(ĐCSVN) - Bước
vào thời kỳ dân số "vàng" với 70% dân số nằm trong độ tuổi lao động,
Việt Nam có một nguồn lực rất tốt để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu
không tận dụng và cải thiện chất lượng của lực lượng lao động này, Việt
Nam sẽ bỏ qua cơ hội vàng để phát triển đất nước.
Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" vào khoảng năm 2040
Tại
Hội nghị “Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam” do
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA)
tại Việt Nam vừa tổ chức mới đây, ông Athur Erken - Trưởng Đại diện
UNFPA tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, số liệu từ các cuộc điều
tra về dân số cho thấy, mức sinh đã giảm một cách vững chắc và đã xuống
dưới mức sinh thay thế vào năm 2006. Đây là một thành tựu tuyệt vời của
Chương trình Quốc gia về DS-KHHGĐ trong những thập kỷ vừa qua. Hiện nay,
Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng.
Đây là cơ hội cho Việt Nam đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc đầu
tư phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho quá trình phát triển bền vững
của đất nước.
|
Nếu biết tận dụng thời cơ "dân số vàng", Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (Ảnh minh họa:LT)
|
Theo
dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số Việt Nam đến năm
2040 sẽ đạt khoảng 104 triệu người. Đây cũng là thời điểm Việt Nam kết
thúc thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” và dân số bắt đầu già hóa nhanh. Chính
vì vậy, Việt Nam phải nắm bắt lấy cơ hội xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho
thời kỳ chuyển đổi dân số.
Hiện
nay, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” (số người trong
độ tuổi lao động cao gấp đôi số người phụ thuộc). Số liệu năm 2012 cho
thấy, số người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm tới 68,9%,
trong khi số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7% dân số. Các chuyên gia cho
rằng, thời kỳ cơ cấu dân số “vàng" chỉ xảy ra duy nhất một lần trong
lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia.
Tuy
nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” ở
Việt Nam sẽ không kéo dài và quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh
chóng từ năm 2040 trở đi. Để có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ thời
kỳ cơ cấu dân số “vàng” thì theo các chuyên gia, Việt Nam phải đảm bảo
tạo ra được cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ. Bên cạnh đó, dân
số trong độ tuổi lao động phải được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến
thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông
Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Chỉ còn hơn
20 năm nữa là thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" tại Việt Nam sẽ kết
thúc. Vì vậy, Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư vào thế hệ trẻ ngay từ
bây giờ. Lực lượng dân số trẻ phải được chăm sóc về sức khỏe và được đào
tạo kỹ năng tốt để có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã
hội khi bước vào thời kỳ già hóa dân số đang đến gần.
Cùng
quan điểm này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và Phát
triển thuộc Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, cơ cấu dân số Việt Nam
đang thay đổi “dữ dội”. Nếu như năm 1979, tỷ lệ người trong độ tuổi lao
động của Việt Nam (từ 15-64 tuổi) chiếm 52,8% thì đến năm 2012, con số
này đã lên tới 68,9%. Tuy nhiên, số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009
cho thấy, chỉ có 14% lao động Việt Nam được đào tạo, có bằng từ sơ cấp
trở lên. Như vậy, 86% dân số Việt Nam chưa được đào tạo. Điều này đồng
nghĩa với việc lao động giản đơn của nước ta là chính và chất lượng đào
tạo chưa cao. Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo cũng mất cân đối nghiêm trọng.
Ví dụ, trong mấy năm gần đây, sinh viên thi vào các khối ngành tài
chính, ngân hàng rất nhiều, trong khi lao động có tay nghề kỹ thuật cao
lại quá ít... "Nếu chúng ta không thay đổi trong việc đào tạo lao động
thì sẽ “tạo” một nguồn lao động lớn có chất lượng không cao, không thể
cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới", GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định.
Theo
GS.TS Nguyễn Đình Cử, lao động đông và tăng nhanh cũng tạo ra thách
thức về việc làm và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho hàng chục
triệu lao động, đặc biệt là khi tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn
kỹ thuật (bằng sơ cấp trở lên) hiện còn rất thấp và mất cân đối. Câu hỏi
đặt ra là: Nhiều người trong độ tuổi lao động nhưng có bao nhiêu người
có khả năng làm việc? Nhiều người có khả năng làm việc nhưng bao nhiêu
người có việc làm? Nhiều người có việc làm nhưng bao nhiêu người làm
việc có năng suất cao?
Do đó, để tận dụng và phát huy thời kỳ
dân số "vàng", Việt Nam cần tăng cường các chính sách để nhiều người
trong độ tuổi lao động có việc làm, đồng thời nâng cao trình độ tay nghề
của người lao động.
Coi trọng việc lồng ghép biến dân số vào phát triển
Hơn
30 năm qua, ở Việt Nam, quy mô dân số đã tăng gần gấp đôi (từ 53 triệu
dân năm 1979 lên 91 triệu năm 2014). Đó là số trẻ em giảm đi gần 1/2, số
người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng nhanh… Những biến
đổi đó cần có những giải pháp nhanh chóng và các biến dân số phải được
lồng ghép một cách tích cực vào sự phát triển.
Theo
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Việt Nam đã xác định "phát triển bền vững" là mục
tiêu chiến lược của quốc gia. Điều này có nghĩa là yếu tố dân số cần
phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển bền vững,
vì dân số vừa là động lực tạo ra phát triển, vừa là đối tượng thụ hưởng
sự phát triển để kiến tạo xã hội phát triển ở trình độ cao hơn. Do vậy,
chuyển đổi trọng tâm của chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình
sang dân số và phát triển là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Vụ
trưởng Vụ Các vấn đề xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Văn
Dũng cũng cho rằng: Dân số chính là mẫu số của tất cả các bài toán về
kinh tế - xã hội của đất nước. Mối quan hệ giữa dân số và y tế cũng đang
có những thách thức như: Quá tải bệnh viện, chưa có hệ thống lão khoa
để thích ứng với già hóa dân số. Về mối quan hệ giữa dân số với lao động
việc làm còn những bất cập: Dư thừa lao động, lao động thiếu kỹ năng,
sức bền, xuất khẩu lao động giản đơn… Cần
tăng cường cơ sở pháp lý và tính pháp quy về phạm vi, quy trình lồng
ghép dân số trong hệ thống các ngành, lĩnh vực và các cấp; đồng thời,
nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc
lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp. Bên cạnh đó,
thông tin dân số cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp như: Nhu cầu
khách hàng, thị trường, nguồn nhân lực.
Ông Arthur Erken - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, những người làm chính sách cần hiểu rõ mối tương quan giữa dân số và phát triển. Điều này rất quan trọng./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét