Cầu Nhật Tân Thứ Bảy, ngày 11 tháng 4 năm 2015
Sau
một số thất bại tạm thời tại mấy Hội nghị Trung ương gần đây, hàng loạt
quyết định nhân sự vừa qua cho thấy phe Đảng trị đã có những động thái
mang tầm vóc chiến lược lấy lại sức mạnh và lực lượng để chuẩn bị cho
giai đoạn quan trọng nhất có tính quyết định đối với nhân sự khóa 12
tới.
Trước tiên, hơn 50 trường hợp điều động công
tác về địa phương hầu hết thuộc diện “người đằng mình”. Thậm chí nhiều
cán bộ của Văn phòng Trung ương, trường Đảng, báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng
sản, Đài Tiếng nói, Đài Truyền hình Việt Nam cũng được huy động về ém
dưới chức danh lãnh đạo thường trực tại một số tỉnh có địa bàn quan
trọng khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây
Nguyên, Nam Bộ. Một số Ban chỉ đạo “chân không đến đất, cật không đến
giời”, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều có “người đằng mình” cắm
vào. Có lãnh đạo tổ chức đoàn thể khối đối ngoại (ủy viên Trung ương) đã
bị Thủ tướng ký quyết định nghỉ hưu năm ngoái (dù quá nhiều tuổi) nhưng
vẫn được Tổ chức Đảng bật đèn xanh cho ở lại để chuẩn bị thành công đại
hội cơ sở. Số nhân sự nói trên đóng vai trò là lực lượng hậu bị hùng
hậu bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo Trung ương và các địa phương và đặc
biệt sẽ là nguồn phiếu dồi dào làm loãng bất cứ nhóm lợi ích nào có ý đồ
khuynh loát Ban Chấp hành.
Những Ban Đảng quan trọng được chuẩn
bị nhân sự đều bằng “người đằng mình”: Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo,
Dân vận, Nội chính, Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng. Hàng ngũ tư
lệnh, chính ủy các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, học viện, nhà
trường thuộc diện “người đằng mình” đều được Tổ chức gọi đi các lớp lãnh
đạo dự nguồn. Nhân sự lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xong và đều
có thâm niên hoạt động Đoàn, Đảng. Rất quan trọng là lãnh đạo Công an,
Quốc phòng, Tuyên giáo thì nhìn vào sắp xếp nhân sự mới đây, người ta có
thể đoán ngay ra.
Danh sách đề xuất mở rộng nhân sự cho Bộ Chính
trị vẫn được giữ bí mật nhưng qua chuẩn bị nhân sự ráo riết gần đây,
không khó để nhận ra “người đằng mình” chiếm đa số.
Về cơ cấu:
các Ban Nội chính, Kinh tế, Văn Phòng Trung ương và đặc biệt Học viện
Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (trường Đảng) được đề xuất có ghế trong
Bộ chính trị. Một số tỉnh, thành, ngành quan trọng có quyết định cho
tăng ghế trong Trung ương khóa tới thì đều đã được “gia cố” chắc chắn.
Nhiều cơ quan thuộc ngành tư pháp, bộ quan trọng và cơ quan ngang bộ
trước đây là sân riêng của các nhóm lợi ích thì nhân sự đã có dấu hiệu
trở cờ, đổi bên.
Với việc mở rộng số Ủy viên Ban chấp hành Trung
ương (lên đến 290) khóa tới, lực lượng trước đây ủng hộ phe lợi ích nhóm
đang bị pha loãng và phân hóa. Dù tại các Hội nghị trước, phe lợi ích
nhóm chiếm thế thượng phong, song hiện gặp khó khăn là thiếu lực lượng
hậu bị và mất dần các địa bàn chiến lược, đó là chưa kể nhiều thành phần
đã có biểu hiện dao động, đổi bên. Tình hình tương quan lực lượng cho
thấy phe Đảng trị xem ra đã chiếm thế thượng phong trước thềm hội nghị
Trung ương 11 sắp được triệu tập có tính chất cực kỳ quan trọng nhằm
chuẩn bị cho Đại hội 12 diễn ra vào tháng 1 năm 2016.
Đặc biệt,
với kế hoạch về hợp tác công tác đảng giữa hai Đảng Cộng sản Trung Quốc
và Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong chuyến đi của ông Tổng vừa qua,
Trung Quốc sẽ cung cấp những hỗ trợ được cho là quan trọng để tăng
cường sự lãnh đạo của đảng anh em. Giới phân tích cho rằng sự hỗ trợ từ
phía Trung Quốc, ngoài dành cho các công tác đảng thuần túy, còn đặt
trọng tâm vào lĩnh vực then chốt là bảo vệ và xây dựng đảng cũng như đáp
ứng nhu cầu của Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nguồn lực thiết yếu.
Với kế hoạch này, các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản
Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam còn sâu và rộng hơn nhiều so
với những gì Đảng Cộng sản Liên Xô trong quá khứ từng có với Đảng Cộng
sản Việt Nam. “Hợp tác Đảng” đã, đang và sẽ tiếp tục là kênh quan trọng
nhất mà Trung Quốc khai thác triệt để nhằm duy trì ảnh hưởng toàn diện,
thường xuyên, lâu dài đối với Việt Nam.
Cũng trong chuyến đi, một
vài nhân vật đã nhận được sự hậu thuẫn đặc biệt mạnh mẽ của Trung Quốc,
có thể sẽ nắm những chức vụ rất cao tại Đại hội 12.
Trước chuyến thăm Hoa Kỳ, dự kiến sẽ thực hiện vào tháng năm năm nay,
tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời mời của người đồng sự
ĐCSTQ Tập Cận Bình, đi thăm Trung Quốc từ 7 đến 10.4.2015. Cùng đi với
ông Trọng có 4 uỷ viên bộ chính trị gồm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Đinh Thế Huynh; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và ba
uỷ viên khác trong ban chấp hành trung ương đảng. Chuyến thăm được thực
hiện gần một năm sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng
biển Việt Nam khiến quan hệ giữa hai nước bị rạn nứt nghiêm trọng.
Hai bên đã ký một Thông cáo chung (9 điểm) tại Bắc Kinh ngày 8.4 ghi lại những thoả thuận hợp tác. Bài này chỉ bàn về hai chủ đề chính trong đó.
Về hợp tác song phương
Dĩ nhiên, đây là phần chính của các cuộc đàm phán trong chuyến đi, được phản ánh trong điểm 4/ của Thông cáo chung.
Sau khi nhắc
lại những mong muốn duy trì và phát triển các quan hệ giữa hai đảng CS,
Thông cáo chung đề cập tới phần hợp tác kinh tế như sau (người viết nhấn
mạnh – in nghiêng – một số điểm sẽ trở lại trong bài) :
Thực hiện tốt
"Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế -thương mại Việt - Trung
giai đoạn 2012 - 2016", thúc đẩy thực hiện Danh mục các dự án hợp tác
trọng điểm và các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại mà hai bên đã ký
kết. Thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng, bền
vững; phía Trung Quốc khuyến
khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh
tranh của Việt Nam; hai bên tích cực nghiên cứu việc đàm phán, ký kết
Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung. Sớm bàn bạc và
xác định phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua
biên giới; thiết thực thúc đẩy các dự án kết nối cơ sở hạ tầng. Thúc
đẩy hợp tác trong các ngành nghề nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ và các
lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, kiểm nghiệm, kiểm dịch, v.v.
Phía Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư phát triển và
sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến Trung
Quốc khai thác mở rộng thị trường. Phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận
lợi cần thiết cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư kinh doanh tại
Việt Nam.
Hai bên tuyên bố chính thức thành
lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác
tiền tệ, đồng ý tăng cường điều hành, phối hợp giữa các nhóm này và Nhóm
Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển toàn diện.
Có vài điểm có thể nêu ra trong đoạn văn trên:
- “phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam”. Khá
trịch thượng ! Các anh không làm được hàng có chất lượng với giá rẻ thì
đừng hòng tôi nhập khẩu. Trịch thượng vì hiển nhiên không cần thiết
phải đưa vào văn bản một câu nói như vậy. Nhưng ngược lại, nếu các nhà
hữu trách Việt Nam biết ngượng mà cố gắng đưa ra những chính sách khuyến
khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sức người, sức của làm ra những
mặt hàng tốt (khi đó, cũng không cần anh bạn “mở rộng nhập khẩu” đâu,
thiên hạ thiếu gì người sẵn sàng mua hàng tốt và rẻ !). Những người làm
trong công nghiệp VN, cả quan chức và doanh nghiệp chắc nên cảm ơn lời
nhắc nhở vô tình này.
- “chính thức thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng”. Câu
này khá mơ hồ, nếu người ta không đọc tiếp những thông tin được báo chí
VN đăng tải về cuộc hội đàm giữa hai ông tổng. Trong bài Hội đàm cấp
cao hai Tổng Bí thư Việt Nam - Trung Quốc trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, có đoạn viết :
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng
định Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào
Việt Nam, nhất là có những dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại tiên
tiến, tiêu biểu cho trình độ phát triển và công nghệ của Trung Quốc, ưu
tiên trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ
trợ; đồng thời đề nghị Trung Quốc
quan tâm chỉ đạo lựa chọn nhà thầu có năng lực và khả năng tài chính để
các dự án đầu tư tại Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo
chất lượng công trình.
Lạ, việc chọn
nhà thầu tốt là trách nhiệm của chủ công trình (đây là những công trình
xây dựng ở VN, cho VN) thì sao lại có yêu cầu chính phủ TQ chọn nhà
thầu ? Nếu nó chọn mà mình không chịu thì sao? Tại sao nhà lãnh đạo cao
nhất của một nước lại hạ mình đặt ra lời xin xỏ đó, và khi đối tác
« thương tình » bảo không nên đưa ra như thế trong bản Tuyên bố
chung thì vẫn chỉ đạo các báo trong nước nói thẳng ra là mình đã đưa ra
« yêu cầu » như thế (chắc là để « lấy điểm » với dân sau khi có rất
nhiều bài báo than là nhà thầu Trung Quốc làm ăn bê bối1). Có phải vì thế mà Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng” được thành lập ?
- đồng ý tăng cường điều hành, phối hợp giữa các nhóm này và Nhóm Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển. Tại
sao phải phối hợp hoạt động của hai nhóm kinh tế (cơ sở hạ tầng và hợp
tác tiền tệ) với nhóm hợp tác trên biển ? Hạ tầng là giàn khoan ? Tiền
tệ tiêu trên Biển Đông sẽ là nhân dân tệ ? Người ta càng có thể nghi ngờ
là “Thông cáo chung” không nói hết, khi đọc thông tin được các nhà báo
Nhật của tờ Nikkei Asian Review đưa ra, theo đó, ông Trọng đã đồng ý “đưa cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng.” (tin được đăng lại trên BBC 8.4.2015). Mối liên quan giữa "ba nhóm công tác" là đây chăng? Xin xem thêm lời bàn của Vũ Quang Việt ở cuối bài.
Vấn đề Biển Đông
Ghi trong điểm 5/ của Thông cáo chung. Trích:
Cùng kiểm soát
tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử
của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm
phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh,
duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên nhất
trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên
biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc
đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy
hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung
tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay.
Đoạn nhai lại
trên ngược lại với thực tế trước mắt là TQ đang xây pháo đài trên biển
Đông, đã được báo chí thế giới công bố, và báo chí Việt Nam cũng đã
đăng lại2. Những xây dựng đó không phải là “hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”
hay sao? Ông Trọng hoàn toàn lờ đi chuyện này, và lại hứa hẹn và ký
thêm với TQ những điều có lợi cho họ trong thông cáo chính thức giữa hai
nước. Không hiểu VN được lợi gì? Biển Đông có phải là ao nhà của Trung
Quốc và Việt Nam cộng lại đâu, còn Philipin, còn Malaysia và các nước
ven biển khác, làm sao chỉ “duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung” mà có thể bảo đảm “hòa bình, ổn định ở Biển Đông”?
Nói về Biển Đông mà chỉ nói như một vấn đề “trên biển Việt Nam – Trung
Quốc”, phớt lờ các nước khác thực chất là từ bỏ những đồng minh có thể,
đồng minh tốt nhất của VN, để đơn thân bước vào hang cọp. Một nhân vật
đã lên tới chức Tổng bí thư một đảng chính trị lớn không thể ngu tới mức
không biết điều này. Người ta chỉ có thể kết luận: ông Trọng đặt bút ký
vào một Tuyên bố chung như vậy là cố tình dọn đường cho những bước thu tóm quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị.
Ông Trọng sắp
đi Mỹ để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, thế là ông "được" mời
sang Bắc Kinh trước. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại
Trung Quốc (bài trên Bauxite Việt Nam), nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc (bài trênBBC),
đều chỉ rõ cái ý đồ của Bắc Kinh sau tấm "thiệp mời" giờ chót ấy. Ông
Trọng và các đồng sự của ông trong Bộ chính trị ĐCSVN không thể không
biết điều đó. Các toan tính ngoại giao bình thường nhất cho thấy ông vẫn
nên đi, vẫn phải đi. Điều đó, trừ khi tiên quyết đã sẵn mối nghi ngờ
với mọi hoạt động của ông, người ta dễ dàng chấp nhận. Cái khó chấp nhận
là ông tới để khấu đầu, khác với các vị quan đi sứ của các thời phong
kiến. Liệu chuyến đi Mỹ đã dự kiến ấy có còn ý nghĩa ?
Hoà Vân
(tác giả cảm ơn một vài gợi ý của Vũ Quang Việt)
Chú thích:
1. Chẳng hạn như :
- loạt bài (37 bài !) của báo Đời sống & Pháp luật chung quanh chủ đề « nhà thầu Trung Quốc » chủ yếu trong ngành năng lượng:
2. Lấy ví dụ, bài này: Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, thế giới ‘bó tay’ ? hoặc bài này, mới hơn: Trung Quốc gấp rút xây đảo Vành Khăn.
Vũ Quang Việt
Mấy lời bàn thêm
Không thể bỏ qua sự liên quan giữa nhóm công tác về cơ sở hạ tầng, nhóm
về hợp tác tiền tệ và sự thúc đẩy của phía TQ được ghi trong thông cáo
là “Sớm bàn
bạc và xác định phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh
tế qua biên giới; thiết thực thúc đẩy các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.”
Không nói rõ nhưng thật ra nó nằm trong ý đồ xây dựng con đường tơ lụa
trên biển mà biên giới, đường sá miền bắc, cảng Hải Phòng là địa danh
nối liền các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây với Biển Đông nhằm phục vụ cho xuất
nhập hàng hoá của họ. Điều này đã được báo Nhật nhắc đến như đã nói
trong bài [1] và một nhà nghiên cứu từ TQ đang làm việc tại Viện Đông
Nam Á của Singapore cũng phân tích trong một bài vừa xuất bản.[2]. Lời
hứa trên của Nguyễn Phú Trọng được cụ thể hoá bằng các nhóm công tác có
thể đưa đến tình hình tệ hơn những gì xảy ra ở dự án Bô Xít ở Tây Nguyên
mà Nông Đức Mạnh đã ký và nhiều đời Tổng bí thư ĐCS TQ thúc giục đòi
phía VN giữ lời hứa. Hợp tác nhằm giúp TQ thực hiện con đường tơ lụa
trên biển có lợi gì cho VN? Có thể cho rằng đấy là dịch vụ thông thường
mà VN nên cung cấp, qua đó thu phí và tạo công ăn việc làm. Chuyện rất
có thể không đơn giản như vậy, nhất là TQ là nước luôn luôn muốn dùng
sức mạnh với VN. Thử lý giải về khả năng kiểm soát của VN cuộc làm ăn
chung này như thế nào:
1. Rõ ràng VN không phải là nước độc quyền cung ứng dịch vụ chuyển vận
này. Nếu TQ không hài lòng và muốn tạo áp lực gây rối loạn kinh tế như
trước kia họ kêu gọi thợ đào mỏ than trở về TQ để làm ngừng trệ sản xuất
than thì họ có thể chuyển hàng sang các ngả khác như qua Myamar và Thái
để sang châu Âu, châu Phi hay Trung Đông. Các con đường đó có lẽ tiết
kiệm hơn nhiều cho TQ. Đoạn về tàu thủy thì chắc chắn là ngắn hơn nhiều
rồi. Cảng Hải Phòng lại không phải là cảng nước sâu nên chi phí sẽ cao
hơn, và chủ yếu cũng chỉ có thể phục vụ hàng TQ đi tới các nước phía Bắc
và Úc và cùng lắm là Đông Nam Á.
2. Cũng rõ ràng là hạ tầng miền bắc và Hải Phòng nếu được phát triển dư
thừa so với nhu cầu nội địa cũng chỉ có thể phục vụ TQ. Và để xây dựng
hạ tầng này VN phải dựa vào vốn TQ và do đó phải dùng nhà thầu TQ và mua
hàng hoá máy móc của TQ. Như thế, TQ là nước độc quyền cầu, có nghĩa là
nước duy nhất dùng dịch vụ, VN lại là con nợ, vậy thì cũng nên nghiên
cứu xem xét lợi hại điều mà ông Trọng hứa hẹn với TQ để đừng bị đưa vào
thế kẹt. Đây là một vấn đề lớn, chưa nghiên cứu, chưa có tiếng nói của
Chính phủ, chưa bàn ở Quốc hội, thế mà tại sao một ông Tổng Bí thư lại
dành cho mình quyền hứa trên?
[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150408_xi_trong_haiphong_silk_road.
[2] http://www.iseas.edu.sg/documents/publication/TRS3_15.pdf.
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét