Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014
Châu Á của người Trung Quốc?
22:00
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Minxin Pei | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Phân biệt sáo ngữ ngoại giao với chính sách chính thức chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là với Trung Quốc, nơi mà hành động của chính phủ thường chẳng ăn nhập gì với những tuyên bố của họ. Bởi thế cần phải đặt câu hỏi, liệu khẩu hiệu mới nhất mà các quan chức Trung Quốc đưa ra — “Châu Á của người châu Á” — chỉ đơn thuần là luận điệu mang tính chủ nghĩa dân tộc để đối nội, hay đó là dấu hiệu của một sự thay đổi chính sách thực sự.
Khái niệm “châu Á của người châu Á” được đề cập chính thức trong bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á hồi tháng 5. Trong một tuyên bố thận trọng, Tập Cận Bình đặt ra tầm nhìn của Trung Quốc cho một trật tự an ninh khu vực mới — một trật tự an ninh khu vực, như khẩu hiệu đã gợi ý, do chính châu Á đảm trách.
Theo Tập Cận Bình, ở mức độ cơ bản, “người châu Á sẽ tự mình điều hành công việc của châu Á, giải quyết những vấn đề ở châu Á, và duy trì an ninh châu Á.” Rất may là, như ông tuyên bố, họ có “năng lực và trí tuệ” để xây dựng hòa bình và an ninh khu vực thông qua hợp tác.
Dĩ nhiên, tầm nhìn này đòi hỏi cấu trúc an ninh châu Á phải cải tổ mạnh mẽ, kéo theo vai trò của Hoa Kỳ sẽ suy yếu đáng kể. Quả thực, Tập Cận Bình đã ngầm chỉ trích cấu trúc an ninh do Mỹ chi phối hiện nay ở châu Á là sa lầy trong Chiến tranh Lạnh, và “liên minh quân sự nhắm vào bên thứ ba” đặc trưng là “không có lợi cho việc duy trì an ninh chung.” Từ sau bài phát biểu của Tập Cận Bình, các quan chức cấp thấp và giới truyền thông Trung Quốc cũng liên tục nhắc lại những lời tương tự.
Thoạt nhìn, tầm nhìn này có vẻ hoàn toàn hợp lý; xét cho cùng, nước nào cũng muốn tự mình điều hành công việc trong nước và khu vực mà không có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Nhưng tuyên bố của Tập Cận Bình đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong lập trường từ lâu của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Kể từ khi hai nước xích lại gần nhau cách đây bốn thập kỷ, Trung Quốc vẫn cố tình duy trì một sự nhập nhằng về vai trò đảm bảo an ninh châu Á của Hoa Kỳ. Những nhà lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc thừa biết sự hiện diện của Mỹ giúp kiềm chế Liên Xô (và sau này là Nga), ngăn chặn Nhật Bản tái vũ trang, giữ các tuyến đường biển luôn mở. Họ cũng công nhận rằng họ chưa đủ sức mạnh để thách thức trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu, hay đưa ra một trật tự an ninh khả thi để thay thế.
Điều này có thể đang thay đổi. Dẫu một số nhà phân tích vẫn tin khẩu hiệu “châu Á của người châu Á” của Tập Cận Bình chỉ là một nỗ lực nhằm củng cố sự ủng hộ của dân chúng dành cho mình, một số khác nhiều không kém lại cho rằng nó thể hiện một sự thay đổi chính sách thực sự. Dù cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ nhưng cũng không nên coi nhẹ điều đó.
Những bằng chứng thuyết phục nhất chứng tỏ Tập Cận Bình đã sẵn sàng thách thức trật tự hiện có nằm trong lĩnh vực kinh tế. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc đã thành lập các tổ chức phát triển mới mà nó sẽ chuyển hàng chục tỉ đô la vào đó, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa mới — rõ ràng là thách thức đối với những tổ chức đa phương hiện có do phương Tây chi phối.
Tuy nhiên, trong mặt trận an ninh, Trung Quốc ít có tiến triển hơn nhiều trong việc biến tầm nhìn “châu Á của người châu Á” thành hiện thực. Chắc chắn Trung Quốc đã đạt được một số tiềm lực quân sự nhằm ngăn Mỹ can thiệp vào eo biển Đài Loan hay biển Đông, Trung Quốc cũng đã cải thiện quan hệ hợp tác an ninh với Nga và Trung Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nhưng những tiến bộ khiêm tốn như vậy chẳng thấm gì so với những thất bại an ninh mà Trung Quốc phải chịu do chính sách cứng rắn của nó trong các tranh chấp khu vực.
Thật vậy, sau nhiều tháng với những động thái quân sự ngày càng mạnh mẽ — đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc đơn phương xác lập vùng nhận dạng phòng không trên một vùng biển rộng lớn của biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng lãnh thổ đang tranh chấp, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xuống thấp tới mức chưa từng có. Các nước Đông Nam Á có liên quan cũng khẩn khoản kêu gọi Mỹ ở lại khu vực để đối trọng với Trung Quốc.
Có thể đằng sau phép ẩn dụ “châu Á của người châu Á” là niềm tin của Trung Quốc rằng Mỹ, chứ không phải những hành động của chính Trung Quốc, mới là nguyên nhân khiến các nước láng giềng phản kháng. Một số nhà chiến lược của Trung Quốc tin rằng Mỹ đang lợi dụng một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam, và Philippines như những con tốt để kiềm chế Trung Quốc. Nếu quan điểm này chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận chính sách nội bộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Tập Cận Bình, có thể đi đến kết luận định mệnh rằng xét cho cùng, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á trực tiếp đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc và phải được loại bỏ.
Đó sẽ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, dựa trên việc hiểu nhầm cơ bản các động lực an ninh châu Á. Đa số các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí cả Triều Tiên, đều lo sợ một thế lực bá quyền Trung Quốc tự tung tự tác, và đó chính xác là những gì họ phải đối mặt nếu sự hiện diện của Mỹ ở châu Á bị loại bỏ. “Châu Á của người châu Á” sẽ là “châu Á của người Trung Quốc.”
Thật khó mà tưởng tượng rằng các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc, vốn nổi tiếng là khôn ngoan và thực dụng, lại theo đuổi một chiến lược không chỉ khó có thể giành được sự ủng hộ từ các nước láng giềng châu Á mà còn chắc chắn sẽ châm ngòi xung đột với Mỹ. Bởi thế, rất có thể — và hi vọng — “châu Á của người châu Á” sẽ tiếp tục chỉ là một khẩu hiệu suông. Trên thực tế, gần đây Tập Cận Bình đã hạ giọng khi mô tả những mục tiêu của Trung Quốc, mới đây đã nói với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng, “Chúng ta nên tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, thể hiện hình ảnh một Trung Quốc tốt đẹp, và truyền tải tốt hơn thông điệp của Trung Quốc tới thế giới.”
Ngay cả khi chỉ là sáo ngữ, “châu Á của người châu Á” cũng có vấn đề bởi những lí do lịch sử. Trong những năm 1930, giới quân phiệt Nhật Bản đã dùng “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á” làm vỏ bọc cho những tham vọng và các cuộc xâm lược thực dân của họ. Khẩu hiệu đó đã bị nhạo báng ở mọi nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc, bởi sự phi lý của nó.
Điều này có thể giúp giải thích cho sự chào đón lạnh nhạt mà khái niệm “châu Á của người châu Á” nhận được trong thời gian qua. Điều thông minh nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể làm là từ bỏ nó, một lần và mãi mãi.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân ) là giáo sư về quản trị chính quyền tại Đại học Clare McKenna, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại German Marshall Fund of the United States.
Một bản của bản dịch đã được đăng lần đầu tại blog của dịch giả.
Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
0 nhận xét:
Đăng nhận xét