo bón và làm giảm độc tố NH3 trong máu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét