Heinz Schütte
Để tưởng nhớ Georges Boudarel,2
từ trần ngày
26-12-2003
I – Những trang sử chung
Nói tới những trí
thức thuộc những nước sử dụng tiếng Đức đã đi theo Việt Minh, là đụng tới lịch
sử Việt Nam giai đoạn 1941-1966, và đụng tới cả lịch sử Pháp, Áo và Đức từ năm
1933 đến nay. Đó là những trang sử chung của chúng ta, nên đó cũng là đề tài
chúng ta gặp nhau. Cuộc hội thảo này có mục đích soi rọi một chương đoạn còn ít
được biết. Về phần tôi, chỉ có thể làm công việc truy tìm những tư liệu và từ
đó, dựng lại những sự kiện. Nhưng chứng từ của những người đã quen biết họ, làm
việc với họ cũng rất quý báu và đáng hoan nghênh.
Tôi đã may mắn tìm
ra những tư liệu, đôi khi cả những phông tư liệu
trong thư khố của Cộng hoà Dân chủ Đức cũ (CHDCĐ), của Pháp, dưới hầm một ngôi
nhà nông thôn không xa thành phố Frankfurt trên sông Main, hay trong một căn
phòng chứa vật dụng phế thải ở Paris, hoặc nhờ một bà cụ già ở Vienna. Phải nói
là trong các cuộc kiếm tìm năm 2003, đôi khi tôi có cảm giác mình đang làm sống
lại những con người đã bị người ta bỏ quên, bỏ quên vì chuyện của họ “có vấn
đề”. Trên mỗi trang tư liệu, trong mỗi cuộc hỏi chuyện, tôi khám phá ra một nét
mới trong cuộc đời của họ. Chúng ta hãy cùng nhau bù đắp sự quên lãng ấy, dù
rằng đối với những ai đã quen biết và thương mến họ, điều này không phải lúc nào
cũng dễ dàng suôn sẻ.
II – Một vấn đề
có lợi cho CHDCĐ
Trước khi đi theo
trình tự thời gian và phác hoạ lại một vài hành trình tiêu biểu, tôi muốn nói
qua về việc hồi hương của các hàng binh dưới góc độ chính trị CHDCĐ :
Ngày 20.2.1950,
Erich Honecker, lúc đó là chủ tịch Phong trào Thanh niên Đức (FDJ), đã ra tuyên
bố kêu gọi “những người lính Đức đang ở Việt Nam trong hàng ngũ đội quân Lê
Dương”. Vì sự tham gia Lê Dương của họ “đi ngược lại tiền đồ và danh dự
của dân tộc ta”, ông kêu gọi hãy đứng sang “phe cách mạng Việt Nam hiện
nay đã có nhiều người lính Lê Dương cũ người Đức tham gia”. Honecker hứa là
người nào trở về CHDCĐ sẽ được ân xá và tạo công ăn việc làm
[3]. Bốn tháng sau, chủ tịch CHDCĐ Wilhelm Pieck nhận được thư của Ban chấp hành
Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho biết “có nhiều binh lính Đức hiện đang
là tù binh của Giải phóng quân Việt Nam”. Vấn đề này được coi là rất quan
trọng, Pieck đã báo cáo trước Bộ chính trị vì “nếu chúng ta đưa được một số
(những người này) về nước, thì là một điều... quá hay cho công tác tuyên
truyền sang Tây Đức”
[4]. Và khi chuyến đầu tiên chở lính Lê Dương cũ sắp về tới Đức, tổng bí thư Đảng xã
hội thống nhất (SED) Walter Ulbricht đã chỉ thị “phát động một chiến dịch
tuyên truyền chống chính sách tái võ trang Tây Đức, thông qua những cuộc phỏng
vấn, những chương trình phát thanh và phổ biến hình ảnh”
[5]. Qua việc này, ta thấy rằng, ngay từ đầu, các hàng binh người Đức đã được sử dụng
trong cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của CHDCĐ...
Cũng trong thời kì
đó, trong những vùng Việt Minh kiểm soát, xì xào tin đồn là đã xảy ra (và rất có
thể đã có xảy ra) một cuộc nổi loạn của lính Âu châu đào ngũ. Đó là những người
đã nghe theo tiếng gọi của Erwin Borscher, tức Chiến Sỹ, tổng biên tập
những tờ báo tuyên truyền địch vận.
Ngày 6.8.1950,
cũng ở Việt Bắc, một người Đức khác, Rudy Schröder (mà người Việt Nam quen biết
dưới cái tên Lê Đức Nhân), được ông bạn Trần Văn Giàu cho biết “một tỉ
số đáng kể” hàng binh Âu-Phi “sắp được đưa về nước”. Schröder không
tài nào hỏi thêm được chi tiết cụ thể hơn và cảm thấy chung quanh mình là sự im
lặng và nghi ngờ bao trùm
[8]. Đáng chú ý là Trần Văn
Giàu dùng chữ tù binh chứ không dùng chữ hàng binh. Sự lỡ lời
này cho thấy thâm tâm người Việt Nam coi những đồng minh châu Âu của họ ra sao.
Họ
là ai? Thực ra, phải phân biệt hai loại. Thứ nhất là những người sinh ra khoảng
năm 1910, sau tháng giêng 1933, đã phải bỏ nước Đức hay nước Áo sang Pháp tị nạn
phát xít, đến tháng 9 năm 1939, khi chiến tranh thế giới bùng nổ, Pháp đưa họ
vào những trại tập trung, sau đó họ đăng kí vào các đơn vị Lê Dương. Họ được đưa
sang Đông Dương và cuối cùng, họ đã gia nhập kháng chiến chống thực dân. Số
người này không đông, khoảng một chục, nhưng họ là những người có lí tưởng chính
trị, có văn hóa và có học. Những người lính Lê Dương
“ngoài khuôn mẫu”.
Loại thứ nhì, cũng là đa số, năm 1945 ở lứa tuổi 17-25, là những thanh niên mất
phương hướng sau khi chế độ Đức quốc xã sụp đổ. Vô học, vô gia cư nghề nghiệp,
tứ cố vô thân, họ tìm thấy ở đội quân Lê Dương cơ hội giải thoát khỏi cảnh ngộ
khốn cùng, một nơi chốn nương tựa. Họ đào ngũ, chạy sang theo Việt Minh vì nhiều
lí do khác nhau, trong đó chính trị là lí do ít quan trọng hơn cả. Từ 1946 đến
1954, tổng cộng có 1325 lính Lê Dương đã bỏ ngũ theo Việt Minh, trong đó 673
người bỏ ngũ trong thời gian 1946-48.
[9]
Như đã nói trên, chính phủ Việt Nam đã cho binh lính Đức trở về CHDCĐ. Trong số
này, có cả tù binh lẫn “hàng binh”.[10] Từ tháng ba 1951 đến cuối năm 1955, tổng cộng có 761 người, đi làm 7 đợt, từ
Việt Bắc, qua Bắc Kinh và Moskva, về đến Berlin. Mặt khác, Erich Frey, bí danh
Nguyễn Dân, và Georges Walter, bí danh Hồ Chí Thọ, về tới Áo vào tháng năm
1951; cũng năm đó, Rudy Schröder và Walter Ullrich tức Hồ Chí Long về tới
Berlin vào tháng 11. Riêng Erwin Borchers còn ở lại Hà Nội đến năm 1965. Dưới
đây chủ yếu tôi sẽ nói về Schröder, Frey, và Borchers là ba người đã sống với
Việt Minh từ 1945 đến đầu thập niên 1950, để tìm hiểu những động cơ nào đã dẫn
họ tới quyết định tham gia kháng chiến Việt Nam, cảnh ngộ của họ lúc ở Việt Nam
cũng như khi trở về châu Âu giữa thời kì chiến tranh lạnh.
III – Bối cảnh lịch
sử
Peter Scholl-Latour, nhà báo Đức từng tham gia binh chủng nhảy dù của quân đội
thực dân Pháp, đã kể lại chuyến đi của ông sang Đông Dương cuối năm 1945, trên
một con tầu chở quân mà Pháp mượn được của Anh. Tàu đến Hồng Hải thì
“gặp
từng đoàn tàu đi ngược chiều, trở về châu Âu, cờ chiến thắng phất phới bay trên
cột buồm. Đứng chen chúc trên boong là những cựu chiến binh người Anh từ mặt
trận Miến Điện trở về quê hương trong cảnh thanh bình...”.
Những binh sĩ Anh hạnh phúc ấy chế nhạo toán chiến binh thuộc địa chậm chân, hét
to : “Các
cậu đi nhầm chiều rồi”[11]... Đất nước (Pháp, và cả Hà Lan nữa) vừa được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của
Đức, mà họ lại dấn thân vào con đường ngược chiều lịch sử. Sau khi bị sỉ nhục
trong cuộc thế chiến, họ muốn giành lại vinh quang quá vãng ở các nước thuộc
địa. Phái hữu cũng như phái tả, kể cả Đảng Cộng Sản lúc đó là đảng lớn nhất ở
Pháp, đều nhất trí như vậy. Ý đồ ấy, xét trên bình diện lịch sử, là một hoài
vọng, xét trên bình diện đạo lí, là phi nghĩa, nhưng đối với tướng De Gaulle,
cần phải làm vậy để tạo dựng nên một huyền thoại quốc gia mới nhằm khắc phục sự
chia rẽ trong quá khứ còn gần kề, để xây dựng một khối đoàn kết quốc gia mới,
khả dĩ gột rửa quá khứ trong kí ức tập thể dân tộc.
Tháng sáu 1940, nước Pháp đầu hàng Đức. Chính quyền Pháp ở Đông Dương lâm vào
thế cô lập, không thể nào chống lại sự bành trướng của Nhật Bản, và từ giữa năm
1941, họ đã hợp tác với Nhật Bản. Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo Đảng cộng
sản Đông Dương, lúc đó ở Hoa Nam, theo dõi tình hình trong nước và chờ đợi thời
cơ Nhật Bản thất bại để Việt Nam có thể được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của
ngoại xâm. Tháng năm 1941, họ thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức là Việt
Minh, một mặt trận dân tộc cứu quốc, tập hợp mọi thành phần giai cấp, nhưng
quyền lãnh đạo nằm trong tay người cộng sản.
Trên
mặt tiền ngôi nhà chung cư của tôi ở Quận 10 Paris, có gắn hai tấm cẩm
thạch mang tên hai thanh niên kháng chiến đã ngã xuống đây hồi tháng 8
năm 1944. Sau ngày giải phóng Paris, nhiều du kích thuộc FFI (Lực lượng
kháng chiến quốc
nội) đã hợp thành những trung đoàn để chiến đấu bên cạnh FFL (Lực lượng
nước
Pháp tự do, dưới quyền lãnh đạo của tướng De Gaulle). Một phần các lực
lượng
khởi nghĩa này ngả về phe tả, nếu không nói là cộng sản, hăng hái và
quyết tâm
cải tạo thế giới, không chấp nhận lập lại Nhà nước tư sản. Sau ngày Đức
đầu hàng
(8 tháng năm 1945), nhiều thanh niên đã đăng kí vào Đạo quân viễn chinh
Pháp tại
Viễn Đông (CEFEO), tưởng rằng để giải phóng châu Á khỏi ách phát xít
Nhật.
Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng tám 1945. Ngày 2 tháng chín 1945, Hồ Chí Minh
tuyên bố độc lập và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc (dưới sự lãnh đạo
của Việt Minh). Binh sĩ trẻ trong CEFEO, nhất là những thanh niên đã tham
gia kháng chiến, bèn được giải thích rằng các phần tử bản xứ cuồng tín chống
Pháp, tức là bọn Việt Minh, được quân Nhật bại trận tiếp sức, muốn chiếm đoạt
Đông Dương, cho nên phải quét sạch những băng đảng này ở thuộc địa, cũng như
trước đây đã phải giải phóng nước Pháp khỏi ách thống trị của bạo quân quốc xã :
“Ở
đây, lại xảy ra cái cảnh tượng mà các bạn đã trải nghiệm. Trước mặt các bạn là
một bọn chó má, phải tận diệt chúng như các bạn đã tận diệt bọn Đức”[13].
IV – Những người
chống phát-xít tị nạn ở Paris – Con đường dẫn họ vào Lê Dương
Trên cơ sở các đạo luật của nền Đệ tam Cộng hoà Pháp ban hành năm 1938 và 1939,
khi chiến tranh bùng nổ, tất cả những người Áo và Đức từ 17 đến 65 tuổi đều bị
đưa vào các trại tập trung, bất luận họ theo phát xít hay chống phát xít, du
khách, viên chức hay doanh nhân. Đàn ông phải vào trại ngay từ tháng chín 1939,
còn đàn bà bị đưa vào Vélodrome d’Hiver (Trường đua xe đạp mùa đông ở Paris) vào
tháng năm 1940, khi chấm dứt thời kì “chiến tranh kì quặc”, rồi sau đó, họ bị
đưa vào các trại Milles và Gurs ở miền nam nước Pháp. Trong năm 1939, có 1171
người Đức bị tập trung đã đầu quân vào Lê Dương, và chỉ trong mấy tháng đầu năm
1940, số đầu quân đã lên gấp đôi. Người ta ước tính có khoảng 3000-3500 người
Đức trong trại tập trung đã đầu quân trong thời kì 1939-40, và khoảng 5000 tù
binh Đức đã gia nhập Lê Dương trong thời gian từ tháng tám 1944 đến cuối năm
1946.[16]
Câu chuyện cuộc đời của Rudy Schröder quê quán ở thành phố Köln (Đức) cho thấy
một chuỗi dài những ngẫu nhiên đã đưa đẩy ông vào Lê Dương, rồi bước sang hàng
ngũ Việt Minh, trở về Đông Đức, rồi cuối cùng chạy sang Tây Đức. Nó cũng cho
thấy là cái cách xếp loại “chống phát xít”,
“cộng sản” đã được sử dụng một
cách quá dễ dãi để giải thích theo thuyết “tất
định” hành trình của một con
người...
Trong tự truyện của mình, nhà chính trị học và triết gia Raymond Aron (từ năm
1930 đến 1933 làm trợ lí giảng dạy Pháp văn ở Trường đại học Köln) đã viết như
sau : “Tại Cologne (tên tiếng Pháp của Köln, chú thích của N.D.) tôi
được gặp một sinh viên trẻ làm tôi rất cảm mến, đó là Rudy Schröder. Cha anh
buôn bán áo mưa và ô dù. Trong thời gian ở Đức, tôi đã chơi rất thân với Rudy.
Anh ta tởm lợm chủ nghĩa quốc xã. Hai năm sau, anh chạy sang Paris và sống vất
vưởng cho đến ngày khai chiến. Lúc đó, anh đầu quân vào Lê Dương, rồi khi chiến
tranh chấm dứt, tôi được tin... ở Đông Dương anh đã chạy sang hàng ngũ của Hồ
Chí Minh. Một hôm, trên tờ Le Figaro, tôi đọc thấy một bài báo... nhan đề
Tên đại tá SS Rudy Schröder… Tôi có tìm cách viết thư liên lạc nhưng có
lẽ anh không hề nhận được. Năm 1946, ông bà thân sinh hỏi tôi có tin tức gì
không; khoảng 1960, nghe người Đức nói anh làm giáo sư Trường đại học Leipzig.
Nếu anh vẫn còn sống ở Đông Đức, tôi cũng muốn gặp lại anh. Tôi khó tin rằng
cuộc sống đã biến được anh thành một đảng viên cộng sản trung kiên. Song việc
anh đã đào ngũ khỏi Lê Dương và từ bỏ chế độ của Pháp ở Sài Gòn hay Hà Nội không
làm tôi ngạc nhiên; vả lại tôi nhân danh cái gì mà trách anh?”.[17]
Tuy có một vài tiểu tiết sai lệch, mấy dòng vừa trích của một người cựu kháng
chiến đã tóm tắt những chương chính trong cuộc đời của Rudy Schröder, chỉ thiếu
chương hồi cuối là năm 1959, ông trốn sang Tây Đức. Tiếc thay, hai người bạn
thâm giao ấy đã không bao giờ gặp lại nhau.
Ý
nghĩa cuộc đời của Schröder vượt quá phạm vi cá nhân – và điều này cũng đúng đối
với những người khác mà tôi sẽ đề cập ở đây. Như tôi đã nói ở trên, nó minh hoạ
lịch sử đau khổ của nước Đức, nước Pháp và của nước Việt Nam thế kỉ XX. Schröder
là người miễn cưỡng “đổi tuyến”. Nếu không vì hoàn cảnh chính trị đẩy đưa thì
rất có thể ông đã trở thành giáo sư một trường đại học Đức, có quan hệ chặt chẽ
với những đồng nghiệp người Pháp, viết dăm ba cuốn sách về xã hội học, chính trị
và văn học, hay lịch sử văn hoá và viết những bài tiểu luận tuyệt vời trên các
báo hay tạp chí.
Schröder sinh năm 1911 tại Köln (Cologne), mang nặng dấu ấn của quá khứ văn minh
La Mã của thành phố này – tính tình ông bay bướm, hưởng lạc, khiếu thẩm mĩ tinh
tế, đồng thời say mê tìm hiểu, truy hỏi, khám phá những mâu thuẫn của cuộc sống.
Hai mặt đối ngẫu ấy có thể dẫn tới bệnh trầm cảm và bất mãn sâu sắc nếu đương
sự không được trọng thị trong xã hội. Trong bản Lý lịch Đảng viên (có lẽ
viết vào tháng ba 1950), Schröder khai thành phần xuất thân của mình là Tư
sản.[18] Thời gian này, ông dùng
bí danh Lê Đức Nhân, cũng có người chỉ biết ông dưới cái tên Đức là Kerkhof(f).
Thời sinh viên, ông học xã hội học, tiếng Pháp và văn học Đức, tham gia Phái
cộng sản sinh viên (KOSTUFRA).[19]
Lúc đó, thầy học của ông là người Do Thái, bị bọn quốc xã cho
“về hưu”,[20]
Schröder đã ngang nhiên mang bó hoa tới tặng thầy. Tờ báo nazi Der Stürmer
đã lớn tiếng thoá mạ, coi ông là kẻ thù của chế độ, là cộng sản và thân Do
Thái. Mặc dầu hoàn cảnh lúc đó, đối với chàng thanh niên Schröder, di cư sang
Paris không phải là một đại hoạ, mà là cơ hội thực hiện một ước muốn sâu xa
nhất. Tại trường Sorbonne, ông đỗ ngay ba, bốn chứng chỉ cử nhân, làm việc bán
phần cho Viện xã hội học Frankfurt lưu vong tại Paris với cương vị trợ lí cho
nhà tư tưởng lớn Walter Benjamin.[21]
Trong một lá thư tháng mười một 1939 viết từ New York, Max Horkheimer nói tới
“Herr
Schröder (như là) một nhà bác học trẻ hết sức thông tuệ. Chúng tôi hi
vọng sẽ tranh thủ để ông trở thành một đồng nghiệp khoa học xuất sắc”.[22]
Về mặt vật chất, cuộc sống rất chật vật. Để có thể sống qua ngày đoạn tháng,
Schröder phải đi làm thêm trong một xưởng dệt, có lúc phải vác những tấm thảm đi
gõ cửa rao bán từng nhà.
Một người bạn hồi đó, Fritz Meyer, bị giam cùng trại tập trung với
Schröder. Năm 2003 ở Paris, ông Meyer kể lại cho tôi: khi tới sân vận động
Colombes (ngoại ô tây bắc Paris, chú thích của ND), họ được người ta nói rõ là
họ sẽ ở mãi sau hàng rào kẽm gai cho đến ngày chiến tranh kết thúc, trừ phi là
họ đăng kí đầu quân vào đội Lê Dương; ai “tình
nguyện” đầu quân thì gia đình sẽ không bị đưa đi
tập trung. Sau này, Schröder viết: “Chỉ nghĩ tới việc vợ tôi và cháu bé
chưa đầy một tuổi thôi nôi phải vào trại an trí là tôi thấy không tài nào chịu
nổi rồi”.
V – Từ Paris đến
Hà Nội qua Sidi Bel Abbès
Thật ít có khả năng Schröder và Borchers quen nhau từ Paris... Erwin Borchers
sinh năm 1906 tại Strasbourg, người vùng Alsace gốc Đức. Cha ông làm thợ tiện
trước khi trở thành quân nhân, là người nước Phổ. Mẹ ông quê vùng Alsace, thuộc
một gia đình sống bằng nghề trồng nho. Gia đình Borchers như vậy là một gia đình
sống ở vùng giáp ranh giữa hai nước, bị xâu xé giữa hai quốc gia và giữa hai chủ
nghĩa quốc gia. Con người ở đây dễ bị lâm vào thảm kịch
“cái gì của con
người cũng bị chính trị hoá”, có nguy cơ ngày mai là anh hùng...
(và) ngày kia biến thành tên phản quốc”[23]
chỉ vì muốn bám trụ ở một vùng đất bị hai chính quyền đối nghịch tranh giành...
Trong bản lí lịch viết năm 1966 tại Berlin, Borchers cho biết cha ông hết mực
ủng hộ hoàng đế Đức khi lên đường ra trận tham gia Đại chiến thế giới lần thứ
nhất, đến khi trở về đã thành người ủng hộ chế độ cộng hoà và chủ nghĩa hoà
bình, điều này đã tác động sâu sắc khiến ông trở thành khuynh tả. Năm 1918, khi
tỉnh Alsace-Lorrraine trở lại thành lãnh thổ Pháp, gia đình ông di cư sang Đức.
Chàng Borchers “ngay từ thời con trai, đã bị chính trị ám ảnh”
(Lilo Ludwig) “lãng mạn” dài dài (Susanne Borchers) theo học các môn Pháp
văn, Đức văn và sử học, nuôi mộng trở thành nhà giáo, và tham gia nhóm xã hội
chủ nghĩa. Khi Hitler lên cầm quyền, Borchers là thành viên một nhóm tuyên
truyền bí mật, in và rải truyền đơn chống nazi. Bị tố cáo và bị công an thẩm
vấn, Borchers lánh sang Pháp, tiếp tục theo học đại học ở Aix-en-Provence và
Paris, năm 1936 tốt nghiệp cử nhân văn học và ngữ văn Đức. Ông già Borchers, một
người cha độc đoán, thấy con trai bỏ nước ra đi thì không vừa lòng chút nào, vì
đối với ông, đó là một hành động phản bội tổ quốc. Là công dân Đức, Erwin
Borchers không được tuyển dụng vào giáo giới Pháp, phải đi làm công ở hiệu sách
Biblion, phố Bréa. Xin gia nhập quân đội Pháp để chiến đấu chống Nazi thì
bị từ chối, vì lấy chồng Đức là “mẹ anh đã phản bội Tổ quốc Pháp”.[24]
Erwin Borchers bị đưa vào trại tập trung Colombes ngày 3 tháng chín 1939, tại
đây, anh kí giấy đầu quân vào Lê Dương. “Đối với tôi, trong thời kì chiến
tranh, phục vụ trong hàng ngũ Lê Dương là một điều có thể chấp nhận được về mặt
chính trị, vì Lê Dương nằm trong quân đội Pháp, khách quan mà nói, là một lực
lượng của khối đại đồng minh chống Hitler mà Liên Xô là thành viên... Lê Dương
đang đối đầu với Hitler ở Narvik, ở Monte Cassino và trên nhiều mặt tận khác...”.[25]
Đúng là ở thời điểm 1939, đạo quân Lê Dương mang hào quang chống phát-xít.
Chẳng mấy lúc, Borchers và Schröder mất hết ảo tưởng về phong cách chính trị -
quân sự của đội quân Lê Dương. Toàn quyền Decoux ngày càng áp đặt nhãn quan
“cách mạng quốc gia” và “suy tôn chiến sĩ” theo đúng đường lối của Pétain. Đó
không phải là bầu không khí dân chủ và chống phát-xít họ chờ mong, mà giống như
bầu không khí mà họ đã trốn tránh. Vấn đề chống Nhật không đặt ra vì Decoux đã
kí kết thoả ước chấp nhận sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản, như Pétain đã kí
kết với Đức ở bên Pháp. Lí do Decoux nêu ra là để duy trì Đông Dương cho nước
Pháp. Borchers và Schröder đã nhận thức ra thực tại của chế độ thực dân và được
biết người An Nam đang hoạt động kháng chiến ở vùng Đông Bắc. Tổ chức kháng
chiến còn phôi thai của Pháp tại Đông Dương thì chủ trương Đông Dương phải trở
về trong lòng đế quốc Pháp, do đó họ từ chối mọi sự hợp tác với Việt Minh và dân
chúng trong công cuộc kháng Nhật. Ngày 9 tháng ba 1945, Nhật đảo chính, Pháp
thua... Việt Minh kêu gọi cùng nhau kháng chiến chống Nhật, rồi kêu gọi bình
đẳng và độc lập, phía Pháp không hiểu ra. Ngay đến năm 1946, khi Võ Nguyên Giáp,
bộ trưởng nội vụ, đón chào Leclerc, tổng tư lệnh Pháp, bằng câu : “Là người
kháng chiến Việt Nam, tôi xin chào một người Pháp kháng chiến vĩ đại...”,[31]
cũng vẫn thế.
VI – Vượt khỏi sự dấn thân dân tộc...
Đến đây, tôi muốn dành đôi dòng để nêu câu hỏi này: Vì sao Schröder và Borchers
đã sẵn sàng hợp tác với cuộc kháng chiến của Việt Minh và đã tham gia Việt Minh
với “lương tâm yên ổn và hăng hái tin tưởng”
[32] ?
Đối với những người yêu nước và dân tộc chủ nghĩa (câu hỏi này đặt ra cho người
Đức và người Áo trong hai cuộc thế chiến, và cho người Pháp trong các cuộc chiến
tranh thuộc địa), câu hỏi đặt ra là: làm sao tưởng tượng nổi là người ta rời bỏ
cái nôi quốc gia tự nhiên và đứng sang hàng ngũ địch? Cần phải nhấn mạnh là
Schröder cũng như Borchers đều không phải là những người cộng sản chính thống,
họ không coi cách mạng là mục tiêu tối thượng.
Vậy thì cái gì đã thúc đẩy họ rời bỏ hàng ngũ? Ban đầu, như ta thấy, quyết định
đầu quân Lê Dương là do hoàn cảnh đưa đẩy. Đối với Schröder, thế giới “thiếu
sự nhất quán”, “chẳng có cách nào thoát khỏi phi lí”.[33]
Nhưng bước sau, gia nhập Việt Minh, là một quyết định gay go hơn nhiều, bởi vì
đi với Việt Minh là qua sông đốt cầu với Tây Âu. Cảm tưởng của tôi là đối với
người trí thức – nhưng không riêng gì trí thức – có một sự “giác ngộ”, một ước
vọng về một thế giới ‘tự nhiên’, thì ý muốn tham gia vào một chính nghĩa vừa có
tính chất chính trị vừa có tính chất đạo lí... Sự giác ngộ ấy được thể hiện
trong tập chuyện tranh nhan đề Les Oubliés d’Annam (Những người bị quên
lãng ở An Nam): sau ngày Paris giải phóng, một thanh niên kháng chiến Pháp đầu
quân vào Lê Dương để tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, và phải đối
mặt với một biến cố làm anh phải nhìn thế giới với một con mắt khác. Một tên
lính Lê Dương cũng người Pháp cãi nhau với người phu xich lô về giá cả chuyến
xe, rồi rút dao đâm chết anh xích lô. Anh thanh niên Pháp khởi tố tên lính Lê
Dương, tên này chỉ bị 15 ngày tù. Anh viết thư cho mẹ: “Con không những tham
gia vào một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, mà còn ở trong một quân đội gồm những tên
sát nhân. Ô nhục quá...”. Và “càng ô nhục hơn nữa, vài ngày sau, người
đầu bếp trại lính vốn khoái thịt chó đã bị kết án một tháng tù vì tội làm thịt
con chó của đại uý”[34].
Claudia Borscher, con gái của Erwin, xác nhận với tôi là cha cô thường hay kể
lại câu chuyện đã khắc sâu vào tâm khảm của ông. Câu chuyện ấy biểu hiện
cấu trúc xã hội của chủ nghĩa thực dân, nó làm lộ rõ những mâu thuẫn của thế
giới chúng ta đang sống. Và giúp chúng ta nhìn nó với một khoảng cách.
Điều đó rất đúng đối với Ernst Frey, sinh năm 1915 trong một gia đình Do Thái
Hung-ga-ri không còn sùng đạo. Cha là một đảng viên dân chủ xã hội khát khao
trau giồi văn hoá. Thế giới của gia đình này gói gọn trong biên giới quốc gia,
ngôn ngữ và tôn giáo của đế chế Áo-Hung. Truyền thống Do Thái trở thành chủ đạo
từ khi bọn Nazi giam hãm họ trong truyền thống ấy. Sau một thời tuổi trẻ say mê
sùng đạo Công giáo, chàng trai Ernst đã tìm thấy con đường cộng sản chủ nghĩa
thông qua giai đoạn dân chủ xã hội và hoạt động trong VSM (Hội học sinh xã hội
chủ nghĩa). Phải nói thêm là hành trình của Ernst mang nặng dấu ấn kinh nghiệm
cá nhân về chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa quốc xã. Ernst Frey đã tìm thấy ở
chủ nghĩa Marx một phản mô hình cung cấp cho anh những công cụ cần thiết để đấu
tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Năm 1934, “gia nhập Liên đoàn cộng sản thanh niên”, Frey viết, “tôi
đã trao hiến toàn bộ con người tôi cho đảng”. Câu tiếp theo rất có ý nghĩa
vì nó giúp ta hiểu nhiều khúc quay ngoắt trong cuộc đời phong ba của Ernest
Frey: “Sự quy phục toàn diện của tôi là tự nguyện, không một chút do dự, tôi
đặt Đảng lên trên mọi giá trị”. Con người ông bị ám bởi một thứ chủ nghĩa
Mêsia nửa chính trị nửa tôn giáo, bởi mặc cảm cứu rỗi được biện minh bởi sự bức
hại của chế độ Nazi. Do “hoạt động trong một hội kín (VSM) và bị lên án phản
quốc”, Frey đã bị bỏ tù và “vĩnh viễn khai trừ” khỏi các trường đại
học trên toàn nước Áo.[35]
Ngày 15 tháng ba 1938, “cả thành phố Vienna bị thất điên bát đảo –
Führer tiến vào thành phố”. Mẹ của cậu Ernst “giữa ban ngày
ban mặt bị đánh đập, phết sơn lên khắp người, nhục mạ, phỉ nhổ và nhạo báng hàng
giờ liền”. Cuối cùng, trước tối hậu thư, “phải chọn lựa giữa tù đày
hay lưu vong”, Frey quyết định xung phong vào Lữ đoàn quốc tế ở Tây Ban Nha.
Trên đường đào vong, ông bị bọn SS bắt được, giam cầm trong tù ba tháng rồi bị
đại đế chế Đức truất tịch. Sang Paris, ông đi gõ cửa từng nhà để chào bán bút
chì. Khi chi bộ đảng quyết định không cho phép sang Tây Ban Nha, Frey đăng kí
đầu quân 5 năm vào Lê Dương để chống Hitler; đói meo, không một xu dính túi.
Ngày 17 tháng ba, ông lên tàu Dupleix ở hải cảng Casablanca; ngày 1 tháng
bảy 1941 cặp bến Sài Gòn. Cuối năm ấy, cùng với Schröder, Borchers và mấy người
khác, Frey thành lập một chi bộ cộng sản trong đội quân Lê Dương đồn trú ở Việt
Trì.[36]
Công phẫn trước sự hợp tác Pháp-Nhật và sự móc ngoặc với các nước phe trục, họ
tìm cách bắt liên lạc với những đảng viên xã hội Pháp ở Hà Nội. Họ cũng tìm cách
bắt chuyện với những người An nam mít ở Việt Trì, nhưng quả là xôi hỏng
bỏng không vì dường như người bản xứ không thể nào tưởng tượng được là có những
người Âu quan tâm tới họ, muốn thảo luận với họ. Trong các buổi họp bí mật của
chi bộ, lúc đầu họ còn bàn tới chiến tranh và mổ xẻ chủ nghĩa phát xít, nhưng
chẳng mấy lúc, đề tài chủ nghĩa thực dân đã trở thành chủ đạo.[37]
Họ muốn thống nhất chi bộ của họ và bộ phận địa phương của kháng chiến Pháp
thành một mặt trận thống nhất để bắt liên lạc với Đảng cộng sản Đông Dương hay
Việt Minh. Tháng mười một 1943, ở trung tâm Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm, Frey gặp
một đại diện cấp cao của ĐCSĐD. Cuộc gặp do Georges Walter dàn xếp qua sự trung
gian của Louis Caput, bí thư Đảng bộ Bắc Kì của Đảng xã hội Pháp.[38]
Đầu năm 1944, Borchers gặp tổng bí thư đảng, Trường Chinh, “trên một cánh
đồng ruộng gần Hà Nội”,[39]
tuy lúc đó Trường Chinh không nói mình là ai. Tôi có cảm tưởng chi bộ Lê Dương
đã được sáp nhập vào ĐCSĐD vào đầu mùa hè 1944,
[40]
và đó là mối liên hệ duy nhất thực sự giữa Việt Minh và nước Pháp tự do trước
ngày Nhật đảo chính 9 tháng ba 1945. Trường Chinh đã đề nghị các phần tử người
Âu chống phát xít hãy cộng tác với Việt Minh song không nhóm nào, phe De Gaulle
hay Đảng xã hội, muốn chấp nhận ý tưởng một nước Việt Nam độc lập. Viễn cảnh
liên minh quân sự Âu-Việt chống Nhật với mục tiêu Việt Nam độc lập đã tan biến.
Hình 1
Từ trái qua phải:
Ngồi: Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ,
Ernst Frey / Nguyễn Dân, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) ; Đứng :
Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)
VII - …tiến tới đoàn kết cộng hoà & chống thực dân
Sau
ngày 9 tháng ba, một vài người Pháp quy phục Việt Minh vì muốn trốn tránh sự đàn
áp của quân Nhật. Borchers, Frey và Schröder cùng mấy ngàn binh sĩ bị Nhật bắt
làm tù binh, lúc đầu bị giam trong thành Hà Nội, sau đó bị đưa lên trại “tận
diệt” gần Hoà Bình.[41]
Họ bị lao đao vì bệnh kiết lị và thương hàn. Nhật Bản đầu hàng
ngày 15 tháng tám, Việt Minh tiến hành Cách mạng tháng Tám như một dòng thác lũ
dân tộc chủ nghĩa. Schröder ghi : “Người an-nam-mít đã trở thành người Việt
Nam”.[42]
Ngày 2 tháng 9, Hồ chủ tịch tuyên bố độc lập với mục đích xây dựng một quốc gia
đoàn kết thành một khối thống nhất và thuần nhất.
Các tù binh được trả tự do ngày 16 tháng 9. Frey-Schröder đã có nhiều cuộc họp
với các đảng viên xã hội tập hợp chung quanh Louis Caput, có lẽ với sự thoả
thuận ngầm của Jean Sainteny, với mục đích dùng các đảng viên chi bộ làm trung
gian nhằm đưa chính phủ Hồ Chí Minh nhận thương lượng với các đại diện của Pháp
có mặt tại chỗ, nhưng đại diện Pháp không chấp nhận độc lập là điều kiện tiên
quyết – tối cùng, họ chỉ chấp nhận thảo luận về những phương thức đưa tới một
nền độc lập trong tương lai. “Họ vẫn dùng chữ An-na-mít”, Frey nhận xét,
“còn chúng tôi nói: Người Việt Nam”.[43]
Frey thu xếp với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp để ông và hai
bạn Walter Ullrich và Georges Wächter chuyển sang hàng ngũ Việt Nam, vì như lời
Borchers, “nơi đây, triết học sắp trở thành thực tiễn, và tôi có cảm tưởng họ
sẽ cần tới chúng ta”.[44]
Cuộc đào ngũ của họ được nguỵ trang thành một công tác gián điệp cho chính quyền
Pháp (như Schröder viết) hay một công tác do Caput-Sainteny giao cho nhằm thuyết
phục những người lãnh đạo Việt Minh chịu thương lượng với Uỷ viên Cộng hoà Pháp
ở Bắc Kì. Nhóm đồng chí đi ra khỏi Thành cổ Hà Nội trong một chiêc xe
Buick cũ. Tôi mường tượng công cuộc mới này quyến rũ và kích động họ tới mức
nào. Họ vừa sống sót sau một cuộc đại chiến, họ còn trẻ tuổi, và chắc mẩm đã tìm
ra chính nghĩa...
Đầu mùa thu 1945, Nhật đầu hàng và Việt Nam tuyên bố độc lập, người Pháp không
còn có thể nói họ ở Đông Dương để đánh các lực lượng phát xít phương Đông như
trước đó họ chiến đấu chống Đức quốc xã và chính quyền Quốc gia Pháp cô-la-bô.
Nói như vậy chẳng ai tin. Từ nay, rõ ràng người Pháp là kẻ xâm lăng, chống lại
những người yêu nước, những người quốc gia đang bảo vệ nền độc lập của đất nước;
một cách nào đó, họ đã trở thành bọn Nazi của người Việt Nam và Việt Minh. Quân
lính Pháp ngày càng thắc mắc, nghi hoặc : “Trước mặt họ, người ta nói thế, là
Cộng sản; nhưng Cộng sản là như thế nào? Ở Pháp, chính đảng số 1 không phải là
Cộng sản sao?... Có thể nào tin vào lời nói cửa miệng của bọn lãnh đạo tồi tệ
như vậy không?... Có một điều họ chắc chắn : trước mặt họ, là những người Việt
Nam chiến đấu cho độc lập của đất nước họ”.[45]
Trong những người đổi hàng ngũ nói trên, có những người đã làm vì tinh thần
đoàn kết xuyên quốc gia, họ “đã chọn một tổ quốc mới, tin tưởng vào nhân sinh
quan và đường lối chính trị của tổ quốc mới – họ nói tới tổ quốc cũ như là nói
tới một đất nước thù địch”.[47]
Sau khi những người “phản quốc vì lí tưởng” ấy đã bước sang “bên kia”, họ được
tổng bí thư Trường Chinh phân công vào cơ quan tuyên truyền (riêng Walter
Ullrich công tác trong quân đội, sau được phong hàm trung tá, dưới bí danh Hồ
Chí Long; còn Georges Wächter tức Hồ Chí Thọ trước khi làm báo đã theo học
trường kĩ sư ở Vienna, nên được sắp xếp làm công tác kĩ thuật và tổ chức).
Schröder làm bình luận viên Đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, còn Frey làm việc
dưới quyền tướng Giáp, nghiên cứu quân sự và tổ chức những lớp học quân sự đầu
tiên cho Quân đội Nhân dân. Borchers mang quân hàm trung tá, làm chính uỷ
phụ trách tuyên truyền địch vận; ông có nhiệm vụ biên tập các tài liệu tuyên
truyền tiếng Pháp và tiếng Đức, và từ năm 1951 trở đi, phụ trách tuyên huấn cho
khối tù binh Lê Dương người Đức. Bộ ba Borchers, Frey và Schröder chuẩn bị xuất
bản tuần báo La République (Cộng hoà), rồi Le Peuple (Nhân Dân) “nhằm
làm cho người Pháp thấy chính phủ Việt Nam và Việt Minh không phải là phiến loạn
mà là những tổ chức hợp pháp, dân chủ. Mọi
mưu toan dùng võ lực tái chiếm sẽ được coi là vi phạm nhân quyền”.[48]
Có lẽ những tờ báo này cũng nhắm cả giới độc giả thượng lưu Việt Nam biết tiếng
Pháp.
Hình 2
Từ trái sang phải:
Dương Bạch Mai, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Trường Chinh,
X,
Georges Wächter / Hồ Chí Thọ, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân
(Bộ ảnh sưu tầm của
H. Schütte)
VIII – Vỡ mộng, tìm đường trở về
Các nhà lãnh
đạo của nước Việt Nam mới chủ yếu là những trí thức hay những nhà cách mạng
chuyên nghiệp, phần đông đã học trường trung học Pháp-Việt và thạo tiếng Pháp,
nhưng họ chưa bao giờ là những nhà chiến lược quân sự, kĩ thuật viên, kính tế
gia hay những người tổ chức bộ máy hành chính. Vì vậy những người ngoại quốc từ
bỏ hàng ngũ để đi theo kháng chiến, quân nhân cũng như dân sự, học cao và có khả
năng kĩ thuật, trung thành với sự nghiệp kháng chiến và sẵn sàng hi sinh, đã
được hoan nghênh tích cục, một số đã giữ những vị trí cao.
Borchers,
như đã nói trên, được cử làm chính uỷ, với quân hàm trung tá trong quân đội, phụ
trách địch vận. Hữu Ngọc, nhà báo và nhà văn nổi tiếng, phụ trách khối “hàng
binh” người Âu trong thời kì chiến tranh (dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn
Chí Thanh). Từ năm 1947, cùng với bạn là Borchers, đã ấn hành các tờ báo
Waffenbrüder – Kampforgan der Deutschen im Dienste Viet-Nams và Frères
d’armes – Organe de Combat des Amis du Viet-Nam (Chiến hữu -- Cơ quan ngôn
luận của những người Bạn của Việt Nam). Đến năm 1950, hai tờ này đổi tên thành
Heimkehr và Retour (Trở về). Chiến Sỹ còn dạy tiếng Đức cho Hữu
Ngọc, và “nhất là văn hoá Đức!” (theo yêu cầu của Hữu Ngọc). Giữa thập
niên 1950, Hữu Ngọc đã dịch các chuyện kể của anh em họ Grimm ra tiếng Việt –
âu cũng là hệ quả thứ yếu của một cuộc chiến tranh ghê gớm từ đó đã nảy sinh
những gì anh hùng, cao đẹp nhất cũng như những gì thú tính và tàn bạo nhất của
con người.
Như vậy là khi nhận thấy trong hàng ngũ Việt Minh, mình đã mất dần ảnh hưởng và
trở thành vô dụng, Frey đã “phát điên”. Để tìm ra đáp án cho một thực tế quá đớn
đau, ông đã chọn giải pháp tín ngưỡng. Đó cũng là cách giải quyết cùng một lúc
hai vấn đề: rời Việt Nam và trở về nước. Thật vậy, tôi tự hỏi, muốn trở về và
được chấp nhận, trong tình cảnh của E. Frey, phải chăng chỉ có một cách là trở
về như một người “khác” – “khác” con người trước kia phải ra đi vì bị ruồng bỏ
– cụ thể là trở về như một tín đồ Công giáo sùng đạo. ‘Giải pháp’ này có ưu điểm
là nó thoả mãn truyền thống văn hoá thống trị của nước Áo. Bằng sự ‘tái sinh’
trong niềm tin Công giáo, Frey có thể tìm ra chỗ đứng trong xã hội Vienna. Ở một
cấp độ khác, theo đạo còn là cách tiếp tục cuộc thánh chiến thường trực mà ông
đeo đuổi là giải thoát thế gian khỏi sự ngự trị của cái Ác.
Về tới Vienna năm 1951, Frey đến trụ sở Đảng cộng sản để báo cáo về các hoạt
động và chiến tích của mình từ năm 1938. Rồi ông lấy vợ, sinh được hai đứa con
gái, sống bằng nghề đi chào hàng may dệt. Tại Vienna, quây quần chung quanh Frey
là cả một lứa thanh niên say mê nghe ông kể chuyện quá khứ, coi ông là cha đẻ
tinh thần, là mẫu mực chính trị. Chưa hết. Công việc chào hàng nay đây mai đó,
đưa ông đi khắp các miền nước Áo và nước Đức, cũng là cơ may để ông thoát ra
khỏi kiếp sống tiểu tư sản và thân phận một người kể chuyện. Thật ra, Frey có
máu cờ bạc, đi chào hàng cũng là dịp đi khắp các sòng bạc. Trên thảm xanh của
sòng bạc, chẳng hạn như sòng bạc Baden-Baden, nửa say nửa tỉnh, ông muốn tìm lại
những cảm giác mạnh của những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đã lùi vào quá vãng, mà
nay ông muốn tái tạo trên chiếu bạc dưới con mắt dò xét của hồ lì. Vào những năm
cuối đời, Frey bỏ đạo để hoạt động bảo vệ môi trường, rồi lại đùng đùng bỏ đảng
xanh, về làm đầu bếp tại xứ đạo của một người bạn là linh mục Faust, làm việc
quần quật để trang trải những món nợ sòng bạc. Ông từ trần năm 1994 tại Vienna,
với lời trối trăng để lại cho hai người con gái: “Các con phải xuất bản cho
được cuốn sách của bố”.
Các cuốn nhật kí viết ở Việt Bắc của Schröder là nguồn tư liệu quý giá giúp ta
hiểu nhiều điều, đặc biệt là mối quan hệ giữa hàng binh người Âu và các đồng chí
Việt Nam của họ. Schröder “cảm thấy bị bỏ rơi như một người làm công bị sa
thải vậy”. Tháng tám 1951 ông rời Việt Nam, tháng mười một về tới Cộng hoà
Dân chủ Đức, dạy Đức văn và lịch sử trong một trường trung học ở thành phố
Dresden. Năm 1953, ông kí hợp đồng làm việt cho cơ quan mật vụ Stasi.[56]
Nhiệm vụ của ông là báo cáo về “những phần tử tiêu biểu trong giới trí thức”,
nghĩa là về những đồng nghiệp và học trò của mình, cũng như về bạn bè cũ trong
đội quân Lê Dương. Tôi đã được đọc những bản báo cáo này và có thể kết luận
Schröder không hề tố cáo ai cả. Ngược lại, trên những trang viết ấy, ông từng
bước phê phán chế độ và biểu lộ sự nôn nóng, tuyệt vọng của mình về hoàn cảnh
cuộc sống. Vào cuối thập niên 1950, ông bị “khó khăn chính trị” và mất việc. Sau
đó ông làm thợ tiện trong nhà máy; cuối năm 1959 cùng với người vợ trẻ, trốn
sang Tây Đức. Hi vọng làm báo không thành, cuối cùng Schröder phải nhận một chỗ
dạy Pháp văn tại một trường tư ở Frankfurt trên sông Main với đồng lương bạc
bẽo. Tháng giêng 1977, ông chết trong cô đơn, tuyệt vọng, nhưng đến giờ phút
cuối cùng, Schröder vẫn tiếp tục viết.
Tình cảnh của Frey, Borchers và Schröder minh hoạ thảm kịch cùng cực của con
người sống giữa hai trận tuyến, Zwischenfrontmensch. Năm 1945, Việt Minh
nồng nhiệt nhận đón Frey và các bạn ông. Với sở trường về tuyên truyền, tổ chức,
hiểu biết kĩ thuật và quân sự về mặt lí thuyết cũng như trong thực hành, họ đã
giúp ích cho Việt Minh. Song, sau thắng lợi của chiến dịch biên giới đông bắc
năm 1950, tình hình thay đổi hoàn toàn với sự có mặt đông đảo của các cố vấn
Trung Quốc, từ đó bắt đầu một quá trình “cải tạo cộng sản chủ nghĩa” trong một
phong trào cho đến lúc ấy vẫn mang sắc thái của một mặt trận nhân dân. Từ nay,
cố vấn Trung Quốc mới là đồng chí cách mạng quốc tế chủ nghĩa, còn hàng binh Âu
châu là người ngoại quốc, người ngoài, là những kẻ đào tẩu từ hàng ngũ quân
địch. Cuối cùng, cái gọi là mối mâu thuần “hiện sinh” giữa những người dân thuộc
địa và những người da trắng khiến cho người ta không thể tín nhiệm người Âu[57] bởi
vì họ sống “không hài hoà” với quê hương hay với bản sắc của họ; trong con mắt
Việt Nam, họ sẽ không bao giờ vượt qua được mâu thuẫn cơ bản đó, đơn giản vì họ
không phải là người Việt! Không những thế, họ là những người có đầu óc phê phán,
không bao giờ chịu ngoan ngoãn thi hành chỉ thị của Đảng mà không thảo luận,
phản biện. Trong cuộc gặp ở Ban chấp hành Trung ương ngày 15 tháng tám 1950,
anh Thận (tức là Trường Chinh) đánh giá họ là “thiếu bồi dưỡng về mặt tư
tưởng, và có biểu hiện... chủ nghĩa sô-vanh”. Schröder coi câu nói đó là
một lời Hinauswurf, cho “về chơi xơi nước”.[58]
Phải nói là ở thời điểm ấy, nhiệt tình cách mạng của mùa thu 1945 nhờ đó họ gắn
bó khắng khít với nhau trong mấy năm trời nay đã nguội lạnh. Cuối năm 1950,
Frey, Schröder, Borchers, Wächter và Ullrich ăn mừng Lễ giáng sinh với nhau, và
chính những ngày sống chung này đã “rọi sáng những mối quan hệ giả tạo, thậm
chí dối trá” giữa họ với nhau, và cho thấy rõ “sự nối kết tạm bợ giữa họ
với nhau không xuất phát từ mục đích chung và hoạt động chung, mà chỉ vì họ cùng
chống đối”.[59]
Chính vì thế mà từ năm 1954 trở về sau, chỉ vài ba người Âu còn ở lại Việt
Nam...
Nói theo hình tượng của Adorno, Frey Schröder và Borchers xuất thân từ “cuộc
đời thương tổn”. Họ là những con người bị bầm giập, mang đầy thương tích, bị
bứt khỏi những ước vọng gia đình, sự nghiệp, dân tộc, bị ném vào một thế giới
thù nghịch và phi lí. Trong cơ ngũ Lê Dương, cái không khí “đại đồng”, những
“tận tâm, tình đồng đội, cảm giác mạnh mẽ”[60]
chỉ có trong những tờ rơi tuyên truyền tuyển mộ, và hoàn toàn vắng bóng trong
thực tế hàng ngày làm bằng sự tuân phục, bạo hành và đơn điệu – vả lại, họ là
những người lính ở ngoài mọi khuôn mẫu. Cách mạng Việt Minh hiện ra trong mắt
những con người đang thèm khát hành động vì chính nghĩa ấy như một dự phóng về
tiến bộ thuận chiều lịch sử, đồng thời hứa hẹn mang lại cho họ một quê hương, tổ
quốc. Họ sẵn sàng thuần phục cá tính vì giấc mơ kiến tạo một xã hội nhân bản
hơn, để rồi cuối cùng phát hiện ra rằng họ lại sa vào cạm bẫy cực quyền đòi hỏi
họ hiến dâng tất cả mà không mảy may khoan thứ những dị biệt cá nhân. Trong nhật
kí tháng hai 1951, Schröder chua chát ghi lại: “Giả sử bây giờ ông già râu
phán một câu: ‘Cái giẻ trắng mà các chú thấy kia màu đen’, mọi người sẽ
tin là thế; cán bộ sẽ coi đó là kinh thánh. Chuyện ấy đã tững xảy ra đâu đó rồi.
Goebbels còn xạo gấp mấy, nhưng người dân Đức có lẽ vì thích tự thôi miên
tập thể, đã tin lời Goebbels. Ở đây, người ta còn đi xa hơn nữa: họ tự thuyết
phục và xác quyết là từ trước đến nay họ vẫn tin rằng cái giẻ trắng kia màu đen.
Điều đó, người Đức làm không nổi. Bởi vì họ ý thức được rằng trước thời quốc xã,
mọi sự không như H(itler) và G(oebbel nói”. Tự do mà họ ước mong hiện nguyên
hình độc tài. Không những thế, họ đã hăng hái góp phần vào đó. Ở đây, tôi không
thể đi sâu để bàn về những động cơ đã thúc đẩy họ, các hoạt động của họ, và cũng
không thể tìm hiểu họ ý thức tới mức nào về những hậu quả sự chọn lựa lúc đó của
họ. “Tôi đã sống hoà điệu với chính tôi”, nhiều năm sau, một người trong
họ đã viết như vậy.[61]
Thay mặt mọi người, và vẫn giữ quyền tự do của mình để tố cáo chế độ độc tài.
Song họ vẫn ở “giữa hai trận tuyến”. Schröder, Frey và Borchers là những người
tranh đấu và những trí thức. Tranh đấu và chiến đấu ngoài mặt trận không phải do
tạng người hay tâm tính, mà là do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy. Dẫu sao, hành trình
của họ cũng phù hợp với truyền thống nho sĩ / tráng sĩ Việt Nam mà tiêu biểu là
Nguyễn Trãi (1380-1442), bên trung bên hiếu, đã chọn chữ trung. Và họ cũng không
khác các đồng chí Việt Nam của họ đã tạm thời phải biến thành những quán quân
của một thứ chủ thuyết “thiên niên kỉ” (millénarisme) mác xít đi trước cả
Frantz Fanon. Qua trải nghiệm thực tiễn, họ phân tích nghĩa quốc gia (xã hội) và
từ đó dấn thân vào cuộc đấu tranh chống thực dân. Tới khi nhận diện Nhà nước
toàn trị là nguồn gốc của mọi sự đàn áp, thì ngay từ năm 1950, họ mất hết ảo
tưởng về chủ nghĩa xã hội của Bắc Việt Nam. Nguyễn Đình Thi, nguyên tổng thư kí
Hội Văn hoá cứu quốc (thập niên 1940), ít lâu trước khi từ trần, đã phát biểu
như sau : Schröder và Boudarel “gặp vấn đề khi họ phải chấp nhận tôn ti trật
tự của Đảng”.[62]
ĐCS Việt Nam, trong cao trào cách mạng, đã để họ ở lại bên lề đường khi không
cần tới họ nữa. Và đời họ thêm một lần tàn tạ.
Heinz Schütte
Paris, 24 décembre 2003
(*) Hiện hữu và Hư vô, tác phẩm
triết học của Jean-Paul Sartre (công bố năm 1943). Theo Heinz Schütte, một thành
viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau
(mùa hè 1946), bạn của Rudy Schröder, đã mang về Hà Nội cho ông một bản (chú
thích của N.D.)
Chú thích của Thời Đại Mới: Độc giả có thể xem
thêm bài
Cha tôi, giữa những
quê hương của Claudia Việt-Đức Borchers (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1529&rb=0401&von=)
[1]
Bài này
(có sửa lại chút ít) đã được trình bày tại cuộc hội thảo về những hàng
binh người Đức đi theo Việt Minh (thập niên 1940-50) tổ chức tại Viện
Goethe (Hà Nội) trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng 2004.
[2]
Kính tặng hương hồn Georges Boudarel (GB). Cuộc đời của GB in sâu dấu ấn của
Việt Nam kể từ năm 1949 khi ông 24 tuổi. Trong những năm qua, ông đã
khuyến khích tôi tiếp tục nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong tinh thần mà
ông vẫn theo đuổi : đoàn kết phê phán. Militant và học giả, GB là
một trong những người Pháp đầu tiên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
[3]
Điện của E. Honecker gửi Nguyễn Văn Hướng, đại diện Việt Nam ở
Praha, 20 tháng hai 1950. Thư khố quốc gia Bundesarchiv (BA) : DY
24/3691
[4]
Leo Zuckermann gửi Wilhelm Pieck, Berlin 9 tháng sáu 1950.
BA : NY 4182/1269
[5]
W. Ulbricht gửi Hermann Axen, 29 tháng ba 1951. BA : NY 4182/1269
[6]
Bộ trưởng Mielke gửi Tổng thanh tra Gutsche. Berlin, 5 tháng tư 1951.
Bundesbeauftragter für die Unterlagen des Staatssicherheitsdienstes der
ehemaligen Deutschen Demokratischen Republik (Thư khố của Bộ công an cũ
Stasi) (B St U) : MfS-BdL/Dok. Nr. 003670
[7] Verwaltung Gross-Berlin, Abtlg.
II, gez. Herbst, tháng hai 1957, Arbeitsrichtlinie. B St U : MfS
AS 1310/67, trang 000015
[8] Nhật kí của R.
Schröder 6 juillet, 6 tháng tám và 23 tháng chạp 1950.
Fonds Maria Schröder (FMS)
[9]
Eckart Michels, Deutsche in der Fremdenlegion. Mythen und Realitäten.
Paderborn 1999, tr. 160
[11] Peter Scholl-Latour, Der Tod
im Reisfeld. Dreißig Jahre Krieg in Indochina. München 1988, tr. 29.
[12] Wilhelm Reschl, Europas
letzte Söldner, in : DAMALS, 2/96, tr. 69.
[13] Jean-Luc Einaudi, Viêt-Nam! La
guerre d’Indochine (1945-1954), Paris 2001, tr. 133.
[14] Jean-Pierre Hallo, Monsieur
Légionnaire. L’homme et ses traditions. Paris 1994, tr. 29, trích
dẫn theo Michels, sđd., tr. 190.
[15] Michels, sđd., tr. 104
[16] Michels, sđd., tr. 119 và 164
[17]
Raymond Aron, Mémoires, Paris, Julliard 1983, tr. 72/73
[19] Lebenslauf des Schröder,
Reiner, Josef, Rudy. Berlin 9 tháng mười một 1951, in: B St
U: Ddn. AIM 808/59, tr.000058-000063
[20]
Leo Spitzer gửi Raymond Aron. Cologne 24 tháng chín 1933, trong : Thư
khố riêng của Raymond Aron, hộp 209, với sự cho phép của Dominique
Schnapper và Elisabeth Dutartre.
[21] Klaus Brill gửi Max Horkheimer,
New York. Paris 31 tháng ba 1936, trong: Max Horkheimer, Gesammelte
Schriften, vol. 15: Briefwechsel 1913-1936. Frankfurt am Main 1995,
tr. 504
[22] Max Horkheimer gửi Raymond Aron,
Paris. New York 20 tháng mười một 1936, trong: Horkheimer, sđd.,
tr. 729
[23] Reinhold Schneider,
Verhüllter Tag, Köln 1962, tr. 164
[24] Bà mẹ của Erwin Borchers cũng bị
ông cụ thân sinh truất quyền thừa kế vì đã lấy một
“tên Phổ bẩn thỉu”
(Saupreuße).
Thông báo miệng của Lilo Ludwig, em gái Borchers, Berlin 28 tháng sáu
2003.
[25] Lebenslauf. Berlin 14 mai 1966,
trong : B St U : MfS AP 14061/73, trang 000008
[26] S. P. 554, 6 tháng bảy 1940; trong:
Fonds Philippe Delaunay (FPD)
[27] R. Schröder gửi Hilde Schröder, 23
tháng chín 1940, Bel-Abbès 16 tháng hai 1941 và Bel-Abbès 27 tháng hai
1941
[28] Michels, sđd, tr. 136
[29] Raymond Aron, Lời tựa,
trong: André Thérive, Essai sur les Trahisons, Calman-Lévy, Paris
1951, tr. XIV
[30] Thư Schröder gửi vợ, 1 tháng tám
1941, trong : FPD
[31] Jean Lacouture, Hô Chi Minh.
Seuil, Paris 1967, tr. 115
[32] Bản thảo đánh máy của Schröder 260
trang không tựa đề (MS), FMS, tr. 58
[34] Lax-Giroud, Les Oubliés d’Annam,
édition intégrale, Aire Libre, Dupuis (1990 et 1991) 2000, tr. 54-55
[35]
Ernst Frey, Vietnam mon amour. Ein Wiener Jude im
Dienst von Hô Chi Minh, nhà xuất bản Doris
Sottopietra, Vienne 22002, tr. 64 et 94. Frey muốn theo học hoá học kĩ
thuật
[36] như trên., tr. 118/119, 121, 170
[37] Ferry Stern, Und ist es auch
Wahnsinn, tr. 655. – Đây nguyên thuỷ là bản thảo 1216 tranh đánh máy
của Frey, được FS biên tập và xuất bản..
[38] Stern, sđd., tr. 692-726
[39] Borchers, Lebenslauf, tr.
000010/11
[40] Stern, sđd., tr. 704
[41] Schröder, MS, tr. 113
[44] Schröder, MS, tr. 58
[45] Gérard Tongas, J’ai vécu dans
l’enfer communiste au Nord Viêt-Nam. Les nouvelles éditions
Debresse, Paris 1960, tr. 173
[46] Arkady Fiedler, Im Lande der
wilden Bananen, VEB F.A. Brockhaus Verlag,
Leipzig 1959, tr. 170
[47] Margret Boveri, Verrat im 2o.
Jahrhundert, I – Für und gegen die Nation, Rowohlt,
Hamburg 1956, tr.111
[49] Jacques Doyon, Les Soldats
Blancs de Hô Chi Minh, Fayard, Paris 1973
[50] Frey, sđd., tr. 206; Schröder,
MS, tr. 60
[51]
B St U : MfS FV 2/71, tr. 000011
[52] Pierre Sergent, Un Étrange
Monsieur Frey, Fayard, Paris 1982, tr. 305, 309
[54] Hỏi chuyện Trần Duy, Hà Nội, ngày
18 tháng mười 2002
[55] Lebenslauf, tr. 000062. – Trong các
hồ sơ của Stasi, có nhiều lính Lê Dương cũ tố cáo Schröder… Trong
một cuốn sổ nhật kí nhỏ tí, S ghi trong khi thi hành kỉ luật, biệt đội
‘T’ không có biểu hiện hoảng loạn , và hôm sau : Từ 7g đến 4g chiều,
viết ‘tự bạch’ và thư gửi TW , 11 và 12 tháng sáu 1949.
[56]
B St U: Ddn. AIM 808/59 – Personalakte
[57] Hỏi chuyện Hữu Ngọc, Hà Nội, ngày
18 tháng năm 1999.
[58] Nhật kí Schröder ngày 18 tháng tám
1950
[59] Thư của NEX (Borchers) gửi Kerkhof,
28 tháng hai 1951, FMS
[60]
Boveri,
I, sđd., tr. 35
[61] Rudolf Schröder, In partibus
infidelium, bản thảo, tr. 15, FMS
[62] Hỏi chuyện Nguyễn Đình Thi, Hà Nội,
ngày 21 tháng mười 2002.
© Thời Đại Mới
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét