I. Quan điểm Pro-LifeVấn đề phá thai là một vấn đề xã hội, hoàn toàn hợp pháp do một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ án Roe v. Wade từ năm 1973. Vấn đề này luôn luôn trở thành một chủ đề nóng bỏng ở mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Có hai quan điểm đối chọi: một bên được mệnh danh là Pro-Choice, nghĩa là thuận cho sự tự do chọn lựa; còn bên kia là Pro-Life, thuận việc bảo vệ sự sống. Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống (ngày 3 tháng 11). Hiện nay, các phong trào ồn ào thái quá có mục đích cổ động phiếu của giới Công Giáo đang là một sự kiện nổi cộm cần phải được đem ra bàn mổ xẻ để tìm cho ra ngọn ngành, nhất là khi vấn đề đang được các tổ chức có thế lực thuộc tôn giáo, chính trị, và giới tài phiệt tư bản cố tình xuyên tạc, bóp méo chỉ vì quyền lợi chính trị của phe nhóm.
II. Những điều vô lý của quan điểm Pro-Life.
III. Quan điểm Pro-Choice
IV. Kết Luận
Vậy quan điểm Pro-Life là gì? Có điều gì vô lý với quan điểm này? Và quan điểm Pro-Choice là gì? Có điều gì thuyết phục với quan điểm này? Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi này và bàn thêm về những điều liên quan để tìm ra kết luận quan điểm nào đáng nhận được sự ủng hộ của quần chúng hơn cả.
Quan điểm của Công Giáo thì cho rằng tính người có sẵn trong một hợp tử hay một phôi thai từ khi người đàn bà thụ thai, nghĩa là khi con tinh trùng của người đàn ông đã phối hợp với cái trứng của người đàn bà. Chính lúc thụ thai này là thời khắc Thiên Chúa thổi vào đó một linh hồn. Khoa học không thể xác định khi nào một hợp tử, một phôi thai, hay một bào thai là một con người, hoặc khi nào con người có linh hồn. Đó là điều vô phương. Người ta chỉ có thể biết rằng sự thụ thai của người đàn bà là khi cái trứng gặp được một con tinh trùng của người đàn ông để trở thành một hợp tử, một phôi thai. Phôi thai này sẽ di chuyển dần xuống tử cung rồi trở thành một bào thai, và nằm ở đó chín tháng mười ngày trước khi chào đời.
Quan điểm của Công Giáo thì không có nguồn gốc từ Thánh Kinh, nghĩa là không phải từ lời Chúa dạy nhưng chỉ là lời của những người cầm đầu của một tổ chức tôn giáo mà các tín hữu luôn luôn phải gọi là Hội Thánh. Một vấn đề riêng tư, mang nặng đẻ đau của riêng người đàn bà, đang được áp đặt bởi một nhóm người chỉ hoàn toàn đàn ông độc thân, không bao giờ có kinh nghiệm hay phải đối diện với thực tế của các vấn đề về tình dục, hạnh phúc của gia đình, và về việc nuôi nấng và dạy dỗ các con cái; và đặc biệt điều áp đặt đó không chỉ nhắm vào các tín đồ của tôn giáo họ, nhưng vào toàn thể các công dân, không phân biệt bất cứ họ thuộc tôn giáo nào.
Nhưng một quan điểm cấm đoán cực đoan, cứng ngắc như vậy có điều gì là hợp lý để làm giảm bớt đau khổ của người đàn bà trong cơn túng quẩn và ở một hoàn cảnh không còn có sự chọn lựa nào khác?
Bác sĩ cấy phôi thai bằng cách phối hợp cái trứng của người mẹ với con tinh trùng của người cha trong một lồng kính để tạo sự thụ thai, rồi sau đó sẽ cài đặt cái phôi thai đó vào trong tử cung của người mẹ cho đến ngày đứa bé chào đời. Việc cấy phôi thai này làm thụ thai hằng mấy chục cái trứng cho mỗi cặp vợ chồng, nhưng các bác sĩ chỉ cần dùng duy nhất có một vài ba cái trứng đã thụ thai cho công việc cấy thai. Những phôi thai còn lại này sẽ được giữ trong tủ lạnh, rồi qua một thời gian sau, sẽ bị dụt bỏ vào trùng rác. Chúng cũng có thể được dùng trong các phòng thí nghiệm để cấy những tế bào phôi. Đó là việc nghiên cứu tế bào phôi (stem cell research), một lĩnh vực có rất nhiều hứa hẹn để chữa các chứng bệnh nan y mà khoa học hiện nay đang bó tay nhưng lại bị đảng Cộng Hòa và Công Giáo từng lên tiếng chống đối mạnh mẽ từ mấy chục năm nay.
Người ta cũng biết rằng cứ ba người đàn bà mang thai thì thường có một người bị xảy thai. Như vậy, số người bị xảy thai vẫn đang có nhiều triệu người trong mỗi năm. Nếu chúng ta bảo rằng các bác sĩ phá thai là những kẻ sát nhân thì chính Thiên Chúa toàn năng đang là một kẻ sát nhân độc ác nhất. Vậy một sát nhân ác độc có đáng để chúng ta tôn thờ hay không?
Hơn nữa, người Công Giáo thường làm lễ cầu hồn cho những người đã chết. Vậy tại sao không bao giờ chúng ta thấy họ cầu hồn cho những phôi thai cũng có linh hồn như chúng ta nhưng đã bị Thiên Chúa giết chết? Và hằng tỉ phôi thai có linh hồn đang nằm trong tủ lạnh chờ ngày bỏ vào thùng rác, tại sao người Công Giáo không có những nổ lực ra tay cứu vớt những linh hồn đó?
Nếu theo dõi những diễn tiến chính trị ở Hoa Kỳ, người ta sẽ nhận ra ngay có một sự khôi hài và mỉa mai rất lớn, rằng những kẻ theo Pro-Life thường nhân danh sự sống của con người để chống đối những kẻ theo Pro-Choice, những kẻ chỉ muốn tôn trọng quyền tự do chọn lựa riêng tư của người đàn bà; nhưng chính những kẻ Pro-Life lại là những kẻ theo đuổi các chính sách làm nguy hại đến sự sống của con người nhất. Họ cũng là những kẻ luôn luôn hô hào cổ vũ cho người dân được tự do mua súng đạn (Pro-Guns); ủng hộ hình phạt tử hình (Pro-Capital Punishment); bảo vệ giới giầu (Pro-Wealthy); theo đuổi chiến tranh Iraq (Pro-Irac War), ủng hộ việc tra tấn tội nhân (Pro-Torture)… Lý do bảo vệ sự sống chỉ là tấm bình phong che đậy của những kẻ giả hình.
Thống kê duy nhất mà chúng ta hiện có về vấn đề phá thai là một thống kê của cơ quan Guttmacher Institute làm năm 2005. Thống kê cho biết tỉ lệ phá thai hiện đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Trong các vụ phá thai, có 30% vụ xảy ra trước khi bào thai được 6 tuần tuổi, 60% vụ trước khi bào thai được 8 tuần tuổi, và chỉ có 1% vụ khi bào thai quá 20 tuần tuổi. Y học cũng cho chúng ta biết rằng một phôi thai không thể sống sót nếu nằm ngoài bụng mẹ, và nó có một hy vọng sống rất mong manh nếu chưa được 26 tuần tuổi. Cho dù bào thai đã quá 26 tuần tuổi, hy vọng sống của nó cũng chưa hẳn là chắc chắn.
Như vậy, thực tế của vấn đề ở Mỹ là hầu như chẳng có người đàn bà nào đi phá thai khi bào thai đã quá lớn, hơn 26 tuần tuổi. Nếu đó không phải là một vấn đề đáng quan tâm thì tại sao người Công Giáo cứ phải xuống đường biểu tình để tranh đấu cho một điều không cấp bách ? Sao họ không xuống đường biểu tình để tranh đấu cho hòa bình, chống nghèo đói, chống chiến tranh, và chống lòng tham vô đáy của giới tư bản Mỹ, những vấn đề đang gây nhiều đau khổ cho con người và làm băng hoại xã hội?
Đã từ nhiều thế kỷ qua, người đàn bà đã và đang tìm đến việc phá thai, và ở Mỹ, dịch vụ được chăm nom y tế là một dân quyền. Quyết định phá thai luôn luôn được cân ngắc rất kỷ lưỡng, nhưng quyết định đó phải hoàn toàn tùy thuộc vào những người liên hệ, không phải là quyết định của các ông hồng y hay giám mục, hoặc cũng chẳng phải là quyết định của các nhà chính trị. Cho dù Giáo Hội Công Giáo có cấm đoán, và đã có nhiều ông giám mục, linh mục đem thiên đàng và hỏa ngục ra hù dọa các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ ủng hộ việc phá thai, bằng những biện pháp chế tài như rút phép thông công, không cho rước mình thánh Chúa… thì vẫn đã và đang có 98% những người đàn bà Công Giáo ở tuổi có hoạt động tình dục tích cực dùng thuốc ngừa thai. Thống kê của viện Gallup vào tháng 5 vừa qua cũng khẳng định rằng có hơn 82% những người Công Giáo tin rằng việc kiểm soát sinh sản thì đáng được chấp nhận, và nó phù hợp với đạo đức và luân lý, cho dù Giáo Hội Công Giáo vẫn cứ khăng khăng chống đối và lên án.
Và người ta cũng ghi nhận rằng có 54% người Công Giáo đã bỏ phiếu cho Obama của đảng Dân Chủ trong kỳ bầu tổng thống năm 2008, trong khi chỉ có 45% bỏ phiếu cho McCain của đảng Cộng Hòa. Thống kê thăm dò mới nhất của cơ quan Pew Research Center cũng ghi nhận rằng người Công Giáo sẽ bỏ phiếu cho Obama trong kỳ bầu cử năm nay sẽ là 54%, trong khi chỉ có 39% sẽ bầu cho Romney của đảng Cộng Hòa. (Nguồn: http://religion.blogs.cnn.com/2012/09/27/pew-poll-obama-opens-up-lead-over-romney-among-catholics/ ).
Người theo quan điểm Pro-Choice luôn luôn tranh đấu cho công bằng xã hội. Họ mong muốn rằng sẽ không còn ai phải cần đến dịch vụ phá thai. Nếu không được vậy, ít nhất người ta cũng có thể làm được tỉ lệ phá thai giảm bớt chừng nào có thể. Để được vậy, cần phải có sự giáo dục quần chúng về vấn đề trách nhiệm trong tình dục, khuyến khích và phổ biến việc dùng các phương pháp ngừa thai, kể cả việc dùng áo mưa (condom), những thứ mà Giáo Hội Công Giáo đang ra sức cấm cản. Thật là một điều mâu thuẫn lớn khi Giáo Hội Công Giáo một mặt cấm phá thai, nhưng mặt khác lại cấm cả việc ngừa thai. Ngừa thai là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để làm giảm bớt tỉ lệ phá thai. Phá thai chỉ là một sự chọn lựa cuối cùng của người đàn bà ở thế không còn có sự lựa chọn nào khác. Đó là quyền tự do quyết định mà không một ai trong chúng ta có thể can thiệp, nhất là khi người ta đòi can thiệp nhân danh các giáo điều tôn giáo của riêng họ.
Tại sao người Công Giáo quan tâm quá mức đến những tế bào mới chỉ có khả năng thành con người, trong khi những con người thực sự đang sống trước mặt họ thì họ lại không quan tâm bằng? Đó là những người đàn bà mà sự sống đang bị đe dọa vì phải mang thai suốt chín tháng mười ngày, hoặc những người mang thai vì nỗi ô nhục của một cuộc hiếp dâm hay một sự loạn luân, hoặc những người bị kỳ vọng sẽ phải nuôi dưỡng suốt đời những người con dị tật, có hội chứng tâm thần, hay chỉ có một nửa khối óc, không nên sống một cuộc sống của kiếp người.
Khi có một người chết thì bạn xem đó như là thánh ý của Thiên Chúa, bởi vì bạn không thể chết nếu Thiên Chúa chưa muốn bạn chết. Khi Thiên Chúa toàn năng của bạn giết chết các phôi thai (bằng cách làm xảy thai) hoặc sai người ta đi giết thiên hạ thì bạn gọi đó là kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Nhưng khi các bác sĩ phải giết một bào thai để cứu sống người mẹ thì bạn cho đó là một hành động sát nhân.
Vì quyền lợi và sự sống còn, Công Giáo Hoa Kỳ đã phải liên kết với đảng Cộng Hòa để cổ động phiếu trong kỳ bầu cử tổng thống năm nay, bất kể họ đang đại diện cho một định chế tôn giáo không phải đóng thuế như các tổ chức xã hội khác, bất chấp Hiến Pháp Hoa Kỳ đòi hỏi sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước. Vậy việc tranh đấu của Giáo Hội Công Giáo để bảo vệ quyền sống của các tế bào chỉ mới có khả năng thành con người chính là một việc tranh đấu để bảo vệ cho chính sự sống còn của Giáo Hội Công Giáo, bởi lẽ tín điều Hội Thánh không thể sai lầm trong những vấn đề đức tin và luân lý đang bị đe dọa, nhất ở thời điểm mà con người đã tự quyết định đi theo sự phán đoán của lương tâm và trí tuệ, thay vì nhắm mắt như một đàn chiên chỉ biết vâng lời trong tuân phục.
Chúng ta nên tôn trọng niềm tin của mọi người nhưng không thể áp đặt niềm tin của chúng ta vào sinh hoạt chính trị của một quốc gia. Chúng ta nên tranh đấu cho công bằng xã hội thay vì tranh đấu và bảo vệ những giáo điều của một định chế, cho dù là một định chế tôn giáo có thế lực nhất hoàn vũ.
30 tháng 9, 2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét