Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Sức mạnh thông minh, thế kỷ Thái Bình Dương và học thuyết đối ngoại Obama

Tác giả: TS. Vũ Lê Thái Hoàng[1]

Tóm tắt
Một loạt các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương dồn dập, mang tính biểu tượng cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hai tháng cuối năm 2011 vừa qua có thể được xem là “cú ra đòn” quyết định trong nỗ lực chuẩn bị liên tục gần ba năm qua của Chính quyền Obama nhằm xây dựng, thử nghiệm và công bố Học thuyết đối ngoại Obama được gói gọn trong hai luận điểm cơ bản, nổi bật nhất: sức mạnh thông minh (smart power) và thế kỷ Thái Bình Dương (Pacific Century, hay nói cách khác là sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương). Sự thông minh, khôn ngoan của Mỹ trong việc sử dụng sức mạnh hiện có được thể hiện qua 7 phương diện chính là lựa chọn thông điệp, cân bằng thể chế, lựa chọn mục tiêu, phân bổ nguồn lực, lựa chọn công cụ, phương thức và địa bàn triển khai. Sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương thực chất là sự lựa chọn địa bàn khôn ngoan của chính quyền Obama nhưng vẫn phản ánh đầy đủ 7 phương diện của “sức mạnh thông minh” nói trên qua thực tiễn triển khai chính sách đối với mạng lưới quan hệ song phương và cấu trúc khu vực. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2012 sẽ góp phần trả lời câu hỏi về tương lai của học thuyết này.
Mở đầu
Thực tiễn lịch sử nước Mỹ cho thấy các tổng thống luôn muốn tạo dấu ấn nhiệm kỳ qua những học thuyết chính sách (policy doctrine) hay chiến lược lớn (grand strategy), và nhiều tổng thống được cả thế giới biết đến với học thuyết chính sách đối ngoại của một cường quốc/siêu cường có thể làm xoay chuyển cục diện quan hệ quốc tế trong từng giai đoạn lịch sử. Thậm chí có học thuyết mang giá trị lâu dài, đôi khi còn được vận dụng lại trong hoạch định chính sách bởi các vị tổng thống kế nhiệm về sau này. Có thể kể ra một số học thuyết nổi bật mà tên gọi của nó gắn liền với tên tuổi của các vị tổng thống hơn là nội dung của học thuyết đó: học thuyết Monroe năm 1823 với quan điểm nổi tiếng “châu Mỹ là của người Mỹ”; học thuyết Truman năm 1947 về “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” khơi mào cho Chiến tranh Lạnh; học thuyết “đô-mi-nô” và “lấp chỗ trống” ở Trung Cận Đông năm 1957 của Tổng thống Eisenhower; học thuyết Nixon (hay còn gọi là “học thuyết Guam”) năm 1969 ở vùng Vịnh Péc-xích; học thuyết “cam kết và mở rộng” năm 1995 của Tổng thống Clinton…
Mỗi một học thuyết ra đời phản ánh không chỉ tư duy của cá nhân lãnh đạo (tổng thống, ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia) và chính phủ cầm quyền, mà còn cả sự thắng thế của một trường phái/luồng tư tưởng, cũng như hoàn cảnh lịch sử trong và ngoài nước tại từng thời điểm lịch sử nhất định. Về nguyên tắc, các tổng thống Mỹ không nhất thiết cần các học thuyết đối ngoại, một phần vì quá trình xây dựng học thuyết đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và tiền đề bối cảnh lịch sử thật đặc biệt, phần khác vì học thuyết cũng chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi của tổng thống hơn là nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, xét từ góc độ hoạch định chính sách, học thuyết là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại, giúp xác định ưu tiên (về đối tác, địa bàn, lĩnh vực, phương thức), phân bổ nguồn lực triển khai (thường là hạn chế) và là thông điệp chính sách đối ngoại quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất gửi đến bạn bè/đồng minh, kẻ thù/đối thủ, dư luận trong nước và quốc tế, Quốc hội và cử tri Mỹ. Về mặt lý luận, đại đa số các học thuyết đều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của hai trường phái lớn là Hiện thực (Realism) và Tự do (Liberalism).
Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sụp đổ của Liên Xô – đối thủ chính của Mỹ – kéo theo sự thoái trào của học thuyết “Ngăn chặn” (Containment) làm mưa làm gió suốt hơn bốn thập kỷ, đồng thời cũng mở ra cuộc tranh luận mới về một học thuyết đối ngoại thay thế có ảnh hưởng lớn như học thuyết “Ngăn chặn”. Clinton đã nỗ lực xây dựng “Chiến lược an ninh quốc gia cam kết và mở rộng” chịu ảnh hưởng của trường phái Tự do; hai đời tổng thống Bush cha và Bush con đều bị cuốn vào các cuộc chiến nên chưa đưa ra được một học thuyết rõ ràng, đáng chú ý là Tổng thống Bush cha kêu gọi xây dựng một “Trật tự thế giới mới” sau chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 và Tổng thống Bush con chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tân Bảo thủ trong chiến dịch toàn cầu chống khủng bố sau sự kiện 11/9; Tổng thống Obama với sự hỗ trợ của Ngoại trưởng Hillary Clinton đang hoàn thiện học thuyết đối ngoại mới theo hướng thực dụng hơn, kết hợp giữa Hiện thực và Tự do. Theo Richard Haass – tác giả của luận điểm “thế giới vô cực” (non-polarity), các nỗ lực xây dựng học thuyết đối ngoại Mỹ từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho đến nay xoay quanh bốn nội hàm chủ đạo: thúc đẩy dân chủ, can thiệp nhân đạo, chống khủng bố và gắn kết, hòa nhập[2]. Charles Kupchan nhấn mạnh bốn nguyên tắc lớn của một học thuyết đối ngoại hiện nay cần phải là: đồng thuận chính trị và phục hồi kinh tế trong nước; điều chỉnh cam kết chiến lược phù hợp với lợi ích, nguồn lực; hợp tác với các cường quốc mới nổi để xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ; củng cố nền tảng đối ngoại là quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Liên minh châu Âu (EU)[3]. Cuộc tranh luận về học thuyết đối ngoại này nằm trong cuộc tranh luận rộng rãi hơn giữa hai phái ủng hộ triển vọng “thịnh” và “suy” của siêu cường Mỹ trong vài thập niên tới, đặc biệt trong bối cảnh một nước Mỹ với sức mạnh đang đà suy giảm tương đối với nhiều khó khăn kinh tế bên trong phải đối phó với một Trung Quốc “bùng nổ” về sức mạnh (nhất là kinh tế, quân sự) và ngày càng quyết đoán, ảnh hưởng trên trường quốc tế.[4]
Học thuyết đối ngoại Obama
Một loạt các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương dồn dập, mang tính biểu tượng cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hai tháng cuối năm 2011 vừa qua[5] có thể được xem là “cú ra đòn” quyết định trong nỗ lực chuẩn bị liên tục gần ba năm qua của Chính quyền Obama nhằm xây dựng, thử nghiệm và công bố Học thuyết đối ngoại Obama được gói gọn trong hai luận điểm cơ bản, nổi bật nhất: sức mạnh thông minh (smart power) và thế kỷ Thái Bình Dương (Pacific Century, hay nói cách khác là sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương). Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton và Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, Tom Donilon, đã đề cập trực tiếp và giải thích rõ hai luận điểm chính này trong Học thuyết đối ngoại Obama[6]. Luận điểm thứ nhất là nền tảng, bao trùm; luận điểm thứ hai là sự cụ thể hóa, mang tính trọng tâm, trọng điểm; cả hai điểm nhấn có quan hệ biện chứng, bổ sung, đan xen lẫn nhau. Học thuyết ra đời nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược của Mỹ là củng cố, duy trì địa vị siêu cường, lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21, và được xây dựng trên ba trụ cột “chân kiềng” là kinh tế, an ninh chiến lược và giá trị, dân chủ, nhân quyền. Chính mục tiêu xuyên suốt từ giữa thế kỷ XX này đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình nghị sự của các tổng thống Mỹ nói chung và Tổng thống Obama nói riêng[7]. Có thể nói, về đối ngoại, Tổng thống Obama đã đặt cược tương lai chính trị nhiệm kỳ 2 của mình vào Học thuyết đối ngoại này trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 2012.
Hình dung một cách tương đối, quá trình xây dựng, định hình Học thuyết Obama diễn ra qua hai giai đoạn chính với sự đóng góp rất lớn của “công trình sư” Hillary Clinton[8]. Lộ trình này mang tính sắp đặt chủ quan nhưng cũng bị tác động bởi những nhân tố khách quan do sự xoay chuyển tình hình ngoài dự đoán của Mỹ. Giai đoạn một là từ đầu nhiệm kỳ đến trước Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN 17 (ARF 17) khi Ngoại trưởng Clinton lần đầu tiên chính thức giới thiệu tư tưởng “sức mạnh thông minh” và tầm nhìn của Mỹ về cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang định hình trong chính sác đối ngoại Mỹ, và từng bước thăm dò, thử nghiệm áp dụng trong triển khai rộng khắp trên toàn thế giới với trọng tâm là những khu vực Mỹ có lợi ích chiến lược như Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương (đặc biệt ở Đông Nam Á). Những diễn biến bất ngờ tại ARF 17 khi Trung Quốc bị đẩy vào thế bị động, bất lợi xung quanh vấn đề Biển Đông được xem là “thiên thời” cho Mỹ xoay chuyển và củng cố vị thế, hình ảnh của mình ở khu vực, đánh dấu giai đoạn hai đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa hai nội hàm chủ đạo của Học thuyết, tiến tới hoàn thiện và công bố Học thuyết với thế giới trước chiến dịch ngoại giao rầm rộ tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2011. Sau khi hoàn tất công bố Học thuyết về đối ngoại, đầu tháng 1/2012, chính quyền Obama tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng của Học thuyết trong tài liệu Định hướng Chiến lược Quốc phòng (DSG) của Mỹ trong bối cảnh Quốc hội Mỹ quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng hơn 450 tỷ đôla trong thập kỷ tới và sự chuyển dịch mạnh mẽ cán cân quyền lực trên thế giới.[9]
Cách tiếp cận học thuyết đối ngoại của Chính quyền Obama có nhiều nét tương đồng với ý tưởng của Richard Haass về xây dựng học thuyết “Khôi phục” (Restoration) ở thời điểm hiện tại, hướng tới học thuyết “Liên kết, hòa nhập” (Integration) trong tương lai[10]. Theo Haass, trong một thế giới “vô cực” với quyền lực không chỉ nằm trong tay các quốc gia mà còn phân tán vào tay các chủ thể phi quốc gia, và mối nguy với Mỹ không chỉ là cạnh tranh quyền lực từ các nước lớn khác mà còn là các vấn đề toàn cầu (hay mặt trái của toàn cầu hóa), nhu cầu cấp bách là Mỹ cần xây dựng học thuyết đối ngoại “Khôi phục” để chấn hưng sức mạnh của đất nước, phục hồi các nguồn lực kinh tế, con người và vật chất. Tính chất “sức mạnh thông minh” trong ý tưởng của Haass là sự kết hợp tất cả các mục tiêu thúc đẩy dân chủ, can thiệp nhân đạo, chống khủng bố và gắn kết, hòa nhập; “khôi phục” không có nghĩa là biệt lập mà là học thuyết đối ngoại chủ động, tích cực can dự song phương, đa phương và sử dụng biện pháp quân sự hay can thiệp nhân đạo khi cần thiết để đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống; tăng cường lực lượng hải quân và chuyển dịch trọng tâm địa chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương. Về lâu dài, Mỹ phải hướng đến học thuyết “Gắn kết, hòa nhập” mang tư tưởng trường phái Thể chế tân Tự do, nhấn mạnh hợp tác đa phương thông qua các thể chế, quy tắc, luật lệ quốc tế để khắc phục rào cản ý thức hệ và lợi ích vị kỷ của các quốc gia trong bối cảnh mới.[11]
Sức mạnh thông minh
Tư tưởng “sức mạnh thông minh” được Mỹ đưa ra trong bối cảnh cả thế và lực của siêu cường toàn cầu này đang trên đà suy giảm. Năm 2009, nền kinh tế đầu tàu của Mỹ nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất trong một thập niên trở lại đây. Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barack Obama phải đương đầu với những thách thức rất lớn khi thừa hưởng một di sản nặng nề của vị Tổng thống tiền nhiệm có uy tín thấp kỷ lục trong lịch sử do “thành tích đối ngoại” của mình. Theo giới phân tích, “Học thuyết Bush”[12] đã tạo nên một bối cảnh quốc tế khó khăn nhất cho nước Mỹ kể từ thời Richard Nixon lên cầm quyền năm 1968. Tính đến 2008, trong chiến dịch toàn cầu chống khủng bố, quốc gia này đang phải tiến hành hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan; Iran ngày càng quyết tâm hơn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và phát huy ảnh hưởng trong khu vực; quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên còn nhiều yếu tố khó lường; đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố là Pakistan ngày càng bất ổn nội bộ; quan hệ với Nga rất căng thẳng một nước Nga ngày càng mạnh và quyết đoán có khả năng thách thức lớn nhất địa vị siêu cường của Mỹ; Trung Quốc đang bùng nổ sức mạnh và quan hệ với Trung Quốc chưa ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; các nước Mỹ Latinh đẩy mạnh xu hướng chống Mỹ; đồng minh của Mỹ, nhất là ở châu Âu, tuy vẫn rất cần Mỹ nhưng ngày càng độc lập hơn; uy tín toàn cầu của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, nhất là trong thế giới Hồi giáo; các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy tự do hóa thương mại và giải quyết một số vấn đề toàn cầu đang lâm vào bế tắc.
Thực tế này buộc chính quyền Obama phải có cách tiếp cận mới, thực dụng hơn (với sự pha trộn giữa tinh thần Hiện thực và Tự do) để tối ưu hóa nguồn lực không phải là vô hạn, khôi phục thế giảm sút, hợp tác quốc tế để đối phó hiệu quả hơn với các điểm nóng và nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống, khắc phục di sản của nền ngoại giao mang màu sắc ý thức hệ của phe Tân Bảo thủ, nặng về hành động quân sự và đơn phương của chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Obama trong diễn văn nhậm chức tổng thống nhấn mạnh: “Sức mạnh của chúng ta tăng lên thông qua việc sử dụng nó một cách thông minh”[13]. Cũng ngay trong diễn văn đầu tiên điều trần bổ nhiệm ngoại trưởng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện[14], Ngoại trưởng Clinton đã giới thiệu tư tưởng chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ là xây dựng và triển khai nền ngoại giao mới dựa trên việc sử dụng, kết hợp hiệu quả tất cả các công cụ, nguồn lực sẵn có của nước Mỹ như ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, pháp luật, văn hóa… Bà gọi đó là việc sử dụng “sức mạnh thông minh” theo phương châm linh hoạt, thực tế, có nguyên tắc, với ngoại giao là công cụ chủ chốt, tiên phong (forward deployed diplomacy); sức mạnh quân sự sẽ là sức mạnh nền mang tính răn đe và là giải pháp cuối cùng.
Thực ra, khái niệm “sức mạnh thông minh” không mới về mặt học thuật nhưng mới khi được Hillary Clinton vận dụng để xây dựng cơ sở lý luận cho học thuyết đối ngoại mà Mỹ sẽ theo đuổi. Từ năm 2004, Suzanne Nossel (lúc đó là Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc) đã dùng thuật ngữ này làm nhan đề cho một bài báo trên Tạp chí Foreign Affairs để chỉ trích chính sách đối ngoại Tân bảo thủ của Tổng thống Bush con[15]. Tuy nhiên, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Nye mới là người đầu tiên xây dựng, phát triển nội hàm của thuật ngữ này trong mạch lập luận về “sức mạnh mềm” (soft power) gây tiếng vang lớn từ đầu thập niên 1990 đến nay[16]. “Sức mạnh thông minh” thường được giải thích khá linh hoạt theo hai khía cạnh không được tách bạch rõ ràng, đó là (i) việc sử dụng, kết hợp sức mạnh một cách thông minh, khôn ngoan nhất, hoặc/và (ii) một dạng sức mạnh mới được tạo ra từ sự kết hợp hiệu quả giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của một quốc gia. Cách hiểu thứ nhất chủ yếu liên quan tới việc hoạch định chính sách nhằm khai thác tối đa sức mạnh vật chất (cứng) và phi vật chất (mềm) của một quốc gia để đạt mục tiêu chính sách ở mức tối đa với chi phí tối thiểu. Dự án nghiên cứu “Smart Power: A Smarter, More Secure America” của CSIS (do Joseph Nye đồng chủ trì) kết luận: “Sức mạnh thông minh là sự sử dụng một cách thông thạo cả hai dạng sức mạnh này. Sức mạnh thông minh là sự phát triển một chiến lược thống nhất, một cơ sở nguồn lực và một bộ công cụ để đạt được mục tiêu chính sách dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm”[17]. Cách hiểu thứ hai cho rằng sức mạnh thông minh là dạng sức mạnh có được do kết hợp từ sức mạnh cứng và mềm. Báo cáo “Smart Power: Building a Better, Safer World – A Policy Framework for Presidential Candidates” của Trung tâm Can dự Toàn cầu của Mỹ lập luận: “Để đạt được các mục tiêu chính sách, chúng ta phải sử dụng sức mạnh thông minh – sự lồng ghép và ứng dụng thích hợp tất cả các công cụ của thuật trị quốc, bao gồm ngoại giao, phát triển, các chính sách kinh tế cùng với các hoạt động quân sự và tình báo”[18]. Ngoại trưởng Clinton thiên về cách hiểu này. Bên cạnh đó, khái niệm “sức mạnh thông minh” còn thể hiện tinh thần thực tiễn khi thượng được vận dụng trong bối cảnh không thuận lợi về thế và lực của quốc gia. Đây được coi là “phiên bản mới” của cách tiếp cận sức mạnh mềm dựa trên logic của chủ nghĩa Hiện thực[19]. Sức mạnh mềm theo cách giải thích của Joseph Nye thực chất mang tinh thần của chủ nghĩa Tự do, vì vậy “sức mạnh thông minh” chính là sự pha trộn, kết hợp giữa hai trường phái Tự do và Hiện thực.
Nhìn lại quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Obama hơn ba năm qua, có thể thấy sự thông minh, khôn ngoan của Mỹ trong việc sử dụng sức mạnh (thế và lực) hiện có được thể hiện qua một số phương diện sau:
Thứ nhất, bản thân việc đầu tư, tập trung xây dựng một học thuyết đối ngoại (hay nói cách khác là một chiến lược đối ngoại thống nhất) với đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn cùng tầm nhìn định hướng dài hạn đã là một sự lựa chọn thông minh, khôn ngoan, một mũi tên trúng nhiều đích của chính quyền Obama nhằm “ghi điểm” trước bầu cử, củng cố đồng thuận nội bộ, phân bổ hợp lý và huy động tối đa nguồn lực bên trong, gửi thông điệp chính sách nhất quán ra bên ngoài…
Thứ hai, về mặt thể chế, sức mạnh thông minh báo hiệu mối quan hệ cân bằng hơn giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nói riêng và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, giữa Chính phủ và Quốc hội trong nội bộ Mỹ. Cơ sở lý luận mới mang tính toàn diện, liên ngành này đòi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phải có những sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả về mặt tổ chức, bộ máy, con người trong Bộ và tại các cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài. Đó là lý do lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo bốn năm một lần về Ngoại giao và Phát triển (QDDR) vào tháng 12/2010, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngành ngoại giao chủ trì, phối hợp liên ngành hướng tới mục tiêu chung xây dựng sức mạnh thông minh của Mỹ[20]. Sau khi khung Học thuyết đối ngoại đã định hình, chính quyền Obama tiếp tục cụ thể hóa tinh thần “sức mạnh thông minh” trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Báo cáo Tổng kết Quốc phòng bốn năm một lần (QDR) năm 2010[21], và tài liệu Định hướng Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ trong thập kỷ tới vào đầu năm 2012[22]. Nhìn chung, sức mạnh thông minh phù hợp xu thế chung của hầu hết các nước có cách tiếp cận “toàn chính phủ” (whole-of-government) để triển khai thống nhất các hoạt động đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia[23].
Thứ ba, sức mạnh thông minh thể hiện qua sự lựa chọn mục tiêu chiến lược. Về dài hạn, mục tiêu xuyên suốt của Mỹ vẫn là duy trì địa vị siêu cường toàn cầu và ngăn không cho một quốc gia nào cản trở con đường đến tham vọng này (chịu ảnh hưởng của thuyết Ổn định Bá quyền và thuyết Hiện thực tiến công trong trường phái Hiện thực). Tuy nhiên, trên thực tế, thế và lực của Mỹ không phải lúc nào cũng thuận lợi cho mục tiêu đó. Sau “khoảnh khắc đơn cực” ngắn ngủi thập niên 1990, cục diện thế giới tuy đang phát triển theo xu hướng đa cực, đa trung tâm nhưng hiện tại vẫn ở trạng thái “nhất siêu, đa cường” (tiếp cận theo hệ thống chiều dọc) hoặc “đơn cực, đa vực” (tiếp cận theo hệ thống chiều ngang)[24]. Nguồn lực hiện tại (và đặc biệt là việc Quốc hội Mỹ ngày càng kiểm soát chặt chi tiêu ngân sách, trong đó có quốc phòng) không cho phép Mỹ căng trải sức và cam kết quá mức[25] ở tất cả các khu vực trên toàn cầu. Bên cạnh việc cơ cấu lại quân đội và hiện đại hóa quốc phòng, sự lựa chọn mang tính thực tế của Chính quyền Obama là sắp xếp lại ưu tiên khu vực chiến lược, giảm bớt cam kết, nguồn lực ở Trung Đông (nơi từ lâu là át chủ bài và “thể diện” đối ngoại của nhiều đời Tổng thống Mỹ), thay đổi cách tiếp cận đối với nguy cơ chủ nghĩa khủng bố để dần thoát khỏi “vũng lầy” di sản của người tiền nhiệm[26],  dần chuyển hướng trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương, quay trở lại Đông Nam Á và tăng cường vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xây dựng cấu trúc khu vực nhằm tận dụng cơ hội và hóa giải nguy cơ từ sự trỗi dậy mạnh mẽ, toàn diện của Trung Quốc một cách hiệu quả nhất, thông minh nhất[27]. Mỹ tuy không ủng hộ kịch bản G-2 đề xuất chia đôi Thái Bình Dương thành hai khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ nhưng cách tiếp cận thực tế kết hợp giữa gắn kết (engagement) và kiềm tỏa (hedging) của chính quyền Obama cho thấy Mỹ thừa nhận Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh số một ở khu vực, mong muốn Trung, Mỹ cùng gánh vác, san sẻ vai trò “cổ đông chính” ở khu vực trong khuôn khổ quan hệ “tích cực, hợp tác và toàn diện” mà lãnh đạo hai nước đã xác lập nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (tháng 1/2011)[28].
Thứ tư, việc xác định đúng ưu tiên/trụ cột đối ngoại sẽ tạo nên sức mạnh thông minh, hay nói cách khác, đó là sự phân bổ nguồn lực hợp lý nhất, phục vụ lợi ích của Mỹ hiệu quả nhất trong bối cảnh mới. Ba chân kiềng truyền thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ gồm: (i) an ninh, chiến lược; (ii) kinh tế; (iii) giá trị, dân chủ, nhân quyền. Ba trụ cột này có quan hệ biện chứng với nhau và thứ tự ưu tiên giữa chúng có thể thay đổi tùy từng hoàn cảnh lịch sử, trong đó hai trụ cột đầu tiên là nền tảng, thường trực, trụ cột thứ ba thường mang tính bổ trợ, xúc tác, điều tiết quan hệ, làm giảm áp lực nội bộ. Đối với chính quyền Obama, có thể khẳng định chương trình nghị sự kinh tế đối nội và đối ngoại là ưu tiên, trụ cột số một trong bối cảnh thừa hưởng di sản nặng nề của chính quyền Bush con và cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính từ Mỹ lan ra toàn cầu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa có hồi kết. Điểm lại các Thông điệp Liên bang thường niên, Chiến lược An ninh Quốc gia và hầu hết các phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng của Tổng thống và Ngoại trưởng đều cho thấy rõ sự nhất quán này: sức mạnh kinh tế là hạt nhân của sức mạnh thông minh 3-D (gồm ngoại giao (diplomacy), phát triển (development) và quốc phòng (defense)[29]), là cấu thành quan trọng nhất tạo nên sức mạnh, vai trò lãnh đạo của Mỹ; trụ cột kinh tế và chiến lược, an ninh không thể tách rời nhau; lợi ích kinh tế là động lực chính của sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương, là khâu đột phá (thông qua APEC, TPP) để Mỹ củng cố vai trò lãnh đạo, trước hết là về kinh tế – thương mại, trong cấu trúc khu vực đang định hình[30]. Trong Báo cáo QDDR, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định trọng tâm công tác của Bộ và các cơ quan đại diện ở nước ngoài là kinh tế đối ngoại và ngoại giao kinh tế[31].
Theo tài liệu Định hướng Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ trong thập kỷ tới vào đầu năm 2012, trong bối cảnh cắt giảm ngân sách mạnh 450 tỷ đôla và thử nghiệm điều chỉnh trên thực tế của chính quyền Obama (với một số thành công nhất định như chấm dứt một thập kỷ chiến tranh ở Iraq, rút quân khỏi Afghanistan, tiêu diệt lãnh đạo Al Qaeda, chia sẻ trách nhiệm chiến đấu tại Libi…), Mỹ sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các binh chủng (trong đó chú trọng Hải quân và Không quân), đầu tư cho năng lực quân sự đủ mạnh để tiến hành một cuộc chiến tranh rưỡi thay vì hai cuộc chiến tranh đồng thời như thời Tổng thống Bush con; tuy vẫn ưu tiên châu Âu và NATO nhưng cơ cấu lại quân đội theo hướng cắt giảm quân, tập trung đối phó với các nguy cơ tiềm tàng từ Trung Quốc, Iran; đồng thời chuyển mạnh trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương. Đây được xem là văn kiện chính sách quốc phòng quan trọng cuối cùng của chính quyền Obama cho thấy sự điều chỉnh, chuyển hướng chiến lược toàn diện của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương trên cả 3 phương diện chính là chính trị, kinh tế và quân sự. Tư tưởng “sức mạnh thông minh” của Mỹ còn ảnh hưởng nhất định đến chính sách “phòng thủ thông minh” (smart defense) của NATO vừa được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ) tháng 2/2012[32].
Thứ năm, nguồn lực hạn chế và ngân sách bị thu hẹp đòi hỏi Mỹ phải thông minh trên hai phương diện trong việc chọn lựa, sử dụng các công cụ triển khai. Một là, sử dụng hiệu quả, thông minh nhất những công cụ sẵn có, từ ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, đến quân sự, pháp lý, viện trợ…, trong đó nhóm công cụ “mềm” với hạt nhân là ngoại giao được ưu tiên hơn nhóm công cụ “cứng”, mang tính vũ lực, quân sự. Công cụ quân sự chỉ được sử dụng khi các biện pháp “mềm” không còn tác dụng. Hai là, san sẻ trách nhiệm, huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài qua kênh song phương, đa phương để tối đa hóa hiệu quả của các công cụ, biện pháp trong việc giải quyết các điểm nóng an ninh, các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt. Quyết định chọn lựa loại hình và mức độ sử dụng công cụ xuất phát từ những lợi ích quốc gia cụ thể của Mỹ và tính toán cân đối lợi – hại hơn là kiên trì, quyết tâm theo đuổi những giá trị, lý tưởng một cách phiến diện, thậm chí mù quáng. Tư duy thực dụng, linh hoạt này được phản ánh qua tính chất hai mặt trong triển khai đối ngoại của chính quyền Obama như chính sách tự do hóa thương mại pha trộn yếu tố bảo hộ (ví dụ như các vụ kiện bán phá giá gần đây đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam); bảo vệ đồng minh trong chính sách dân chủ, nhân quyền (ví dụ cách xử lý của Mỹ trước cuộc cách mạng “Hoa Nhài” vừa qua ở Trung Đông – Bắc Phi[33]); can dự vào một số điểm nóng trên thế giới theo kiểu lừng khừng “nước đôi”, một phần do không đủ năng lực để quyết định giải pháp và kết cục, phần khác do chủ ý không muốn giải quyết dứt điểm các điểm nóng, duy trì trạng thái “bất an có kiểm soát” và tâm lý chạy đua vũ trang của các nước khu vực để phục vụ lợi ích buôn bán vũ khí trong bối cảnh thị trường vũ khí ngày càng cạnh tranh gay gắt và xuất khẩu vũ khí (đặc biệt là máy bay chiến đấu và tên lửa) là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Mỹ những năm gần đây[34]; vai trò xúc tác, điều tiết quan hệ của nhóm biện pháp về dân chủ, nhân quyền để bổ trợ phục vụ cho các lợi ích về kinh tế, thương mại và an ninh, chiến lược.
Thứ sáu, việc chọn lựa sử dụng công cụ phải gắn liền với phương thức triển khai để tạo nên sức mạnh thông minh. Các phương thức được chính quyền Obama sử dụng trong nhiệm kỳ vừa qua thể hiện tinh thần ôn hòa, thực tế, hợp tác nhưng vẫn giữ được những giá trị, nguyên tắc căn bản của chính sách đối ngoại Mỹ. Về mặt lý luận, đó là sự pha trộn giữa trường phái Hiện thực và Tự do. Có hai đặc điểm đáng chú ý dưới chính quyền này: (i) đề cao phương thức “đa phương” hơn “đơn phương”, phối hợp nhịp nhàng giữa “song phương” và “đa phương”; (ii) đề cao vai trò nền tảng của giá trị (value), quy tắc (norm), luật lệ (rule) (trong đó có cả luật pháp quốc tế) trong triển khai các trụ cột đối ngoại là kinh tế – thương mại, chiến lược – an ninh, và dân chủ – nhân quyền.[35]
Lý do chính của đặc điểm thứ nhất là thế và lực của Mỹ giảm sút tương đối, trong khi các thách thức, nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với Mỹ ngày càng nhiều và phức tạp khiến Mỹ phải từ bỏ cách tiếp cận kiểu bá quyền “đơn phương khi có thể, đa phương khi cần thiết”, chú trọng khai thác thế mạnh của các cơ chế, diễn đàn đa phương ở mọi cấp độ, từ ba bên, bốn bên đến tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Chính quyền Obama khởi xướng và ủng hộ nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác đa phương mới như G-20, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nâng cao vai trò lãnh đạo trong APEC và ủng hộ ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình…, đồng thời đẩy mạnh cải tổ các cơ chế có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và hệ thống Bretton Woods như Liên Hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…, vừa nhằm đổi mới cách thức tập hợp lực lượng, ủng hộ những luật chơi mới phù hợp với lợi ích và góp phần cải thiện hình ảnh của Mỹ, vừa tận dụng khai thác triệt để những luật chơi cũ do Mỹ xác lập vẫn còn được quốc tế ủng hộ để qua đó đối trọng, kiềm chế hiệu quả nhóm các cường quốc mới nổi (như nhóm BRICS), đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Việc Mỹ chủ động buộc các cường quốc mới nổi phải chơi theo luật chơi chung do Mỹ đề ra hoặc cổ xúy mạnh mẽ thông qua phương thức đa phương là một nước cờ thông minh nhằm giành và bảo đảm thế thượng phong trong cục diện “nhất siêu đa cường”, nhất là khi các đối thủ vẫn chưa đủ thế, lực và uy tín để tự mình hay bắt tay cùng nhau xác lập, áp đặt luật chơi quốc tế mới, qua đó định hình nên trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm như mong đợi.
Đây cũng chính là lý do của đặc điểm thứ hai, qua đó Mỹ (và nhóm các nước đồng minh) vừa muốn duy trì sự ổn định của cục diện thế giới có lợi nhất cho Mỹ, giảm bớt áp lực cạnh tranh toàn diện và đối phó với nỗ lực xóa bỏ các luật chơi hiện hành của nhóm các cường quốc mới nổi. Trung Quốc, Nga chia sẻ mong muốn xây dựng một trật tự thế giới đa cực để tập hợp lực lượng, và thường nhấn mạnh công khai chỉ tuân thủ những luật chơi mà các nước này tham gia xây dựng nên[36]. Cộng đồng quốc tế hiện nay đều hưởng lợi từ xu thế hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới; do đó, tất cả đều rất lo ngại về kịch bản một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ nổ ra giữa nhóm các cường quốc cũ (established powers) và nhóm các cường quốc mới nổi (rising powers) do xung đột về lợi ích thiết lập trật tự thế giới mới. Chính quyền Obama hy vọng việc Mỹ nhấn mạnh vai trò của các quy tắc, luật lệ trong gắn kết và điều chỉnh/kiềm chế hành vi của các nước, đặc biệt là các nước lớn, sẽ tăng uy tín, hình ảnh (hay nói cách khác là sức mạnh mềm) của Mỹ – một bá quyền thân thiện (benevolent hegemon) mong muốn thời kỳ chuyển dịch quyền lực hòa bình. Cố vấn an ninh quốc gia của Obama, Tom Donilon, đã giải thích rõ cách tiếp cận này của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực trọng tâm chiến lược mới của Mỹ trong thế kỷ 21. Bên cạnh cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực, Tom Donilon nhấn mạnh “các quốc gia phải chơi theo luật chơi chung” trong tất cả các vấn đề, từ chính trị – an ninh (tự do hàng hải, an ninh biển ở Biển Đông), kinh tế (xây dựng trật tự kinh tế mở, thương mại tự do, bình đẳng, minh bạch trong APEC và TPP), đến dân chủ – nhân quyền (tôn trọng các giá trị chung)[37].
Thế kỷ Thái Bình Dương
Bài phát biểu chính sách “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” được Ngoại trưởng Clinton công bố tháng 11/2011 ngay trước thềm chiến dịch ngoại giao cao điểm nhất và quyết định nhất trong lộ trình xây dựng, định hình Học thuyết đối ngoại Obama suốt 3 năm qua[38]. Đây có thể được xem là thông điệp chính sách đối ngoại quan trọng cuối cùng của chính quyền Obama trước năm bầu cử 2012 đầy bận rộn trong nước; là tuyên bố rõ ràng về sự vận dụng nhất quán luận điểm “sức mạnh thông minh” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: thông minh trong sự lựa chọn địa bàn chiến lược mới của Mỹ, và thông minh trong cách thức, biện pháp triển khai chiến lược chuyển hướng (pivot) đó. Trong con mắt của chính quyền Obama, châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng hàng đầu đối với tương lai thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ vì hai lý do chính: (i) vai trò đầu tàu kinh tế năng động, đầy tiềm năng của khu vực đối với thế giới; (ii) nhân tố Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, toàn diện với ảnh hưởng dần vươn ra ngoài khu vực. Nhiều nhà phân tích đánh giá đây không chỉ đơn thuần là sự chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương (khu vực mà thực ra Mỹ chưa bao giờ từ bỏ kể từ sau Chiến tranh Thế giới II) mà còn là sự điều chỉnh lớn, sâu rộng và dài hạn về chính sách an ninh quốc gia, góp phần hình thành nên Học thuyết đối ngoại Obama[39]. Tham vọng này được Ngoại trưởng Clinton khẳng định rõ trong phát biểu “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”: Mỹ đã gắn kết với khu vực 60 năm qua và sẽ tiếp tục gắn kết với khu vực 60 năm tới[40].
Ý tưởng về sự chuyển hướng địa bàn chiến lược của Mỹ trước hết xuất phát từ các cuộc tranh luận của giới học giả những năm gần đây. Tiếp nối cuộc tranh luận năm 2008 về chiều hướng suy giảm sức mạnh siêu cường của Mỹ và những hệ luỵ đối với thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương[41], năm 2010 và đầu 2011 nổi lên một đợt tranh luận mới về tương quan so sánh lực lượng đang thay đổi ngày càng nhanh giữa Mỹ và đối thủ chính đang nổi lên Trung Quốc, sự tăng cường “trở lại châu Á” của Mỹ dưới chính quyền Obama và các kịch bản về mô thức quan hệ giữa hai nước, phản ứng và những lựa chọn chính sách của các nước khu vực trong cấu trúc quyền lực mới ở châu Á – Thái Bình Dương…[42] “Cảm hứng” chính của đợt tranh luận này là việc Trung Quốc dường như muốn từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và điều chỉnh chiến lược “phát triển hoà bình” với những hành động tự tin, quyết đoán khẳng định vị thế nước lớn trong khu vực và trên thế giới; chính quyền Obama sau năm đầu tiên tập trung củng cố nội bộ đã công bố một loạt điều chỉnh, cam kết chính sách mạnh mẽ và có những triển khai bước đầu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; và sự tự tin dâng cao từ hai phía đã dẫn đến những cọ xát lợi ích, kể cả lợi ích chiến lược, bắt đầu nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc trong quỹ đạo hình sin vừa hợp tác, hoà hoãn vừa cạnh tranh được duy trì từ ba thập kỷ qua.
Cuộc tranh luận cơ bản có ba luồng quan điểm chủ đạo. Thứ nhất, quyền lực toàn cầu tiếp tục có sự dịch chuyển về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc với thế và lực gia tăng nhanh chóng đang đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội, phát huy “sức mạnh mềm” và nỗ lực xác lập những luật chơi mới ở khu vực. Thứ hai, Mỹ vẫn giữ ưu thế về sức mạnh tổng thể so với Trung Quốc về lâu dài và vai trò lãnh đạo cũng như cam kết chiến lược của Mỹ vẫn được duy trì, góp phần xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực ổn định, bền vững mà trong đó, Mỹ và Trung Quốc san sẻ lãnh đạo nhưng không liên kết kiểu G-2. Luồng quan điểm thứ ba mang màu sắc “chủ nghĩa Hiện thực” cho rằng cạnh tranh, thậm chí xung đột chiến lược là khó tránh khỏi trong thời kỳ quá độ quyền lực ở khu vực, nhưng khó có kịch bản trật tự hai cực, hai phe ở khu vực. Tuy vậy, điểm chung của ba luồng quan điểm trên là dự báo khá lạc quan về triển vọng hợp tác nổi trội hơn cạnh tranh ở khu vực và cái nhìn tích cực đối với sự điều chỉnh chính sách của Mỹ thông qua cách tiếp cận mềm dẻo, tổng hợp kiểu “sức mạnh thông minh”, vừa gắn kết, vừa kiềm chế Trung Quốc thông qua mạng lưới đồng minh, đối tác và các cơ chế đa phương. Kịch bản bá quyền Mỹ ở khu vực, kịch bản G-2[43] hay kịch bản đối đầu kiểu hai phe, hai cực đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới học giả.
Theo thuyết Hiện thực tấn công (Offensive Realism) với đại diện tiêu biểu là John Mearsheimer[44], sự điều chỉnh này trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc bắt nguồn từ khái niệm “cân bằng ngoài khơi xa” (offshore balancing) áp dụng cho nước Anh trong lịch sử quan hệ của nước này với châu Âu lục địa hay nước Mỹ trước Chiến tranh Thế giới II trong quan hệ với châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Theo Mearsheimer, khó có một cường quốc nào đủ sức để kiểm soát toàn bộ thế giới hiện nay. Do đó, cách tiếp cận thực tế của “bá quyền từ xa” là thường can thiệp trực tiếp có chọn lọc (để đối trọng, cân bằng khi khẩn cấp) và “mượn tay” (buck-passing) các cường quốc khu vực ngăn chặn sự nổi lên của đối thủ có tham vọng bá quyền khu vực, qua đó kiểm soát từ xa các địa bàn trọng điểm[45]. Lịch sử cho thấy cách tiếp cận này cũng được vận dụng trong Học thuyết Guam của Tổng thống Nixon năm 1969 nhằm chấm dứt sự can dự quân sự của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, theo đó Mỹ mong muốn các nước đồng minh gánh vác trách nhiệm phòng thủ quân sự và Mỹ chỉ viện trợ quân sự theo yêu cầu[46]. Vận dụng vào hoàn cảnh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, Robert Ross cho rằng Mỹ chỉ cần can dự vào lục địa châu Á khi có khủng hoảng lớn, còn trong tình huống thông thường, Mỹ nên để các nước châu Á tự dàn xếp quá trình hợp tác và đấu tranh giữa các nước đó với nhau, và Mỹ đóng vai trò là người trọng tài bên ngoài điều tiết các mối quan hệ sao cho có lợi cho Mỹ và đồng minh của Mỹ[47]. Trong bối cảnh khó khăn về cả thế và lực hiện tại, chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Trung Quốc mang hơi hướng của lý thuyết trên nhưng được vận dụng khôn ngoan, thực tế hơn thông qua chia sẻ ảnh hưởng, trách nhiệm với các cường quốc khu vực, theo đuổi “cân bằng ngoài khơi xa” có phần chủ động, “thông minh” hơn thông qua không chỉ kênh song phương mà còn cả đa phương, trên cả ba trụ cột đối ngoại chứ không chỉ an ninh quân sự[48].
Trên nền các cuộc tranh luận học thuật đó, chính quyền Obama đã vạch lộ trình từ khâu tung ý tưởng, thử nghiệm thăm dò với từng loại đối tượng và vấn đề, đến hoàn thiện chiến lược chuyển hướng. Tất nhiên, quá trình chuyển hướng có những thuận lợi và khó khăn khách quan. Lấy tư tưởng “sức mạnh thông minh” làm chủ đạo, xuyên suốt, Ngoại trưởng Clinton đã khởi động quá trình xây dựng học thuyết bằng chuyến công du đến Đông Nam Á và ASEAN tháng 7/2009, một loạt phát biểu phác thảo tầm nhìn của Mỹ về cấu trúc khu vực tháng 1/2010, về vấn đề dân chủ nhân quyền tháng 1/2010 (trong thông điệp chính sách chung về tự do Internet nhân sự kiện Trung Đông – Bắc Phi), về vai trò của Mỹ trong liên kết kinh tế khu vực tháng 7/2011 (chuẩn bị cho HNCC APEC 19), về quan hệ Trung – Mỹ tháng 1/2011 trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và cuối cùng là bài phát biểu mang tính tổng kết, định hướng chiến lược khu vực tổng thể tháng 11/2011 trước chiến dịch ngoại giao cao điểm, rầm rộ ở khu vực cuối năm 2011. Cam kết mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực được tăng thêm sức nặng đáng kể qua phương thức ngoại giao nguyên thủ với các chuyến công du đều đặn mỗi năm một lần của Tổng thống Obama đến các nhóm đối tác trong khu vực.
Thông điệp “Thế kỷ Thái Bình Dương” được chính quyền Obama tính toán công bố vào thời điểm tương đối thuận lợi về đối ngoại, nhất là khi Mỹ đã gặt hái được một số thành quả đối ngoại quan trọng trên cả ba trụ cột, góp thêm đà thuận lợi cho chiến dịch tái cử của Tổng thống Obama năm 2012. Mỹ đã bắt đầu lộ trình rút quân khỏi Afghanistan từ cuối 2011 đến 2014 và rút quân hoàn toàn khỏi Iraq vào ngày 18/12/2011[49]; tham gia tích cực vào quá trình định hình cấu trúc khu vực thông qua mạng lưới quan hệ song phương (nổi bật là chính sách “quay trở lại Đông Nam Á”) và các cơ chế đa phương do ASEAN “cầm lái” (đặc biệt là việc Tổng thống Obama lần đầu tiên dự Cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali, Indonesia); xác lập và đưa vào ổn định khuôn khổ quan hệ mới với Trung Quốc (nguyên thủ hai nước thăm nhau và giữa hai nước duy trì hơn 400 cơ chế đối thoại); khẳng định vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực thông qua chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC 19 tại Hawaii và thúc đẩy các vòng đàm phán TPP; đẩy mạnh chính sách dân chủ, nhân quyền qua chuyến thăm lịch sử đến Myanmar của Ngoại trưởng Clinton. Nhìn chung, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực được các nước hoan nghênh và kỳ vọng vào vai trò cân bằng, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Trong thông điệp “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, Ngoại trưởng Clinton khẳng định tầm quan trọng chiến lược, lâu dài của khu vực đối với kinh tế và an ninh của Mỹ. Trong xu thế chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, Mỹ nói không với chủ nghĩa biệt lập, cam kết tiếp tục đầu tư cho vai trò lãnh đạo ở Thái Bình Dương như đã từng làm ở Đại Tây Dương, bất chấp khó khăn kinh tế và thắt chặt ngân sách trong nước. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự chuyển hướng chiến lược này không có nghĩa là Mỹ lơ là nhiệm vụ, lợi ích ở các khu vực khác, và từ nay Mỹ sẽ can dự có chọn lọc hơn dựa trên những tính toán lợi ích cụ thể. Trên tinh thần “sức mạnh thông minh” lấy ngoại giao làm mũi nhọn đột phá (forward-deployed diplomacy) hướng tới mục tiêu xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, chiến lược khu vực của Mỹ được triển khai xoay quanh sáu trọng tâm: (i) củng cố các liên minh an ninh song phương; (ii) tăng cường quan hệ hợp tác với các cường quốc mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc; (iii) tham gia vào các cơ chế đa phương khu vực; (iv) mở rộng thương mại và đầu tư; (v) mở rộng hiện diện quân sự; và (vi) thúc đẩy dân chủ, nhân quyền.[50] Có thể thấy cách tiếp cận đa tầng nấc, đa lớp này khá linh hoạt, thực dụng, chú trọng hiệu quả hợp tác hơn là quy mô, xây dựng quan hệ đối tác, chia sẻ trách nhiệm hơn là nắm ngọn cờ lãnh đạo hay cung cấp “ô an ninh”. Điều này khác với hệ thống San Francisco thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay mô hình “trục và nan hoa” (hub and spokes) thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.
Mạng lưới quan hệ song phương
Mạng lưới quan hệ song phương là nền tảng cho chuyển hướng chiến lược khu vực của Mỹ và được phân ra thành ba lớp: các đồng minh hiệp ước (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philipin và Thái Lan) là hạt nhân và điểm tựa; các đối tác quan trọng (chủ yếu là các cường quốc mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia); các đối tác ưu tiên khác (trong đó có Việt Nam, Singapore…). Trong ba năm qua, chính quyền Obama đã triển khai khá hiệu quả hướng chính sách này với việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao đều đặn giữa Mỹ và các đối tác quan trọng, cũng như hoạt động ngoại giao “con thoi” năng động của Ngoại trưởng Mỹ ở khu vực. Về cơ bản, Mỹ và nhiều nước khu vực chia sẻ các nhận định lớn về xu thế lớn hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất phát từ chủ thể quốc gia và phi quốc gia (đặc điểm của “kỷ nguyên vô cực” (the age of nonpolarity) theo lập luận của Richard Haass[51]); cơ hội và nguy cơ đan xen từ sự trỗi dậy mạnh mẽ, toàn diện của Trung Quốc; cấu trúc khu vực đang định hình với vai trò trung tâm của ASEAN; tầm quan trọng của vấn đề an ninh, an toàn hàng hải đối với hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế của khu vực; liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại khu vực… Các hoạt động hợp tác được triển khai đều khắp trên các lĩnh vực, từ kinh tế (thông qua các FTA và đẩy nhanh đàm phán TPP), an ninh quân sự (điển hình là Mỹ triển khai luân phiên 2500 lính thủy quân lục chiến ở Darwin, Australia, và neo đậu tàu chiến ở một số nước Đông Nam Á để hỗ trợ cho căn cứ này), đến dân chủ nhân quyền (cổ xúy dân chủ hóa ở Indonesia và phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ với Myanmar). Nhìn chung, tuy mặt hợp tác nổi trội nhưng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và các nước lớn khác ngày càng gay gắt; sự hợp tác, liên minh không còn giống kiểu “xếp hàng nhất tuyến” như thời Chiến tranh Lạnh mà diễn ra linh hoạt, nhiều chiều do chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, xuất phát từ lợi ích quốc gia của hầu hết các nước.
Đông Nam Á
Đông Nam Á tuy không phải là ưu tiên cao nếu đặt trong tổng thể chiến lược toàn cầu của Mỹ hiện nay nhưng rõ ràng mức độ quan tâm đến Đông Nam Á của chính quyền Obama là cao hơn chính quyền trước và cách tiếp cận mang tính đa chiều hơn, xuất phát không chỉ từ lợi ích truyền thống (của Đảng Dân chủ) về dân chủ, nhân quyền, mà còn về cả địa chiến lược, địa kinh tế. Vì lẽ đó, Đông Nam Á là một mảnh đất thử nghiệm tốt cho chính sách “sức mạnh thông minh” và chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Indonesia được Mỹ chọn là địa bàn trọng điểm về địa chiến lược ở Đông Nam Á, là nước công du đầu tiên của Ngoại trưởng Clinton và là nước duy nhất ở khu vực Tổng thống Obama đến thăm. Năm 2009, Ngoại trưởng Clinton đã chủ động xua tan ấn tượng không mấy tốt đẹp mà người tiền nhiệm Condoleeza Rice để lại ở khu vực (trong ba năm đã bỏ hai lần không tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cùng nhiều cuộc họp quan trọng khác của ASEAN) bằng sự hiện diện đầy ấn tượng của mình tại ARF-16 ở Phuket, Thái Lan với tuyên bố hùng hồn: “Nước Mỹ đang trở lại Đông Nam Á”. Lời nói đi đôi với việc làm. Hành động “trở lại” đầu tiên là sáng kiến của Ngoại trưởng Clinton tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước tiểu vùng sông Mê Công (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan) để thảo luận về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Chính quyền Obama cũng đã “vượt qua di sản” khi đặt bút ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN (TAC) và tham gia các diễn đàn của ASEAN (ARF và ADMM+); Tổng thống Obama đã đích thân lần đầu tiên dự Hội nghị Cấp cao Đông Á 6 (EAS) tại Indonesia. Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN diễn ra đều đặn ba năm qua; Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 được triển khai toàn diện, đặc biệt ở tiểu vùng sông Mê Công.[52]
Trung Quốc
Một Trung Quốc trỗi dậy toàn diện (với thành tựu phát triển vượt ngoài cả dự báo của Mỹ[53]), vươn rộng ảnh hưởng và hành xử ngày càng tự tin, quyết đoán ở khu vực và trên thế giới đã trở thành một trong số ít các vấn đề đối ngoại mà dư luận nội bộ và tất cả các đảng phái trong chính giới Mỹ đều rất quan tâm và chia sẻ quan ngại, trước hết do sự tùy thuộc lẫn nhau quá lớn giữa hai nền kinh tế khổng lồ mà trong đó kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại dường như đang chịu thua thiệt[54]. Mỹ cũng cho rằng trong nhiều vấn đề, Trung Quốc chưa chơi theo luật chơi chung và chưa làm tròn nghĩa vụ của một “cổ đông có trách nhiệm” trong các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó và trên cơ sở lý luận “sức mạnh thông minh”, chính quyền Obama đã chủ động đề xuất cách tiếp cận mới mang tính chiến lược, dài hạn đối với mối quan hệ quan trọng nhất của hai nước trong bài phát biểu “Tầm nhìn rộng lớn về Quan hệ Trung – Mỹ trong thế kỷ 21”[55] của Ngoại trưởng Clinton ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào[56].
Bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1979) nói chung từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền (2009) nói riêng. Quan hệ hai nước đã vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực và mang tầm cỡ toàn cầu; nền kinh tế hai nước liên quan rất mật thiết với nhau; hai nước cũng đang gánh vác những nghĩa vụ, trách nhiệm toàn cầu. Đó chính là thừa nhận về sự thay đổi về chất của quan hệ. Trong bối cảnh thế kỷ 21 đang thay đổi nhanh chóng, các chủ thể phi nhà nước và nhiều thách thức mới đang nổi lên, Mỹ coi Trung Quốc là một cường quốc đang lên đặc biệt trong thế kỷ 21, chấp nhận chia sẻ gánh nặng chung giải quyết các vấn đề của thế giới, tuân thủ và đóng góp vào xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ không coi Trung Quốc là mối đe dọa và không có ý định kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc; bất đồng, khác biệt giữa hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, và cần được xử lý trong khuôn khổ hợp tác sâu rộng, bền chặt hơn. Quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ cùng thắng, cùng đi trên một con thuyền[57]; tuy nhiên, đó là mối quan hệ phức tạp, hợp tác đan xen với cạnh tranh, và sự cạnh tranh tất yếu đó không được làm tổn hại lợi ích phát triển của nhau và không đe dọa đến hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực nói chung. Điều này cũng phù hợp với chính sách của các nước khu vực muốn phát triển quan hệ cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ.
Từ cách tiếp cận đó, Mỹ đề xuất khuôn khổ quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện (positive, cooperative and comprehensive) với Trung Quốc trong thời gian tới[58] với ba trọng tâm. Thứ nhất, Mỹ đặt quan hệ Trung – Mỹ trong tổng thể chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ đối với khu vực; phủ nhận những đồn đoán về kịch bản G-2, bác bỏ quan điểm Mỹ đặt quan hệ Mỹ – Trung lên trên chiến lược chung đối với khu vực; khẳng định vai trò chủ chốt của ngoại giao trong thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Thứ hai, hai bên phải xây dựng thói quen hợp tác, tôn trọng lợi ích của nhau và giải quyết bất đồng nổi lên do sự nghi kỵ chiến lược giữa hai bên vẫn còn sâu sắc, đặc biệt là sự thiếu minh bạch trong việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ khuyến khích Trung Quốc thực hiện vai trò, nghĩa vụ nước lớn của mình trên thế giới; tăng cường hợp tác với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế để giải quyết các thách thức chung về kinh tế, các điểm nóng trên thế giới, các vấn đề toàn cầu và dân chủ nhân quyền.
Nét mới đáng chú ý trong cách tiếp cận của chính quyền Obama là việc Mỹ nhấn mạnh tuy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn nhưng bất đồng là đương nhiên và cạnh tranh là tất yếu. Đặc điểm này thể hiện cái nhìn thực tế hơn của Mỹ về giới hạn của hợp tác trong quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hợp tác, đối thoại để vượt qua bất đồng, xử lý khủng hoảng, cạnh tranh cùng thắng. Mỹ cũng mong muốn kết hợp vừa khéo léo, vừa cứng rắn hơn giữa chính sách can dự (engagement) và kiềm tỏa (hedging) dưới vỏ bọc “sức mạnh thông minh”, trong đó thay vì thỏa hiệp, đánh đổi với Trung Quốc nhiều hơn, Mỹ sẽ giữ vững và triển khai nhất quán những lập trường đối ngoại mang tính nguyên tắc của mình ở khu vực, qua đó tăng uy tín, vai trò của Mỹ trong một cấu trúc khu vực đang định hình. Bên cạnh đó, việc chuyển liên tục các thông điệp chính sách rõ ràng, công khai trong thời gian qua phản ánh cách chủ động “chơi bài ngửa” của chính quyền Obama, muốn tập hợp dư luận, xác lập luật chơi chung để đưa Trung Quốc vào thế phải chấp nhận. Hai bên cần phải nhìn thẳng vào những bất đồng, tranh chấp; cần phải hành xử có trách nhiệm; cần phải chia sẻ gánh vác nghĩa vụ quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu.[59]
Với chiến lược này, Mỹ muốn trấn an các nước khu vực cần tin tưởng hơn vào sự ổn định về chính sách và sự nhất quán giữa chính sách và triển khai của Mỹ đối với Châu Á – Thái Bình Dương và trong quan hệ Mỹ – Trung, chí ít là của chính quyền Obama. Mỹ cũng muốn cho các nước thấy xu thế hòa dịu, triển vọng hợp tác theo tinh thần “cổ đông có trách nhiệm” trong quan hệ Trung – Mỹ càng lớn thì cả khu vực (và thế giới) đều có lợi, cấu trúc khu vực sẽ sớm được định hình và các nước khu vực càng có điều kiện đẩy mạnh triển khai chính sách quan hệ cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ.[60]
Cấu trúc khu vực
Trong bài phát biểu tại Hawaii ngày 12/1/2010[61], Ngoại trưởng Clinton đã công bố những phác thảo của Mỹ về một cấu trúc khu vực trong thế kỷ 21 và vạch ra lộ trình, cách thức tham gia xây dựng cấu trúc đó[62]. Mỹ nêu năm nguyên tắc chính trong cách tiếp cận về một cấu trúc khu vực mới đang định hình thay thế cho cấu trúc “trục và nan hoa” (hub and spokes) đã lỗi thời. Thứ nhất, nền tảng chính sách của Mỹ trong cấu trúc khu vực mới là mạng lưới quan hệ với các đồng minh chủ chốt, với các đối tác quan trọng và các đối tác mới. Thứ hai, cấu trúc khu vực phải phục vụ ba lợi ích chân kiềng của Mỹ là an ninh chiến lược (chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đối phó với các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh quân sự, tham gia Cấp cao Đông Á (EAS)), kinh tế (ủng hộ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP)), và dân chủ, nhân quyền. Thứ ba, cấu trúc khu vực mới phải hoạt động thiết thực, hiệu quả, tập trung vào hành động. Thứ tư, do các thể chế, cơ chế khu vực rộng lớn hiện không đủ khả năng giải quyết những vấn đề cụ thể, Mỹ còn ưu tiên tham gia ba loại cơ chế mới gồm các cơ chế không chính thức (informal), các cơ chế hợp tác tiểu khu vực (subregional), và các cơ chế đối thoại, hợp tác ba bên (trilateral) với trục Mỹ – Nhật là xương sống kết hợp với một bên thứ ba. Thứ năm, cần xác định những thể chế, cơ chế khu vực then chốt có sự tham gia của nhiều nước, có vai trò đóng góp tích cực của Mỹ, và không có một nước nào thao túng các thể chế, cơ chế này.
Thực tế cho thấy trong ba năm qua, từ khuôn khổ song phương đến đa phương, từ lĩnh vực chính trị, an ninh đến kinh tế, dân chủ nhân quyền, chính quyền Obama đều chọn cách chơi “bài ngửa”, chủ động công khai lợi ích và lựa chọn luật chơi ở khu vực theo hướng đề xuất, áp đặt luật chơi ở đâu có thể (chủ yếu trong kênh song phương và trong những khuôn khổ đa phương, khu vực mà Mỹ có ảnh hưởng lớn, trong đó có APEC) hoặc linh hoạt, mềm dẻo thích nghi với những luật chơi đã được chấp nhận rộng rãi lâu nay (chủ yếu trong các diễn đàn đa phương, khu vực có tính thể chế hóa thấp, mở và tiệm tiến do ASEAN “cầm lái”). Về đa phương, Mỹ tham gia tất cả các diễn đàn của ASEAN mà Mỹ đủ tiêu chuẩn để tham gia, đi từ hợp tác liên minh 3-4 bên (với Nhật, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…) đến tiểu vùng (Sáng kiến hợp tác Hạ nguồn Mê Công (LMI)) rồi vươn ra Đông Nam Á (ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC), tăng cường quan hệ với ASEAN với ba Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ và toàn khu vực (tích cực bày tỏ quan điểm, đề xuất giải pháp cho các điểm nóng an ninh khu vực tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), lần đầu tiên tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và chính thức cùng Nga tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) từ năm 2011).
APEC và TPP
Trong tổng thể chiến lược khu vực mới của Chính quyền Obama, APEC[63] tiếp tục là cầu nối quan trọng, phù hợp nhất gắn kết lợi ích kinh tế Mỹ với kinh tế khu vực, vừa giúp Mỹ đạt được mục tiêu ngắn hạn tăng gấp đôi xuất khẩu trong năm năm, vừa là biểu tượng cam kết mạnh mẽ “quay trở lại khu vực”, thể hiện tầm nhìn dài hạn xác lập vai trò lãnh đạo, trước hết về kinh tế, của Mỹ trong một cấu trúc khu vực đang định hình trên hai chân là Cấp cao Đông Á (EAS) (trụ cột chính trị – an ninh) và APEC (trụ cột kinh tế). Sau hai năm triển khai, thử nghiệm, năm 2011 khi Mỹ làm chủ nhà APEC được xem là “cơ hội vàng” để chính quyền Obama tiến hành những bước đột phá tiếp theo trong “lộ trình” quay trở lại khu vực từ chính trị, an ninh đến kinh tế, từ song phương đến đa phương, qua đó ghi thêm điểm cho Obama trong cuộc đua tranh cử Tổng thống năm 2012.
Sự tham gia, can dự của Mỹ vào cấu trúc khu vực cho đến trước Hội nghị Cấp cao APEC 19 chủ yếu mang màu sắc chính trị-an ninh và chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo nước lớn. Bên cạnh đó, dấu ấn “lãnh đạo kinh tế” của Mỹ ở khu vực nói chung và tại các diễn đàn đa phương nói riêng thời gian qua dường như bị lu mờ một phần do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế nổ ra từ cuối 2008, phần khác bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc và vai trò, ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này đối với hầu như tất cả các nền kinh tế trong khu vực (ký Hiệp định Khu vực Tự do Mậu dịch ASEAN – Trung Quốc; đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; lập Quỹ Tín dụng Trung Quốc – ASEAN trị giá 15 tỷ đôla và Quỹ Hợp tác Đầu tư ASEAN – Trung Quốc trị giá 10 tỷ đôla; đóng góp nhiều nhất cho Sáng kiến Chiang Mai về hoán đổi tiền tệ và ủng hộ sáng kiến Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) trong khuôn khổ ASEAN+3…). Một thực tế nữa là khu vực hiện có quá nhiều FTA song phương chồng chéo (hiện tượng “spaghetti bowl”), các khu vực tự do mậu dịch hiện có (AFTA của ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác đối thoại gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc) và sáng kiến EAFTA trong khuôn khổ ASEAN+3 hay Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA) trong khuôn khổ ASEAN+6 tuy có tham vọng bao phủ toàn khu vực nhưng tiêu chuẩn đàm phán thấp (ví dụ về môi trường, lao động…) và tiến triển chậm chạp do ASEAN chưa đủ sức làm đầu tàu dẫn dắt[64] (thời hạn và tiêu chuẩn áp dụng khác nhau giữa 2 nhóm nước ASEAN-6 và ASEAN-4) hay mâu thuẫn lợi ích giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong việc chọn lựa giữa mô hình EAFTA và CEPEA. Các sáng kiến khác như Cộng đồng Đông Á (EAC) của Nhật Bản và Cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương (APC) của Ôx-trây-li-a đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong khu vực. Như vậy, tham vọng và dư địa hành động cho Mỹ trong một cấu trúc khu vực đang định hình là củng cố, tăng cường vai trò APEC như một trụ cột kinh tế của cấu trúc (trụ cột an ninh-chính trị sẽ là EAS) và là “cửa ngõ” tiến vào khẳng định địa vị lãnh đạo, dẫn dắt trước mắt về kinh tế của Mỹ, với công cụ phù hợp nhất cần được đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ là Hiệp định TPP[65], thực chất là một hiệp định khu vực tự do mậu dịch thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và tham vọng bao phủ toàn bộ tất cả các nền kinh tế APEC, góp phần hiện thực hóa tư tưởng tự do hóa thương mại mà Mỹ luôn cổ súy trên toàn thế giới.[66] Như vậy, TPP đối với Mỹ vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa mang ý nghĩa chiến lược.
Thông điệp được Ngoại trưởng Clinton công bố tại Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất tại Washington D.C. (9/3/2011) về những ưu tiên của Mỹ trong chương trình nghị sự APEC 2011 đã nói lên những tham vọng đó[67]. Mỹ tuyên bố các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN, trong đó có EAS, là trụ cột về an ninh – chiến lược của cấu trúc khu vực, còn APEC là diễn đàn hàng đầu về phối hợp chính sách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, thịnh vượng của khu vực. Trụ cột kinh tế do Mỹ dẫn dắt có bốn đặc tính: mở (openness), tự do (freedom), minh bạch (transparency) và công bằng (fairness). “Liều thuốc thử” trong năm 2011 cho bốn đặc tính này của trụ cột sẽ là việc chính quyền Obama thuyết phục Quốc hội thông qua ba hiệp định tự do mậu dịch với Hàn Quốc, Pa-na-ma và Cô-lum-bi-a, và đạt tiến triển thực chất trong tiến trình đàm phán TPP. Mỹ hy vọng trong tương lai dài hạn, tất cả các nền kinh tế APEC sẽ tham gia TPP, tạo nền tảng của một khu vực tự do mậu dịch cho toàn khu vực. Dĩ nhiên, giữa kỳ vọng và thực tế luôn có khoảng cách và các vòng đàm phán sắp tới được dự báo là sẽ không dễ dàng khi 9 thành viên của TPP đều có lợi ích liên quan tới 25 hiệp định tự do mậu dịch khác ở cấp độ song phương và khu vực. Những ưu tiên cụ thể trong chương trình nghị sự của APEC 2011 là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; giảm thiểu các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; chống đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực; giải quyết thất nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục.
Học thuyết đối ngoại Obama – “con bài” ngắn hạn hay di sản dài hạn?
Một số nhà phân tích một mặt đánh giá cao tinh thần lạc quan, các nguyên tắc, sự quyết tâm và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong Học thuyết Obama, nhưng mặt khác đã chỉ ra những rào cản, trở ngại chính quyền này có thể gặp phải trong thời gian tới[68]. Thứ nhất, khả năng tái cử của Tổng thống Obama năm 2012 là chưa thực sự rõ ràng. Thứ hai, Mỹ sẽ không có đủ nguồn lực và khả năng để thực hiện các cam kết đối ngoại nếu các vấn đề khó khăn kinh tế, cắt giảm ngân sách, chia rẽ chính trị nội bộ không được xử lý hiệu quả. Mỹ cần chứng minh những tuyên bố, cam kết hùng hồn bằng hành động cụ thể, hiệu quả để xây dựng, củng cố lòng tin của các nước trong khu vực. Thứ ba, sự thành công của Học thuyết còn phụ thuộc vào chiều hướng chính sách và thái độ phản ứng của Trung Quốc, nhất là sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Dù muốn hay không thì Trung Quốc vẫn đang quyết tâm triển khai “học thuyết” Phát triển Hòa bình, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, nhất là về kinh tế. Sự năng động, phát triển của kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, và hầu hết các nước khu vực đều mong muốn quan hệ Trung – Mỹ cân bằng, ổn định, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nước thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa. Thứ tư, Mỹ cần đề phòng nguy cơ bị kéo vào can dự quá sâu (nhất là về quân sự) trong các điểm nóng khu vực.
Việc tung ra ý tưởng, xây dựng cơ sở lý luận và thử nghiệm triển khai tạo đồng thuận nội bộ và ủng hộ quốc tế cho một học thuyết đối ngoại đã là một việc khó. Làm thế nào để duy trì nguồn lực, giữ vững cam kết và triển khai hiệu quả, lâu dài học thuyết đó lại càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung hiện nay. Học thuyết đối ngoại Obama dù là “sản phẩm” của một siêu cường cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, học thuyết đối ngoại Mỹ thường mang nhiều tính chất nhiệm kỳ, dấu ấn cá nhân, được sử dụng như “con bài” ngắn hạn nhằm ghi điểm với cử tri. Bản thân các học thuyết có những sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán, tuy nhiên sự thay đổi tổng thống và chính quyền sau mỗi kỳ bầu cử sẽ có tác động không nhỏ đến sắc thái, định hướng của học thuyết. Tuy rất lạc quan, tự tin nhưng Ngoại trưởng Clinton vẫn thận trọng khi nói về tương lai của Học thuyết này: “Kiểu chuyển hướng này không dễ dàng, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho nó hơn hai năm rưỡi qua, và chúng tôi cam kết theo đuổi đến cùng nỗ lực ngoại giao quan trọng nhất này của thời đại chúng ta”[69]./.
————
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 88 (3/2012)
[1] Quan điểm trong bài viết này là hoàn toàn của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của nơi tác giả đang làm việc.
[2] Richard Haass, “The Restoration Doctrine”, Tạp chí American Interest (tháng 1-2/2012).
[3] Charles Kupchan, “Grand Strategy”, Tạp chí Democracy Journal (Winter 2012).
[4] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, “Đánh giá về sức mạnh của Mỹ và những hệ lụy quốc tế trong những thập niên đầu của thế kỷ 21”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế (Học viện Ngoại giao), Số 2 (73) (6/2008); Joseph Nye, “The Future of Power”, NXB Public Affairs, 2011; Zbigniew Brzezinski, “Strategic Vision: America and the Crisis of Global Power”, NXB Basic Books, New York, 2012; Zbigniew Brzezinski, “After America”, Tạp chí Foreign Policy (Jan/Feb 2012), truy cập tại www.foreignpolicy.com/articles/2012/01/03/after_america; Con Coughlin, “America is retreating from the world stage”, The Telegraph (4/1/2012), truy cập tại www.telegraph.co.uk; Francis Fukuyama, “The Future of History”, Tạp chí Foreign Affairs (Jan/Feb 2012); Daniel Drezner, “Worst Empire Ever”, Tạp chí Foreign Policy (16/12/2011), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Richard Haass, “The Restoration Doctrine”, Tạp chí American Interest (tháng 1-2/2012); Charles Kupchan, “Grand Strategy”, Tạp chí Democracy Journal (Winter 2012); John Lee, “Dragon’s rise sees Asia yearn for Uncle Sam”, The Australian (22/11/2011); Leon Hadar, “America’s Long-Delayed Pacific Century”, Tạp chí The National Interest (21/11/2011), truy cập tại www.nationalinterest.org/commentary/americas-long-delayed-pacific-century-6175; Stephen Walt, “Explaining Obama’s Asia policy”, Tạp chí Foreign Policy (18/11/2011), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Lionel Barber, “In search of a new Metternich for the Pacific Century”, Financial Times (18/11/2011), truy cập tại www.ft.com; Richard Haass, “Re-orienting America”, trang web Project Syndicate (14/11/2011), truy cập tại www.project-syndicate.org/commentary/haass38/English; Michael Moran, “The Reckoning Begins”, trang web The Slate (7/11/2011), truy cập tại www.slate.com; Stephen Walt, “The End of American Era”, Tạp chí The National Interest (Nov/Dec 2011); Gideon Rachman, “America must manage its decline”, Financial Times (17/10/2011), truy cập tại www.ft.com; George Packer, “The Broken Contract: Inequality and American Decline”, Tạp chí Foreign Affairs (11/10/2011); Aaron Friedberg, “A Contest for Supremacy: China, America and the Struggle for Mastery in Asia”, NXB Norton, New York, 2011; Jeffrey Sachs, “The Price of Civilization: Reawakening American Virtue and Prosperity”, NXB Random House Export, 2011; Douglas Paal, “United States: A Stabilizing or Destabilizing Factor in the Asia – Pacific Region?”, Asia Pacific Brief (19/9/2011), Carnegie Endowment, truy cập tại www.carnegieendowment.org; Robert Kaplan, “A Power Shift in Asia”, The Washington Post (24/9/2011), truy cập tại www.washingtonpost.com; Simon Johnson, “Who Will Eclipse America?”, trang web Project Syndicate (19/9/2011), truy cập tại www.project-syndicate.org; Charles Kupchan, “Sorry, Mitt: It Won’t Be an American Century”, Tạp chí Foreign Policy (6/2/2012), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Edward Luce, “The reality of American decline”, Financial Times (5/2/2012), truy cập tại www.ft.com.
[5] Trong tháng 11/2011, Tổng thống Obama chủ trì HNCC APEC 19 tại Hawaii, thực hiện chuyến công du châu Á lần thứ 3, thăm Australia và Indonesia, dự Cấp cao Đông Á 6 (EAS) tại Bali; Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp tục hoạt động ngoại giao “con thoi” ở châu Á-Thái Bình Dương và có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên sau nửa thế kỷ đến Myanmar vào đầu tháng 12/2011.
[6] Barack Obama, “Remarks by President Obama to the Australian Parliament”, Phát biểu tại Quốc hội Australia, Canberra (17/11/2011), truy cập tại www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/17/remarks-president-obama-australian-parliament; Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm; Tom Donilon, “America is back in the Pacific and will uphold the rules”, Financial Times (27/11/2011), truy cập tại www.ft.com.
[7] Nguyễn Vũ Tùng, “Cuộc thảo luận về sức mạnh khôn ngoan và ảnh hưởng của nó tới chính sách đối ngoại của Mỹ dưới Chính quyền B.Obama”, trong cuốn “Các vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ” do Nguyễn Thái Yên Hương và Tạ Minh Tuấn chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội (tháng 10/2011), trang 681.
[8] Trong một sự phân vai hợp lý, Tổng thống Obama chủ yếu triển khai ngoại giao cấp nguyên thủ còn Ngoại trưởng Hillary Clinton thực hiện các hoạt động ngoại giao “con thoi”, vận động hậu trường và thực hiện các bài điều trần, diễn văn, bài báo, trả lời phỏng vấn về chính sách đối ngoại. Hệ thống các bài viết quan trọng này đã tạo nên xương sống cho Học thuyết đối ngoại Obama, gồm: “Nomination hearing to be Secretary of State”, Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (13/1/2009), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2009a/01/115196.htm; “Remarks on Regional Architecture in Asia: Principles and Priorities”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (12/1/2010), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2010/01/135090.htm; “Remarks on Internet Freedom”, Phát biểu tại Washington DC (21/1/2010), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2010/01/135519.htm; “Inaugural Richard C.Holbrooke Lecture on a Broad Vision of US-China Relations in the 21st Century”, Phát biểu tại Washington DC (14/1/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/01/154653.htm; “Remarks on Principles for Prosperity in the Asia Pacific”, Phát biểu tại Hồng Công (25/7/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/07/169012.htm; “Economic Statecraft”, Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York (14/10/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/10/175552.htm; “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm.
[9] Xem Barack Obama, “Remarks by the President on the Defense Strategic Review”, Phát biểu của Tổng thống Obama về Báo cáo Chiến lược Quốc phòng Mỹ tại Nhà Trắng (5/1/2012), truy cập tại www.whitehouse.gov/the-press-office/2012/01/05/remarks-president-defense-strategic-review. Xem thêm Christopher Layne, “The (Almost) Triumph of Offshore Balancing”, Tạp chí The National Interest (27/1/2012), truy cập tại www.nationalinterest.org.
[10] Richard Haass, “The Restoration Doctrine”, Tạp chí American Interest (tháng 1-2/2012).
[11] Như trên. Haass cho rằng học thuyết “Gắn kết, hòa nhập” đã được phôi thai từ thời Tổng thống Bush cha với học thuyết “Trật tự thế giới mới”, Clinton với sáng kiến NAFTA, Bush con với học thuyết chống khủng bố toàn cầu, và Obama với các nỗ lực can dự Trung Quốc, cài đặt lại quan hệ với Nga, can thiệp vào Libi dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc, xây dựng, tham gia các cơ chế đa phương giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh hạt nhân, khủng hoảng kinh tế…
[12] Học thuyết của Bush gồm 5 nội dung  chính: Mỹ tiến hành chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu; tấn công là hình thức tự vệ tốt nhất; Mỹ có quyền tự do hành động đơn phương, độc lập; sử dụng sức mạnh vượt trội để tập hợp đồng minh và trấn áp kẻ thù; mở rộng dân chủ ra khắp thế giới là biện pháp tốt nhất để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố.
[13] Barack Obama, “President Barack Obama’s Inaugural Address”, Phát biểu nhậm chức tổng thống (21/1/2009), truy cập tại www.whitehouse.gov/blog/inaugural-address.
[14] Hillary Clinton, “Nomination hearing to be Secretary of State”, Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ  (13/1/2009), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2009a/01/115196.htm.
[15] Suzanne Nossel, “Smart Power”, Tạp chí Foreign Affairs, Vol.83, No.4 (tháng 3-4/2004). Xem thêm Nguyễn Vũ Tùng, “Cuộc thảo luận về sức mạnh khôn ngoan và ảnh hưởng của nó tới chính sách đối ngoại của Mỹ dưới Chính quyền B.Obama”, trong cuốn “Các vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ” do Nguyễn Thái Yên Hương và Tạ Minh Tuấn chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội (tháng 10/2011), trang 683-4.
[16] Xem Joseph Nye, “Bound to Lead: The Changing Nature of American Power”, NXB Basic Books, New York, 1990; Joseph Nye, “Soft Power: The Means to Success in World Politics”, NXB Public Affairs, New York, 2006; Báo cáo của dự án “Smart Power: Building a Better, Safer World – A Policy Framework for Presidential Candidates”, Center for US Global Engagement (tháng 7/2007); Justin Polin, “Toward a Smarter Power: Moving Beyond the Rhetoric”, Tạp chí World Affairs (tháng 9-10/2011).
[17] Richard Armitage và Joseph Nye, “A Smarter, More Secure America”, CSIS Commission on Smart Power, CSIS, 2007, truy cập tại www.csis.org/files/media/csis/pubs/071106_csissmartpowerreport.pdf.
[18] Báo cáo “Smart Power: Building a Better, Safer World – A Policy Framework for Presidential Candidates”, Center for US Global Engagement (tháng 7/2007), trang 2.
[19] Nguyễn Vũ Tùng, “Cuộc thảo luận về sức mạnh khôn ngoan và ảnh hưởng của nó tới chính sách đối ngoại của Mỹ dưới Chính quyền B.Obama”, trong cuốn “Các vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ” do Nguyễn Thái Yên Hương và Tạ Minh Tuấn chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội (tháng 10/2011), trang 692.
[20] Xem Báo cáo “Leading Through Civilian Power: The First Quadrennial Diplomacy and Development Review” của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 2010, truy cập tại www.state.gov/documents/organization/153108.pdf.
[21] Truy cập tại www.defense.gov/qdr/qdr as of 29jan10 1600.PDF.
[22] Barack Obama, “Remarks by the President on the Defense Strategic Review”, Phát biểu của Tổng thống Obama về Báo cáo Chiến lược Quốc phòng Mỹ tại Nhà Trắng (5/1/2012), truy cập tại www.whitehouse.gov/the-press-office/2012/01/05/remarks-president-defense-strategic-review.
[23] “Toàn chính phủ” ở đây được các nước gọi theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn “chính phủ hợp nhất” (joined-up government), “chính phủ kết nối” (connected government, networked government) hay thậm chí là “gắn kết chính sách” (policy coherence), “quản lý theo chiều ngang” (horizontal management)… Song dù tên gọi như thế nào, các cách tiếp cận đó vẫn có cùng một nội hàm, mà theo các chuyên gia của Ôx-trây-lia, chính là việc “các  cơ quan công quyền phối hợp chặt chẽ và thường xuyên nhằm đạt được mục tiêu chung. Phương cách phối hợp có thể là chính thức hoặc không chính thức và tập trung vào xây dựng chính sách, quản lý chương trình hay cung cấp dịch vụ”. Trong lĩnh vực đối ngoại, xuất phát từ thực tế là ranh giới giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại, giữa các vấn đề chính trị-ngoại giao với kinh tế và các vấn đề khác trở nên nhạt nhòa, nên cách tiếp cận liên ngành, toàn chính phủ trong đối ngoại là cần thiết để bảo đảm sự điều phối và hợp tác hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Xem thêm Báo cáo “Connecting Government: Whole of Government Responses to Australia’s Priority Challenges”, Australian Public Service Commission, 2004, trang 4.
[24] Vũ Hồng Lâm đã chỉ ra khiếm khuyết lớn nhất của các công thức theo “cực tính” mô tả cấu trúc quyền lực của thế giới đương đại (như “đơn cực”, “đa cực”, “nhất siêu đa cường”) là việc bỏ qua chiều “nằm ngang” (vực tính) khi phân tích sức mạnh, quyền lực địa chính trị của các nước lớn. Thông qua tập trung đánh giá sức mạnh, ảnh hưởng của các nước lớn có vai trò quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay ở châu Âu và châu Á, Vũ Hồng Lâm kết luận rằng sẽ không có một trật tự thế giới thống nhất trên phạm vi toàn cầu mà sẽ là một sự đa vực hoá của trật tự thế giới, và trật tự thế giới mới sẽ là một trật tự đơn cực và đa vực (trong đó biểu hiện ở châu Á là lưỡng cực). Xem thêm Vũ Hồng Lâm, “Thế giới đa vực: Cấu hình quyền lực thế giới đương đại”, truy cập tại http://hoithao.viet-studies.info/VHLam_2006.pdf.
[25] Theo Paul Kennedy, sự căng trải sức và cam kết quá mức, nhất là về quân sự, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy vong của các cường quốc trên thế giới. Xem thêm Paul Kennedy, “The Rise and Fall of the Great Powers”, NXB Vintage Publishers, 1989.
[26] Chính quyền Obama thay đổi tư duy theo hướng ôn hòa, khôn ngoan hơn, từ “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” sang “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan”.
[27] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, “Quan hệ Mỹ – Trung và trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (80) (3/2010), trang 83-94; Vũ Lê Thái Hoàng, “Chiến lược mới của Mỹ đối với một Trung Quốc mới”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (84) (3/2011), trang 107-116.
[28] Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc được triển khai lồng ghép trong chiến lược 3 trọng tâm: (i) gắn kết mạnh mẽ với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; (ii) xây dựng sự tin cậy (chiến lược) trong quan hệ Mỹ – Trung; (iii) mở rộng hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh ở mức tối đa với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Xem Hillary Clinton, “Inaugural Richard C.Holbrooke Lecture on a Broad Vision of US-China Relations in the 21st Century”, Phát biểu tại Washington D.C. (14/1/2011), truy cập tại http://www.state.gov/secretary/rm/2011/01/154653.htm.
[29] Xem Nguyễn Vũ Tùng, “Cuộc thảo luận về sức mạnh khôn ngoan và ảnh hưởng của nó tới chính sách đối ngoại của Mỹ dưới Chính quyền B.Obama”, trong cuốn “Các vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ” do Nguyễn Thái Yên Hương và Tạ Minh Tuấn chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội (tháng 10/2011), trang 693.
[30] Xem Hillary Clinton, “Economic Statecraft”, Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York (14/10/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/10/175552.htm; “Remarks on Principles for Prosperity in the Asia Pacific”, Phát biểu tại Hồng Công (25/7/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/07/169012.htm.
[31] Xem Hillary Clinton, “Economic Statecraft”, Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York (14/10/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/10/175552.htm.
[32] Nguyễn Nhâm, “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO bàn gì?”, Báo Nhân dân Điện tử (5/2/2012), truy cập tại www.nhandan.com.vn.
[33] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, “Vết dầu loang của ‘Cách mạng Hoa Nhài” và sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, Tạp chí Cộng sản (24/2/2011), truy cập tại www.tapchicongsan.org.vn.
[34] Tường Linh, “Obama ‘ghi điểm’ nhờ bán vũ khí”, Thể thao và Văn hóa (3/1/2012), truy cập tại www.thethaovanhoa.vn.
[35] Các học giả thuộc trường phái Thể chế Tự do/Tân Tự do (Neo/Liberal Institutionalism) cho rằng tổ chức và thể chế quốc tế ngày càng có vai trò lớn hơn trong QHQT, dần đưa QHQT ra khỏi tình trạng vô chính phủ hay bị bá quyền chi phối, vì 3 lý do. Thứ nhất, tổ chức quốc tế đặt ra luật lệ (rules), quy chuẩn hành vi (norms) có tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên. Thứ hai, sức mạnh pháp lý và sự minh bạch tương đối do các luật lệ, quy tắc, thủ tục của các tổ chức quốc tế tạo ra dần thay thế ý chí áp đặt và nâng cao trách nhiệm của các nước lớn, đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa QHQT. Thứ ba, các nước đều muốn duy trì các tổ chức quốc tế (hay sử dụng kênh đa phương nói chung) vì chúng giúp giảm chi phí giao dịch (transaction costs), tăng cường thông tin về các thành viên, từ đó giúp nâng cao tính minh bạch (transparency) về chính sách và hành vi của tất cả các nước thành viên. Xem Robert Keohane, “After Hegemony”, NXB Princeton University Press, Princeton, 1984; Robert Payne, “Democratizing Global Politics”, NXB Westview Press, Boulder, 2006; Heikki Patomaki, “Problems of Democratizing Global Governance”, NXB Oxford University Press, New York, 2006; Helen Milner, “Interest, Institution and Information: Domestic Politics and International Politics”, NXB Princeton University Press, Princeton, 1999.
[36] Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh nỗ lực “phá bỏ” luật chơi trong trật tự cũ. Ví dụ, Trung Quốc và Nga phối hợp chặt chẽ với nhau trong ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc (bỏ phiếu trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế), sáng lập nhóm BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); Trung Quốc kiên trì thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; Nga lần đầu tiên công bố báo cáo của Bộ Ngoại giao tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền của Mỹ (28/12/2011).
[37] Tom Donilon, “America is back in the Pacific and will uphold the rules”, Financial Times (27/11/2011), truy cập tại www.ft.com.
[38] Xem Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm.
[39] Xem David Rothkopf, “Not just one pivot: Time to acknowledge Obama’s broad redefinition of US national security policy”, Tạp chí Foreign Policy (28/11/2011), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Joseph Nye, “Obama’s Pacific Pivot”, trang web Project Syndicate (6/12/2011), truy cập tại www.project-syndicate.org; Kenneth Lieberthal, “The American Pivot to Asia: Why President Obama’s turn to the East is easier said than done”, Tạp chí Foreign Policy (12/2011), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Peter Beinart, “Obama’s Foreign Policy Doctrine Finally Emerges with ‘Offshore Balancing’”, trang web The Daily Beast (28/11/2011), truy cập tại www.thedailybeast.com.
[40] Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm.
[41] Xem Vũ Lê Thái Hoàng, “Đánh giá về sức mạnh của Mỹ và những hệ luỵ quốc tế trong những thập niên đầu của thế kỷ 21”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (73) (6/2008).
[42] Xem Evelyn Goh, “What the Asian Debate about US Hegemony Tells Us”, PacNet No.39A (7 September 2010), Honolulu (Hawaii): Pacific Forum CSIS, truy cập tại http://csis.org/files/publication/pac1039a.pdf; David Shambaugh, “A New China Requires a New US Strategy”, Current History (September 2010); Paul Godwin, “Asia’s Dangerous Security Dilemma”, Current History (September 2010); Joseph Nye, Jr., “The Future of American Power: Dominance and Decline in Perspective”, Foreign Affairs, Vol.89, No.6 (November/December 2010); Thomas Christensen, “The advantages of an Assertive China: Responding to Beijing’s Abrasive Diplomacy”, Foreign Affairs, Vol.90, No.2 (March/April 2011); Michael Cox, “Power Shift: Not Yet”, Theworldtoday.org (October 2010);  Vũ Hồng Lâm, “Bá quyền nước lớn hay san sẻ lãnh đạo?”, Tuanvietnam.net, truy cập tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-29-ba-quyen-nuoc-lon-hay-san-se-lanh-dao-; Stephen Walt, “The Rise of China and America’s Asian Alliances”, RSIS Colloquium (January 2011), truy cập tại  http://www.rsis.edu.sg/.
[43] Xem Vũ Lê Thái Hoàng, “Quan hệ Mỹ – Trung và trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (80) (3/2010), trang 83-94.
[44] Theo lý thuyết này, chiến tranh giữa các nước lớn có thể nổ ra khi xuất hiện một nước lớn đang lên có khả năng thách thức một nước lớn đang ở vị trí thống trị trật tự thế giới. Trong hoàn cảnh này, nước thống trị sẽ chủ động tiến công nước đang lên vì việc này dễ làm hơn trước khi nước đang lên trở nên quá mạnh hay nước thống trị trở nên quá yếu. Xem thêm John Mearsheimer, “The Tragedy of Great Power Politics”, NXB Norton, New York, 2003.
[45] John Mearsheimer, “The Tragedy of Great Power Politics”, NXB Norton, New York, 2003, trang 236-7, 265-6.
[46] Xem bài phát biểu về “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Nixon ngày 3/11/1969 tại http://vietnam.vassar.edu/overview/doc14.html.
[47] Robert Ross, “The Geography of the Peace: East Asia in the Twenty First Century”, Tạp chí International Security, Vol.23, No.4 (Spring 1999), trang 49-80. Tư tưởng “cân bằng ngoài khơi xa” cũng được một số học giả vận dụng giải thích cách thức Mỹ sử dụng Israel như một công cụ cân bằng trong xử lý vấn đề Iran của chính quyền Obama. Xem Christopher Layne, “The (Almost) Triumph of Offshore Balancing”, Tạp chí The National Interest (27/1/2012), truy cập tại www.nationalinterest.org.
[48] Xem thêm Christopher Layne, “The (Almost) Triumph of Offshore Balancing”, Tạp chí The National Interest (27/1/2012), truy cập tại www.nationalinterest.org; Peter Beinart, “Obama’s Foreign Policy Doctrine Finally Emerges With ‘Offshore Balancing’”, trang web The Daily Beast (28/11/2011), truy cập tại www.thedailybeast.com.
[49] Con Coughlin cho rằng chiến lược quân sự và quân đội Mỹ đã bước sang giai đoạn “hậu 11/9”. Xem Con Coughlin, “America is retreating from the world stage”, The Telegraph (4/1/2012), truy cập tại www.telegraph.co.uk.
[50] Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm.
[51] Richard Haass, “The Age of Nonpolarity”, Tạp chí Foreign Affairs (tháng 5-6/2008).
[52] “The happening place: America, which declares it never went away, now says it’s back”, Tạp chí The Economist (12/11/2011), truy cập tại www.economist.com/node/21538218; Carlyle Thayer, “China’s Soft Power v America’s Smart Power”, trang web East Asia Forum (31/8/2010), truy cập tại www.eastasiaforum.org.
[53] Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Xem Vân Anh, “Trung Quốc vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ 2”, Báo Lao Động (16/8/2010), truy cập tại www.laodong.com.vn.
[54] Mỹ cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc còn vấp phải nhiều rào cản, đặc biệt là việc Trung Quốc chưa phá giá đồng nhân dân tệ.
[55] Xem Hillary Clinton, “Inaugural Richard C.Holbrooke Lecture on a Broad Vision of US-China Relations in the 21st Century”, 14/1/2011, truy cập tại http://www.state.gov/secretary/rm/2011/01/154653.htm.
[56] Trong 3 năm qua, Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp nhau 10 lần.
[57] Trong phát biểu nhân chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc cũng nhất trí sử dụng hình ảnh này để mô tả quan hệ.
[58] Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đều đã sử dụng thống nhất nội hàm quan hệ này trong các phát biểu chính thức dịp Chủ tịch Hồ thăm Mỹ (18-21/1/2011).
[59] Về những lý do Mỹ và Trung Quốc cần chia sẻ gánh vác nghĩa vụ quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu, xem thêm Thomas Christensen, “The advantages of an Assertive China: Responding to Beijing’s Abrasive Diplomacy”, Tạp chí Foreign Affairs, Vol.90, No.2 (March/April 2011).
[60] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, “Chiến lược mới của Mỹ đối với một Trung Quốc mới”, Tạp chí Cộng sản (4/4/2011), truy cập tại www.tapchicongsan.org.vn.
[61] Xem bài phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton, “Remarks on Regional Architecture in Asia: Principles and Priorities”, ngày 12/1/2010, truy cập tại trang web http://www.state.gov/secretary/rm/2010/01/135090.htm.
[62] Về lý thuyết, “cấu trúc khu vực” hay chính xác hơn là “kiến trúc khu vực” (regional architecture) thường được hiểu là sự phân bổ và vận động của quyền lực giữa các chủ thể (các quốc gia, các cơ chế đa phương…) trong tổng thể các khuôn mẫu, mô thức quan hệ giữa các chủ thể đó trong một hệ thống QHQT nhất định của một khu vực địa lý nhất định.
[63] Là hiện thân đầu tiên của chủ nghĩa khu vực mở ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương từ 1989 đến nay, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với tinh thần không phân biệt đối xử giữa các nền kinh tế trong và ngoài Diễn đàn được đánh giá là cơ chế hàng đầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực, tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
[64] Về phương diện chính trị – an ninh, thành công của ASEAN trong vai trò “người cầm lái” là do tổ chức này được xem là “người trung gian vô hại” có thể giúp xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh sự nghi kỵ chiến lược giữa các nước, trong đó có các nước lớn, vẫn còn cao.
[65] TPP hiện có 9 thành viên là Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân, Xinh-ga-po, Ôx-trây-li-a, Ma-lai-xi-a, Pê-ru, Việt Nam và Hoa Kỳ. Mục tiêu của TPP là xóa bỏ tất cả hàng rào thuế quan mậu dịch vào năm 2015, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ xanh…
[66] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng, “APEC 2011 and the Future of Regional Architecture in Asia Pacific”, Tạp chí International Studies (Học viện Ngoại giao Việt Nam), No.24 (June 2011), trang 203-20.
[67] Hillary Clinton, “Remarks at the First Senior Officials Meeting (SOM) for the Asia Pacific Economic Cooperation (APEC) Forum”, Phát biểu tại Washington D.C. (9/3/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/03/157940.htm.
[68] Kenneth Lieberthal, “The American Pivot to Asia: Why President Obama’s turn to the East is easier said than done”, Tạp chí Foreign Policy (12/2011), truy cập tại www.foreignpolicy.com; Leon Hadar, “America’s Long-Delayed Pacific Century”, Tạp chí The National Interest (21/11/2011), truy cập tại www.nationalinterest.org/commentary/americas-long-delayed-pacific-century-6175.
[69] Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Phát biểu tại Trung tâm Đông Tây, Hawaii (10/11/2011), truy cập tại www.state.gov/secretary/rm/2011/11/176999.htm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét