Tác giả: Đỗ Duy Hiếu
Nếu như bà Hillary Clinton vượt qua được các ứng cử viên Tổng thống ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ và ứng cử viên của Đảng Cộng hòa thì chỉ trong vòng 8 năm, Đảng Dân chủ đã làm được 2 việc hết sức bất ngờ trong lịch sử nền chính trị Hoa Kì. Đó là: Một, vào năm 2008 lần đầu tiên sau hơn 200 năm một người Mỹ da màu, lại sinh ra trong một gia đình bình thường không phải thuộc giới tinh hoa chính trị Hoa Kì được bầu làm Tổng thống. Hai, năm 2016 sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ có 1 Nữ Tổng thống.
Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai 2 năm nữa. Trước mắt, trong cuộc chạy đua vào vị trí quyền lực nhất nước Mỹ mà bà nhiều khả năng tham gia, đâu là những lợi thế cũng như điểm yếu mà bà có thể gặp phải?
Ưu thế của Hillary Clinton
Thứ nhất, khi nhắc đến cái tên Hillary Clinton, người ta dễ liên tưởng ngay đến Sir Edmund Percival Hillary – 1 trong 2 người đầu tiên chinh phục thành công nóc nhà của thế giới – đỉnh Everest. Cái tên nói lên ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách của thiên nhiên và vượt qua chính mình để lên tới đỉnh cao, ở đây là đỉnh cao quyền lực của một Tổng thống Mỹ. Bà là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống hôn nhân của mình sau vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky do chồng bà gây ra khi còn đang đương nhiệm. Bà đã chứng tỏ tài năng và sự khéo léo của mình không những quân bình được cuộc sống riêng tư mà còn vượt qua để xây dựng cho mình một sự nghiệp hết sức vẻ vang.
Thứ hai, bà từng là Thượng nghị sỹ bang New York, nguyên Đệ nhất Phu nhân Hoa Kì (1993-2001) và Cựu Ngoại trưởng Mỹ (2009-2013) dưới chính quyền Tổng thống B. Obama – người từng là đối thủ cạnh tranh của bà trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 trong nội bộ Đảng Dân chủ. Điều đó cho thấy chiều rộng và chiều sâu kinh nghiệm chính trường của bà.
Ở 2 vị trí có quyền lực về chính trị này, người ta biết đến Hillary với tính cách là 1 con người năng động, hoạt động vì cộng đồng, đóng góp thiết thực vào củng cố chính quyền của chồng bà cũng như vị Tổng thống đương nhiệm và vị thế của nước Mỹ trên thế giới. Năm 1993, khi bước chân vào Nhà Trắng, bà là Đệ nhất Phu nhân đầu tiên của Mỹ có bằng Thạc sỹ và thành công trong nghề nghiệp chuyên môn – Luật sư. Bà tích cực tham gia các Ủy ban và Chương trình cải cách, chăm sóc sức khỏe (những người phản đối gọi là Hillarycare).
Năm 2009, khi trở thành Ngoại trưởng, người ta đánh giá Obama – Hillary sẽ trở thành một cặp đôi ăn ý tạo ra bước ngoặt trên chính trường và thiết lập lại trật tự bên trong và bên ngoài nước Mỹ. Trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong vòng 4 năm, bà đã đi thăm 112 quốc gia với quãng đường bay xấp xỉ 1 triệu dặm, trở thành Ngoại trưởng công du nhiều nước nhất trong lịch sử Mỹ và trên thế giới.
Về mặt quân sự, bà Clinton ủng hộ rút quân khỏi Iraq nhưng không rút quân khỏi Afghanistan; thành công trong việc cô lập Iran và xây dựng một liên minh nhằm lật đổ Gadhafi. Về các vấn đề xã hội, bà đã thiết lập các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trị giá 1,2 tỷ USD nhằm trợ giúp các phụ nữ; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Đó là điểm cộng để cựu Ngoại trưởng giành được số phiếu đến từ các cử tri nữ khi tranh cử Tổng thống.
Bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Mỹ và những chính khách có thời gian làm việc, tiếp xúc với bà. Trong cuộc bầu cử năm 2012 giữa lúc cuộc vận động tranh cử Tổng thống đang trong giai đoạn cam go và quyết liệt nhất giữa ông Obama và ông Mitt Romney thì có một câu hỏi đặt ra là: Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Clinton chứ không phải ông Obama thì liệu bà Clinton có thắng không? 70% những người được hỏi khẳng định bà sẽ chiến thắng áp đảo ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa. 70% là tỉ lệ tín nhiệm cao nhất đối với một chính khách trong 20 năm qua trên chính trường Mỹ và đó là 1 con số mà bất cứ chính trị gia Mỹ nào cũng mơ ước đạt được.
Theo kết quả thăm dò dư luận Quinnipiac Poll tháng 11 vừa qua, Hillary Clinton đứng đầu trong các lựa chọn của đảng Dân chủ, chiếm 57% cho ứng cử viên Tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016. Bên cạnh đó, bà nhận được nhiều lời ca tụng từ các thành viên chính phủ cùng thời như từ cựu Giám đốc CIA David Petraeus, người khẳng định bà có thể trở thành một “tổng thống vô cùng vĩ đại”. Hay như trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS hồi tháng 1/2014, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói nhẹ nhàng hơn: “Thực ra, tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ là một tổng thống tốt”.
Thứ ba, Đảng Dân chủ của bà đang giữ quyền hành pháp trong thể chế chính trị Hoa Kì. Đây là một lợi thế, khi đó chính quyền của ông Obama sẽ có những ưu tiên hay thiên vị nhất định cho chính đảng của mình có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình vận động tranh cử giành lấy sự ủng hộ của cử tri Mỹ. Điều này cũng được chính ông B. Obama tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình trước đó. Không chỉ vậy, gần đây sau sự kiện bầu cử Quốc hội giữa kì năm 2014 với kết quả Đảng Cộng hòa nắm được cả 2 viện thì trả lời trên ABC News, ông Obama đã công khai dành những lời ca tụng cho duy nhất thành viên Đảng Dân chủ là Hillary Clinton, rằng bà sẽ là “ứng cử viên đáng gờm” và “một tổng thống tuyệt vời”.
Các điểm yếu
Bên cạnh đó, để trở thành nữ Tổng thống Hoa Kì đầu tiên, bà Hillary Clinton cũng phải vượt qua được các chỉ trích và điểm yếu bất lợi cho bà.
Trước tiên, ảnh hưởng tới khả năng tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2016 của bà là vấn đề về tuổi tác và sức khỏe. Hillary Clinton sinh ngày 26/10/1947, tới cuộc bầu cử năm 2016 bà sẽ ở tuổi 69. Nếu có cơ hội nhậm chức thì bà sẽ trở thành Tổng thống cao tuổi thứ hai sau Ronald Reagan và chính bà cũng từng thừa nhận rằng: “Không ai có thể đủ sức năm giữ chức vụ Tổng thống khi đã bước sang tuổi 70”.
Về sức khỏe, trước khi rời nhiệm sở của Bộ Ngoại giao, bà đã phải nhập viện vài ngày vì máu vón cục hiếm gặp ở đầu. Trước đó, bà đã bị virus dạ dày khi trở về từ chuyến công du Châu Âu hồi tháng 12/2012 khiến bà phải hủy bỏ một chuyến công du dự kiến sang Bắc Phi. Cho dù bà đã hoàn toàn bình phục song cục máu đông trong não bà là 1 cái cớ cho phe Cộng hòa bàn tán trên con đường tranh cử. Thực tế, trong thời gian cuối nhiệm kì Tổng thống của mình, Reagan cho thấy khả năng thiếu quyết đoán, trí tuệ giảm sút do căn bệnh tuổi già Alzheimer.
Sau là, bà bị chỉ trích là 1 chính trị gia hiếu chiến trong chính sách đối ngoại. Khi còn là Thượng nghị sĩ bang New York, bà bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2002 và điều này khiến bà trả giá bằng việc thất cử ứng cử viên Tổng thống năm 2008. Ở vị trí Ngoại trưởng, bà ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria và Libya. Quan điểm sử dụng sức mạnh quân sự trong các vấn đề quốc tế khiến các chính trị gia lo lắng bà sẽ xa rời mục tiêu hòa bình và ôn hòa của đảng Dân chủ khi hiện nay đang tồn tại mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS). Người dân Mỹ không còn muốn tham gia vào các cuộc chiến gây tổn thất và hi sinh quá lớn cho bạn bè, người thân của họ.
Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng, bà không để lại được dấu ấn mạnh mẽ nào trong nhiệm kì Ngoại trưởng 4 năm như là: không kí được hiệp ước hòa bình với Afghanistan, thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và cuộc khủng hoảng Syria, thất bại trong việc “cài đặt lại” quan hệ với Liên bang Nga. Trong khi đó, thời của bà đã diễn ra hai vụ bê bối lớn, đó là: vụ rò rỉ dữ liệu mật của WikiLeaks và vụ tấn công tại Đại sứ quán Mỹ ở Banghazi khiến 4 người thiệt mạng trong đó có 2 nhân viên CIA và Chris Steven, đại sứ Mỹ tại Libya. Qua vụ này bà bị buộc tội đã không thông qua và nâng cao mức bảo vệ các nhà Ngoại giao Mỹ trong bối cảnh bất ổn ở đó.
Ngoài ra, việc Đảng Cộng hòa đang nắm quyền lập pháp bằng việc kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ tạo ra một tình thế khó khăn cho Tổng thống Obama, đại diện của Đảng Dân chủ. Những chống đối hay chỉ trích của Quốc hội đối với ông Obama sẽ làm mất đi uy tín và vai trò của bản thân Tổng thống cũng như chính đảng của ông. Nhất là việc ngay sau khi kết thúc bầu cử giữa nhiệm kì vừa qua, B. Obama đã đơn phương đưa ra cải cách luật nhập cư mà không cần thông qua Quốc hội khiến làn sóng phản đối Tổng thống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phe Cộng hòa dường như phải chịu 1 cái “tát” bất ngờ khi đang còn hân hoan sau kết quả bầu cử.
Chính việc này khiến 2 đảng đã bất đồng lại càng mâu thuẫn hơn. Đảng Cộng hòa sẽ xoáy sâu vào vấn đề ngân sách khiến chính phủ của Tổng thống Obama phải cân nhắc nếu không muốn bị tạm dừng hoạt động như trong năm vừa qua. Kết quả của sự việc này ảnh hưởng đến vị thế của đảng Dân chủ nói chung và bà Hillary nói riêng nếu bà tham gia tranh cử vào năm 2016.
Ngoài ra, bà còn bị chỉ trích về việc có những quan hệ khá thân thiết với phố Wall. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, bà Hillary Clinton đã nhận được ủng hộ tài chính từ ba nhà tài phiệt của Wall Street là JP Morgan Chase, Goldman Sachs và Morgan Stanley. Bà cũng từng là thành viên của Walmart, một công ty thường bị chỉ trích từ nhiều nhóm cộng đồng, các nhóm quyền phụ nữ, các tổ chức dân sự và các nghiệp đoàn lao động về việc lấy nguồn hàng nước ngoài quá nhiều, mức bảo hiểm y tế thấp, các cáo buộc về phân biệt giới tính…
Cuối cùng, trước khi có thể trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo thì bà Clinton còn phải vượt qua những ứng cử viên khác ngay trong Đảng Dân chủ như Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley… mặc dù hiện tại bà vẫn đang đứng đầu trong các cuộc thăm dò mới đây so với các ứng cử viên này. Xa hơn nữa là các ứng cử viên đáng gờm của Đảng Cộng hòa: Cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush (em trai của cựu Tổng thống George W. Bush), Paul Ryan – ứng viên phó Tổng thống vừa liên danh với ông Mitt Romney….
Tóm lại, bà Clinton có cơ hội rất lớn để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, kết quả thế nào thì phải chờ xem quyết định tranh cử của bà dự định được tuyên bố vào đầu năm 2015 và cách thức bà thực hiện sau đó để có thể bước lên đỉnh cao của nấc thang quyền lực trong chính trị Hoa Kì.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét