Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Tôi, hai bạn trẻ, CSGT và tay giang hồ (AVKH)


T5, 04/16/2015 - 09:49
6 giờ kém 15 tôi rời nhà để đi lễ tối nhà thờ. Trên quãng ngắn của con đường hẹp đầy nghẹt xe cộ vào giờ cao điểm. Tôi đi sát lề, nhưng vì khá vội nên lách qua làn đường phân vạch đứt để vượt lên. Vừa lách vào trở lại thì quan sát thấy trước mặt đã có CSGT. Thôi rồi, dính đạn.
Người vừa huýt còi tôi là một cảnh sát trẻ, khá mập. Anh ta không chào tôi (chắc quên nhỉ) mà yêu cầu xuất trình giấy tờ ngay cho anh ta kiểm tra. Cái quái gì đây, chưa báo lỗi người ta đã đòi xem giấy tờ. Tôi không đồng ý, tôi bảo: “Tôi phạm lỗi gì.” Anh ta nói lí nhí câu gì mà tôi không nghe rõ. Tôi yêu cầu anh ta nhắc lại.
“Anh đi vào làn đường xe lớn.”
“Sao lại đi vào làn đường xe lớn? Đây là vạch phân cách đứt, tôi có quyền lách qua một quãng ngắn để vượt lên chứ?” (từng có một CSGT nói với tôi như vậy – tôi thêm chi tiết này vào cuộc tranh luận) “Nhưng luật bây giờ thay đổi rồi, anh đi như vậy là phạm luật. Bây giờ tất cả con đường đều là vạch phân cách đứt, vạch phân cách liền chỉ ở giữa đường thôi, anh xem đi.” Anh ta chỉ cho tôi vạch đường ở giữa, bị hàng rào phân cách đè lên.
“Luật mới là sao, trước giờ tôi vẫn đi như vậy mà. Tôi đi đường trường hoài chứ không phải chỉ có đi ở Sài gòn này không đâu.” Anh ta vẫn cố chống chế: “Bây giờ không có đường nào phân chia bằng vạch phân cách liền hết.” (anh ta có vẻ đã nóng ruột). Tôi đưa ra lập luận mới: “Anh xem ngoài đường kìa, bao nhiêu người đi đó, sao anh không xử lý đi.”
“Tôi phải xử lý anh xong mới xử lý họ được.”
“Ok, vậy tôi chờ ở đây, nếu anh xử lý họ thì tôi đồng ý cho anh xử lý.”
“Tôi phải thu giấy tờ của anh mới tiếp tục xử lý họ được.”
“Không, tôi chưa rõ lỗi của tôi, tôi sẽ không đưa giấy tờ của tôi cho anh.”
“Anh phải đưa giấy tờ hoặc chìa khóa xe thì tôi mới yên tâm là anh không bỏ chạy.”
“Tôi việc gì phải bỏ chạy?” Tôi vừa nói vừa đứng dịch ra khỏi xe mình một quãng xa. “Anh xử lý đi, tôi sẽ chờ, tôi chẳng sợ gì mà bỏ chạy.” Cuộc tranh luận gần như đi vào thế giằng có và bế tắc đối với anh ta.
Tôi quên chưa kể thêm, sau khi tôi bị ngoắc vào, có hai thanh niên khác, đi chung xe cũng bị xử lý. Làm việc với họ là một CSGT khác, khá ốm. Bên đó, cuộc tranh cãi cũng đang diễn ra căng thẳng. Họ cũng quyết không xuất trình giấy tờ. Anh CSGT ốm dọa lập biên bản. Họ tiến gần đến chỗ tôi để lấy giấy tờ. Tôi không biết họ tranh luận những gì, tôi đang cần đồng minh, nên lập tức kết thân với họ. Tôi đánh tiếng hỏi: “Bạn bị lỗi gì vậy.” “Họ nói tôi lấn tuyến. nhưng đây là tuyến 413, được phép lấn” (tôi thầm nhủ, anh này còn cứng hơn mình, rành luật dữ, tôi không biết có nghe đúng không, nhưng tôi cũng không biết tuyến 413 là sao nữa). Ngay lúc đó anh CSGT mập xen vào: “Anh thì biết gì về luật mà tranh cãi.”
Anh kia mạnh miệng: “Tôi không làm việc với anh, tôi làm việc với anh này.”
Bị ức chế vì câu nói đó, anh CSGT mập phản ứng lại: “Đúng rồi, mấy người thấp học thì biết gì về luật.”
Ngay lập tức anh bạn trẻ còn lại phản ứng gay gắt: “Sao anh dám mạt sát người dân là đồ thấp học, anh biết gì về chúng tôi mà dám mạt sát chúng tôi.”
Bị đáp trả bất ngờ, anh CSGT mập chống chế: “Tôi mạt sát cái gì, tôi nói gì mà mạt sát?”
“Anh vừa nói chúng tôi thấp học, tôi nghe rành rành, người ta cũng nghe rõ ràng.”
Cơ hội đây rồi, tôi quay qua, đưa đôi mắt lạnh lùng lên nhìn anh ta. Nó lập tức có tác dụng. Anh ta đuối lý.
Trong diễn biến của sự kiện, có một nhân vật lạ xuất hiện. Người cao to, béo tốt, một bên tai đeo phone, hình như không phải là nghe nhạc. Kể từ lúc cuộc tranh cãi đi vào căng thẳng, anh ta xuất hiện, đi lượn lờ chung quanh, phong cách thì ra vẻ như một anh xe ôm tò mò, nhưng hoàn toàn không giống lắm. Tôi đã từng nghe lời đồn về việc CSGT có giang hồ đi theo bảo kê. Kể cũng hơi ớn. Pháp luật thì mình có thể cãi, nhưng giang hồ thì chỉ có “luật rừng”.
Tôi quyết định phương án mới, tôi bảo anh công an: “Tôi sẽ xuất trình giấy tờ nhưng anh phải làm rõ lỗi của tôi và anh phải xử lý những người vi phạm khác để tôi thấy rõ ràng.” Tôi rút chiếc bóp trong túi ra. Thật sự nãy giờ khá căng thẳng, nên tay tôi đã cảm giác run (phần vì lần đầu tôi dám đấu lý với cảnh CSGT, phần vì không biết tên lạ mặt lãng vãng nãy giờ sẽ hành động cái gì nữa). Tôi hít một hơi dài, nghiến răng lại và rút giấy tờ ra, thật mạnh mẽ và quyết đoán để anh ta không biết là tôi cũng đang lo lắng.
Sau khi xem bằng lái và giấy tờ xe, anh yêu cầu cả CMND và bảo hiểm xe máy. “Cái gì mà cả bảo hiểm nữa.” Tôi nhăn mặt. Đó là luật, anh phải xuất trình cả bảo hiểm nữa. Ok, tôi chả sợ, tôi có bảo hiểm mà. Tôi rút luôn bảo hiểm ra. Anh ta xem kỹ bảo hiểm rồi nói: “Bảo hiểm anh hết hạn rồi.” Tôi xem lại thì quả thật vậy. Rồi, thế là không bắt tội đi lấn tuyến, chuẩn bị qua tội “bảo hiểm” đây.
Ok, tôi sẵn sàng viết biên bản. Tôi đã nghĩ bụng chắc chắn như vậy. Nhưng trái với dự đoán của tôi, anh ta bất ngờ nói nhẹ: “Với cái bảo hiểm hết hạn thì tôi đủ xử lý anh rồi, nhưng anh đi đi, lần sau đi lại cẩn thận.” Tôi hơi ngạc nhiên với thắng lợi chóng vánh này. Hơi phân vân một chút, liếc nhìn hai anh bạn trẻ kia đang viết biên bản, rồi tôi lên xe nổ máy.
Xin lỗi các bạn là câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Tôi chạy một quãng ngắn, liếc nhìn đồng hồ, đã 18h30. Trễ giờ lễ mất rồi. Tôi quanh xe lại, dừng ở lề đường đối diện chỗ lúc nãy để tiếp tục quan sát.
Hai anh bạn trẻ vẫn đang xử lý biên bản với a CS ốm. Còn anh CS mập, đã rảnh tay, tiếp tục ra đường ngoắc tiếp. Đường xá chật chội, rất nhiều người trở thành nạn nhân tiếp theo. Sau khi quan sát khoảng 10’ (chủ yếu là muốn xem kết quả của 2 anh bạn trẻ kia và hành động của người “bí ẩn”), họ có vẻ là xử lý xong và hai anh bạn trẻ lên xe đi. Tôi không nhìn rõ vì quãng cách quá xa là họ đã làm gì, cũng có thể là đã lập biên bản, nhưng rõ ràng là 2 anh bạn trẻ không ngại chuyện đó, họ sẵn sàng hầu kiện (họ đã nói như vậy).
Ngay lúc đó, người lạ mặt nhìn về phía bên kia đường và thấy tôi. Anh ta đi chầm chậm qua chỗ hai CSGT, dừng lại một chút, nói gì đó, rồi đi tiếp. Lúc đó có một chiếc xe buýt trờ tới cản trước mặt nên tôi không biết được phản ứng của họ. Tuy nhiên, cảm thấy hơi lo lắng, tôi nổ máy xe rời khỏi chỗ. Tôi dừng lại ở một quãng xa hơn, chỗ sáng sủa và đông người để quan sát tiếp. Rất nhiều người tiếp tục bị ngoắc vào, xuất trình giấy tờ, rồi đi, không có biên bản xử lý nào cả. Chắc các bạn đoán biết điều gì đã xảy ra trong tiến trình đó.
Không thỏa mãn được sự tò mò, tôi tiến lại gần hơn, gần như đối mặt họ, để xem cho rõ. Trong lúc mải để ý hai người CSGT, tôi quên mấy người lạ mặt lúc nãy đi đâu đó. Bây giờ, khi đưa mắt qua, tôi mới tá hỏa thấy anh ta đã qua lề đường bên này từ lúc nào, ngồi trên một chiếc xe tay ga (xe ôm mà chạy tay ga cơ đấy), vẫn đeo phone một bên tai và im lặng nhìn qua chỗ 2 cảnh sát. Bất ngờ anh ta nhìn qua tôi (hay là nhìn nãy giờ?) và chúng tôi chạm mắt.
Tôi im lặng và ra vẻ thản nhiên như thể không biết anh ta là ai. Anh ta nổ máy xe, chạy lên một quãng, rồi cua lại, chạy qua mặt tôi, lên một quãng, rồi cua lại đến một vị trí khác đứng đó. Nhận thấy mình đã quan sát xong và đầy đủ dữ kiện cho các nhận định của mình, tôi nổ máy xe rồi đi thẳng. Ở lại không thêm được gì mà có phần mạo hiểm nữa.
Đây là một câu chuyện thật, tôi chỉ tường thuật lại, hơi dài dòng, nhưng để mọi người đọc có thể nhận định được chính xác vấn đề. Riêng tôi, có vài kết luận để rút tỉa từ chuyện này:
  • Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp CSGT, chưa lần nào tôi mạnh mẽ như lần này, mục đích của tôi không phải là tránh phạt, mà là phải chiến đấu để bảo vệ lẽ phải của chính mình, tôi sẵn sàng ký biên bản chứ không đút lót. Và rõ ràng điều đó không phải là mong muốn của họ.
  • Tôi có thể mất thời gian, mất công sức và tiền bạc (đi đóng phạt – chuyện này tôi làm rồi), nhưng có thể giúp nhiều người khác không bị phạt vì lấy đi nhiều thời gian của những CSGT này. Họ cũng rất sợ chuyện này (điều này tôi học được từ một người anh em khác).
  • Tôi tận mắt và xác nhận được việc có hay không chuyện giang hồ đi theo bảo kê CSGT.
  • Tôi biết có những người khác (2 bạn trẻ) cũng dám làm như tôi: những con người dũng cảm. Họ không sợ hãi, họ không ngại khó, họ dám chiến đấu chứ không hời hợt cho qua chuyện.
  • Tôi có 1, 2 lần bị CSGT làm tiền, và ở thế khó, buộc phải đưa tiền, nhưng luôn khó chịu và trăn trở vì điều đó. Tôi không bao giờ khoe chuyện đó hay xem chuyện đó như “bình thường”, ai sao mình vậy, tôi luôn trăn trở để làm điều đúng đắn. Lần này tôi đã làm được, một bước tiến xa. Tất nhiên, tôi sẵn sàng ký biên bản nếu mình sai, nhưng tôi sẽ không hối lộ và làm giàu cho kẻ xấu.
Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời, dù hơi mạo hiểm, nhưng thêm cho tôi dũng khí để sống đúng đắn, để chiến đấu với những bất công (dù nhỏ nhặt) đang xảy ra hằng ngày trên đường phố, trên quê hương. Tôi tự hào mình đã không rút 100 ngàn ra để cho xong chuyện. Cách đó rất dễ. Nhưng, tôi sẽ làm cách khó, vì nó đúng đắn.
Trên phương diện cá nhân, tôi xem đây chỉ là một chiến thuật nhỏ để bảo vệ chính mình và chống lại bất công. Nhưng, để làm được những việc to lớn hơn, ta cần một chiến lược lâu dài.
AVKH
Nguồn: Triết Học Đường Phố 

(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét