Ai là người dẫn dắt?
Nhân sự làm tiếp thị trực tuyến xuất phát từ hai nguồn: từ những người chuyên ngành tiếp thị hoặc chuyên ngành công nghệ thông tin. Rào cản về mặt kỹ thuật là thách thức khá lớn với những người làm tiếp thị. Muốn sử dụng tốt các công cụ như SEO, Google AdWords, Google Analytics... phải có trình độ nhất định về công nghệ thì mới dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, “dân marketing” lại vững vàng trong việc tạo lập chiến lược tiếp thị, định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu, mục tiêu xây dựng hình ảnh thương hiệu thế nào, hướng tới khách hàng tiềm năng nào, ở đâu… Ngược lại, “dân IT” dù rất thuần thục trong việc sử dụng những công cụ tiếp thị trực tuyến nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm về tiếp thị.
Theo ông Bùi Trọng Vinh, Giám đốc công ty Giải Pháp Số – một đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến thì ngoài chi phí “dễ chịu”, tiếp thị trực tuyến có lợi điểm là khả năng đo lường được hiệu quả tốt hơn các kênh khác. Ông cho rằng người làm tiếp thị trực tuyến cần phải có một chiến lược rõ ràng ngay từ ban đầu. Dựa trên mục tiêu marketing của chiến dịch để xác định đúng thị trường và đưa ra lựa chọn đúng đắn cho những công cụ tiếp thị trực tuyến nào có khả năng mang lại hiệu quả cao nhất.
Điều quan trọng là phải biết cách đo lường hiệu quả của từng chiến dịch, biết mình sẽ đo lường cái gì, từng công cụ sẽ mang lại hiệu quả ra sao. Để làm được điều này, người làm tiếp thị trực tuyến cần trang bị và cân bằng kiến thức tốt cả về tiếp thị lẫn kỹ thuật.
Quảng cáo hiển thị hay công cụ tìm kiếm?
Tại Việt Nam, các chuyên gia tiếp thị trực tuyến ước tính tỷ lệ sử dụng quảng cáo hiển thị (display ads với banner là công cụ phổ biến nhất) ở Việt Nam lên tới hơn 80% trong tổng ngân sách tiếp thị trực tuyến, còn thông qua công cụ tìm kiếm thì mới chiếm khoảng 15%. Tuy vậy, ở những nước phát triển, theo kết quả nghiên cứu 2011 của IAB (Hiệp hội Quảng cáo tương tác) thì hiện tại, các công cụ tìm kiếm thường chiếm hơn 50% ngân sách tiếp thị trực tuyến.
Ông Hidetake Hanji, Trưởng đại diện CyberAgent Inc. tại Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm về tiếp thị trực tuyến ở thị trường Nhật Bản: Với ngân sách khoảng 10 tỷ USD dùng trong tiếp thị trực tuyến thì khoảng 40% được dành cho “display ad” (quảng cáo hiển thị, ví dụ như banner), khoảng 30% cho công cụ tìm kiếm và khoảng 20% là quảng cáo trên điện thoại di động. Gần đây, xu hướng sử dụng tiếp thị trực tuyến trên điện thoại thông minh cũng đang thịnh hành ở Nhật Bản.
Tự làm hay thuê ngoài?
Một số chương trình đào tạo về tiếp thị trực tuyến hướng mạnh đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì ngân sách khiêm tốn. Tuy nhiên, việc nhiều nhân sự đi học tiếp thị trực tuyến không đồng nghĩa với việc tự làm sẽ mang lại kết quả cao nhất. Việc học này giúp họ có hiểu bíêt nhất định về những điểm mạnh, điểm yếu của công cụ này, phương pháp thực hiện cơ bản, cách chọn lựa đơn vị cung cấp dịch vụ như thế nào cho hợp lý...
Trên thực tế, việc chọn đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện các chiến lược marketing không đơn giản nếu người chọn - doanh nghiệp không có hiểu biết và kinh nghiệm về nó.
Chẳng hạn, các đơn vị cung cấp dịch vụ thường tuyên bố “Cái gì tôi cũng làm được”, mặc dù trên thực tế họ thường chỉ mạnh một công cụ nhất định như SEO, Google Adwords, social media (Facebook, forum seeding), hoặc quảng cáo banner...
Ngoài ra có nhiều đơn vị sử dụng các “chiêu trò” không lành mạnh ảnh hưởng đến cả thị trường. Một diễn giả đã nêu lên trong hội thảo câu chuyện vì sao Google không cho sử dụng các coupon giảm giá cho Google Adwords ở Việt Nam nữa. Đó là do các đơn vị dịch vụ đã tung tiền mua lại các coupon này (từ các cá nhân) và dùng nó trong các chiến dịch của mình cho khách hàng với các mức phí “rẻ bèo”.
Chiêu cạnh tranh bằng cách “phá giá” khá phổ biến trong giới làm Google Adwords khiến nhiều đơn vị chuyên nghiệp phải kêu trời. Khách hàng có xu hướng chỉ chọn các đơn vị dịch vụ đưa ra mức phí rẻ nhất. Trong khi đó, các đơn vị này không hề quan tâm đến việc tư vấn marketing, chẳng hạn như tư vấn sử dụng từ khoá - keyword nào là có hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Đức Ninh , Trưởng nhóm quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm tại công ty Giải Pháp Số kể, một khách hàng đã quay lại công ty ôngsau khi thất vọng với một agency khác – nơi đưa ra mức giá rẻ hơn với chất lượng thấp hơn hẳn. Ông cho rằng việc “bán đắt mà chất lượng” là một chiến lược đáng để theo đuổi lâu dài, và nó làm cho thị trường ngày càng phát triển lành mạnh hơn. Ngược lại, việc phá giá thị trường sẽ làm khách hàng mất niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ và thị trường sẽ thu hẹp lại.
Từ quan điểm của nhà đào tạo về tiếp thị trực tuyến, ông Bùi Trọng Vinh , Giám đốc Giải Pháp Số cho rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ lớn phải là người dẫn dắt thị trường cạnh tranh lành mạnh và dài hạn. Họ nên tư vấn và thực hịên cho khách hàng những giải pháp tiếp thị trực tuyến hiệu quả để thuyết phục khách hàng tìm đến mình ngày càng nhiều hơn, giúp cho “miếng bánh thị trường nở ra”. Theo ông, các đơn vị đào tạo cũng có thể là “chiếc cầu nối” hiệu quả giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét