Giao tiếp, ứng xử là quá trình trao đổi thông tin cho nhau. Giao tiếp ứng xử diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của chúng ta, giúp ta hiểu được nhau để có những hành động, phản ứng phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh và tình huống. Trong cuộc sống, giao tiếp để được lòng nhau là việc không phải dễ dàng. Còn trong kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, công việc này trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Nó đòi hỏi một quá trình trau dồi kiến thức cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm cuộc sống. Thế nhưng không phải ai cũng có thể có được phong cách giao tiếp văn minh lịch sự, đạt hiệu quả như mong muốn. Người xưa có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Câu nói này không những đúng trong thực tiễn đời sống mà đúng luôn cả trong giao tiếp kinh doanh. Cùng một lời nói nhưng với phong cách, thái độ, âm vực khác nhau cũng có thể dẫn đến những cách suy nghĩ khác nhau của cùng một người nghe.
Văn hoá giao tiếp không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ trong hành động, cử chỉ, và phong cách ăn mặc... mà nó còn thể hiện ở sự cảm nhận của con người. Một biểu hiện bằng ánh mắt, bằng nụ cười thân thiện hoặc thái độ luôn tôn trọng, luôn lắng nghe sẽ làm cho đối tượng mà mình giao dịch cảm thấy thoải mái và hài lòng. Khi khách hàng hài lòng là chúng ta đã bước đầu thành công trong giao tiếp.
Ngày nay, cùng với xu thế phát triển của xã hội và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh sẽ không thể tránh khỏi và vô cùng khốc liệt. Trong bối cảnh đó, văn hoá giao tiếp trong kinh doanh được nói đến như một tiêu chí vô cùng quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Việc luôn tăng cường đổi mới hoạt động kinh doanh, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ thì văn hoá giao tiếp ứng xử trong kinh doanh như là một tài sản vô hình, một tài sản mang tính đặc trưng, có bản sắc riêng của từng doanh nghiệp.
Để khách hàng luôn có ấn tượng sâu sắc gắn bó với Ngân hàng lâu dài thì mỗi nhân viên ngân hàng cần phải xác định được vị trí của mình, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để có một phong cách ứng xử tốt, đạt hiệu quả nhất mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Chúng ta phải biết thể hiện từ cách ăn mặc, cách đi đứng, cách ngồi làm việc, cách nói... Điều quan trọng là phải biết lắng nghe khách hàng của mình nói gì, yêu cầu gì để kịp thời đáp ứng tâm tư nguyện vọng của họ và luôn tỉnh táo, chọn lọc thông tin, phản hồi thông tin một cách thận trọng và chính xác, thoả mãn được khách hàng, đó là nghệ thuật dẫn đến thành công.
Bước vào ngân hàng với đội ngũ nhân viên ăn mặc lịch sự, người ta sẽ có cái nhìn ấn tượng đầu tiên tốt đẹp đối với ngân hàng. Có thể sau đó là một cử chỉ nhỏ, một nụ cười thân thiện khi gặp mặt, một cái bắt tay đầy thiện chí. Khách hàng sẽ cảm thấy lạc lõng khi bước vào ngân hàng mà không gặp những cử chỉ thân thiện như thế. Phải tạo cho họ suy nghĩ rằng mình với Ngân hàng như là bạn, tạo cho họ sự thoải mái nhất khi bước chân vào Ngân hàng.
Chúng ta phải quan niệm rằng Ngân hàng là người cần đến khách hàng, chính khách hàng là những người nuôi sống Ngân hàng. Nhân viên Ngân hàng phải biết được các quan hệ đối tác, thuận lợi, khó khăn của từng ngành, từng nghề để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng, khéo léo sử dụng kĩ năng giao tiếp để thu hút khách hàng.
Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014
Phong cách ứng xử trong kinh doanh
18:30
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 nhận xét:
Đăng nhận xét