Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

AIIB và chủ nghĩa đa phương châu Á

GFX_AIIB
Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Asia’s Multilateralism”, Project Syndicate, 13/04/2015.
Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã sẵn sàng tổ chức các cuộc họp thường niên của mình, nhưng tin tức quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu sẽ không xuất phát từ Washington trong những ngày sắp tới. Thật vậy, tin tức đó đã xuất hiện từ tháng trước, khi Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Ý cùng với hơn 30 quốc gia khác trở thành các thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Với số vốn 50 tỉ USD, AIIB, được khởi xướng bởi Trung Quốc, sẽ giúp đáp ứng các nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng của châu Á vốn nằm ngoài khả năng tài trợ của các dàn xếp thể chế hiện nay.
Người ta nghĩ rằng sự thành lập AIIB, và quyết định ủng hộ nó của nhiều chính phủ, là lý do để tán thưởng rộng rãi. Và đối với IMF, Ngân hàng Thế giới và nhiều thể chế khác cũng vậy. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là quyết định tham gia của các quốc gia châu Âu giàu có đã làm dấy lên sự giận dữ của các quan chức Mỹ. Thật vậy, một nguồn tin không rõ tên của Mỹ đã cáo buộc Vương Quốc Anh là “thường xuyên thỏa hiệp” với Trung Quốc. Hoa Kỳ đã bí mật gây áp lực lên các quốc gia trên thế giới để họ tránh xa thể chế này.
Thực tế, sự phản đối của Mỹ đối với AIIB mâu thuẫn với các ưu tiên kinh tế mà họ đã tuyên bố ở châu Á. Đáng buồn thay, đó có vẻ như là một ví dụ khác cho thấy sự thiếu tự tin của Mỹ về ảnh hưởng toàn cầu của mình đã lấn át luận điệu lý tưởng của họ – và lần này điều đó có thể phá hoại một cơ hội quan trọng để củng cố nền kinh tế đang phát triển của châu Á.
Bản thân Trung Quốc là một minh chứng cho việc mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể đóng góp vào sự phát triển. Tháng trước, tôi đã đến thăm các vùng xa xôi trước đây của nước này hiện nay đã thịnh vượng nhờ sự kết nối mà những khoản đầu tư như vậy mang lại – và do đó đã thúc đẩy dòng chảy tự do hơn của dân cư, hàng hóa và các ý tưởng.
AIIB sẽ mang lại những lợi ích tương tự cho các khu vực khác của châu Á, đào sâu thêm sự mỉa mai trong phản đối của Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang ủng hộ các lợi ích của thương mại; nhưng ở các quốc gia đang phát triển, sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng là rào cản nghiêm trọng đối với thương mại hơn là các loại thuế quan.
Một nguồn quỹ như AIIB có lợi thế toàn cầu rất quan trọng: hiện nay, thế giới đang trải qua tình trạng tổng cầu không đủ. Thị trường tài chính cho thấy không đủ sức thực hiện nhiệm vụ xoay vòng tiền tiết kiệm từ những nơi mà thu nhập vượt quá mức tiêu dùng đến những nơi cần đầu tư.
Khi còn là Chủ tịch cục Dữ trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Ben Bernanke đã nhầm lẫn khi mô tả vấn đề này là “sự dư thừa tiết kiệm toàn cầu.” Tuy nhiên trong một thế giới với nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn như vậy, vấn đề không phải là dư thừa tiết kiệm hay thiếu các cơ hội đầu tư tốt. Vấn đề là một hệ thống tài chính chỉ giỏi thao túng, đầu cơ và nội gián, nhưng lại thất bại trong nhiệm vụ cốt lõi của nó: điều tiết dòng tiền tiết kiệm và đầu tư ở quy mô toàn cầu. Đó là lý do tại sao AIIB có thể mang lại sự cải thiện dù nhỏ nhưng rất cần thiết cho tổng cầu toàn cầu.
Vì vậy chúng ta nên hoan nghênh sáng kiến của Trung Quốc nhằm đa phương hóa dòng vốn. Thực vậy, nó lặp lại chính sách của Mỹ trong giai đoạn hậu Thế Chiến II, khi Ngân hàng Thế giới được thành lập để đa phương hóa nguồn vốn dành cho phát triển, vốn chủ yếu đến từ Hoa Kỳ (một động thái cũng đã giúp tạo ra nhóm nhân viên dân sự quốc tế và những chuyên gia về phát triển hàng đầu).
Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đôi khi bị chi phối quá mức bởi ý thức hệ áp đảo; ví dụ, các chính sách Đồng thuận Washington về thị trường tự do được gán cho những nước nhận hỗ trợ thật sự đã dẫn đến phi công nghiệp hóa và làm giảm thu nhập ở vùng châu Phi hạ Sahara. Tuy nhiên, nhìn chung, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã hiệu quả hơn so với khi sự hỗ trợ đó không được đa phương hóa. Nếu những nguồn vốn này được chuyển thông qua cơ quan viện trợ của chính Hoa Kỳ, việc hoạch định chính sách sẽ chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tư duy phát triển (hoặc không có sự suy nghĩ thấu đáo) từ chính quyền này đến chính quyền khác của Hoa Kỳ.
Các nỗ lực mới để đa phương hóa dòng vốn hỗ trợ (bao gồm cả sự hình thành của Ngân hàng Phát triển Mới của các quốc gia BRICS tháng Bảy năm ngoái) tương tự có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển toàn cầu. Cách đây vài năm, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ủng hộ các ưu thế của chủ nghĩa đa nguyên mang tính cạnh tranh. AIIB mang đến một cơ hội để thử nghiệm ý tưởng đó trong lĩnh vực tài chính với mục đích phát triển.
Có lẽ sự phản đối của Mỹ đối với AIIB là ví dụ về một hiện tượng kinh tế mà tôi vẫn thường quan sát được: các công ty muốn cạnh tranh lớn hơn ở khắp mọi nơi ngoại trừ trong ngành của chính họ. Quan điểm này đòi hỏi một cái giá rất đắt: nếu như có một thị trường cạnh tranh hơn về các ý tưởng, thì Đồng thuận Washington vốn khiếm khuyết có thể đã không bao giờ trở thành một sự đồng thuận.
Sự phản đối của Mỹ đối với AIIB không phải là chưa từng có tiền lệ; thực tế, nó hơi giống với sự phản đối thành công của Hoa Kỳ đối với Sáng kiến Miyazawa Mới (New Miyazawa Initiative) hào phóng của Nhật Bản cuối những năm 1990, với đề nghị hỗ trợ 80 tỉ USD cho các quốc gia trong cuộc khủng hoảng Đông Á. Sau đó, cũng như hiện nay, không có vẻ gì là Hoa Kỳ sẽ cung cấp một nguồn tài trợ thay thế. Họ chỉ đơn giản là muốn sự bá quyền. Trong một thế giới ngày càng đa cực, họ vẫn muốn duy trì vị trí G-1. Sự thiếu hụt nguồn tiền, kết hợp với việc khăng khăng giữ những ý tưởng đầy thiếu sót về cách ứng phó với khủng hoảng của Mỹ, đã gây nên sự suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc và kéo dài hơn.
Tuy nhiên, sự phản đối của Hoa Kỳ đối với AIIB vẫn là điều khó hiểu bởi chính sách cơ sở hạ tầng ít chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng và các nhóm lợi ích đặc biệt hơn so với các lĩnh vực hoạch định chính sách khác, chẳng hạn như những lĩnh vực bị chi phối bởi Hoa Kỳ tại Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, yêu cầu bảo vệ môi trường và xã hội khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể được giải quyết hiệu quả trong một khuôn khổ đa phương (như AIIB).
Vương Quốc Anh, Pháp, Ý, Đức và các quốc gia đã quyết định tham gia AIIB nên được tán dương. Người ta hy vọng rằng các quốc gia khác, ở cả Châu Âu và Châu Á, cũng sẽ tham gia, giúp thực hiện tham vọng rằng cải thiện cơ sở hạ tầng có thể nâng cao mức sống ở các nơi khác của khu vực, như đã diễn ra ở Trung Quốc.
Joseph E. Stiglitz từng nhận giải Nobel về kinh tế học và là Giáo sư giảng dạy tại Đại học Columbia. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton, là cựu Phó Chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông, với đồng tác giả là Bruce Greenwalk, có tựa đề “Tạo dựng một Xã hội Học tập: một cách tiếp cận mới về Tăng trưởng, Phát triển, và Tiến bộ xã hội” (Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.)
f

0 nhận xét:

Đăng nhận xét