Quách Duy Bình - BM Sư phạm Pháp Văn
1. MỞ ĐẦU
Khi
ta cầm trên tay ngọn nến đang cháy và di chuyển liên tục về phía trước
thì ta thường lấy bàn tay che phía trước cây nến để cho nó khỏi tắt, có
lẽ vì thế mà Khổng Tử mới nói một cách hình ảnh như sau : “Kinh nghiệm
là ngọn nến, nó chỉ soi sáng người cầm nó mà thôi”. (*)
Tuy
nhiên chúng tôi tự hỏi ngọn lửa kinh nghiệm, ví dụ về giảng dạy văn
học, lẽ nào chỉ để soi sáng một người mà thôi. Muốn cho ngọn lửa kinh
nghiệm soi sáng được nhiều người, chúng tôi nghĩ trước tiên nó phải được
khơi dậy bằng chính những suy nghĩ của người có kinh nghiệm, kế đến nó
phải được bổ sung bằng những kiến thức của người đi trước, cụ thể là
trong sách vở.
Và đó là lý do khiến cho bài viết này ra đời.
2. ĐẾN VỚI VĂN HỌC
Nhìn chung,
người học đến với văn học là đến với lịch sử văn học, với lí luận văn
học, với phê bình văn học, và nhất là đến với tác giả và tác phẩm.
Đến
với lịch sử văn học là đến với từng thế kỷ hoặc đến với các trào lưu
văn học để hiểu hơn về các trào lưu văn học khác nhau như cổ điển, lãng
mạn, hiện thực, tự nhiên, tượng trưng, siêu thực, v.v. Đến với lí luận
văn học là để hiểu sâu thêm cơ sở lí luận văn học, chức năng văn học,
thể loại văn học, tác phẩm văn học, phương pháp sáng tác, v.v. Đến với
phê bình văn học bằng cách đọc các bài phê bình văn học để nắm bắt các
khía cạnh khác nhau của tác phẩm văn học, phê bình dựa trên tiểu sử tác
giả hoặc văn hoá lịch sử thời đại, mà cũng có phê bình theo xã hội học,
theo phong cách học, theo thi pháp học, theo phân tâm học, theo chủ
nghĩa ấn tượng, v.v.
Người
học còn đến với tác giả và tác phẩm để học, để thi cử, mà cũng có thể
để giải trí, để thoả tính tò mò, để hiểu thêm ý nghĩa cuộc sống, để giao
tiếp với tác giả, để hiểu người khác hơn, để cảm thông và chia sẻ cùng
họ, hoặc để suy ngẫm, thưởng thức, để sau đó bắt tay vào viết hay sáng
tác nếu cần hoặc thích, vì suy cho cùng giữa đọc và viết có mối quan hệ
tương tác, nhưng trước tiên là để đọc.
Đọc
tác phẩm văn học có thể là đọc tác phẩm trọn vẹn mà cũng có thể là đọc
trích đoạn, đọc từng phần từng chương, nói chung là đọc văn bản văn học.
3. TIẾP CẬN VĂN BẢN VĂN HỌC
Văn
bản văn học là văn bản nghệ thuật, nhìn chung có hình thức gắn bó chặt
chẽ với nội dung, có ngôn ngữ đa nghĩa đa sắc màu, và có hình tượng.
Muốn đọc hiểu được văn bản văn học không phải dễ, muốn thưởng thức hết
các giá trị nghệ thuật tư tưởng trong văn bản văn học càng không dễ chút
nào, do vậy người học cần thường xuyên đọc tác phẩm văn học, chẳng hạn
từ ngắn đến dài, từ dễ đến khó, bằng tiếng mẹ đẻ hay bằng tiếng nước
ngoài nếu có thể, qua đó rèn luyện tư duy lí luận, năng lực phán đoán,
trí tưởng tượng và đặc biệt là cách đọc hiểu, dù trong trường hay ở nhà,
với thầy cô hay tự học.
Vậy cách đọc hiểu đó như thế nào ?
Cách
đọc hiểu đó nếu là một phương pháp thì phải tuân thủ một hệ thống các
bước tiến hành trong việc đọc văn bản văn học sao cho đạt được hiệu quả
cao. Hệ thống đó, phương pháp đó phải phù hợp với từng thể loại văn học
bởi vì, như chúng ta biết, thể loại văn học thì có nhiều, nhìn chung có
thơ, truyện, kịch, kí, luận. Mỗi thể loại lại có những đặc điểm riêng
nên cách tiếp cận, cách cảm thụ, cách phân tích mỗi thể loại cũng riêng
biệt. Như vậy, khó có một phương pháp đọc hiểu duy nhất đạt hiệu quả cao
nào để áp dụng chung cho tất cả các thể loại văn học.
Thật
vậy, đến với văn bản thơ, người đọc thường chú ý hình ảnh, âm thanh,
nhịp điệu. Đến với văn bản truyện hay tiểu thuyết, người đọc chú ý nhân
vật, cốt truyện, mạch tự sự. Đến với văn bản kịch, người đọc tập trung
chú ý vào xung đột, hành động, đối thoại giữa các nhân vật. Nói gọn lại,
mỗi thể loại văn học cần có phương pháp đọc hiểu riêng. Ví dụ :
● Phương pháp đọc hiểu văn bản thơ :
1. quan sát (từ vựng, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cú pháp...)
2. diễn giải, giải thích (văn bản có khả năng có nhiều nghĩa)
3. bình giải (có thể bằng thuyết trình)
● Phương pháp đọc hiểu văn bản truyện hay tiểu thuyết :
1. trước khi đọc (quan sát, đưa ra giả thuyết, chẳng hạn)
2. thăm dò tình huống ban đầu (đọc kỹ những dòng đầu, trang đầu)
3. đọc khám phá (nhân vật, đối thoại, mạch tự sự...)
4. sau khi đọc (phát huy trí tưởng tượng, sáng táo)
● Phương pháp đọc hiểu văn bản kịch :
1. khám phá văn bản (tiếp xúc sơ khởi)
2. thám hiểm văn bản (tiếp xúc kỹ để hiểu tốt hơn)
3. suy nghĩ về văn bản (tự mình khám phá ý nghĩa của văn bản)
4. diễn giải văn bản (xem xét thật chi tiết mang tính thực tiễn theo góc nhìn trình diễn)
Tuy
khó có thể có duy nhất một phương pháp đọc hiểu với kết quả cao áp dụng
cho mọi thể loại văn học thì vẫn không tránh khỏi có người chủ trương
một phương pháp đọc hiểu duy nhất cho mọi thể loại. Đó là phương pháp
đọc hiểu tổng quát. Nhưng dù tổng quát hay riêng biệt thì mỗi phương
pháp thiết nghĩ đều phải đề ra các bước tiến hành nhịp nhàng. Do đó có
lẽ cần phải phân biệt phương pháp đọc hiểu với tập hợp các chủ điểm cần
chú trọng trong đọc hiểu văn bản văn học, bởi vì phương pháp là hệ thống
các cách hay các bước tiến hành, còn tập hợp các chủ điểm là tập hợp
các nội dung chủ yếu cần chú trọng trong đọc hiểu. Ví dụ : từ vựng, cú
pháp, nhạc điệu bài thơ, hình ảnh tu từ, hình tượng nhân vật, hình tượng
không gian, hình tượng thời gian là tập hợp các chủ điểm cần chú trọng
trong đọc hiểu văn học. Ta thử so sánh :
Các chủ điểm |
Các bước tiến hành
|
1. đọc hiểu ngôn từ |
1. quan sát (từ vựng, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu, cú pháp...) |
2. đọc hiểu hình tượng nghệ thuật |
2. diễn giải, giải thích (văn bản có khả năng có nhiều nghĩa) |
3. đọc hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả |
3. bình giải (có thể bằng thuyết trình) |
Từ
so sánh trên chúng ta rút ra kết luận: bên cạnh cách đọc theo các bước
tiến hành cần thiết còn có cách đọc chú trọng đến các chủ điểm. Kết luận
này giúp chúng ta có thêm một số chủ điểm như :
1. Bản chất văn bản:
- văn xuôi / văn vần
- lời kể / lời thoại
- số lượng đoạn văn và sự cân đối giữa chúng
2. Loại văn bản:
- tiểu thuyết (truyện, kí, luận...)
- kịch (hài kịch, bi kịch, chính kịch...)
- thơ (thơ hình thức cố định, thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần...)
3. Kiểu văn bản:
- kiểu tự sự
- kiểu miêu tả
- kiểu biện luận
- kiểu giải thích
Với
những chủ điểm vừa nêu cộng với những chủ điểm đã nêu trong bảng so
sánh trên đây, chúng ta hiểu rằng người đọc nếu muốn đọc hiểu được văn
bản văn học thì cũng cần chú ý tìm hiểu các chủ điểm.
Và
với tinh thần chủ động tích cực trong học tập, chúng tôi nghĩ bất cứ
người học nào cũng cần biết nêu một số câu hỏi để sau đó tự tìm lấy câu
trả lời. Chẳng hạn, để hiểu tình huống hình thành phát ngôn, người học
có thể tự hỏi: việc đó xảy ra ở đâu? xảy ra khi nào? bao nhiêu nhân vật?
họ tên là gì? làm gì? nói gì? ai nói? với ai? Làm được vậy, người học
chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì nghĩ mình không bị gò ép, vì thấy
mình được tự do tìm hiểu lấy vấn đề.
Sau
cùng, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết rằng quan trọng không kém
đó là vấn đề không đơn thuần làm sao để hiểu, mà còn là hiểu được gì,
hiểu tới đâu, hiểu như thế nào, cách hiểu ấy có chấp nhận được hay
không, v.v…
4. THAY LỜI KẾT
Chúng tôi có lần cho sinh viên đọc một đoạn trích trong vở kịch “La Cantatrice chauve” (Nữ ca sĩ hói đầu, 1950)
của nhà văn người Pháp Eugène Ionesco. Trong trích đoạn này có hai nhân
vật cao tuổi, đó là ông bà Martin. Hai vị này có đứa con rất đặc biệt:
một con mắt của nó thì đỏ và một con mắt thì trắng. Khi sinh viên đọc
tới đó thì có người phản ứng ngay, có phần như tẩy chay, bởi thấy quá ư
kỳ dị, trong thực tế không thể có chuyện như thế được. Còn chúng tôi thì
tự hỏi nếu muốn thật sự tiếp cận văn bản văn học liệu có nên phản ứng
như vậy không. Nếu không thì phải như thế nào? Để trả lời câu hỏi này,
có lẽ chúng ta cũng nên biết qua câu chuyện sau:
Văn
Đạo là một du tăng, vì lòng ngưỡng mộ đạo phong của thiền sư Huệ Huân,
nên không quản trèo non lội suối, vượt ngàn dặm đến tham bái.
Văn Đạo nói: “Mạt học Văn Đạo vốn mộ đạo phong của ngài từ lâu. Nay tìm đến đây xin ngài mở lượng từ bi khai ngộ cho!”
Huệ Huân: “Bây giờ trời đã tối, ngươi hãy tạm lưu lại đây đã!”
Sáng
hôm sau, khi Văn Đạo tỉnh giấc, đã thấy sư Huệ Huân đang nấu cháo. Lúc
chuẩn bị ăn, vì trông động thiếu bát, nên sư Huệ Huân liền với tay ra
ngoài nhặt một chiếc đầu lâu khô, múc đầy cháo đưa cho Văn Đạo. Khi Văn
Đạo còn đang chần chừ không biết có nên tiếp lấy cái bát cháo đáng sợ đó
hay không thì sư Huệ Huân nói ngay:
“Ngươi không có đạo tâm, không thực sự đến đây vì đạo pháp. Ngươi lấy sự phân biệt thanh tịnh - ô uế và yêu - ghét để xử sự tiếp vật. Như vậy thì làm sao có thể đắc đạo?” (theo Chan Gushi - đăng trên KTNN số 623 ngày 01.12.2007).
Câu
chuyện nhỏ trên đây có thể giúp ta hiểu được rằng muốn thật sự tiếp cận
văn bản văn học thì không nên phản đối khi vừa mới tiếp cận mà nên bình
tâm chấp nhận những gì còn khác với ý mình. Bởi nếu không bình tâm tĩnh
trí thì làm sao cảm thụ, làm sao lĩnh hội cho được. Đến với văn bản văn
học cũng không thể bằng sự phân biệt dở hay, tốt xấu, mà bằng cái tâm
trong sáng, cái trí thông minh, thiết tưởng đó mới là cách tiếp cận văn
bản văn học một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Còn
sau đây là lời khuyên của chuyên gia, ta nên tham khảo: “Hãy mở trái
tim và tâm hồn để đón nhận các nhân vật, tạm hoãn mọi sự nghi ngờ (nếu
có) về các tình tiết của tác phẩm. Đừng vội phản đối hành động của nhân
vật trước khi bạn thật sự hiểu tại sao họ làm như vậy. Cố gắng hết mức
có thể để sống trong thế giới của nhân vật đó chứ không phải thế giới
của bạn. Ở đó, những gì nhân vật làm sẽ trở nên dễ hiểu hơn với bạn. Và
cũng đừng xét đoán tổng thể thế giới trừ phi bạn chắc chắn mình đã
« sống » trong thế giới ấy với tất cả con người bạn.” (Đọc sách như một nghệ thuật, Mortimer J. Adler và Charles Van Doren, Nxb Lao động, 2008, tr. 206).
--------------------------------
(*) Câu nói này chúng tôi dịch từ câu tiếng Pháp : L’expérience est une bougie qui n’éclaire que celui qui la porte. (nguồn : Internet)
Tài liệu tham khảo
1. Hà Minh Đức (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 2003
2. Nguyễn Thanh Hùng, Đọc và tiếp nhận văn chương, Nxb Giáo dục, 2002.
3. Mortimer J. Adler và Charles Van Doren, Đọc sách như một nghệ thuật, Nxb Lao động, 2008.
4. A. Séoud, Pour une didactique de la littérature, Hatier/Didier, Paris, 1997.
5. F. Cicurel, Lectures interactives, Hachette, Paris, 1991.
6. J. Simon, Au théâtre, Paris, Hachette, 1988.
(Bài đã đăng trên tập san THÔNG TIN KHOA HỌC Trường Cao Đẳng Cần Thơ số 7 tháng 4-2011).
Posted in: Văn Học
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét