Đỗ Kiên Cường | |
(TRAO ĐỔI VỚI NHÀ VĂN HÀ VĂN THÙY)
Mấy
năm nay, nhà văn Hà Văn Thùy, vốn được đào tạo chính qui về sinh học,
tả xung hữu đột trên nhiều báo viết và báo mạng để tuyên truyền cho giả
thuyết, từ 40.000 năm trước, người Việt đã lên khai phá Trung Quốc. Vì
thế người Việt là nguồn gốc của người Hán, tiếng Việt là chủ thể của
tiếng Hán, và người Việt sáng tạo nhiều thành tựu văn hóa vẫn được xem
là của người Hán. Có lẽ đây là sự tiếp nối truyền thống mà Kim Định, Lê
Mạnh Thát và một vài tác giả khác đã đặt nền móng, với một chiều kích
hoàn toàn mới.
Một
số tác giả, gồm cả các nhà nhân học và khảo cổ học, đã lên tiếng phản
đối, nhưng đều bị Hà Văn Thùy át giọng bằng một số kiến thức nhân học
phân tử, một phân ngành của nhân học chuyên dùng các phân tích phân tử
và di truyền để khám phá nguồn gốc và tiến hóa loài người hay để phân
loại và xem xét quá trình tiến hóa của các động vật nhân hình. Trên Văn nghệ ngày 19-4-2008, trong bài Rời khỏi Địa Đàng hay hành trình chiếm lĩnh Trái đất, sau khi trình bày giả thuyết, Hà Văn Thùy đã khiêm tốn bày tỏ nguyện vọng được “quí vị cao minh chỉ giáo”.
Không
có kiến thức chuyên sâu về nhân học phân tử, nên trong lúc chờ đợi các
nhà di truyền học và nhân học lên tiếng cho danh chính ngôn thuận, người
viết xin được trình bày một số hiểu biết cá nhân hạn hẹp, rất mong bạn
đọc thông cảm. Cũng xin nhấn mạnh rằng, người viết không tự xem mình là “cao minh”, nên không dám “chỉ giáo”, mà chỉ trao đổi minh bạch và thẳng thắn, với tư cách một cây bút khoa học, viết theo tiếng Anh là science writer, nhằm rộng đường dư luận.
1. Về nguồn gốc loài người:
Hiện có hai quan niệm chủ yếu về nguồn gốc loài người. Đó là thuyết Rời khỏi châu Phi và thuyết Tiến hóa trên nhiều vùng (Hà Văn Thùy viết là thuyết Một trung tâm và thuyết Đa trung tâm). Mang nhiều tên gọi khác nhau (mô hình Rời khỏi châu Phi, giả thuyết Một nguồn gốc mới đây, giả thuyết Thay thế hay mô hình Nguồn gốc châu Phi mới đây), thuyết Rời khỏi châu Phi (mới
đây) cho rằng, người hiện đại tiến hóa tại Đông Phi (Kenya, Tanzania,
Ethiopia, Uganda) khoảng 160-200 ngàn năm trước, với một nhánh rời khỏi
châu Phi chỉ 60 ngàn năm trước. Những người này dần dần thay thế mọi
loại người từng tồn tại trước đó trên khắp hành tinh, như người
Neanderthal hay người đứng thẳng (Homo erectus). Thực ra người đứng
thẳng cũng từng rời khỏi châu Phi gần hai triệu năm trước. Vì thế mô
hình nguồn gốc người hiện đại thường được gắn thêm tính từ mới đây để phân biệt.
Ngược
lại, thuyết Tiến hóa đa vùng cho rằng, người hiện đại tiến hóa tại
nhiều nơi trên hành tinh, và sự hòa huyết thường xuyên giữa các vùng
khiến cho tất cả các chủng người không tách biệt nhau về mặt di truyền,
giải phẫu và sinh lý. Từng có giả thuyết xem các gien ngoài châu Phi
chiếm 80% bộ gien chung của loài người; tuy nhiên đến nay cộng đồng khoa
học thừa nhận rằng, sự hòa huyết là tương đối hiếm, với phần đóng góp
ngoài châu Phi nằm trong khoảng 0-10% bộ gien chung.
2. Vai trò di truyền học trong nhân học:
Nhân
học phân tử bắt đầu với việc phân tích protein, nay tập trung phân tích
ADN, chất liệu mang thông tin di truyền. Ngoài ADN trong nhân tế bào
chiếm phần chủ yếu, còn có ADN trong ti thể, bào quan chuyên tạo năng
lượng cho tế bào. Các ADN này đảm trách việc tổng hợp hơn 30 protein mà
ti thể cần để sinh năng lượng. Được nhận chân từ 1963, nhưng vai trò
của chúng, đặc biệt trong nhân học phân tử, chỉ được biết trong thập
niêm 1980. Chúng được di truyền theo đường mẹ con.
Năm 1987, trên tạp chí Tự nhiên
lừng danh, dựa trên kết quả nghiên cứu ADN ti thể của các tộc người
khác nhau, ba nhà khoa học Cann, Stoneking và Wilson đưa ra một phát
hiện chấn động dư luận: Toàn bộ nhân loại trên trái đất hiện nay là hậu
duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước. Đó
là nàng Eva ti thể, theo cách tôn xưng của giới truyền thông.
Từ
cuối thế kỉ trước, khoa học bắt đầu quan tâm tới các ADN trong nhiễm
sắc thể Y, loại nhiễm sắc thể qui định giới tính nam, do cha truyền cho
con trai. Nghiên cứu của Spencer Wells, nhà di truyền học và nhân học Mỹ
sinh năm 1969, hiện đang lãnh đạo Đề án bản đồ gien do Hội địa
lý quốc gia Mỹ, hãng IBM và Quĩ gia đình Waitt tài trợ, cho thấy, toàn
thể nam giới trên hành tinh hiện nay đều có nguồn gốc từ người đàn ông
duy nhất sống tại Đông Phi 60 ngàn năm trước. Đó là chàng Adam nhiễm sắc
thể Y, đối tác của nàng Eva ti thể sống từ hơn 100 ngàn năm trước đó.
(Kinh Thánh xem Adam và Eva là hai người đầu tiên trên thế giới; còn ở
Đông Phi từng có rất nhiều Adam và Eva, nhưng chỉ Adam của Wells và Eva
của Cann mới có hậu duệ hiện đang tồn tại. Con cháu của các Adam và Eva
khác đều đã tuyệt chủng).
Đầu
thế kỉ 21, khi hoàn tất bản đồ gien người, khoa học có thêm một công cụ
mạnh mẽ để nghiên cứu nguồn gốc và tiến hóa loài người. Bằng cách so
sánh bộ gien của các tộc người, có thể biết sự tiến hóa giữa họ theo
thời gian và địa lý với độ chính xác cao hơn hai kĩ thuật trước đó rất
nhiều.
Các
kĩ thuật di truyền khẳng định ưu thế của thuyết Rời khỏi châu Phi so
với thuyết Đa vùng. Đó là lý do có tỉ lệ 0-10% nói trên. Hiện Viện nhân
học tiến hóa Max Planck, Đức, đang phân tích ADN từ hóa thạch tìm thấy
tại Croatia của người Neanderthal, loại người đã tuyệt chủng 28 ngàn năm
trước, sau khi từng thống trị châu Âu hàng trăm ngàn năm. Qua đó giúp
trả lời câu hỏi, chúng ta tiến hóa hoàn toàn biệt lập (tỉ lệ 0%) hay có
sự hòa huyết ít nhiều với một số loại người từng tồn tại trước đó. Theo
tạp chí Người Mĩ khoa học số tháng 7-2008, câu trả lời sẽ có trong vòng 12 tháng tới.
3. Hành trình chiếm lĩnh hành tinh của người hiện đại:
Theo những công bố mới nhất, hành trình chiếm lĩnh trái đất của người tinh khôn (Homo sapiens) có thể miêu tả lại như sau:
· 200.000-60.000 năm trước:
Người hiện đại tiến hóa tại Đông Phi. Bắt đầu có một số cuộc di cư nội
châu Phi và vượt biển Đỏ sang Trung Đông. Người vượt biển hoặc bị diệt
vong hoặc quay lại cố hương khi đối mặt với người Neanderthal (cuộc chạm
trán lần thứ nhất).
· 60.000-55.000 năm trước: Vượt biển Đỏ tại eo Bab el Mandeb sang Yemen rồi men theo bờ biển Ấn Độ Dương tới lục địa Sunda (gồm vùng Đông Nam Á chưa bị biển ngăn cách) rồi đi tiếp tới Australia.
Ngoài ra là các nhánh tới Cận Đông và Trung Á. Tất cả các cuộc di cư
này đều được nhận chân nhờ dấu gien M*. Từ Ả-rập Xê-út có hai nhánh quay
ngược về Bắc và Đông Phi (dấu gien đặc trưng là M1).
· 55.000-40.000 năm trước:
Đây là thời kì dư cư điển hình của người hiện đại. Một nhóm từ vài trăm
tới một vài ngàn người tinh khôn (dấu gien M168) vượt biển Đỏ rồi tách
đôi tại Trung Đông. Một nhánh (dấu gien M174) đến Sunda, lên Đông Bắc Á,
tới Siberia và Mông Cổ, trước khi vòng
xuống Tây Nam Trung Quốc. Nhánh thứ hai hoặc tới Bắc Âu (dấu gien R)
hoặc tới Trung Á (Bắc Afganistan). Từ đây Homo sapiens đi xuống Đông Nam
Á và châu Úc (dấu gien B); xâm nhập miền Trung (dấu gien F) và Nam
Trung Quốc (dấu gien B); ngược lên Mông Cổ, Altai (Siberia) và Bắc Trung Quốc (dấu gien A, B, F). Nhiều nhánh vượt Siberia qua eo Bering để tới Bắc và Nam Mĩ (dấu gien A, B, C, D).
Tiếp
tục xâm nhập Trung Á (M9); Ấn Độ (M69); và theo bờ biển tới Sunda trước
khi sang Philippines và Australia, cũng như lên Đông Bắc Á, vào Siberia
rồi men theo bờ Thái Bình Dương sang Tây Bắc Mỹ (đều có dấu gien M130)
· 40.000-35.000 năm trước:
Từ Trung Á tới châu Âu (M173), Trung Âu và bán đảo Iberia (M343), một
nguyên nhân khiến người Neanderthal tuyệt chủng (cuộc chạm trán lần thứ
hai, với kết quả ngược với lần thứ nhất). Cũng từ Trung Á, họ tiếp tục
xâm nhập Tây Bắc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc (M175),
· 35.000-30.000 năm trước: Từ Tây Nam Trung Quốc, Homo sapiens tới Đài Loan (M119), Indonesia, Triều Tiên và Nhật Bản (cùng mang dấu gien P31).
· 20.000-10.000 năm trước:
Từ Đông Á, người tinh khôn di cư tới Tây Bắc Mĩ (M217). Từ Bắc
Afganistan, người hiện đại di cư lên Bắc Âu (LLY22), qua Siberia tới
Alaska (M242), rồi tới Bắc và Nam Mĩ (M3). Từ Đông Nam Á, họ đi tới châu
Đại Dương (M4); còn từ Nam Trung Quốc, họ ngược lên tới Hoàng Hải
(M122).
Trên đây là mốc thời gian và địa lý của những cuộc di cư chủ yếu. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu chi tiết tại địa chỉ www.nationalgeographic.com trên mạng.
4. Quan điểm của Hà Văn Thùy:
Hà
Văn Thùy cho rằng, khoảng 40.000 năm trước, người Việt từ Đông Dương
lên khai phá lục địa Trung Hoa. Ở đó, trong không gian địa lý rộng lớn,
người Việt phân ly thành Bách Việt. Rồi ở phía nam Hoàng Hà, người
Mongoloid phương Bắc hòa huyết với người Việt còn ở lại tạo ra chủng
Mongoloid phương Nam, được gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán sau
này. Chuỗi sự kiện đó xẩy ra vào khoảng 600 năm trước Công nguyên, khi
người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất Bách Việt (Văn nghệ, 19-4-2008).
Đó
là giả thuyết rất khó chấp nhận trên cả phương diện nhân học phân tử và
lịch sử. Vậy sai lầm của tác giả bắt nguồn từ đâu? Đó là việc lập
thuyết hầu như chỉ dựa trên cuốn Địa Đàng phương Đông: Lục địa Đông Nam Á đã chìm của Stephen Oppenheimer, một tác phẩm phổ biến khoa học không được giới chuyên môn đánh giá cao; và diễn giải sai kết quả của Đề án đa dạng bộ gien người Trung Quốc, đăng trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học Mĩ PNAS, số ngày 29-9-1998.
Oppenheimer
là bác sĩ người Anh, chuyên gia về nhi khoa nhiệt đới. Từ 1972, ông làm
việc tại Đông Nam Á, châu Phi, Hồng Công, trước khi qui cố hương năm
1996 để bắt đầu nghề nghiệp thứ hai là nghiên cứu và phổ biến kiến thức
về nguồn gốc loài người. Trong Địa Đàng phương Đông, ông giả định
lục địa Sunda (Đông Nam Á) lúc chưa bị nước biển nhấn chìm là nguồn gốc
của hầu hết các tộc người trên thế giới. Nên nó được gọi là Địa Đàng
phương Đông. Do đó Hà Văn Thùy dẫn lại trên Văn nghệ “Khoảng
85.000 năm trước, một nhóm băng qua mũi biển Đỏ rồi men theo bờ phía nam
bán đảo A rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều
thuộc nhóm này”.
Đối
chiếu với các cuộc di cư trình bày ở trên, có thể thấy đó là quan niệm
sai lầm, vì chàng Adam nhiễm sắc thể Y sống tại Đông Phi chỉ 60.000 năm
trước. Đồng thời theo Wells, không phải hành trình phía Nam
men theo biển Ấn Độ Dương, mà hành trình phía Bắc lên Trung Á (Bắc
Afganistan) mới là con đường di cư chủ yếu. Khoảng 90% dân số Á - Âu
hiện nay là hậu duệ của những nhà thám hiểm con đường này.
Còn
nguồn gốc người Hán? Có đúng họ là hậu duệ của người Mongoloid phương
Bắc và người Bách Việt như Hà Văn Thùy giả định hay không? Thật may là
rất dễ truy xuất bài báo gốc Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc,
do Chu, Huang, Kuang và 14 tác giả khác đăng trên PNAS, một trong số ít
tạp chí khoa học vẫn còn miễn phí truy cập. Kèm theo là bài bình luận Dự án đa dạng bộ gien người Trung Quốc
của Cavalli-Sforza, người đầu tiên dùng kĩ thuật phân tích protein
trong nhân học. Với vốn tiếng Anh tạm đủ dùng, người viết bài này tìm
mãi mà không thấy những thông tin động trời như Hà Văn Thùy viết: “70.000 năm trước, người hiện đại từ Trung Đông theo đường Ấn Độ Dương rồi men bờ biển Nam Á tới định cư tại miền Trung và Bắc Việt Nam. Nghỉ tại đây 10.000 năm, người tiền sử lai giống, lan tỏa khắp lụa địa Đông Nam
Á… Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu ấm lên, người từ Đông Dương đi lên
khai thác lục địa Trung Hoa... Trong các dân châu Á, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất”.
Vậy Chu và đồng sự kết luận như thế nào về nguồn gien người Trung Quốc? Theo họ, “sự
phân biệt giữa người Trung Quốc phương Bắc và phương Nam quan sát thấy
trong phân tích dấu gien, cũng như trong các đặc trưng nhân trắc và phi
nhân trắc” (PNAS, Số đã dẫn, trang 11763). Và “phân tích hiện nay
giả định rằng dân cư phía Nam vùng Đông Á có thể đến từ Đông Nam Á, mà
ban đầu xuất phát từ châu Phi, có thể qua Trung Á (tức con đường phía Bắc, người viết nhấn mạnh), và cư dân phía Bắc vùng Đông Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nguồn gien vùng Altai phương Bắc” (PNAS, Sđd, trang 11767, cột 1). Trên cơ sở đó, họ kết luận: “Chúng tôi đã xác lập được rằng, dân cư Đông Á là đối tượng của nhiều nguồn gien khác nhau: Đông Nam
Á, Altai từ Đông Bắc Á, và Trung Á hoặc châu Âu. Điều thú vị là cần xác
định phần đóng góp của từng nguồn. Đáng tiếc là nghiên cứu này chỉ tiến
hành với một phần nhỏ dân cư. Một nghiên cứu trên các tộc người toàn
quốc là cần thiết để hoàn thành bức tranh như vậy” (PNAS, Sđd, trang 11767, cột 2). Hoàn toàn không thấy thông tin hỗ trợ cho quan niệm của Hà Văn Thùy.
Như
vậy lập luận chủ yếu của Hà Văn Thùy không đúng với sự thật về nguồn
gốc loài người nói chung, nguồn gốc người Hán nói riêng. Còn các lập
luận thứ yếu thì sao?
Theo tác giả, “người
tiền sử tới nước ta gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid. Họ hòa
huyết thành 4 chủng: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid, đều
thuộc loại hình Australoid”. Đây là lập luận ngược. Theo số liệu
hiện nay, khoảng 60-50 ngàn năm trước, ba nhóm người tiền sử tới Sunda,
với các dấu gien M (60 ngàn năm trước), M130 và M174 (cùng 50 ngàn năm
trước); từ đó họ tới Australia rồi tiến hóa thành người Australoid
(M130), tới vùng quanh Mông Cổ ngày nay để dần thành người Mongoloid
(M174), chứ không như Hà Văn Thùy quan niệm. Trong bài Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt?
(www.viet-studies.info, 22-4-2008), tác giả còn xem người Lạc Việt là
người Indonesien. Không có kiến thức dân tộc học, nên người chỉ viết hy
vọng rằng, Indonesien không chỉ là người Indonesia. Rồi xem người Mông Cổ và người Úc hòa huyết tạo nên người da đen (Negritoid) cũng là quan niệm lật ngược thực tại.
Lập luận “có
những nhóm Mongoloid riêng biệt từ Tây Đông Dương đi lên chiếm lĩnh
vùng Tây Bắc Trung Quốc và địa bàn Mông Cổ hiện nay, trở thành tổ tiên
những bộ lạc Mông Cổ sống du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc”
cũng là lập luận ngược. Người hiện đại tới vùng Sunda, ngược lên Đông
Bắc Á rồi rẽ vào Siberia và Mông Cổ và thành người Mongoloid phương Bắc.
Từ đó họ vòng xuống Tây Nam Trung Quốc, Tây Bắc Đông Nam Á để thành
người Mongoloid phương Nam (dấu gien M174) chứ không như Hà Văn Thùy giả
định. Đó là lí do một nghiên cứu năm 1992 trên tạp chí Di truyền học nhận xét, có thể người Việt có nguồn gốc từ người Mongoloid.
Theo Hà Văn Thùy, “khoảng
600 năm trước CN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách
Việt... Chiếm đất phía nam Hoàng Hà, người Mongoloid phương Bắc hòa
huyết với người Việt còn lại, tạo ra chủng Mongoloid phương Nam, được
gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán sau này”. Những lập luận đậm sắc thái tư biện này hoàn toàn sai so với sự thật khách quan.
Thứ
nhất, 600 năm trước CN, không có cuộc xâm nhập đến tận Hoàng Hà của
người Mông Cổ. Thứ hai, quan niệm người Mongoloid phương Nam là “người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán sau này” là sai, vì người Hán có sự phân biệt Nam Bắc rất rõ ràng, như Chu và đồng sự đã kết luận. Thứ ba, ở trên thì viết “những
nhóm Mongoloid riêng biệt từ Tây Đông Dương đi lên… trở thành tổ tiên
những bộ lạc Mông Cổ sống du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc”; ở dưới lại viết “người Mongoloid phương Bắc hòa huyết với người Việt còn lại, tạo ra chủng Mongoloid phương Nam”;
vậy thì Bắc sinh ra Nam hay Nam sinh ra Bắc, hỡi tác giả chủ thuyết
người Việt sinh ra người Hán? Và người Hán đã có từ hàng ngàn năm trước,
chứ họ đâu có đợi tới tận năm 600 trước CN mới nghẹn ngào chào đời sau
cuộc hôn phối giữa Mông Cổ và Bách Việt?
5. Kết luận:
Từ
những điều đã trình bày, có thể bác bỏ quan niệm người Việt khai phá
lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước, một quan niệm dựa trên giả thuyết có
lẽ không đúng trong một tác phẩm phổ biến khoa học và trên cách hiểu
sai công trình nghiên cứu nguồn gien người Hán. Ngoài ra là một số kiến
thức phi chuẩn và cách lập luận gọt chân cho vừa giầy (như xem người
hiện đại là hậu duệ của người đàn ông duy nhất cùng ba người đàn bà, cho
ra ba đại chủng da đen, da vàng và da trắng). Quan niệm như thế có thể
gây nhiễu loạn môi trường học thuật và tâm thức nhân dân, nên cần được
trao đổi kịp thời để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Trên
đây là nhận thức của một người thiếu kiến thức chuyên sâu về khảo cổ
học và nhân học, rất mong nhận được góp ý của bạn đọc xa gần. Người viết
xin trân trọng cảm ơn trước.
Theo viet-studies.info
|
|
Đỗ Kiên Cường |
Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015
Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không?
19:38
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 nhận xét:
Đăng nhận xét