Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015
Sự thao túng tiền tệ của châu Âu
21:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Stefan Kawalec, “Europe’s Currency Manipulation,” Project Syndicate, 01/04/2015.
Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Hiệp định Hợp tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ hiện đang đàm phán được cho là sẽ thúc đẩy phúc lợi và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cả hai nền kinh tế này, cũng như ở các nước khác. Đồng thời, TTIP cũng giúp khôi phục niềm tin vào châu Âu và vào Cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Nhưng có một rào cản lớn trong việc hiện thực hóa những lợi ích đó: đồng euro.
Vấn đề bắt nguồn từ việc thao túng tiền tệ. Trong ba thập niên qua, trên thực tế, Mỹ đã dung thứ cho việc thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của nó ở châu Á, điều đem lại cho họ mức thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai lớn bằng cách kìm hãm giá trị tiền tệ.
Nhưng Mỹ ít có khả năng chấp nhận hành vi như vậy trong các khu vực thương mại tự do. Thật vậy, đa số các nghị sĩ từ cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều yêu cầu rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại tự do siêu khu vực với sự tham gia của 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương – phải bao gồm các quy định ngăn cản việc thao túng tiền tệ.
Những thảo luận về vấn đề thao túng tiền tệ từ lâu đã tập trung vào Trung Quốc, vốn chưa tham gia đàm phán TPP nhưng có thể sẽ tham gia Hiệp định này hoặc một thỏa thuận tương tự trong tương lai. Nhưng nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất hiện nay lại không phải là Trung Quốc mà là khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trên thực tế, thặng dư tài khoản vãng lai khu vực đồng euro vào năm 2014 là hơn 300 tỉ đô la Mỹ, lớn hơn khoảng 50% so với mức thặng dư của Trung Quốc.
Lý do rất đơn giản: mở rộng tiền tệ, dẫn đến mất giá đồng tiền, là công cụ kinh tế vĩ mô duy nhất mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có trong tay để giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, và Pháp. Kết quả là thâm hụt tài khoản vãng lai ở các nước phía Nam giảm đi hoặc biến mất còn thặng dư ở các nước như Đức thì tăng lên, làm tăng tổng thặng dư của khu vực đồng euro.
Một vấn đề nan giải cho ECB là đồng euro vẫn còn quá mạnh đối với các nước có nền kinh tế yếu kém ở phía Nam trong khi nó lại quá yếu đối với Đức. Nếu việc cho phép đồng euro tăng giá sẽ giúp làm giảm thặng dư tài khoản vãng lai thì nó cũng sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng kinh tế ở các nước yếu kém phía Nam. Đến lượt mình, điều này sẽ tăng cường hơn nữa các phong trào chính trị dân túy và chống nhất thể hóa châu Âu (anti-European) vốn đã dựa vào các khó khăn xã hội để giành sự ủng hộ.
Một số nhà quan sát tin rằng sự mất cân bằng trong nội bộ khu vực đồng euro có thể suy giảm nếu Đức tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cho phép tăng lương nhanh hơn. Nhưng đối với những người Đức đã phải chịu đựng những cải cách khó khăn về an sinh xã hội và thị trường lao động trong những năm 2003-2005 để tăng khả năng cạnh tranh thì việc cố ý làm giảm khả năng cạnh tranh này không phải là một lựa chọn. Thực tế là 63% xuất khẩu của Đức đi sang các nước ngoài khu vực châu Âu – có nghĩa là các công ty Đức phải có khả năng cạnh tranh với các đối tác của họ trên toàn thế giới chứ không chỉ trong các nước liên minh tiền tệ – khiến cho vấn đề càng thêm nhạy cảm.
Một số nhà quan sát khác thì cho rằng hội nhập sâu hơn, đặc biệt là theo hướng liên minh tài khóa và chính trị, sẽ cung cấp cho khu vực châu Âu các công cụ điều tiết thay thế – cụ thể là chuyển dịch tài sản (wealth transfers) – để cải thiện năng lực cạnh tranh của các quốc gia đang suy thoái. Nhưng những mong đợi như vậy là không hợp lý vì Ý và Đức đã có bài học từ các nỗ lực hầu như đã thất bại (và rất đắt giá) của họ nhằm kích thích các khu vực không có tính cạnh tranh. Thật vậy, mặc dù chi tiêu một số lớn tiền thuế của dân – chiếm đến 16% GDP khu vực hàng năm của miền Nam nước Ý và 25% GDP khu vực của miền Đông nước Đức – nền kinh tế Ý và Đức đã không gặt hái được gì nhiều.
Với việc khu vực đồng tiền chung châu Âu có lẽ sẽ không thể cung cấp cho các thành viên kém cạnh tranh của nó một số tiền hàng năm lớn như vậy, nên một chiến lược như vậy sẽ càng ít có khả năng thành công. Tương tự, các chính sách cơ cấu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu vực kém phát triển trong một khu vực tiền tệ chung đã nhiều lần được chứng minh là không hiệu quả và tốn kém.
Tóm lại, sự mất cân bằng trong nội bộ khu vực đồng euro sẽ còn tồn tại – và cùng với nó là đồng tiền có giá trị thấp và mức thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ. Dĩ nhiên có thể lập luận rằng miễn là ECB không can thiệp trực tiếp bằng cách mua tài sản bằng ngoại tệ thì khu vực đồng euro sẽ không bị coi là một kẻ thao túng tiền tệ. Nhưng với bản chất có tính toán của các hành động của ECB – chưa kể đến vị trí hàng đầu của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu – lập luận này có lẽ sẽ không đứng vững được lâu.
Về cơ bản, thao túng tiền tệ là bất kỳ sự can thiệp cố ý nào để tạo ra một đồng tiền có giá trị thấp và thặng dư tài khoản vãng lai lớn – đó chính xác là những gì ECB đang làm. Nếu ECB duy trì chính sách này trong thời gian dài, căng thẳng với Mỹ là không thể tránh khỏi – tình trạng căng thẳng này có thể gây cản trở cho việc Quốc hội Mỹ thông qua TTIP hoặc cản trở hoạt động thực tế của Hiệp định này, dẫn đến việc suy giảm hiệu lực hoặc chấm dứt nó.
Điều này đi ngược lại một quan điểm phổ biến, từng là động lực kiến tạo của khu vực đồng euro, rằng châu Âu cần một đồng tiền duy nhất để cạnh tranh với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ. Trong thực tế, nếu các thành viên khu vực đồng euro giữ (hoặc khôi phục) đồng tiền quốc gia của họ, liên kết thông qua các dải tỉ giá tiền tệ (currency bands) có khả năng điều chỉnh, thì họ có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng của họ khá dễ dàng mà không tạo ra tổng thặng dư tài khoản vãng lớn đến như vậy. Thay vào đó, họ đang có nguy cơ khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ với các chủ thể kinh tế toàn cầu lớn – và đồng thời mất đi các đồng minh và đối tác thương mại cần thiết trong quá trình này.
Stefan Kawalec là Tổng giám đốc điều hành của Capital Strategy và nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét