Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014
Quan hệ biện chứng giữa văn minh và văn hóa trong thời kỳ hội nhập
19:13
Hoàng Phong Nhã
No comments
(ĐHVH) - Văn minh vàvăn hoá là hai khái niệm thuộc phạm trùxã hội, nói lên mặt thành tựu trong quá trình phát minh và sáng tạocủa loài người. Chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau theo từng bước thăng trầm của lịch sử nhân loại. Hai
khái niệm này, thực chất là có sự khác biệt về mặt nội dung lẫn hình
thức biểu thị. Song, trong thực tế chúng vẫn được dùng lẫn lộn ngay
trong các nhà khoa học. Có lúc, họ coi hai lĩnh vực này là một và cho rằng, vănhóa là cái có trước còn văn minh là cái có sau, là trình độ cao và là sự tiến hóa của vănhoá. Đôi khi, người ta lại chỉ dùng một cụm từ duy nhất để diễn đạt về chúng, như “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” (Trung Quốc) hay “văn hoá vật chất và văn hóa tinh thần”
(Việt Nam và các nước khác), mà không có sự phân biệt rõ ràng về hai
lĩnh vực này, do đó, đã tạo nên sự bất đồng trong khoa học và dẫn đến sự
tranh cãi gay gắt ngay trong giới học thuật phương Tây cũng như phương
Đông. Mặc dù,về phương diện “ngôn ngữ học” thì văn hoá ( Culture ) và văn minh (Civilization ) không phải là những từ đồng nghĩa, mà là các thuật ngữ riêng biệtmang ý nghĩa khác nhau. Điều đó, dễ dẫn đến sự nhầmlẫn trong nhận thức cũng như trong thực tiễnkhi muốn tìm hiểu vàgiải thích về sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng xã hội trước đây, cũng như trong thờikỳ toàn cầu hoávà hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Khái niệm văn hoá
được sử dụng rất phổ biến nhưng để hiểu được đầy đủ về nó thì lại rất
khó khăn, là do có nhiều cách tiếp cận khoa học để định nghĩa về khái
niệm này. Từ văn hoá theo thuật ngữ khoa học được bắt nguồn từ châu Âu là chữculture của Pháp, culture của Anhvà kultur của Đức. Chúng có nguồn gốc từ chữ Latin“cultus” với nghĩa gốc là “trồng trọt”, được dùng theo hai nghĩa cultus agri là “trồng trọt ngoài đồng” và cultus animi là“ trồng trọt tinh thần” tương ứng với "quá trình giáodục”, bồi dưỡng tâm hồn con người. Như vậy, xét theo nghĩa gốc, văn hóa gắn liền với giáo dục, với quá trình hình thành nhân cách của con người.
Văn hoá là một khái niệm mới do người Nhật dịch từ chữ "culture" của phương Tây và được sử dụng tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, từ văn hoá được các nhà nho Duy Tân du nhập vào từ đầu thế kỷ này, cách hiểu khái niệm văn hoákhông những là đã theo cách hiểu của phương Tây
mà cũng từng bước thay đổi tương ứng với sự phát triển của nền khoa học
châu Âu hiện đại. Tuy nhiên, trước đó hàng chục thế kỷ cũng đã có một
quan niệm mang yếu tố truyền thống tương đồng với cái ngày nay phương Tây gọi là "văn hoá”.
Trong cách hiểu truyền thống, thường thấy có những quan hệ thật khăng khít giữa những từ ngày nay gọi là văn minh, văn hoá hay văn vật, văn hiến với những nghĩa khác nhau. Tất cả đều có nguồn gốc từ chữ “văn”. Dưới đây, từng bước chúng tôi sẽ phân tích để tìm hiểu về các khái niệm này.
Chữ “văn” trong ngôn ngữ Hán cổ là “hình dáng, vẽ đẹp” do đường nét và màu sắc tạo ra, từ đó nó có nghĩa là hình thức tốt đẹp, là cái được biểu hiện ra bên ngoài. Ví dụ như: mặt trời, mặt trăng, sao trời, sấm, chớp, mây, mưa, giông, bão,.... là văn của trời; hình dáng, màu sắc,móng vuốt, vằn vện, sừng, lông, cánh,…là văn của muông thú. Còn các thứ như:điển chương, phong tục, tập quán, nếp sống, lối sống, lễ nghi tôn giáo, phương thức giao tiếp, ứng xử, văn học nghệ thuật v.v…là văn của người. Đó là những cái được biểu hiện ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Như vậy,“ văn” là cái biểu hiện ra bên ngoài thuộc về hình thức, đối lập với nội dung ở bên trong, đó là "thực", là "chất ". Hai mặt này, đều có trong mọi sự vật hiện tượng của đời sống. Khổng Tử nói: "Chất mà vượt quá hơn văn thì biến thành thô kệch, văn mà vượt quá hơn chất thì trở nên loè loẹt. Văn và chất hài hoà với nhau mới là quân tử ".
Văn là hình thức bên ngoài, không phải là cái thô sơ tự nhiên bên
trong, nên có thể sửa đổi, trao dồi, khiến cho cái thô sơ tự nhiên trở
thành văn vẻ, đó là tác dụng của “sự giáo hoá”.
Trong Kinh Dịch, lời soán ở quẻ Bí viết: "Bí hanh, nhu lai nhi văn chương, cố hanh, phân cương thượng
nhi văn nhu; cố tiểu lợi hữu du vãng, thiên văn dã. Văn minh dỉ chỉ,
nhân văn dã. Quan hồ thiên văn, dĩ sát thời biến, quan hồ nhân văn, dĩ
hoá thành thiên hạ ". ( 1 )
Văn, theo cách hiểu ở trên đây là:“Cái
đẹp của cương và nhu giao nhau đó là văn của trời. Có văn sáng suốt,
biết dừng lại không thái quá đó là văn của người. Xem xét văn tự nhiên
của trời để hiểu được sự biến đổi của thời tiết. Xem xét văn của người
để có thể giáo hoá khiến cho thiên hạ tốt đẹp”( văn trị giáo hóa )
Tóm
lại, văn là cái ở bên ngoài, không phải là cái tự nhiên bên trong, nên
có thể sửa đổi khiến cho cái thô ráp cũng trở nên tốt đẹp (giáo hóa).
Đồng thời, qua lăng kính của Dịch học thì văn hóa cũng được hiểu theo nghĩa “văn trị giáo hóa”. Như vậy, nếu hiểu văn hoá theo nghĩa “giáo dục” là có sự tương đồng với khái niệm vănhoádịch từ chữ "culture" với ý nghĩa: "trình
độ phát triển, lịch sử của xã hội và con người biểu hiện trong các kiểu
và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như
trong các giá trị vật chất và tinh thần, của những xã hội, dân tộc, bộ
tộc cụ thể. Theo nghĩa hẹp“ văn hoá” chỉ liên quan tới “ đời sống tinh
thần” của con người" (Bách khoa toàn thư Liên Xô. Mục Kul'tura ) (2, tr 9)
Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, thì văn hoá với nghĩa rộng nhất (quan điểm Triết học) bao gồm toàn bộ “ văn hoá vật chất” và “văn hoá tinh thần” do con người làm ra. Chúng luôn đối lập và có mối quan hệ biện chứng với nhau trong mọi biểu hiện của đời sống xã hội. Như vậy, văn hóa là những thành quả tốt đẹp đạt được trong quá trình lao động và sáng tạo của con người, trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Nhận định này, cũng phù hợp với quan điểm của Karl Marx, khi ông đưa ra một định nghĩa về con người như sau: “Con nguời là một động vật cấp cao có tư duy và làm ra công cụ lao động” (công cụ sản xuất vật chất) Và, một quan điểm khác cúa học thuyết Marx về con người là: “Con người sở dĩ trở thành người là nhờ có lao động và làm ra ngôn ngữ” (công cụ sản xuất tinh thần). Lao động và ngôn ngữ, đó chính là “ nguồn gốc xã hội” quyết định sự hình thành và phát triển của ý thức và sự sáng tạo của con người. Theo quan điểm Mác xít thì “ngôn ngữ là ý thức của hiện thực ” ( Marx ).
Như vậy, ngôn ngữ(công cụ của tư duy) được cấu thành thông qua lao động (công cụ lao động). Và, Engels cũng đã khẳng định rằng: “Trước hết là nhờ lao động, rồi sau lao động và đồng thời với nó là ngôn ngữ, đấy là hai kích thích chủ yếu, do đó mà bộ ócvượn biến thành óc người”( 3 ) Đó là quan hệ biện chứng giữa lao động và ngôn ngữ.
Theo nhận định cùa Engels, bộ não phát triển trước hết nhờ lao động và “sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ”. Cho nên, qua cách nhấn mạnh của Engels thì ngôn ngữ không chỉ là tiền đề tạo ra đối tượng văn hoá sau này, mà hơn thế, trước hết nó là tiền đề tạo ra con người. Và, đến lượt mình con người đã hình thành cho mình đối tượng là văn hoá . Nhờ có loại hình “ngôn ngữ - ký hiệu” nguyên thủymà tư duy con người ngày càng phát triển cao hơn, để từ đó, con người sáng tạo ra nhiều loại hình “ ngôn ngữ - văn hoá” khác nhau như: hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, múa, văn chương, rối, xiếc, sân khấu, điện ảnh, lễ hội. v.v…Chúng không chỉ biểu hiệntrong các lĩnh vực tôn giáo, nghệ thuật mà còn cả trong nếp sống, lối sốngxã hội. Đó là quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và văn hoá.
Từ định nghĩa về con người, cùng những nhận định về thành quảlao động và sáng tạo của con người trong lịch sử ( Marx vàEngels.). Chúng tôi có thể đưa ra một định nghĩa chung nhất về con người như sau:
Con
người là một động vật cấp cao có “trí khôn” và làm ra hai loại công cụ
sản xuất. Đó là “công cụ sản xuất vật chất” và “công cụ sản xuất tinh
thần” nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của chính mình
và đồng loại trong suốt chiểu dài lịch sử nhân loại.( N.V.H )
Với định nghĩa được xây dựng mang tính chất “thao tác” trên đây, có thể hiểu văn hóa(theo Triết học) là tất cả mọi thứ do con người sáng tạora nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của họ.Vì thế, những gì con người sáng tạọ ra bằng công cụ sản xuất vật chất (công nghệ - máy móc) thì thuộc về “văn hoá vật chất”, còn lại những gì con người sáng tạo ra bằng công cụ sản xuất tinh thần (ngôn ngữ - ký hiệu) thì thuộc về “văn hoá tinh thần”. Qua nhậnđịnh này, chúng tôi có thể đưa ra đượckhung phân loại của hai khái niệm văn minh và văn hóa dưới đây.
Theo quan điểm của Xã hội học văn hoá thì “văn hoá vật chất” chínhlà “văn hóa kỹ thuật” (Technical Culture) bao gồm các hệ thống lý thuyết về “khoa học - kỹ thuật” cơ bản, đó là các nguyên lý khoa học, là những thực nghiệm khoa học của loài người trên bước đường khám phá và chinh phục – tự nhiên. Chúng làm nền tảng cho việc phát minh và sáng chế ra các “công nghệ - máy móc” (công cụ sản xuất vật chất). Từ đó, trải qua các phương thức sản xuất khác nhau trong lịch sử, con người đã sản xuất ra các sản phẩm vật chất mang tính thực dụng (pragmatisme)nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất của con người, như: điện, đường, trường, trạm, nhà cửa, quần áo, giày dép, ti vi, phân đạm, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, vòng tránh thai, bao “cao su”. v.v… kể cả các loại công cụ lao động như: máy cày, máy bừa, máy gặt, máy ủi. v.v… và các loạivũ khí chiến tranh như: bom, mìn, súng, đạn, chất độc hóa học, vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử. v.v.. Chúng bao gồm tất cả các đồ dùng sinh hoạt và chiến đấu giúp cho con người tồn tại và lưu truyền huyết thống. Văn hóa vật chất còn bao gồm những “kỹ thuật sinh sống” (biện pháp sinh hoạt và kiếm sống) và trình độ“tổ chức xã hội” (xây dựng thiết chế xã hội hiện đại) giúp cho đời sống xã hội luônphát triển bền vững. Mặt biểu hiện này được gọi là Văn minh (Civilization ).
Nói tóm lại, Văn minh được hình thành trên mối quan hệ giữa con người vớithế giới tự nhiên (tư liệu sản xuất) dựa trên cơ sở phát triển của một “lực lượng sản xuất”
(Con người - Công cụ sản xuất vật chất - Tự nhiên ) nhất định. Đó là
trình độ của con người trong việc nhận thức và khám phá ra các “quy luật của tự nhiên” để có thể phát minh và sáng chế ra các “công cụ sản xuất vật chất” (công nghệ - máy móc) nhằm chiếm lĩnh và cải tạo tự nhiên giúp con người thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất. Đồng thời hình thành nên một xã hội công dân với toàn bộ “thiết chế”xã hội hiện đại, để có thể bảo đảm được quyền sống cúa mọi người trong toàn xã hội (N.V.H)
Theo “Từ điển bách khoa Văn hóa học” do GS. A. A. Radugin chủ biên, văn minh được hiểu như sau: “Hệ
thống những phương tiện do con người tạo nên nhằm đảm bảo tính tự chủ
thực tiễn và tính chủ động thực tế trong việc tạo đầy đủ tiện nghi cho
cuộc sống. Văn minh có hai mặt: khoa
học - kỹ thuật và xã hội - pháp chế. Tiêu chí phát triển của văn minh
là trình độ chế ngự của con người đối với các sức mạnh thiên nhiên và sự
phát triển lĩnh vực xã hội - pháp chế ( kể cả nhà nước pháp quyền), bảo
đảm việc thực hiện quyền sống và tự do của con người”. ( 4, tr.613 )
Vì thế, không nên cho rằng, thời cổ xưa loài người chưa có nền văn minh, điều đó là không thuyết phục. Bởi vì, văn minh chính là trình độ chế ngự tự nhiên cùng vớitrình độ tổ chức xã hội của con người.
Mà các trình độ nói trên thì thời kỳ nào cũng có, chỉ có sự khác biệt
về cấp độ cao hay thấp trong từng thời kỳ và ở các vùng văn hóa khác
nhau. Do vậy, mới có nền văn minh Ai Cập cổ đại, nền văn minh Maya cổ đại, nền văn minh Hy - La cổ đại, nền văn minh Ấn Độ cổ đại, nền văn minhTrung Hoa cổ đạiv.v…hoặc nền văn minh Đông Sơn, nền văn minh Hòa Bình, nền văn minh Sa Huỳnh , nền văn minh Óc Eo. v.v, chúng đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm lịch sử. Có thể khẳng định rằng, có nhiều nền văn minh khác nhau đã xuất hiện từ thuở bình minh hình thành nhân loại cho đến nay như: nền văn minh nông nghiệp, nền văn minh kim khí, nền văn minh công nghiệp, nền văn minh tin học. v.v..Đặc biệt, là sự ra đời của nền văn minh nông nghiệp đã có từ thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ - cực thịnh cách đây từ 8000 - 2000 năm trước CN (thời kỳ đồ đámới) thuộc thời đại công xã nguyên thuỷ (trước khi hình thành nhà nước). Văn minh luôn “biến động" trong đời sống xã hội, vì các thành tựu của khoa học - kỹ thuật
luôn có sự phát triển, và được truyền bá, thâm nhập, phổ biến từ cộng
đồng này sang cộng đồng khác, tất yếu, nó sẽ trở thành gia tài chung của
toàn nhân loại. (N.V.H)
Bằng những phân tích khoa học trên đây, chúng tôi có thể nêu lên định nghĩa Văn minh qua góc nhìn củaXã hội học Văn hoá và Văn hóa học như sau:
Văn minh là toàn bộ những phát
minh của con người dựa trên quá trình tìm tòi và khám phá ra các “quy
luật của tự nhiên”, để hình thành nên những hệ thống lý thuyết “khoa học - kỹ thuật” cơ bản. Từ
đó sáng chế ra các “công nghệ - máy móc” ( công cụ sản xuất vật chất)
và những“sản phẩm vật chất” (đồ dùng sinh hoạt) mang tính thực dụng (
pragmatísme) nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Văn minh còn
bao gồm toàn bộ “ kỹ thuật sinh sống” và “tổ chức xã hội” nhằm thiết lập
nên những “thiết chế” xã hội
mang tính hiện đại, giúp cho con người thực hiện được quyền sống, quyền
tự do và quyền dân chủ của mỗi cá nhân và cả cộng đồng - xã hội. (N.V.H)
Khi hiểu văn hoá theo nghĩa hẹp (theo Xã hội học văn hoá) thì “văn hoá tinh thần” (Spiritual Culture) bao gồm toàn bộ các hệ thống “chuẩn mực - giá trị” xã hội, đó là các tư tưởng truyền thống,là những kinh nghiệm “tinh thần” của nhân loại. Chúng làm nền cho việc sáng chế ra các loại hình “ngôn ngữ - ký hiệu” (công cụ sản xuất tinh thần). Từ đó, từng bước theo thời gian, con người đã sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần ( tác phẩm văn hoá ) mang “tính biểu tượng” (Symbolic) nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần cho con người. Các tác phẩm văn hóa ( theo Ký hiệu học văn hóa ) bao gồm các lọai hình “ ngônngữ - văn hóa” như: ngôn ngữ - ký hiệu nhìn (hội họa, điêu khắc, kiến trúc.v.v..); ngôn ngữ - ký hiệu nói (văn hóa truyền khẩu); ngôn ngữ - ký hiệu nghe (nghệ thuật âm nhạc); ngôn ngữ - ký hiệu động tác (nghệ thuật múa, xiếc, thể thao, trò chơi dân gian.v.v..); ngôn ngữ - ký hiệu viết (văn bản văn chương, thi ca); ngôn ngữ - ký hiệu tổng hợp ( nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, lễ hội), Chúng hình thành nên những “Di sản văn hóa vật thể ” ( tangible ) như: đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, tháp, nhà thờ, nhà sàn, nhà rông, nhà mồ, tượng Phật, tranh ảnh, v.v…và các vật dụnghayđồ dùng trong sinh hoạt của các “danh nhân văn hoá” (ví dụ: nhà sàn và đôi dép của Bác Hồ v.v..) hoặc trong các “chiến tích, chiến công”
mang tính lịch sử ( ví dụ: xác máy bay B52, xe tăng phá cổng Dinh Độc
Lập v.v..) được cả cộng đồng xã hội công nhận. Chúng cũng bao gồm những “Di sản văn hóa phi vật thể” (intangible ) là những biểu hiện“tượng trưng”
không sờ thấy được, nhưng được lưu truyền và biến đổi trong suốt chiều
dài lịch sử nhân loại. Những di sản văn hoá vô hình này thuộc các lĩnh
vực như: âm nhạc dân gian, sân khấu
dân gian, múa hát dân gian, văn hoá truyền miệng, huyền thoại, các nghi
thức tang ma, cưới hỏi, lễ hội truyền thống, y dược cổ truyền, tri thức
dân gian, kỹ thuật nấu ăn, bí quyết công nghệ của các nghề truyền thống
v..v.. Hai lĩnh vực “Di sản văn hoá vật thể” và “Di sản văn hoá phi vật thể” luôn quan hệ tương tácvới nhau như hình với bóngngay trong lòng của mọi đời sống xã hội. Chúng thuộc lĩnh vực “văn hóa tinh thần” và luôn mang “ tính biểu tượng”Văn hóa tinh thần còn cấu thành nên các tư tưởng truyền thống, lý tưởng đạođức, lý tưởng thẩm mỹ, chính trị xã hộiv.v..chúngbiểu hiệntrong các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, lối sống, nếp sống, phong tục .v.v...để từ đó tạo nên các “ khuôn mẫu văn hoá” giúp cho con người có thể giao tiếp vàứng xử với thế giới chung quanh.. Mặt biểu hiện này được gọi là Văn hoá (culture).
Nói tóm lại,Văn hóa được hình thành trên mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, dựa trên cơ sở phát triển của một “quan hệ sản xuất” ( con người – công cụ sản xuất tinh thần - con người) nhất định. Đó là trình độ của con người trong việc nhận thức và khám phára các “quy luật của tinh thần” để có thể sáng chế ra “công cụ sản xuất tinh thần” (ngôn ngữ - ký hiệu) và các “khuôn mẫu văn hóa”. Đồng thời, sáng tạo ra các“tác phẩm văn hoá” mang tính biểu tượng nhằm thoả mãnnhu cầu tinh thần của con người.(N.V.H )
Theo “Từ điển bách khoa Văn hóa học” (nói ở trên), văn hoá tinh thần là: “Toàn
bộ kinh nghiệm “tinh thần” của nhân loại, các hoạt động “trí tuệ” và
“tâm hồn” cùng những kết quả của chúng, bảo đảm xây dựng con người với
tính chất những nhân cách, tác động dựa trên ý chí và sáng kiến. “Văn
hoá tinh thần” tồn tại dưới nhiều hình thái. Đó là những tục lệ, chuẩn
mực, khuôn mẫu ứng xử đã hình thành trong những điều kiện xã hội mang
tính lịch sử cụ thể…, những giá trị và lý tưởng đạo đức, tôn giáo, thẫm mỹ, xã hội, chính trị, hệ tư tưởng. v.v…” ( 4, tr 613)
Hiện nay, theo quan điểm Xã hội học hiện đại, các nhà khoa học đang có xu hướng đi tìm “đơn vị cơ bản” di truyền đẩu tiên của xã hội, nhằm xác định sự hình thành của xã hội như một loại hình tổ chức đặt biệt. Theo ý kiến của họ “đơn vị cơ bản” sẽ xác định được sự di truyền xã hội ( thông tin)và phải tìm kiếm trực tiếp trong lĩnh vực “văn hóa tinh thần”. Các nhà Xã hội học hiện đại cũng cho rằng: “Văn hoá “di truyền” không theo con đường sinh học mà bằng con đường học tập. Họ thừa nhận văn hoá trực tiếp gắn liền với cácý tưởng, chúng tồn tại và được truyền đạt dưới hình thức “ biểu tượng” (Symbol)”. ( 5 )
Do đó, bằng phương pháp tiếp cận liên ngành từ Xã hội học văn hoá và Ký hiệu học trong nghiên cứu văn hóa, chúng tôi có thể nêu lên định nghĩavăn hoá như sau:
Văn
hóa là toàn bộ những sáng tạo của con người dựa trên quá trình nhận
thức và khám phá ra các “quy luật của tinh thần”, để hình thành nên
những hệ thống “chuẩn mực - giá trị” xã hội. Từ đó sáng tạo ra các “ngôn
ngữ - ký hiệu” ( công cụ sản xuất tinh thần) và những “sản phẩm tinh
thần” ( tác phẩm văn hóa) mang tính biểu tượng, nhằm thỏa mãn nhu cầu
tinh thần của con người. Văn hóa luôn trực tiếp gắn liền với những “tư
tưởng nhân văn” và được biểu hiện ra bằng hình thức “biểu tượng”
(symbol). Nó được xem như là “đơn vị cơ bản” của văn hoá và tạo thành
những “ khuôn mẫu văn hóa” giúp cho con người giao tiếp và ứng xử với nhau trong đờisống xã hội. (N.V.H )
Nhìn chung, văn minh và văn hóa
đã song song cùng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử loài người.
Chúng không có sự phân biệt trước sau như một số quan điểm đã nhận định
rằng, văn hoá có trước còn văn minh có sau, hay ngược lại, bởi, hai mặt này được “phátminh” và “sáng tạo” ra là nhằm để thoả mãn các loại nhu cầu vật chấtvànhu cầu tinh thần của con người trong mọi hình thái kinh tế- xã hội của lịch sử nhân loại, từ khi loài người hình thành cho đến nay. ( N.V.H )
Và, cũng theo “Từ điển bách khoa Văn hoá học”, mối quan hệ biện chứng giữa văn minh vàvăn hoá được viết như sau: “ Trong
lịch sử nhân loại, văn minh và văn hoá có sự thống nhất trong mâu
thuẩn. Đó là hai phương tiện thực hiện tiềm năng sáng tạo của con người.
Trong văn hoá mọi yếu tố vật chất và tinh thần phục vụ cho cuộc sống “
tinh thần”. Trong khuôn khổ văn minh, tinh thần lại phục vụ cho “vật
chất” và thực tiển. Nếu như thước đo của văn hoá là sự tận tụy phục vụ
“ý nghĩa caocả” thì thước đo của văn minh lại là sự khẳng định, là sự độclập của con người trước những sức mạnh mù quáng“thiên nhiên” và thế giới“ không phân biệt cánhân” của các cấu trúc xã xã hội ( tức hai mặt khoa học – kỹ thuật và xãhội -pháp chế của văn minh ).( 4, tr. 613 )
Khi đề cập đến khái niệm Văn hiến, thì người ta thường nghĩ ngay đến truyền thốngvăn hoá lâu đời và tốt đẹpcủa một nước, một dân tộc, được kết tinh trở thành điển chương và hiền tài ( văn là sách vở, hiến là người tài) trong lịch sử. Còn những “di sản văn hoá vật thể”qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đuợc cả cộng đồng - xã hội công nhận thì sẽ trở thành Văn vật. Chúng luôn mang “tính biểu tượng” (Symbolic)nhằm thoả mãn “nhu cầu tinh thần”của con người. Nó trở thành “tài sản tinh thần”của mỗicộng đồng quốc gia - dân tộc.
Trong tương quan giữa văn hoá và văn minh thì văn hoá thuộc "tĩnh" còn văn minh thuộc " động”. Song, không có nghĩa tuyệt đối là trong văn hoá chỉ có “ tĩnh” và trong văn minhchỉ có“ động”. Hai mặt này - văn hoá và văn minh, luôn có mối quan hệ biện chứng và gắn bó chặt chẽ với nhau; “ văn hoá trở thành cốt lõi và là linh hồn của văn minh”. Có thể nhận định một cách quy ước, văn hoá có thiên hướng về sự bảo tồn, gìn giữ các giá trị - chuẩn mực và bản sắc dân tộc, thuộc phạm trù truyền thống.Vì thế, văn hóa không có xu hướng biến đổihoàn toàn theo quá trình phát triển của văn minh, cho dù văn minh có phát triển nhanh và cao đến đâu đi chăng nữa, thì văn hóa vẫn phát triển một cách tiệm tiến, chậm rãi và liên tục, như dòng mạch ngầm thấm sâu vào cội nguồn tâm thức của mỗi cộng đồng - dân tộc. Còn văn minh có xu thế về sự hội nhập, tiếp nhận và học hỏi những yếu tố tiến bộ mang tính khoa học của thời đại, thuộc phạm trù hiện đại.
Xét về mặt giá trị thì văn minh có xu hướng thiên về cái chung, nó được chấp nhận ở đa số các cộng đồng xã hội. Còn ngược lại, văn hoá có xu hướng thiên về cái riêng ( cái đặc thù), làm nên bản sắc riêngcủa mỗi cộng đồng - dân tộc. Nếu một dân tộc nào đó không biết trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình thì cho dù có phát triển văn minh cao đến đâu chăng nữa, cũng coi như đã tự đánh mất mình để trở thành cái bóng của người khác. Hai mặt này luôn tồn tại trên từng dòng chảy củalịch sử( tính thời gian ).
Khoa "Văn minh học so sánh” cũng tách khái niệm văn hoá ra làm hai mặt. Một là “văn hoá vật chất” bao gồm “khoa học - kỹ thuật” và các “máy móc” được gọi là Văn minh, còn mặt khác là “văn hoá tinh thần” bao gồm hệ “giá trị - chuẩn mực” xã hội và các “khuônmẫu văn hóa” được gọi làVăn hoá. Cả hai mặt đều xây dựng bằng khái niệm mang tính “thao tác ”. Nếu văn minh biểu hiện về các “hiện tượngsinh hoạt” thì văn hóa thể hiện “ cách ứng xử ” của con người trong đời sống xã hội. Theo nghĩa này, dù ở xã hội nào, thì văn minh và văn hoá cũng đều tồn tại song song với nhau trong đời sống xã hội ( tính không gian ).
Quan điểm trên đây, với các khái niệm có tính chất công cụ (máy móc) như vậy, đã được Umesao-Tadao (GS người Nhật) đặt ra và ông đưa ra mô hình xã hội của con người như sau: “Nghĩa là toàn bộ phần ngoài của vòng tròn đồng tâm trong cơ cấu sinh hoạt là Văn minh (như cơ cấu máy tính) còn phần cốt lõitrong đó là Văn hoá (phần mềm) tác động ra bộ phận bên ngoài.” ( 6 )
Có thể cho rằng, văn hoá thuộc về "cái thể " (bản thể) còn văn minh thuộc về "cái dụng" (dùng, sử dụng) hay nói khác đi, “trí khôn” của con người biểu hiện ra bên ngoài (hướng ngoại) do quá trình ngoại phóng đã trở thành văn minh, còn “trí khôn” con người biểu hiện vào bên trong (hướng nội) tức quá trình nội phóng đã tạo ra các giá trị văn hoá.
Trong đời sống xã hội thường có sự lệch pha giữa văn minh và vănhoá, như trong một xã hội văn minh rất cao vẫn có hiện tượng suy thoái văn hoá và ngược lại một xã hội có truyền thống văn hoá lâu đời nhưng vẫn chưa có nền văn minh hiện đại. Song văn hoá với tư cách là hệ thống "giátrị tinh thần” đã trở thành “động lực” tương đối tác động trở lại đời sống xã hội để giúp cho sự phát triển củavăn minh. Có ý kiến cho rằng, văn minh được ví như cái chân ga của chiếc xe ô tô, còn văn hoá được ví như cái chân phanh của xe giúp cho chiếc xe giảm tốc độ, tránh cho nó mọi nguy hiểm trên đường đi và không bị rơi xuống vực. Đó là phép biện chứng giữa văn minh và văn hoá trong đời sống xã hội.
Theo cách tiếp cận và nhận thức như vậy, thì văn hoá không đứng ngoài quá trình phát triển đời sống xã hội, nó nằm trong quá trình này và trở thành yếu tố “nội sinh" của sựphát triển. Nó vừa là mục tiêu vừa là động lực và còn là hệ điều tiết của đời sống xãhội. Bởi lẽ, yếu tố hàng đầu của văn hoá chính là sự hiểu biết, và là trí khôn của con người, được tích luỹ trong quá trình học tập, lao động sản xuất và đấu tranhvới tựnhiên suốt chiều dài lịch sử nhân loại, để duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi cộng đồng dân tộc. Nói như Abraham Moles (Pháp) "Văn hoá - đó là chiều cạnh trí tuệ của môi trường nhân tạo, docon người xây dựng nên trong đời sống xã hội của mình". ( 7 )
Trong thời đại ngày nay, xu hướng phát triển theo con đường văn minh hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành luồng sóng dữ dội, nhất là các nước thứ ba, chậm phát triển, đang tích cực đi theo. Con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá là cần thiết nhằm phát triển đời sống xã hội. Song, vấn đề đặt ra là phải phát triển như thế nào nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.
Chưa bao giờ vấn đề gìn giữ “bản sắc dân tộc” lại được coi trọng như ngày hôm nay. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: "Đi
vào kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghiệp hoá hiện
đại hoá đất nước, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn
luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết
không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản saochép của người khác. ( 8 )
Unesco cũng cho rằng: Nước
nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường
văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về
kinh tế lẫn văn hóa, thậm chí tiềm năng sáng tạo cũng không còn.
Nhưng công nghiệp hoá và hiện đại hoá không phải là một công việc dễ dàng, nhất là đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, đã có bề dày của nềnvănhoá truyềnthống với quan niệm sống "giản đơn" và "biết đủ", theo một phương thức "nội giao" khép kín, cùng sức ỳ của những giá trị văn hoá cổ truyền
đang còn bám rễ ăn sâu trong từng nếp nghĩ suy của người phương Đông.
Nếp sống đó đã được định hình từ hàng nghìn năm nay, nên chưa bắt kịpvới nhịp sống hối hả và mạnh mẽ theo tiết tấu công nghiệp, hiện đại, của nền văn minh phương Tây. Song, nhu cầu văn minh hóa nhằm phát triển đời sống xã hội lại là nhu cầu bức thiết không thể thiếu được đối với đời sống của con người hôm nay.
Thực chất, quá trình văn minh hoá không chỉ là quá trình kinh tế hoá và công nghệ hoá đơn thuần, mà còn phải phát xuất từ một thể chế chính trị - xã hội nhất định, từ các giátrị định hướng và các "khuôn mẫu văn hoá"cổ truyền – “Cổ mẫu” (Archetypes) đang chìm sâu trong nền văn hoá truyền thống, cùng những yếu tố tâm lý và tính cách dântộc.
Chúng ta thừa nhận sự thất bại phần lớn của một số nước thứ ba, đã và đang trong quá trình hiện đại hoá – văn minh hoá theo đường lối "phương Tây hoá" tức là đường lối tăng trưởng kinh tế bằng phương thức "ngoại sinh". Hậu quả này bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, muốn "tiến hoá" thì phải nhanh chóng thay đổi xã hội đúng theo mô hình phương Tây. Phải chăng, đã có sự “thiên kiến” khi cho rằng văn minh phương Tâycao thì trình độ văn hoá phương Tây cũng rất cao, có thể phát xạ giúp cho các nước lạc hậu trở thành những nước văn minh - hiện đại, rập khuôntheolối sống phương Tây.
Điều này xem ra chưa đúng trong thực tế, bởi lẽ, có những nước phương Tây hiện đại tuy có nền “văn minh vật chất” đã phát triển cao, nhưng lại bị thoái hoávề mặt “văn hoá tinh thần”, thậm chí còn đánh mất đi bản sắc văn hoá truyền thống - dân tộc, điều đó là một nghịch lý. Vì thế, sự phá sản của “chủ nghĩa châu Âu là trung tâm” về văn hoá, tức là sự phản ứng cách nhận định về trình độ văn minh của các dân tộc thấp kémthì chỉ cần dựa vào một “khuôn mẫu văn hoá”của Châu Âu là tốt nhất. Sự khắc phục cái gọi là “chủ nghĩa châuÂu là trung tâm”, góp phần hình thành các quan niệm vể “nền văn minh đa cực” và về nhiều nền văn hoá luôn có “giá trị tự thân”. Nói khác đi, là không có “nềnvăn hoá trungtâm”áp đặt các nền văn hoá khác phải theo, và cũng không có nền văn hoá cao hay thấp, vì văn hoá thuộc về “giá trị tinh thần” và trong lòng của nó luôn mang giá trị “nhân văn”. Vănhoá không bị ảnh hưởnghoàn toàn vào các nền văn minh, văn hóa có tính độc lập tươngđối, đồng thời nó còn vừa là mục tiêu vừa là động lực tác động trở lại giúp cho nền văn minh pháttriển bền vững.
V.M. Mêgiuép viết, “Không
nên phán xét văn hoá bằng cách xuất phát từ một triển vọng đặc trưng
cho giai đoạn lịch sử châu Âu. Tri thức về văn hoá của bản thân mình vẫn
chưa đem lại tri thức về các nền văn hoá khác, mỗi một nền văn hoá đều
cần được khảo cứu trong tính độc lập và độc đáo ( bản sắc riêng ) của nó. ( 9, tr.67 )
Người ta ngày càng hiểu rõ rằng bản chất cốt lõi củavăn hoá là “ tínhnhân văn”, đã tác động trực tiếp đến sự phát triển và luôn chiếm giữ một ý nghĩa thật to lớn với sự tiến bộ của đời sống xã hội. Văn hoá không được coi là"một thứ trang trí ” (Theo lời F.Mayor),ngày nayvăn hoá đã được nhìn nhận“ là
nền tảng và là linh hồn của cuộc phiêu lưu của con người. Trước kia
người ta coi nó là thứ yếu, ngày nay người ta bắt đầu nhận ra nó là cốt
lõi của mọi vấn đề”. [10, tr.35 ]
Trước đây, chúng ta thường lý giải cơ sở “kinh tế là nền tảng xã hội” trên đó xây dựng kiến trúc thượng tầng,trong đó có văn hoá. Do vậy, vănhoá phải chịu sự quy định chặt chẽ của kinh tế, tất nhiên văn hoá có sự tác động tương đối trở lại đối với kinh tế. Song, với quan niệm “đổi mới” hiện nay cho rằng “văn hoá là nền tảng tinh thần” của xã hội thì nhận định về vănhoá và phát triển cũng có sự thay đổi: "Đúng
là lĩnh vực văn hoá tinh thần thường mang dấu ấn của các hình thái kinh
tế - xã hội. Về phương diện đó văn hoá nhất trí với thượng tầng kiến
trúc. Nhưng từ đó không thể kết luận nó luôn nằm trong thượng tầng kiến
trúc, vì trong lĩnh vực văn hoá còn có những yếu tố nằm ngoài kiến trúc
thượng tầng, thí dụ, các “tri thức khoa học tự nhiên”, “ngôn ngữ” với tư
cách là phương tiện giao tiếp xã hội, các “quy tắc tư duy” v.v...".( 11, tr.41 )
Nói văn hoá là nói đến những “chuẩn mực - giá trị” được các cộng đồng dân tộc và nhân loại liên tục sáng tạo ra trong quá trình lịch sử lâu dài. Có những giá trị như “chân - thiện - mỹ” là những giá trị trường tồn mãi trong lịch sử loài người, nó đảm bảo đượctínhliên tục trong tiến trình lịch sửnhân
loại và của dân tộc. Các giai cấp khác nhau đã ghi lại dấu ấn của mình
và tạo ra những giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển văn hoá,
nhưng không thể làm biến dạng nền văn hoá nhân loại.
Phê phán nhóm "văn hoá vô sản" ở Nga đầu những năm 20, Lê nin chỉ ra rằng: “khái niệm văn hoá lớn hơn ý thức hệ. Có nghĩa là, trong văn hoá có những nhân tố nằmngoài ýthức hệ”.( 11, tr.42 )
Về mối quan hệ biện chứng giữa văn minh và văn hoá giáo sư Nguyễn Hồng Phong cũng nhận định: "Văn
hoá không hoàn toàn thuộc thượng tầng kiến trúc, nó không thay đổi theo
sự thay đổi của phương thức sản xuất, của cơ sở kinh tế xã hội. Các
cuộc cách mạng lớn, chân chính đều thể hiện tính liên tục về văn hoá và
văn hoá chính là động lực của cách mạng. Giữa tính truyền thống và tính hiện đại có sự kế thừa và kết hợp".( 12, tr.6 )
Qua đó, ông cũng nêu lên tấm gương về sự kết hợpgiữa văn hoátruyền thống với văn minh hiện đại của Nhật Bản, họ đã biết sử dụng các giá trị của văn hoá truyền thống để phục vụ cho phương thức sản xuất mới. Vẫn tầng lớp quý tộc Samurai đã làm cuộc cách mạng Minh Trị cung cấp những nhà kinh doanh, nhà quản lý, nhà giáo dục đầu tiên cho thời cải cách. Đất nước "Mặt Trời mọc" đã biết học khoa học - công nghệ phương Tây nhưng kết hợp với giá trị văn hoá Nhật Bản đó là "Tân Khổng giáo" để vươn mình đứng lên trở thành một trong những con Rồng của Châu Á.
Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII "Về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt" nêu rõ: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội". ( 13, tr.5 )
Lâu nay, chúng ta chỉ chú ý đến cơ sở kinh tế, ít ai nghĩ đến một cơ sở khác, một nền tảng khác. Đó là văn hóa, nó chính là cơ sởvà lànền tảng tinh thần, là toàn bộ những giá trị tinh thần của dân tộc và của nhân loại sáng tạo ra. Những giá trị đó thực chất là tiềm năng, là năng lượng tinh thần, góp phần làm nên sức mạnh, phẩm chất và năng lực của các thế hệ công dân, đồng thời nó còn biến thành động lực tác động trở lại đời sống xã hội nhằm thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển. Thiếu nó, dân tộc khó phát triển vững mạnh.
Và, trong tinh thần đổi mới, hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảngkhoá VIII "Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" cũng nhận định:"Những
thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ thế giới cùng với việc mở
rộng giao lưu quốc tế là cơ hội để chúng ta tiếp thu những thành quả trí
tuệ của loài người, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong
việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc".( 14 )
Tư tưởng trên không chỉ có ý nghĩa khẳng định các “ giá trị văn hoá”
quá khứ của dân tộc, của nhân loại trước đây và hiện nay, mà còn hình
thành một quan niệm mới về cơ sở phát triển của đất nước theo mô hình văn minh phương tây kết hợp với văn hoá dân tộc.
Đó là mô hình đúng đắn nhất, là phương hướng chiến lược cùng các nhiệm
vụ và giải pháp để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và
phát triển nềnvăn hoá nước ta,
Về mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong một bài viết có nhận định rằng: “Văn hoá và phát triển ở Việt Nam thực chất biểu thị ở mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Và, một trong những vấn đề quantrọng hàng đầu của phát triển lôi cuốn văn hoá là liên tục tính”. ( 15, tr. 200 - 203 )
Ở các nước phương Tâyquan niệm truyền thống là sự bảo thủ, lạchậu, do vậy, giữa truyền thống và hiện đại luôn có một khoảng cách lớn, phát triển cũng là đoạn tuyệt với quákhứ. Có một giai đoạn khá dài chúng ta cho rằng muốn xây dựng “văn hoá mới ” phải xoá bỏ "văn hoá truyền thống" đã lỗi thời và lạc hậu. Như vậy, hiện đại hoácũng có nghĩa là “tây phương hoá", lấy văn hoá hiệnđại thay cho vănhoátruyền thống. Sự phát triển là một đứtđoạn về văn hoá, cho nên đã cực đoanxoá bỏ các giá trị truyền thống – các “khuôn mẫuvăn hoá” cổ truyền. Đó là việc làm mang tính ấu trĩ, duy ý chí , vì phát triển không tính đến yếu tố "nội sinh", không xem vănhoálànền tảng tinh thần, một động lực tác động trở lại nhằm thúc đẩy cho đời sống kinh tế phát triển.
Như vậy, văn hoá chưa hẳn đã hoàn toàn theo quy luật "tiến hoá" như văn minh. Văn hoá sau không chắc tiến bộ hơn văn hoá trước ( với các “tác phẩm văn hoánghệ thuật”là một minh chứng ), văn hoá vùng nàychưa phải đãcao hơn văn hoá vùng khác(thuyết “Trung tâm Châu Âu ”) mà chỉ có nền “văn hoánhân bản” hoặc là “phi nhân bản”. Nói khác đi, văn hoákhông có sựcắt đoạn mà nó liên tục "chuyển hoá" trên dòng đi của lịch sử và phát triển theo từng vùng văn hoá khác nhau (Sub Culture), hình thành nên các tiểu vùng văn hoá, và tạo nên sự "thống nhất trong đa dạng” với nền văn hoá chung của toàn nhân loại. Văn hoá là mặt biểu thị về "giá trị tinh thần" đối với văn minh, và cùng nhau tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại. Ví dụ như ta có: "nền văn minh lúa nước" và "nền văn hoá cộng đồng làng xã" đã cùng song song tồn tại trong cộng đồng - dân tộc Việt Nam.
Trong lòng mỗi dân tộc đều có nền văn minh và văn hoá riêng của mình. Sự khác nhau về các “ biểu tượng văn hoá” chính là sự khác nhau về các "khuôn mẫu văn hoá” giúp cho nền văn minh của dân tộc đó phát triển nhưng không làm mất đi "bản sắc văn hoá" của dân tộc mình. Quá trình "văn minh hoá" có tốt đẹp hay không là còn phụ thuộc vào sự “định hướng”của văn hoá
và điều kiện phát triển của từng nước, của từng cộng đồng - dân tộc,
khiến cho quá trình này phát triển nhanh hoặc dậm chân tại chỗ. Bởi lẽ,
đời sống xã hội có văn minh - hiện đại đến đâu đi chăng nữa nhưng để mất đi "tính nhân bản” thì đó là điều bất hạnhcho loài người. Chính hai quả “bom nguyên tử” của Hoa Kỳ trút xuống đất nước Nhật Bản trong thế chiến thứ hai đã là điều minh chứngcho cái gọi là sự“tiến bộ”của nền vănhoá phương Tây.
Khi đề cập đến văn minh phương Tây và hậu quả của nó, ta cũng không thể quên sựkhác biệt giữavăn hoá phương Tâyvớivăn hoá phươngĐông. Nền triết học phương Tây thiên về "duy lý” khác với sự “minh triết " của nền triết lý phương Đông, thiên về “duy thức”. Đó là một trong những mấu chốt cơ bản để nhìn thấy sự khập khiễng khi cố áp đặt một cách rập khuôn mô hình phát triểncủa các nước phương Tây vào quá trình xây dựng nền vănminh phương Đông. Vấn đề đặt ra là sau mấy trăm năm phát triển nền “văn minh cơ khí hiện đại” thì chính các nước này, giờ đây phải có lúc đã giật mình nhìn lại khi thấy nguy cơ của sự băng hoại các giá trị đạo đức và dần mất đi nền tảng tinh thần của một dân tộc. Trước sự sa sút về đạo đức và sự suy sụp về các "giá trị nhân bản" thì xu hướng quay về tìm hiểu các giá trị “văn hoá tinh thần” của phương Đông đã trở thành những luồng sóng lớn mà phương Tây đang có cuộc hành hương về nguồnđể tìm lại các giá trị văn hoátruyền thống đã mất.
Đi
theo văn minh khoa học - kỹ thuật phương Tây nhưng chúng ta cần nhìn ra
được bản chất của nó với đầy đủ sự nghịch lý nằm ngay trong lòng của
nền kinh tếtư bản. Quá trình phát triển của cơ chế kinh tế thị trường với những hiệu quả khoa học và công nghệ
hiện đại, khiến cho của cải vật chất ngày càng tăng lên nhưng đồng thời
sự phân hoá giàu nghèo càng thêm gay gắt. Cùng với việc gia tăng của cải vật chất đồng thời cũng gia tăng sự tha hoá về mặt tinh thần, gia tăng bệnh tật và cả tội ác. Bên cạnh đó còn biết bao điều hiểm hoạ của sự phá hoại môi trường tự nhiên một cách thô bạo vì sự khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách triệt để, nhằm mưu cầu lợi nhuận. Con người đã phải trả giá thật đắt cho việc làm đó, bằng những thảm hoạ sinh thái do môi trường bị ô nhiễm hóa chất và ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng hiệu ứng nhà kính cùng với những trận động đất lớnvà những cơn đại hồng thủy,
đã cướp đi bao sinh mạng vô tội mà chúng ta từng chứng kiến trong vài
thập kỷ vừa qua và hiện nay ( Nhật Bản cùng một số nước khác ).
Từ đó, chúng ta cần nhận định lại những gì là ưuvà nhượcđiểm của nền văn minh phương Tây, để có sự chọn lựa thật khôn ngoan và đúng đắn trong xu thế văn minh hoá ở các nước còn lạc hậu. Trong quá trình văn minh hoá ta cũng nhận thấy có sự khác nhau về bản chất của văn hoá, trên nhiều phương diện của hai nền văn minh phương Tây và văn minh phương Đông. Nó bắt nguồn từ nền tảng tinh thần,
từ động cơ và tính mục đích trong định hướng phát triển đời sống xã hội
ở mỗi khu vực, cho nên quá trình hiện đại hoá và văn minh hoá ở mỗi nơi
có sự khác nhau về chất. Động cơ phát triển của nềnvăn minh phươngTây là chú trọng đến đời sống vật chất, sự thoả mãn những dục vọng, về cảm giác và dục tính, tự do phóng túng, đề cao vai trò cá nhân với sự phá vỡ hệ thống. Trái lại, động cơ phát triển của nền văn minh phương Đông là chú ý đến đời sống tinh thần, thiên về tính nhân bản, giải phóngtâm thức, hướng nhiều đến đời sống tâm linh mong đạt đến con người hoànthiện, hoà hợp với thế giới tự nhiên.
Mục đích cao nhất của nền văn minh phương Tây là hoài bão về một “xã hội lý tưởng”, có thể thoả mãn mọi nhu cầu, mọi khát vọng về sự hưởng thụ vật chất, về một thiên đườngtrần thế. Trái lại, nền văn minh phương Đông lại hoài bão một “xã hội đại đồng", có thể sống với nhau một cách hoà hợp với trật tự của vũ trụ vô biên, phù hợp với “quy luật tự nhiên”. Và, cố gắng vươn tới những “giá trị nhân văn” trong sự hoà đồng, hoà hợp toàn diện, kêu gọi con người sống theo sự toàn thiện của chính mình trong mọi hoàn cảnh.
Nói đến văn hoá là nói đến giá trị đạo đức, giá trịthẩm mỹ. Phương Tây thiên về cái "Đẹp", còn phương Đông thiên về cái "Thiện", nó bao gồm những giá trị, những chuẩn mựcgiúp cho con người có định hướng trong khi thoả mãn các nhu cầu vật chất.
Do vậy, trong quá trình văn minh - hiện đại hoá đời sống xã hội ở các nước phương Đông, phải cần quan tâm đến yếu tố văn hoá - nội sinh, nó chính là nền tảng tinh thần và có vai trò định hướngcho quá trình phát triển của văn minh đi đúng theo quỹ đạo của mình. Nếu bỏ qua vai trò định hướng và điều tiết của văn hoá thì chủ thểvăn minh sẽ trở nên tha hoávà sẽ biến thành nô lệ của đời sống vật chất. Từ đó, dẫn đến sự suy thoái về mặt văn hoá tinh thần, làm mất đi bản sắc và tính cách của cả một cộng động - dân tộc.
Xét về mặt lịch sử, hàng vạn năm trước đây khi loài người hình thành nên đời sống văn hoá thì đồng thời văn minh cũng xuất hiện, như văn minh sử dụng lửa ( văn hoá ăn thịt chín) Hiện nay, trong lòng của nền vănminh thành thị-công nghiệp hiện đại, thì vẫn có sự tồn tại của các giá trịvăn hoá cổ truyền.Văn minh và văn hoá không phủ định nhau màtương hỗ cho nhau cùng phát triển. Văn hoá mang yếu tố "tĩnh" vì bản chất nền tảng của nó là "động" (thời gian) còn văn minh mang yếu tố "động" vì bản chất của nó là "tĩnh" (không gian).
Unesco cũng nói về phép biện chứng giữa truyền thống và hiện đại: “Đó là nguyên tắc động, cho phép một xã hội biến đổi mà không làm mất hình thế độc đáo của nó,chấp
nhận sự thay đổi mà không tự tha hoá, do đó tiếp tục quá trình liên tục
của sự sáng tạo của nó, theo phép biện chứng liên tục của truyền thống
và tính hiện đại, của tính liên tục và tính đứt đoạn, của di sản và sự
đổi mới". ( 15, tr 200 - 203 )
Theo quan điểm trên đây, đó chính là tínhbiện chứng giữa nhân tố ngoại sinh trong sựphát triển nội sinh. Sự phát triển nội sinh không khước từ yếu tố ngoại sinh mà đó lại là sự tiếp biến văn hoá trong quá trình phát triển đời sống xã hội. Yếu tố ngoại sinh tuy là yếu tố mới, nhưng phải là yếu tố tiến bộ và phải thích hợp giúp cho xã hội biến đổi tiến bộ. Không thể ghép một "Gen lạ" vào trong sinh thể xã hội, làm vậy, chỉ khiến cho nó biến dạng và có thể sinh ra “quái thai” của thời đại. Quá trình tiếp nhận yếu tố ngoại lai quá khác biệt lại có sự đồng hoá sẽ tạo nên một nền văn hoá mất bản sắc, cũng là sự từ bỏ các giá trị đạo đức truyền thống.
Daisaku Ikeda (Nhật) cho rằng: Cần phải có sự chuyển biến căn bản trong suy nghĩ về mối quan hệ biện chứng giữa tinh thần và vật chất. Sự nâng cao mức độ phúc lợi tinh thần phải trở thành mối quan tâm đầu tiên sau đó mới nâng cao phúc lợi vật chất, tức là phải ưu tiên nâng cao trình độvăn hoá, tôn giáo, giáo dục, học thuật và nghệ thuật của xã hội. Điều đó nói lên vấn đề tinh thần và văn hoá được đặt lên hàng đầu, thì sẽ tạo ra động lựccho kinh tế và những tài năngsáng tạo của con người sẽ có cơ hội phát triển một cách toàn diện.
Hiện nay, không nên quan niệm phát triển là quá trìnhtiệm tiến theo thuyết tiến hoá từ thấp đến cao, mà phát triển có những bước nhảy vọt bằng tốc độ của thời đại vượt cả không gian, lẫn thời gian. Quá trình văn minh hoá và văn hoá hoá là hai mặt của sự phát triển. Chúng có mối quan hệ biện chứng giữa hiện đại với truyền thống, giữa kế thừa với giao lưu, giữadân tộc vớihội nhập trong quá trình tiếp biến văn hoá.
Hiện đại không phải bê nguyên si cái mới vào, truyền thống không phải
là bảo thủ, giữ lại toàn bộ cái cũ - cái lạc hậu không còn mang giá trị
tích cực đối với đời sống xã hội.
Phải biết hiện đại hoá cái truyền thống và biết truyền thống hoá cái hiện đại, để sao cho hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống và trong cái truyền thống lại phải có nhân tố của hiện đại. Văn hoá không chỉ phát triển đơn tuyến mà đa tuyến, không chỉ phát triểntheo cái mớimà còn quay về để cách tân cái cũ cho phù hợp với hiện đại, nhằm năng động hoá toàn bộ di sản dân tộc. Hiện đại hoá còn làm sống lại, phục hưng cái cũ, tức là trong quá trình văn minh hoá vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, vẫn giữ được cáicổ truyền,
đó mới là con đường đi đúng đắn để thúc đẩy xã hội phát triển, cũng là
để góp phần xây dựng ngôi nhà văn hoá chung của toàn nhân loại.
Chủ trương giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đi đôi với việc tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới trong thời kỳ hội nhập của Đảng cộng sản Việt Nam là phù hợp với luận điểm về tính liên tục văn hoá, giữa truyền thống với hiện đại, giữa tiên tiến với cổ truyền. Đó cũng chính là sự biểu hiện của mối quan hệ biện chứng giữavăn minh vàvăn hoá trong quá trình phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khổng Tử san định Kinh Chu Dịch bản nghĩa, ( người dịch: Nguyễn Duy Tinh), Trung Tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài gòn, 1972
2. Phan Ngọc Bách khoa toàn thư Liên Xô, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999
3.Ph.Anghen Biện chứng tự nhiên Nxb Sự Thật. Hà Nội, 1971
4..A.A. Radugin Từ điển bách khoa Văn hoá học ( người dịch: Vũ Đình Phòng), Viện nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội., 2002
5. V.M. Rodin, Những định nghĩa về văn hoá trong Văn hoá học - Gíáo trình Đại học Mát-xcơ- va, 1998. GS. HoàngVinh dịch tr. 3 bản vi tính.
6. Homo yasuhei, Tanosheky Akio, Mitsuyoshi Toshuky, Cơ sở xã hội học, Tokyo, 1990 (Hồ Hoàng Hoa dịch)
7. Hoàng Vinh, Khái niệm văn hóa, Tham luận hội thảo khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1996.
8.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, HàNội, 2006
9. V.M.Rôđin, Văn hoá học,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000
10. Tạp chí Người đưa tin Unesco,số 10. 1994
11. Tập bài giảng Văn hóa xã hội chủ nghĩa , Nxb Chính trị Quốc gia, HàNội, 1997
12. Nguyễn Hồng Phong, Văn hóa và sự phát triển nội sinh (bản in roneo)
13. Văn kiện Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
14. Nghị quyết Đại hội lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Bộ Văn hóa Thông tin.
15. Hoàng Vinh,Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999
Bài: TS. Nguyễn Văn Hậu
Ảnh: TS. Nguyễn Văn Hậu (Sưu tầm trên internet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét