TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯÒI ANH EM
(và một số bài tranh luận)
Lữ Phương
5.
Chiến Tranh Việt Nam:
Chủ quyền Quốc gia, Xung Đột Ý thức hệ
và Hoà giải Dân tộc
LỜI TÁC GIẢ:
Bài viết này vốn là những ý chính
của một đề cương dự định triển khai thành một cuốn sách
nhưng còn dang dở và chưa chắc được tiếp tục. Nhân ngày 30
tháng 4 năm nay (2005), thấy trong và ngoài nước xuất hiện
nhiều phát biểu rất mới mẻ, sôi nổi, đặc biệt những ý kiến
xoay quanh cuộc bàn cãi của một người Việt ngoài nước với
một người Việt trong nước về “tên gọi” của cuộc chiến tranh
đã qua ở Việt Nam, tôi đã lục lại đề cương nói trên, sửa
chữa thêm thắt (nhất là đoạn cuối), xin được gửi đến các vị
đã tham gia tranh luận như một đóng góp để tham khảo[1].
THỰC DÂN PHÁP VÀ CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH CHỦ QUYỀN và
THỐNG NHẤT CỦA VIỆT NAM
Kết quả của một dòng chảy liên tục, cuộc chiến tranh
1954-1975 không thể tách rời khỏi quá trình đấu tranh giành lại chủ
quyền và thống nhất dân tộc mà Việt Nam đã có được trước khi bị thực
dân Pháp xâm lược.
1. Cuộc đấu tranh này diễn ra dưới nhiều hình thức
nhưng do truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam, do chính sách
thực dân khắc nghiệt của Pháp nên bạo lực đã được hầu hết những tổ
chức chống thực dân chọn lựa. Từ Cần Vương, Phan Bội Châu đến Nguyễn
Thái Học, Hồ Chí Minh…[2]
Về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, hãy bắt chước nhiều
người giả định điều sau đây: nếu sau cách mạng 1945, thực dân Pháp
không trở lại Việt Nam thì điều gì sẽ xảy ra? Không phải ngưởi Việt
Nam mà chính là những lực lượng ngoại xâm đã quy định hình thức bạo
lực này. Rất tiếc, nhưng lịch sử 2000 năm của Việt Nam đã không thể
sản sinh ra được một Gandhi.
2. Vấn đề ý thức hệ không hề được đặt ra trong suốt
thời kỳ chống sự xâm lăng của Trung Hoa phương Bắc. Mục tiêu của
cuộc chiến đấu này chỉ thuần là giữ gìn chủ quyền về mặt lãnh thổ,
hoàn toàn không có khía cạnh ý thức hệ (chống Tàu về mặt xâm lược
nhưng vẫn thần phục Tàu về “thi thư, văn hiến”). Nhưng đối với cuộc
chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân thì vấn đề ý thức hệ lại đặt ra
như một tất yếu: nếu không muốn phục hồi xã hội cổ truyền đặt cơ sở
trên Nho giáo thì phải tìm một ý thức hệ mới để hiện đại hoá đất
nước. Sự chọn lựa đầy cạm bẫy, nhưng không thể tránh khỏi vì bước
vào thời hiện đại là bước vào “kỷ nguyên của những ý thức hệ”
[3].
3. Do tính chất đặc biệt của thời kỳ bị ngoại bang
thống trị, vấn đề ý thức hệ ở Việt Nam không giống với những quốc
gia đã có độc lập và cũng không giống với thời kỳ Việt Nam đã giành
được độc lập. Nó luôn gắn liền với nhưng muu tính chống lại sự đô hộ
của nước ngoài để vừa phục hồi chủ quyền vừa tìm cách đi ra khỏi xã
hội cổ truyền. Sự khác nhau về đường lối biểu hiện trong các cương
lĩnh của những đảng chính trị là sự biểu hiện khác nhau về phương
pháp đấu tranh để đạt mục tiêu hai mặt ấy. Trong tình thế đó, sự
khác nhau về đường lối không hề dẫn đến những cái mà chúng ta gọi là
“nội chiến ý thức hệ”.
5. Sự khác nhau ấy chỉ trở nên gay gắt khi một đường
lối nào đó có dính dáng trực tiếp đến một thế lực ngoại lai đang
trực tiếp thống trị Việt Nam. Không phải vô lý khi chủ trương “Pháp
Việt đề huề” của Phạm Quỳnh đã bị các nhà nho theo đường lối duy tân
kết án. Cũng không phải là vô lý khi tính chính đáng trong chủ
trương của nhiều lực lượng chính trị ra đời từ chính sách “khai hoá”
của thực dân đã bị nghi ngờ. Thực tế là khi những lực lượng này phát
triển thì khát vọng muốn thay đổi nguyên trạng cũng nẩy nở. Nhưng do
bị điều kiện hoá bởi nền văn hoá thống trị của thực dân, các ý thức
hệ mà các lực lượng này đề xướng vẫn không vượt khỏi con đường thoả
hiệp.
6. Tuy vậy, trong những tình thế cực đoan, các ý thức
hệ đã bộc lộ tính chất biệt phái của chúng khi được sử dụng để phục
vụ cho cuộc tranh giành quyền lực phát sinh trong lòng cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa thực dân. Là những công cụ huyễn hoặc, các ý
thức hệ đã tạo ra lý luận cho những mưu toan độc quyền chính nghĩa
dân tộc: bất cứ những ai không theo “ta” đều có thể bị xem là “địch”
hoặc “tay sai địch”. Các loại “địch” này là vô số: thực dân, đế
quốc, bành trướng, Pháp, Mỹ , Nhật, Nga, Hoa… Thái độ này không phải
là thuộc tính của một thứ ý thức hệ riêng rẽ nào. Nó càng trở nên
nguy hiểm khi một thế lực chính trị nào đó giành được chính quyền và
nhân danh ý thức hệ ấy để thống trị.
Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN và KHÔNG CỘNG SẢN Ở VIỆT NAM
Trong tất cả những lý luận chính trị hiện đại đã du
nhập vào Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp, có hai hệ thống đã đi
song hành với nhau cho đến ngày nay, được nhiều người tổng kết và
gọi đó là ý thức hệ không cộng sản và ý thức hệ cộng sản.
1. Khái niệm “ý thức hệ không cộng sản” rất rộng rãi
và mơ hồ, tuy vậy xét về thực chất, thì đây chính là ý thức hệ tư
sản dân quyền, bắt nguồn từ Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp và Tuyên
ngôn Độc lập của Mỹ. Ý thức hệ này đã du nhập vào Việt Nam trong
thời kỳ thuộc Pháp, nhưng nguồn cảm hứng tạo ra hành động lại xuất
phát từ cuộc Cách mạng Tân hợi do Tôn Dật Tiên lãnh đạo và được Quốc
Dân Đảng Trung quốc tiêp nối. Khi từ Nhật giạt sang Trung quốc, sau
chủ trương Đông du thất bại, chính Phan Bội Châu là người đầu tiên
đã ngả sang đường lối này bằng cách lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng,
sau này được Nguyễn Thái Học thừa kế và truyền lại cho nhiều đảng
phái khác có cùng mục đích chống Pháp xây dựng xã hội mới.
2. Ý thức hệ cộng sản thường được xem là bắt nguồn từ
học thuyết Marx. Nhưng thứ “chủ nghĩa Marx” du nhập vào Việt Nam đó
chỉ là chủ nghĩa Lenin của Quốc tế Ba, một hình thức vận dụng Marx
vào những nước thuộc địa cũng với mục đích chống chủ nghĩa thực dân
để hiện đại hoá xã hội. Khi phổ biến sang những nước chống đế quốc,
nội dung của nó chính là chủ nghĩa dân tộc toàn trị stalinít. Có một
điều đặc biệt cần được quan tâm là trong hoàn cảnh Việt Nam, phải
dựa vào Trung Hoa để xây dựng căn cứ địa bên ngoài và để tìm sự hỗ
trợ trong hoạt động, đồng thời lại có truyền thống xem Trung Hoa như
một hình mẫu văn hoá để noi theo, thứ chủ nghĩa Stalin đó khi đi vào
Việt Nam đã mang màu sắc Mao Trạch Đông khá rõ rệt. Một thứ chủ
nghĩa Stalin đã “Trung quốc hoá”.
3. Cái gọi là “chủ nghĩa cộng sản Việt Nam” này như
vậy thật sự chỉ là người anh em song sinh với cái gọi là “chủ nghĩa
không cộng sản Việt Nam”: cả hai đều ra đời từ cái nôi cách mạng của
nước Trung Hoa hiện đại. Không phải lúc nào chúng cũng đối lập nhau,
trái lại đã có thể cùng nhau hợp tác trong việc hình thành các tổ
chức cách mạng chống thực dân, nhất là trong những năm 1925-1927 ở
Quảng Châu (Nguyễn Hải Thần đã hoạt động khá thân thiết với Hồ Chí
Minh). Sự bất hoà đưa đến xung đột giữa hai bên chỉ xảy ra trong
thời gian giành giật chính quyền quyết liệt (1945, 1946), đặc biệt
khi Việt Nam được chọn như địa bàn tranh chấp giữa Mỹ và phe cộng
sản quốc tế sau khi Chiến tranh Thế giới II chấm dứt.
4. Tuy là một thực tế, nhưng nhìn chung, sự khác nhau
giữa các ý thức hệ trong thời kỳ chống thực dân không phải là những
mâu thuẫn sinh ra từ bản thân xã hội Việt Nam. Nó là kết quả của
những mâu thuẫn của thế giới tác động vào khi Việt Nam giao tiếp với
phương Tây nhưng cũng là phản ứng của Việt Nam trước tình trạng bị
phương Tây thống trị. Sự chuyển động của Việt Nam không phải là cuộc
chuyển động được “uỷ nhiệm” từ bên ngoài mà đã đi theo cái lôgích
nội tại của bản thân: giành lại chủ quyền từ bên ngoài để thống nhất
và hiện đại hoá dân tộc. Tính chất hai mặt đó trong cuộc tranh đấu
của Việt Nam là đặc điểm quan trọng nhất trong thời kỳ lịch sử mới
của Việt Nam trong thế kỷ 20.
5. Tính chất hai mặt đó không lúc nào cũng đồng nhất.
Trong thời kỳ đất nước còn bị ngoại bang thống trị, nội dung khác
nhau của các ý thức hệ luôn luôn phụ thuộc vào mục đích giành chủ
quyền dân tộc nhưng sẽ trở thành sự thách thức quyết liệt trong điều
kiện đất nước đã độc lập, hoà bình. Theo viễn cảnh này, sự chiến
thắng hay thất bại của những lực lượng chống thực dân chủ yếu chưa
phải là sự đúng sai của các ý thức hệ khác nhau mà là sự hiệu nghỉệm
hay không của những ý thức hệ đó trong việc huy động sức mạnh truyền
thống của dân tộc để đạt mục đích của mình., Đảng cộng sản Việt Nam
đã chiến thắng được chủ nghĩa thực dân Pháp vì đã làm được điều đó,
trong khi các xu hướng chống thực dân khác đã thất bại vì không làm
được
[4].
SIÊU CƯỜNG MỸ và CUỘC CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG LẦN THỨ
HAI
Vấn đề đặt ra trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần
thứ hai này là Đảng cộng sản Việt Nam có còn giữ được ngọn cờ đó hay
không? Câu trả lời không đơn giản vì sự can thiệp của Mỹ vào Việt
Nam lần này không giống với người Pháp trước đây.
1. Sự can thiệp đó đã diễn ra dưới một hình thực hoàn
toàn khác. Thay vì xâm chiếm đất đai, tạo ra thuộc địa để
trực tiếp cai trị và khai thác như Pháp đã làm thì Mỹ lại sử dụng
những thủ đoạn gián tiếp để dựng nên một chính quyền bên ngoài độc
lập nhưng bên trong phụ thuộc qua đó thực hiện chính sách của mình,
cụ thể vào lúc bấy giờ là đường lối đối ngoại thời Chiến Tranh Lạnh:
chia cắt lâu dải Việt Nam, qua đó “be bờ”, không cho chủ nghĩa cộng
sản bành trướng xuống Đông Nam Á
[5]. Tất cả
đều không bắt nguồn từ đâu ngoài cái mà người Mỹ gọi là “lợi ích”
của Mỹ với tư cách là một siêu cường, chứ không phải là một cái gì
khác. Chắc chắn, không ai hiểu rõ điều này cho bằng những “đồng
minh” Việt Nam của Mỹ từ 1954 đến 1975, khi họ nhớ lại những biện
pháp mà Mỹ đã sử dụng để khống chế, áp lực từ đe doạ cắt giảm viện
trợ đến đảo chính, bỏ rơi v.v… đối với họ như thế nào.
2. Quả thật vấn đề ý thức hệ ở đây đã được đưa lên
hàng đầu nhưng đó lại là thứ ý thức hệ của Mỹ chứ không phải của ai
khác: dương cao ngọn cờ “dân chủ” của “thế giới tự do” để chống lại
chủ nghĩa cộng sản quốc tế độc tài, đảng trị. Thật sự khi gọi cộng
sản là “độc tài, đảng trị” thì chẳng có gì là oan, nhưng khi nhân
danh lý tưởng “tự do” và “dân chủ” để bảo vệ cho những chính quyền
như chính quyền Ngô Đình Diệm (thí dụ) do Mỹ tạo ra thì đó là một
thứ huyễn hoặc quá sần sùi, thô lậu. Một chính quyền độc tài, sắt
máu chẳng khác gì với chính quyền cộng sản bao nhiêu: cũng dựa vào
một ý thức hệ ngoại lai để tạo ra một chế độ độc đảng, duy trì quyền
lực độc tôn bằng những cuộc thanh trừng, trấn áp vô cùng tàn khốc
những lực lượng khác (không chỉ với cộng sản mà cả với cả những
người cùng chia sẻ ý thức hệ “không cộng sản” với mình). Với một sự
khởi đầu như vậy, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam chẳng hứa hẹn
điều gì tốt đẹp.
3. Tuy vậy, khi nhìn vấn đề từ một khía cạnh khác,
người ta phải nhận rằng sự can thiệp ấy không hoàn toàn chỉ là tiêu
cực, như chính sách “be bờ” chủ nghĩa cộng sản. Đây không chỉ là một
chiêu bài mà chính là ý chí muốn ngăn bước tiến của một ý thức hệ
thật sự đang mang tai hoạ cho thế giới. Ý thức hệ này nhân danh cách
mạng, tự cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”, là một “học
thuyết khoa học giải phóng nhân loại khỏi mọi áp bức lầm than” nhưng
thực chất chỉ là một thứ ý chí luận về sự nhất thể hoá đời sống,
thực hiện bằng huyễn hoặc và áp chế, thanh trừng kiểu Stalin và Mao
Trạch Đông… Với một thứ “chủ nghĩa cộng sản”như vậy thì không phải
chỉ có Mỹ mới muốn ngăn lại.
4. Cũng không thể không quan tâm đến một số mặt chính
đáng trong cái mô hình “không cộng sản” mà Mỹ dự định xây dựng cho
những nước nằm trong quỹ đạo của nó. Nhất là với những nước thuộc
Thế giới Thứ ba được coi như chiến trường thử thách việc “ai thắng
ai” giữa “hai con đường”. Với chủ đích đó, mô hình do Mỹ đề xuất cho
những nước chậm tiến rất khác với mô hình thống trị thuộc địa của
chủ nghĩa thực dân cổ điển. Đó là một mô hình về phát triển đặc biệt
dành cho những nước chậm phát triển, với mô hình ấy, những nước này
có thể có được cơ hội để cất cánh nhanh chóng trong tự lực. Cái giả
định cho rằng nếu Mỹ không vấp phải những sai lầm ở Việt Nam thì
tương lai của cái thực thể chính trị mang danh là “Việt Nam Cộng
Hoà” sẽ hoàn toàn có khả năng đứng ngang hàng với những thực thể
khác cùng nằm dưới cái dù bảo trợ của Mỹ (như Nam Hàn, Đài Loan,
Thái Lan, Indonesia v.v…), cái giả định ấy không phải là không mang
tính hiện thực
[6].
VIỆC ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÁNH BẠI MỸ Ở VIỆT NAM
Dưới những hình thức can thiệp như trên, với sức mạnh
của một siêu cường, thống soái phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc Chiến
Tranh Lạnh, Mỹ đã tạo ra được một cơ hội bằng vàng là dựng nên được
một “quốc gia” Việt Nam Cộng Hoà để thực hiện mục tiêu của mình,
nhưng tại sao đã thất bại hoàn toàn?
1. Câu hỏi trên đây cho đến ngày nay, sau 30 năm,
người Mỹ vẫn chưa tìm được sự trả lời thống nhất. Hàng loạt
nguyên nhân đã được đưa ra: không phát huy được hết sức mạnh
vì bị trói chân trói tay (về chính trị, phương tiện lẫn thời gian…);
lao vào một chiến trường xa lạ để đánh nhau với một đối thủ mà mình
không hiểu rõ; sai lầm về đối sách với đồng minh bản địa (ủng hộ nhà
độc tài Ngô Đình Diệm rồi sau đó lại lật đổ ông ta làm cho tình hình
rối ren thêm); đánh giá không hết ý chí và tiềm lực của kẻ thù;
không đưa ra được một cuộc cải cách xã hội có hiệu quả để đối phó
với cuộc cách mạng cộng sản; sai lầm về học thuyết domino v.v… Do
xuất hiện từ tình thế thất bại cho nên hầu hết các ý kiến trên đây
đều mang nội dung của những “bản tự kiểm” cay đắng.
2. Còn đối với những người cộng sản chiến thắng thì
câu trả lời trước sau vẫn là duy nhất. Mỹ thất bại ở Việt Nam là vì
Mỹ xâm lược, Việt Nam thắng Mỹ là vì Việt Nam chiến đấu bảo vệ tổ
quốc của mình, Việt Nam được nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ,
bầu bạn (phe ta) giúp đỡ và trên hết Việt Nam thắng Mỹ vì Việt Nam
có Đảng Cộng sản lãnh đạo tài ba với đường lối khoa học, đúng đắn:
kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa xã hội...
Không phải những câu trả lời trên đây không chứa đựng ít nhiều sự
thật, nhưng do xuất phát từ ý định lợi dụng lịch sử để củng cố quyền
lực hiện tại cho Đảng, nên không tránh khỏi phiến diện, một chiều,
huênh hoang, đắc chí. Tất cả mọi luận điểm nói trên đều dựa vào ý
thức hệ chính thống gọi là “Mác-Lênin”, lấy ý thức hệ ấy để giải
thích mọi thắng lợi, nhưng trong khi lập luận thì lại cố tình không
nói gì đến những sai lầm cực kỳ tệ hại mà chính cái ý thức hệ ấy đã
mang đến cho đất nước, trong thời chiến tranh lẫn thời hoà bình.
3. Nhìn lại mọi việc từ một khoảng lùi về thời gian,
chúng ta thấy về phía Mỹ, ý định xây dựng ý thức hệ cho sự can thiệp
của mình vào Việt Nam đã hội đủ nguyên nhân để thất bại. Sự thất bại
ấy biểu hiện trước nhất ở chỗ Mỹ không tạo nên được một chính quyền
không cộng sản ở miển Nam có đủ năng lực và chính nghĩa để đương đầu
với phong trào nổi dậy tại chỗ do trung ương Đảng cộng sản từ miền
Bắc chỉ đạo[7].
Chính sự thất bại đó (chính phủ Ngô Đình Diệm là sự khởi đầu) đã
khiến Mỹ phải từ bỏ vai trò giấu mặt để trực tiếp nhảy vào giải
quyết bằng chiến tranh. Một cuộc chiến tranh mà tác dụng đầu tiên
của nó là càng làm cho những chính quyền sau Ngô Đình Diệm trở thành
những hình nộm của Mỹ. Và cũng là một cuộc chiến tranh mục đích
không phải chỉ để giết hại những người cộng sản cầm súng mà là để
tiêu diệt tất cả những gì nằm dưới tầm rơi của bom Mỹ, dù đó là con
bò, cành cây hay một đứa bé. Chính hành động can thiệp khủng khiếp
này đã đập vỡ toàn bộ những dự định xây dựng, những hứa hẹn của Mỹ
cho Việt Nam, làm cho hình ảnh của Mỹ ở Việt Nam trở thành một đế
quốc tàn bạo trước mắt thế giới.
4. Chính cái hình thức và quy mô can thiệp trắng trợn
và dữ dội nói trên của Mỹ đã giúp những người cộng sản miền Bắc có
cơ hội làm lắng xuống những tai hại về ý thức hệ mà họ đã gây ra
trong những cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất, đàn áp trí thức… để
dương lại ngọn cờ dân tộc mà họ đã chiếm giữ được từ thời chống thực
dân, sau đó ồ ạt đưa người vào Nam “đánh Mỹ”. Sự thắng lợi của cộng
sản Việt Nam hoàn toàn không phải là sự thắng lợi về ý thức hệ (chủ
nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng) như những nhà lý luận cộng
sản đã khoe mà chính là sự thắng lợi của ý chí chống ngoại xâm mà
Đảng cộng sản Việt Nam đã biết khơi dậy để lôi những người Việt Nam
“không cộng sản” vào cuộc chiến đấu của mình.Thật đáng ngạc nhiên
khi nghe nhắc lại chuyện đã qua, chúng ta chỉ thấy người phía bên
này chửi rủa những người phía bên kia, người thất bại cãi cọ với
người chiến thắng nhưng không mấy ai nhắc đến một cách đúng mức vị
trí của những người khởi đầu chẳng theo bên này lẫn bên kia (những
người “không cộng sản”thứ thiệt), nhưng cuối cùng đã phải đứng lên
“chống Mỹ như những người Việt Cộng sản” vì không thể ngồi nhìn bom
đạn Mỹ dội xuống đất nước như một sự huỷ diệt, tiến hành bởi một
đoàn quân viễn chinh mà sứ mạng “bảo vệ tự do” của nó rút lại là
đồng nghĩa với huỷ diệt
[8] .
NHỮNG CỰU THÙ, AI THẮNG AI?
Hiển nhiên Đảng cộng sản đã thắng và Mỹ đã thua.
Nhưng đó là chuyện của thời điểm 30 tháng 4 cách đây đã 30 năm. Bây
giờ khi nhìn lại mọi việc, ý nghĩa và hậu quả của việc thắng bại ấy
không còn như trước nữa.
1. Sự chiến thắng của Đảng cộng sản là một sự kiện
động trời với nước Mỹ và ngoạn mục với thế giới. Nhưng với Việt Nam,
sự chiến thắng ấy chỉ đem lại cho tuyệt đại đa số những người dân
bình thường điều mà họ đã mòn mỏi mơ ước từ lâu: đất nước được hoà
bình. Và hơn nữa, phục hồi lại toàn vẹn chủ quyền trong thống nhất,
từ đó tạo điều kiện cho những giấc mơ mới sinh thành. Nhưng chưa kịp
định hình thì những giấc mơ này đã tan vỡ ngay lập tức. Đảng cộng
sản khai thác được sức mạnh của dân tộc để chống ngoại xâm, nhưng ý
thức hệ cộng sản đem vào xây dựng lại hoàn toàn đi ngược những điều
đơn giản: chữa lành những vết thương chiến tranh, tạo dựng lại cuộc
sống yên ấm cho nhân dân. Tất cả những sai lầm từ miền Bắc mệnh danh
“xã hội chủ nghĩa” sau khi thắng Pháp nay đã được lập lại nguyên vẹn
ở miền Nam sau khi thắng Mỹ: cũng trả thù những người khác chiến
tuyến, khắc nghiệt với những người khác ý kiến, cũng đấu tranh giai
cấp bằng cải tạo ở thành thi, hợp tác hoá ở nông thôn, gây ra đói
nghèo, khổ sở, khiến bao người bỏ nước ra đi… trong khi đó thì ồn ào
phất cờ “tiểu bá” tạo cớ cho người anh em “đại bá” đưa xe tăng và
đại pháo tràn sang biên giới nhen lại chiến tranh. “Thắng trong
chiến tranh nhưng bại trong hoà bình”
[9], đã có
hơn một tác giả phương Tây từng ủng hộ Việt Nam trước đây nhận xét
như vậy sau khi Việt Nam thống nhất không lâu.
2. Nhưng với Mỹ thì có khác. Kỷ niệm 30 năm sau cái
ngày 30 tháng 4 u ám, đáng lẽ phải quên thì một tờ báo Anh đã không
quên mà lại khẳng định: “Nước Mỹ đã thua”, nhưng liền sau đó (với
một dấu phẩy) lại là một khẳng định khác khá thú vị: “Chủ nghĩa tư
bản đã thắng” (America lost, capitalism won)
[10]! Tất
cả đều “đã” thì có nghĩa là mọi việc đã hiển nhiên rồi. Và như vậy
thì cũng có nghĩa là Mỹ đã không thua hoàn toàn, Mỹ chỉ thất bại
trong cái ý thức hệ can thiệp và chiến tranh nhưng đã không thất bại
trong cái ý thức hệ xây dựng và phát triển. Triển vọng về một Việt
Nam “hoá rồng” theo cái mô hình châu Á mà Mỹ đã tạo điều kiện cho
nhiều nước thực hiện trong thời chiến tranh Việt Nam hiện nay lại
đang là sự phấn đấu vươn tới của nhiều thế hệ người Việt Nam đã sống
sót và đã sinh ra sau cuộc chiến tranh ấy. Một người xa quê hương 30
năm, nay trở về thăm nhà chắc hẳn sẽ có dịp thấy tận mắt điều đó
đang diễn ra như thế nào. Rõ ràng là “chủ nghĩa tư bản” đã được phục
hồi. Với tất cả những nô nức hứa hẹn thăng tiến cuộc sống xen lẫn
với nghèo đói, ma tuý, mại dâm, tội ác, tham nhũng… ồn ào, chụp
giật, rừng rú, vui buồn đủ thứ nhưng đó vẫn là “chủ nghĩa tư bản”
chứ chẳng phải là cái gì khác. Chính trên cơ sở của sự chuyển động
hạ tầng này mà Mỹ đã có thể làm hoà để trở lại đất nước của kẻ thù
cũ của mình, với những toan tính mới của một siêu cuờng, nhưng không
phải bằng bom đạn và chất độc khai quang.
“đỒng hỒ đã dỪng lẠi sau ngày 30-4-1975”!
Vấn đề thực sự nhức nhối hiện nay của Việt Nam chỉ
còn là vấn đề giữa những người Việt Nam với nhau, nặng nề nhất vẫn
là giữa những người “Việt Nam Cộng Hoà” “thất bại” phải di tản ra
“hải ngoại” và những người lãnh đạo cộng sản “chiến thắng” đương
quyền ở “nội địa”. Tình trạng căng thẳng giữa hai bên cho đến nay
vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
1. Đối với Đảng cộng sản Việt Nam thì sự việc là quá
đơn giản như chúng ta đã biết: họ là người chiến thắng! Tất nhiên
không phải hễ ai chiến thắng thì có được chân lý. Nhưng bởi vì người
chiến thắng ấy là những người theo chủ nghĩa cộng sản stalinít thì
không phải chỉ chân lý mà cả lòng yêu nước, lịch sử, tương lai, khoa
học, văn hoá … cũng phải xếp cùng hàng với họ. Chính cái ý thức hệ
stalinít ấy đã tạo cho họ cái tâm thế đặc thù ấy. Cho nên đòi hỏi họ
phải hạ mình xuống xin lỗi những người đã bị họ đánh bại là chuyện
khó có thể xảy ra. Họ có thể thay đổi về sách lược và ứng xử, nhưng
ít khi nào trực tiếp bày tỏ công khai, minh bạch mà chỉ bộc lộ qua
một số tín hiệu nào đó, gián tiếp và mập mờ. Ngay cả khi làm như vậy
họ cũng cố giữ tư thế của kẻ bề trên cúi xuống chiếu cố những người
bên dưới – trong khi vỗ về kêu gọi “khép lại quá khứ” thì vẫn cứ
gồng gân lên lớp người ta về lập trường yêu nước, cuối cùng thì mới
hể hả kêu gọi… kết đoàn
[11]!
2. Cái cung cách chơi kèo trên ấy chắc chắn chỉ có
tác dụng tưới thêm dầu vào ngọn lửa hận thù ngùn ngụt của cái cộng
động hải ngoại mệnh danh là “Việt Nam Cộng Hoà”. Tập thể lưu vong
đặc biệt này, không đại diện được cho tất cả các cộng động những
người Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm nhiều thành phần phức tạp về
nguồn gốc, thế hệ, tầng lớp, tuổi tác, khuynh hướng) nhưng do có
được cái danh nghĩa của cả một chế độ từng tồn tại trên một miền đất
nước, được chính phủ Mỹ mang theo trong những ngày thất bại, nên với
một số lượng khá lớn chạy ra nước ngoài, họ đã đứng lên nhận lãnh
nhiệm vụ phục hồi danh nghĩa cho cái thực thể chính trị ấy, qua đó
lôi kéo những thành phần khác vào quỹ đạo của mình, xây dựng lực
lượng, hy vọng có được cơ hội trở về tái tạo cơ đồ. Cái tâm thế lưu
vong của họ vì vậy cũng khá đặc biệt. Là nạn nhân của hàng loạt
những yếu tố đưa đến sự thất bại đau đớn, trông chờ mờ mịt, sự tồn
tại ngày nay của họ là sự tồn tại của những dằn vặt, uất ức hận thù
không thể nào nguôi.
3. Được chính phủ Mỹ giúp đỡ cưu mang, nhưng họ luôn
chỉ trích, cho rằng người đồng minh cũ này đã không giúp họ tiến
hành cuộc chiến chống cộng đến cùng. Không ít những nhân vật cùng
chiến tuyến cũng đã bị họ bêu rếu không thương tiếc vì đã làm “mất
nước” do thối nát, ươn hèn. Đả kích những người thiên tả phản chiến
(Mỹ lẫn Việt) cho rằng bọn này “đã nối giáo cho giặc”, họ cũng mạt
sát thậm tệ, coi là tay sai của kẻ thù, những ai cất lên thứ tiếng
nói không được coi là dứt khoát và quyết liệt về lập trường như họ.
Tất nhiên đối tượng mà họ căm ghét nhất chính là những người cộng
sản trong nước cho nên họ đã dành rất nhiều thời gian, giấy mực, lời
lẽ để đả kích, chửi bới. Chửi đủ kiểu cách, bất cứ chỗ nào cũng chửi
được, bất cứ ai cũng có thể chửi được (ồn ào nhất là trên những diễn
đàn mạng). Nhiều khi chẳng cần lý lẽ, chẳng cần lọt tai người nghe.
Miễn cứ chửi cho đã, ngang ngược, thô tục. Nhưng cũng thật lạ lùng:
có lúc người ta thấy những lời lẽ ấy bị chụp cho cái nón cối màu
xanh lá cây với lý do: những sự chửi bới quá dữ dằn ấy chỉ có thể là
thủ đoạn khiêu khích của “bọn cộng sản nằm vùng”
[12]!
CƠ SỞ NHẬN THỨC CHO CUỘC HOÀ GIẢI GIẢ TƯỞNG
Sau 30 chấm dứt chiến tranh, việc hoà giải giữa những
người Việt Nam thù địch với nhau không thể không đặt ra khi quan hệ
giữa Mỹ và cộng sản Việt Nam đã trở lại bình thường. Nhưng vấn đề
này sẽ không thể tiến được một bước nào nếu trước nhất hai bên không
chấp nhận “nhìn lại” những việc đã qua một cách khách quan, bình
thản.
1. Về phía những người Việt Nam Cộng Hoà, điều khó
nhất trong nhận thức là không bao giờ thay đổi được niềm tin cho
rằng sự tồn tại của cái thực thể Việt Nam Cộng Hoà ấy là sự tồn tại
của một thực thể độc lập có chủ quyền như một quốc gia riêng biệt,
vì đó đã giải thích sự thất bại của mình như sự sụp đổ của một “quốc
gia” này (miền Nam) bị một “quốc gia” khác (miền Bắc) xâm lược. Họ
không thể nào nhìn ra được thực chất của cái thực thể gọi là Việt
Nam Cộng Hoà ấy (từ chính phủ của Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn
Thiệu) chỉ là sản phẩm của cuộc Chiến tranh lạnh toàn cầu do Mỹ dựng
nên để thông qua đó can thiệp vào Việt Nam, từ đó nhận ra rằng sự
thất bại của họ cũng chính là sự thất bại trong cuộc chiến tranh đó
chứ không phải là cái gì khác. Họ cũng không thể nào lay chuyển được
cái quan niệm về chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, coi đó chỉ là tôi tớ
trung thành của bọn ác ôn “Nga, Hoa” chuyên nghề cướp của giết người
và nô dịch các nước – hoàn toàn không cần biết rằng sự xuất hiện của
phong trào cộng sản thế giới trước nhất là để chống lại những áp
bức, bất công do chế độ tư bản gây ra
[13]; cũng
chẳng cần quan tâm gì đến cội nguồn của phong trào cộng sản Việt Nam
là sự nổi dậy của những người bị lệ thuộc chống lại chủ nghĩa thực
dân, tuy có dựa vào Quốc tế Ba, bị nước này nước này nước nọ trong
phe o ép, lôi kéo, nhưng để đạt được mục đích riêng của mình, chưa
bao giờ chấp nhận để các thế lực ngoại bang này biến thành một công
cụ hoặc một thứ tay sai ngoan ngoãn
[14].
2. Phần những người cộng sản chiến thắng thì tuy đã
hoàn thành được sự nghiệp giành lại chủ quyền cho dân tộc nhưng
những sai lầm về ý thức hệ của họ lại rất nặng nề. Họ không bao giờ
thấy được độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai chuyện không có
cùng một bản chất, không thể dùng cái này để biện minh cho cái kia.
Nếu việc những người cộng sản đánh đuổi được thực dân, đem lại độc
lập và thống nhất cho đất nước đến nay đã được coi là hiển nhiên với
lịch sử thì cũng chính qua cuộc đấu tranh giành độc lập ấy, việc họ
mang về cho đất nước cái “của nợ” ý thức hệ mệnh danh là “chủ nghĩa
xã hội” gây ra bao nhiêu tai hoạ cho người Việt Nam ngay sau khi
chiến thắng cũng đã trở thành hiển nhiên như vậy. Chính vì cứ bám
víu quyết liệt vào cái ý thức hệ có được nhờ chiến tranh đó, dựa vào
nó để biện minh cho chế độ chuyên chính đương quyền hoàn toàn bất
lực trong công cuộc hiện đại hoá đất nước mà những người lãnh đạo
Đảng đã đưa dân tộc sau ngày sau 30-4-1975 vào một cuộc chia rẽ mới,
đau đớn và tuyệt vọng chưa từng có. Những người cộng sản không thể
nào hiểu được thái độ thù hận quyết liệt của một bộ phận người Việt
hải ngoại hiện nay, khởi đầu chỉ là kết quả của cuộc chiến tranh
thất bại của Mỹ, nhưng cùng với thời gian đã được tô đậm thêm nhiều
lần để trở thành cực đoan là đã bắt nguồn từ những sai lầm do chính
những người cộng sản gây ra cho đồng bào trong nước của mình, những
người gọi là “được giải phóng”, chứ không phải là cái gì khác.
3. Thật đáng buồn, trong khi hai cựu thù chính yếu
của cuộc chiến tranh 1954-1975 đã quan hệ lại bình thường thì với
người Việt Nam mọi chuyện vẫn còn như xưa. Chưa bên nào chịu bước
tới một bước để ngồi lại cùng nhau tìm ra nguyên nhân đích thực đã
biến những người anh em thành những “anh em thù hận”. Nói như một
nhà văn hải ngoại: “đồng hồ đã dừng lại sau 30-4-1975”
[15]! Tình
trạng căng thẳng kéo dài ấy chắc chắn không mang lại một chút lợi
ích nào về mặt tinh thần cho những người Việt Nam khắp nơi, dù thuộc
bên này hay bên kia, dù trong nước hay ngoài nước. Nó chỉ có tác
dụng làm ung thối cái không gian văn hoá của mọi người, bắt đông đảo
những con người bình thường ở hai bên, không màng đến ý thức hệ,
hoặc không coi ý thức hệ là cái vì nó mà người ta phải bắn giết nhau
– trong đó rất đông là lớp người trẻ tuổi sinh ra trong thời kỳ sau
chiến tranh – phải hít thở cái không khí truyền thông đầy khói súng
của hai bên, tràn ngập những thứ ngôn ngữ thoá mạ, chửi rủa, bôi
nhọ, sỉ vả, những thứ ngôn ngữ kết dệt bằng bịa đặt, vu khống, bất
chấp sự thật, bất chấp lý trí … những thứ chữ nghĩa của những nguời
tìm mọi cách đào bới từ cuộc chiến tranh đã qua những yếu tố hận thù
để tiếp tục cuộc chiến tranh mang tên “nội chiến ý thức hệ”, một
cuộc chiến tranh chưa bao giờ thật sự xẩy ra trên đất nước.
HÃY CHO ĐỒNG HỒ CHẠY LẠI!
Có thể có một cuộc hoà giải hiện thực trong tương lai
không? Cái gì sẽ tạo ra cơ sở hiện thực cho cuộc hoà giải đó? Câu
trả lời tích cực cho những vấn đề này tất yếu sẽ phải gạt sang một
bên cuộc xung đột cân não ồn ào của những cựu binh chủ chiến của hai
bên mà chỉ có thể tìm thấy nơi những xu hướng tư duy mới, thoát khỏi
được sự xiềng xích của cuộc chiến tranh cũ, đang hình thành.
1. Phải thật công bằng mà nói, góp phần mạnh mẽ tạo
ra xu hướng mới ấy chính là chính sách “đổi mới” của Đảng cộng sản
Việt Nam thực hiện từ 1986 cho đến nay. Mặc dù khó khăn, giục giặc,
mặc dù vẫn còn bị cái đuôi ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” thời chiến
tranh trì kéo nặng nề, nhưng nội dung của sự chuyển động đó không
phải cái gì khác hơn là một hình thức từ bỏ chính cái ý thức hệ mệnh
danh là “xã hội chủ nghĩa” ấy, với tác dụng rành rành của nó là giam
hãm đất nước trong cô lập, nghèo nàn. Và cũng nhờ vào sự chuyển động
đó mà bộ mặt của Việt Nam ngày nay đã khác rất nhiều so với 30 năm
trước đây – đất nước đã giải quyết xong vấn đề “ai thắng ai” rồi!
Trong tình hình ấy, việc mở cửa với thế giới bên ngoài, đặc biệt
việc đặt lại quan hệ bình thường với Mỹ là tiền đề quan trọng để lôi
kéo những người Việt Nam bỏ nước ra đi (trong đó có rất nhiều nhân
vật thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hoà) nay có thể nhìn lại quê
hương như một xứ sở đã có được những điều kiện bình thường để trở về
thăm viếng, sinh sống, làm ăn. Sự khác biệt giữa cái gọi là cộng sản
và không cộng sản vẫn còn tồn tại nhưng cũng đã thu hẹp lại phạm vi
bất đồng và không còn đưa đến những căng thẳng có thể gây “xung đột”
như trước đây. Sự khác biệt trong vấn đề này dường như đang có thiên
hướng trở thành thứ yếu khi đặt bên cạnh những vấn đề khác quan
trọng hơn nhiều lần: vấn đề tìm kiếm một mô hình phát triển dân chủ
để đuổi kịp những nước trong vùng.
2. Chính quá trình đổi mới này đã có tác động tạo ra
từ hai phía một xu hướng suy tưởng thoát ra khỏi những ràng buộc của
những ý thức hệ ra đời trong chiến tranh để nhìn lại lịch sử theo
một viễn quan thực tế, từ đó cùng nhau tìm kiếm lời giải đáp thích
hợp cho những vấn đề đang đặt ra cho đất nước hiện nay. Hàng ngũ
những người cộng sản trong nước (ngay cả những người thuộc vị trí
lãnh đạo) cũng đã phân hoá thành rất nhiều “quang phổ” khác nhau:
bên cạnh một số bảo thủ cứng rắn ngày càng già nua và bị cô lập, đa
số đều đi theo xu hướng cải cách dưới nhiều mức độ, từ việc chấp
nhận những “đổi mới” như hiện nay đến việc đòi hỏi canh tân nhiều
hơn trong vấn đề luật pháp, hành chính, quản lý xã hội, từ việc đòi
hỏi phải thực hiện dân chủ ở “cơ sở” một cách thiết thực đến việc đề
xuất một cơ chế dân chủ trong đảng, tạo ra một hệ thống kiểm soát để
tránh độc đoán và lạm quyền, rồi từ trong đảng mở rộng ra toàn bộ xã
hội. Chính những chuyển động nội tại đó đã có tác động hình thành xu
hướng rất mới ở Việt Nam hiện nay, thường được gọi là “cấp tiến”,
bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau, thuộc nhiều thế hệ khác
nhau, với nội dung ngày càng được xác định minh bạch là phải từ bỏ
chế độ toàn trị stalinít để chuyển sang xây dựng chế độ dân chủ đa
nguyên hiện đại. Mặc dù bị những phần tử cứng rắn đương quyền bội
nhọ, cô lập, bắt bớ, ngăn cấm bằng mọi hình thức nhưng xu hướng này
vẫn không thể dập tắt được.
3. Ở hải ngoại, xu hướng mới cũng đã hình thành với
rất nhiều sắc độ. Có khi chỉ với tư cách của những người anh em muốn
vượt qua các bức tường không phải do mình tạo ra để ngồi lại với
nhau nói chuyện văn nghệ cho vui. Nhưng cũng nhờ thái độ này, giới
văn nghệ trong và ngoài nước đã xoá bỏ được triệt để sự cách biệt
trước đây để cùng nhau hình thành nên một số khuynh hướng sáng tác
mới, nay đã bộc lộ trong một số báo điện tử hải ngoại. Nhiều người
khác, riêng rẽ hoặc kết tập thành nhóm, đã nói đến những chuyện hoà
hợp, hoà giải một cách trực tiếp, với những quan điểm chính trị
không phải lúc nào cũng giống nhau, từ việc nhìn lại cuộc chiến
tranh đã qua về nhiều mặt, giải thích sự thắng lợi của chủ nghĩa
cộng sản lẫn sự thất bại của phe quốc gia đến việc xây dựng một
cương lĩnh cho đất nước trong tương lai… Nhưng hầu như tất cả đều
không chấp nhận thái độ quá khích, chỉ biết chăm chăm chống cộng một
cách mù quáng, với những mưu toan dùng vũ lực hoặc sử dụng biện pháp
trừng phạt (không về nhà và không gởi tiền về nhà, yêu cầu Mỹ cô lập
Việt Nam…), còn với người cùng hội cùng thuyền thì lại viện đến
những thủ đoạn hăm doạ, chửi bới, vu cáo, bắn giết…hết sức cực đoan.
Chủ nghĩa cộng sản vẫn là đối tượng phê phán của xu hướng mới này
nhưng điều đó chỉ xuất phát từ ý hướng muốn dân chủ hoá đất nước chứ
không phải vì thù hận cần phải dùng bạo lực để triệt tiêu.
4. Sự xuất hiện những xu hướng trên đây, từ trong
nước đến hải ngoại, đang đóng vai trò đầu tiên của chúng là hạn chế
và cô lập dần dần những tiếng nói của những thành phần bảo thủ hiếu
chiến của hai bên. Nhưng quan trọng hơn là chúng đã tạo ra được một
môi trường thuận lợi để những khác biệt về tư tưởng có thể cọ xát và
tranh luận trong đối thoại và hoà bình, không những có lợi cho đời
sống văn hoá mà còn có tác động tích cực trong việc tìm ra những
giải pháp thích hợp cho việc xây dựng một nước Việt Nam trong tương
lai, ở đó sự phát triển đời sống kinh tế xã hội không thể nào tách
rời khỏi nhu cầu dân chủ hoá đời sống chính trị, văn hoá. Trong viễn
cảnh đó, những khác nhau về ý thức hệ phải được xem là cần thiết, nó
làm phong phú những hoạt động tinh thần và ngăn ngừa khả năng một hệ
tư tưởng nào đó trượt dài vào cái vũng lầy độc tôn, tệ hại hơn nữa
biến sự khác nhau về tư tưởng thành cuộc chém giết lẫn nhau. Sự phát
triển của những xu hướng văn hoá lành mạnh đó chưa phải là đã gặp
được mảnh đất màu để phát triển dễ dàng nhưng được cuộc sống thực tế
yểm trợ, nên có rất nhiều triển vọng.
Cái đồng hồ đã bị ai đó làm cho dừng lại vào ngày
30-4-1975 đến nay tưởng đã có thể điều chỉnh ngày tháng và cho chạy
lại được rồi!
talawas 30-5-2005
[2]
Chỉ có Phan Chu Trinh vào thời kỳ đó chủ trương phi bạo lực.
Nhưng ngoài “Hội đồng bào thân ái” (một tổ chức tương tế ra
đời 1912 ở Pháp) ông không hề thành lập một đảng chính trị
nào để đấu tranh cho mục đích của mình. (Xem LỮ PHƯƠNG:
Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh).
[3]
Xem FREDERICK M. WATKINS: The Age of Ideology – Political
Thought, 1750 to the Present, Prentice-Hall
International, Enghlewood Cliffs, New Jersy, 1964; bản Pháp
văn: L’ère des idéologies; la pensée politique de 1750 à
nos jours, Nouveaux Horizons, 1966.
[4]
Vấn đề tranh cãi ở đây không phải là xét xem giữa những
người cộng sản và không cộng sản ai yêu nước hơn ai mà là
tại sao những lực lượng chống thực dân không cộng sản lại để
ngọn cờ dân tộc ấy rơi vào tay Đảng cộng sản. Chính những
người không cộng sản – chứ không phải là ai khác – phải có
nhiệm vụ trả lời cho thoả đáng câu hỏi này chứ không phải
ngồi đó nguyền rủa hoặc trách móc về cái giá mà dân tộc phải
trả cho sự chiến thắng của cộng sản. Đối với quá trình phát
triển của đất nước, sự chiến thắng đó đơn thuần chỉ là sự
chiến thắng. Nhưng ý nghĩa của sự chiến thắng đó lại không
phải là duy nhất.
[5]
Về đề tài này xin đọc cuốn The Pentagon Papers do
Bantam Books xuất bản năm 1971 theo bản in của The New
York Times. Đây là công trình của 36 tác giả giấu tên
(do McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời Johnson chỉ
thị thực hiện), đa số là nhân viên dân sự và quân sự trong
trong chính quyền Mỹ, khởi đầu từ giữa 1967, mất một năm
rưỡi mới xong và mang tên là “Lịch sử tiến trình tạo lập và
quyết định của Hoa Kỳ về chính sách Việt Nam”, dài hơn 7000
trang, gần một triệu rưỡi chữ về phần kí sự lịch sử cộng
thêm một triệu rưỡi chữ tài liệu. Phúc trình đã vạch rõ
chính sách của Hoa Kỳ với Đông Nam Á từ những lời tuyên bố
của Tổng thống Roosevelt tới giai đoạn khai diễn cuộc hoà
đàm về Việt Nam vào mùa hè 1968. Hồ sơ bí mật này đã bị
Daniel Ellsberg,
một nguời góp phần soạn thảo, tiết lộ, được Nữu ước thời
báo, Thời báo, Hoa Thịnh Đốn bưu điện báo
đăng tải vào khoảng giữa tháng 6-1971. Nhà thơ
DiỄm Châu của
tạp chí Trình bày ở Sài gòn đã dịch một phần (từ thời
Truman, sau lá bài Bảo Đại cho đến thời Kennedy, sau khi
Diệm đổ), đăng liên tục từ số 26 tháng 8-1971 đến số tháng
9-1972. Đây là một tài liệu phải có cho bất cứ ai muốn
nghiên cứu về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
[6]
LÊ XUÂN KHOA, talawas 29-4-2005.
[7]
Hãy thử
đọc
một câu trong Phúc trình nghiên cứu mật nói trên: “…
American intelligence estimates during the nineteen-fifties
show that the war began largely as a rebellion in the South
against the increasingly oppressive and corrupt regime of
Ngo Dinh Diem” (Tài liệu đã dẫn, tr. 67).
[8]
Có thể nói đây là sự phản ứng đích thực nhất của những người
“không cộng sản” với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam:
trước nguy cơ dân tộc bị huỷ diệt, sự khác nhau về ý thức hệ
sẽ không còn quan trọng nữa. Đảng cộng sản đã khai thác
triệt để tình cảm này và đã lôi kéo rất nhiều người vào hàng
ngũ của họ, nhưng cũng phải nói rằng chính cái hình thức can
thiệp bằng chiến tranh huỷ diệt của Mỹ đã đẩy rất nhiều
người về phía cộng sản từ đó trở thành những người thân
cộng. Thiết tưởng, nhắc lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt
Nam không thể bỏ qua hiện tượng quan trọng này.
[9]
Như
Gabriel Kolko
trong Anatomy of a War: Vietnam and the Modern Historical
Experience, New York: The New Press, 1985,
chương Epilogue ; ý tưởng nói trên được Kolko khai
triển trong Vietnam: Anatomy of a Peace , 2002.
[10]
“America lost, capitalism won”, Economist.com,
25-5-2005.
[11]
Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam đối với người Việt của
phạm trù “Việt Nam Cộng Hoà” đã được trình bày trong bài
“’Gọi tên cuộc chiến’ hay xuyên tạc sự thật?” của NGUYỄN
HOÀ, trên Nhân Dân (nhật báo chính thức của Đảng)
ngày 15-3-2005, tranh luận với bài “30 năm sau vẫn còn tranh
luận: Chiến tranh của Mỹ hay chiến tranh Việt Nam?” của LÊ
XUÂN KHOA trên mạng BBC ngày 15-2-2005. Bài trả lời của Lê
Xuân Khoa gửi đến báo Nhân Dân không được đăng và
cũng không được trả lời: cho đến bây giờ “chơi kèo trên” để
phán một lần là xong vẫn là thói quen không thể nào từ bỏ
được của những nhà quản lý tư tưởng của Đảng!
[12]
Về hiện tượng “chửi” rất đặc biệt này, xem “Nhặt lại những
mảnh vụn “của PHAN XUÂN SINH, talawas 23-5-2005 và
“Cứ chửi đi không sao đâu” của TRẦN TRUNG VIỆT trên Đàn
Chim Việt online (TTV blog’s , 29-5-2005).
[13]
Hãy đọc nhận định sau đây của Giáo Hoàng JEAN-PAUL II về chủ
nghĩa cộng sản: “Le communisme en tant que système est,
d’une certaine manière, tombé tout seul. Sa chute est la
conséquence de ses erreurs et de ses excès. Il s’est révélé
‘un remède plus dangeureux que la maladie elle-même’”
(JEAN-PAUL II : Entrez dans l’Espérance, Plon/Mame,
Paris, 1994, tr. 204). Một thang thuốc trị bệnh nguy hiểm
hơn bản thân căn bệnh, chứ không hề là một
Cái Ác TuyỆt ĐỐi
như một số người công giáo (và không chỉ là công giáo) hải
ngoại đã cho là như vậy!
[14]
Vấn đề lịch sử phức tạp này đến nay vẫn đang còn được bàn
cãi theo những định kiến thuần ý thức hệ, đơn giản, dễ dãi.
Điều này không những chỉ xẩy ra trong hàng ngũ những tác giả
cộng sản mà còn trong hàng ngũ những người đã từ bỏ cộng
sản, những người chống cộng và không cộng sản.
[15]
NGUYỄN MỘNG GIÁC, Hợp lưu tháng 4 và 5–2005.
Posted in: Chính Trị,Lữ Phương
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét