Dân chủ
(democracy)[2]
là đề tài của nhiều học thuyết nhưng tựu trung nói đến nguyên tắc về
quyền ứng cử và bầu cử của tất cả mọi người dân đến tuổi trưởng
thành nhằm tham gia chính quyền trực tiếp hoặc thông qua đại biểu
được bầu chọn; về tương quan giữa thiểu số và đa số, về nhân quyền,
về vai trò tối thượng của pháp luật
không phân biệt đối xử về giai cấp, tầng lớp xã hội, mầu da, tôn
giáo, người lãnh đạo và người bị lãnh đạo.
Từ ngữ dân chủ dù không hàm ý tự do nhưng các nước
dân chủ thường là những nước có tự do. Nếu không có tự do sẽ không
có dân chủ. Các quyền tự do của công dân thường được nói tới
là tự do ngôn luận, tôn giáo, ý kiến, tham gia hội đoàn, và tình
trạng tự do cụ thể như không phải là nô lệ, không bị đặt dưới quyền
lực của người khác hoặc quốc gia khác, không vô cớ bị tù tội, bắt
bớ, giam cầm, bị đặt dưới sự kiểm soát của một nhà nước độc tài. Tuy
nhiên dân chủ và tự do có nghĩa khác nhau. Dân chủ có thể chỉ dành
cho một số người quyền tham gia chính quyền và do đó chỉ đòi hỏi sự
bình đẳng và tự do của những người có quyền dân chủ này. Tự do theo
ý nghĩa của chủ nghĩa tự do (liberalism) nhấn mạnh về quyền hành
động của cá nhân theo ý nghĩa con người, có lý trí, cần có tự do
ngang nhau, và chỉ cần hành động trên cơ sở là trong một xã hội, tự
do của người này không vi phạm hoặc hạn chế tự do của người khác.
Chủ nghĩa tự do không đặt vấn đề bình đẳng vì tất cả những hành động
tạo ra sân chơi bình đẳng hơn như các chính sách nhà nước nhằm san
bằng một phần cách biệt về những mất bình đẳng về thể chất sinh lý,
gia thế, giai cấp khi sinh ra, hoặc do xã hội tạo ra là vi phạm đến
tự do của công dân. Họ đòi hỏi, một cách không hạn chế, quyền mang
súng, quyền sử dụng tiền ủng hộ những chính trị gia họ muốn, và phản
đối các chính sách nhà nước nhằm phân chia lại lợi tức xã hội. Nếu
có điều gì đó họ muốn ngăn chặn, như quyền phá thai, quyền luyến ái
giữa những người cùng giới tính thì họ nhân danh đạo đức, tôn giáo
thay vì dùng đến ý niệm tự do mà họ cổ võ.
Những lý thuyết về dân chủ hiện nay phản ánh các
lý thuyết về dân chủ hiện đại của John Locke, Montesquieu, Rousseau
và các điều kiện xã hội mà các nước trên thế giới ngày nay đã đạt
được từ sau sự ra đời của bản hiến pháp ở Mỹ năm 1787, cuộc cách
mạng ở Pháp năm 1789 và cuộc cách mạng tư sản ở Anh trước đó. Tuy
vậy những từ ngữ hoặc ý niệm trên ra đời trên cơ sở các thể chế dân
chủ đã được xây dựng thời Hy Lạp cổ đại rồi sau đó biến mất trên bản
đồ thế giới cho đến lúc nước Mỹ lập quốc dựa trên lý thuyết dân chủ
phát triển ở Anh và ở Pháp.[3]
Quyền lực gắn liền với chế độ kinh tế hiện thực trong mỗi thời đại,
và chỉ qua xem xét chế độ kinh tế, ta mới có thể biết được giai cấp
nào về thực chất nắm chính quyền. Lý thuyết về dân chủ ra đời, biến
mất và trở lại trong lịch sử loài người với một nội dung khác khi cơ
sở của nền kinh tế thay đổi. Tuy vậy, ngay từ kinh nghiệm đầu tiên
của dân chủ ở Tây phương, và từ nguồn gốc của nó là Hy Lạp, tính
giai cấp và nền tảng kinh tế của nó đã rõ rệt. Bài viết này nhằm tìm
hiểu nội dung của thể chế dân chủ ấy rồi thử nghé nhìn tương lai ở
các nước phương tây và Việt Nam.
I. Dân chủ
thời Hy Lạp cổ đại
Sự hiểu biết về các chế độ dân chủ
thời cổ đại Hy Lạp là qua sách vở còn giữ lại được của các triết gia
đầu tiên của văn hoá phương tây, chủ yếu là Plato và Aristotle. Nền
dân chủ Athens kéo dài từ năm 479 đến
năm
323 trước công nguyên (tcn). Đây
là thời kỳ được mệnh danh là thời kinh điển (classical period) đặt
nền tảng cho tư tưởng phương tây. Nhưng trước đó một thời gian rất
dài, các hình thức gần với dân chủ đã trong quá trình hình thành.
Trường
ca Iliad, lưu truyền là của Homer và ra đời khoảng năm 800 tcn,
cho ta suy đoán là
chế độ dân chủ đã manh nha có mặt. Không có một nhà vua toàn quyền
quyết định như ở phương đông, dù là phương đông của Ấn Độ, Trung
Quốc hay Lưỡng Hà (vùng Mesopotamia giữa hai con sông Tigres
và Euphrates mà ngày nay là Iraq). Ở truyện thơ Iliad,
Agememnon là lãnh tụ (basileus), nhưng lại phải nghe ý kiến của hội
đồng bô lão (council of elders) gồm thành phần thượng lưu giầu có và
lãnh đạo quân sự, cũng như
nghị viện nhân dân (assembly of the commons). Ba trăm năm sau, đến
thời Aristotle, nhiều hình thức dân chủ đã có mặt. Chính vì thế mà
ông đã thu thập tới 158 bản hiến pháp của các quốc gia thành phố ở
Hy Lạp để phân loại, phân tách và phê phán các loại thể chế chính
quyền, trong đó có các loại dân chủ.
Tóm tắt thời biểu cổ đại
|
3500 tcn
|
2700 tcn
|
800 tcn
|
479 tcn
|
323 tcn
|
Lưỡng Hà (Mesopotamia)
|
Văn minh Summer phát
triển với thi ca, toán học (3500-3000)
|
Đế quốc đầu tiên do
Sargon thành lập (2300)
|
|
|
|
Ai cập
|
Ai cập có chữ viết,
3000 tcn
|
Kim tự tháp đầu tiên ở
Ai Cập
|
|
|
|
Hy Lạp
|
|
|
Trường ca Iliad và
Odyssey của Homer
|
Bắt đầu của thời
Hy Lạp kinh điển khi dân chủ phát triển ở mức cao nhất
|
Kết thúc thời Hy Lạp
kinh điển
|
|
|
|
|
Socrates (470-399)
Plato (427-347)
Aristotle (384-323)
|
|
Ấn Độ, Trung Quốc
|
Văn minh Harappan của
người Ayans (3000-1500)
|
Kinh Veda (1200-1300)
|
Siddhartha Gautama
(560-480)
Lão Tử (sinh 604?)
Khổng Tử (551?-479?)
|
|
|
1. Quá trình hình thành nhà nước
dân chủ thời Hy Lạp cổ đại
Hy Lạp thời cổ đại chỉ gồm các
quốc gia có bề rộng của một thành phố, được gọi là polis (quốc gia
thành phố). Những quốc gia thành phố nổi tiếng thời đó là Athens,
Ithaca, Sparta, Mycenae, Corinth. Athens là quốc gia thành phố để
lại nền văn hoá lớn với các triết gia, nhà thơ, kịch tác gia và các
khu vực đền đài tôn giáo như Acropolis, hí trường Dionysos còn tồn
tại cho đến ngày nay. Athens là thành phố có cảng biển, bao bọc bởi
các vùng nông thôn. Có vùng của các thế gia giầu với các trang trại
trồng nho và cây olive để làm rượu và dầu olive xuất khẩu. Có vùng
nghèo của nông dân trồng lúa mì. Trong hơn 270 năm
tồn tại, Athens thay đổi không phải vì dựa
trên sự phát triển tư tưởng của các triết gia thời đó như Socrates,
Plato và Aristotle, v.v. mà là tranh chấp, hay đúng hơn là đấu tranh
giai cấp dựa vào quyền lợi kinh tế trong
xã hội. Các triết gia chỉ là những
người ghi lại và phân tích.
Trước khi trở thành một quốc gia
thành phố với nền dân chủ mẫu mực trong thời cổ đại, kéo dài rực rỡ
từ năm 479 đến năm
323 tcn, Athens, trước đó cả 100
năm cũng như các polis khác,
có
người đứng đầu là lãnh tụ theo
hình thức mà thơ Homer đã diễn tả, nhưng rồi hệ thống quyền hành dần
dần bị giai cấp thượng lưu ngày càng giầu có ảnh hưởng rồi chiếm
đoạt. Quyền được giao cho 9 người thế lực trong hội đồng qúi tộc
(được gọi là Areopagus). Plato và
Aristotle gọi đó là thể chế tập đoàn qúi tộc lãnh đạo (oligarchy).
Do xuất khẩu rượu vang và dầu olive, giới quí tộc nhập lúa mì từ
những nơi có giá rẻ hơn. Giá lúa mì ở Athens do đó xuống giá, sản
xuất lúa mì giảm. Người nông dân trở nên nghèo đói, thành con nợ của
giới quí tộc, và để trả nợ họ phải bán vợ, con và chính họ thành nô
lệ cho giới quí tộc. Giới quí tộc khi ngửi thấy mùi thuốc nổ cách
mạng sắp bùng, họ đã trao quyền cho một cá nhân Solon để giải quyết.
Đó là năm 594 tcn. Solon quyết định xóa bỏ hoàn toàn nợ nần, giải
phóng những người trở thành nô lệ vì nợ. Ông ta chia xã hội thành 4
đẳng cấp: 2 đẳng cấp giầu nhất là thành viên của Hội đồng quí tộc
(cố vấn). Đẳng cấp thứ ba là số đông được bầu cử người vào gồm hội
đồng 400 người. Đẳng cấp thứ tư nghèo nhất tham gia vào Nghị viện.
Nghị viện biểu quyết về các vấn đề do hội đồng 400 người đem tới.
Toà án mang tính nhân dân.[4]
Dĩ nhiên dân Athens coi ông ta là anh hùng nhưng tiếc là ông ta
không giải quyết được khủng hoảng kinh tế. Quyền hành rơi vào nhà
lãnh đạo quân sự Peisistratus. Ông này phát triển văn hóa, biểu
dương các nhà thơ, nghệ sĩ và biến Athens thành vùng văn hóa. Ông ta
cũng đồng thời bằng mọi cách phá bỏ quyền hành của giai cấp quí tộc,
nâng quyền của nghị hội công dân (assembly) và tòa án cùng với vai
trò của người nghèo. Ông ta có tham vọng đế vương nên trở thành nhà
lãnh đạo độc tài, khi chết quyền được trao lại cho con, một người
nghi kỵ, độc đóan do đó có nhiều kẻ thù. Một dòng họ giầu có bắt
liên lạc với vua Sparta chiếm đóng Athens. Sparta là đại biểu của
thể chế lãnh đạo tập đoàn thuộc giới quí tộc (oligarchy) và thường
dùng quân sự làm biện pháp cướp bóc tài sản còn Athens là đại biểu
của thể chế dân chủ.
2. Nội dung và cơ sở kinh tế của dân chủ thời cổ đại
Athens chỉ thực sự bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ
khi Cleisthenes đánh đuổi quân Sparta, lên cầm quyền vào năm 508
tcn. Cleisthenes tiếp tục cải cách, công nhận quyền công dân của mọi
người tự do (không phải là nô lệ), lập ba khu vực chính quyền: Hôi
đồng Aeropagus, Nghị hội công dân (Asembly) và toà án
(Thesmothetae).
Theo Aristotle trong quyển
The Athenian Constitution,[5]
Hội đồng Aeropagus có trách nhiệm viết hiến pháp, làm luật, chọn các
chức vụ hành pháp và tư pháp mà mọi công dân trên 30 tuổi có tài sản
ở mức do luật định đều có tư cách tham gia. Hội đồng này gồm 500
thành viên được chọn bằng cách rút thăm (lottery) từ 10 bộ lạc
(tribes) mỗi bộ lạc chọn 50 người và có nhiệm kỳ là một năm. Chức vụ
hành pháp cao nhất là 9 Archons. Nghị hội công dân (assembly) gồm
các công dân nam, có quyền phủ quyết quyết định của Hội đồng
Aeropagus và là cơ quan độc nhất có quyền tuyên bố chiến tranh.[6]
Một số loại án, toà án xử theo bồi thẩm (jury) thường khoảng 500
người. Bồi thẩm do 9 người đứng đầu hành pháp và thư ký toà án lựa
chọn, theo lối bắt thăm từ công dân. Năm 487, Nghị hội lại có thêm
quyền tước bỏ quyền công dân[7]
trong vòng 10 năm của cá nhân nhằm ngăn chặn các cá nhân có hành vi
chiếm quyền. Nghị hội thường xuyên họp một tháng một lần. Dĩ nhiên
không phải mọi công dân đều tham gia, một phần bị bận rộn công việc,
một phần không muốn tham gia. Nền dân chủ Athens vận hành đại khái
như thế, dù hiến pháp cũng luôn thay đổi, trong 150 năm, phản ánh
đấu tranh quyền lực giữa cá nhân và gia cấp thượng lưu muốn nắm
quyền, và số đông dân chúng cho đến khi bị đại đế Alenxander tiêu
diệt. Nền dân chủ đó được gọi là democracy, tức là thể chế trong đó
người công dân (demos) cai trị (kratein).
Để hiểu thêm về những yếu kém của dân chủ Athens mà
Socrates, Plato và Aristotle phê phán sau này ta cũng nên điểm qua
vài nét về cấu trúc xã hội thời đó. Các Polis thời cổ đại thường chỉ
có từ vài trăm đến vài ngàn công dân nam. Athens là một polis lớn
nhất thời đó, có chừng 40 ngàn công dân nam theo Martin.[8]
Theo Will Durant,[9]
tổng số dân Athens có chừng 400 ngàn người, trong đó 250 ngàn (hơn
một nửa) là nô lệ và trong số 150 ngàn người tự do thì chỉ có 2/3,
tức là 112 ngàn có thể trở thành công dân do cha mẹ là công dân,
nhưng ít nhất một nửa là phụ nữ không thể trở thành công dân, do đó
số công dân khoảng 56 ngàn. Dù 40 ngàn hay 56 ngàn, tức là chỉ bằng
10-14% số dân thì đây là con số rất lớn để làm việc chọn người theo
lối bốc thăm thay phiên một cách hiệu qủa. Thế nhưng dân chủ Athens
đã kéo dài khoảng 150 năm và là thời huy hoàng của thi ca, kịch
nghệ, triết học, khoa học và kiến trúc. Trong khoảng thời gian trên
có ít nhất một lần nền dân chủ Hy Lạp bị đe doạ. Đó là năm 404 tcn,
sau cuộc chiến với Sparta, tập đoàn được mệnh danh là 30 người độc
đoán (tyrants) nắm quyền bằng bạo động nhằm xoá bỏ chế độ dân chủ
nhưng thất bại. Plato là người ủng hộ nhóm này nhưng vì không chấp
nhận bạo động nên rút lui.
Vài nét sơ lược về lịch sử cổ đại
Hy Lạp cho thấy hình thái dân chủ được xây dựng ở đó không phải là
kết quả của tư tưởng và lý thuyết từ các triết gia hoặc tư tưởng
gia. Nó ra đời một cách bất ngờ, chỉ xảy ra ở một nơi duy nhất là
Athens trong thế giới cổ đại từ tây sang đông, cho đến khi bị đế chế
của Alenxander và sau đó là La Mã xoá bỏ. Lý do nào để cho nó ra đời
như vậy? Chắc là không có câu trả lời. Thế nhưng nó không hoàn toàn
ngẫu nhiên. Có thể nói lực lượng
kinh tế
là một yếu tố tạo
điều kiện cho nó ra đời.
Trong thời kỳ dân chủ,
Athens đã sống chủ yếu bằng sản xuất và xuất khẩu rượu vang, dầu
olive, hàng thủ công và nhập lúa mì để nuôi dân. Công nghệ như vậy
đã phát triển khá cao. Nó cho phép tạo việc làm để nuôi số dân khá
lớn với một mức
sống khá cao trong xã hội cổ đại.
Đời sống cao này được thể hiện qua các công trình nhà ở và đền đài
hiện còn để lại dấu vết, cũng như qua các công trình văn hoá phát
triển về
nhiều mặt như
triết học, toán học và các khoa học khác, kịch
nghệ và thi ca. Athens có nhà hát kịch, có các đấu trường để tổ chức
các cuộc thi thể thao như olympics, và có giáo dục cưỡng bách hai
năm cho thanh niên (công dân) trên 18 tuổi và có các trường nổi
tiếng như Academy của Platon và Lyceum của Aristotle. Để ta hình
dung thêm về sự giầu có thời đó, Aristotle có thư viện lớn tốn 800
talents,[10]
tính bằng tiền hiện nay (2003) lên tới 22 triệu US, một số tiền khá
lớn so với thư viện trung bình ở đại học Mỹ hiện nay. Dù không hoàn
toàn tin cậy được, con số trên cho thấy thư viện của Aristotle rất
lớn, cũng như tầm quan trọng của việc học và sự giầu có của Athens.
Số người giầu có và có tài sản không phải là ít. Có thể nói chính
đời sống cao như vậy
là lý do giải thích tại sao mà
trong suốt 150 năm không có những cuộc
biến lọan do người
nghèo chủ mưu như đã xảy ra trước
thời kinh điển.
Nói tóm lại, trước khi bị các đế
chế to lớn
nuốt trôi, Athens là quốc gia
thành phố có sản xuất hàng hóa, với ngoại thương phát triển và do đó
có tầng lớp tư sản khá lớn tới mức nuôi sống nổi số lao động tự do
và nô lệ khá đông đảo và xây dựng được
một nền văn hóa rực rỡ. Có thể nói, nó chẳng khác gì quốc gia thành
phố Singapore hiện nay về mặt kinh tế cộng thêm với tư cách một
trung tâm văn hóa của nhân lọai. Nó
không cần và cũng không có khả
năng về dân số gây chiến tranh chiếm đoạt.
Từ các cuộc đấu tranh giai
cấp trong lịch sử, nó đã hình thành một thể chế dân chủ nhằm bảo đảm
tự do sản xuất, thương nghiệp và quyền
công dân. Quyền công
dân này tất nhiên dành riêng cho những công dân nam có tư sản, trong
nhà thì phụ nữ lo việc nhà, sản xuất thì nô lệ lo, các demos đàn ông
do đó có quyền rong chơi bàn và làm chuyện dân chủ.
3. Dân chủ dưới cái nhìn của triết
gia
Nếu dân chủ Athens là kết qủa của
sự cân bằng thế lực giai cấp trong xã hội thì các triết gia như
Socrates, Plato và Aristotle vẫn tỏ ra không mấy hài lòng vì hình
thức dân chủ này không đạt tiêu chuẩn họ đặt ra.
Socrates - Plato
Socrates không để lại tác phẩm nào
do đó tư tưởng của ông ta chỉ là những gì mà Plato, học trò và bạn
ông, thể hiện qua các tác phẩm trong Đối Thoại (Dialogues).
Và cũng vì vậy không thể biết được tư tưởng nào là của Plato và tư
tưởng nào là của Socrates. Nhưng có thể nói hai triết gia trên
là những nhân vật “phản cách mạng” theo cách nói và phân tích của I.
F. Stone.[11]
Theo Xenophone người cùng thời với Socrates viết trong Memorabia
thì Socrates chủ trương quyền hành tuyệt đối của một nhà vua thông
thái (wise king), dựa trên tiền đề là “vai trò của người lãnh đạo là
ra lệnh và vai trò của kẻ bị trị là phục tùng.” “Vua hay người lãnh
đạo là người biết lãnh đạo.”[12]
Ông công kích dân chủ, coi đó là một thể chế quyết định bởi những
người không biết, không có kiến thức, hoặc những doanh thương giầu
có, đầu óc mê muội vì tiền bạc. Không chỉ phát biểu ý kiến, Plato
còn tham gia vào cuộc binh biến nhằm lật đổ chính quyền dân chủ như
đã nói ở trên. Nhiều học trò của Socrates hợp tác với Sparta và tham
gia vào cuộc binh biến. Socrates bị xử tội chết vì công dân dân chủ
(demos) ở Athens lo sợ ông ta sách động thanh niên tham gia các cuộc
bạo động phản cách mạng.
Socrates và Plato là hai nhà tư tưởng thuần lý
cho nên thực tế đối với họ không quan trọng lắm. Theo họ, ý
(ideas) theo nghĩa sự thật, định luật, lý tưởng có tính vĩnh cửu bị
bề mặt của thực tế che dấu cho nên ngũ giác không thể cảm nhận được,
nhưng lại có thể nhận thức được qua lý trí và tư tưởng thông qua đối
thoại. Plato ví thực tế mà con người nhìn thấy giống như các hình
thể mập mờ trên tường mà một người ngồi quay mặt vào lòng hang nhìn
thấy trên tường, do ánh sáng phản chiếu sự thực ở ngoài hang. Cho
nên đối với Plato, đối thoại, triết lý và toán học là phương pháp
luận tìm đến sự thực. Sự thật mà tư tưởng khoa học tìm kiếm phải có
khả năng diễn tả bằng toán học. Toán học là loại suy luận chính xác
và chắc chắn nhất của con người.[13]
Giáo dục là dạy đi tìm ý. Người lãnh đạo thông thái là vua - triết
gia (philosopher king), là người ưu tú nhất của xã hội về tư tưởng,
và những nguời trong giai cấp lãnh đạo cũng phải là những người ưu
tú, được huấn luyện từ nhỏ. Chính vì thế mà Plato chủ trương một thế
giới cộng sản dành riêng cho những người được chọn lựa để trở thành
lãnh đạo toàn hảo. Họ có vợ chung, không có tài sản riêng, sống và
được huấn luyện chung kiểu trại lính bởi vì theo Plato đó là cách
duy nhất để những người này trở nên hiền đức, không tư hào cá nhân,
không ghen tuông, không bị quyến rũ bởi vật chất, không cần biết đến
luật pháp, vì luật pháp cản trở họ làm quyết định trước những thực
tế luôn luôn thay đổi, họ là người có khả năng tư duy để tìm ra sự
thật.[14]
Tư tưởng chính trị của Socrates – Plato xem ra còn quá khích hơn chủ
nghĩa Mao – Pol Pot.
Aristotle
Aristotle, dù là học trò của Plato, đã phản bác
toàn bộ quan điểm của thầy về chính trị và cả triết lý. Aristotle cơ
bản là nhà khoa học thực nghiệm, dù chỉ dựa vào quan sát chứ chưa
biết đến phương pháp kiểm chứng giả thuyết bằng thực nghiệm.[15]
Ông cho rằng để hiểu biết thế giới chung quanh, cần có óc quan sát
và xếp loại. Để viết một điều gì ông ta thu thập những gì đã được
viết về đề tài này, xem xét các ý kiến về đề tài này và tìm hiểu tất
cả những vấn đề liên quan đến đề tài đó. Từ những quan sát, ông ta
đi đến kết luận về định luật. Phương pháp qui nạp (inductive
reasoning) mà ông dùng là một trong những phương pháp khoa học căn
bản của phương tây.
Trong tác phẩm
Politics, Aristotle quan niệm về mục đích cuối cùng của cuộc đời
không phải là làm tốt mà là hạnh phúc. Ông ta viết: “Chúng ta chọn
hạnh phúc vì chính [giá trị tự tại của] nó mà không vì những điều gì
khác; còn khi chúng ta chọn danh dự, khoái lạc, tri thức, ...bởi vì
chúng ta tin rằng chúng làm ta hạnh phúc.”[16]
Polis [quốc gia thành phố - hàm ý quốc gia] là một hội nhập chính
trị nhằm đạt điều tốt đẹp nhất. Nhiều gia đình hội nhập thành làng.
Nhiều làng hội nhập thành polis. Polis phải hội đủ điều kiện để tự
túc nhằm đạt được cuộc sống tốt đẹp. “Polis ra đời vì yêu cầu sống
còn cơ bản, nhưng nó hiện hữu vì mục đích phục vụ cuộc sống tốt
đẹp.” “Con người, theo bản chất tự nhiên, là con vật chính trị” bởi
vì chỉ có nó mới có khả năng trao đổi suy nghĩ về công lý, bất công
và những điều tốt đẹp. Nhà nước dựa trên pháp luật là thiết yếu cho
cuộc sống. “Con người, khi được làm hoàn hảo thêm [ngầm nói qua giáo
dục], là đỉnh cao nhất của loài vật, nhưng khi bị tách khỏi luật
pháp và công lý, nó là con vật tồi tệ nhất...Chính công lý là sợi
dây nối kết con người với nhà nước vì lẽ việc thực hiện công lý là
nguyên lý cao nhất trong một tập thể chính trị.”[17]
Để đạt được hạnh phúc, con người phải dựa vào chức năng duy nhất mà
chỉ con người mới có, đó là: “hoạt động của tâm hồn theo lý trí.”
(activity of the soul according to reason).
Triết lý về chính trị của
Aristotle có thể tóm gọn như sau: Mục tiêu cuối cùng của con người
là hạnh phúc mà hạnh phúc chỉ có thể đạt được trong một xã hội dựa
trên công lý và công lý là kết qủa của hoạt động lý trí ngày càng
được nâng cao bởi giáo dục.
Trên cơ sở triết lý trên,
Aristotle chống lại công hữu bởi vì nó tạo nên tranh chấp quyền lực
khi chính con người đã có khó khăn làm việc chung với nhau. Ngoài ra
nếu có tư hữu thì con người mới quan tâm đến bảo toàn của cải, chia
sẻ với bạn bè và người khác và qua đó mới tạo ra những cái chung một
cách tự nguyện. Cách hay nhất là có những cái riêng để sử dụng
chung, nguồn gốc của hạnh phúc và cơ sở để thực tập đức tính tiết
chế và rộng lượng. Chỉ có giáo dục là Aristotle nhìn khác, nó nên là
trách nhiệm của nhà nước.
Cách chọn lãnh đạo của Plato, theo
Aristotle, nguy hiểm ở chỗ người lãnh đạo sẽ luôn luôn là người lãnh
đạo, nguồn gốc gây ra tranh giành và bản thân họ cũng không hạnh
phúc. Plato nhìn vào sự thông thái hoàn hảo của một cá nhân nhưng xã
hội lại cần hoà hợp giữa con người, gia đình và quốc gia, cho nên
cách nhìn của Plato là phi chính trị.[18]
Luật pháp là dựa trên con người, tình hình của quốc gia và các nước
chung quanh.
Aristotle tuy vậy cũng đề cao tiêu chuẩn chọn lựa
lãnh đạo dựa trên sự xứng đáng (merit) về thông thái, đức hạnh và lý
trí, do đó chủ trương tầng lớp lãnh đạo phải là tầng lớp ưu tú
(aristocrates).[19]
Không thể coi mọi công dân là bình đẳng. Ông nghi ngờ giới làm giầu
từ thương mại và chủ trương gạt họ ra khỏi chính quyền. Qua những
lập luận ông đưa ra trong tác phẩm Politics, ta có thể lên
bảng xếp hạng các dạng thể chế chính trị từ cao đến thấp như sau:
vua/tổng thống (monarchy), tầng lớp ưu tú (aristocracy), cộng hoà
lập hiến (constitutional republic), dân chủ (democracy), tập đoàn
nhà giầu (oligarchy), và cuối cùng là độc tài (tyranny). Rồi sau đó
ông làm bài toán loại trừ. Vua/tổng thống theo ý nghĩa là một lãnh
đạo thông thái là không tưởng. Tầng lớp ưu tú cũng không thể thực
hiện được vì nó không hiện hữu. Dân chủ ai cũng như ai thì là chế độ
của người nghèo, u tối kiến thức. Theo ông, kẻ nghèo thì hay tham
lam, dễ mua chuộc, không thể có tự lập để tự do quyết định.
Tập đoàn nhà giầu, độc tài thì không thể chấp nhận được. Như vậy chỉ
còn một thể chế hiện thực và tốt hơn cả là cộng hoà lập hiến, nhất
là khi nó đại diện cho tầng lớp trung lưu đông đảo nhất. Tầng lớp
này có tư sản cho nên không phải lo lắng về đời sống vật chất hàng
ngày, có giáo dục và do đó không quá tham lam để dễ bị mua chuộc,
còn bọn thương nhân giầu có có thể mua quyền lực. Chỉ có chính quyền
của tầng lớp trung lưu đông đảo hành xử theo luật pháp mới có khả
năng bền vững. Ông đánh giá là với số công dân ngày càng đông thì
chính quyền dân chủ là hình thức có khả năng trở thành hiện thực
nhất. Không thể trả lời câu hỏi chính thể nào là tốt nhất một cách
trừu tượng vì nó còn tùy vào điều kiện hiện thực. Ông nghĩ một nhà
nước không nên lớn quá và cũng không nên nhỏ quá, 10 ngàn công dân
là vừa. Lịch sử của quốc gia thành phố Athens là chuỗi của các chế
độ thay phiên nhau, có khi độc tài (tyranny), có khi dân chủ
(democracy) và có khi là tập đoàn nhà giầu. Tập đoàn nhà giầu leo
lên được là do dựa vào thế ngoại bang Sparta. Độc tài cũng không
sống lâu được vì không có cơ chế quân sự có thể dùng làm phương tiện
đàn áp.
Nói tóm lại tư tưởng của Aristotle
về chinh quyền là một nhà nước dân chủ hạn chế, thiết chế bằng hiến
pháp và pháp luật cho tầng lớp trung lưu. Dân chủ hạn chế theo nghĩa
chỉ có nam công dân, có tài sản, có kiến thức mới được tham gia và
quyết định việc nước. Quan điểm về phụ nữ và nô lệ của Aristotle có
thể bị đánh giá là lạc hậu với suy nghĩ ngày nay chỉ vì trong tất cả
những phạm trù về đạo đức ông không bao giờ nêu vấn đề về nhân phẩm
(human dignity) như là thuộc tính của con người.
Tư tưởng
của Aristotle về chính trị đã nêu lên nhiều vấn đề mà cho đến ngày
nay vẫn là những điều vẫn còn đang được bàn cãi:
-
Có thể có dân chủ khi nhà nước trở nên quá lớn
không? Và như vậy quyền lợi của thiếu số (giai tầng khác nhau trong
xã hội và địa phương) sẽ giải quyết như thế nào? Điều này không phải
chỉ là quan tâm của Aristotle mà của cả J.J. Rousseau sau này trong
tác phẩm
On The Social Contract. Chính vì thế mà Alexis de Tocqueville
khi đi thăm và quan sát nước Mỹ đã tìm thấy ý nghĩa và tầm quan
trọng của các hình thức dân chủ ở cấp dưới quốc gia qua các đoàn thể
đủ loại, hoặc về tôn giáo hoặc liên quan đến các vấn đề mà thành
viên có cùng quan tâm nhằm mục đích tập hợp bảo vệ quyền lợi riêng
hoặc chỉ để chia sẻ kinh nghiệm hoặc chuyên môn. Những loại tổ chức
này ngày nay ta gọi chung là xã hội dân sự một điều mà Tocqueville
đã nhận ra tầm quan trọng trong việc bảo vệ tổ chức xã hội đa dạng,
tránh tình trạng xã hội bị ép vào một mẫu chung. Cũng chính vì thế
mà việc tập trung toàn bộ quyền hành vào chính quyền trung ương hay
tản quyền cho chính quyền địa phương cũng được đặt ra.[20]
Dân chủ có thể trở thành độc tài của đa số nếu như quyền tự do của
cá nhân không được tôn trọng. Cho nên một xã hội đồng thuận đòi hỏi
nó phải giải quyết một cách hợp lý giữa dân chủ và tự do. Chủ nghĩa
tự do quá trớn đi ngược lại sự sống còn của tập thể và sự hiện hữu
của xã hội và quốc gia.
-
Công hữu đưa con người đến việc tập trung tranh
giành quyền lực là chính?
-
Phải chăng việc không có tư hữu làm cho con người
mất khả năng tự túc về đời sống kinh tế cá nhân và gia đình do đó
đưa đến việc họ mất khả năng tự do quyết định?
-
Chính quyền vững mạnh là của giai cấp trung lưu
đa số hay là của thiểu số? Đây là vấn đề sẽ được khai thác trong
phần tới.
II. Từ cơ sở kinh tế
của xã hội đến vấn đề giai cấp và nhà nước dân chủ
1. Thời kỳ phong kiến
Có thể nói hệ thống tư tưởng của
Aristotle chỉ đặt nền móng cho tư tưởng phương tây từ khi giai cấp
tư sản ra đời. Trước đó, nó mất dần ảnh hưởng khi Athens bị chiếm
đóng. Trong thời trung cổ đen tối, sách vở bị thiêu hủy khi xã hội
phương tây bị đặt dưới ách thống trị của Công giáo La Mã . Chế độ
công giáo La mã kéo dài suốt cả ngàn năm là một chế độ không chỉ là
độc tài theo xếp loại của Aristotle mà là độc tài thần quyền dựa
trên phán quyết của giáo hoàng.[21]
Độc tài thần quyền của giáo hội và độc tài của đế chế La Mã phải dựa
nhau để tồn tại. Để giữ uy quyền của giáo hoàng, ngay cả thánh kinh
cũng bị cấm phổ biến vì nó đi ngược với phán quyết của giáo hội La
Mã. Nhưng rồi quyền lợi địa phương dần dần phân hóa đế chế La
Mã. Các nhà nước quốc gia độc lập ra đời đã lấy cở sở đoàn kết là
cải cách tôn giáo, là việc truyền bá và diễn dịch thánh kinh, và rồi
là sự kết hợp giữa việc bành trướng đế quốc quốc gia của giai cấp tư
bản và việc truyền đạo.
Khi hoàn cảnh nền kinh tế còn
thuần nông nghiệp và dựa vào nông nô, người dân chủ yếu là nông nô
không thể tự túc về kinh tế, thì nhà nước phong kiến của giai cấp
chủ nông giầu có với khả năng đàn áp nắm quyền lực là chuyện đương
nhiên. Không chỉ ở Tây Âu, mà còn ở nơi khác cũng thế, nếu một nông
nô nào đó lãnh đạo được đám đông lật đổ được chính quyền tàn ác hoặc
rệu rã nào đó thì họ cũng sẽ chỉ lập lại một thể chế như cũ. Đám
đông nông nô hoặc làm nông nghiệp nhỏ không có khả năng về kinh tế
để trở thành một giai cấp tự nó và cho nó, có nghĩa là nó không thể
có ý thức về vai trò của nó và không có cơ sở kinh tế để thực hiện
vai trò nào đó dù có ý thức. Ai trong đám nông nô ngoi lên được thì
cũng sẽ trở thành chủ nô, hoặc quan văn của thể chế phong kiến.
2. Thời tư sản của cách mạng công
nghiệp
Phong trào vận động dân chủ chỉ ra đời khi giai
cấp tư sản (tư sản lớn và tiểu tư sản) ra đời và lớn mạnh ở các
thành phố thương mại, công nghiệp do phát triển của khoa học kỹ
thuật. Họ đòi hỏi quyền tự do cá nhân, trong đó có tự do kinh doanh.
Những lý thuyết gia của nó cũng như Aristotle là từ những gia đình
hoặc giầu có hoặc tiểu tư sản có đủ phương tiện kinh tế cho con em
mình học hành. Montesquieu thuộc dòng quí tộc, J.J. Reasseau có bố
là thợ làm đồng hồ có khả năng cho con ăn học[22].
Cũng như Aristotle, và bị ảnh hưởng của ông, họ quan sát cuộc vận
động của phát triển xã hội. Nhưng các lý thuyết gia cũng chỉ là
người xem xét sự vận động của xã hội chứ bản thân lý thuyết không
thể đảo lộn hướng vận động của xã hội. Lý thuyết về giai cấp vô sản
nắm chính quyền cũng chỉ đảo lộn được trật tự xã hội một thời gian
nhưng không thể đảo lộn hướng đi của nó.
Quan điểm tư sản khởi đầu bằng
luận thuyết của John Locke (1632-1704) về nguồn gốc của sở hữu là từ
lao động, về tự do cá nhân là quyền tự nhiên của con người, đã gạt
bỏ vai trò lãnh đạo tự nhiên của vua chúa và giới thượng lưu.[23]
Giai cấp trung lưu trong thời diễn ra cuộc cách mạng kỹ nghệ chính
là giai cấp lao động: chủ, thợ và lao động trí thức. Sau đó, tư
tưởng Aristotle đã có cơ hội ảnh hưởng sâu đậm đến Montesquieu và
Rouseau. Montesquieu là nhà lý thuyết về quyền tự do chính trị, hiến
pháp và pháp luật (1748) mà cống hiến quan trọng nhất là phân quyền
tam lập (hành pháp, lập pháp và tư pháp) dù ông ta vẫn chưa chủ
trương xóa bỏ quyền của vua chúa. Lý thuyết về khế ước xã hội của
J.J. Rousseau (1762) coi xã hội là một khế ước mà con người như một
tập thể lập nên. Rousseau là người đi trước Marx, phê phán thể chế
dựa trên tư hữu, và cũng như Aristotle đánh dấu hỏi về giả thuyết
coi quyết định của đa số là đúng đắn, và coi mục đích của chính
quyền là bảo đảm tự do, bình đẳng và công lý cho công dân bất chấp ý
kiến của đám đông. Cuộc vận động dân chủ ở phương tây cho ta
thấy lại thấy tầm quan trọng của nhận xét của Aristotle:
-
Quyền lực nếu muốn thành công và tồn tại lâu bền
phải là quyền lực của giai cấp đông đảo nhất trong xã hội có thể tự
lực và độc lập về kinh tế và có hiểu biết qua giáo dục để làm quyết
định chính trị;
-
Giai cấp đông đảo này chính là giai cấp trung lưu
trong xã hội trong đó có giới trí thức. Họ là thành phần có thể tự
lập về kinh tế, không còn phải sống nhờ vào giáo hội và giai cấp
thượng lưu, do đó có thể phát triển tư tưởng độc lập và ý thức về
vai trò của mình, về giá trị lao động và quyền con người nói chung.
Nói theo kiểu triết học, nó là giai cấp tự nó và cho nó.
-
Nhiệm vụ của nhà nước là nâng mọi người công dân
ở trình độ kinh tế thấp hơn vào giai cấp đông đảo này.
Quan điểm này tất nhiên rất khác
với quan điểm giai cấp của Marx. Và vào thời Marx thì giai tầng này
chưa đông đảo đủ để có vai trò. Với Marx và vào thời Marx, giai cấp
đông đảo nhất là giai cấp lao động cơ bắp, giai cấp làm ra của cải
cho xã hội, nhưng bị giai cấp tư sản nắm phương tiện sản xuất, không
lao động và bóc lột thặng dư. Cũng như nông nô, giai cấp lao động cơ
bắp này chưa bao giờ là giai cấp tự nó và cho nó. Và hiện nay giai
cấp lao động cơ bắp này ngày càng nhỏ đi ở các nước tư bản phát
triển chứ không lớn lên. Nhưng có lúc giai cấp vô sản là đa số, nếu
lật đổ được giai cấp tư sản để nắm chính quyền thì nó không tránh
khỏi việc trở thành chính quyền tư sản. Lý do đơn giản là nó không
phải là giai cấp tự nó và cho nó. Cuộc cách mạng mà Marx đề xướng và
sau đó được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới chỉ là nhân danh
giai cấp vô sản nhưng thực chất chính quyền là từ thành phần thiểu
số tự coi mình là “ưu tú” của xã hội nằm trong đảng tiền phong và
giao cho mình quyền quyết định về luật pháp, chọn lựa ứng cử viên
vào mọi cấp chính quyền. Chính quyền này về cơ bản có thể xếp loại
theo Aristotle vào tầng lớp ưu tú (aristocracy), hoặc là vua/tổng
thống (monarchy) khi chủ tịch đảng hoặc tổng bí thư theo nghĩa vua –
triết gia (philosophy king) của Plato nắm toàn quyền ở các nhà nước
xã hội chủ nghĩa trước đây. Nhưng cũng như Aristotle đánh giá, tầng
lớp ưu tú và vua – triết gia theo đúng nghĩa của nó là không tưởng,
không hiện thực. Tính ưu tú, nếu có, cũng dần mất đi để thay thế
bằng tranh dành quyền lực cá nhân. Hơn nữa thể chế này không có cơ
sở kinh tế để tồn tại nếu không dùng đến các biện pháp đàn áp.
III. Thử nghé mắt
nhìn tương lai
Dù nhìn cách nào thì vấn đề phân
tích giai cấp và đấu tranh giai cấp của Marx là phương pháp luận
quan trọng nhất để phân tích sự vận động của xã hội. Và đó cũng là
phương pháp biện chứng duy vật mà Marx chủ trương. Tuy nhiên từ
phương pháp biện chứng duy vật để rút ra một kết luận thì kết luận
đó cũng chỉ là giả thuyết cần có thực tế trong tương lai kiểm chứng,
nếu không nó phản khoa học, không khác gì phương pháp tư duy đi tìm
“ý” bằng đối thoại duy lý của Plato hay biện chứng duy lý của Hegel
sau này.
Ở các nước phát triển hiện nay,
giai cấp lớn nhất là trung lưu, trong đó có lao động cơ bắp, nhưng
lao động có trí thức trong các hoạt động dịch vụ đang trở thành tầng
lớp đa số.[24]
Tầng lớp này dùng tri thức là chính, dù đi làm công, nhưng có quyền
lựa chọn, không phải gắn mình vào một ông chủ, có đời sống kinh tế
tự lập, có kiến thức và do đó có thể nói nó là giai cấp tự nó và cho
nó. Tầng lớp này ở một nghĩa nào đó cũng phù hợp với quan điểm của
Marx về giai cấp nắm phương tịện sản xuất, theo nghĩa nắm vốn tư bản
sản xuất. Hiện nay họ tham gia vào việc nắm sở hữu tư bản thông qua
sở hữu cổ phần công ty, nhưng về thực tế chưa thể hiện được quyền
làm chủ của mình. Thể chế tồn tại được khi chính quyền là từ họ và
đại diện cho quyền lợi của họ. Giai cấp này ngày càng trở thành giai
cấp tự nó và cho nó, cho nên nó không thể không ý thức về mục tiêu
cuối cùng của con người mà Aristotle bàn đến là hạnh phúc, mà hạnh
phúc chỉ có thể đạt được trong một xã hội dựa trên công lý và công
lý là kết qủa của hoạt động lý trí ngày càng được nâng cao bởi giáo
dục. Phân tích về giai cấp lao động trí thức và xã hội dựa chủ yếu
vào trí thức trong tương lai đã là đề tài của nhiều người, một thứ
khoa học viễn tượng, giả thuyết. Nhưng dù là khoa học viễn tượng, nó
cũng là điều đáng làm. Tuy không phải là đề tài của bài viết
này, cũng nên phác hoạ vài nét về nền kinh tế Mỹ hiện nay. Sự
phát triển của hoạt động dịch vụ ở đây đã lên trên 70% thu nhập quốc
dân (GDP) và được điều động chính bởi tài sản tài chính. Đây là điều
Marx chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của chúng nên đã chỉ tập
trung vào phân tích sản xuất vật chất và coi dịch vụ là thuộc phạm
trù phi sản xuất. Tư bản hiện nay có thể nói là đã đi qua thời làm
chủ trực tiếp phương tiện sản xuất mà tập trung làm chủ phương tiện
tài chính. Làm giầu nhanh chóng có thể do các phát minh có ảnh hưởng
lớn đến năng xuất hoặc tạo ra các hàng hóa mới, không còn dựa vào
bóc lột lao động trực tiếp; nhưng chủ yếu làm giầu nhanh chóng ngày
nay là do việc tạo ra thế độc quyền về tư bản tài chính, tạo giá trị
ảo ở thị trường tái chính rồi ăn chênh lệch giá tài sản, có nguồn
gốc từ những người có sở hữu.[25]
Vai trò của lao động tri thức và thể chế tương lai của một nền kinh
tế trí thức trong tương lai cùng với sự vận động của tư bản tài
chính là điều đáng tìm hiểu.
Đối với một số nước mà thần học
ngày càng đóng vai trò gìn giữ nhân phẩm và lòng tự hào về văn hóa
và dân tộc thì vấn đề dân chủ theo nghĩa chọn lựa theo đa số hẳn
không phải là con đường mang lại hạnh phúc và công lý cho đám đông,
mà là mang tới cho con người một ách đô hộ mới, đồng thời tước bỏ
quyền của thiểu số. Tư tưởng vận động cho một nhà nước thần học hoặc
đậm tính thần học này không chỉ đã và đang xảy ra ở các nước Hồi
giáo mà ngay cả ở Mỹ, với tổng thống Bush. Thể chế thần quyền tất
nhiên cũng không có cơ sở kinh tế để tồn tại dài lâu. Trường hợp
tranh đấu cho dân chủ ở Iran hiện nay là điển hình. Vấn đề chọn lựa
dân chủ của đám đông u tối chính là lý do mà Aristotle phủ nhận dân
chủ về mặt lý trí, nhưng đồng thời lại chấp nhận đó là giải pháp
thực tế tốt nhất. Cũng như Aristotle, tất nhiên nhà nước Mỹ hiện
nay, hơn ai hết nhận thức được hệ quả của chương trình vận động
phất cao ngọn cờ dân chủ. Nhưng không như
Aristotle, nơi nào Mỹ phất và không phất ngọn cờ dân chủ còn tùy
theo đòi hỏi của thực tế nhằm mục đích bảo vệ quyền thống trị riêng.
Cho nên họ phất ngọn cờ này rất ác liệt đối với Trung Quốc, Việt
Nam, Cuba và Liên Xô trước đây nhưng lại dẹp ngọn cờ này, đứng sau
lưng các thể chế độc tài trước đây và hiện nay như đối với Pakistan,
Afghanistan, Iraq, Saudi Arabia, Ai cập, v.v.
Ở Việt Nam hiện nay, nếu nhìn vào
số lao động thì giai cấp lớn nhất, chiếm đến gần 80% dân số là nông
dân với tầm tri thức nằm cao nhất là ở trình độ giáo dục cơ bản, đời
sống kinh tế chỉ tạm đủ ở mức nghèo khổ nên nó không thể là giai cấp
tự nó và cho nó về mặt kinh tế và tư tưởng. Giai cấp lao động cơ bắp
còn nhỏ bé và bản thân nó dù có lớn lên trong tương lai cũng không
phải là giai cấp tự nó và cho nó như đã xảy ra ở các nước tư bản
phát triển. Và khi nó lớn lên về số lượng thì nó sẽ trở thành một
phần của giai cấp trung lưu có tư sản và tri thức. Cho nên nhà cầm
quyền hiện nay, dù chỉ là “nhân danh giai cấp,” và không cần đến bạo
lực trấn áp, vẫn có thể tồn tại nếu như nó phục vụ quyền lợi của số
đông dân chúng, nhất là khi nông dân dù còn nghèo khổ nhưng đã có
đời sống được nâng cao hơn xưa rất nhiều. Tính nhân danh này cũng đã
được hổ trợ bằng sức nặng của một quá khứ đóng góp vào công cuộc
giải phóng đất nước. Tuy vậy chỉ cần thêm một vài thế hệ nữa là
những nguời lãnh đạo sẽ không còn có quá khứ để bám vứu, và người
dân cũng không còn nhìn về quá khứ mà nhượng bộ. Tự do kinh doanh đã
mở cửa cho người dân có cơ hội độc lập trong hành động và tư tưởng,
vì bát cơm không còn do nhà nước ban phát như trước kia. Ý thức về
giai cấp sẽ lớn dần khi giai cấp trung lưu lớn mạnh và nếu phát
triển như hiện nay thì giai cấp này sẽ nhanh chóng trở thành giai
cấp tự nó và vì nó. Quyền lực chỉ có tính “nhân danh,” tự chọn lựa
nhau, trên lý thuyết là dựa vào tính “ưu việt” của những người “ưu
tú”, nhưng thực tế nếu chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại của tính nhân
danh, thì quyền lực đó không có khả năng tồn tại lâu dài. Điều này
đã xảy ra ở Đài Loan, Nam Triều Tiên và Thái Lan. Tất nhiên, ở một
mức độ nào đó, nhà cầm quyền hiện nay cũng ý thức về tính “nhân
danh” của mình nên đã phải thay đổi, chấp nhận một số quyền tự do và
mở rộng dân chủ, vừa có tính tự nguyện vừa bị khách quan bó buộc
phải thay đổi. Nhận xét này tất nhiên là giả thuyết và chắc chắn là
sẽ có người phản bác.
Mục đích cuối cùng của chính quyền là mang lại hạnh
phúc và công lý cho công dân như Aristotle nói. Dân chủ chỉ là
phương tiện. Muốn có dân chủ thì trước tiên người công dân phải có
tự do để có đời sống kinh tế tự chủ, tức là có tư sản cho phép họ có
tri thức thông qua giáo dục để làm quyết định chọn lựa độc lập. Muốn
có tự do thì tất nhiên phải có nhà nước độc lập. Và khi nói
đến mang lại hạnh phúc và công lý cho công dân thì không thể quên
cái đuôi của nhóm từ “thể chế kinh tế thị trường có định hướng xã
hội chủ nghĩa” nếu nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa là công
lý theo quan điểm của Aristotle. Con người sinh ra không bình đẳng
về thể chất sinh lý, về trí tuệ, về hoàn cảnh gia đình, cho nên công
lý đòi hỏi định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo bình đẳng về cơ hội,
phân phối lại tài sản để nâng đời sống cho những người thiệt thòi.
Thể chế tư bản cũng thay đổi vì áp lực đấu tranh của những người tin
vào định hướng xã hội chủ nghĩa này. Càng nhìn vào nước Mỹ
hiện nay, không thể không thấy sự quan trọng của cái đuôi này. Tất
nhiên cái đuôi này không mang ý nghĩa nhân danh tính ưu việt của
tầng lớp ưu tú.
08 tháng 7 năm 2003
Vũ Quang Việt
[1]
Chuyên viên thống kê kinh tế, Statistics Division, Liên Hợp
Quốc. Tác giả bài viết xin cám ơn giáo sư Cao Huy Thuần đã
đọc và góp ý kiến quí báu nhằm hoàn chỉnh hơn bản thảo đầu,
cũng xin cám ơn anh Ái Việt đã sửa dùm nhiều lỗi chính tả.
[2]
Nếu dân chủ
là nhằm nói về nguyên tắc quản lý việc tham gia điều hành dù
dưới hình thức chính quyền nhà nước hay một tổ chức hay hiệp
hội nào đó thì cộng hoà là nhằm nói về thể chế về
người đứng đầu nhà nước dân chủ. Chẳng hạn vương quốc Anh,
Hà Lan, Bỉ, có Vua hoặc Nữ Hoàng đứng đầu nhà nước, do cha
truyền con nối nhưng thực ra họ không còn chút quyền nào
đáng kể nên dù không gọi là cộng hòa, các nhà nước này không
khác gì một nhà nước cộng hòa.
[3]
Người ta thường nói về ảnh hưởng tư tưởng của John Locke đối
với các cha đẻ của Hiến pháp Mỹ về bảo vệ tự do cá nhân
trong đó quyền tư sản là quan trọng nhất, hạn chế tối đa
quyền của nhà nước, và quyền lập đổ chính phủ nếu chính phủ
vi phạm công ước xã hội (social contract) về quyền tự nhiên
của công dân. Nhưng rõ rang là tư tưởng phân quyền khá triệt
để ở Mỹ là do ảnh hưởng của Montesqieu.
[4]
Aristotle nói về Solon và toà án nhân dân (the courts are
popular) trong chương 12 của quyển
Politics. Có lẽ đây là xử theo bồi thẩm (jury) bỏ phiếu
quyết định.
[5]
The Athenian Constitution, Great Books, Volume 9,
Aristotle: Volume II, Britannica, US 1952.
[6]
Tổ chức ở cấp dưới là demes cũng khá phức tạp.
[7]
Từ ostracism ra đời vì cách bầu là dùng mảnh sành gọi là
ostra.
[9]
Will Durant, The Story of Philosophy, the Pocket
Library, New York, 1995, tr.4.
[10]
Will Durant, như trên, tr. 54. Talents là đơn vị đo lường
tiền tệ thời cổ đại ở Hy Lạp và La Mã sau này. Durant tính
giá trị của 800 talents là 4 triệu US năm 1955, tương đương
22 triệu năm 2003 khi chuyển đổi bằng cách dùng chỉ số giá ở
Mỹ.
[11]
I.F. Stone, The Trial of Socrates, Anchor Books, New
York, 1989.
[12]
I.F. Stone, như trên, trang 12.
[13]
G. C. Field, The Philosophy of Plato.
[15]
Có thể nói
Aristotle là nhà san định, phân loại hoặc viết về toàn bộ
khoa học về sinh học, vật lý, khí hậu học, thi ca, chính
trị, siêu hình học, tâm lý học, logic, đạo đức học, mỹ học,
v.v. Những gì còn sót lại không khác gì một bộ bách khoa
toàn thư cỡ lớn. Nhiều từ ngữ về khoa học đang dùng hiện nay
là xuất phát từ Aristotle. Lưu truyền rằng Aristotle đã viết
từ 400 đến hàng ngàn tác phẩm. Dù số tác phẩm thực viết như
thế nào chưa biết nhưng chỉ nhìn những tác phẩm còn lại cho
đến ngày nay thì trước tác của ông ta quả là lớn lao.
[16]
Nicochamean Ethics, Book 1, chapter 7, Great Books, Volume
9, Aristotle: Volume II, Britannica, US 1952.
[17]
Politics, Book 1, chapter 2, Great Books, Volume 9,
Aristotle: Volume II, Britannica, US 1952.
[18]
Politics, Book 2, Great Books, Volume 9, Aristotle:
Volume II, Britannica, US 1952: .
[19]
Aristocrates, aristocracy dịch là ưu tú, thay vì thượng lưu,
thì mới đúng ý của Aristotle.
[20]
Tất cả những vấn đề của
một nền dân chủ nhiều thành phần này đã được Robert A. Dahl
xem xét khá kỹ trong tác phẩm nổi tiếng:
Dilemmas of Pluralist Democracy, Autonomy vs. Control,
Yale University Press, New Haven, 1982.
[21]
Chỉ đến năm đến năm 1225
mới tìm lại được tác phẩm của Aristotle trong thư viện của
người Hồi giáo và được dịch ra tiếng Latin. Chính tu sĩ công
giáo St. Thomas Aguinas
(1225-1274) là người dịch Aristotle từ tiếng Hy Lạp ra tiếng
Latin. Ông là người bảo vệ Aristotle, bảo vệ khoa học và lý
luận chống lại các nhà thần học khác coi Aristotle là không
phù hợp với thiên chúa giáo trong
Summa Theologica nhưng lý luận thần học vòng thúng của
Aguinas chẳng giúp gì cho sự phát triển của khoa học. Từ St.
Thomas Aguinas đến J.J. Rousseau (1762) mất thêm 500 năm
nữa. Đó cũng chính là vì cơ sở kinh tế chưa ra đời, cho phép
một cuộc cách mạng tư tưởng.
[22]
Great books, Volume 38, Montesquieu, Rousseau,
Britannica, 1952.
[23]
Đã được thảo luận trong bài viết trong hội thảo Lìège
(1999): Cơ Sở Triết Lý Và Kinh Tế Chính Trị Của Sở Hữu.
[24]
Thành phần lao động trí thức hiện nay ở Mỹ năm 2000 chiếm
tới 25.6% tổng lao động nếu tính dựa theo số lao động tốt
nghiệp đại học.
[25]
Mặc dù ở Mỹ đã có hơn 50% hộ gia đình có sở hữu cổ phần,
nhưng sức mạnh bị phân tán. Tuy nhiên, khi nhìn nguồn tài
chính từ quĩ hưu trí, chiếm tới 38% tổng tiêu sản (số tiền
đóng góp vào nguồn vốn đầu tư của xã hội) – theo US Reserse
Bulletin, summary of financial assets and liabilities, ta
thấy khả năng kiểm soát thị trường tài chính của nguồn vốn
từ dân này không phải là nhỏ. Sự dối trá trong các hoạt động
tài chính được phát hiện năm 2000-2002 cũng làm nhiều người
đã đặt lại vai trò thụ động của các quĩ hưu trí.
© 2004 Thời Đại Mới
Posted in: Chính Trị,Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét